Thiền viện Thường Chiếu - Nơi dung dưỡng sự bình an tại Đồng Nai

Thiền viện Thường Chiếu thuộc hệ phái Bắc Tông, nổi bật với vẻ đẹp thanh tịnh và trang nghiêm, là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng và bình yên trong tâm hồn. Hãy nghe Trần Thuỳ Thanh Xuân (Đồng Nai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Tiếp nối chuỗi series “Truy tìm từng ngóc ngách xinh đẹp tại vùng đất Đồng Nai”, lần này tớ sẽ giới thiệu đến bạn Thiền viện Thường Chiếu – Được mệnh danh là một viên ngọc quý của quê hương tớ. Tại đây, các bạn không chỉ được trải nghiệm không gian tĩnh lặng, giúp tâm trí trở nên nhẹ nhàng hơn, mà còn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về triết lý Phật giáo. Người Đồng Nai thường nói rằng: “Thiền viện Thường Chiếu mang đến không gian thiền định thanh tịnh, là nơi hoàn hảo để bạn tìm lại sự cân bằng giữa thiên nhiên trong lành và khung cảnh bình yên mỗi khi bản thân cảm thấy mệt mỏi”.

1. Thiền viện Thường Chiếu ở đâu?

Thiền Viện Thường Chiếu nằm tại địa chỉ 001, tổ 23, ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Vị trí của thiền viện vô cùng thuận tiện, nằm dọc theo Quốc lộ 51, cách TP. Biên Hòa khoảng 44km và cách thị trấn Long Thành 14km, nằm giữa cây số 76 và 77. Đây là một trong những thiền viện thuộc hệ phái Bắc tông có tầm quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Thiền viện do Hòa thượng Thích Thanh Từ, thế danh Trần Thanh Từ, thành lập vào năm 1974. Ngài xuất gia từ năm 1949 tại chùa Phật Quang và thụ giáo dưới sự dẫn dắt của cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Hòa thượng Thích Thanh Từ cũng là truyền nhân đời thứ 12 của dòng thiền Vô Ngôn Thông, một trong những dòng thiền quan trọng từ thời Lý. Tên gọi của thiền viện được đặt theo Thiền sư Thường Chiếu, người từng xuất gia sau khi từ quan dưới triều vua Lý Cao Tông.

Thiền Viện Thường Chiếu được xây dựng trên một khu đất rộng 52 hecta, nhờ sự cúng dường và tâm huyết của Hòa thượng Thích Thanh Từ, trở thành một điểm đến linh thiêng và thanh tịnh, thu hút đông đảo phật tử và du khách gần xa.

2. Đôi lời về lịch sử của thiền viện Thường Chiếu

Vào tháng 10 năm 1974, một ngôi chùa nhỏ lợp lá đã được xây dựng trên một khu đất cao, nằm cạnh một cây bồ đề, và được đặt tên là Thiền Viện Thường Chiếu. Người được giao trọng trách làm Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Đắc Huyền. Cùng với bốn vị tăng sinh, họ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng luôn được Hòa thượng động viên và hỗ trợ. Đây là giai đoạn khởi đầu của thiền viện, với môi trường tu học khắc nghiệt và đầy thách thức.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Giai đoạn thứ hai, từ năm 1975 đến 1986, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Thiền Viện Thường Chiếu. Dưới sự dẫn dắt của Thầy Nhật Quang với vai trò Huynh Trưởng, tổng số người trong thiền viện đã tăng lên 20 người. Cả viện đã phải bắt tay vào việc xây dựng lại toàn bộ cơ sở vật chất và cải thiện môi trường sống. Đây là thời kỳ mà tinh thần tu tập, học hỏi và lao động đã trở nên đặc biệt quan trọng. Các thiền sinh tự mình vừa tu học, vừa đảm nhận các công việc hàng ngày, từ sinh hoạt cho đến học tập và lao động để duy trì hoạt động của thiền viện.

Nơi đây phát triển mạnh mẽ nhờ nỗ lực không ngừng của các tăng ni, trở thành cột mốc quan trọng trong sự phát triển Phật giáo và thiền định tại Việt Nam. Đây cũng là nơi lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự an nhiên và tinh tấn trong tu học. Lịch sử Thiền Viện là hành trình của niềm tin, đam mê và kiên trì trên con đường tâm linh.

3. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc Phật giáo Nam Bộ qua mắt nhìn của Phật tử

Đến với thiền viện Thường Chiếu, các bạn sẽ được chào đón bởi cổng tam quan được xây dựng bằng đá vững chãi, mái ngói đỏ theo kiểu âm dương truyền thống. Đuôi mái cong vút lên như chiếc thuyền đang hướng về trời cao, cùng dòng chữ tên thiền viện nổi bật, khiến bất cứ ai đi qua cũng không thể không dừng lại ngắm nhìn.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Khi bước qua cổng chào của Thiền Viện Thường Chiếu, các bạn sẽ ngay lập tức ấn tượng với khung cảnh thiên nhiên xanh mát. Con đường dẫn vào thiền viện rợp bóng bởi những hàng dương xanh biếc, mang lại cảm giác dịu mát và dễ chịu ngay cả trong những ngày nắng nóng gay gắt. Đặc biệt, khi bạn đi hết con đường phủ đầy bóng cây này, trước mắt sẽ hiện ra một cổng bê tông kiên cố. Trên cổng có khắc những dòng chữ đầy ý nghĩa, cùng với hai bức tượng sư tử đá oai nghiêm đứng trấn giữ, như những vị hộ vệ bảo vệ sự bình yên cho chốn thiền môn.

So với nhiều ngôi đền chùa khác, Thiền Viện Thường Chiếu mang trong mình lối kiến trúc độc đáo. Phần mái ngói đỏ được thiết kế hai tầng, cong vút như lưỡi đao ở mỗi góc mái, nổi bật trên những hàng cột bê tông cốt thép giả gỗ vững chắc. Tất cả được xây dựng trên một bậc thềm cao so với mặt sân. Kiến trúc các công trình trong thiền viện mang phong cách đồng bộ, tuy nhiên khác nhau về kích thước, tạo nên sự hài hòa và trang nghiêm cho không gian.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Tòa chính điện của Thiền Viện Thường Chiếu nằm ngay giữa khuôn viên rộng lớn 13ha, tạo ấn tượng mạnh mẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều đặc biệt là từ sân chính, bạn có thể dễ dàng quan sát toàn bộ không gian bên trong nhờ vào thiết kế mở mà không có tường ngăn cách. Bên trong điện thờ, nổi bật là tượng Đức Bổn sư Thích Ca khổng lồ được làm bằng vàng, tay cầm bông sen biểu trưng cho “niêm hoa vi tiếu”. Hai bên tượng có đôi độc bình gốm cao 3,5m, mang đến sự sang trọng cho không gian.

Ngoài tượng thờ thì xung quanh thiền viện còn được trang trí tinh xảo với các họa tiết tứ linh: Long - Ly - Quy - Phụng, cùng với những hoa lá sống động. Các cột, mái, và bàn thờ đều được chạm khắc tỉ mỉ, tạo nên một bầu không khí trang nghiêm và ấn tượng cho nơi đây.

                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Trước chánh điện, bạn sẽ bắt gặp lầu chuông và lầu trống được chế tác hoàn toàn từ gỗ bóng loáng, mang đến vẻ đẹp cổ kính với tên viết bằng chữ Hán, tạo nên không gian trầm mặc. Ngoài ra, khu vực xung quanh còn có nhiều công trình khác như tòa bảo tháp, tổ đình, tăng đường, trai đường, tăng thất, thiền thất, thư viện, tông môn tàng thư, nhà khách, bệnh xá và nhà trù, tất cả đều được xây dựng tỉ mỉ và chăm chút đến từng chi tiết.

Không chỉ dừng lại ở đó, khuôn viên còn có một vườn cảnh tuyệt đẹp với hồ cá Koi trong vắt và chiếc cầu đá cong dẫn đến một ngôi đình cổ, nơi du khách có thể thư giãn và chiêm ngưỡng thiên nhiên. Thiền Viện Thường Chiếu không chỉ là một địa điểm tâm linh thanh tịnh, mà còn là một không gian độc đáo và ấn tượng, mang đến cho mọi người cảm giác yên bình và thư giãn tuyệt vời.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

4. Lộ trình di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến thiền viện Thường Chiếu

Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể chọn đi xe máy hoặc ô tô theo hướng xa lộ Hà Nội hoặc quốc lộ 52. Sau đó, bạn đi theo đoạn đường nối vào Cao Tốc Cầu Phú Mỹ, rồi tiếp tục trên Đường Mai Chí Thọ. Đi khoảng 1km, bạn sẽ rẽ trái vào đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đường cao tốc 01).

Khi đến nút giao Long Thành, hãy rẽ vào làn đường bên phải và theo các biển báo chỉ dẫn về Long Thành, Biên Hòa hoặc Vũng Tàu. Tại vòng xuyến, bạn chọn lối ra thứ nhất vào quốc lộ 51, đi tiếp một đoạn là sẽ thấy thiền viện Thường Chiếu nằm bên trái đường. Nếu không muốn lái xe, bạn cũng có thể đi xe khách hoặc xe buýt, với thời gian di chuyển chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực bởi cuộc sống nhộn nhịp, ồn ào ở phố thị, thì hãy đến thiền viện Thường Chiếu ở Đồng Nai để tìm lại sự bình yên và thanh thản cho tâm hồn nhé!

23 Tháng 09, 2024 103

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành