Khám phá lễ hội Chợ Viềng đầu năm

Chợ Viềng Nam Trực hay còn gọi là Chợ Viềng Chùa bởi chợ được dựng ngay trước chùa Đại Bi - ngôi chùa nổi tiếng thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh của người dân Nam Trực, Nam Định. Hãy nghe Nguyễn Thị Phượng một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Theo các niên lão ở địa phương kể lại, sự tích chợ Viềng gắn liền với sự kiện truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngày xưa, có hai vị tướng tiến quân qua vùng đất xã Nam Giang. Do ngựa bị thương nên hai vị phải dừng lại tại làng Vân Tràng - một làng nghề rèn thủ công nổi tiếng. Hai vị đã nhờ bà con nơi đây rèn móng ngựa và binh khí để có thể sớm xuất phát. Trong thời gian chờ đợi dân làng hoàn thành, hai tướng đã tổ chức lễ hội chiến thắng. Khi nghe tin về chiến thắng của hai vị tướng, dân làng các làng kế bên nhanh chóng tụ họp kéo trâu, kéo bò về làng Vân Tràng để cùng ăn mừng. Ngày diễn ra lễ hội chiến thắng là vào đêm mồng 7, sáng mùng 8 nên cư dân huyện Nam Trực đã quyết định tổ chức buổi họp mặt vào đêm mùng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ công ơn giữ nước, giữ làng hai vị tướng.

                                                      

                                                                                         ( ảnh tự chụp)

Nét độc đáo của hội chợ Viềng Chùa là hàng năm chỉ diễn ra duy nhất một lần. Cứ vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch người dân địa phương và du thập phương lại nô nức tụ họp tại Chợ Viềng. Được du khách biết đến với cái tên "Chợ Viềng cầu may”, cầu cho một năm làm ăn buôn bán phát đạt, thuận lợi, một mùa xuân mới, một năm mới bình an. Trong phiên chợ Viềng, người bán không thách giá, người mua không mặc cả tạo nên một không khí văn hóa vô cùng thoải mái, sôi nổi và nhộn nhịp.

Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ phiên chợ Viềng rất đa dạng và sôi nổi: mua bán, ẩm thực và các trò chơi giải trí. Dù đã được tổ chức rất nhiều năm rồi và có không khí rất sôi động, náo nhiệt nhưng phiên chợ Viềng Nam Trực vẫn lưu giữ được vẻ nguyên sơ, chân chất qua các mặt hàng đồ cổ, trang sức xuất phát từ các làng nghề nổi tiếng trong khu vực, từ những chiếc lư đồng, mâm đồng, nồi đồng đến những bộ bình, chén, bát đĩa, đèn cổ đồng xu. Có thể nói khu vực bán đồ cổ cũng là nơi thu hút đông khách nhất chợ. Bên cạnh những mặt hàng đồ cổ, thì các sản phẩm đến từ các làng nghề trong khu vực cũng được du khách đặc biệt quan tâm. Đó là các sản phẩm cơ khí của các làng rèn Vân Chàng, Đồng Côi như cuốc, cày, dao, kéo, xoong, chậu; rồi hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan đến từ Vụ Bản. Khi đi chợ Viềng, người dân ở đây lưu truyền tai nhau nên mua một chiếc giỏ để đựng, đong đầy may mắn của cả năm.

                                                

                                                

                                                                                      ( ảnh tự chụp)

Tô điểm vào không khí sôi nổi, rực rỡ sắc màu của phiên chợ Viềng, không thể không nhắc tới khu vực bán cây cảnh, cây thế, các loại hoa đến từ làng hoa Vị Khê (xã Điền Xá), tràn ngập hương sắc. Từ những cây quý hiếm như Tùng La hán, La xanh, Vạn tuế, Thiên tuế đến Bạch trà, Hồng trà…; cây ăn quả thông thường như chanh, cam, táo, bưởi…Đây cũng là khu vực thu hút rất đông khách bởi người ta quan niệm trồng cây sẽ giúp rước tài lộc, mang lại may mắn cho cả năm.

Ngoài ra, khi ghé thăm hội chợ, du khách sẽ tận hưởng nét bản sắc văn hóa của một vùng quê đồng bằng sông Hồng. Các trò chơi dân gian và sự kiện văn nghệ truyền thống như: đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, xin chữ, nặn tò he, múa rối cạn, hát chèo, múa rối nước,... Không gian hội chợ Viềng cũng được trang trí rất đẹp, mang đậm chất một phiên chợ truyền thống. 

                                             

                                                                                 ( ảnh tự chụp)

Chợ Viềng Chùa là nơi hội tụ đầy đủ những đặc trưng của tôn giáo, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống, ẩm thực và nghệ thuật truyền thống của người dân Nam Định nói chung và người dân Nam Trực nói riêng. Đây không chỉ là nơi thể hiện, lưu giữ văn hoá của khu vực đồng bằng sông Hồng, của nền văn minh lúa nước, mà còn là một phiên chợ đặc biệt, mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách địa phương và thập phương. 

      

25 Tháng 06, 2024 212

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành