TPO - Chùa Cổ Lễ lưu giữ một “báu vật” mang tên Đại Hồng Chung (chuông) do Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Chuông nặng 9 tấn, cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, chùa Cổ Lễ còn là di tích cách mạng.
TPO - Chùa Cổ Lễ lưu giữ một “báu vật” mang tên Đại Hồng Chung (chuông) do Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Chuông nặng 9 tấn, cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, chùa Cổ Lễ còn là di tích cách mạng.
Chùa Cổ Lễ hiệu là Thần Quang Tự, là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt cấp quốc gia của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nằm tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XII, dưới thời vua Lý Thần Tông, thờ Phật và đức thánh tổ Nguyễn Minh Không. Với lối kiến trúc độc đáo, chùa Cổ Lễ mang trong mình vẻ thâm nghiêm, tráng lệ của một ngôi cổ tự cổ kính nghìn năm tuổi.
Trước đây, chùa được xây dựng bằng gỗ theo kiến trúc cổ điển, nhưng sau nhiều thập kỷ ngôi chùa trở nên rất xuống cấp. Vào năm 1902, đệ nhất tổ sư Phạm Quang Tuyên, người trụ trì chùa, đã tiến hành tái xây dựng và mở rộng kiến trúc theo mô hình "Nhất thốc lâu đài" (tức là một cụm/quần thể lâu đài thống nhất).
Điều đặc biệt, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên xây dựng chùa mà không cần một bản vẽ chi tiết, vật liệu chỉ sử dụng gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và sức lao động của cộng đồng. Từ những sáng tạo này, chùa Cổ Lễ có sự giao thoa giữa lối kiến trúc truyền thống phương Đông và phong cách kiến trúc Gô-tích phương Tây.
Chùa xây dựng trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu Bắc bộ (36.000 m2), cảnh quan sơn thủy hữu tình, có sông nhỏ và hồ bao quanh. Phía trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa dựng từ năm 1927, thiết kế theo kiểu 8 mặt, 9 tầng hoa sen cao 32 m nằm trên lưng con rùa khổng lồ, đầu rùa hướng vào phía chùa. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tháp mang ý nghĩa “cửu trùng” là 9 tầng trời, một quan niệm đặc trưng của đạo Phật.
Chùa Cổ Lễ lưu giữ một “báu vật” mang tên Đại Hồng Chung (chuông) do Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Chuông nặng 9 tấn, cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm nằm giữa hồ trước Chính cung. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Đại Hồng Chung được đúc vào những năm đầu thế kỷ XIX, khi vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ. Đề phòng sự phá hoại của giặc, nhân dân trong vùng đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.
Ngôi Tam Bảo Tòa Chính cung chùa Cổ Lễ đồ sộ, bề thế, cao 29 m, nghệ thuật nhất thốc lâu đài được đẩy đến đỉnh cao, xây dựng, thiết kế theo lối kiến trúc kết hợp giữa Âu và Á, giữa cổ và kim.
Bên trong Ngôi Tam Bảo thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni rất lớn, cao 4 m, ngang 3,5 m sơn son thếp vàng trên nền gỗ bạch đàn, ngự giữa toà sen trong tư thế nhập Thiền. Hai bên tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát, phía dưới là Tam Thế Phật, Phật 3 thời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Ban thờ tượng Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không ngự ở cung cấm, phía sau lưng tượng Phật Thích Ca. Tôn tượng của ngài được tạc từ thế kỷ XII đời nhà Lý, hiện nay mỗi năm chỉ mở cung cấm một lần vào dịp chính hội để tắm và thay áo Thánh.
Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, Chùa Cổ Lễ còn là di tích cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ nơi đây, nhiều nhà sư đã tạm biệt “cửa thiền” cầm súng ra trận. Ngày 27/2/1947, Hòa thượng Thích Thế Long đã chủ trì buổi mít tinh trọng thể, làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư "cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận" để bảo vệ quê hương. Trong đó, Hòa thượng Thích Thế Long sau này giữ chức Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.
Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chùa Cổ Lễ vừa là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định, vừa là cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực Sư đoàn 320, Đại đội 91 của tỉnh, Đại đội 75 huyện Trực Ninh.
Xe của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Hòa thượng Thích Thế Long.
Chùa Cổ Lễ được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật, Di tích lịch sử văn hóa, Danh lam thắng cảnh quốc gia năm 1988.
Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16/9 âm lịch hàng năm với nhiều trò chơi dân gian như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người, đua tải trên dòng sông uốn lượn quanh chùa... nhằm kỷ niệm, suy tôn Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.
Nam Định
1443 lượt xem
Ngày cập nhật
: 28/11/2023
Nguyễn Hải - Thành Đạt