TPO - Đình Hàng Kênh, tượng đài nữ tướng Lê Chân, chùa Hang... nằm trong hệ thống di tích lịch sử nổi bật của thành phố Hải Phòng. Trong số này, đình Hàng Kênh lưu giữ được những nét kiến trúc, văn hóa độc đáo và giá trị.
TPO - Đình Hàng Kênh, tượng đài nữ tướng Lê Chân, chùa Hang... nằm trong hệ thống di tích lịch sử nổi bật của thành phố Hải Phòng. Trong số này, đình Hàng Kênh lưu giữ được những nét kiến trúc, văn hóa độc đáo và giá trị.
Hệ thống đình, chùa nổi bật tại TP. Hải Phòng
Đình Hàng Kênh nằm trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Theo tư liệu ghi lại, đình được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVII. Đình Hàng Kênh được xây dựng theo bố cục kiến trúc truyền thống: đại đình, tọa ống muống và hậu cung. Ngoài kiến trúc chính còn có hai tòa giải vũ, văn miếu, hồ bán nguyệt.
Đình Hàng Kênh ban đầu được xây dựng để thờ thành hoàng làng, sau này được vua Tự Đức cho tu bổ, tôn tạo và được dành làm nơi thờ "Quốc tổ trung hưng" Ngô Quyền - người có công đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra một kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc Việt Nam.
Tòa đại đình là phần kiến trúc trọng yếu nhất của ngôi đình, có quy mô bề thế gồm 7 gian, mái lợp ngói mũi hài, đầu đạo cong vút. Nét đặc sắc, độc đáo của tòa đại đình là các mảng trang trí chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo như chạm bong hình, chạm nổi, chạm thủng trên các xà, cột, câu đầu, bảy hiên, cốn... tạo nên không gian nhiều tầng, nhiều lớp, một thế giới điêu khắc sống động với nhiều đề tài phong phú, đa dạng như rồng, mây, hoa lá, kỳ lân, phượng...
Ngoài hiên, trên các tấm ván, dưới các chấn song có tới hơn 100 mảng chạm hình rồng, mây, hoa, lá cách điệu. Cả trong và ngoài đình Hàng Kênh có tới 268 mạng chạm tinh xảo.
Đình Hàng Kênh không chỉ có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mà còn bảo lưu được kiểu thức ván sàn lòng thuyền hiếm có, đưa đình Hàng Kênh trở thành một di sản văn hoá đặc sắc trong các ngôi đình Việt Nam. Đình Hàng Kênh là di tích đặc biệt, tiêu biểu của thành phố Hải Phòng, được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962.
Tượng đài nữ tướng Lê Chân được đặt trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố. Đây là một trong những biểu tượng của thành phố Hải Phòng từ nhiều năm nay. Tượng đài được dựng lên để tôn vinh nữ tướng Lê Chân - người có công gây dựng trang An Biên tức thành phố cảng Hải Phòng ngày nay. Tượng đài được khởi công xây dựng vào ngày 30 tháng 11 năm 1999, khánh thành ngày 31 tháng 12 năm 2000. Sau khi hoàn thành tượng cao 7,5 m, nặng 19 tấn.
Lê Chân vốn người làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Khi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, Lê Chân cùng nghĩa quân lập được nhiều chiến công vang dội. Sau này Mã Viện đem thêm lực lượng tới tấn công, nghĩa quân không thể bảo toàn được lực lượng, bà đã phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự. Sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân ngày nay) dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè bây giờ).
Đến đời vua Trần Anh Tông, bà được phong là Thành hoàng xã An Biên huyện An Dương. Hằng năm, cứ đến ngày sinh mồng 8 tháng 2 (ngày hoá 25 tháng Chạp, ngày khánh hạ 15 tháng 8), nhân dân An Biên nô nức đến đền Nghè cùng dâng lễ tưởng niệm vị nữ tướng.
Chùa Hang hay còn gọi là Cốc Tự (khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng) được xem là ngôi chùa thiên tạo lớn nhất trong khu di tích lịch sử Đồ Sơn. Đây được coi là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Đúng như tên gọi của chùa, các bậc tiền nhân đã lấy một hang đá trên núi Vạn Tác để lập chỗ tu hành. Chùa được đặt trong lòng hang đá ven sườn núi cao 35m, rộng 7m và được chia thành hai bậc thềm trong - ngoài. Về tổng quan, chùa có cấu trúc hình thang, xuyên thẳng vào trong núi với độ dài khoảng 25m.
Theo truyền ngôn, một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa này. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.
Chùa Hang là điểm đến thú vị để tìm hiểu về lịch sử Phật giáo và tín ngưỡng dân tộc. Vì vậy, ở đây luôn có nhiều du khách, phật tử đến tham quan, chiêm bái.
Bên ngoài chùa Hang Đồ Sơn là cảnh sắc núi non, mây trời, biển cả và tượng Phật Quan Âm. Bên phải là nhà thờ tổ, tiếp theo là tòa tháp. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng, kiến trúc của chùa Hang Đồ Sơn “Tiền Phật, hậu Thần” về cơ bản vẫn không thay đổi.
Trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước, chùa Hang hiện nay không còn nằm cheo leo trên bờ biển mà đã lùi xa cách khuôn viên chùa cũ hơn 100 m. Nhận thức được chùa Hang là một di sản văn hóa quan trọng nên Ban quản lý chùa cùng cơ quan quản lý văn hóa quận, thành phố quan tâm bảo tồn, tôn tạo thường xuyên.