Vì sao chùa Thiên Mụ là lá bùa cầu tâm an?

Chùa Thiên Mụ - nét đẹp linh thiêng giữa lòng cố đô thơ mộng, hữu tình.

                                                                    Vì sao chùa Thiên Mụ là lá bùa cầu tâm an?

    Nằm giữa mảnh đất cố đô thơ mộng, hữu tình không chỉ có dòng Hương giang bất tận mà song hành tô điểm cho bức tranh xứ Huế mộng mơ còn có ngôi chùa Thiên Mụ mang hồn thiêng hoài cổ. Hãy cùng mình trải nghiệm về ngôi chùa bậc nhất cố đô nhé!

1. Thông tin về chùa Thiên Mụ.

+ Địa điểm: Làng Hương Long, bờ Bắc sông Hương – cách trung tâm thành phố Huế 5km.

+ Giờ mở cửa: 8:00 – 18:00.

+ Phí tham quan: Miễn phí.

+ Hướng dẫn di chuyển: Từ trung tâm Huế, đi theo đường Đinh Tiên Hoàn/ĐT8B, rẽ phải vào Trần Hưng Đạo. Sau đó đi thẳng đến Kim Long (qua Trạm Gác Chân bên tay trái) sẽ thấy Chùa Thiên Mụ ở phía bên phải.

+ Chùa Thiên Mụ (có nghĩa là Bà Chúa trời) xây dựng lần đầu vào năm 1601. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa cũng giữ được vẻ trầm mặc, hoài cổ giữa lòng cô đô, thu hút khách du lịch.

2. Khám Phá chùa Thiên Mụ có gì?

Chùa Thiên Mụ không chỉ nổi tiếng với không gian xanh mát, nên thơ mà còn hấp dẫn du khách bởi thiết kế và kiến trúc đồ sộ, nguy nga đẹp xao động lòng ngưới, với:

+ Cổng Tam Quan & Điện thờ Đại Hùng: Bước qua cổng tam quan với 12 vị thần hộ mệnh, bạn sẽ đến được chính điện của chùa – điện thờ Đại Hùng. Cũng giống như bao ngôi chùa khác ở nước ta, cổng Tam Quan mang nét văn hóa và tôn giáo đặc sắc. Nó tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo: “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”. Cổng có hai tầng áp mái, có ba lối đi, mỗi lối đi đều có cửa ván gỗ được đóng bằng đinh đồng và đai chắc chắn. Dường như, lòng thành và sự tôn trọng của người dân Huế dành cho tôn giáo cũng như di sản văn hóa quốc gia được kí gửi qua từng đường nét hoa văn, kiến trúc nơi này!

       

                                                                         Cổng Tam Quan dẫn vào chùa Thiên Mụ (Ảnh:ST)

Bên cạnh đó, tượng hai vị Hộ Pháp uy nghiêm được đặt trước cổng như bảo vệ chùa khỏi các thế lực tà ma. Đó cũng là điều khiến du khách yên tâm khi đặt chân tới nơi này để dễ dàng tìm thấy bình yên, gửi trao niềm tin tại nơi linh thiêng, trong sáng như vậy nhé!

+ Tháp Phước Duyên cổ kính, nguy nga là một biểu tượng nổi tiếng của chùa Thiên Mụ - điểm checkin tuyệt vời mà du khách không thể bỏ lỡ khi đặt chân tới mảnh đất cố đô. Chùa Thiên Mụ là sực kết hợp hòa quyện văn hóa Huế và sự tinh tế giữa châu Á, phương Tây. Trước mỗi cổng tháp có một bức hoành phi được sơn màu vàng nhuốm màu cổ kính qua thời gian. Riêng tầng 4, có một bức hoành phi với 4 chữ “Phước Duyên Bảo Tháp”. 

Dòng Hương giang thật hiền hòa đã vẽ một hình cánh cung về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ nguy nga, lỗng lẫy như một buổi trưa hè, tỏa nắng xuống lòng sông bát ngát đầy thơ mộng, hữu tình. Với kiến trúc nguy nga, đồ sộ, tháp Phước Duyên có độ cao 21m, biểu tượng nổi tiếng được chúa Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844 ở ngay phía trước chùa.

Tòa tháp hình bát giác này được xây bằng gạch đỏ hồng có 7 tầng, nay còn lưu lại dấu ấn trầm tích của lớp phủ thời gian. Là công trình Phật giáo bậc nhất ở Huế nên nơi đây được trang hoàng, đầu tư công phu về hình tượng Phật Giáo, mỗi tầng đều có tượng Phật bằng vàng bên trong. Mỗi tầng được dành riêng cho một vị thần cụ thể. Những bức tượng to, nặng được làm bằng vàng y nhằm thể hiện sư uy nghiêm và linh thiêng của nơi tâm linh cố đô. Đi vào bên trong tháp, bạn có thể nhìn thấy một cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng cao nhất giúp bạn dễ dàng di chuyển, càng lên cao diện tích, không gian càng nhỏ hẹp lại.


                                                 Tháp Phước Duyên cổ kính, uy nghiêm là tâm điểm giữa không gian xanh mát (Ảnh: ST)

+ Chuông Đại Hồng Chung & Rùa khổng lồ: Bên trái tháp Phước Duyên có một quả chuông lớn được đúc năm 1710 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Nó nổi tiếng với kích thước khổng lồ: cao 2,5m và nặng 2.052kg. Song đây chính là minh chứng cho một thời phát triển huy hoàng của nghề đúc đồng cũng như mỹ thuật đỉnh cao của người xưa lúc bấy giờ. Tiếng chuông Thiên Mụ không lạc lõng giữa nơi linh thiêng, thơ mộng mà như hòa vào cỏ cây, cảnh vật. Âm vang ấy đổ ra sông, hòa vào biển, vào chất mặn của đời rồi đi vào tâm hồn người dân cố đô một cách bình yên, thân thương đến lạ thường!

Đối xứng với Chuông Đại Hồng là con rùa lớn khắc bằng đá cẩm thạch được đặt bên phải tháp Phước Duyên. Sở dĩ vì rùa là một trong 4 loài vật linh thiêng ở Việt Nam, đồng hành và gắn bó với con người qua những sự kiện lịch sử oanh liệt và là biểu tượng của sự trường thọ, linh thiêng và học hành. Tấm bia trên lưng rùa là kỷ vật chúa Nguyễn Phúc Chu tu bổ, có từ năm 1715.

+ Đình Hương Nguyện và xe Austin bất tử: Đi bộ ra sân sau, bạn như lạc vào thế giới cổ tích với một khu vườn xinh đẹp yên bình với rất nhiều loại cây cổ thụ và bonsai xanh mướt. Nơi đây có di tích chiếc ô tô màu xanh Austin – chiếc xe “bất tử” gắn liền với cố Hòa thượng Thích Quảng Đức khi đây chính là phương tiện chở Người ra nơi tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật tử của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Dù lớp bụi thời gian đã phủ lên chiếc xe bất tử khiến nó cũ kỹ, hoen rỉ nhưng những chiến tích hào hùng mà chiếc xe ấy chuyên chở sẽ còn sống mãi trong lòng người dân Huế bằng tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Cuối vườn là lăng mộ trụ trì chùa Thiên Mụ nổi tiếng – cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho các hoạt động từ thiện, có ích cứu người, cứu độ chúng sinh. Hãy tỏ lòng biết ơn và thành kính người Hòa thượng có vai trò nòng cốt trong việc phát triển Phật giáo nước nhà nhé!                                                                                          

                                                                                     Xe Austin bất tử (Ảnh:ST)


+ Điện Đại Hùng: Vị trí này được chọn thờ Phật Di Lặc làm chánh điện của chùa Thiên Mụ. Phật Di Lặc hiện diện nơi đây như để cảm hóa, giáo lí chúng sinh. Với đôi tai dài và to, lắng nghe chúng sinh khắp nơi. Bụng phệ để độ lượng, từ bi tha thứ, bao dung mọi lỗi lầm và luôn chào đón mọi người bằng một nụ cười nồng hậu, rạng rỡ. Bạn sẽ vô cùng thoải mái, dễ chịu và có cảm giác như được âu yếm, vỗ về khi đối diên với Phật Di Lặc nhé!

+ Điện Địa Tạng và điện Quan Thế Âm: Khu Địa Tạng nằm ngay sau chánh điện chùa Thiên Mụ. Khám phá nơi này mình như được hòa mình vào thiên nhiên thảo nguyên xanh vô tận, bình yên cho tâm hồn. Vị trí này được xây dựng trên nền của ngôi chùa Di Lặc ban đầu nên có quy mô khá hợp lý. 

Điện Quán Thế Âm đúng như tên gọi của nó, có tượng Quán Thế Âm bằng đồng trên đài sen nở tuyệt đẹp. Hoa sen thanh cao, thuần khiết biểu trưng cho tấm lòng trong sáng, từ bi độ lượng. Bàn thờ của các vị Vua ở hai bên bức tượng lớn, mỗi bên có mười vị thần. Mặc dù nằm gần nhau nhưng hai tòa nhà trong khu vực này đều khoác lên mình màu sắc riêng, ấn tượng riêng, không pha tạp hay trộn lẫn, áp đảo. Khắp điện Di Tang đều có những họa tiết tinh xảo thể hiện đôi bàn tay khéo léo và nghệ thuật tài hoa của người xưa.

3. Bỏ túi kinh nghiệm tham quan chùa Thiên Mụ.

+ Thời điểm thích hợp để ghé thăm chùa là vào buổi sáng sớm để ngắm nhìn khởi đầu tươi mới, rạng ngời của các hoạt động thường ngày hoặc buổi chiều để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên sông Hương. Bạn có thể kết hợp tham quan chùa Thiên Mụ với Hoàng thành, Điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng, Chùa Huyền Không hay lăng Tự Đức.

+ Có thể mang theo chút tiền, đồ lễ cúng dường để tỏ lòng thành kính.

+ Bạn nên ăn mặc kín đáo khi viếng cảnh chùa, không nên ăn mặc hở hang.

+ Chú ý lời ăn tiếng nói, không xả rác bừa bãi.

4. Vì sao chùa Thiên Mụ là lá bùa cầu tâm an?

Là ngôi chùa bậc nhất của mảnh đất cố đô, nơi đây khoác lên mình vẻ hoài cổ, linh thiêng với những kiến trúc nguy nga, cổ kính. Mình không chỉ được ngắm nhìn những hoa văn, thiết kế tinh xảo đậm chất lịch sử mà còn được thưởng thức tách trà chiều và ăn tàu hũ ngắm nhìn hoàng hôn thanh tịnh, níu giữ bình yên trong tâm hồn. 

Bên cạnh chùa Thiên Mụ, mình còn được thưởng ngoạn dòng Hương giang duyên dáng, uyển chuyển mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - người con xứ Huế đã dùng hết bút lực để miêu tả cái đẹp vốn có của nó.

Nếu bạn mong muốn tìm một nơi chữa lành, hướng thiện thì tại đây chính là địa điểm mà bạn đang tìm kiếm rồi đó! Trở về với Phật Giáo, bạn sẽ được giác ngộ, hiểu mình, hướng tới những giá trị tốt đẹp, cho đi trong đời!

Đây cũng chính là điểm đến linh thiêng mà nhiều gia đình, bạn bè thường về đây để cầu may, cầu bình an, cầu phúc, cầu lộc...vào mỗi dịp đầu xuân. 

Thiên Mụ trở thành lá bùa tâm an cũng vì lẽ đó! Bởi nó vốn mang trong mình sự linh thiêng, uy nghiêm cùng nét bao dung, hướng thiện của Phật Giáo đem lại cảm giác an lành, hạnh phúc tại tâm.  

Nếu có dịp ghé thăm cố đô Huế bạn đừng quên trải nghiệm khu vực tâm linh bậc nhất nơi đây nhé! Mong rằng, bài viết sẽ khích lệ lòng ham muốn tò mò khám phá nơi đây trong bạn! Chúc bạn có chuyến đi vui vẻ, bình an.

16 Tháng 08, 2024 272

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành