Đình làng Canh Hoạch

Đình làng Canh Hoạch

Đình Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai là một trong những di tích lịch sử văn hóa có niên đại khởi dựng từ sớm, có giá trị trên nhiều phương diện nghiên cứu. Ngày nay, tuy di tích không còn giữ được sự bề thế vốn có trước đây, song những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và có nhiều giá trị về nhiều mặt trong kho tàng di tích văn hóa dân tộc. Đình Canh Hoạch được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1991. Theo các cụ cao niên, xưa kia, làng Canh Hoạch có ba ngôi đình là đình Cả, đình Diệc và đình Trung. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đình Cả và đình Diệc đã bị hỏng, chỉ còn đình Trung. Dân làng đã chuyển các đồ thờ, thần phả sắc phong của đình Cả, đình Diệc về đình Trung cùng để phối thờ. Canh Hoạch có tên nôm là làng Vác, nên ngôi đình làng còn có tên là đình Vác. Ngôi đình được tọa lạc trên khu đất cao rộng ở giữa làng, ngoảnh về hướng Tây nhìn ra quốc lộ 21B. Theo cuốn thần phả, đình Canh Hoạch thờ ba vị: Hùng Lý, Cao Hàn và Trần Quốc Uy. Vị thần thành hoàng thứ nhất là Hùng Lý Đại vương, vốn là một hoàng tử, con bà cung phi thứ sáu của Hùng Đoan Vương, khi lớn lên có nhiều tài, được vua cha phong chức, làm quan trấn thủ Tam Giang. Vị thần thành hoàng thứ hai là Cao Hàn Đại vương, cùng thời với Hùng Lý Đại vương. Khi nước Văn Lang có giặc, Cao Hàn được nhà vua giao cùng với Hùng Lý hợp lực đánh giặc ở vùng Tam Giang. Vị thần thành hoàng thứ ba là Trần Quốc Uy, con của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông vốn là người thông minh hiếu học, đỗ đại khoa và được vua Trần phong làm quan, giữ việc binh, có công lao đánh giặc Mông – Nguyên sang xâm lược nước ta. Mặt bằng tổng thể khu di tích bao gồm cổng đình, sân đình, hai ngôi nhà tả, hữu mạc, ngôi nhà đại bái, trung cung và hậu cung. Đầu tiên là cổng đình được xây dựng theo kiểu bốn trụ biểu hoa dành tạo lối vào ra để cho dân làng vào lễ thánh. Bốn cột trụ xây gạch thành khối hình vuông cao to, chia làm ba phần: đế, thân và đỉnh. Phần đế hình khum tạo thế vững chắc cho thân và đình trụ. Phần thân trụ xây khối hộp hình chữ nhật, ngoài trang trí gờ chỉ, trong lòng viết câu đối ca ngợi truyền thống quê hương và công đức của vị Thành hoàng. Trên đình trụ đắp hộp đèn lồng và hoa cành cách điệu cánh bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tiếp đó là sân đình được lát gạch đỏ, đăng đối qua sân đình có hai ngôi nhà tả mạc và hữu mạc. Hai ngôi nhà đều có ba gian, xung quanh xây gạch, tường hồi bít đốc, mái chảy lợp ngói mũi mỏng, các bộ vì kiến trúc làm theo kiểu thức kèo cầu quá giang, thiên về bào tròn đóng bén. Những công trình kiến trúc chính gồm ngôi nhà đại bái, trung cung và hậu cung cấu trúc liên kết theo kiểu chữ Công. Ngôi nhà đại bái ở phía trước cấu trúc mặt bằng hình chữ Nhất có năm gian, tường hồi xây gạch bít đốc kìm đấu vuông khóa bờ nóc, hai mái chảy lợp ngói mũi. Bộ khung nhà kiến trúc ba hàng chân cột gỗ tròn nâng các bộ vì được làm theo kiểu thức chồng rường giá chiêng, bẩy hiên. Tiếp đến là ngôi nhà trung cung, nhà cầu nối đại bái với hậu cung, có ba gian hẹp. Sau đó là ngôi nhà hậu cung ba gian hình chữ Nhất chạy song song với nhà đại bái. Ngôi nhà này xây tường gạch bao quanh, đầu hồi bít đốc kìm đấu vuông khóa bờ nóc, hai mái chảy lợp ngói mũi. Về kiến trúc bên trong của ba ngôi nhà đều chung một kiểu thức bộ khung nhà làm bằng gỗ, bốn hàng cột tròn, các bộ vì theo kiểu thượng chồng rường, hạ bẩy. Về điêu khắc và nghệ thuật trên các lớp kiến trúc gỗ có hoa lá cách điệu, lá hóa rồng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn, như dòng chữ trên thượng lương ghi xây dựng đình vào năm 1912. Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự của ba ngôi đình dồn lại. Trong đó, có hai hương án thời Nguyễn được chạm đục kênh bong rồng, phượng, hoa lá cách điệu, một cuốn thư trên diềm ngoài có đục chạm kênh bong các hoa văn tứ quý, trong lòng họa bài thơ làm theo thể ngũ ngôn bát cú với nội dung ca ngợi công đức Thành hoàng. Đặc biệt, trong đình còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong và một cuốn thần phả ghi sự tích các vị thần được thờ làm Thành hoàng của làng Canh Hoạch. Về lễ hội, trước kia lễ hội làng Canh Hoạch từ ngày 11 đến 13 tháng 3 âm lịch. Xưa kia hình thức tổ chức lễ hội tiến hành như sau: Ngày 11/3 dân làng tổ chức rước ba cỗ kiệu thành hoàng, kiệu Đức Thánh Cả Trình Lý đi trước, tiếp kiệu Đức Thánh Hai Cao Hàn và kiệu Đức Thánh Ba Trần Uất từ đình xuống cổng dinh vào đình sắc rước sắc các vị thành hoàng ra đình. Sau đó, làng dùng kiệu đốn xuống rước bát nhang Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng từ Nhà thờ Trạng nguyên họ Nguyễn và lại rước bát nhang Thường quốc công ở đình Sắc về đình Đụn phối hưởng tế cộng đồng. Ngày 13/3, dân làng tổ chức rước sắc, rước bát nhang trạng nguyên và Thường quốc công hoàn cung. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Dân Hòa , huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội

Hà Nội 219 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hà Nội

Hoàng Thành Thăng Long

Hà Nội 1857

Di tích quốc gia đặc biệt

Đình, chùa Đại Lan

Hà Nội 1667

Di tích cấp quốc gia

Đền Voi Phục Hà Nội

Hà Nội 1583

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thanh Nhàn

Hà Nội 1547

Di tích cấp quốc gia

Đình Hoàng Xá

Hà Nội 1440

Di tích cấp quốc gia

Chùa Một Cột

Hà Nội 1388

Di tích cấp quốc gia

Đình Hạ Hiệp

Hà Nội 1309

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Pháp Vân

Hà Nội 1303

Di tích cấp quốc gia

Chùa Láng

Hà Nội 1291

Di tích cấp quốc gia

Đền Đồng Nhân

Hà Nội 1193

Di tích quốc gia đặc biệt

Điểm di tích nổi bật