Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Đậm Đà Bản Sắc Tết Cổ Truyền Tại Hải Phòng

Tết tượng trưng cho những điều may mắn, khởi đầu cho năm mới. Hoà chung và không khí Tết vui tươi của cả nước, Tết ở Hải Phòng cũng náo nức thú vị không kém, ngoài ra còn mang những sắc màu rất riêng. Hãy nghe Nguyễn Thị Ánh (Hải Phòng) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Cuộc sống hiện đại cùng nhu cầu của con người ngày một gia tăng kéo theo nhiều lo toan về cả vật chất lẫn tinh thần. Mỗi người ngày ngày đều bị cuốn vào guồng quay với nỗi lo cơm áo gạo tiền, vô tình lãng quên những ngày lễ Tết đang cận kề. Thời gian 12 tháng trôi qua thật nhanh, ngoảnh đi ngoảnh lại không khí Tết đã tràn ngập trên khắp đường làng ngõ xóm, len lỏi từ thành phố đến làng quê. Có lẽ chỉ có Tết, những người con xa quê mới có dịp quây quần bên gia đình, người thân mới có dịp tề tựu sum họp bên nhau. Vậy mới nói, cái không khí Tết làm con người ta nôn nao, rạo rực và háo hức đến ngày được trở về với quê hương, trở về với vòng tay của gia đình. Tết cổ truyền của đất nước nói chung và Tết của người Hải Phòng nói riêng đều mang những dấu ấn khó quên, làm phong phú thêm bản sắc Tết trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

1. Thời tiết đặc trưng của ngày Tết

Mùa xuân đến mang theo những cơn mưa phùn nhẹ, làm nảy mầm những lộc non của cây cối trong vườn nhà. Những nụ đào hồng đang dần hé nở điểm trên cành thêm những chiếc lá đào xanh mơn mởn chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới. Những ngày này ở miền Bắc nói chung và Hải Phòng nói riêng nhiệt độ khá thấp mang lại cảm giác lạnh giá. Bên cạnh đó, cũng có những ngày trời mưa phùn gió bấc càng làm cho không khí trở nên lạnh buốt hơn. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên Tết ở khu vực Hải Phòng và miền Bắc hầu như nắng ấm, thời tiết vô cùng lý tưởng để mọi người thuận lợi đi chơi Tết.


Đặc trưng hoa đào ngày Tết (ảnh: sưu tầm)

2. Không khí những ngày cận Tết tại Hải Phòng

Những ngày cuối năm là khoảng thời gian khá bận rộn với mỗi người khi ai ai cũng tranh thủ thu xếp công việc, sắm sửa đồ đạc cần thiết, lên kế hoạch chi tiêu hợp lý cho dịp Tết. Như thường lệ, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời bằng cá chép vàng. Theo dân gian thì ngày này các vị Táo quân sẽ quay về Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong một năm qua dưới trần gian của mỗi gia đình. Chính vì vậy, 23 Tháng Chạp năm nào thì mọi nhà đều chuẩn bị một mâm cỗ cúng thành tâm và không quên mua thêm cá chép vàng để thả xuống sông sau khi việc cúng bái hoàn tất. Đi dọc theo các khu chợ ở Hải Phòng ngày 23 Tết bạn sẽ phải trầm trồ bởi những bể cá chép vàng hoặc những chiếc xe đi bán rong cá chép. Thuận mua vừa bán, cá chép vàng vào ngày này được bán rất chạy, hầu như ai ai rời khỏi chợ cũng đã lựa cho mình vài chú cá ưng ý. Cá chép sẽ là con vật mang lại hy vọng và may mắn cho gia chủ, “cá chép hóa rồng” cũng là biểu tượng cho những hy vọng về một năm mới bình an, nhiều may mắn đến với mọi nhà.


Hình ảnh quen thuộc tại các khu chợ ngày 23 tháng Chạp (ảnh: sưu tầm)

Sau ngày 23 tháng Chạp là thời điểm nhà nhà người người bắt tay vào chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đồ dùng mới, dọn dẹp những thứ đã cũ. Vào những ngày này, người ta hay gọi vui với nhau là ngày “ dọn nhà quốc dân” bởi ai cũng muốn đón một cái Tết mà nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và tươm tất. Chỉ cần đi qua một vài con đường ở Hải Phòng, bạn sẽ bắt gặp cảnh gia đình nào cũng tranh thủ lau dọn nhà cửa, làm sạch bàn ghế, chăm lại cây cối với những tiếng cười đùa, nói chuyện vui vẻ vang cả ngôi nhà. Và tất nhiên không khí nhộn nhịp, sôi nổi nhất phải kể đến không khí của chợ Tết. Hòa vào dòng người tấp nập đi sắm Tết, bạn mới cảm nhận hết được cái không khí háo hức, vui mừng, hân hoan nơi đường phố. Những chậu cây đào, quất, mai, bưởi cùng các loại hoa tươi đang được bày bán tại chợ hoa xuân tạo nên một khung cảnh ngập tràn sắc màu giữa người và cảnh. Khu chợ quê ngày thường đã đông đúc, mà những ngày cận Tết còn sôi nổi hơn, các bà các mẹ đều thi nhau mua thực phẩm, mua bánh kẹo, mua đồ dùng cần thiết phục vụ dịp Tết.

Đến ngày 27, 28 Tết đường phố Hải Phòng ngày một đông đúc hơn bao giờ hết, những chuyến xe đưa người con xa quê trở về với quê hương lần lượt đậu tại bến xe Vĩnh Niệm, trong lòng bỗng dâng lên những cảm xúc bồi hồi. Phải chăng ai cũng hối hả, cũng muốn được nhanh đoàn tụ cùng gia đình. Dạo một vòng quanh các con ngõ nhỏ tại nơi đây, bạn sẽ bắt gặp các gia đình đang vui vẻ cùng nhau gói bánh chưng. Từng nguyên liệu như đỗ xanh, gạo nếp, thịt lợn, lá dong, lạt buộc đều được chuẩn bị tỉ mỉ và sắp ngay ngắn chuẩn bị cho công đoạn khéo tay nhất đó là làm nên chiếc bánh chưng xanh vuông vắn. Cứ thế, thành phẩm là những chồng bánh chưng xanh truyền thống làm nên nét văn hóa dân tộc ngàn đời. Ngoài bánh chưng thì một số nhà còn tranh thủ bó giò, làm nem chua, thịt chân giò muối hay các loại dưa cà muối ăn kèm giải ngấy trong mấy ngày Tết. Không khí bận rộn nhưng vui vẻ ấy đã trở thành ấn tượng của mỗi người và cũng là điều đặc biệt nhất mỗi dịp cận Tết.


Cả nhà quây quần gói bánh chưng (ảnh: sưu tầm)

Đêm giao thừa ( đêm 30 hoặc đêm 29) chắc chắn là một đêm khó quên đối với bất cứ ai bởi đây là lúc trời đất giao thoa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Bên bếp lửa bập bùng, trông nồi bánh chưng cùng trò chuyện bên gia đình là cảm giác ý nghĩa nhất mà Tết năm nào cũng được cảm nhận ở Hải Phòng nói riêng và các vùng miền nói chung, có lẽ ai cũng từng mong đêm 30 hãy ngưng đọng một lát, thời gian cũng trôi chậm hơn chút để người ta có thể ở bên gia đình lâu hơn. Nhiều gia đình vẫn giữ thói quen chuẩn bị mâm cúng gia tiên vào giao thừa, sau đó sẽ ngơi lại mâm cỗ và cùng thưởng thức. Ngoài ra, nhiều người cũng sẽ lên chùa xin lộc từ tối cho đến khi giao thừa thì về xông nhà cho gia chủ thêm phần may mắn. Thật ý nghĩa biết bao khi được cùng những người thân yêu xem chương trình gặp nhau cuối năm hay còn gọi là Táo Quân đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân đất Cảng với nhiều cung bậc cảm xúc vui có, buồn có và có cả những hy vọng, được cùng nhau đón những tràng pháo hoa rực rỡ bắn lên bầu trời, được ngồi cạn những ly rượu đầu năm mới an khang, được cùng nhau đón một cái Tết ấm cúng, sum vầy.

3. Không khí những ngày Tết chính thức tại Hải Phòng

Sang năm mới, chúng ta luôn dành cho nhau những lời chúc may mắn, mạnh khỏe và sung túc mỗi khi gặp nhau. Ngày mùng 1 Tết hàng năm, mọi nhà ở Hải Phòng đều mở cửa đón khách ghé nhà chúc Tết. Những chiếc lì xì may mắn được gửi tận tay cho đối phương mang theo hy vọng về một năm sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng. Trao nhau phong bao lì xì còn là một truyền thống từ xưa tới nay của người Việt nói chung và người Hải Phòng nói riêng, thay cho những lời chúc hay và ý nghĩa. Thích nhất có lẽ vẫn là các em nhỏ, cùng nụ cười và niềm vui sướng khi nhận được những phong bao lì xì đỏ may mắn. Những câu chuyện năm mới vui vẻ cùng hộp bánh mứt, đĩa hạt dưa, hoa quả được mang ra mời khách, không thể thiếu được những chén nước chè xanh thơm nồng vị trà, kết hợp với nhau tạo nên sắc Tết ngay tại chính ngôi nhà của những người dân nơi đây. Sau khi chúc tết xong, mọi người sẽ cùng nhau dọn cỗ mời khách cùng ăn uống để thỏa tấm lòng hiếu khách từ gia chủ. Những món ăn năm được bày biện đẹp mắt, không chỉ ngon mà còn chứa đựng tinh hoa ẩm thực Tết đặc trưng của thành phố hoa phượng đỏ.


Mâm cỗ ngày Tết (ảnh: sưu tầm)

Ngày mồng 2 đến ngày mồng 4 Tết là khoảng thời gian mọi người đi Tết nội, Tết ngoại, Tết thầy cô và gặp gỡ bạn bè. Sau một năm làm việc không ngừng nghỉ thì những ngày này là thời điểm để mọi người vui chơi, đi du dịch, tham gia lễ hội, đi đền chùa…Một trong những nơi náo nhiệt và được nhiều người lựa chọn đến tham quan chính là đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại huyện Vĩnh Bảo. Đây là di tích cấp quốc gia thờ Trạng Trình hay còn gọi là Trình Quốc Công Bạch Vân. Nơi đây vào những ngày lễ Tết thường diễn ra một số trò chơi dân gian như đánh pháo đất, thi rung chuông vàng hay các nghi thức lễ hội khác. Đây cũng được coi là một gợi ý tham quan du lịch cho những người có cơ hội ghé Hải Phòng vào những ngày Tết. 


Dải trung tâm thành phố ngập tràn sắc hoa (ảnh: sưu tầm)

Càng về những ngày sau đó thì không khí Tết càng thưa dần và những ngày làm việc và học tập quay trở lại, một năm mới lại bắt đầu và mỗi người sẽ phải tiếp tục hoàn thành mục tiêu trong một năm tới.

Có lẽ đến đây, mọi người đều cảm thấy có chút hụt hẫng vì mấy ngày Tết trôi qua thật nhanh, cũng lười bắt đầu lại công việc và cuộc sống nhưng Tết vẫn cứ đến rồi đi mang theo nhiều sự kỳ vọng, háo hức về một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng cũng không thể phủ nhận được vai trò của những dịp lễ Tết bởi đó chính là khoảng thời gian tươi đẹp nhất, ý nghĩa nhất khi mỗi người đều được sum vầy bên gia đình yêu thương, là cơ hội cho chúng ta xích lại gần nhau để đồng cảm và thấu hiểu, là giá trị mà chúng ta nhận được khi hiểu được ý nghĩa của thời gian, của truyền thống văn hóa. Chỉ có đến những ngày cận Tết chúng ta mới nhận ra rằng một năm phấn đấu của mình mang lại những thành quả như thế nào, chúng ta mới nhận ra những người thân yêu của mình lại thêm một tuổi nữa, nhận ra rằng gia đình chính là nơi ta luôn khao khát hướng về. Cho dù dư vị của Tết mang lại cho chúng ta cảm giác tiếc nuối nhưng giá trị của Tết mang lại là vô cùng to lớn. Cũng chỉ còn vài tháng nữa là Tết lại về, cùng nhau giữ gìn sức khỏe và phấn đấu cho công việc thuận lợi rồi bắt đầu cho chuyến xe về quê nhà Hải Phòng ăn Tết thôi nào!

14 Tháng 11, 2024 150

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành