Thái Nguyên được xem là vùng đất “thủ đô gió ngàn” trong thời kỳ kháng chiến. Đến với nơi đây, chúng ta có cơ hội tìm về cội nguồn của loài người với Mái đá Ngườm Thần Sa, với núi Đuổm hoang sơ kỳ vĩ, đắm mình trong câu chuyện tình lãng mạn của nàng Công, chàng Cốc… Và một trong những địa chỉ không thể bỏ qua chính là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng dân tộc Việt. Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80km, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ở số 1 Đội Cấn, thành phố Thái Nguyên. Bảo tàng được thành lập năm 1960 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc. Năm 1990 đổi tên thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và trở thành 1 trong 7 Bảo tàng quốc gia Việt Nam. Được xây dựng trên một khuôn viên rộng đến 40.000m² cạnh dòng sông Cầu thơ mộng, tại điểm giao nhau của các đường Đội Cấn, Hoàng Văn Thụ, Bắc Kạn và Cách mạng tháng Tám, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình kiến trúc quy mô, tầm cỡ mang nhiều tính nghệ thuật, đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình kiến trúc đợt 1 năm 2006. Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển với hàng trăm cuộc nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang quản lý gần 30.000 tài liệu, hiện vật có giá trị, là cơ sở để hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà cũng như ngoài trời, phục vụ tốt nhu cầu tham quan của công chúng. Bước vào khuôn viên Bảo tàng, chúng ta sẽ dừng chân tại Gian long trọng. Nơi đây giới thiệu những nét khái quát về văn hoá Việt Nam. Ở tiền sảnh lớn, chúng ta được ngắm nhìn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu cuả dân tộc Việt Nam. Người ôm ba em bé, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam. Bức tượng thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của Bác với các cháu thiếu nhi ba miền, đồng thời thể hiện chính sách thống nhất, đa dạng và đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Sau tượng Bác Hồ là bức phù điêu lớn được tạc bằng gỗ mô phỏng các lễ hội tiêu biểu truyền thống các tộc người từ Bắc vào Nam: Múa khèn trong phiên chợ vùng cao, múa sư tử trong hội xuân vùng thung lũng, lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm, lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên và hội đua ghe ngo của đồng bào Nam Bộ. Tiếp đó, du khách sẽ lần lượt tham quan hệ thống 5 phòng trưng bày gồm: Trưng bày và giới thiệu về văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt). Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tâm linh có tục thờ cùng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao; Trưng bày và giới thiệu các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y). Đồng bào sống chủ yếu ở nhà sàn, trồng lúa trên các thung lũng, ven sông suối, với hệ thống dẫn nước bằng mương, phai, lái, lín, cọn nước. Các nghề thủ công rèn, dệt vải khá phát triển với các sản phẩm đẹp và tinh tế. Đặc biệt họ có đời sống tinh thần phong phú với nhiều điệu xoè và bài hát then độc đáo; Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao (Hmông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tạng Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La). Đồng bào giỏi canh tác trên nương rẫy và ruộng bậc thang. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hoá vùng cao, văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, nghệ thuật thêu thùa, in hoa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn... Trưng bày giới thiệu văn hoá 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Gié Triêng, H'rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, Ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà Ôi, Xơ Đăng, Xtiêng). Đồng bào cư trú rải rác ở khu vực Tây Bắc, Miền -Tây Nguyên và Nam Bộ. Đời sống kinh tế chủ yếu canh tác nương rẫy, những nương rẫy có độ cao tương đối lớn, đồng canh tác theo phương pháp chọc lỗ tra hạt. Kiến trúc nhà rông Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me; nghề thủ công đan lát và lễ hội văn hoá cộng đồng là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn - Khơ Me; Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) và ngôn ngữ Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu). Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo cư trú tập trung trên các cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên và dải đất ven biển Miền Trung; Văn hoá Nam Đảo mang đậm nét mẫu hệ. Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán cư trú trên cả ba vùng Bắc, Trung, Nam; Văn hoá Hán mang đậm nét phụ hệ. Mỗi phòng trưng bày với hệ thống tài liệu và hiện vật phong phú, đa đạng đã tái hiện một cách chân thực cảnh quan cư trú và đời sống văn hoá 54 dân tộc anh em, từ cực bắc Hà Giang đến vùng đất mũi Cà Mau với những hình ảnh gần gũi như: các phiên chợ vùng cao, cảnh săn bắt voi rừng, hình ảnh chọc lỗ bỏ hạt của người dân tộc phía bắc, lễ hội cồng chiêng của người Ê đê, Ba na ở Tây nguyên; sông nước của đồng bào Nam bộ; các nghề thủ công truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hóa trong trang phục, âm nhạc, ẩm thực, lễ hội trong sản xuất lao động…. Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng là hệ thống trưng bày ngoài trời với không gian 6 vùng văn hoá: Núi cao phía Bắc, Thung lũng, Trung du - Bắc Bộ, Miền Trung - Ven biển, Trường Sơn - Tây Nguyên, và Đồng Bằng Nam Bộ sẽ mang lại những trải nghiệm hết sức thú vị cho du khách. Mỗi vùng văn hoá đều có không gian tổ chức lễ hội, có cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể, mang tính nguyên gốc làm điểm nhấn giới thiệu các giá trị văn hoá Việt Nam tới du khách. Tại đây, du khách cũng dễ dàng tận mắt nhìn thấy nhiều dụng cụ vốn rất quen thuộc từ xưa của dân tộc như cái cối xay lúa đan bằng nan tre, cái cày bằng cây thô sơ, những mái nhà lợp tranh, vách đất… Có thể nói Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên như “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Khách đến tham quan sẽ có dịp chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Cùng với Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc, Căn cứ cách mạng an toàn khu ATK, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn cho mọi du khách trong và ngoài nước.
Thái Nguyên 1317 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 09/03/2023