Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Phố Hiến (Hưng Yên) - Nhặt mảnh kí ức vang bóng một thời.

Phố Hiến rực rỡ, nhộn nhịp trải qua cuộc bể dâu, thăng trầm liệu có còn nguyên vẹn như xưa?

                                                            Phố Hiến - Nhặt mảnh kí ức vang bóng một thời.   

Có lẽ, chúng ta đã không còn xa lạ với câu nói có sức sống hơn 300 tuổi "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Chẳng phải ngẫu nhiên Phố Hiến lại được ví với kinh thành Thăng Long sầm uất bấy giờ. Hãy cùng mình khám phá Phố Hiến Hưng Yên để lí giải vì sao câu nói đó ra đời nhé!

1. Thông tin sơ bộ về Phố Hiến - Hưng Yên

Địa chỉ: Phường Lam Sơn và Hồng Châu, Thành phố Hưng Yên. 

Thời gian thành lập: Nơi đây được dựng nên từ khoảng thế kỷ XIII và nâng tầm phát triển thành một thương cảng mờ mịt, sống động nhất cả nước vào thế kỷ XVII – XVIII. 

Giờ mở cửa: Cả ngày

Giá vé: Miễn phí. Nên du khách có thể thoải mái, tự do tham quan mảnh đất Phố Hiến nét đẹp hoài cổ giữa lòng Hưng Yên nhé!

Quá trình vận động và phát triển: Thời kỳ bấy giờ, nơi đây là địa điểm giao thoa các hoạt động giao thương quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Hà Lan… Từ đó, phát triển thêm cộng đồng dân cư "an cư lập nghiệp" tại đây, hình thành khoảng 2000 ngôi nhà cùng hơn 20 phường.

Không thắng nổi quy luật "vật đổi sao dời" phù sa bồi đắp, vị trí thương cảng sầm uất xưa kia của Phố Hiến nay được nhường lại cho Hải Phòng. Ta từng đắm say phố cổ Hà Nôi truyền thống, cổ điển, ta tự hào với phố cổ Hội An trầm mặc, rêu phong nhưng khi đứng trước Phố Hiến lâu đời người ta chỉ còn xót xa, ngậm ngùi về những dấu tích của thương cảng quốc tế lừng danh một thời đến nay hầu như bị xoá sổ.

Ngày nay Phố Hiến đã trở thành trung tâm của Hưng Yên, vừa có nét năng động mà vừa giữ được những quần thể văn hóa - những nét song lịch sử. Trong đó có hơn 128 di tích được bảo tồn, hàng trăm bia ký, hàng nghìn cổ vật từ các triều đại xa xưa như nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê và nhà Nguyễn... Đến năm 2014, nhà nước đã công nhận Di tích Quốc gia Đặc biệt cho Phố Hiến.

Không còn là nơi phồn hoa đô hội, tấp nập kẻ mua người bán như xưa kia "tiểu Tràng An" giờ đây mang đến cho bạn cảm giác mộc mạc, yên bình rất khác biệt, với những di tích lịch sử lâu năm cùng văn hóa truyền thống độc đáo. Hãy thả hồn vào vẻ thơ mộng của hồ Bán Nguyệt, với làn gió lao xao khẽ đưa nhẹ mái tóc, bên cạnh cây nhãn lồng cổ hàng trăm năm tuổi để ôm lấy trọn vẹn nơi này.

Phương tiện di chuyển: Phố Hiến cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Bạn có thể lựa chọn phương tiện tự do như xe bus, xe ô tô, xe máy. Từ thủ đô Hà Nội xuôi quốc lộ 5, rẽ vào đường 39A, qua những rặng nhãn ngút ngàn, qua hồ thơm ngát chúng ta có thể về thăm Phố Hiến.

2. Khám phá quần thể di tích tại Phố Hiến.

2.1 Văn miếu Xích Đằng

Văn miếu Xích Đằng còn được biết đến với cái tên khác là Văn miếu Hưng Yên, là khu du lịch đình đám nhất tại phố Hiến Hưng Yên được thành lập từ thời điểm đầu thế kỷ XVII. Với triết lí bất hủ, “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Văn Miếu Xích Đằng chính là nơi hội tụ tinh thần hiếu học, đề cao trí tuệ, mở rộng kì thi hương của rất nhiều cư dân bản địa. Hiện tại văn miếu thờ Khổng Tử, được suy tôn như “vạn thế sư biểu” cùng những vị chư hiền Nho gia khác. Vượt ra khỏi sự băng hoại của thời gian, 400 năm trôi qua nhưng nét đẹp cổ kính của văn miếu vẫn còn vẹn nguyên in dấu thời đại.


                                                              Văn Miếu Xích Đằng mang nét đẹp cổ kính, rêu phong. (Ảnh:ST)

Tham quan Văn miếu Xích Đằng du khách có thể chiêm ngưỡng 9 tấm bia đá vinh danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa được đánh giá như có kinh phí lớn nhất. Không chỉ thể hiện việc đề cao học vấn, đây còn là các tác phẩm thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua hoa văn hình rồng, lưỡng long chầu nguyệt, kỳ lân khá tinh xảo và tỉ mỉ cho thấy sự đầu tư, công phu, khéo léo trong từng chi tiết.

Dù trải qua những cuộc bể dâu, thăng trầm nhưng văn miếu Xích Đằng vẫn luôn là niềm tự hào của cư dân Hưng Yên và trở thành khu du lịch văn hóa truyền thống cổ truyền hấp dẫn du khách muôn nơi. Dường như, văn miếu Xích Đằng chính là khu du lịch văn hóa truyền thống cổ truyền đình đám tại Phố Hiến Hưng Yên. Ngày nay, hàng năm, vào dịp mùng 4-5 Tết, Văn miếu lại tổ chức lễ hội với các hoạt động như hát ca trù, cho chữ đầu xuân nhằm giao lưu, cầu may, cầu mong sự nghiệp học vấn ngày càng tiến bộ.

2.2 Chùa Chuông

Chùa Chuông được mệnh danh là đệ nhất danh thắng Hưng Yên, có bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo với những pho tượng để lại sức hút sâu sắc trong lòng du khách. Kiểu kiến trúc tại chùa là “Nội công ngoại quốc”, bao gồm những hạng mục lớn như: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện… Mặt tiền chùa quay theo hướng Nam là hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”.

Bước qua cổng Tam quan là cây cầu đá xanh bắc qua ao mắt rồng dẫn thẳng đến Tiền đường. Không chỉ mang nét đẹp kiến trúc hoài cổ, chùa Chuông còn mang quan điểm triết lí nhân sinh sâu sắc mà theo thuyết giáo nhà Phật đó là con đường chân chính dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ.

Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa như những bức hoành phi, câu đối, đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký”. Đặc biệt, bia còn ghi lại cảnh đẹp của Phố Hiến và một số phố phường như: Phường Hàng Bè, Hàng Sũ, Thợ Nhuộm, Cự Đệ, Hàng Thịt…thế nhưng tất cả nét đẹp hoài cổ ấy nay đã lui vào dị vãng.

Hàng năm, cứ đến các ngày 15/1, 8/4, 15/4, 15/7 âm lịch, chùa Chuông lại long trọng tổ chức các lễ hội nhộn nhịp, sống động. Nếu bạn là một trong những tín đồ Phật giáo, hãy đến đây và trải nghiệm không khí lễ hội vui vẻ này, ngắm nhìn kiến trúc cổ xưa, vãn cảnh và lễ bái các vị chư Phật cùng lòng hướng thiện tới cầu bình an, sức khỏe.  

                                                                  Kiểu kiến trúc "Nội công ngoại quốc" tại Chùa (Ảnh: St)

2.3 Đền Trần

Đền Trần  là nơi tôn thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992. Nơi đây trở thành điểm tâm linh thu hút người dân và khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Cổng nghi môn xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, trên cổ diêm ghi 4 chữ “Kiếm khí đẩu quang”  nghĩa là tình yêu nước phát sáng, lan rộng khắp không gian, phía dưới cửa cuốn đề “Trần Đại Vương từ” (đền Trần Đại Vương). Khi tham quan đền Trần du khách có thể nhìn ra hồ Bán Nguyệt xanh biếc nhẹ nhàng, bình dị mà thanh mát. Kiến trúc đền Trần được xây theo kiểu chữ Tam, bao gồm: đại bái, trung từ và hậu cung.

