Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Bật mí 15+ điểm di tích lịch sử tại Cần Thơ độc đáo không thể bỏ qua

Cần Thơ là thành phố lớn, được xem là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ. Từ lâu, nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp sông nước hiền hòa và con người mến khách. Ngoài ra, đây còn là nơi hội tụ nhiều nhân kiệt, nền văn hóa nên có nhiều di tích lịch sử tại Cần Thơ nổi tiếng, chứa đựng ý nghĩa đặc biệt.

Tính đến nay, Cần Thơ có hơn 352 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, tổng cộng 36 di tích được xếp hạng với 14 di tích cấp quốc gia và 22 di tích cấp thành phố. Cùng 63Stravel tìm hiểu các di tích lịch sử tại Cần Thơ độc đáo không thể bỏ lỡ khi đến đây.

Top 15+ điểm di tích lịch sử tại Cần Thơ hấp dẫn du khách

Dưới đây là danh sách các điểm di tích lịch sử tại Cần Thơ hấp dẫn du khách ghé thăm mỗi khi có dịp ghé thăm. Hãy cùng tham khảo và lưu lại nếu có cơ hội đến đây nhé!

Hội Linh Cổ Tự

Hay còn gọi là chùa Hội Linh, là một trong những di tích lịch sử tại Cần Thơ được công nhận cấp quốc gia từ ngày 21/6/1993. Ban đầu, chùa được xây dựng từ năm 1904 bằng tre lá và mang tên Hội Long Tự. Sau khi trùng tu vào năm 1914, chùa được đổi tên thành Hội Linh Cổ Tự và từ đó đã được bảo tồn và duy trì qua nhiều thế hệ.

Dù được xây dựng lại bằng vật liệu hiện đại, chùa vẫn giữ được nét cổ điển của kiến trúc Việt Nam. Ngoài vai trò tôn giáo, chùa còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và bảo vệ cơ sở cách mạng. Năm 1946, để bảo vệ các cán bộ cách mạng, Hòa thượng Thích Pháp Thân đã đốt một phần chánh điện của chùa.

Chùa Hội Linh Cần Thơ - Di tích lịch sử văn hóa Quốc Gia

Chùa Hội Linh Cần Thơ - Di tích lịch sử văn hóa Quốc Gia

Hiện nay, chùa Hội Linh không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là điểm tụ họp của các cuộc họp quan trọng của Đảng bộ Cần Thơ trong giai đoạn bí mật. Kiến trúc của chùa bao gồm các công trình như cổng tam quan, chánh điện, hậu đường và giảng đường. Dãy tường rào hình cánh cung bao quanh chùa cùng với các cổng chính và phụ, tạo nên không gian linh thiêng và trang nghiêm.

Ngoài các công trình kiến trúc, chùa còn nổi bật với các cây cảnh đẹp và 17 pho tượng cổ từ gỗ quý, mang lại giá trị nghệ thuật cao. Điểm nhấn khác là ao sen hình bán nguyệt phía sau cổng chính và các tượng đài trong khuôn viên chùa.

Khu di tích căn cứ Vườn Mận Cần Thơ

Khu di tích Căn cứ Vườn Mận ở Cần Thơ không chỉ là một trong những căn cứ chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân ta mà còn là một địa điểm lịch sử văn hóa đặc biệt, đáng để khám phá. Nơi đây, từng là vườn mận của ông Lê Văn Tiều, sau đó đã trở thành căn cứ quan trọng của Ban Chỉ huy tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Cần Thơ.

Khu di tích Vườn Mận tọa lạc tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 5,5 km. Với diện tích gần 7000 mét vuông, nơi đây từng là trung tâm chiến lược với nhiều hầm bí mật và công sự chiến đấu được xây dựng từ thân dừa, ván, trấu và được che khuất bởi những cây mận hồng đào.

Khu di tích căn cứ Vườn Mận - Di tích lịch sử văn hóa ý nghĩa ở Cần Thơ

Khu di tích căn cứ Vườn Mận - Di tích lịch sử văn hóa ý nghĩa ở Cần Thơ

Trung tâm của khu di tích là một căn nhà lá ba gian đơn sơ nhưng từng là nơi quan trọng trong việc lập kế hoạch tấn công đột xuất vào cơ sở của địch. Các công sự chiến đấu như hầm bí mật hình chữ Z, chữ L được xây dựng dọc theo vườn mận, tạo thành một mạng lưới phòng thủ vững chắc trên tuyến lộ Vòng Cung bảo vệ nội ô thành phố.

Ngày 19/5/2011, công trình di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Vườn Mận chính thức được khởi công xây dựng với nhiều hạng mục như nhà đa chức năng, bia di tích, mô hình nhà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Phi,... Đây là sự đầu tư nhằm lưu giữ và tôn vinh quá khứ hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng, đồng thời là sự tri ân sâu sắc đến những người đã hy sinh vì tổ quốc.

Chùa Pothisomron

Chùa PothiSomron là một ngôi chùa Khmer cổ, nổi bật bên bờ sông Ô Môn tại TP Cần Thơ, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố từ năm 2006. Vượt qua thăng trầm và biến cố, chùa đã có 20 đời trụ trì, với những danh nhân như Hòa thượng Dương Pâu, Dương One, Lý Thớt và nổi bật là Hòa thượng Thạch Khiêng trong giai đoạn từ 1950 đến 1988.

Ban đầu, chùa được xây dựng vào năm 1735 với vật liệu đơn giản như cây lá và tre. Đến năm 1856, chùa được nâng cấp bằng gỗ quý như căm xe, cà chất và được lợp ngói vảy cá. Đáng chú ý, trong giai đoạn 1950-1952, Hòa thượng Thạch Khiêng đã đi Phnom Penh để lấy thiết kế mới từ các kiến trúc sư Campuchia, vẫn giữ nét truyền thống và hoàn thiện chùa như ngày nay.

Chùa Pothisomron - Ngôi chùa Khmer cổ tại Cần Thơ

Chùa Pothisomron - Ngôi chùa Khmer cổ tại Cần Thơ

Kiến trúc của chùa hướng về Đông, với chánh điện là tâm điểm nổi bật. Các bậc thang dẫn lên chính điện có tượng Phật tinh xảo, những hình vẽ trên tường tái hiện cuộc đời Đức Phật sinh động. Mái chính điện với ba cấp chồng lên nhau và hình ảnh rồng vươn mình dọc theo mái tôn, toát lên vẻ uy nghiêm và nghệ thuật tinh tế.

Du khách đến viếng thăm chùa Pôthi Somrôn không chỉ khám phá kiến trúc độc đáo mà còn được thưởng thức không khí yên bình, bóng mát của những cây cổ thụ và cây sala nở hoa thơm ngát. Đây là không gian thánh thiện, mang đậm nét văn hóa và tâm linh của người Khmer, góp phần làm nên vẻ đẹp đặc biệt của du lịch Cần Thơ.

Di tích Hiệp Thiên Cung

Hiệp Thiên Cung là một di tích lịch sử tại Cần Thơ, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia vào ngày 14/4/2017. Sau hơn 160 năm tồn tại, Hiệp Thiên Cung vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghi, cổ kính và kiến trúc đặc trưng của người Hoa.

Hiệp Thiên Cung - Ngôi chùa độc đáo của người Hoa tại Cần Thơ

Hiệp Thiên Cung - Ngôi chùa độc đáo của người Hoa tại Cần Thơ

Ban đầu, Hiệp Thiên Cung là một ngôi miếu nhỏ thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) và Thiên Hậu Thánh Mẫu, được người Hoa xây dựng để cầu an gia đạo, mùa màng bội thu và buôn bán thuận lợi. Năm 1856, miếu được xây mới và mở rộng, mang tên Miếu Quan Công. Đến năm 1904, miếu được trùng tu và đổi tên thành Hiệp Thiên Cung.

Hằng năm, Hiệp Thiên Cung tổ chức nhiều lễ hội lớn như: lễ hợp mặt của người Hoa, lễ Nguyên Tiêu, Giao Thừa, lễ Vu Lan… thu hút đông đảo du khách và cộng đồng người Hoa đến cúng bái.

>> Tham khảoChiêm ngưỡng 18 ‘báu vật’ trăm năm tuổi trong ngôi chùa cổ ở Cần Thơ

Đình Thần Thới An

Đình thần Thới An ở Cần Thơ được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ban đầu có kiến trúc đơn giản, làm từ vật liệu tự nhiên. Năm 1852, vua Tự Đức phê sắc phong đình Thới An là bổn cảnh Thành Hoàng. Sau đó, người dân Cần Thơ xây dựng ngôi đình mới cách đình cũ khoảng 1km, khang trang như hiện nay.

Tham quan đình Thần Thới An Cần Thơ - ngôi đình cổ nhất tại xứ Tây Đô

Tham quan đình Thần Thới An Cần Thơ - ngôi đình cổ nhất tại xứ Tây Đô

Đình Thới An có kiến trúc hình chữ nhật, mặt quay về hướng Đông, nổi bật với tông màu vàng đặc trưng và không gian rộng rãi, ấm cúng. Trước cửa đình có cây cổ thụ che bóng mát cho du khách.

Đình thần Thới An thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các bậc tiền nhân khai hoang lập nghiệp, cùng với ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đình còn có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từng là trụ sở của Ủy ban kháng chiến lâm thời huyện Ô Môn.

Di tích Đình Bình Thủy

Di tích Đình Bình Thủy còn còn gọi là Long Tuyền cổ miếu, là một ngôi đình cổ kính và độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc. Ngôi đình được xây dựng lần đầu bằng lá tre vào năm 1844 và được vua Tự Đức phong sắc "Bổn Cảnh Thành Hoàng" vào năm 1852. Sau đó, người dân vui mừng xây cất lại đình tại vàm rạch Bình Thủy và đã nhiều lần trùng tu.

Đình Bình Thủy gồm hai khu: khu đình chính và khu "lục ấp". Khu đình chính có 5 ngôi nhà, bao gồm tiền đình và chính điện, còn khu "lục ấp" gồm nhà hát và nhà chuẩn bị đồ cúng lễ. Bên trong đình thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng và các vị anh hùng dân tộc như Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trung Trực và Đinh Công Tráng. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Hổ và thần Nông, gần cổng là hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.

Hằng năm, đình Bình Thủy tổ chức hai lễ hội lớn là lễ Kỳ Yên Thượng điền vào ngày 12-14 tháng 4 âm lịch và lễ Hạ điền vào ngày 14-15 tháng 12 âm lịch. Đây là dịp cúng Bổn Cảnh Thành Hoàng, cầu an và rước thần thỉnh sắc. Lễ hội diễn ra với không khí náo nhiệt, ngoài các nghi lễ tế thần còn có hát bội, trích đoạn tuồng cổ, trò chơi dân gian và cuộc thi chưng mâm trái cây nghệ thuật. Hội đình Bình Thủy là một trong những hội đình lớn nhất miền Tây, thu hút đông đảo người tham gia và khách thập phương.

Đình Bình Thủy được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 5/9/1989, là một di sản văn hóa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Mặc dù đã trải qua nhiều lần xây dựng lại vào thế kỷ 20, đình vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng ban đầu.

Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ

Địa điểm thành lập An Nam Cộng Sản Đảng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 31/10/2013. Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ có công lớn trong việc tuyên truyền, vận động cách mạng cho đông đảo nông dân, hướng dẫn họ đấu tranh đòi quyền lợi và chọn lọc quần chúng tích cực tham gia vào các tổ chức cách mạng.

Đến Cờ Đỏ thăm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của TP Cần Thơ

Đến Cờ Đỏ thăm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của TP Cần Thơ

Để giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử này, thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2019 ngay trên nền đất của đồn điền năm xưa.

Nhà cổ Bình Thủy

Nhà cổ Bình Thủy là một di tích kiến trúc nghệ thuật nổi bật, thuộc nhà thờ họ Dương, được ông Dương Văn Vị xây dựng vào năm 1870 bằng gỗ lợp ngói theo phong cách kiến trúc Pháp để thờ cúng tổ tiên. Ngôi nhà hiện tại được xây dựng lại và trùng tu vào năm 1911. Trải qua hai cuộc chiến tranh, nhà thờ họ Dương vẫn tồn tại và giữ được nguyên vẹn, là ngôi nhà cổ hiếm hoi còn lại ở Bình Thủy.

Điểm đặc biệt của ngôi nhà là lối kiến trúc giao thoa hài hòa giữa văn hóa Đông và Tây, vừa giữ được hồn dân tộc vừa mang phong cách riêng, thể hiện lối kiến trúc giao thời giữa thế kỷ XIX-XX của tầng lớp cư dân giàu có ở đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ. Người dân thường gọi ngôi nhà là vườn Lan Bình Thủy hay nhà cổ vườn Lan, bởi hậu duệ đời thứ năm, ông Dương Văn Ngôn, có thú chơi hoa kiểng và sưu tầm nhiều giống lan quý.

Nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ - điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất xứ Tây ĐôNhà cổ Bình Thủy Cần Thơ - điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất xứ Tây Đô

Ngôi nhà được chia thành nhiều gian, với trước sân là hòn non bộ sắp xếp có quy luật, bên phải là vườn lan, bên trái có cây xương rồng trụ cao 8m, tuổi khoảng 40 năm, và một gian nhà nhỏ trưng bày các tác phẩm hội họa tự vẽ. Phía sau là vườn cây ăn trái và bên trong nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng của Nam Bộ nhưng pha lẫn sự xa hoa với những vật dụng Pháp xa xỉ, được chạm khắc tinh tế.

Khu thờ uy nghiêm với bàn thờ, khánh thờ son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài và các đoàn làm phim ghé thăm.

Lộ Vòng Cung

Địa điểm chuyển quân, trạm quân y và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 07/02/2013. Đây là một địa điểm có ý nghĩa quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Lộ Vòng Cung - Chứng tích một thời hào hùng của quân dân Cần Thơ

Lộ Vòng Cung - Chứng tích một thời hào hùng của quân dân Cần Thơ

Nơi này ghi dấu sự hy sinh của nhiều đồng bào và đồng chí trong thời kỳ chiến tranh, đặc biệt trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Địa điểm này đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử ngày 30/04/1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất.

Chùa Nam Nhã

Chùa Nam Nhã là một di tích lịch sử cấp quốc gia, được công nhận vào ngày 25/01/1991. Với thiết kế độc đáo, chùa gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc và các phong trào yêu nước của những sĩ phu Việt Nam.

Chùa Nam Nhã được xây dựng vào năm 1895, tiền thân là Nam Nhã Đường, một tiệm thuốc Bắc. Chùa là nơi thờ phụng tín ngưỡng và là trụ sở chính của phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng từ năm 1907 đến 1940. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi nuôi dưỡng và sản sinh nhiều sĩ phu yêu nước và là địa điểm liên lạc giữa các tổ chức cách mạng miền Nam.

Chùa Nam Nhã - Ngôi chùa hơn 100 tuổi tại Cần Thơ

Chùa Nam Nhã - Ngôi chùa hơn 100 tuổi tại Cần Thơ

Đây là nơi liên lạc của những người yêu nước trong phong trào chống Pháp và của Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang. Chùa còn là nơi cụ Phan Bội Châu thường lui tới để gây dựng, tuyên truyền và vận động kinh tài cho phong trào Đông Du.

Chùa Nam Nhã nằm trong một khuôn viên rộng lớn, thoáng mát với nhiều cây tùng, trắc bá diệp và cây cổ thụ, trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy. Cổng chùa đặc biệt với hai câu liễn đối, chữ đầu là "Nam" và "Nhã". Bên phải là "Nam địa độ nguyên nhân, bát nhã cầm thinh thông giác lộ", bên trái là "Nhã đình chiêu thiện khách, bồ đề thụ ảnh cái thiền môn", vừa dạy đạo vừa dạy đời, khơi gợi lòng yêu nước và nghĩa tình dân tộc.

Sân chùa được lót bằng gạch tàu, chánh điện là ngôi nhà gạch kiên cố gồm 5 gian. Sau chánh điện là hành lang dài với hai phòng tiếp khách. Hai bên chùa có hai dãy nhà lợp ngói gọi là Đông Lan đường (Cần đạo đường) dành cho nam giới và Tây Lan đường (Khôn đạo đường) dành cho nữ giới, thông với nhà bếp. Nằm cạnh vàm sông Bình Thủy thơ mộng, chùa còn lưu giữ nhiều đồ thờ tự trên trăm năm tuổi và bộ kinh mộc bản rất giá trị.

Nhà thờ Họ Dương

Vào năm 2009, nhà thờ Họ Dương ở Cần Thơ chính thức được Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôi nhà được xây dựng với kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây, với phòng khách được bày trí theo phong cách Châu Âu, trong khi phòng thờ mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam và nội thất theo lối kiến trúc Nam Bộ cổ xưa.

Nhà thờ Họ Dương là nơi lưu giữ nhiều vật phẩm quý giá từ Trung Quốc, Pháp và Việt Nam. Mặc dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh và nhiều biến động lịch sử, nhà thờ cổ Bình Thủy vẫn gần như nguyên vẹn như ban đầu.

Di tích Đình Thạnh Hòa

Đình Thạnh Hòa, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 09/11/2020 bởi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Với lối kiến trúc thuần Việt, đình cũng mang đậm ảnh hưởng văn hóa cộng đồng người Hoa.

Ban đầu, đình được xây dựng bằng tre lá khi mới thành lập thôn Thạnh Hòa Trung. Sau đó, vì vị trí địa lý không thuận lợi, đình được dời sang vị trí mới cách xa khoảng 1km so với vị trí ban đầu.

Sau nhiều lần thay đổi tên gọi, đến năm 2006, đình được thống nhất gọi là Thạnh Hòa. Hằng năm, đình Thạnh Hòa tổ chức hai lễ lớn là lễ Hạ Điền (từ ngày 19 đến 21/4 âm lịch) và lễ Thượng Điền (từ ngày 19 đến 20 âm lịch), thu hút đông đảo người dân tham gia để cầu mong mùa màng bội thu và an lành cho gia đình.

Khám Lớn Cần Thơ

Khám Lớn - một trong những di tích lịch sử đặc biệt của Cần Thơ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 28/6/1996. Được xây dựng từ năm 1878 - 1886, Khám Lớn được coi là nhà tù lớn nhất miền Tây Nam Bộ, nơi giam giữ và tra tấn các tù nhân yêu nước trong những thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Với cấu trúc vững chãi, tường dày từ 3,6 đến 5 mét và rào sắt gai nhọn, Khám Lớn từng là nơi diễn ra nhiều cuộc tra tấn dã man, nhằm áp đặt chính quyền thực dân lên dân tộc Việt Nam. Từ việc cắt giảm thức ăn, cung cấp gạo mốc cho tù nhân, đến những hình thức tra tấn tàn bạo khác như làm suy kiệt tinh thần và lấy lời khai bằng mọi cách.

Di Tích Lịch Sử Khám Lớn Cần Thơ - Nhà tù lớn nhất Miền Tây

Di Tích Lịch Sử Khám Lớn Cần Thơ - Nhà tù lớn nhất Miền Tây

Dù đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, Khám Lớn vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu và lưu giữ nhiều hình thức tra tấn, các tư liệu quý giá và tranh ảnh ghi lại những thăng trầm của dân tộc. Đây không chỉ là một địa danh du lịch mà còn là một ký ức đau buồn của quá khứ, là minh chứng cho sự dũng cảm hy sinh của các chiến sĩ cách mạng.

Tham quan Khám Lớn, du khách sẽ được nghe kể lại những câu chuyện lịch sử cũng như cảm nhận sâu sắc về những nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho độc lập và tự do. Những nỗ lực hy sinh của các anh hùng đã mở ra con đường bình yên và tiến bộ cho đất nước ngày nay.

Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Khu mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Cần Thơ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1993. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, sinh năm 1807 và mất năm 1872, là người đỗ thủ khoa giải Nguyên và từng làm tri huyện trước khi lui về làm nghề bốc thuốc. Ông là người sống liêm minh, chính trực và có nhiều đóng góp cho cộng đồng nghèo nơi địa phương này.

Lăng mộ của ông được xây dựng vào năm 1872 bằng đá ong, là nơi tưởng niệm ông như một vị thánh hiền của dân tộc, mang lại niềm cảm hứng và lòng kính trọng sâu sắc đối với những ai biết đến công đức của ông.

Khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa - Cần Thơ

Khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa - Cần Thơ

Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được khánh thành vào ngày 1/3/2013, nhân dịp kỷ niệm giỗ thứ 141 của ông. Cổng chính vào khu tưởng niệm được xây dựng theo kiểu cổng tam quan mái cong, trang nhã và tinh tế. Bên trong là khuôn viên vườn rộng rãi, xanh mát, có hồ sen và nhiều công trình như nhà bia tưởng niệm, nhà thờ, nhà khách và nhà trưng bày.

Phía sau các công trình là ngôi mộ của hai vợ chồng ông Bùi Hữu Nghĩa, được trùng tu từ ngôi mộ ban đầu, vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc cổ điển. Bên trong ngôi mộ có lối hầm dẫn xuống và nhiều tấm bia khắc các tác phẩm thơ của ông.

Mỗi năm vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch, lễ giỗ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa thu hút đông đảo nhân dân đến dâng hương, tưởng nhớ và ca ngợi công đức vĩ đại của ông, là dịp để người dân gìn giữ và truyền lại những giá trị văn hóa lịch sử quý báu này.

Cơ quan đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang

Di tích Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 25/01/1991. Cơ quan này ra đời vào tháng 9/1929 tại Hậu Giang trong bối cảnh chính trị căng thẳng. Cuộc họp thành lập Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì, gồm các đồng chí như Ung Văn Khiêm (Bí Thư), Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Trí,... Đây là cơ quan có giá trị lịch sử, đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển Đảng bộ cũng như phong trào cách mạng 1930 – 1931.

Cơ quan đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang

Cơ quan đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang

Đặc ủy Hậu Giang hoạt động tích cực trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đặt tại một dãy nhà phố gồm 6 căn, kiến trúc của cơ quan này đơn giản, không có gì đặc biệt. Năm 1995, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cùng với nhân dân phường Bình Thủy đã xây dựng công trình bia tưởng niệm Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang. Hiện nay, mặc dù kiến trúc không thay đổi, căn nhà không còn giữ bất kỳ hiện vật nào nhưng vẫn là một địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng của đất Cần Thơ.

Di tích Mộ nhà thơ Phan Văn Trị

Khu mộ của nhà thơ Phan Văn Trị được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1991. Sinh năm 1830 và qua đời vào năm 1910, Phan Văn Trị là một nhà thơ nổi tiếng với việc dùng thơ ca như một vũ khí trong cuộc đấu tranh. Ban đầu, khu mộ của ông chỉ là một công trình đơn giản được xây bằng xi măng, nằm giữa một bãi cỏ xanh với một chiếc mộ bia.

Di tích lịch sử Mộ Nhà Thơ Phan Văn Trị - Cần Thơ

Di tích lịch sử Mộ Nhà Thơ Phan Văn Trị - Cần Thơ

Vào năm 1990, nhờ sự đóng góp của cộng đồng với lòng tôn kính, khu mộ của nhà thơ đã được trùng tu lại bằng đá mài, mộ thờ được nâng lên thành bậc tam cấp với văn bia được chạm khắc trên đá mài. Đặc biệt, vào năm 2005, UBND huyện Phong Điền tiếp tục đầu tư kinh phí để trùng tu lại Di tích với quy mô lớn hơn, khẳng định giá trị lịch sử và văn hóa của khu mộ nhà thơ Phan Văn Trị.

>> Tìm hiểu thêm: Danh sách 10+ di tích lịch sử tại Vĩnh Long có kiến trúc nổi bật nhất

Chùa Long Quang

Hay còn gọi là Long Quang Cổ Tự, là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của Cần Thơ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ ngày 21/6/1993 với nét kiến trúc và nghệ thuật đặc biệt. Chùa được thành lập vào năm 1825 bởi nhà sư Võ Văn Quyền, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ. Qua nhiều lần sửa chữa và trùng tu, năm 1966 chùa được xây dựng mới và mang tên Long Quang Cổ Tự như ngày nay.

Chùa Long Quang từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, là nơi nuôi chứa bí mật và hoạt động cách mạng của các chiến sĩ năm 1945. Chùa cũng có công đóng góp lớn trong việc tháo dỡ các tài sản và hiến đồ thờ bằng đồng để đúc đầu đạn, bao gồm một đại hồng chung cổ.

Kiến trúc của chùa Long Quang rất đặc trưng với cổng tam quan bằng gạch, hai tầng mái ngói với hai con rồng trắng ngẩng cao đầu quay vào bánh xe pháp luân ở phía trên. Chùa có chánh điện xây dựng theo lối kiến trúc "Thượng lầu Hạ hiên" với nhiều pho tượng đức phật và các vị thần linh được sắp xếp uy nghi. Đặc biệt, chùa sở hữu nhiều bức tượng La Hán và các tác phẩm điêu khắc gỗ quý, vẫn được giữ nguyên vẹn và có giá trị cao về nghệ thuật và tôn giáo.

Chùa Long Quang không chỉ là một địa danh tôn giáo mà còn là một trong những biểu tượng văn hóa lịch sử quan trọng của vùng đất Cần Thơ, thu hút nhiều khách du lịch và tín đồ đến thăm và tìm hiểu về di tích này.

Di tích Chùa Ông

Chùa Ông hay còn gọi là Quảng Triệu Hội Quán, là một di tích lịch sử nổi bật của Cần Thơ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ ngày 21/6/1993. Chùa có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa Quảng Đông - Trung Quốc di cư sang Việt Nam vào thế kỷ 17 và 18. Ngày nay, chùa vẫn giữ được diện mạo cổ kính sau hơn 120 năm xây dựng vào năm 1894, với kiến trúc chữ Quốc rực rỡ và đặc biệt là giếng trời độc đáo.

Khám phá Lễ hội chùa Ông Cần Thơ đặc sắc của người Hoa

Khám phá Lễ hội chùa Ông Cần Thơ đặc sắc của người Hoa

Chùa Ông không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc mà còn là nơi trở thành bí mật che chở cho các hoạt động cách mạng trước năm 1975. Hằng năm, chùa Ông tổ chức các lễ hội truyền thống như ngày vía Quan Thánh Đế Quân (24/6 âm lịch), ngày vía Thiên Hậu (23/3 âm lịch) và lễ giỗ Ông Bổn (15/3 âm lịch), thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham dự, tìm hiểu về văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa tại Cần Thơ.

Trên đây tổng hợp 15+ điểm di tích lịch sử tại Cần Thơ nổi tiếng được nhiều du khách ghé thăm khi có dịp đến đây. Mong rằng, mọi người sẽ có một chuyến đi thật ý nghĩa khi đến miền Tây tại Cần Thơ.

Cần Thơ 1807 lượt xem

63 Stravel

Nguồn :

Link liên kết

Khám Phá Cần Thơ

Vườn sinh thái Hoa Súng

Từ tháng 1 đến tháng 12

1390 lượt xem

Làng du lịch Mỹ Khánh

Tháng 11 đến tháng 4

1610 lượt xem

Khu du lịch sinh thái Lung Cột Lầu

Từ tháng 1 đến tháng 12

1442 lượt xem

Vườn sinh thái Bảo Gia Trang Viên

Từ tháng 1 đến tháng 12

1374 lượt xem

Vườn sinh thái Xẻo Nhum

Từ tháng 1 đến tháng 12

1397 lượt xem

Cồn Ấu

Từ tháng 1 đến tháng 12

1462 lượt xem

Vườn trái cây 9 Hồng

Tháng 5 đến tháng 8

1457 lượt xem

Chợ nổi Cái Răng

Từ tháng 11 đến tháng 04

684 lượt xem

Bến Ninh Kiều

Từ tháng 11 đến tháng 04

605 lượt xem

Cầu đi bộ Ninh Kiều

Từ tháng 11 đến tháng 04

836 lượt xem

Vườn cò Bằng Lăng

Từ tháng 08 đến tháng 01

620 lượt xem

Chợ đêm Tây Đô

Từ tháng 11 đến tháng 04

583 lượt xem

Làng hoa Bà Bộ

Từ tháng 11 đến tháng 04

2147 lượt xem

Bãi biển nhân tạo Cần Thơ

Từ tháng 11 đến tháng 04

3218 lượt xem

Khu du lịch Ông Đề

Từ tháng 11 đến tháng 04

726 lượt xem

Vườn trái cây 9 Hồng

Từ tháng 11 đến tháng 04

682 lượt xem

Khu du lịch Lung Cột Cầu

Từ tháng 04 đến tháng 11

699 lượt xem

Cồn Sơn

Từ tháng 04 đến tháng 08

611 lượt xem

Tin tức nổi bật