Khu di tích Tràng Kênh- nơi ghi dấu những trận thủy chiến ác liệt và chiến thắng vẻ vang của dân tộc

Đến Tràng Kênh, bạn sẽ gặp những cảm xúc ngưỡng vọng lịch sử vĩ đại của cha ông, sự thanh khiết trong tâm hồn, như những ồn ào của cuộc sống hiện đại đã ở một nơi nào xa lắm… Hãy nghe Thái Thùy Trâm (Hà Tĩnh) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Đến thành phố Hoa Phượng Đỏ, một trong những điểm di tích đặc biệt du khách không thể bỏ qua đó là cụm di tích đền Tràng Kênh (Thủy Nguyên, Hải Phòng) – vùng đất thiêng tái hiện ba lần chiến thắng quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên Mông lừng lẫy Bạch Đằng Giang của cha ông từ hơn ngàn năm trước…

Xưa kia, đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc giữ gìn bờ cõi, chống giặc xâm lăng. Các nhà địa lý, lịch sử đời Nguyễn khi biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí từng nhận xét: “Nước ta chống người phương Bắc chỗ này là chỗ cổ họng”. Nguyễn Trãi nói một cách hình tượng rằng, đây là nơi quan ải do trời đặt ra thế hiểm yếu khiến hai người có thể chống được cả trăm người; là nơi lập công danh của các bậc hào kiệt.                                                    Khu di tích Tràng Kênh, Hải Phòng (ảnh sưu tầm)

Nhiều người cho rằng đến Thủy Nguyên mà không ghé thăm khu di tích Tràng Kênh thì cũng coi như chưa đến tới Thủy Nguyên.

                                                           “Tràng Kênh có núi U Bò

                                                            Có sông Quán Đá có đò sang ngang”…

Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó, dọc theo con đường rợp bóng mát của những hàng cây lưu niệm là đền chính thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự thiên tài góp công lớn trong ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông và tạo nên hào khí Đông A của triều Trần- triều đại anh hùng bậc nhất của lịch sử Việt Nam.

Nằm ở trong cùng là đền Tràng Kênh nơi thờ vị Tổ trung hưng của Việt Nam- Ngô Quyền năm 938. Khi vào với sân tế lễ chúng ta sẽ bắt gặp là hình ảnh của hai chú voi phục nằm hai bên được làm hoàn toàn bằng đá ong từ làng cổ Đường Lâm quê hương của Ngô Quyền. Việc tạo hình chú voi từ những nguyên liệu chuyển từ quê hương của Đức Vương cũng thể hiện sự tận tâm và tri ân của những người đã làm nên ngôi đền cũng như nhân dân vùng Tràng Kênh với công đức của Ngài.                                                                     (Ảnh sưu tầm)

Cũng như 2 ngôi đền thờ đức Vua Lê Đại Hành và Đức thánh Trần đền thờ đức Vương Ngô Quyền cũng được thiết kế theo hình chữ Đinh gồm các khu: trong thờ tượng đồng của Ngài, trung đường thờ quan quân tướng sĩ, bên tả thờ chư vị quan văn, bên hữu thờ chư vị quan võ. Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng vô cùng tinh tế- không gian thờ tự trang nghiêm nhưng cũng không kém phần lộng lẫy.

Một điểm nhấn lớn nhất của khu di tích này so với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác là tôn chỉ “ba không”: không mất tiền gửi xe, không rác thải, không hàng quán, không dịch vụ thương mại. Ở mỗi khu vực đền chùa, quảng trường đều có khuôn viên ghế đá dừng chân, uống nước miễn phí… Hết thảy đều thể hiện sự tận tâm, tỉ mỉ, yên ả và hào sảng đến nao lòng.                                                                            (Ảnh sưu tầm)

Hàng năm, khu di tích đã đón hàng trăm đoàn học sinh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Có thể nói, với nhiều hạng mục như Khu Nhà bảo tàng: trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng – nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần; Quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng; Khu rừng lim, vườn tượng mô phỏng hoạt động chế tác cọc Bạch Đằng… nằm bên con sông lịch sử xuôi ngược, chúng ta như gặp quá khứ hào hùng và cuộc sống ngày thường đan xen.

Bởi thế, khu vực gây cảm xúc mãnh liệt hơn cả chính là khuôn viên cuối của khu di tích Bạch Đằng Giang, nơi có bãi cọc giả định và ba bức tượng đài vô cùng lớn của ba vị anh hùng ghi dấu ấn trên dòng dòng sông Bạch Đằng, tạo nên một bức tranh vô cùng chân thực và cảm động. Ba vị anh hùng tiền nhân lồng lộng giữa mây trời, sóng nước nơi cửa biển, để chúng ta thêm tự hào, trân quý giá trị của hòa bình, của tinh thần dựng nước và giữ nước chảy mãi đến muôn đời…

09 Tháng 08, 2024 170

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành