Bên cạnh bún, phở, bánh đa cua... thì Hải Phòng còn nổi tiếng với món cháo trai Vĩnh Bảo. Hãy nghe Nguyễn Thị Ánh (Hải Phòng) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Huyện Vĩnh Bảo là một huyện nằm ở phía Nam của thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố 60km. Nơi đây không chỉ được coi là một vùng đất giàu truyền thống hiếu học, mà còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với sự phát triển và giữ gìn các làng nghề cùng những món ăn đậm chất quê hương. Những món ăn tuy giản dị nhưng chất chứa bao nhiêu tâm huyết và tình cảm của người dân Vĩnh Bảo. Nếu có một vài người bạn ở Vĩnh Bảo, có cơ hội đến với quê hương Vĩnh Bảo, bạn chắc chắn sẽ được thưởng thức món cháo trai nóng hổi từ chính bàn tay của người lao động nơi đây.
1. Món cháo trai mang đậm hương vị quê nhà
Món cháo trai là một món ăn khá phổ biến từ Bắc vào Nam, đây không chỉ là một món ăn ngon mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng vì trai khá giàu chất đạm. Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở bất cứ đâu thế nhưng đừng vội bỏ qua món cháo trai được làm trên chính quê hương Vĩnh Bảo, đó mới là hương vị của quê nhà, hương vị của những điều bình dị nhưng vô cùng ấm áp.
Bát cháo trai nóng hổi vừa thổi vừa ăn (ảnh: sưu tầm)
2. Thưởng thức cháo trai trên quê hương
Đến với Vĩnh Bảo vào một buổi chiều đầu đông, khi cái không khí lạnh còn chưa cảm nhận rõ rệt, bầu trời xanh và có những tia nắng vàng ấm áp, những cơn gió nhè nhẹ thổi qua, đó là lúc bạn sẽ bắt gặp những cô bác cùng những chiếc xe thong dong trên cánh đồng lúa. Bạn cũng sẽ bắt gặp nhiều người nông dân đang cần mẫn mò trai dưới ven sông. Ở Vĩnh Bảo người ta hay gọi là “đi giặm trai” thay vì đi bắt trai. Những con trai sông còn dính đất bùn được mò từ dưới nước lên khiến bạn vừa nhìn đã cảm thấy được sự gần gũi, dân dã và đặc biệt là thực phẩm an toàn với người thưởng thức. Sau khi bắt được mẻ trai tươi, người ta sẽ mang về ngâm cùng nước vo gạo cho trai nhả hết chất bẩn ra ngoài.
Trong khi ngâm trai, người ta sẽ tranh thủ ngâm gạo tẻ và gạo nếp. Cháo trai có cả gạo tẻ và gạo nếp vừa có độ dẻo vừa có độ mềm. Sau khi ngâm khoảng 1-2 tiếng cho gạo nở, người ta sẽ mang gạo đi giã dập, không cần giã nhuyễn để khi ăn vẫn cảm nhận được từng hạt gạo thơm ngọt trong miệng. Tiếp đó, người ta sẽ bắc bếp nấu cháo ở lửa vừa.
Ở quê thì bất cứ loại rau thơm hay gia vị nấu ăn nào cũng sẵn có, chỉ cần ra ngoài vườn kiếm một chút lá mùi tàu hay còn gọi là lá răng cưa, lá thì là, hành lá và rau răm. Không quên ngắt thêm quả ớt chín đỏ trên cây.
Trai sau khi ngâm xong sẽ được dùng bàn chải để cọ và chà xát cho sạch hết lớp bùn đất bên ngoài vỏ rồi bắc lên bếp đun sôi đến khi trai mở miệng thì tắt bếp. Người ta sẽ giữ lấy phần nước trai để nấu cháo cho ngọt. Phần thịt trai sau khi được làm sạch sẽ mang đi bóp với muối hạt để làm sạch thêm một lần nữa. Cuối cùng là thái miếng trai vừa ăn và để sang một bên.
Những con trai béo múp (ảnh: sưu tầm)
Nấu cháo trai thì không thể thiếu hành tím, hành tím vừa để phi thơm thịt trai, vừa để làm món hành phi vàng ăn kèm cùng cháo trai thì vô cùng hợp. Hành tím băm nhuyễn cho vào nồi phi cùng dầu ăn hoặc mỡ lợn cho thơm, sau đó đổ thịt trai vào xào săn lại, thêm chút nước mắm, hạt nêm, và hạt tiêu xay cho dậy mùi. Sau khi cháo chín, cũng là lúc cho thịt trai vào quyện với cháo, lúc này mùi thơm bắt đầu hấp dẫn khứu giác, cảm giác chờ đợi để được ăn một bát cháo trai nóng hổi chưa bao giờ lâu đến vậy. Bắc bếp xuống, thêm các loại rau thơm thái nhỏ, điểm một vài muỗng hành phi vàng và rắc thêm chút tiêu đen. Một tô cháo trai thơm phức, nghi ngút khói được hoàn thành. Phải chăng bạn cảm nhận được độ ngọt của từng miếng trai sông, quyện cùng chút cháo nóng, vị thơm bùi của hành phi và cay the của hạt tiêu, hương vị như tan trong miệng, làm xúc động vị giác bởi đã rất lâu rồi bạn chưa được ăn món ăn này trên mảnh đất quê hương.
3. Hương vị cháo trai trong tâm trí người thưởng thức
Một món ăn ngon là khi chúng ta cảm nhận được hương vị hạnh phúc của món ăn đó, đó đâu chỉ là hương vị đặc biệt mà nó còn là hương vị của quê hương, là hương vị khi được thưởng thức món ăn do chính những người dân quê chân chất, thật thà tạo ra. Dù chỉ là một món cháo rất đỗi bình thường nhưng mỗi lần thưởng thức ở mỗi nơi đều khiến bạn có những cảm nhận riêng biệt. Một bát cháo trai bình dị nhưng là công sức của những người thân, của những người lao động chân chính, cần mẫn với ruộng đồng. Chẳng vì thế mà món cháo trai Vĩnh Bảo đã được lên sóng VTV3 trong chương trình Ẩm thực quê nhà tại xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Một nồi cháo trai chất lượng (ảnh: sưu tầm)
Vậy mới nói, quê hương Vĩnh Bảo không quá nhộn nhịp, không quá sôi động như khu vực nội thành mà nơi đây mang lại cảm giác bình yên, lắng đọng qua mỗi phút mỗi giây. Nơi đây vừa là mảnh đất giàu truyền thống hiếu học của con cháu cụ Trạng, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất của sự chân tình ấm áp. Mỗi một người đều có quê hương của mình, đều có một nỗi niềm hướng về quê hương khi xa quê. Quê hương cũng vậy, quê hương cũng sẽ hướng về những người con ấy với sự chờ mong, cũng vỗ về những người con tại chính mảnh đất ấy bằng những trò chơi tuổi thơ thường thấy, bằng những món ăn bình dị như món cháo trai đất Trạng. Còn gì tuyệt vời hơn khi có một vài người bạn Vĩnh Bảo, cùng nhau về với đất cụ Trạng ngàn năm để thưởng thức món ăn đậm chất làng quê này nhé!