Tháp Pô Klong Garai – Biểu tượng tâm linh đặc sắc của người Chăm Ninh Thuận

Tháp Pô Klong Garai được người Chăm Pa xây dựng từ cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV để thờ vị vua cùng tên. Đây là địa điểm tâm linh mà bạn nhất định nên ghé thăm khi có dịp đến Ninh Thuận. Hãy nghe Lường Thị Việt Chi (Sơn La) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Tháp Pô Klong Garai (còn được gọi là Pô Klông Garai hay Pô Klaung Garai) là điểm đến đầu tiên của mình trong hành trình khám phá Ninh Thuận bởi tính biểu tượng và giá trị văn hóa, lịch sử đầy tự hào trong công trình kiến trúc của đồng bào dân tộc Chăm nơi đây. Xuất phát từ trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm về hướng Tây Bắc khoảng 7km theo đường Ngô Gia Tự, mình mất 15 phút di chuyển bằng xe máy đến cổng của khu di tích dưới chân đồi Trầu, thuộc khu phố 8, phường Đô Vinh.

Sau khi men theo những bậc tam cấp để bước lên ngọn đồi, tham quan quần thể tháp, ấn tượng đầu tiên của mình chính là mùi hương hoa me thơm thoang thoảng trong gió, ngước mắt lên thấy những cây me cổ thụ xung quanh tháp đang thay lá đâm chồi, đơm hoa vàng xanh cả một khoảng trời bên ngọn tháp. Cùng với đó là vẻ đẹp cổ kính trong từng nét chạm trổ tinh xảo trên loại vật liệu gạch non đặc biệt, được xây dựng hết sức kiên cố theo bố cục hài hòa, Tháp Pô Klong Garai khiến mình cảm nhận được sự lộng lẫy, tráng lệ và hoài niệm khi đặt chân đến đây.

Tháp Pô Klong Garai là một quần thể được tạo thành bởi 3 ngọn tháp cao lớn và nổi bật trên đỉnh núi Trầu, bao gồm Tháp Chính, Tháp Cổng và Tháp Lửa. Nơi đây được xem là quần thể kỳ vĩ và đặc sắc nhất trong số những đền tháp của người Chăm còn sót lại ở Việt Nam. Được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV với đỉnh cao trong kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tuyệt mỹ, Tháp Pô Klong Garai là một trong những di tích lịch sử ở Ninh Thuận thu hút đông đảo khách du lịch đến khám phá và tìm hiểu về một nền văn hoá độc đáo của dân tộc Chăm.

Toàn cảnh quần thể Tháp Pô Klong Garai (nguồn ảnh: sưu tầm) 

Được biết, tháp Pô Klong Garai là cụm tháp được xây dựng để thờ vị vua Chăm cùng tên, trị vì xứ Panduranga (vùng đất cực Nam của vương quốc Chămpa xưa, nay thuộc địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận), ông là vị vua có nhiều công trạng đối với người Chăm trong việc chống giặc ngoại xâm, khai mương, đắp đập làm cho ruộng đồng tươi tốt… Chính vì lẽ đó mà ông đã được người Chăm coi như một vị vua - tối thượng thần (Shiva) và được thờ phụng trong tháp Pô Klong Garai đến nay. Với tuổi đời gần 800 năm lịch sử, cụm Tháp Po Klong Garai đến nay đã phủ kín rêu phong và có nhiều hư tổn. Dù vậy, vẻ đẹp cổ kính trong từng nét chạm trổ tinh xảo vẫn còn hiện hữu và dễ dàng chiếm trọn cảm tình của mọi người.

Khu di tích Tháp Pô Klong Garai mở cửa đón khách tham quan 7:30 - 17:30 hằng ngày. Giá vé vào cổng là 10.000 VNĐ/trẻ em và 20.000 VNĐ/người lớn. Nếu đến đây vào mùa hè, thời tiết khá nắng và oi bức, chính vì thế, bạn nên đến tham quan vào khoảng thời gian từ 8:00 - 10:00 hoặc 15:30 – 17:00. Lúc này tiết trời trong lành, dễ chịu và nắng cũng không quá gắt, rất thích hợp cho các hoạt động khám phá và chụp ảnh.

Dưới đây là một số hình ảnh mà mình ghi lại trong hành trình trải nghiệm thăm Tháp Pô Klong Garai:

Cổng khu di tích Tháp Pô Klong Garai. Năm 1979, cụm tháp được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Di tích Quốc gia và đến năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.


Lối lên tham quan quần thể tháp Pô Klong Garai.



Tháp Chính là trung tâm của cụm tháp, có chiều cao hơn 20m.


Tháp Cổng có độ cao khoảng 9 mét và được chạm trổ hoa văn vô cùng tỉ mỉ và độc đáo, có 2 cửa thông nhau theo hướng Đông – Tây, được xây theo nguyên tắc lên dần thu nhỏ.


Thiếu nữ trong trang phục truyền thống của dân tộc Chăm tham quan, chụp ảnh tại Tháp.


Cây me cũng là một điểm nhấn trong cụm tháp này. Theo truyền thuyết Chăm, cây me chính là nơi dựa lưng của vua Pô Klong Garai lúc còn trẻ trong một chuyến đi buôn. Truyền thuyết khác lại cho rằng cây me là vị thần trấn giữ và bảo vệ vị vua trong ngôi tháp cổ này.


Dưới chân ngọn đồi Trầu là một loạt công trình phụ trợ nhằm phục vụ du khách tham quan như khu trưng bày sách, ảnh văn hóa Chăm, vật dụng truyền thống Chăm và các món quà lưu niệm.


Trong khu trưng bày du khách có thể tìm thấy nhiều vật dụng xưa kia của người Chăm còn hiện hữu như: xe trâu, cối xay lúa, nhạc cụ truyền thống và các trang phục của tu sĩ Chăm. 


17 Tháng 08, 2024 133

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành