Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Ook Om Bok- lễ hội lớn trong năm cùng với Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam bộ

Lễ hội thể hiện sự thành kính của nhân dân đối với Mặt Trăng về việc đã giúp đỡ họ bảo vệ mùa màng, điều hòa khí hậu. Hãy nghe Thái Thùy Trâm (Hà Tĩnh) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Ook Om Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng có nguồn gốc từ rất lâu đời của người Khmer, luôn được tiến hành hàng năm vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch. Đây là ngày cuối cùng của một chu kỳ Mặt trăng xoay quanh Trái đất và cũng là thời điểm hết thời vụ của năm. Theo quan niệm của người Khmer, cúng trăng là để tạ ơn thần Mặt trăng suốt một năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu, đồng thời giúp cho nông dân trúng mùa tới.                                             Lễ hội Ook Om Bok ở Sóc Trăng (ảnh sưu tầm)

Theo truyền thuyết, tiền kiếp của Phật Thích Ca là một con thỏ, sống quẩn quanh bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ. Không có gì làm phước, thỏ đốt lên đống lửa, nhảy vào và mời người ăn xin dùng thịt mình. Lửa bỗng dưng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, rồi thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên Mặt trăng. Từ đó trở đi, người ta thường nhìn thấy hình con thỏ ngọc trên cung trăng vào tết Hạ nguyên (ngày 15/10 Âm lịch). Vì vậy, lễ cúng trăng là để tưởng nhớ đến tiền kiếp của đức Phật Thích Ca.                                                                (Ảnh sưu tầm)

Lễ cúng Ook Om Bok trong đêm rằm tháng 10 Âm lịch, thường diễn ra tại sân chùa, sân nhà, hoặc một khu đất trống nào đó để mọi người dễ dàng quan sát Mặt trăng. Trước khi trăng lên, người ta đào lỗ cắm hai thanh tre cách nhau khoảng ba mét và gác ngang một thanh tre khác như một cái cổng thật đẹp và đặt dưới cổng một cái bàn. Trên bàn có bày biện các thức cúng như cốm dẹp, khoai lang, khoai môn, dừa tươi, chuối, bánh kẹo… Trong mâm cúng luôn có một ấm trà, sau mỗi lần rót trà vào ly, người ta lại một lần khấn vái để nhớ ơn đức Phật.                                        Lễ hội Ook Om Bok ở Sóc Trăng lần 3 năm 2017 (ảnh sưu tầm)

Đua ghe ngo là môn thể thao dân gian truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Ook Om Bok, thu hút hàng vạn người xem. Lúc đầu, đây chỉ là một trò chơi dân gian diễn ra trong đêm cúng trăng, nhằm dâng lên các đấng thành tiên nơi cung trăng thưởng thức, vì vậy chỉ được tổ chức vào ban đêm, lúc trăng lên, sau khi đã thực hiện xong các nghi lễ cúng trăng. Dần dần, trò chơi này được nâng lên thành lễ hội, mang tầm khu vực, thu hút được nhiều khách du lịch tham dự.                                          Thả đèn trong lễ hội để cầu may mắn (ảnh sưu tầm)

Đèn gió được cấu tạo từ những vật liệu tre, giấy quyến và dây kẽm, có hình vuông hoặc tròn (đèn tròn thông dụng hơn). Từ những nan tre chuốt nhẵn, người ta làm thành những vòng tròn có đường kính chừng 1m, sau đó liên kết những nan tròn ấy thành khối trụ có chiều cao chừng 2m, sau đó dán kín bằng giấy quyến, trừ đáy đèn để trống và gắn vào đó là một “ổ nhện” làm bằng kẽm lớn. “Ổ nhện” được phủ lên lớp gòn ta có tẩm ướt dầu phọng. Khi đốt lớp gòn, nhiều người cùng góp sức nâng đèn lên cao. Nhiệt độ làm giấy căng phồng, tạo ra lực đẩy. Những người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đủ mạnh để đẩy đèn bay lên mà không bị chao nghiêng làm cháy giấy.

Lễ hội Ook Om Bok mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ. Nó thể hiện được những khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với các đấng bề trên. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội Ook Om Bok hằng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer Nam bộ, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách bốn phương.


07 Tháng 07, 2024 210

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành