Hòn Đá Bạc là cụm đảo thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nhìn từ đất liền, hòn Đá Bạc giống như hòn non bộ kỳ thú giữa đại dương mênh mông. Người dân Cà mau gọi Hòn Đá Bạc là Con mắt ngọc của miền Tây, ngoài ý tôn vinh vẻ đẹp của đảo còn có ý ví nơi đây như một con mắt tinh tường canh giữ một vùng biển phía Tây của Tổ quốc. Cụm đảo gồm có ba hòn: hòn Ông Ngộ, hòn Trọi, hòn Lớn (hòn Đá Bạc) được nối với nhau bởi những dải cầu đẹp mắt. Hòn Đá Bạc được hình thành cách đây 180 triệu năm (thuộc Jura giữa – Trung sinh) với tổng diện tích gần 6,5 ha. Ngoài hòn Trọi có diện tích không đáng kể, hai hòn còn lại được hình thành nhờ những tảng đá xếp chồng lên nhau. Đỉnh cao nhất ở hòn Lớn cao hơn mặt nước biển 50m. Nằm cách thành phố Cà Mau 50 km về phía Tây, diện tích tuy không lớn nhưng Hòn Đá Bạc là đảo có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, khai thác biển và phát triển du lịch Cà Mau. Hòn Đá Bạc được che chắn tạo ra một vùng vịnh đẹp, an toàn, cảnh quan thiên nhiên yên bình, bầu không khí trong lành. Khởi hành từ thành phố Cà Mau đến khu du lịch Hòn Đá Bạc mất 1h30 phút đi xe ô tô hoặc xe máy theo đường vào khu Vườn Quốc gia U Minh Hạ, qua Co Xáng, Cơi Năm là có cầu dẫn từ đất liền ra đảo. Địa danh này có tên gọi Hòn Đá Bạc vì xung quanh có rất nhiều viên đá granit xếp chồng lên nhau, tạo nên những hình thù độc đáo, ấn tượng, nhìn từ xa, sẽ thấy đảo như được dát bạc, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hòn Ông Ngộ nơi bạn đặt chân đến ngay khi vượt qua cây cầu 400m vượt biển nối từ đất liền ra đảo, có nét đẹp của rừng nguyên sinh hoang sơ, của đá núi sừng sững cao, của bờ biển vòng quanh tung bọt sóng vỗ. Hòn Đá Bạc là nơi in đậm các dấu tích lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quân dân xã Khánh Bình Tây đã tiêu diệt Trung đội pháo 105 ly của địch, giải phóng Hòn Đá Bạc và đảm bảo an toàn tuyến hành lang ven biển của vùng căn cứ cách mạng. Hòn Đá Bạc còn là nơi diễn ra diễn ra chiến dịch phản gián của các lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (Kế hoạch CM-12) đánh thắng cuộc xâm nhập của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981 – 09/9/1984) là Di tích Quốc gia trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục, truyền lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hiện nay, khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc có 3 công trình lớn là Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Đền tưởng niệm Bác Hồ, Bảo tàng Công an nhân dân và Nhà trưng bày bổ sung di tích. Hòn Đá Bạc ngoài vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của đá, của nước biển xanh trong, còn có những kiệt tác nhuốm vẻ “thần tiên” như sân Tiên, giếng Tiên, bàn tay Tiên… Tất cả như được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, sắp xếp thành dãy, thành bãi trải dài vây tròn quanh bờ biển càng tăng thêm vẻ thần tiên của đảo. Nằm trên đỉnh của Hòn Đá Bạc là Lăng Ông Nam Hải – nơi trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ (dài khoảng 14m, ngang 4m) và ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Vào ngày 23/5 âm lịch hàng năm, ngư dân địa phương, những người đang đánh bắt ngoài khơi xa và du khách thập phương thường đổ về Hòn Đá Bạc để viếng Ông. Ngoài ra, Hòn Đá Bạc còn lôi cuốn du khách bởi nguồn hải sản dồi dào. Du khách đến đây có thể câu cá nâu, câu mực, câu tôm, cùng ngư dân lặn xuống biển để bắt những con hàu bám chặt vào các hốc đá dưới nước. Nếu du khách có nhu cầu thưởng thức hải sản vừa được đánh bắt, những bếp lò than hồng của ngư dân sẵn sàng phục vụ du khách.
Cà Mau 1634 lượt xem Tháng 12 đến tháng 4 hằng năm
Ngày cập nhật : 01/04/2023