Hàng năm, vào ngày 8/3 âm lịch tại đền tổ chức lễ hội nhằm kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằngvà ngày 20/8 âm lịch để tưởng nhớ ngày mất của Trần Hưng Đạo. Các hoạt động ngày hội diễn ra sôi nổi, sống động, thu hút du khách thập phương.

2.4 Chùa Hiến

Ngôi chùa được xây dựng từ cuối thời Lý, đầu thời Trần và được trùng tu lại vào thời Nguyễn. Chùa Hiến còn có cái tên khác là “Thiên Ứng tự”  hoặc Hoa Dương. Nơi đây là chứng tích cho quá trình vận động và phát triển của thương cảng phố Hiến xưa. Chùa gồm có tiền đường, thiên hương, thượng điện và ba mặt hành lang.                                                                                                  

Bước vào giữa thượng điện ta sẽ thấy tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, đi lên phía trước là vị bồ tát ngồi trên tòa sen nở với gương mặt phúc hậu và tấm lòng bao dung, tỏa sáng như cho ta cảm giác vỗ về, chở che. Điểm đặc sắc nổi bật nhất tại chùa có lẽ chính là cây nhãn Tổ, hay cây nhãn Tiến với tuổi đời hơn 300 năm ngày xưa thường được chọn để dâng quả cho Đức Phật. Nổi danh quê hương xứ nhãn, năm 2012 chùa Hiến được xác lập kỉ lục là ngôi chùa đầu tiên có cây nhãn tổ ở Việt Nam.                                                                                                                                           

3. Ẩm thực Hưng Yên có gì?

Nhắc đến Phố Hiến (Hưng Yên) chắc chắn du khách không thể không nhớ đến hương vị nhãn lồng thơm ngọt, cùi dày. Tên gọi nhãn lồng ra đời vốn là bởi giống cây này có nhiều quả, to và nặng nên người dân phải làm lồng bảo vệ. Ngày xưa nhãn lồng ở Phố Hiến từng được chọn tiến vua. 

Bên cạnh đó, bạn có thể ghé thăm chợ Phố Hiến để không bỏ lỡ món ngon như cam Bảo Châu, chè sen, kẹo Sỉu Châu, bún thang… Đừng quên dừng chân tại hồ Bán Nguyệt để thưởng thức món ăn vặt hấp dẫn cay cay, béo béo như chả gà tiểu quan, bánh răng bừa Phụng Cưa thơm mềm vừa để ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên, bình yên thơ mộng, gạt bỏ muộn phiền giữa cuộc sống xô bồ nhé.


                                                         Hồ Bán nguyệt được ví như vầng trăng khuyết giữa lòng Hưng Yên (Ảnh: St).

4. Cảm nhận

Mặc dù những ồn ào, tấp nập giờ đây đã lui về dĩ vãng nhường chỗ cho khung cảnh làng quê yên bình, thơ mộng, mộc mạc song mình vẫn luôn tự hào về một quê hương đã từng phát triển bậc nhất đến thế. Bên cạnh đó, mình cũng không khỏi bâng, tiếc nuối về một thời quá khứ náo nhiệt đã qua, giờ đây chẳng thể chạm mà chỉ có thể nhặt trong kí ức. Tuy không còn là thương cảng nhộn nhịp, trung tâm thuở xưa nhưng những kinh phí về văn hóa truyền thống cổ truyền và phong cách thiết kế vẫn luôn luôn được bảo tồn nguyên vẹn.

Nếu có thời gian, bạn hãy tìm về Phố Hiến (Hưng Yên) để nhìn lại một thời quá khức rực rỡ, để thấy sự phồn hoa đô hội xưa kia đã nhường chỗ cho những bình yên, mộc mạc bây giờ, để hiểu và trân trọng quá khứ, gìn giữ hiện tại và phát triển tương lai. Chúc bạn có trải nghiệm vui vẻ, trọn vẹn với chuyến đi!

22 Tháng 08, 2024 399

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành