Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử cấp quốc gia - đình Cung Chúc

Bên cạnh những bãi biển xanh mát thì Hải Phòng còn nổi tiếng với những di tích lịch sử, trong đó phải kể đến đình Cung Chúc tại huyện Vĩnh Bảo. Hãy nghe Nguyễn Thị Ánh (Hải Phòng) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Nhắc đến huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng, người ta thường nhớ ngay đến vùng đất hiếu học có tiếng từ xưa tới nay. Bên cạnh sự kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học, nhân dân Vĩnh Bảo còn tiếp nối và giữ gìn những truyền thống văn hóa và tinh thần từ những làng nghề truyền thống của địa phương hay những ngôi đình, chùa có kiến trúc độc đáo, mang lại nét đẹp tâm linh và củng cố tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Đến với Vĩnh Bảo, chúng ta bắt gặp vô vàn những công trình tâm huyết của người thiết kế, thế nhưng có một ngôi đình cổ mà kiến trúc của nó được coi là “có một không hai” trên quê hương Vĩnh Bảo. Đó là ngôi đình cổ mang tên đình Cung Chúc.

1. Khái quát về đình Cung Chúc

Đình Cung Chúc nằm tại thôn Cung Chúc, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ngôi đình có vị trí địa lý gần sông Luộc, cách thị trấn Vĩnh Bảo khoảng 10km về phía Tây Nam và giáp với huyện Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương.

Đình Cung Chúc được coi là ngôi đình làng có kiến trúc độc đáo nhất cả vùng Duyên Hải Bắc Bộ. Đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp tặng năm 1996. Đến nay dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đình Cung Chúc vẫn giữ được vẻ đẹp nghiêm trang, cổ kính vốn có.


Đình Cung Chúc (ảnh: sưu tầm)

Đình Cung Chúc nằm ngay đầu làng, có vị thế đẹp, cảnh quan trên bến, dưới thuyền, có cây cổ thụ soi bóng xuống hồ càng tăng thêm vẻ thâm nghiêm, u tịch. Về quy mô, tổng thể di tích đình Cung Chúc tọa lạc trên khu đất có diện tích 3.860m2, thoáng đẹp rộng rãi, gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc tạo thành một tổng thể thống nhất.

Bước vào cổng đình, chúng ta cảm nhận được sự thanh tịnh của nơi tâm linh. Đặc biệt, từ cổng dẫn vào chùa bạn sẽ bắt gặp tượng thờ ông Ba mươi hay còn gọi là ông Thạch Hổ. Theo truyền ngôn ông Hổ được thờ nơi cổng đình là tượng trưng cho sức mạnh và cường quyền của một nhà nước tập quyền. Ngoài ra, biểu tượng ông Thạch Hổ được đặt ở lối vào đình còn là niềm tin của nhân dân vào sự che chở và bảo vệ của thần linh, của tổ tiên đối với dân làng, giúp nhân dân yên ổn làm ăn, phát triển kinh tế và hạnh phúc trong gia môn.

2. Kiến trúc độc đáo của đình Cung Chúc

Độc đáo nhất khi tham quan kiến trúc tại đây chính là công trình 16 lỗ đục xuyên qua 8 cột cái. Thay vì sử dụng các cột trụ để đỡ mái đình như thông thường, đình Cung Chúc sử dụng hệ thống 8 cột cái bằng gỗ lim có đường kính 60cm, được đục xuyên qua 16 lỗ với kích thước 30cm x 30cm. Hệ thống xà ngang, dọc, kèo, củng được liên kết với nhau bằng kỹ thuật mộng chốt tinh xảo, không sử dụng đinh sắt hay keo dán. Nhờ vậy, kết cấu của đình Cung Chúc vô cùng vững chắc. Theo quan niệm dân gian, 16 lỗ đục trên cột cái tượng trưng cho 16 chữ "Phúc - Lộc - Thọ - An - Khang - Ninh - Thành - Giàu - Quý - Dẻo - Dai - Giỏi - Sang - Thông - Minh - Mẫn - Lợi". Đây cũng chính là điểm độc đáo trong cách thiết kế tạo nên sự tỉ mỉ thông qua bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân, từ đó làm phong phú hơn nét đẹp bình dị mà thanh tao cho chốn linh thiêng này.


Bên trong đình Cung Chúc (ảnh: sưu tầm)

Ngoài cấu trúc đình độc đáo, đình Cung Chúc còn sở hữu hiện vật mang giá trị nghệ thuật khác như: các bức chạm khắc tinh xảo trên gỗ mô tả các đề tài truyền thống như tứ linh, rồng phượng, hoa văn,...Chính những biểu tượng chạm nổi về long-ly-quy-phượng cùng mái đình cong vút, bề thế, uy nghi đã làm nên một ngôi đình làng vững chãi dưới dòng lịch sử ngút ngàn.

Đối diện với cửa đình là bốn cột trụ biểu và cuốn thư, phía ngoài là hình hai con nghê đầu rồng chân hổ để yểm phong thủy, hai trụ biểu giữa có hình ngọn lửa cháy lên để đốt đi tà khí. Phía sau trụ biểu là bức chấn phong có hình cuốn thư để ngăn tà khí, góp phần tạo nên vẻ uy nghi cổ kính cho ngôi đình.

Phía trước sân đình bạn sẽ nhìn thấy ngay một chiếc hồ lớn tạo nên nét phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền. Thường vào mùa lễ hội dưới mặt hồ còn xuất hiện những đèn hoa đăng, làm cho không gian trở nên lung linh huyền ảo. Xung quanh Đình còn là những vườn cây xanh mướt tạo nên không khí trong lành. Đằng sau sân đình còn lưu giữ một vườn đá cổ được công nhận là Vườn đá di sản đình Cung Chúc với những viên đá tròn và nặng được xếp thẳng hàng cách nhau đồng đều. Đình Cung Chúc được coi là công trình trường tồn cùng thời gian bởi nơi đây đã từng chứng kiến rất nhiều đổi thay của lịch sử, cùng nhân dân làm nơi bí mật và bàn bạc đối sách để đánh đuổi giặc Pháp. Chính vì thế nhiều hạng mục của công trình không thể hoàn hảo như ban đầu, có những hạng mục bị hư hỏng nặng. Năm 1997, sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, đình đã được cấp ngân sách để tu bổ, sửa sang thay mới các hạng mục. Đến nay ngôi đình được khoác lên mình chiếc áo mới khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ truyền bình dị, thanh tịnh của chốn non nước linh thiêng.

3. Mùa lễ hội tại Đình Cung Chúc

Lễ hội Đình Cung Chúc hay còn gọi là hội Đình bắt đầu từ ngày 9 đến 12 tháng 11 âm lịch, là khoảng trước Tết Nguyên Đán hơn một tháng. Những ngày lễ hội diễn ra tại đây sẽ làm cho bạn phải trầm trồ và thích thú bởi quy mô vô cùng lớn và diễn ra trong vòng 4 ngày với các nghi thức lễ bao gồm Tế nhập tịch mở cửa đình; Rước kiệu các Thành Hoàng từ 4 miếu quanh làng; tế thánh; dâng hương, bái yết Thành Hoàng; tế tạ đóng cửa đình. Các nghi lễ được làm rất tỉ mỉ và nghiêm trang bởi các ông, các bà trong làng thể hiện sự tôn kính và biết ơn các vị thần linh và thế hệ cha ông đã mang đến một cuộc sống tươi đẹp cho nhân dân. Buổi tối trong thời gian lễ hội còn diễn ra tiết mục hát chèo và chầu văn trên những con thuyền lênh đênh trên hồ thơ mộng. Những chiếc đèn hoa đăng nhiều màu sắc được thả trôi trên hồ cùng ngọn nến lấp lánh tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn, hút hồn rất nhiều người thả mình cảm nhận sự thanh thoát nơi tâm hồn.


Trò chơi dân gian kéo co (ảnh: sưu tầm)

Vui nhất và náo nhiệt nhất thì phải kể đến những trò chơi dân gian mùa hội này như: kéo co, bịt mắt bắt dê, đập niêu đất, đi cầu thùm, chọi gà,...và không thể không nhắc đến hội kéo vó bắt cá giữa hồ. Hòa mình vào không khí lễ hội này bạn sẽ cảm thấy vui sướng và hồi hộp theo nhịp chơi của người tham gia. Bất giác những tiếng hò reo vang vọng giữa những tiếng trống và loa cổ vũ của ban tổ chức. Tiếng đập niêu chan chát, tiếng nhắc nhở người chơi phải đi theo hướng chỉ dẫn để đập được chiếc niêu chứa phần thưởng cùng tâm trạng hồi hộp và tiếc nuối hiện rõ trên gương mặt của mỗi người. Đảo mắt sang một khung cảnh khác chính là 2 đội kéo co đang trong tâm lý căng thẳng, cố gắng dành hết sức kéo chiếc dây về phía mình nhiều hơn, những giọt mồ hôi lăn dài trên trán tạo cho trận đấu thêm phần gay cấn và hấp dẫn. Đổi hướng nhìn sang bên hồ là những thanh niên trai tráng đang tham gia trò chơi đi cầu thùm bằng tre. Ban tổ chức sẽ thiết kế những cọc tre buộc với nhau tạo thành một chiếc cầu nhỏ xíu chỉ bằng 2 cây tre đòi hỏi người chơi phải giữ được thăng bằng và tránh trơn trượt để về đích. Người nào đến được đích mà không bị rớt xuống hồ sẽ là người chiến thắng. Đây là một trò chơi dân gian khá khó, thi thoảng bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh của một vài thanh niên ướt hết người với tâm trạng tiếc nuối đang lạnh run người.

Tâm điểm của mùa lễ hội là trò chơi bắt cá bằng vó được diễn ra vào buổi sáng hôm sau. Những người tham gia bắt cá bằng những chiếc vó được làm bằng lưới và tre chắc chắn. Người ta hay gọi những người tham gia bắt cá là những “vó thủ” vì dưới cái thời tiết lạnh giá của mùa đông như thế, ngâm mình dưới nước hồ lạnh giá thì phải có sức mạnh và giàu thể lực nhất có thể. Những chiếc vó cứ thể được nhấn chìm rồi lại được nhấc lên mang theo những con cá tươi rói vẫn còn đang nhảy trong lưới. Khung cảnh vừa náo nhiệt vừa sôi động, đan xen những sự hài hước và sự cổ cũ nhiệt tình từ người hâm mộ tứ phía đã tạo nên một buổi sáng bắt cá dưới hồ thực sự khí thế và rầm rộ. Kết thúc trận đấu, ban tổ chức sẽ tổng kết số cá của các “vó thủ” và trao giải cho người bắt được nhiều cá nhất.

Mùa lễ hội tại đình Cung Chúc không chỉ đem đến cảm giác vui vẻ sau một năm làm việc và cống hiến hết mình của người dân mà còn là dịp để nhân dân có cơ hội đoàn kết lại với nhau, cùng nhau tổ chức lễ hội và tưởng nhớ đến những công lao của cha ông đi trước. Cùng hòa mình vào không khí vui tươi phấn khởi chào đón năm mới tại lễ hội Đình Cung Chúc một lần chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thất vọng về trải nghiệm này.

Đình Cung Chúc với người dân Vĩnh Bảo nói riêng và người dân Hải Phòng nói chung được coi là một địa điểm lưu giữ thời gian, lưu giữ những truyền thống quý giá của dân tộc. Tuy đình không phải là ngôi đình lớn nhưng được coi như một bông hoa kiến trúc đặc sắc, độc nhất vô nhị không chỉ của Hải Phòng và cả vùng duyên hải Bắc Bộ. Vì thế mà trải qua mấy trăm năm dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

“ Tiếng đình Cung Chúc quả không sai

Kiến trúc kì công đủ vẻ tài

Mười sáu lỗ đục qua cột cái

Lưu truyền để lại một không hai”

18 Tháng 12, 2024 155

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành