Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Thăm đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nét đẹp tín ngưỡng và truyền thống hiếu học của quê hương Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Hãy nghe Nguyễn Thị Ánh (Hải Phòng) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Với nhiều người, có lẽ Hải Phòng là thành phố nhộn nhịp, sôi động, quanh năm gắn liền với cảng biển, với những chuyến tàu mang hàng hóa xuất khẩu tới các nước trên thế giới hay những bãi biển đẹp, những hòn đảo xanh hấp dẫn khách du lịch bốn phương. Nhưng bạn đâu biết rằng, ngoài khung cảnh tấp nập, ồn ào ấy lại có những nơi vô cùng yên bình, thanh tịnh với không khí thoáng đãng, cho bạn cảm giác hồi hương, trở về những ngày tháng bình dị của những vị tiền bối ngày xưa. Nơi đó mang tên Đền Thờ Danh Nhân Văn Hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1. Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm ở đâu?

Khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được đặt tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đây là quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt được nhà nước công nhận năm 2015.

Sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng Nguyên năm 1535, sau đó, ông lấy bút danh là Trình Quốc Công nên được nhân dân gọi là Trạng Trình. Ông không chỉ là một nhà thơ, nhà văn tài giỏi dưới thời nhà Mạc mà còn là nhà dự báo chiến lược, ông từng dâng tấu “ Thất trảm sớ” ( tức sớ dâng vua xin chém 7 tên nịnh thần) nhưng vua không chấp thuận, ông đành cáo lão về quê dạy học, hưởng những thú vui tao nhã tại quê nhà mà hiện nay chính là khu di tích đền Trạng Trình.

Tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm (ảnh: sưu tầm)

2. Quần thể kiến trúc độc đáo tại đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Quần thể di tích này rộng tới hơn 13ha, với 9 hạng mục chính, mỗi hạng mục đều được thiết kế theo kiến trúc cổ xưa, tạo nên sự độc đáo mà bình dị như lối sống thanh cao của Trạng Trình.

2.1.  Tháp Bút Kình Thiên

Đi dọc theo con đường của trục xã Lý Học, bạn sẽ đi qua di tích tháp bút Kình Thiên. Tháp bút được xây dựng trên một mô đất cao, người dân nơi đây đã xây dựng thêm những bậc thang và con đường nhỏ dẫn lên tháp. Nơi này được coi là nơi để tưởng nhớ đến công lao dạy học của Trạng Trình, ca ngợi tài năng đức độ và học vấn của ông.


Tháp bút Kình Khiên (ảnh: sưu tầm)

2.2. Khu quảng trường và tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đi hết con đường đặt tháp bút Kình Thiên sẽ là khoảng đất trống phục vụ du khách để phương tiện cá nhân của mình. Gần đây, khu di tích còn thiết kế thêm xe xích lô đưa khách vào thăm đền. Nếu muốn đi bộ để ngắm quang cảnh đường vào đền thì bạn có thể đi bộ qua một đoạn đường khá rộng rãi và sạch sẽ. Hai bên đường sẽ có những hàng quán nhỏ, chủ yếu bán những món ăn dân dã như xôi cốm, bánh đa vừng, kẹo lạc, bánh đậu xanh, bánh phu thê, đặc sản các vùng miền về làm quà hoặc các đồ ăn vặt đường phố hay những gian hàng trưng bày đồ lưu niệm và tranh chữ Nho được viết bởi những ông đồ khéo tay.

Di chuyển qua một chiếc bản đồ chỉ dẫn khu di tích được thiết kế vô cùng lớn, bạn bước qua cổng chính sẽ đến khu quảng trường tượng đài danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những năm gần đây, đền Trạng đã được quy hoạch lại một cách khang trang và đẹp hơn nhiều, khu quảng trường này cũng được mở rộng phục vụ khách du lịch và vãn cảnh đền. Đến với nơi này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng tượng của Trình Quốc Công cao 5,7m và nặng 8,5 tấn, toàn bộ đều được làm từ đá granite. Cụ Trạng tay phải cầm bút, tay trái cầm sách, với trang phục nhà nho dạy học, toát lên khí chất của bậc thánh hiền nho nhã. Dưới bức tượng đài ấy, hàng nghìn sĩ tử mỗi năm tham gia bất cứ kì thi nào đều đến để xin được điều như ý. Đây cũng được coi là một biểu tượng cho sự hiếu học, cho lòng thành kính nhớ ơn cha ông đi trước, vì vậy mà quê hương Vĩnh Bảo được gọi với cái tên trìu mến “ đất học Trạng Trình”.


Khu quảng trường chính (ảnh: sưu tầm)

2.3. Bức hoành phi khắc 4 chữ “ An Nam Lý Học”

Đây là bức hoành phi được treo ngay chính đền thờ của Trạng Trình, được viết bằng chữ Hán, được hiểu theo nghĩa là nhân dân Lý Học thuộc nước An Nam tức Việt Nam ngày nay đều sẽ trở thành những người vừa có đức, vừa có tài, ông ủng hộ tinh thần hiếu học và vượt khó của nhân dân.

2.4. Đền thờ chính của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đền thờ Trình Quốc Công được thiết kế khá đơn giản với mái ngói và cột nhà bằng gỗ lim vô cùng vững chắc. Nơi đây là nơi được mọi du khách ghé thăm và ước nguyện những điều may mắn đến với gia đình và mọi người. Đồng thời đây cũng là nơi mà mọi người thường hay xin quẻ bói vào các dịp lễ Tết. Bên phải ngoài cùng gian thờ chính là nơi để xin quẻ bói từ trong hộp quẻ, bạn chỉ cần lắc nhẹ vài lần và thầm xin các vị thần linh cho được một quẻ may mắn, sau đó quẻ bói sẽ rơi ra từ hộp đựng quẻ tương ứng với số bao nhiêu thì bạn ra ngoài và nhờ người ngồi quản lý danh sách quẻ bói đưa cho lá số giải tương ứng. Hoạt động này mang tính tâm linh vì người ta tin rằng xin quẻ bói ở đền Trạng rất linh nghiệm và có thể mang lại may mắn nữa.


Đền thờ (ảnh: sưu tầm)

2.5. Đền thờ thân phụ, thân mẫu của Trạng Trình

Đền thờ thân phụ và thân mẫu Trình Quốc Công cũng được thiết kế khá đơn giản với lối kiến trúc hình hoa sen tượng trưng cho sự thanh bạch, liêm khiết của gia đình giàu truyền thống hiếu học. Đền được đặt phía sau của đền thờ Trạng Trình trước đó. Bạn cũng có thể ghé thăm các vị thân sinh thân mẫu của cụ Trạng để tỏ lòng biết ơn.

2.6. Nhà Tổ thờ phu nhân Minh Nguyệt - vợ Trạng Trình

Phu nhân Minh Nguyệt cũng là người phụ nữ tài giỏi, là hậu cung của cụ Trạng chăm lo cho gia đình khi ông vào triều làm quan và sẵn sàng cùng ông lui về ở ẩn nơi quê nhà, tránh xa chốn quan trường khốc liệt. Bà là người phụ nữ biết hy sinh và là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay.

2.7. Nhà trưng bày hiện vật và ghi chép về sự nghiệp vĩ đại của Trình Quốc Công

Đây được coi là địa điểm giữ chân được nhiều du khách khi muốn tìm hiểu về sự nghiệp của Trình Quốc Công từ xa xưa, những cuốn sách ghi chép bằng chữ Hán và chữ Nho đều là minh chứng rõ nét cho lịch sử và học vấn của ngài. Bên cạnh đó, những hiện vật từ các triều đại cũng được bảo quản cẩn thận trong tủ kính, từ những chiếc bát bằng gốm hay lưỡi dao, kinh thư được đặt ngay ngắn khiến ta thêm trân quý những vật cổ mà ngày trước cha ông ta dùng hàng ngày. Không chỉ vậy, trên tường nhà trưng bày còn treo những bức tranh ảnh về các lãnh đạo trong Đảng và Chính phủ đã ghé thăm khu di tích. Trên chiếc bàn cao nhất có một quyển sổ khổng lồ làm bằng viền sắt và kính, trong đó là ảnh và lời cảm nhận của các vị lãnh đạo nhà nước về khu di tích lịch sử văn hóa này, trong đó có lời của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi có dịp ghé thăm huyện Vĩnh Bảo và khu di tích đền Trạng, những nét chữ ngay ngắn ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho quê hương Vĩnh Bảo nói chung và người dân xã Lý Học nói riêng để tiếp tục phấn đấu phát triển quê hương đồng thời bảo tồn và giữ gìn nét đẹp truyền thống.

2.8.  Hồ Bán Nguyệt

Hồ nằm cạnh đền thờ chính, với lối thiết kế độc đáo, hồ được xây dựng theo ý tưởng mặt trăng khuyết nên mới có tên gọi là hồ Bán Nguyệt. Trên hồ là một cây cầu bắc qua, nơi đây là điểm check in của bao người với khung cảnh nên thơ trữ tình.


Hồ Bán Nguyệt (ảnh: sưu tầm)

2.9. Chùa Song Mai

Chùa Song Mai nằm ngay cạnh đền thờ chính, ngày trước cụ Trạng có trồng một cây mai ở đây để thưởng hoa và ngắm cảnh chùa. Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một nhân tài của đất nước mà còn là một người biết tôn trọng lễ nghĩa, luôn đặt chữ hiếu và tín ngưỡng lên trên hết.

Ngoài 9 hạng mục chính kể trên tại đền Trạng Trình, còn có am Bạch Vân là nơi ngày xưa ông dùng để làm nơi dạy học trò học chữ thánh hiền. Nơi đây đã nuôi dưỡng rất nhiều nhân tài cho quê hương, vì vậy ngày nay nhân dân đã làm thêm nhiều bức tượng tái hiện cảnh dạy học của ông và các sĩ tử thời trước. Đằng sau am Bạch Vân là khoảng vườn với bãi cỏ xanh mướt, các nghệ nhân cũng đã tái hiện khung cảnh sinh hoạt hàng ngày của các thế hệ tiền bối bằng những bức tượng rất có hồn, khiến ta như cảm nhận được sự vui vẻ hiện lên trên gương mặt của họ. Di chuyển trên con đường đó sẽ dẫn bạn đến một rừng cau, những cây cau cao lớn trải dài biểu tượng cho sự không ngừng vươn lên của con người, cho dù khó khăn vất vả, họ vẫn kiên định trong sự lựa chọn của mình. Đi hết con đường ấy, ta như lạc vào câu chuyện của thiên nhiên, của các loại cây xanh trong vườn, cùng nghe tiếng thì thầm của các loại hoa và tiếng thủ thỉ của gió, cảm giác yên bình vô cùng.

Ngược lại gần khu Bạch Vân am sẽ có những ngọn núi cao, vững chắc mà mọi người đến đây thường muốn chinh phục bằng cách leo lên tận đỉnh núi, đường lên đỉnh núi vô cùng khó và trơn, cần ở bạn một sức khỏe và sự dũng cảm để vươn tới.

3. Mùa lễ hội tại đền Trạng

Mùa lễ hội nơi đây bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch, khi thời tiết chuyển sang mùa đông cũng là lúc chúng ta được hòa mình vào không khí lễ hội đặc sắc. Thường thì phần lễ sẽ là nghi thức Rước Văn, Cáo Yết. Phần hội sẽ là những trò chơi dân gian như múa rối nước, đánh pháo đất, đấu vật…Ngoài ra sẽ là những tiết mục văn nghệ hoặc múa lân chào mừng. Vào những dịp lễ hội, du khách thập phương và người dân đều đến để tham dự và chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, đây là vừa là cơ hội quảng bá du lịch đến với bạn bè bốn phương, vừa lưu giữ và phát huy nét đẹp dân gian, kế thừa những tinh hoa văn hóa nhân loại.


Đền Trạng Trình mùa lễ hội (ảnh: sưu tầm)

Hải Phòng chính là như vậy, có những lúc sôi động cùng guồng quay cuộc sống nhưng cũng có những phút giây lắng đọng từ tâm hồn. Nếu có dịp trải nghiệm một vòng Hải Phòng đừng quên ghé thăm khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để cảm nhận rõ nét hơn sự bình yên, thư thái, thanh tịnh của nơi đây mang lại. Sau khi ghé thăm, cũng đừng quên thử một vài món ăn bình dị, hay mua một vài thứ lưu niệm hay quà bánh về cho gia đình. Điều đặc biệt ở chuyển tham quan này không chỉ là để cảm nhận sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên và con người cùng dòng chảy của lịch sử, mà còn là cảm nhận về lòng chân thành, hiếu khách, niềm nở từ chính những con người quê hương Vĩnh Bảo!

04 Tháng 11, 2024 294

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành