Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Các danh thắng chùa Ông Mẹt, Phước Minh cung, Lầu bà cố hỷ, chùa Giác Linh… là những di tích lịch sử tại Trà Vinh cấp quốc gia mà du khách có thể ghé thăm. Khám phá rõ hơn các di tích này nhé!
Trà Vinh sở hữu vẻ đẹp sông nước hữu tình, kết hợp nét văn hóa ngày xưa và phát triển ngày nay. Nơi đây sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền thờ Bác Hồ, Chùa Giác Linh, Chùa Ông Mẹt… Hãy cùng 63Stravel khám phá 14 điểm di tích lịch sử tại Trà Vinh để có chuyến du lịch miền Tây thú vị nhất nhé!
Cùng theo dõi list 12 điểm di tích lịch sử tại Trà Vinh nổi tiếng để có một cuộc hành trình đến miền Tây sông nước đầy khám phá nhé!
Chùa Bodhiculàmani (hay còn gọi là chùa Ấp Sóc) được xây dựng từ khoảng năm 1541. Chùa Ấp Sóc là một trong những ngôi chùa Khmer tiêu biểu với kiến trúc đặc trưng của Nam Bộ và hơn 400 năm lịch sử. Đây không chỉ là trung tâm tôn giáo và văn hóa của cộng đồng Khmer mà còn là điểm tựa vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Di tích Chùa BODHICULÀMANI (Chùa Ấp Sóc)
Trong thời kỳ kháng chiến, chùa đã là nơi bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng và tích cực vận động bà con đóng góp tài chính, lúa gạo và thậm chí hiến cây dầu và dụng cụ chế tạo vũ khí. Các sư sãi và Phật tử của chùa cũng tham gia nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền tự do và dân chủ.
Với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và công tác xã hội, chùa Ấp Sóc đã được Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tặng Giấy khen và sư cả Thạch Yên được Chủ tịch nước trao Huân chương Kháng chiến hạng II. Ngày 03/03/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận chùa Bodhiculàmani là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 834/QĐ-BVHTTDL. Đây là minh chứng cho vai trò quan trọng của chùa trong lịch sử và văn hóa địa phương.
Chùa Ông Mẹt, hay còn gọi là Bodhisàlaraja, nằm tại phường 1, thành phố Trà Vinh. Trước đây, chùa được biết đến với tên gọi Wat Kompong, nghĩa là "Chùa Bến", do vị trí gần bến đò và các con rạch. Tên gọi mới, Bodhisàlaraja, kết hợp từ "Bodhi" (Phật), "Sàla" (cây sala thiêng của người Khmer) và "Raja" (Vua), biểu thị sự giác ngộ và sự sống trường tồn của cộng đồng nơi đây.
Nằm ở trung tâm thành phố, chùa Ông Mẹt không chỉ là một ngôi chùa lớn mà còn là trung tâm Phật giáo Khmer của tỉnh Trà Vinh. Chùa kết nối với các ngôi chùa Khmer trong tỉnh và khu vực miền Tây Nam Bộ, đồng thời là trụ sở Văn phòng Trị sự Phật giáo Khmer thuộc hệ phái Mahanikay. Với diện tích gần 1,3 ha, chùa không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo mà còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và phát triển văn hóa dân tộc Khmer.
Vãn cảnh Chùa Ông Mẹt ở Trà Vinh
Cổng chùa Ông Mẹt là một kiệt tác nghệ thuật với 8 trụ cột nâng đỡ mái, được chạm khắc hình chim thần Kâyno và cặp rắn bảy đầu. Bước vào chánh điện, du khách sẽ thấy 32 trụ cột gỗ quý trang trí tinh xảo và bức tượng Đức Phật Thích Ca lớn, nổi bật với thiết kế mái chánh điện giống như đàn rồng uốn lượn. Thư viện chùa được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống và lưu giữ nhiều tài liệu cổ quý giá.
Chùa Ông Mẹt đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer, góp phần đấu tranh chống lại chính sách "ngu dân" của thực dân Pháp và thúc đẩy quyền học tập cho cộng đồng. Ngôi chùa cũng là trung tâm văn hóa cộng đồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và nghệ thuật vào đời sống. Năm 2009, chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Chùa Phnô Om Pung (còn gọi là chùa Long Trường) được xây dựng vào năm 1868 trên khuôn viên rộng 25.000 m². Đây là một trong những ngôi chùa Khmer nổi bật với kiến trúc đặc trưng và được xem là biểu tượng của xã Tân Hiệp.
Ban đầu, chùa được xây dựng trên một diện tích nhỏ. Vào năm 1928, nhờ sự dâng đất của gia đình ông Thạch Saray và bà Thạch Thị Em cùng sự đóng góp của cộng đồng Khmer, chùa đã được mở rộng thành Trung tâm Văn hóa của người Khmer trong vùng. Trải qua 48 đời trụ trì và nhiều lần trùng tu, lần đại trùng tu gần đây nhất vào năm 2005, hiện nay chùa do Đại đức Thạch Sa Vane trụ trì.
Di tích lịch sử chùa PHNÔ OM PUNG (SIRIVANSARÀMA) xếp hạng Di tích cấp tỉnh
Không chỉ là trung tâm tôn giáo, văn hóa, giáo dục, chùa Phnô Om Pung còn nổi bật với vai trò trong cuộc đấu tranh chống sự đàn áp của Đế quốc Mỹ và chính quyền VNCH trong thời kỳ chiến tranh. Chùa đã nuôi dưỡng nhiều chiến sĩ cách mạng kiên cường, bao gồm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên. Được báo Đảng tôn vinh là "Ngôi chùa Khmer giàu truyền thống cách mạng", chùa hiện đang được tiếp tục tu bổ nhờ sự đóng góp của Phật tử và kiều bào.
Chùa Phnô Om Pung nổi bật với bức tượng Phật nằm dài và cao, thu hút nhiều du khách. Đồng thời, chùa còn là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống như Chol Chnam Thmay, Bun Pchum Ben, Ok Om Bok và Kathina, góp phần duy trì và phát huy giá trị văn hóa và tinh thần của người Khmer. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh đang tiến hành sưu tầm tư liệu để đề nghị UBND tỉnh xếp hạng chùa là di tích cấp tỉnh trong thời gian tới.
Chùa Bào Môn (hay còn gọi là chùa Đom Bon Bak) nằm ở khu vực chiến lược giáp ranh ba huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đây là vùng chiến sự ác liệt, nơi địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đồng bào và chống phá cách mạng.
Ngay từ khi Chi bộ xã Đôn Châu được thành lập, chùa Bào Môn đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng quan trọng. Bí thư Chi bộ Trần Văn Khôi và sư cả Kim Nhiêu Kem đã chọn chùa làm nơi nuôi chứa cán bộ và tổ chức hoạt động chống địch, vận động các nhà sư thành lập Ban Tăng sự yêu nước tỉnh.
Di tích Chùa Bào Môn
Trong giai đoạn 1946-1950, các lớp học tại chùa do ông Tăng Khê và ông Ngà tổ chức đã tuyên truyền đường lối cách mạng và giáo dục thanh niên. Năm 1951, sư cả Kim Nhiêu Kem đã cứu chữa và mai táng các cán bộ bị địch bắn chết, đồng thời che giấu tài liệu và cán bộ cách mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa tiếp tục là cơ sở cách mạng với nhiều hầm bí mật. Sự kiện biểu tình ngày Đôn-ta năm 1960 tại chùa Bào Môn đã gây tiếng vang lớn, yêu cầu thả người yêu nước và đòi tự do. Địch đã phản ứng mạnh mẽ nhưng không ngăn cản được phong trào.
Cuối năm 1968, chùa Bào Môn bị bao vây, nhưng sư cả Kim Nhiêu Kem đã khéo léo thuyết phục địch không tấn công. Tháng 9/1974, chùa còn đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập tình báo và chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng.
Chùa Bào Môn đã đóng góp nhiều cho cuộc kháng chiến, với hàng chục lượng vàng, ngàn giạ lúa và nhiều vật dụng. 25 vị sư và phật tử đã anh dũng hy sinh. Sư cả Kim Nhiêu Kem được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 1022/QĐ-UBND ngày 10/6/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Chùa Âng còn gọi là Chùa Angkorajaborey nằm gần danh thắng Ao Bà Om và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer. Đây là một trong những di tích lịch sử quốc gia, nổi bật với vẻ đẹp cổ kính và kiến trúc đặc sắc của người Khmer Nam Bộ.
Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 và trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Dù vậy, chánh điện của chùa vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguyên sơ từ những ngày đầu. Kiến trúc của chùa gây ấn tượng với các tòa tháp vươn cao, tạo nên vẻ trang nghiêm và lôi cuốn. Khuôn viên chùa rộng khoảng 3,5 ha, bao quanh bởi cây cổ thụ như sao, dầu, tre và trúc, cùng với hào nước rộng 4m và dài hơn 400m, tạo nên không gian xanh mát và thanh bình.
Chùa Âng - Ngôi chùa Khmer cổ tuyệt đẹp ở Trà Vinh
Chánh điện của chùa, hay Preah Vihear, dài 36m và rộng 24m, xây dựng bằng đá xanh với nền cao 2m, bao quanh bởi dãy hành lang rộng. Mái chánh điện lợp ngói và hệ thống cột bằng gỗ quý. Trong chánh điện, các bức tranh và tượng Phật phản ánh tư tưởng Phật giáo và cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Chùa Âng không chỉ là điểm du lịch nổi bật ở Trà Vinh mà còn là nơi lưu giữ nghệ thuật điêu khắc tinh xảo với nhiều tượng thần, tiên nữ và chim thần, mang đậm bản sắc văn hóa và tôn giáo của đồng bào Khmer. Đến thăm chùa, bạn sẽ cảm nhận được không khí linh thiêng và hòa mình vào không gian tâm linh đặc biệt của chùa, đồng thời trải nghiệm vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của thành phố Trà Vinh.
>> Tìm hiểu thêm: Top 9 điểm du lịch tại Trà Vinh đẹp “hút hồn” mọi du khách
Khu di tích lịch sử Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu là một trong những điểm di tích quốc gia quan trọng của tỉnh Trà Vinh. Nơi đây không chỉ là một địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là điểm du lịch tiềm năng kết hợp với Khu du lịch Ba Động và điện gió, tạo nên một cụm văn hóa – du lịch liên hoàn của vùng biển Duyên Hải.
Khu Di tích lịch sử Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh
Bến Cồn Tàu với diện tích 5.843m², từng là căn cứ quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhờ vào địa thế thuận lợi và sự ủng hộ của nhân dân. Ngày 19/01/2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích này là di tích quốc gia. Vào năm 2008, tỉnh Trà Vinh đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng xây dựng bia lưu niệm và nhà trưng bày. Đến ngày 23/12/2015, Đình miếu Cồn Trứng và Lăng ông Cồn Tàu cũng được công nhận là di tích quốc gia thuộc hệ thống Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.
Khu di tích hiện được quy hoạch trên diện tích 20.539m². Hàng năm, vào ngày 23/10, nơi đây tổ chức lễ kỷ niệm ngày đồng chí Hoàng Văn Thái ký quyết định thành lập Đội vận tải thủy 759, đánh dấu ngày truyền thống của Đoàn tàu không số. Bến Cồn Tàu không chỉ là minh chứng cho chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn thể hiện lòng quả cảm, sự sáng tạo của các chiến sĩ trong điều kiện khó khăn. Chính sự ủng hộ của nhân dân đã giúp bảo vệ và xây dựng nên một bến cảng không có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện tinh thần đoàn kết và yêu nước sâu sắc.
Chùa Phước Mỹ còn được biết đến với tên gọi chùa Cây Quăn hoặc chùa Bà Sở, là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại tỉnh Trà Vinh. Tên gọi "chùa Cây Quăn" xuất phát từ một cây quăn lớn trước đây bên bờ sông phía trước chùa, trong khi tên "chùa Bà Sở" vinh danh bà Phạm Thị Đồ hay còn gọi là Bà Sở - một lưu dân từ Gò Công đã thành lập chùa vào năm 1886.
Di tích Phước Mỹ (Chùa Bà Sở)
Ngôi chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 1 hecta, nằm cạnh sông Thâu Râu. Đối diện bên sông là Khu Căn cứ Tỉnh ủy (Khu Căn cứ Ấp 5, Mỹ Long) và cách chùa khoảng 500 mét về phía Nam là Khu Căn cứ Huyện ủy (Khu Căn cứ Rẫy Tiều). Ngôi chùa không chỉ có giá trị lịch sử và văn hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kháng chiến trước đây.
Chùa Giác Linh còn được gọi là chùa Dơi hoặc chùa Bà Sở, nổi bật với tên gọi "chùa Dơi" do sự xuất hiện của nhiều loài chim, đặc biệt là loài dơi quạ, trong khuôn viên chùa trước đây. Được thành lập vào năm 1886 bởi bà Phạm Thị Đồ, còn gọi là Bà Sở - một lưu dân từ Gò Công.
Tọa lạc trên một khoảnh đất cao, bao quanh bởi cây cổ thụ như mã tiền, mù u, nhọc và tre, tạo nên một không gian u tịch và linh thiêng. Khi bước vào chùa, bên phải là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lớn, biểu trưng cho lòng từ bi và cứu độ. Ngôi chùa không chỉ thờ Phật và các vị liên quan như Bồ Tát, La Hán, mà còn kết hợp thờ Khổng Tử, Lão Tử và các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như Bà Chúa Xứ, Táo Quân, Cậu Tài, Cậu Quý, phản ánh sự hòa quyện giữa đạo và đời.
Chùa Dơi – Nơi linh thiêng mang cảm giác “rùng rợn”
Mặc dù, chùa không nổi bật về quy mô hay kiến trúc so với nhiều ngôi chùa khác, với bộ bao lam bằng gỗ sơn son thếp vàng là điểm đáng chú ý, chùa Giác Linh lại có một lịch sử cách mạng phong phú. Từ những năm đầu thế kỷ XX, đây đã là trung tâm hoạt động của các nghĩa sĩ yêu nước và tổ chức Thanh Niên Đỏ.
Trong giai đoạn kháng chiến, chùa là nơi hoạt động bí mật, vận chuyển vũ khí và tổ chức hội họp quan trọng. Năm 1998, chùa Giác Linh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, mở cửa đón khách tham quan và là nơi để suy ngẫm về đạo lý và lịch sử.
Lầu Bà Cố Hỷ Ba Động, còn gọi là lầu Bà Ba Động hoặc lầu Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương, là một di tích văn hóa quan trọng của ngư dân Việt, đặc biệt phát triển ở Bình Thuận và Nam Trung Bộ. Tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ được mang theo vào Nam từ nhiều thế kỷ trước cùng với các ngư dân.
Tọa lạc tại Trường Long Hòa và đã trải qua nhiều giai đoạn xây dựng. Ban đầu, cơ sở tín ngưỡng này chỉ là một cấu trúc đơn sơ bằng gỗ và lá dừa. Đến đầu thế kỷ XX, dân làng đã xây dựng lại bằng gỗ căm xe và mái ngói. Trong kháng chiến chống Mỹ, lầu Bà bị hư hại nặng nề và đã được xây dựng lại vào năm 2008 với kiến trúc khang trang.
Di tích Lầu bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương
Lầu Bà có cấu trúc một trệt, một lầu. Tầng trệt thờ bà Chúa Xứ, cùng với án thờ các vị thần khác như cậu Tài, cậu Quý và Nam Hải Quốc gia (linh vị cá voi). Tầng lầu trên là gian thờ kín, với án thờ cốt tượng bà Cố Hỷ và các thần linh khác. Đặc biệt, bà Cố Hỷ tại đây được đồng nhất với Triệu Thị Trinh, nữ tướng lừng danh, phản ánh tinh thần yêu nước và cội nguồn dân tộc của cư dân Trường Long Hòa.
Ngoài giá trị tâm linh, lầu Bà còn có vai trò quan trọng trong lịch sử cách mạng, từng là nơi hội họp của Chi bộ Đảng và tổ chức Thanh niên Tiền phong trước khi khởi nghĩa tháng 8/1945. Trong cuộc kháng chiến, lầu Bà cũng là điểm trú quân của lực lượng Cộng hòa vệ binh. Lầu Bà Cố Hỷ Ba Động được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2015.
>> Nên xem: Tổng hợp ảnh đẹp về những địa điểm du lịch Trà Vinh
Chùa Teakhinasakor Ta Lôn (còn gọi là chùa Cái Cối) được xây dựng vào năm 1816 và là một trong những ngôi chùa Khmer tiêu biểu ở Trà Vinh. Trong thời kỳ kháng chiến, chùa đã chịu nhiều thiệt hại do bom đạn, nhưng được sư sãi và phật tử sửa chữa nhiều lần, vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ.
Không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer trong vùng mà còn là cơ sở hoạt động bí mật bảo vệ cán bộ cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến, chùa đã đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng, đồng thời tổ chức lớp học cho sư sãi và trẻ em địa phương, tuyên truyền chính sách của Đảng. Nhiều cán bộ cách mạng đã được chùa nuôi dưỡng và bảo vệ, sau này đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong cơ quan Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh giá trị lịch sử, chùa Teakhinasakor Ta Lôn còn nổi bật với kiến trúc nghệ thuật chùa Khmer, đặc biệt là ngôi chính điện với nhiều tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Quần thể kiến trúc của chùa bao gồm cổng chính, cổng phụ, chính điện, tăng xá, sala, trường học, cột cờ, tháp hỏa táng, tháp hài cốt và nhà Néak Tà.
Miếu Tiền Vãng (còn gọi là Miếu Tiên Sư) được xây dựng vào năm 1943 trên diện tích 16m² với cột và vách bằng gỗ quý, mái ngói cong và nền lát gạch. Được xây dựng nhờ sự quyên góp của ông Phạm Văn Lược và ông Vương Hảo Thuận, ngôi miếu thờ các giáo chức có công với sự nghiệp giáo dục tỉnh Trà Vinh. Bức hoành gỗ phía trước ghi “Ký ức bất vong” và bức bên trong ghi “Bách tiễn xuyên dương”, trong khi tấm bia cẩm thạch phía sau lưu danh 139 vị giáo chức người Việt, Khmer, Hoa và Pháp.
Di tích Miếu Tiền Vãng Xếp hạng Di tích cấp tỉnh
Được xếp hạng Di tích Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004 và là nơi tôn vinh và tưởng niệm các nhà giáo đã mất. Hàng năm, vào các dịp lễ lớn như ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), ngày 23 tháng Chạp, ngày khai giảng, tổng kết năm học và đặc biệt là Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), nhiều học sinh và giáo viên đến viếng và thắp hương tại miếu. Đây là nơi họp mặt của các thế hệ nhà giáo để bày tỏ lòng tri ân với các thầy cô đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và bảo vệ quê hương.
Đình Long Đức, còn gọi là Thành Hoàng Miếu, tọa lạc tại số 8 đường Phạm Hồng Thái, phường 2, thành phố Trà Vinh. Được xây dựng vào khoảng thập niên 1920-1930, đình Long Đức nổi bật với kiểu dáng kiến trúc truyền thống của đình làng Nam Bộ. Ngôi đình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp kiến trúc cổ xưa với nhiều tác phẩm điêu khắc và hội họa đặc sắc, phản ánh đậm nét văn hóa dân tộc.
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
Vào năm 2021, Đình Long Đức được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia với loại hình kiến trúc nghệ thuật. Đây là điểm đến hấp dẫn cho du khách và các nhà nghiên cứu muốn khám phá giá trị văn hóa và lịch sử của vùng đất Trà Vinh.
Phước Minh Cung, còn được gọi là Chùa Ông, là một di tích văn hóa nổi bật của cộng đồng người Hoa tại thành phố Trà Vinh. Xây dựng từ năm 1556, ngôi chùa được cải tạo và trùng tu nhiều lần, gần đây nhất vào các năm 1991 và 2000. Vào năm 2005, Phước Minh Cung được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia với loại hình kiến trúc nghệ thuật.
Thăm Chùa Ông Phước Minh Cung ở Trà Vinh
Khuôn viên chùa rộng hơn 800m², mang kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” truyền thống Trung Hoa. Công trình chính gồm ba tòa nhà: tiền điện, trung điện và chính điện, cùng với hai dãy nhà tả điện và hữu điện, tạo thành hình chữ “Khẩu”. Toàn bộ các tòa nhà được lợp ngói âm dương nhiều tầng, diềm mái tráng men xanh ngọc, và cột kèo bằng gỗ quý.
Phước Minh Cung nổi bật với các chi tiết điêu khắc tinh xảo như hình tượng rồng, phượng và các biểu tượng văn hóa Trung Hoa trên cột và trụ. Tiền điện có ba cửa ra vào, với cửa chính được thiết kế kiểu ô hộc, trang trí với hình tượng các vị thần và phù điêu thể hiện các tích cổ Trung Quốc. Trung điện và chính điện tiếp tục giữ gìn phong cách mỹ thuật truyền thống, với đồ án Bát tiên kỵ thú và các bức hoành phi tinh xảo.
Đền thờ Bác Trà Vinh tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 4 km về phía Bắc, là một khu di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1989. Với diện tích 5,4 ha, khu di tích bao gồm đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trưng bày về Bác Hồ, khuôn viên cây xanh, ao cá và khu vui chơi cắm trại. Đặc biệt, nơi đây có mô hình nhà sàn Bác Hồ được thiết kế gần giống với nhà sàn tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, tạo điểm nhấn nổi bật cho di tích.
Đền thờ Bác Hồ Trà Vinh - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Tổng hợp 14 điểm di tích lịch sử tại Trà Vinh giúp mọi người có một kế hoạch khám phá miền Tây. Mong rằng, các thông tin sẽ có ích với bạn đọc giúp mọi người có một chuyến đi du lịch ở miền Trà Vinh thật thú vị!