Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Phú Thọ

Căn Cứ Tiên Động Đền Ngô Quang Bích

Khu Di tích lịch sử Quốc gia căn cứ Tiên Động nằm trên địa bàn xã Tiên Lương huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tiên Động xưa kia (khi Tướng quân Ngô Quang Bích chọn làm căn cứ kháng chiến) là một cánh đồng chiêm trũng sình lầy, được bao quanh bởi địa hình đồi núi hiểm trở. Từ căn cứ Tiên Động khi tiến có thể dùng thuyền theo ngòi Giành ra sông Hồng để sang Thanh Ba, xuôi về huyện lỵ Cẩm Khê, hay ngược lên Hạ Hòa. Khi thoái có thể vào Yên Lập, đi Nghĩa Lộ lên vùng Tây Bắc. Danh nhân- Tướng quân Ngô Quang Bích sinh ngày 7/5/1832 tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Theo chính sử, ông vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền, nhưng do ông nội ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử sách cũng gọi ông là Nguyễn Quang Bích. Năm 1858, ông thi đỗ tú tài; năm 1861, thi đỗ cử nhân, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm quan nhưng ông dâng sớ xin tạm không nhậm chức để tiếp tục học thêm, đồng thời mở trường dạy học. Đến năm 1869, thời Tự Đức, ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên (tức Hoàng giáp). Sau đó, lần lượt được bổ nhiệm giữ các chức vụ Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ ngày nay); Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa ngày nay); Án sát tỉnh Sơn Tây; Tế tửu Quốc tử giám (Huế); Án sát tỉnh Bình Định; Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (bao gồm tỉnh Phú Thọ ngày nay). Khi Thực dân pháp đem quân đánh lên Hưng Hóa, cụ Ngô Quang Bích với tư cách “Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa” đã lãnh đạo quân dân đánh Pháp, giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, với sức mạnh vượt trội của quân đội Pháp, ngày 12/4/1884, thành Hưng Hóa thất thủ. Ngô Quang Bích rút quân về Tiên Động xã Tiên Lương huyện Cẩm Khê lập căn cứ, dựng cờ khởi nghĩa, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi kháng Pháp. Cờ của nghĩa quân thêu 4 chữ "Bình Tây Báo Quốc" và lời tuyên thệ "Việt quốc thiên thu nguyên bất dịch, Lạc Hồng tiên chủng phục hoàn tô" khẳng định chủ quyền dân tộc. Vua Hàm Nghi ban chiếu phong ông làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần Trung hầu, lãnh nhiệm vụ tổ chức kháng chiến ở Bắc Kỳ (văn từ Tham tán, võ từ Đề Đốc được quyền liệu nghi lục dụng). Kể từ đó, với uy tín của mình, Tướng quân Ngô Quang Bích vừa trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Tiên Động, vừa tìm cách liên hệ để phối hợp với các thủ lĩnh kháng chiến khác như Phan Đình Phùng ở Thanh-Nghệ; Đèo Văn Trì, Nông Văn Quang, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh là các sĩ phu, tù trưởng các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mông trong vùng tham gia chiến đấu hoặc ủng hộ kháng chiến. Trong khi cuộc kháng chiến đang có phần thuận lợi thì ngày 5 tháng 1 năm 1891, Tướng quân Ngô Quang Bích đột ngột chuyển bệnh nặng rồi mất, hưởng thọ 58 tuổi. Thi hài của ông được quân sĩ an táng tại núi Tôn Sơn huyện Yên Lập. Không chỉ là một chí sỹ yêu nước, thủ lĩnh kháng chiến mà Ngô Quang Bích còn là nhà thơ, nhà văn hóa. Ông để lại cho hậu thế tác phẩm “Ngư phong thi tập” (Tập thơ Ngư Phong), gồm 112 bài thơ bằng chữ Hán, phần lớn sáng tác trong những năm ông lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp tại Tiên Động. Ngoài ra, ông còn có các bài văn, câu đối viếng các đồng đội hy sinh. Đặc biệt là "Thư trả lời quân Pháp" với lời lẽ khẳng khái, ý chí quyết hi sinh vì độc lập dân tộc. (Khi Pháp đưa thư dụ ông đầu hàng, hứa sẽ cấp chức tước, bổng lộc cao, ông đã đanh thép trả lời rằng: "Ta mà thắng, mà sống thì là nghĩa sĩ triều đình. Chẳng may mà thua, mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc. Ta thà chịu tội với nhất thời, quyết không mắc tội với vạn thế!") Năm 1884, sau khi thành Hưng Hóa thất thủ, rút quân về đóng ở Tiên Động, Tướng quân Ngô Quang Bích đã xây dựng nơi đây thành một hệ thống đồn lũy liên hoàn, đảm bảo cho sự phòng thủ và tấn công hợp lý, trở thành căn của địa vững chắc của cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đại bản doanh của căn cứ đóng trên một gò cao mà nay nhân dân gọi là gò Quan Đại. Đây là quả đồi cao khoảng 150m so với mặt bằng khu vực, giáp với núi Lưỡi Hái, đỉnh đồi khá bằng phẳng và lồi mặt gương lên làm 3 mỏm. Mỏm giữa là đồi Tướng Quân, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân (và cũng là nơi mà ngày nay xây dựng đền thờ Ngô Quang Bích). Bên phải là mỏm Hồ Gia, án ngữ con đường xuyên qua núi Lưỡi Hái thông sang Yên Lập (về sau ông đã cho rút quân vào Yên Lập bằng con đường này). Bên trái là gò Cổng Đồn (đây là đồn vệ binh bảo vệ đại bản doanh). Mỗi mỏm đồi gò cách nhau khoảng 300m, gần chân đồi hiện nay còn những vết tích của giếng nước và nơi buộc ngựa của nghĩa quân xưa kia. Trong khu căn cứ Tiên Động còn lưu giữ các địa danh nổi tiếng như: đồi Tướng Quân, đồi Cột Cờ, gò Mai, gò Đồn, gò Múc, đồi Cỏ Rác… là những địa điểm gắn liền với tên tuổi Danh nhân- Tướng quân Ngô Quang Bích với các nghĩa sĩ Cần Vương và phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Ngày 12/2/1999, căn cứ Tiên Động đã được Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Trong đền có tượng thờ Tướng quân Ngô Quang Bích, các văn bia ghi lại ý chí và lòng quả cảm của ông cùng các nghĩa sĩ Cần Vương. Trên tấm bia trên đường dẫn lên đền thờ có khắc ghi những dòng thơ của quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ca ngợi ý chí, tấm lòng yêu nước của Tướng quân: Các hiện vật được trưng bày trong nhà trưng bày gồm: 1 bộ ấm chén, 1 phạng sứ đựng cơm màu da lươn, 1 khẩu súng Hỏa Mai và một số đạn và vỏ đạn của nghĩa quân. Về bộ ấm chén và chiếc phạng sứ đựng cơm, đây là những đồ dùng phục vụ Tướng quân Ngô Quang Bích trong sinh hoạt hàng ngày, được tìm thấy năm 1979 bởi gia đình bà Tuân Huệ ở Tiên Động khi đào đất trong vườn nhà (khi tìm được hiện vật, qua thông tin từ gia đình, các nhà nghiên cứu đã xác nhận, xưa kia ông nội của bà là lính cận vệ của cụ Ngô Quang Bích, vẫn dùng Phạng này để ủ cơm cho cụ). Tiên Động là căn cứ kháng chiến của cả vùng trung du, miền núi phía bắc, được lãnh đạo, điều hành trực tiếp bởi Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần Ngô Quang Bích nên cũng là nơi tụ hội của nhiều văn thân, chí sỹ yêu nước nổi tiếng trong cả nước như Tống Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Nguyễn Cao... về đây để bàn việc phục quốc. Vì vậy, đây là di tích lịch sử ghi dấu ấn, sử liệu của cả một thời kháng Pháp oanh liệt của phong trào Cần Vương. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Cẩm Khê

Phú Thọ 1098 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Lăng Sương

Đền Lăng Sương nằm trong hệ thống di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh vùng ven sông Đà và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Đền có từ thời Thục An Dương Vương, đến đời Lê thì được trùng tu lại (981-1009), thời Nguyễn vào năm Thiệu Trị thứ 7 (19/6/1847) tu sửa lớn. Đền tọa lạc tại xã Trung Nghĩa, Thanh Thủy, Phú Thọ. Tản viên Sơn Thánh được biết đến là vị thần đứng đầu “tứ bất tử” của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam. Với lòng tôn kính, ngưỡng mộ, nhân dân đã suy tôn Tản Viên là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần” trong tín ngưỡng cổ truyền người Việt. Đền Lăng Sương tự hào là mảnh đất đã sinh ra Đức Thánh Tản. Đây có thể coi là mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” của vị thần tiêu biểu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Cùng với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản, đền Lăng Sương còn thờ Thánh Mẫu - người có công sinh ra Thánh Tản. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đã hòa cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu chung của người Việt như Mẹ Âu Cơ, Đất Mẹ, Mẹ Nước… Đền Lăng Sương có mặt bằng khá rộng, có kiến trúc mang nhiều đường nét cổ kính, thâm nghiêm. Trải qua mưa nắng và giặc giã, ngôi đền bị hư hỏng nhiều. Năm 1991, chính quyền và nhân dân địa phương đã tôn tạo đền Lăng Sương trên khu đất rộng với diện tích 3.000 mét vuông, bao gồm các công trình: Cổng đền, miếu Hai Cô, giếng Thiên Thanh, nhà bia, nhà võng, tả mạc, hữu mạc đền thờ và lăng thánh Mẫu. Đây là ngôi đền duy nhất của Việt Nam thờ cả gia đình Đức Thánh Tản và cũng là nơi thờ gốc trong hệ thống di tích thờ Tản Viên Sơn ở Việt Nam. Bãi Trường Sa - Trung Độ nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau nên duyên vợ chồng - sinh ra nòi giống con Lạc, cháu Rồng - Nguồn cội dân tộc Việt Nam. Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc Đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 12 tháng 7 năm 2005. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1428 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Lâu Thượng

Đình Lâu Thượng được xây theo kiểu chữ Đinh, gồm một tòa đại bái 5 gian 2 dĩ và phần hậu cung 3 gian, có chiều dài là 28m và chiều rộng là 22m theo hướng Đông Nam. Toàn bộ đình có 60 cột cái lớn có đường kính 0,75m liên kết với các xà ngang, dọc tạo thành bộ khung có kết cấu chắc chắn hình tứ trụ lũng thuyền. Hậu cung có kết cấu độc đáo, được chạm khắc tinh xảo. Trên khoảng xà thượng là lưỡng long chầu nguyệt với bố cục chặt chẽ, kết hợp hài hoà giữa đường nét và hình khối hình rồng quyện vào mây, được chạm khắc theo phong cách thời Nguyễn. Phía dưới là hai đầu dư chạm khắc công phu.Toàn bộ gian giữa hậu cung được dành làm khám thờ. Kết cấu chính của khám thờ được sàm đóng với bốn cột mái, phía ngoài là cửa khám chạm trổ tinh vi sơn son thếp vàng. Phía ngoài cửa cấm trên ban thờ cũng có tượng Hai Bà Trưng, tượng tạc trong tư thế ngồi. Đình cũng giữ được một cỗ kiệu bát cống khám mui luyện sơn son thếp vàng đục chạm tinh xảo theo phong cách thời hậu Lê. Đình Lâu Thượng hiện lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như 4 cỗ ngai và bài vị sơn son thếp vàng được gia công từ thời Nguyễn đặt tại khám thờ chính. Bên cạnh đó, nhiều điển tích như: "Tiên sinh dạy học", "Song phượng hàm thư", "Lưỡng long chầu nguyệt", "Quần long hội tụ", "Mẫu long huấn tử"… được khắc họa bằng các bức chạm công phu trên các cấu kiện kiến trúc . Mỗi bức chạm là một tác phẩm độc đáo, vừa thể hiện sinh động nét đẹp bình dị, phóng khoáng, sự tài hoa, khéo léo, sức sáng tạo và óc thẩm mỹ của cha ông ta thuở xưa. Lễ hội làng Lâu Thượng được diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm để thực hiện các nghi lễ cúng tế và tham gia các hoạt động văn hóa thể thao dân gian. Trước ngày diễn ra hội chính, nhiều hoạt động giao lưu thể dục thể thao giữa các khu dân cư trong xã đã diễn ra.Vào ngày mồng 9 tháng Giêng nhân dân tổ chức nghi thức rước kiệu từ Đình Ngoại vào Đình Nội tế lễ, sau đó rước kiệu ra trước miếu của Đình Ngoại và tiếp tục làm lễ tế. Lễ hội của làng Lâu Thượng được duy trì hằng năm có ý nghĩa lớn trong việc kết nối cộng đồng và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc. Với những giá trị văn hóa cũng như nghệ thuật quý giá, đình Lâu Thượng đã được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21-2-1975. Giờ đây khi tới thành phố Việt Trì, du khách ngoài đi chiêm bái các đền Thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghé đình cổ Hùng Lô nghe Hát Xoan, vãn cảnh tại Thiên Cổ Miếu… còn có thể tới thăm đình Lâu Thượng, cảm nhận nét cổ kính, trầm mặc của công trình kiến trúc điêu khắc quý giá này, lắng lòng mình lại sau cuộc sống bộn bề để hiểu và trân quý hơn những giá trị văn hóa lịch sử mà cha ông để lại. Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1443 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hùng Lô

Nằm tại ngôi làng cổ Hùng Lô với niên đại hơn 300 năm tuổi, đình Hùng Lô từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam với những phong tục, tập quán gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Làng cổ Hùng lô (xã Hùng Lô, tỉnh Phú Thọ) nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm Thành phố Việt Trì khoảng 5km. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình Hùng Lô được xây dựng trên diện tích đất rộng 5000m2. Tương truyền, vào đời Lê Hy Tông (1967), người dân nơi đây đã dựng miếu để thờ phụng Vua Hùng đời thứ 18, hướng về núi Nghĩa Lĩnh, nơi đóng đô của Hùng Vương. Đình cổ Hùng Lô là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế... Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu... Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái; cả ba gian đều có bàn thờ. Các gian tiền tế được xây theo cấu trúc năm gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Khu sân đình được bài trí thoáng rộng với hòn non bộ, cây si, cây đa rủ bóng. Nơi đây cũng còn lưu giữ được hệ thống các đồ thờ tự phục vụ cho nghi lễ thờ cúng đầy đủ nhất; đặc biệt là hệ thống câu đối cổ rất phong phú với 43 câu đối ca ngợi cảnh trí quê hương và công đức vua Hùng. Phần lớn những đồ thờ cổ đều có niên đại trên 300 năm, tiêu biểu là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, những khí tự lễ hội. Một điểm đặc sắc đáng lưu ý nữa, đình Hùng Lô rất nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu Đền Hùng từ xưa đến nay. Năm Mậu Ngọ (1918), đình Hùng Lô đã được thưởng “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội”; hiện nay, biển thưởng này vẫn được trang trọng lưu giữ trong đình. Vào dịp lễ hội Đền Hùng hằng năm, đến đình Hùng Lô, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung, đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó. Cuộc rước sẽ đi từ đình làng đến Đền Hùng; trở về từ Đền Hùng, các lễ tế tại đình làng mới được tiến hành, sau cùng là thụ lễ tại nhà Yến lão. Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1443 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tượng đài chiến thắng Sông Lô

Tượng đài chiến thắng Sông Lô tọa lạc trên núi Đồn thuộc xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng. Phía dưới chân núi, hai dòng sông Lô - sông Chảy hợp lưu tại đây, tạo nên một vùng địa thế non nước hữu tình, đất đai trù phú. Đứng ở khu vực tượng đài, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy bát ngát dòng sông xanh, san sát những mái nhà, chòm xóm. Tượng đài chiến thắng Sông Lô được xây dựng từ năm 1987 với tổng diện tích quy hoạch lên tới 2.537 m2; bao gồm hai phần: tượng và đài. Hai bên tượng đài là hai biểu tượng thân tàu và những đợt sóng vút cao nhằm thể hiện hình tượng lịch sử: Con tàu chiến thắng chở sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam đang rẽ sóng ra khơi theo dòng chảy của lịch sử. Đài cao 26m bên cạnh nhóm tượng cao 7m được làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép, bên ngoài sơn màu giả đồng. Đài chiến thắng mang hình tượng ngọn lửa, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và sự tồn tại trường tồn của chiến thắng sông Lô; thân đài được thiết kế góc cạnh đồ sộ và được ốp đá ghép khít với nhau. Trên 4 mặt xung quanh của đài tưởng niệm có trang trí 8 bức phù điêu bằng gốm miêu tả chiến thắng Sông Lô và khái quát một số nét đặc trưng trong đời sống của con người vùng đất Đoan Hùng. Mỗi bức phù điêu kể trên đều là một tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc tinh tế, công phu. Nhóm tượng chiến thắng sát ngay chân đài, mặt tượng hướng về dòng sông Lô trong xanh gồm 5 nhân vật tiêu biểu cho các thành phần, lực lượng đã anh dùng tham gia chiến đấu làm nên chiến thắng Sông Lô. Mỗi pho tượng lại được khắc họa dáng đứng và có thần thái khác nhau; có pho tượng chiến sĩ trong tư thế hiên ngang giơ cao khẩu súng, trên mình mặc áo trấn thủ, sau lưng vác bao gạo, chân đi dép cao su; có pho tượng người chiến sĩ hai tay nắm chắc khẩu súng trường trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; pho tượng ở giữa là hình ảnh một nữ du kích người dân tộc, đầu chít khăn, tay cầm gậy, tầm mắt nhìn ra xa sẵn sàng chiến đấu; cũng có pho tượng người chiến sĩ đứng bên khẩu pháo, giơ cao mũ vẫy chào, áo phanh trần bay trong gió để lộ lồng ngực trần khoẻ mạnh tràn đầy sức sống… Những pho tượng kể trên đã khắc hoạ sinh động dáng hình lịch sử của những con người đã làm nên chiến thắng Sông Lô, mang hơi thở của những năm tháng chiến đấu hào hùng truyền lưu lại cho hậu thế một cách trọn vẹn, chân thực. Bao nhiêu năm đã trôi qua, những thế hệ người dân sinh ra và lớn lên, gắn bó với mảnh đất oai hùng này đều mang trong mình một niềm tự hào to lớn mỗi khi nhắc tới chiến thắng vang dội của cha ông xưa kia. Trong ánh mắt của họ, tượng đài chiến thắng Sông Lô không chỉ là công trình vinh danh và ca ngợi chiến thắng Sông Lô mà còn là minh chứng cho sự kiên cường của cha ông đã hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài chiến thắng Sông Lô được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 27 tháng 9 năm 1997; Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1441 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Thạch Khoán

Đình Thạch Khoán được xây dựng từ lâu đời, lúc đầu có kiến trúc nhỏ và đơn sơ với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, tranh, tre, nứa, lá cọ. Năm 1905 đình được xây mới, đến năm 1914 đình bị đốt cháy. Năm 1925 Đình được trùng tu. Năm 1967, đình được Nhà nước và nhân dân địa phương tu sửa lại. Sau lần trùng tu đó Đình tồn tại cho đến ngày nay. Đình Thạch Khoán được xây dựng theo hình chữ “Nhất” gồm 5 gian theo hướng Tây Nam. Gian giữa nhìn chính diện về phía núi Ba Vì (núi Tản) gọi là cung chính, đặt bài vị thờ Thần Tản Viên Sơn. Tả cung đặt bài vị thờ các Mị Nương công chúa con Vua Hùng thứ 18. Hữu cung thờ bài vị Đại tướng quân Đinh Công Mộc và các vị thổ tù họ Đinh, những người có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh. Lễ hội làng Thạch Khoán được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức thành 2 phần gồm: phần Lễ với hoạt động tổ chức rước kiệu, tế lễ, dâng hương theo nghi lễ truyền thống. Và phần Hội vớiTổ chức cắm trại văn hóa của các khu dân cư, tổ chức các hoạt động văn hóa: Thi gói, nấu bánh chưng, thi giã bánh giầy, diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống; liên hoan văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian như đu trà, kéo co, ném còn...và các hoạt động thể thao quần chúng. Đây là một Lễ hội truyền thống tiêu biểu đồng bào dân tộc Mường, là nét đẹp trong cách giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước, ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã khai sơn, phá thạch hình thành nên mảnh đất này. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc, cổ vũ, động viên nhân dân hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống văn hoá của địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh văn hoá truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1344 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích Đền Tam Giang- Chùa Đại Bi

Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền nằm bên tả ngạn nơi hợp lưu của ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà mà xưa nay nhân dân vẫn quen gọi là ngã ba Hạc. Đây là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam. Đền Tam Giang thờ thần Thổ Lệnh. Tương truyền ông là thần làng - thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị tật bệnh cho muôn dân, khi mất lại linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Ngôi đền còn thờ Đức Thánh Bà Quách A Nương - một nữ tướng tài của Hai Bà Trưng và thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, con trai thứ 6 của Trần Thái Tông đã có công thu phục chúa đạo Đà Giang trấn giữ vùng Tây bắc, lập phòng tuyến Bạch Hạc suốt 30 năm. Chùa Đại Bi là ngôi chùa cổ do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng từ đời Trần (năm 1328), đến nay đã có gần 700 năm tuổi. Đền Tam Giang, chùa Đại Bi đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đón tiếp hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm. Đặc biệt gắn với di tích nơi đây có Lễ hội bơi chải truyền thống được tổ chức vào mùng 9 tháng 3 âm lịch đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Bên cạnh Lễ hội bơi chải truyền thống du khách đến với nơi đây còn được thưởng thức các hình thức diễn xướng dân gian với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí phong phú, hấp dẫn của tín ngưỡng thờ Mẫu. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1374 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Miếu Lãi Lèn

Miếu Lãi Lèn là một ngôi miếu cổ nằm ở làng Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì. Theo truyền thuyết, miếu Lãi Lèn là nơi Vua Hùng truyền dạy điệu Hát Xoan cho người dân. Miếu Lãi Lèn là sự tổng hòa tương đối của một di tích vừa liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đồng thời cũng là di tích gốc liên quan đến nguồn gốc ra đời của một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ. Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, ngôi miếu cổ đã bị đổ nát. Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã quyết định khôi phục miếu Lãi Lèn trên nền móng cũ với tổng diện tích gần 3.000m2, tạo cảnh quan nơi đây trở thành một điểm đến tham quan cho khách du lịch và thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Kiến trúc miếu Lãi Lèn được làm theo kết cấu kiến trúc truyền thống kiểu chữ Đinh (丁) gồm tiền tế và hậu cung, nhìn theo hướng Đông Nam, mái lợp ngói mũi hài. Hai tòa nhà Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng theo kiểu nhà 5 gian truyền thống. Trước miếu là bức bình phong bằng đá nguyên khối với chiều dài 7,6m, hai mặt trang trí quấn thư, hổ phù. Trong khuôn viên khang trang của di tích có Nhà trưng bày nghệ thuật Hát Xoan khá hiện đại với đầy đủ tiện nghi và trưng bày khoa học, được coi là một bảo tàng duy nhất về Hát Xoan Phú Thọ. Đây được coi là nơi vừa giới thiệu, vừa có thể trình diễn về Hát Xoan phục vụ du khách. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1360 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Tiên

Đền Tiên là ngôi đền thiêng, tọa ngự trên địa bàn phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì. Đây là ngôi đền thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu, hay còn gọi là Bạch Tổ Mẫu, là người mẹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Mẫu là Hoàng hậu của Vua Kinh Dương Vương, người sinh thành dưỡng dục của Vua Lạc Long Quân, là bà nội của các vua Hùng trong bọc trăm trứng. Đền Tiên là di tích quý giá nổi bật trong quần thể di tích thuộc kinh đô Nhà nước Văn Lang. Theo ngọc phả cổ truyền, trước kia có khuôn viên 7000m2, nhìn về hướng Tây Nam, trước mặt là quốc lộ 2, phía ngoài đê có sông Thao chảy về ngã ba Bạch Hạc, nơi hội tụ của 3 dòng sông lớn: Sông Hồng Hà, Sông Đà, sông Lô. Ngôi đền có vị thế địa lý đắc địa về phong thủy, trước mặt là sông, sau lưng là núi, hội tụ đầy đủ khí thế sông núi để ban phát muôn đời cho con cháu đất Việt. Tháng 7 năm 2003, đền Tiên đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm vào dịp ngày sinh 5 tháng 5 âm lịch và ngày hóa 10 tháng 10 âm lịch của Mẫu, Đền đều tổ chức lễ tế long trọng để nhân dân khắp nơi về phúng bái tưởng niệm. Là một ngôi đền, thờ tự người mẹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đền Tiên cũng là biểu trưng cho truyền thống Uống nước nhớ nguồn muôn đời của dân tộc Việt Nam. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1397 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Du Yến

Đền Du Yến, xã Chí Tiên tọa lạc nơi miền đất địa linh trên đồi cao, cây cối um tùm xanh tốt; dưới chân là hồ nước trong xanh quanh năm. Đền hướng ra sông Thao đêm ngày êm đềm bồi đắp phù sa. Dải đê dài này chính là đường tỉnh lộ, là huyết mạch giao thông quan trọng của huyện Thanh Ba. Năm 1993, đền Du Yến được Nhà nước công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2003, đền Du Yến được trùng tu lại bao gồm tòa tiền tế 5 gian, hậu cung 3 gian như hiện nay. Trong đền còn giữ được nhiều hiện vật quý như: Ngai thờ, kiệu bát cống, đồ chấp kích, bát bửu, bản thẻ đồng, ghi chữ nôm ở hai mặt ... Các pho tượng đều được tạc bằng chất liệu gỗ. Ngoài các sắc phong của các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, đây là ngôi đền duy nhất giữ được gia phả ghi lại hai nghìn năm phát triển của một dòng tộc trên đất Thanh Ba. Theo Ngọc Phả truyền lại xưa kia ở vùng Thao Giang, tại trang Bổng Châu nay là thôn Tiên Châu, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ có một gia đình họ Nguyễn sống hiền từ phúc hậu và chịu khó làm ăn nên có uy tín lớn trong vùng. Nhờ phúc trời phù hộ, ông bà đã sinh hạ được một người con gái đặt tên là Hạnh Nương. Ngay từ nhỏ Hạnh Nương đã luôn được cha mẹ chăm sóc chu đáo nuôi dạy nên người. Bà là người con gái thông minh kỳ lạ, nhan sắc tuyệt trần, tính tình hiền dịu nết na, ham học văn chương, say mê võ nghệ. Trai tài trong làng nhiều người ướm hỏi nhưng bà đều từ chối không muốn vương bụi trần để giữ mình trong sạch. Bà đã dựng cờ tụ nghĩa, ngày đêm luyện tập cung kiếm, xa gần nức tiếng gọi là nữ thần giáng thế. Bấy giờ vào những năm 40 sau công nguyên, giặc Đông Hán đứng đầu là Thái thú Tô Định ngang nhiên bạo ngược đem quân sang chiếm nước ta. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, bà đã chọn 92 nghĩa binh từ trang Bổng Châu về cùng với Hai Bà Trưng. Thấy Hạnh Nương thông minh tài sắc văn võ song toàn, lại cầm quân đánh đâu thắng đấy nên Hai Bà Trưng đã tặng phong cho bà là Ngọc Loan công chúa và phong chức là Trưởng lĩnh Tiền quân. Sau khi đánh tan giặc Tô Định, nữ tướng Nguyễn Thị Hạnh trở về thăm quê hương, chính tại nơi đây bà đã mở yến tiệc khao quân, ban thưởng cho dân làng. Hội mừng công được mở trên một mỏm đất hình con hổ trắng đang nằm uống nước bên bờ sông Thao. Nơi đây về sau dân làng lập đền thờ gọi là hành cung Du Yến (ngày nay là đền Du Yến xã Chí Tiên). Từ đó, cứ vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm dân làng lại mở hội cầu tế để tưởng nhớ đến công ơn của bà và cầu xin mưa thuận gió hoà nhà nhà được ấm no hạnh phúc. Lễ hội đền Du Yến là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu của Thanh Ba, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước. Lễ hội được mở với phần lễ và phần hội được tổ chức rất long trọng. Những đồ thờ dâng Mẫu chủ yếu là các loại bánh chay và hoa quả... được chia thành 6 giáp, mỗi giáp 2 mâm, được 2 thanh niên khiêng vào đặt lên ban thờ để các cụ cầu tế. Trong lúc cầu tế có xen lẫn những điệu múa tiên, múa sinh tiền. Tương truyền rằng vào ngày Mẫu ra đời ngoài bãi dâu Thao Giang có tiên sa giáng trần múa hát như ngày hội nên ngày tế Mẫu bắt buộc phải có đội múa tiên bao gồm 4 cô gái dưới 16 tuổi, chưa có chồng, múa những điệu múa bay bổng đẹp như tiên phục vụ tế lễ. Nghi thức này hiện nay đã được phục dựng và có đôi chút điều chỉnh cho phù hợp với không gian lễ hội. Sau đó đến phần rước kiệu, đi đầu là đội cờ, tiếp đến là phường bát âm, sau đến đội bát biểu, múa sư tử, tiếp đến là múa tiên rồi đến kiệu. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1446 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Hùng

Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền, chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, (Việt Trì, Phú Thọ), gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại. Từ chân núi đi lên, qua cổng đền, điểm dừng chân của du khách là đền Hạ, tương truyền là nơi nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất). Qua đền Hạ là đền Trung, nơi các vua Hùng dùng làm nơi họp bàn với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng là lăng Hùng Vương thứ sáu (trong dân gian gọi là mộ tổ) từ đền Thượng đi xuống phía Tây nam là đền Giếng, nơi có cái giếng đá quanh năm nước trong vắt. Tương truyền ngày xưa các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ mười tám, thường tới gội đầu tại đó. Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa… Văn học dân gian Việt Nam nói về lễ hội đền Hùng như sau: "Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng ba". Nguồn: Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ 1479 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật