Hải Phòng không chỉ được biết đến với rừng vàng biển bạc mà còn thu hút khách du lịch với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đậm đà bản sắc. Hãy nghe Nguyễn Trần Ánh Vân (Hải Phòng) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
"Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về". Những câu thơ trên với người dân Hải Phòng nói chung và người dân Đồ Sơn nói riêng đã trở nên quá đỗi quen thuộc mỗi mùa lễ hội chọi trâu cận kề. Vậy mới nói, Hải Phòng không chỉ được thiên nhiên ban tặng những món quà vô giá về cảnh đẹp biển đảo, núi rừng mà còn được kế thừa những truyền thống văn hóa ngàn đời. Một trong những lễ hội làm nên bản sắc đặc trưng của người Hải Phòng phải kể đến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
1. Thời gian diễn ra và nguồn gốc của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Quận Đồ Sơn là một quận của thành phố Hải Phòng cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Nơi đây gắn liền với hình ảnh của những ngư dân ngày ngày bám biển cùng thuyền chài lưới mang lại những nguồn hải sản tươi ngon cung cấp cho thành phố và được chế biến để xuất khẩu sang các nước lân cận. Quận Đồ Sơn ngày càng phát triển về du lịch với thế mạnh là vùng biển Đồ Sơn thu hút rất nhiều khách du lịch cùng những khu nghỉ dưỡng hiện đại. Phát triển là vậy nhưng Đồ Sơn vẫn lưu giữ được truyền thống ngàn đời của ông cha từ nét đẹp lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân Hải Phòng nói chung và nhân dân mọi miền trên cả nước nói chung.
Biển Đồ Sơn xanh mát (ảnh: sưu tầm)
Lễ hội chọi trâu được tổ chức vào ngày 9 tháng 8 âm lịch tại sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn. Thời điểm này là mùa thu với thời tiết mát mẻ, không nắng gắt như mùa hạ và cũng không giá lạnh như mùa đông nên những người đến xem và cổ vũ đều cảm thấy khá hưng phấn và háo hức. Lễ hội được chuẩn bị khá kỹ càng bởi mỗi năm chỉ diễn ra một lần duy nhất. Tương truyền có rất nhiều giai thoại kể về nguồn gốc của lễ hội chọi trâu, điển hình là giai thoại kể rằng: Ở chân núi Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, có đền thờ Thủy Thần. Ngày trước, có người bán thổ đi qua, thấy hai con trâu chọi nhau dưới đền, nên hàng năm đến ngày 9 tháng 8, có tục chọi trâu để tế thần. Tục “tế thần” cũng là để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, người dân yên ổn làm ăn và phát triển kinh tế, gia đình ấm no hạnh phúc. Theo nhiều nguồn sách của ông cha thì lễ hội chọi trâu có nguồn gốc từ đời nhà Trần và được kế thừa, gìn giữ đến tận ngày nay.
2. Một ngày hòa mình vào lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Với người dân Hải Phòng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Cứ đến khoảng đầu tháng Tám, người dân Đồ Sơn đã rất háo hức chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho một mùa lễ hội sắp đến. Nhân vật chính của lễ hội là những chú trâu với thân hình to khỏe, da đen nhám, cùng cặp sừng chắc và dài mà người ta hay gọi bằng một từ vô cùng tôn kính là “ông trâu”. Mỗi năm các phường tại quận Đồ Sơn sẽ được phân bổ mỗi phường 2 “ông trâu” và còn lại sẽ tùy theo phường có trâu đạt giải các năm trước mà sẽ được ưu tiên tăng số lượng trâu, tổng số trâu tham gia là 16 “ông”.
Khán giả kéo đến sân xem trận đấu đông nghịt (ảnh: sưu tầm)
Lễ hội chọi trâu được chia thành 2 phần là phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ sẽ là nghi lễ trang trọng rước kiệu thần, có lọng che. Nghi thức này được tiến hành một cách tôn nghiêm thể hiện sự kính trọng của con người với các vị thần linh và tổ tiên cùng những ước vọng về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc đến với mọi người mọi nhà. Sau phần lễ sẽ là phần hội chính. Khai mạc phần hội sẽ là phần các ông chủ trâu được giới thiệu lên sân khấu cùng với hình ảnh “ông trâu” của họ để mọi người dễ quan sát và phân biệt đồng thời cũng là lời tri ân mà mọi người dành cho sự dày công, tâm huyết nuôi dưỡng những chú trâu trưởng thành, huấn luyện trâu trở nên mạnh mẽ, có sức chiến đấu và gan dạ quyết đoán hơn trên đấu trường.
Phần lễ trang nghiêm (ảnh: sưu tầm)
Tiếp theo sẽ vào phần hội chọi trâu, đây cũng là phần được khán giả quan tâm mong chờ nhất. Các “ông trâu” sẽ trải qua các vòng bảng cùng trâu đối thủ để dần lọt vào vòng tứ kết, bán kết và cuối cùng là chung kết. Trâu thắng cuộc sẽ là trâu không bỏ cuộc và ở lại trên sân đến giây phút cuối cùng. Trong không khí căng thẳng của cuộc chiến cân tài cân sức, bất giác những giọt mồ hôi của những ông chủ trâu khẽ rơi cùng sự hồi hộp và lo lắng hiện rõ trên gương mặt. Dường như những vất vả và mệt nhọc sau nhiều nhiều năm nuôi dưỡng một chú trâu đều tan biến nhường chỗ cho sự hy vọng, niềm tin vào chú trâu của mình có thể thắng cuộc. Giữa tiếng reo hò đầy náo nhiệt của loa phát thanh đánh giá và review trận đấu của các bình luận viên, những “ông trâu” càng như có thêm động lực và sức chiến đấu mạnh mẽ hơn. Có những “ông trâu” tưởng chừng đang rơi vào thế khó khi đối thủ quá mạnh thì bất ngờ lại đảo ngược tình thế bằng điểm mạnh từ cặp sừng rắn rỏi hoặc đôi chân vững chãi của chúng tạo nên sự gay cấn, bất ngờ cho khán giả. Cũng có những chú trâu lại dửng dưng, thờ ơ với cuộc chiến, chỉ ngang nhiên đi dạo trong sân làm nên điều hài hước cho lễ hội. Có những “ông trâu” lại có sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, không bỏ cuộc và áp đảo đối phương ngay từ đầu để kết thúc trận đấu chỉ trong vài phút. Sau cùng, những “ông trâu” thắng các vòng đều mang đến một tâm lý vui mừng, phấn khởi cho các chủ trâu nhưng trái ngược với đó chính là những sự tiếc nuối từ những chủ trâu chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Những ông trâu mạnh mẽ chiến đấu hết mình (ảnh: sưu tầm)
Trải qua hàng loạt những trận đấu căng thẳng, sẽ là 2 ông trâu được vinh dự bước vào trận chung kết. Sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả càng làm cho không khí trận đấu nóng lên bao giờ hết, ông trâu thắng cuộc sẽ được trao giải thưởng khá hậu hĩnh, sự tự hào ánh lên trên nét mặt của chủ trâu. Cuối cùng sẽ là lễ bế mạc và trao giải cho các ông chủ trâu. Dòng người nối tiếp nhau rời khỏi sân để lại bao nhiêu cảm xúc về một giải đấu thành công, có những sự tiếc nuối, có cả những sự vui mừng, tự hào, có những lời bình phẩm bàn tán về hiệp đấu. Tất cả đều gói gọn trong một ngày 9/8 tại Đồ Sơn Hải Phòng.
3. Thành công và nét đẹp văn hóa của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Trải qua thời gian phát triển và gìn giữ lâu dài, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã in sâu vào tiềm thức của người dân Hải Phòng, trở thành một lễ hội truyền thống không thể thiếu tại nơi đây. Chúng ta không thể quên được những hình ảnh náo nhiệt của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 vừa diễn ra với chức vô địch dành cho ông trâu số 04 của chủ trâu Lưu Đình Khang trú tại phường Hải Sơn quận Đồ Sơn Hải Phòng. Bằng sự khỏe mạnh dẻo dai và được huấn luyện bài bản, trâu 04 đã đánh bại trâu số 07 ở vòng chung kết và xứng đáng trở thành “ông trâu bất bại” tại lễ hội năm nay. Tuy nhiên, năm 2024 do ảnh hưởng của cơn bão Yagi nên lễ hội bị hoãn lại đến 19 tháng 8 âm lịch mới được tổ chức. Cho dù vậy không khí của khán đài vẫn rất náo nhiệt và sôi động. Nhiều gia đình ở xa không đến được tận nơi đều hướng về Đồ Sơn qua màn ảnh nhỏ để cùng theo dõi và cổ vũ hết mình cho lễ hội. Chính những tình cảm lớn lao của người dân Đồ Sơn nói riêng và người dân Hải Phòng nói chung đã tạo nên được dư âm không nhỏ, để lại được tiếng vang cho lễ hội, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Thành phố Hải Phòng.
Không khí tươi vui phấn khởi trong phần trao giải (ảnh: sưu tầm)
Có thể nói, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không chỉ là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia mà còn là một nét văn hóa tinh thần của người dân đất Cảng. Với sự mạnh mẽ về cả thể chất lẫn tinh thần cùng sự chân thành qua tấm lòng hiếu khách và cả tài năng sáng tạo, Hải Phòng đã mang đến một hình ảnh đáng ngưỡng mộ về chỉ số phát triển kinh tế cũng như thu nhập bình quân đầu người đều ở mức cao, trở thành thành phố đáng sống trên cả nước. Không chỉ góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, Hải Phòng còn góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, biết kế thừa tinh hoa văn hóa của cha ông, hun đúc tinh thần yêu quê hương của thế hệ trẻ. Từ những điều cao cả và tuyệt vời như thế thì bạn còn chần chờ gì mà không đến với thành phố Cảng của chúng tôi, cùng hòa mình vào mây núi sông nước của cảnh sắc nơi Đồ Sơn xanh mát, cùng hòa vào dòng người nơi khán đài sân vận động Đồ Sơn thưởng thức trận đấu chọi trâu mãn nhãn ngày 9/8 âm lịch hàng năm, và đặc biệt đừng quên cùng nhau nạp năng lượng bằng những thức quà sản tươi ngon, ăn một miếng là cảm nhận đầy đủ hương vị của miền biển và tấm chân tình của người dân đất Cảng.