Cốm làng Vòng- vẻ đẹp mùa thu Hà Nội

Cứ mỗi độ thu về Hà Nội lại nồng nàn hương cốm làng Vòng, thức quà dân dã mà đầy thanh tao gắn liền với bao thế hệ người dân nơi thủ đô. Hãy nghe Thái Thùy Trâm một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Cứ mỗi độ thu về, khi có dịp ghé thăm Hà Nội, chắc hẳn du khách sẽ không thể nào quên được hương vị thơm ngọt của cốm làng Vòng, thức quà dân dã mà đầy thanh tao gắn liền với bao thế hệ người dân nơi Thủ đô. Cốm xanh đượm mùi thơm lúa non, gói mình trong lá sen với hương thơm dịu nhẹ đã làm nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng cho mùa thu đất Hà Thành.

“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...”, những câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thay cho lời chào sâu lặng, đặc trưng của mùa thu Hà Nội!

                              Vẻ đẹp đậm hương vị quê hương của cốm làng Vòng (ảnh sưu tầm)

Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Vòng thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Từ bao đời nay cốm làng Vòng đã nức tiếng khắp cả nước. Theo các bậc cao niên ở đây kể lại, cốm làng Vòng bắt đầu từ cách đây cả ngàn năm. Khi ấy sữa lúa đang bắt đầu đọng hình, cây lúa uốn câu thì bỗng đất trời chuyển mưa bão tầm tã khiến cho đê vỡ, nước sông tràn vào, nhấn chìm đồng ruộng trong nước sâu. Dân làng không nỡ nhìn công sức bao tháng ngày của mình công cốc nên họ ra các ruộng lúa đã ngã rạp, mò lấy những bông lúa non, về đem rang khô dể ăn chống đói. Những tưởng hạt gạo non sẽ khô khốc không mùi vì, nhưng lạ kỳ hạt lúa non ấy lại có vị rất hấp dẫn, ngọt ngọt, dẻo dẻo thơm lạ lùng. Và thế là, mỗi năm khi lúa bắt đầu tròn hạt, người dân làng Vòng lại cắt lúa về để ăn lai rai cho vui miệng.

                           Cốm làng Vòng như là một biểu tượng đẹp đẽ của mùa thu Hà Nội (ảnh sưu tầm)

Độ ngon ngọt thơm mềm và màu xanh tự nhiên của cốm phụ thuộc vào thời điểm đầu, giữa, cuối vụ. Đến cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối mùa nên hạt to và cứng thường để rang thành cốm khô hay gia giảm, pha chế ăn tạm đợi mùa sau. Cốm mộc cũng phải có màu xanh của mạ già pha ánh vàng mới đúng nguyên chất, còn cốm đã bị hồ qua trông xanh tươi mát mắt nhưng chất lượng pha đắng chẳng còn vị cốm thật. Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quầy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây”, nghe thật quen thuộc.

Cốm Vòng ăn tươi thì ngon tuyệt còn mang đi xa cũng vẫn có thể đảm bảo mùi vị chất lượng trong vài ngày nếu như bọc kĩ bằng cả lá ráy và lá sen. Lá sen giữ mùi thơm cho cốm, lá ráy mát giữ cho cốm không bị khô và mất màu. Cốm được gói bằng lá sen thơm và ngon hơn khi ta gói bằng một thứ lá khác.

                             Món cốm chứa đựng bao tâm huyết của người lao động (ảnh sưu tầm)

Thêm nữa, đây là thứ quà không dành cho người “sống gấp” hay kẻ “ăn thùng uống vại”. Ăn cốm tươi đúng kiểu là phải nhẹ nhàng dùng 5 đầu ngón tay nhón một ít rồi bỏ vào miệng rồi từ từ thưởng thức để cảm nhận cái dẻo dẻo, thơm thơm khi nhai và vị ngọt lan dần trong khoang miệng, lắng đọng nơi cuống họng, như thể ta đang đi trong làn nắng vàng sóng sánh, hóng gió thu. Cứ như vậy, từng chút từng chút một để nhâm nhi thưởng thức hương vị thanh tao của món đặc sản Hà Nội.

Cốm làng Vòng, cùng hương hoa sữa, gió heo may, và những bài hát hòa quyện vào nhau làm nên một mùa thu Hà Nội lãng mạng, một nét văn hóa đã khắc sâu vào tâm hồn của người Hà Thành xưa và nay.


04 Tháng 07, 2024 23

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành