Đầm Thị Tường hay còn gọi Đầm Bà Tường được mệnh danh là “biển hồ giữa đồng bằng”, là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về một nơi bình yên. Sự độc đáo của phong tục tập quán kết hợp với nhiều nét văn hóa của người dân bản địa đã tạo nên một vẻ đẹp hiếm có cho đầm Thị Tường. Đầm Thị Tường nằm trên địa phận 3 huyện: Cái Nước, Trần Văn Thời và Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Để đến được vùng sông nước rộng lớn này, du khách từ Cà Mau theo hướng Quốc lộ 1A đến chợ Rau Dừa, rẽ phải qua cầu Cái Bần, rồi chạy theo con đường nông thôn 3m, qua chừng 7km theo địa danh ấp Thị Tường (xã Hòa Mỹ) là đến Đầm Trong. Du khách cũng có thể từ chợ Rau Dừa đi thêm 2km theo Quốc lộ 1A đến Kênh 4 Cống Đá, rẽ phải theo hướng chỉ dẫn về Khu Căn cứ Xẻo Đước, khoảng 8km là đến Đầm Giữa – điểm đến lý thú và đặc sắc nhất Đầm Thị Tường. Đầm Thị Tường gắn liền với giai thoại kể rằng: xưa kia, bà Tô Quý Thị, thường gọi là Thị Tường là người giỏi võ và là người đầu tiên đến nơi đây khai hoang mở đất. Thuở ấy, vì chúa Hổ không lấy được con gái vua Thủy Tề bèn sinh hận. Chúa Hổ phái bầy chim trời lấy đá lấp biển, nhưng bà Tường đã dũng cảm xua đuổi bầy chim trời để giữ lại đầm cho ngư dân sinh sống. Nhờ công bà mà người dân có thể nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản từ đầm, cuộc sống được cải thiện hơn nhiều. Cảm động trước công đức của bà, người dân đã lấy tên bà đặt cho đầm, từ đó đầm có tên là đầm Thị Tường hay còn gọi đầm Bà Tường. Đầm gồm 3 đầm chính: đầm Trong, đầm Giữa và đầm Ngoài, trong đó đầm Giữa là đầm lớn nhất. Đặc trưng của đầm khác với ao hồ là độ sâu, nếu đầm giữa rất sâu có nơi sâu tới 10 thước thì đầm trên và dưới rất cạn chưa đến đầu người. Mực nước trên đầm thay đổi thường theo sự lên xuống của thủy triều từ 0,7m đến 1,5m rất an toàn cho du khách. Cuộc sống của người dân quanh đầm Thị Tường gắn liền với con nước, gắn liền với nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên. Bởi nhờ cấu tạo đặc biệt và thông với biển mà cả một vùng nước mênh mông dài gần 10km luôn đầy ắp thức ăn cho các loài thủy hải sản sinh trưởng. Không chỉ tận dụng tài nguyên trời phú là cá, tôm, sò huyết, rẹm sống trong đầm để nuôi sống gia đình; ngư dân Thị Tường còn dựa vào dòng nước để phát triển kinh tế. Họ sử dụng khu vực mặt nước nuôi tôm sú, cua Cà Mau. Đây là hai loại hải sản có giá trị kinh tế cao, có chỗ đứng vững chắc trong danh sách đặc sản Việt Nam. Khác với các địa điểm du lịch Cà Mau khác, đầm Thị Tường không có nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Thay vào đó, điểm dừng chân nghỉ ngơi chính là những ngôi nhà sàn của dân chài lưới ngay trên mặt đầm. Ở đây, ngoài Hợp tác xã Đầm Thị Tường còn có vài hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống theo kiểu du lịch cộng đồng. Du khách có thể tìm hiểu kỹ hơn về đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Đến thăm đầm, du khách có thể chọn đi bằng thuyền máy cảm nhận nhịp sống mộc mạc, giản dị của vùng đất này. Không chỉ ngắm nhìn cảnh đẹp của quê hương đất nước, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản do người dân nơi đây chế biến rất hấp dẫn và nghe họ kể chuyện về cuộc sống sinh hoạt bình dị trên đầm, hay lắng nghe những giai thoại, câu chuyện về đầm Thị Tường. Ngoài ra, du khách có thể tự tay dùng các công cụ đánh bắt tha hồ xuống đầm làm nông dân, câu cá, đặt lú, mò sò, lưới ghẹ, cua… và tự mình chế biến món ăn, hoặc nhờ người dân chế biến giúp. Đặc sản ở đầm rất đa dạng, từ cá vồ chó, cá lịch cũ, cá ngát… đến sò huyết, tôm, cua… Phong cảnh đầm như bức tranh quê biển hữu tình, sống động mà thanh bình bởi tiếng chim muông gọi bầy đón bình minh, hay tĩnh lặng mà bao la khi hoàng hôn buông mình trên mặt đầm. Đó cũng là những thời điểm đẹp nhất trong ngày để du khách có thể cảm nhận trọn vẹn không gian bao la rộng lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho đầm Thị Tường và lưu lại những bức ảnh ấn tượng. Đặc biệt khi màng đêm buông xuống, với hàng ngàn ánh đèn lung linh trên mặt đầm, thưởng thức vài ly rượu đế với đặc sản cá, tôm, cua, ghẹ hay ngân nga vài câu vọng cổ trò chuyện cùng người dân thì còn tuyệt hơn.
Cà Mau 1567 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 01/04/2023