Đền thờ vị vua duy nhất của Hưng Yên nhằm tưởng nhớ ai?

Ngày nay, đền thờ Triệu Quang Phục vẫn còn đó như một minh chứng cho lòng biết ơn của nhân dân đối với công lao giành độc lập về nước Vạn Xuân.

                                                           Đền thờ vị vua duy nhất của Hưng Yên nhằm tưởng nhớ ai?

Vị vua duy nhất của Hưng Yên là Triệu Quang Phục hay còn gọi là Triệu Việt Vương. Không chỉ có tên đường, tên trường mang tên vị vua ấy mà tại chính quê hương cũng có một nơi thiêng liêng hướng về ông - đền thờ Triệu Việt Vương.

1. Địa điểm: thôn Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, người địa phương còn gọi là đền thờ Vua Rừng.

2. Sự ra đời của đền thờ Triệu Việt Vương.

Triệu Việt Vương có tài võ nghệ, cùng với Lý Nam Đế (Lý Bí) khởi nghĩa, lật đổ chính quyền đô hộ quân Lương xâm lược, giành độc lập, lập nên nước Vạn Xuân năm 544. Triệu Quang Phục thực hiện đường lối "đánh chậm thắng chắc" bằng chiến tranh du kích, không những triệt tiêu lực lượng địch mà còn bảo toàn lực lượng ta.

Không những thế, ngài còn tổ chức cho dân vùng Dạ Trạch và nghĩa quân trồng lúa, lấy nguồn thức ăn từ vùng đất này.Khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên ngôi vua nhưng ông chỉ xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Sau này, ông kế tục sự nghiệp của nhà Tiền Lý đến năm 571. Những năm ấy, Triệu Quang Phục liên tục mở rộng phạm vi kiểm soát, phát triển đất nước. 

Chính bởi công lao to lớn của ngôi sao sáng trên bầu trời quê hương nên nhân dân địa phương đã lập đền thờ tưởng nhớ ông. Năm 2018, đền thờ được phục dựng dựa trên cơ sở của ngôi chùa cũ nhưng với quy mô mới và hoành tráng hơn. 

3. Khám phá ngôi đền thờ Triệu Quang Phục có gì?

Ngôi đền hiện tại có diện tích khoảng 267,5 mét vuông trên khuôn viên rộng 13.748 mét vuông bao gồm: nghi môn, bình phong, đền chính, nhà tả vu, hữu vu và các công trình phụ trợ. Chất liệu chủ yếu phục dựng lên ngôi đền là: gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài kết hợp với hoa văn trang trí đặc thù mang nét cổ xưa, dân dã khiến bạn không khỏi hoài niệm, nghĩ về một thời bình dị, đơn sơ của con người Việt Nam. Bố cục cảnh vật nơi đây cũng không kém phần hài hòa, sắc sảo, từng chi tiết như minh chứng cho sự tài năng, khéo léo của những người tạo dựng nên đền.


                                                          Ngôi đền khoác "áo mới" sau khi phục dựng (Ảnh: St)

Ngôi đền được bao quanh bởi vô số những cây xanh, bóng mát đem lại không khí trong lành, dịu nhẹ. Khi ghé vào tham quan, du khách có thể thấy giữa sân là một hồ nước với tượng rồng được tạc dựng tỉ mỉ, công phu qua từng hoa văn. Ngoài ra, mặt nước trong xanh hòa cùng màu trời xanh biếc với nắng vàng rực rỡ đã tạo nên sự hài hòa, sống động trong khung cảnh vốn linh thiêng này.

Đền mang kiểu kiến trúc tiền nhất, hậu cung gồm chính điện, ba gian, hai chái - một thiết kế phổ biến đối với người đồng bằng Bắc Bộ xưa. Đằng sau đền chính là đồi giả sơn bằng đất diện tích 102 mét vuông, không chỉ mang ý nghĩa phong thủy mà còn tạo cảnh quan chung cho khu di tích. Khi bước vào đền thờ, du khách có thể dễ dàng cảm nhận ánh sáng thiên nhiên hắt vào tòa chính điện và gian tiền tế nhờ thiết kế thông thoáng của nó. Bước vào gian trung tâm, ấn tượng đầu tiên mà du khách không thể bỏ lỡ là bức đại tự xung quanh trang trí hoa dây đề ba chữ Hán “Triệu Việt Vương”. Hai bên bàn thờ Triệu Quang Phục là bức đồng hình hạc mang kiến trúc tâm linh truyền thống. Tại đây, du khách có thể thắp nhang để tỏ lòng biết ơn đến vị vua đã có công lao to lớn ấy.


                                                     Chủ tịch nước Tô Lâm dâng hương tại đền thờ Triệu Việt Vương. (Ảnh: st) 

Bên cạnh Triệu Quang Phục, còn có hai vị tướng Trương Hống và Trương Hát giúp đỡ ông rất nhiều trong công cuộc đuổi đánh quân Lương. Bởi vậy phần gian bày các đồ thờ tự, hai bên là tượng tướng quân họ Trương. Khác với những gian khác, hậu cung có kiến trúc đơn giản thờ tượng Triệu Quang Phục,du khách có thể hình dung về ngôi sao sáng ấy qua gương mặt phúc hậu, mặc áo quan có trang trí rồng trông khoan thai. Hai cụ thân sinh Triệu Túc và Nguyễn Thị Hựu được thờ ở hai bên cung cấm. Năm 2020, ngôi đền được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh.

3. Lễ hội đền thờ Triệu Việt Vương.

Hàng năm cứ vào ngày 12 – 13 tháng 8 âm lịch, dân làng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của ngôi sao sáng trên mảnh trời quê hương. Nhân dân chọn ngày này tương truyền là ngày Triệu Quang Phục tế cờ ra quân đánh giặc. Mở đầu là các nghi lễ trang trọng: Rước kiệu từ đền Triệu Việt Vương ra đầm Dạ Trạch; tế lễ; khai hội, múa rồng, múa lân…Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động tế, lễ trang nghiêm cùng các trò chơi dân gian của phần hội như: Cầu kiều, đập niêu đất, hát trống quân, chầu văn... và cuộc thi đua thuyền vô cùng hấp dẫn, thú vị.

                                                                      Không khí sống động ngày lễ hội diễn ra. (Ảnh: st)

Từ lâu, lễ hội và ngôi đền đã đi vào đời sống tâm linh của người dân trong vùng và cũng chính bởi sự tài năng, đức độ của vị vua được tưởng nhớ nên giá trị ngôi đền như gói gọn trong tập sách mà ở đó hiện diện các giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho các thế hệ mai sau. Tham gia trải nghiệm lễ hội và đền thờ bạn sẽ được khám phá và hiểu sâu hơn về nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam. Đó là tinh thần đoàn kết, sự thông minh, sắc sảo, có tầm nhìn và ý chí vươn lên và là minh chứng cho nền văn hiến lâu đời.

4. Một số địa điểm du lịch lân cận đền Triệu Việt Vương.

Đến với Hưng Yên, du khách còn có thể tham quan các ngôi đền, chùa xung quanh như Chùa Vàng (Phúc Lâm), Đền Chử Đồng Tử (Đa Hòa, Dạ Trạch), chùa Nôm... và đừng quên thưởng thức những đặc sản nổi tiếng nơi đây: Nhãn lồng Hưng Yên, gà Đông Tảo, bánh cuốn, bánh tẻ, tương bần và vô số món ăn khác. 

Trên đây là những chia sẻ của mình về ngôi đền thờ vị vua duy nhất của Hưng Yên. Hi vọng, bài viết đã thôi thúc bạn khao khát tìm về ngôi đền ấy để khám phá, để hiểu hơn về giá trị vật chất cũng như tinh thần của ngôi đền!

19 Tháng 09, 2024 185

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành