Tìm Lại Chính Mình Tại Chùa Long Hương – Chốn Bình Yên Giữa Đời Thực

Đến chùa Long Hương, bao muộn phiền dần tan biến, tâm hồn chỉ còn lại sự tĩnh lặng và an yên. Sau phút giây tâm tình, mọi lo âu hoá thành niềm tin yêu cuộc sống, rũ bỏ hết những vướng bận trần tục. Hãy nghe Trần Thuỳ Thanh Xuân (Đồng Nai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

1. Chùa Long Hương tọa lạc ở địa chỉ nào?

Chùa Long Hương (hay còn được biết đến với tên gọi “Long Hương Cổ Tự”) nằm tại số 1141, đường Lý Thái Tổ, ấp Long Hiệu, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là điểm đến lý tưởng dành cho những người mong muốn tìm kiếm sự an yên và thanh tịnh trong tâm hồn. Không chỉ là ngôi chùa linh thiêng, Chùa Long Hương còn là trung tâm tu học Phật giáo nổi tiếng, thu hút đông đảo Phật tử và du khách từ mọi miền đất nước, tạo nên một không gian thiêng liêng và thanh tịnh cho những ai tìm kiếm sự an lạc trong cuộc sống.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

2. Vài dòng về lịch sử của chùa Long Hương ở Đồng Nai

Chùa Long Hương là một trong những ngôi chùa lớn có bề dày lịch sử rất lâu, chùa nằm trên một ngọn đồi với hướng thẳng ra phía Bắc và đối diện với sông Đồng Nai. Được thành lập từ rất lâu, vào năm 1908, ngôi chùa ban đầu chỉ là một mái lá đơn sơ, do Hòa Thượng Tâm Thường khai sơn và trụ trì cho đến năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị hủy hoại hoàn toàn bởi hỏa hoạn. Đến năm 1956, Hòa Thượng Thích Trí Ngộ, đệ tử của Tổ khai sơn, đã bắt tay xây dựng lại ngôi chùa, nhưng chỉ hai năm sau, vào năm 1958, chùa lại bị chiến tranh phá hủy một lần nữa.

Năm 1992, các bậc kỳ lão trong vùng đã phát tâm tái thiết chùa Long Hương và cung tiến cho Hòa Thượng Thanh Từ. Đến năm 1994, Hòa Thượng ân sư đã chỉ định Thầy Thích Tuệ Hải làm trụ trì chùa. Từ khi nhận nhiệm vụ, Thầy đã dẫn dắt công cuộc trùng tu, góp phần xây dựng nhiều công trình lớn. Năm 1995, Thầy cho xây dựng bờ kè dài 50 mét để chống sạt lở. Đến năm 1996, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lộ thiên cao 14 mét được dựng lên trên ngọn đồi phía sau Chánh Điện. Năm 1997, Tháp Tổ khai sơn cao 10 mét và ngôi Chánh Điện cũ cũng được nâng cấp.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Công trình Đại Hùng Bảo Điện khởi công vào năm 2003 và hoàn thành năm 2005. Trước nhu cầu tu học ngày càng tăng của Tăng Ni và Phật tử, chính quyền địa phương đã chấp thuận xây dựng thêm Thiền đường, Tổ đường, Tăng đường, Trai đường, nhà bếp, nhà khách, và cổng Tam quan, với công trình được khởi công vào ngày 29/11/2012.

Năm 2016, Thiền đường và Tổ đường được hoàn thành, tạo không gian thiêng liêng cho các Tăng Ni và Phật tử tu học. Đặc biệt, trong Tổ đường có tôn tượng Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, được tạc từ cây dâu cổ thụ hơn 1000 năm tuổi, tạo thêm sự tôn nghiêm cho ngôi chùa. Năm 2018, Thầy Tuệ Hải đã cho xây dựng 28 ngôi Thiền Thất theo mô hình kim tự tháp Ai Cập cổ đại, giúp cho những người tu học có không gian chuyên tâm công phu.

Một sự kiện quan trọng vào cuối năm 2019 là việc bản Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa được khắc lên bia đá nặng hơn 30 tấn, đặt trang trọng tại khuôn viên chùa. Đây là bản kinh do Thầy Thích Tuệ Hải hiệu đính từ phiên bản lá cọ Horyuji, nhằm giữ gìn Chánh Pháp Phật giáo trường tồn với thời gian.

Từ năm 2007 đến nay, chùa Long Hương trở thành nơi tổ chức lễ Vu Lan hàng năm với sự tham gia của hàng ngàn chư Tăng Ni từ khắp nơi. Những dịp này đã làm cho ngôi chùa thêm phần linh thiêng và trở thành biểu tượng tôn kính của cộng đồng Phật giáo địa phương.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

3. Phong cách kiến trúc độc đáo riêng của chùa Long Hương

Chùa Long Hương nổi bật với lối kiến trúc độc đáo, là một quần thể chùa lớn sở hữu hệ thống cúng kiếng và lăng tẩm liên hoàn hiện đại bậc nhất tỉnh Đồng Nai. Không chỉ là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân địa phương, chùa còn là nơi Phật tử khắp mọi miền đất nước gửi gắm niềm tin tín ngưỡng. Điểm đặc biệt của Chùa Long Hương không chỉ nằm ở bề dày lịch sử, mà còn ở hoa văn kiến trúc mang đậm phong cách Đông Nam Á. Từ cổng chùa, tường rào, đến mái chùa, cột, và các khu vực tôn trí tượng Phật đều được thiết kế tinh tế và hiện đại.

Như chia sẻ từ vị trụ trì, các chi tiết kiến trúc tại chùa kết hợp hài hòa giữa tính nhân văn gần gũi của văn hóa phương Đông và sự trang nghiêm, sâu sắc của giáo lý Phật giáo. Mỗi khi Phật tử đến viếng chùa, họ không chỉ tìm được sự thanh tịnh trong tâm hồn mà còn cảm nhận được sự giải thoát khỏi những lo âu, hướng đến suy nghĩ tích cực và nhận thức sáng suốt hơn trong cuộc sống.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

4. Màu xanh phật pháp bao phủ khắp chùa Long Hương

Khác với nhiều ngôi chùa khác ở Đồng Nai, chùa Long Hương được bao phủ bởi hệ thống cây xanh phong phú nhất. Ngay từ cổng vào, những cây cổ thụ cao lớn vươn mình tỏa bóng mát như những chiếc ô khổng lồ, mang lại sự thư thái cho khách thập phương sau những chặng đường dài, hay khi vừa hoàn thành giây phút thiền định dưới chân Đức Phật.

Đi giữa những khuôn viên chùa nhỏ, các lối đi dốc và lăng tẩm, bạn sẽ bắt gặp những hàng cây thông thẳng tắp, cây xoài sai trĩu quả to đến nỗi vài người ôm không hết, cùng với những bồn hoa luôn nở rộ, rực rỡ sắc màu suốt bốn mùa.

Theo Ni cô Đàm Thúy, toàn bộ hệ thống cây xanh này là do sự đóng góp của các mạnh thường quân và người dân địa phương dâng cúng chùa. Hằng ngày, các ni sư thay phiên nhau chăm sóc để cây cối luôn tươi tốt. Ni sư chia sẻ: “Bên cạnh việc tu luyện Phật pháp, chúng tôi đồng lòng cùng nhau tạo nên một không gian thanh tịnh, biến ngôi chùa trở thành điểm đến tâm linh đáng tin cậy cho Phật tử khắp nơi. Dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, cây xanh trong chùa vẫn luôn xanh tươi, như một biểu tượng của sự sống, lòng nhân từ được nuôi dưỡng từ bi tâm trong lòng mỗi người.”


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Phía sau chùa Long Hương còn có khu lăng mộ, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị sư trụ trì qua các thế hệ. Việc các trụ trì đã viên tịch được mai táng ngay trong khuôn viên chùa nhằm nhắc nhở các thế hệ sau ghi nhớ công ơn của những vị sư đã góp phần khai sinh và gìn giữ ngôi chùa độc đáo này.

Một điểm đặc biệt khác của chùa Long Hương là việc nuôi dưỡng hàng ngàn con chim bồ câu. Tại những tán cây phía sau chùa, các chuồng chim bồ câu nằm ẩn hiện, với những ô cửa tròn nhỏ đón ánh sáng ban mai. Mỗi buổi sớm, khi tiếng chuông chùa vang vọng giữa không gian yên tĩnh, bầy chim bồ câu tung cánh bay đi kiếm ăn, rồi lại quay về tổ khi chiều buông.


                                                                                                               (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Long Hương không chỉ là nơi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc tâm linh mà còn là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm về sự an nhiên, thanh thản giữa cuộc sống đầy bộn bề. Đến với chùa, bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng trong tâm hồn, gạt bỏ mọi muộn phiền và tìm lại niềm tin yêu cuộc sống. Tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một chốn bình yên để chữa lành tâm hồn, hãy chạy về chùa Long Hương ở Đồng Nai ngay nhé!

08 Tháng 10, 2024 184

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành