Là vùng đất mà đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam khá sớm và là nơi giao thoa văn hóa tôn giáo điển hình của cả nước, không khó để bắt gặp những kiến trúc nhà thờ đẹp lộng lẫy, nguy nga khi tới thăm Nam Định.
Là vùng đất mà đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam khá sớm và là nơi giao thoa văn hóa tôn giáo điển hình của cả nước, không khó để bắt gặp những kiến trúc nhà thờ đẹp lộng lẫy, nguy nga khi tới thăm Nam Định.
Những nhà thờ Thiên Chúa Giáo tại Nam Định mang đậm nét cổ kính của phương Tây, nằm giữa không gian nông thôn điển hình của vùng châu thổ sông Hồng đã tạo nên bức tranh độc đáo, vừa mang giá trị lịch sử, vừa là một trong những tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương này. Cùng điểm qua một số nhà thờ nổi tiếng nhất định không thể bỏ lỡ khi ghé thăm Nam Định.
Đền thánh Kiên Lao
Kiến trúc đậm chất phương Tây của đền thánh Kiên Lao.
Nằm trên địa bàn xã Xuân Tiến (huyện Xuân Trường), có mặt từ thế kỷ XVI – thời gian đầu tiên Tin Mừng đến Đất Việt và là một trong năm xứ đạo đầu tiên của Giáo phận Đàng Ngoài. Năm 1993, sau khi thánh đường ban đầu được xây dựng bằng gỗ xuống cấp trầm trọng, nơi đây được xây mới lại hoàn toàn và mất 4 năm để hoàn thiện công trình như hiện tại.
Đền thánh Kiên Lao được xây dựng phỏng theo nhà thờ Đức Mẹ Bùi Chu, với chiều dài 75m, rộng 26m, cao 28m và tháp chuông cao 46m.
Điểm nổi bật trong kiến trúc của công trình là thiết kế và trang trí bằng các bức tượng đắp nổi, mái hình cầu rộng và tháp chuông cao vút, nằm giữa hồ nước và những dãy đèn đường thơ mộng.
Công trình được tự tay người dân xứ Kiên Lao xây dựng và hoàn thiện.
Sự tài hoa, khéo léo cũng là thế mạnh của người dân Kiên Lao, khi nơi đây vốn đã rất nổi tiếng với nghề đúc, chế tác đồ đồng, đồ mỹ nghệ, cơ khí... từ lâu đời.
Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai
Điểm khác biệt của Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai là có hai tháp chuông, với 4 quả chuông được chuyển từ Pháp sang, trong đó có quả chuông nặng 2 tấn, chỉ sử dụng trong dịp đại lễ.
Nhắc đến những nhà thờ đẹp nhất nhì đất Thành Nam, chắc chắn không thể bỏ qua sự huyền bí, cùng lối kiến trúc cổ kính, uy nghi của Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai. Nơi đây được xây dựng lần đầu vào năm 1866. Năm 1881, nhà thờ Phú Nhai được xây dựng lại theo phong cách Á Đông và thay đổi theo phong cách châu Âu vào năm 1916.
Sau đó, nhà thờ tiếp tục được xây dựng lại và hoàn thành năm 1933. Thời điểm đó, Phú Nhai là nhà thờ lớn nhất Đông Dương. Sau thời gian chiến tranh bị hư hại, năm 2004, nơi đây mới hoàn thiện tu sửa và mang diện mạo như hiện tại. Với lịch sử và kiến trúc lâu đời đó, năm 2008 tòa thánh Vatican ký sắc lệnh phong Nhà thờ Phú Nhai thành Tiểu Vương cung thánh đường.
Theo lời kể của giáo dân, Nhà thờ Phú Nhai lấy mẫu nhà thờ bên Pháp, kiến trúc Pháp, do người Việt Nam xây dựng.
Nằm trên nền khu đất rộng khoảng 2.160 m2, nhà thờ Phú Nhai dù trải qua nhiều lần thay đổi diện mạo vẫn giữ được nét tinh xảo của kiến trúc Gothic, với chiều dài 80 m, rộng 27 m, cao 30 m, hai tòa tháp cao 44 m và màu trắng xanh chủ đạo. Khác với nhiều nhà thờ khác, Phú Nhai còn có những bức tượng được đắp nổi trên cửa và hai bên hông nhà thờ cùng hàng chữ nho trang trí.
Thánh đường là nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng của người công giáo tại Nam Định.
Trải qua công cuộc quai đê, lấn biển cùng người dân những huyện ven biển của Nam Định, đồng bào lương giáo nơi đây đã đoàn kết, chung sức chống chọi với bão gió. Cũng từ đó, những xóm làng, xứ đạo trù phú như ngày nay được hình thành và phát triển, người dân hòa thuận, gắn kết.
Giáo xứ Thánh Danh
Nét cổ kính của nhà thờ Thánh Danh gây ấn tượng với bất kỳ ai tới đây.
Khác với nhiều công trình nhà thờ uy nghi, hiện đại khác, giáo xứ Thánh Danh lại khiến du khách phải trầm trồ trước nét cổ kính, tiêu biểu cho lối kiến trúc Phục Hưng trong quá trình Việt Nam giao thương với phương Tây cuối thế kỉ XVI.
Những góc tựa trời Âu tại nhà thờ Thánh Danh.
Bên cạnh vẻ đẹp của một công trình nhà thờ Thiên Chúa Giáo, nơi đây còn là nơi ghi lại nhiều điển tích trong Kinh thánh bằng những bức tranh trang trí đắp nổi.
Nhà thờ Giáo xứ Lục Thủy
Giáo xứ Lục Thủy mang nhiều dấu ấn cổ kính.
Giáo xứ Lục Thủy là một trong những công trình nhà thờ ở Nam Định được đặt vị trí đặc biệt, nằm giữa khu dân cư.
Những mảng màu cổ kính của nhà thờ.
Công trình được xây dựng lần đầu vào năm 1880, đã trải qua nhiều lần hư hỏng, được tu bổ, sửa sang. Bên cạnh tòa tháp chính, các kiến trúc nhà dãy bao quanh đã tạo nên một quần thể đẹp mắt.
Không gian xung quanh tòa thánh chính.
Theo kiến trúc sư Bùi Vinh, Văn phòng AHV Architectural Design (Hà Nội), các nhà thờ công giáo ở Nam Định có tuổi thọ lâu đời đều mang những nét đẹp của thời gian. Sự cổ kính, nguy nga và nghiêm trang của lối tạo hình cổ điển như Roman, Gothic, Baroque đã để lại những dấu ấn riêng của nhà thờ cho từng vùng. Việc mang giá trị thời gian là sự cổ kính cùng hình thái kiến trúc đặc trưng của Châu Âu du nhập sang Việt Nam, chính là điểm thu hút khách du lịch tham quan ở trong và ngoài nước.
"Bên cạnh những nhà thờ thừa hưởng toàn bộ nét kiến trúc từ phương Tây, nhiều công trình thờ Thiên Chúa Giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định mang hơi hướng phương Đông, lấy cảm hứng từ kiến trúc đình làng của vùng quê Bắc Bộ để đưa vào không gian công giáo, tạo sự gần gũi", KTS Bùi Vinh chia sẻ.
Thời gian qua, với vị thế là địa phương dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới, chỉnh chang diện mạo nông thôn, ngành du lịch tỉnh Nam Định đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thúc đẩy du lịch của địa phương, chuyển đổi số, nâng cao nguồn nhân lực du lịch, trong đó có định hướng, kế hoạch về việc phát huy giá trị từ hệ thống các công trình nhà thờ, gắn với văn hóa, tín ngưỡng. Từ đó quảng bá hình ảnh "xứ sở nhà thờ đẹp nhất Việt Nam", cũng như tô thắm tinh thần đoàn kết của người dân lương - giáo, tổ chức nhiều hoạt động tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng quê hương.
Theo số liệu thống kê, Nam Định có 172 nhà thờ giáo xứ, 492 nhà thờ giáo họ, trên 47 vạn giáo dân (chiếm 25% dân số). Nhiều nhà thờ nổi tiếng khác có thể kể đến như: Khu quần thể Tòa Giám mục Bùi Chu, Đền Thánh Đức Mẹ Ninh Cường, Đền Thánh Hưng Nghĩa, Nhà thờ Xương Điền, Nhà thờ Trung Linh, Nhà thờ Quần Phương, Nhà thờ Quần Liêu, Nhà thờ lớn Nam Định, Nhà thờ đổ Hải Lý, Nhà thờ Khoái Đồng…
Hiện tại, Khu quần thể Tòa Giám mục Bùi Chu và Nhà thờ lớn Nam Định đang trong quá trình xây sửa, tôn tạo lại.
Nam Định
1652 lượt xem
Ngày cập nhật
: 13/11/2023
Phương Mai/Báo Tin tức