Di tích lịch sử

Việt nam

Đình Hưng Học

Đình Hưng Học là di tích lịch sử lưu niệm danh nhân Quận công Vũ Hoàng Đào là người có công với bản xã, vị thần trừ ôn dịch giúp dân. Ông là một trong những Tiên công đỗ Giám sinh vào thời Hậu Lê, có công quai đê lấn biển, khai canh lập ấp hình thành lên thị xã Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Ngoài ra, ông còn có công bảo vệ làng xã chống giặc cướp và có tài trị thủy. Theo truyền miệng của dân làng Hưng Học: cụ Vũ Hoàng Đào (武 皇 燾)là thế tổ đời thứ năm của dòng họ Vũ ở Hưng Học. Theo gia phả, dòng họ Vũ có truyền thống khoa bảng, Cụ học cao thi đỗ Quận Công. Ngày vinh quy bái tổ, đã thác ở sông Rút và hiển linh thành Thần Đông Hải - một vị thần biển phù hộ cho dân làng Hưng Học đi sông, đi biển được an lành. Ngài còn có khả năng trừ ôn dịch cứu dân. Dân làng Hưng Học đã tạc tượng và lập miếu thờ ở gần nơi Ngài thác (vẫn còn đến ngày nay, gọi là Miếu Chính Phủ). Thần được vua Khải Định phong làm Thần Đông Hải, là Bản Thổ Thành hoàng Trung đẳng thần, là Thông minh Hình tướng, là thần trừ ôn dịch cứu dân. Người dân Hưng Học tôn thần là Thành Hoàng. Mỗi lần đi sông, đi biển đánh cá hay đi thuyền vận tải, dân làng đều vào miếu Chính Phủ thắp hương cầu khấn. Khi dân làng bị dịch bệnh đều có lễ cầu Đức Đông Hải đệ tam Thành Hoàng đều tai qua, nạn khỏi, rất linh nghiệm. Khi dân làng Hưng Học tổ chức lễ hội Đại Kỳ phúc hàng năm ở đình Hưng Học đều cúng phối hưởng Thần Vũ Hoàng Đào. Hiện ở đình Hưng Học còn thờ một đạo sắc phong của vua Khải Định năm thứ 2 phong Đức Đông Hải Vũ Hoàng Đào làm Thành hoàng bản cảnh của làng Hưng Học. Với lịch sử xây dựng và các di sản văn hóa đang được bảo tồn, đình giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của làng Hưng Học và phường Nam Hòa thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào thế kỷ XV. Đình còn thờ danh nhân Huyền Quang tổ sư, Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông là người tài năng đức độ, đỗ đạt cao (năm 20 tuổi đỗ Hương cử, năm 21 tuổi đỗ đầu khoa Đại tỷ thủ sỹ). Ông vừa là một nhà thơ lớn với nhiều bài thơ còn được lưu lại, vừa là một nhà tu hành lỗi lạc, một thi sĩ lớn của dân tộc thời đại nhà Trần, một danh nhân của đất nước. Đình Hưng Học với tín ngưỡng thờ Thành hoàng là Tổ sư Huyền quang, Bản thổ Thành hoàng Vũ Hoàng Đào (nhân thần địa phương), đồng thời qua các hiện vật thờ tự, tượng thờ, sắc phong và nghi lễ cúng tế, hội hè đình đám ở di tích Đình Hưng Học giúp chúng ta tìm hiểu được tín ngưỡng dân gian tục thờ Thành hoàng của làng Hưng Học nói riêng và làng xã Việt Nam nói chung. Đặc biệt, tục thờ và rước thần Phạm Nhan - một tướng giặc bại trận về đình làng Hưng Học cúng tế vào dịp lễ Đại kỳ phước là một nét văn hóa độc đáo của nhân dân làng Hưng Học đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và khoa học đánh giá cao tính nhân văn của người Việt Nam: dù là kẻ thù, khi đã thất bại vẫn được cho ăn, uống và cho về nước; đó là tính dân chủ trong tục thờ cúng của người Việt Nam (thờ cúng thần thì thần phải phù hộ cho người thờ). Tục thờ trên một trướng giặc bại trận trong Chiến thắng Bạch Đằng 1288 oanh liệt diễn ra ngay trên quê hương Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Tục rước và cúng phối hưởng Thần ở đình Hưng Học còn biểu hiện nhân sinh quan tâm linh người Việt: cách thức để Tam tổ Huyền Quang dùng Phật pháp giáo hóa cho thần Phạm Nhan phù hộ chúng sinh; tục thờ thần Phạm Bá Linh và Vũ Hoàng Đào: một thần gây ôn dịch, một thần trừ ôn dịch là một nét văn hóa hết sức độc đáo của cư dân vùng sông nước Bạch Đằng. Qua kiến trúc các vì kèo và điêu khắc trên các cấu kiện của đình cho thấy: đình làng Hưng Học được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, gồm có ba gian, hai chái, bốn vì kèo. Kết cấu vì kèo bằng làm bằng gỗ lim theo kiểu thượng thu hạ thách với các cấu kiện cột cái, cột quân, câu đầu, giá chiêng bụng lợn, đầu dư, kẻ chuyền, đầu bẩy đỡ mái, đây là lối kiến trúc đặc trưng của đình làng Việt Nam thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Các cấu kiện của đình Hưng Học như các bức cốn, đầu dư, đầu bẩy, con chồng, bát đấu đỡ hoành đều được chạm kênh bong rất nghệ thuật, chạm nổi tinh xảo với các đề tài tứ linh truyền thống làm phong phú nghệ thuật điêu khắc đình làng thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX của Việt Nam. Trong đình hiện còn bảo lưu nhiều hiện vật, đặc biệt 31 cổ vật là đồ thờ tự có giá trị giúp ích các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam. Với những giá trị nêu trên, đình Hưng Học, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1985/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./. Nguồn Cục Di Sản Văn Hóa .

Quảng Ninh 313 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Lưu Khê

Tên đình Lưu Khê xuất phát từ tên làng Lưu Khê. Đình được dựng lên để thờ hai vị Tiên Công là ông Đỗ Độ và ông Đào Bá Lệ. Hai ông có công chiêu tập người tới bãi bồi cửa sông Bạch Đằng quai đê lấn biển vào năm 1434 lập nên làng Lưu Khê ngày nay. Thời Lê gọi là xã Lương Qui, đến thời Nguyễn đổi thành Lưu Khê. Căn cứ tư liệu hiện còn của đình ở đảo Hà Nam, qua lời kể của các cụ cao niên trong làng và hoa văn điêu khắc ở đình có thể thấy đình Lưu Khê được xây dựng vào năm Nhâm Ngọ, tức tháng tư năm 1822. Cho tới nay, đình Lưu Khê đã trải qua nhiều lần trùng tu, tu bổ, tôn tạo. Lần tu bổ lớn vào năm 1942 đã lợp lại đình bằng ngói tây, xây tường đá bao quanh, đắp phù điêu rồng ở trái hồi và làm hai trụ đèn lồng phía trước đình. Ngần đây nhất, năm 2006 đình Lưu Khê lại được trùng tu, tu bổ tôn tạo một số hạng mục của nhà Đại Bái như nối và gia cố các mộng, xử lý tiêu tâm một số cột gỗ bị mối mọt, thay hoành mái bằng gỗ tròn, lợp lại ngói mới (ngói màn và ngói mũi); xây lại tường hồi nhà Đại Bái, lát lại nền bằng gạch Bát (theo hình chữ công), bổ sung các viên đá tảng bị mất; phục hồi hai chái nhà Đại Bái... đình hiện nay khang trang, to đẹp hơn khi khởi dựng rất nhiều! Đình vừa là nơi thờ hai vị Tiên Công là Đỗ Độ và Đào Bá Lệ có công khai phá đồng điền, vừa là nơi thờ tự có liên quan đến ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo của làng cách đình Lưu Khê khoảng 800 mét. Đình tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng phần cấu trúc các vì kèo và điêu khắc còn giữ nguyên được trạng thái ban đầu. Phong cách điêu khắc của đình mang đậm nét của điêu khắc dân gian đình làng cuối thế kỷ 17 và thế kỷ 18. Trên bức cốn của hai vì gian giữa và trên các đầu bẩy đều được chạm nổi bong kênh tinh vi, sắc sảo hình rồng, mây, tôm, cá, ly, phượng. Hai bên thân kẻ các vì kèo đều được chạm nổi bong kênh hình rồng, mây. Trên câu đầu là con chồng ghép khít nhau được chạm bong kênh tinh vi hình long đảo vũ. Đặc biệt trên xà nách nối cột cái với cột quân của hai vì kèo gian giữa của bái đường là hai bức cốn được chạm nổi bong kênh tinh vi hình long quần vũ hình tôm, cá, hoa sen... Các bức chạm trổ công phu, tỉ mỉ, mang giá trị nghệ thuật cao. Đình được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng cấp Quốc gia số 65/QĐ-BT, ngày 16/01/1995 bởi giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 306 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Phong Cốc

Đình Phong Cốc hay còn gọi là đình Cốc, đình có tên gọi như vậy bởi đình nằm trên một vùng đất có thế tựa hình con chim Cốc, ở nơi giáp gianh giữa xã Phong Cốc và xã Phong Hải huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh trước kia là thôn Phong Cốc, thuộc xã Phong Lưu huyện Yên Hưng. Đình Phong Cốc và miếu Phong Cốc là một quần thể di tích thuộc xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng. Hàng năm dân làng tổ chức lễ cầu mưa và rước tứ vị Thánh Nương từ miếu Phong Cốc về đình để cầu tế và sau đó lại đưa về miếu. Đến cải cách ruộng đất, miếu bị sụp đổ nhân dân địa phương đã đưa tứ vị về đình để thờ. Đến nay miếu Phong Cốc đã được đầu tư tu bổ, phục hồi lại và đã được xếp hạng cấp Quốc gia theo quyết định số 25/2007/QĐ-BVHTT, ngày 03/8/2007. Đình Cốc là nơi thờ thần Hoàng làng Phong Cốc và thờ thần Nông, theo truyền thuyết thần Hoàng làng Phong Cốc hiện nay vốn là người Việt ở Châu Hoàn (tức Nghệ Tĩnh) thuộc cửa biển Đại Kiên, xã Hương Cát, vốn là người yêu nước dưới đời nhà Lý, sau khi ngài mất dân địa phương lập đền thờ ở cửa biển Hương Cát. Đình Cốc hiện nay kiến trúc gồm 3 ngôi nhà: Tiền đường, Bái đường và Hậu cung. Tiền đường được dựng vào năm 1805 (tức thời Gia Long tứ niên). Bái đường được dựng vào năm 1801 (tức Cảnh Thịnh bát niên). Thời vua Trần Anh Tôn sau trận chiến thắng ở Chiêm Thành vua ban cho 300 quan kinh phí tu sửa đình. Đến thời Lê đình tiếp tục được trùng tu miếu mộ. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, chống xuống cấp nhưng đình vẫn giữ được nguyên vẹn những yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích. Đình Cốc có giá trị tiêu biểu về kiến trúc - nghệ thuật. Kết cấu chủ yếu bằng gỗ có nhiều mảng chạm khắc đường nét tinh tế, hình tượng phong phú, bố cục phóng khoáng mang phong cách thời Lê với nhiều đề tài sinh hoạt như tứ linh, chọi gà, đánh vật, bơi thuyền, đi hội... . Các bức chạm của đình Phong Cốc có chiều sâu cả về không gian, màu sắc lẫn nội dung được thể hiện bằng kỹ thuật chạm bong kênh, chạm lộng, chạm nông... Với giá trị tiêu biểu về kiến trúc - nghệ thuật đình Phong Cốc đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 191/VH-QĐ, ngày 22/03/1988. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 314 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Quan Đại

Đền Quan Đại nằm ở thôn La Khê, xã Tiền An thị xã Quảng Yên, thờ hai vị đại thần của triều đình nhà Nguyễn là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai đã chỉ huy quân sỹ cùng nhân dân Quảng Yên đánh đuổi bọn giặc cướp nước và bè lũ tay sai của thực dân Pháp để bảo vệ biên cương, vùng hải đảo thuộc miền Đông bắc của Tổ quốc. Đền Quan Đại nằm ở thôn La Khê, xã Tiền An thị xã Quảng Yên, thờ hai vị đại thần của triều đình nhà Nguyễn là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai đã chỉ huy quân sỹ cùng nhân dân Quảng Yên đánh đuổi bọn giặc cướp nước và bè lũ tay sai của thực dân Pháp để bảo vệ biên cương, vùng hải đảo thuộc miền Đông bắc của Tổ quốc. Truyền thuyết kể lại, sau khi hai ông tử trận, hai con voi của họ đã đưa chủ vào rừng trúc (nơi người dân dựng đền thờ ngày nay), dẫm quang một khoảng rừng trúc để đặt thi thể hai chủ soái rồi nằm phục bên cạnh. Khi nhân dân biết tin ra chôn cất, đã thấy mối đùn lên thành 2 ngôi mộ lớn. Hai con voi cũng nhịn ăn mà chết theo chủ. Để tỏ lòng biết ơn hai vị công thần đã hy sinh vì dân, vì nước, người dân trong làng đã lập đền thờ hai ông, quanh năm hương khói, phụng thờ (đền thờ 2 vị trung thần, nên người dân trong vùng còn gọi là Song Trung từ). Nhân dân trong vùng đã lấy ngày mất của hai ông làm ngày mở hội đền, còn gọi là ngày “giỗ trận” - lễ hội lớn của làng La Khê. Theo các tài liệu khảo cổ, đền Quan Đại vốn có kiến trúc kiểu chữ Nhị. Trải qua thời gian, đền bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng và bia mộ. Ngôi đền ngày nay được người dân Tiền An góp công góp của xây dựng vào năm 1993 với ba gian bái đường và 3 gian hậu cung. Hiện nay trong đền vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của hai danh nhân, như bia ký, sắc phong, ảnh, đồ thờ tự… của 2 vị công thần anh hùng Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai... Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh .

Quảng Ninh 320 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hải Yến

Đình Hải Yến có tên chữ là “Hải Yến đình” thuộc xóm Tây (xóm Hai) thôn Hải Yến, xã Yên Hải, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Làng Hải Yến trước đây có tên là Hải Triền. Làng Hải Triền được lập vào thời Lê do một số cư dân ở Tuần Châu và Hải Dương đến quai đê lấn biển lập nên. Đầu thế kỷ XIX, Hải Triền được đổi thành Hải Yến. Theo tài liệu Hán Nôm còn lại đình Hải Yến được xây dựng thời Hậu Lê, do nhân dân trong làng cùng nhau đóng góp tiền của và công sức xây dựng. Đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa đặc biệt năm 1815 niên hiệu Gia Long và năm 1963 đã tổ chức trùng tu với quy mô lớn. Căn cứ vào sắc phong của các vua triều Nguyễn phong tặng cho đình Hải Yến thì thành hoàng của đình là 3 vị thần: Diệu cảm mặc phu, chương hiển đôn ngưng, dực bảo trung hưng, linh phù đương cảnh thành hoàng Linh Ứng chi thần; Dực bảo trung hưng linh phù đương cảnh thành hoàng Uy Minh chi thần; Dực bảo trung hưng linh phù bản thổ thành hoàng Đại Hải Phạm chi thần. Nhưng hiện nay chỉ còn lại thần tích của một vị thần là “Đại Hải Phạm chi thần”. Đại Hải Phạm chi thần chính là Phạm Tử Nghi. Ông là một võ tướng thời Mạc, tên húy là Phạm Thành, tên chữ là Tử Nghi. Ông là một vị tướng tài. Sau khi ông qua đời các triều đại phong kiến đều phong ông làm thần. Nhân dân làng Hải Triền (Hải Yến ngày nay) thì tôn ông làm Thành hoàng và thờ ở đình làng. Đình Hải Yến là một ngôi đình làng bề thế, tọa lạc giữa làng mạc trù phú, dân cư đông đúc. Đình có kiến trúc độc đáo, kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói vẩy, bốn mái đao cong vút như những mũi thuyền đang rẽ sóng lướt tới, các vì kèo liên kết với nhau chắc chắn, những bức chạm trổ công phu, khéo léo với các hình rồng, tản mây, hoa lá, tứ linh... tạo thành bức tranh sinh động, hấp dẫn. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang nét đặc trưng của thời Hậu Lê giai đoạn đầu thế kỉ XVIII. Tuy đã trải qua 300 năm kể từ khi khởi dựng, nhưng được sự đầu tư trùng tu, tôn tạo qua các thời, ngôi đình vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn nét kiến trúc cổ truyền. Với giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật đình Hải Yến đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 59/2003/QĐ-BVHTT, ngày 29/10/2003. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 334 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Chưa mở cửa

MIẾU TIÊN CÔNG

Miếu Tiên Công (còn gọi là Đền Thập cửu Tiên Công) nằm ở Thôn Cẩm Thành, xã Cẩm La, cách trung tâm thị xã khoảng 5km, thờ 17 vị tiên Công “Thập thất Tiên Công”, quê ở Phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long. Đây là những người có công đầu trong sự nghiệp quai đê lấn biển, lấn sông thành lập nên khu đảo hà Nam, trong đó có xã Cẩm La. Miếu tiên công xưa kia là ngôi đền thờ 19 vụ Tiên Công có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên khu đảo Hào Nam – Yên Hưng vào năm 1434. Các vị Tiên Công được thờ tại Miếu gồm: Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn, Hoàng Nông, Hoàng Nênh. Tuy nhiên hiện nay còn 17 vị có quê gốc ở phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, Hà Nôi được thờ tại Miếu, vì nhân dân thôn Trung Bản đưa 2 bài vị của 2 vị Tiên Công là Hoàng Nông, Hoàng Nênh là tổ họ của xã mình về thờ tại “Tiên Công cổ Miếu” thuộc thôn Trung Bản. Miếu Tiên Công thờ Thập thất Tiên Công có từ thời Hậu Lê trên vị trí hiện nay, nhưng ban đầu bằng ngôi nhà vách đất lợp tranh tre. Đến triều vua Gia Long năm thứ III (1804) mới xây dựng bằng gạch ngói khang trang. Miếu được xây dựng trên một khu đất cao, quay về hướng Đông, có diện tích 2.912m2, kiến trúc kiểu chữ nhị (=), kết cấu 3 gian, 2 trái, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước là bái đường, tiếp là sân, sau là nhà thờ tổ. Kiến trúc trong miếu thể hiễn rõ phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Miếu Tiên Công đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là các năm 1804, 1920, 1931, 1946, 1994. Tại bái đường, trên ban thờ còn lưu giữ được bức đại tự khắc 4 chữ sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 28 “Phong Lưu nghĩa dân” và một sắc phong bằng gỗ của vua Khải Định năm thứ 9 sắc phong 17 vị Tiên Công là “Dực bảo Trung hưng chi thần” Trong Miếu có đôi câu đối đáng chú ý: Thiên cổ khai canh công vĩnh tại Ức niên phụng trị phúc du đồng Nghĩa là: Muôn thuở khai canh công còn mãi Ngàn năm thờ phụng phúc vô cùng Miếu Tiên Công không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hoá, mà còn là một “Bảo tàng” mỹ thuật trưng bày các hiện vật rất có giá trị về điêu khắc gỗ. Ngoài các bức chạm truyền thống được thể hiện ở các vì kèo, đầu bẩy, đầu dư, con rường… các đồ thờ tự ở đây đều thể hiện được sự điêu luyện của nghề mộc mỹ nghệ của nhân dân địa phương. Các khán thờ, sắc phong, hương án, bát bửu đều được sơn son thếp vàng. Những đường nét chạm trổ trên các hiện vật thờ tự, từ bài vị cho đến các khám thờ, các bức cửa võng, đại tự, câu đối, đều mang đậm nét riêng biệt của bản sắc văn hoá dân tộc với nhiều đề tài phong phú, đa dạng như tứ linh, hổ phù, rồng chầu, hoa lá cách điệu, mây mác, cá chép hoá rồng… tất cả đều tạo nên một vẻ linh thiêng, tôn kính. Miếu Tiên Công được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử & Văn hóa năm 1989. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh .

Quảng Ninh 334 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Pò Hèn

Khu di tích lịch sử Pò Hèn là nơi ghi lại những giây phút chiến đấu anh dũng, hào hùng của quân và dân ta, trận chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 17/2/1979 đã đi vào lịch sử Việt Nam như một khúc ca bi tráng về tinh thần anh dũng, bất khuất, kiên trung của những người con nơi địa đầu đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới của dân tộc. Trong cuộc chiến đó, 73 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Tiêu biểu phải kể đến đó là: Trung Úy đồn phó Đỗ Sỹ Họa, tuy bị thương vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; Chiến sỹ Nông Văn Điều - Người đã phát hiện ra địch sớm nhất và tiên phong chiến đấu với quân địch khi chúng mới bắt đầu tấn công vào cổng đồn; Chiến sỹ Hoàng Văn Túc đã kiên cường chiến đấu đến khi hết đạn lại đến chốt khác của đơn vị để chiến đấu và hi sinh trong tư thế đang chiến đấu; Hoàng Thị Hồng Chiêm – Người con gái dũng cảm của Móng Cái - Cô nhân viên thương nghiệp Hải Ninh đã anh dũng hi sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương, bảo vệ biên cương Tổ quốc Việt Nam… Với những thành tích xuất sắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc, ngày 19/12/1979, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 209 Pò Hèn đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.. Sau sự kiện tháng 2/1979, Đồn 209 Pò Hèn chuyển đi xây dựng ở địa điểm mới. Khu tưởng niệm liệt sỹ Pò Hèn, được khởi công tôn tạo vào ngày 19/5/2010, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật của Bác và được khánh thành vào ngày 10/1/2011; Là công trình được huy động XHH 100%, do Bộ chỉ huy BP Tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, với sự hiến tặng kinh phí, cơ sở vật chất của các tập thể, đơn vị, cá nhân ở khắp mọi miền đất nước với tầm lòng tri ân sâu sắc. Đài tưởng niệm quay mặt về hướng Bắc, với tổng diện tích khuôn viên là 86.304m2, gồm các hạng mục công trình chính là: đài tưởng niệm, đỉnh hương, nhà bia, sân khu tưởng niệm và vườn cây ; cao 16 mét được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá trắng. Hai bên là hai nhà bia, bên trong có đặt một tấm bia làm bằng đá xanh nguyên khối khắc tên 86 liệt sỹ là bộ đội biên phòng Đồn 209 Pò Hèn, nhân viên thương nghiệp và công nhân lâm trường Hải Sơn. Hàng năm, vào các dịp Lễ, Tết, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống và nhân dịp tổ chức các sự kiện chính trị của địa phương, các hoạt động “Tri ân các anh hùng liệt sỹ” được tổ chức tại đây. Khu di tích lịch sử Pò Hèn không chỉ là bằng chứng lịch sử về tinh thần, ý chỉ quyết tâm, sự chiến đấu dũng cảm, ngoan cường quyết tâm bảo vệ chủ quyền từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới của Tổ quốc, của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên Phòng 209 Pò Hèn, của tập thể cán bộ, nhân viên Lâm Trường và nhân dân nơi đây. Đây còn là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước nơi biên giới. Di tích được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 23/01/2014 và xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 2288/QĐ-BVHTTDL ngày 20/9/2022 và được giao cho Đồn biên phòng Pò Hèn trực tiếp quản lý. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 434 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Xã Tắc.

Đền Xã Tắc tọa lạc tại một vị trí đặc biệt, cạnh bờ sông Ka Long (Ranh giới biên giới Việt – Trung), thuộc khu 3 phường Ka Long, thành phố Móng Cái. Năm 2005 , di tích đền Xã Tắc đã được công nhận là di tích cấp Tỉnh - theo quyết định số: 2332/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ninh ngày18/7/2005. Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc – Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Tại đây thờ Xã Tắc Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này. Năm 2005, đền đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Theo lời kể của các cụ cao niên sống quanh khu vực này, trước kia, Đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Đầu thế kỷ XX, trong một lần bão lớn, Đền bị sạt lở và được nhân dân di chuyển vào trong khu vực Xoáy nguồn với quy mô nhỏ hơn trước. Trải qua những biến đổi thăng trầm của thời gian, đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu lớn nhất là vào năm Kỷ Mão 1879. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đền bị phá hủy, chỉ còn lại một vài tấm bia và nền móng cũ. Sau năm 1989, đền được phục hồi lại với quy mô nhỏ. Để đáp ứng mong mỏi của quần chúng nhân dân dân muốn có một cơ sở thờ tự khang trang, quy mô, năm 2009, đền Xã Tắc đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định cho phép phục hồi và giao cho UBND thành phố Móng Cái làm chủ đầu tư giai đoạn I và BTS Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư giai đoạn II, triển khai dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đền Xã Tắc ngày nay được xây dựng theo hướng Nam, trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2 , phía Đông giáp sông Ka Long, ba mặt còn lại giáp với khu vực đất thuê của công ty liên doanh khách sạn Hồng Vận. Ngôi đền chính có diện tích 308 m2, được xây dựng theo kiểu chữ “công”. Trong đó: tòa tiền đường gồm ba gian hai chái, hai gian chung đường và ba gian hậu cung. Đền được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy rồng, tường xây gạch. Đền được xây hai tầng tám mái với những họa tiết hoa văn chạm trổ truyền thống, tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài. Hiện nay, Đền Xã Tắc vẫn còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại từ những năm 1879, trên đó có ghi danh những người đã góp công, góp của để trùng tu, xây dựng lại đền. Đền Xã Tắc là một di tích lịch sử văn hóa có quy mô lớn và lịch sử lâu đời. Đây từng là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh linh thiêng của cư dân Móng Cái và các vùng lân cận, ngoài những ngày cúng rằm và mồng một hàng tháng. Hàng năm, tại đền còn diễn ra 5 ngày lễ chính là ngày 16/1, 2/5, 16/8, 16/12, 18/12 (ÂL). Trong những ngày này, người dân trong khu vực được chia thành 5 tổ. Trong một năm, mỗi tổ được phân công lo một lễ chính. Ngày 16/1 là ngày lễ cầu an. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3238/QĐ-BVHTTDL ngày 4/11/2020 về việc xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đối với Di tích lịch sử đền Xã Tắc (phường Ka Long, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Móng Cái , tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 376 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Nam Thọ( Vạn Linh Khánh Tự)

Chùa Nam Thọ (có tên gọi khác là Vạn Linh Khánh Tự), thuộc khu Nam Thọ, phường Trà Cổ là một trong những di tích có giá trị tiêu biểu của thành phố Móng Cái, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999. Theo bài minh trên chuông đồng đúc lại, Chùa có từ Thiệu Trị thứ 3 (1843), vào năm Cảnh Thịnh thứ 15 triều vua Lê Hiển Tông (1754). Chùa Nam Thọ được xây dựng quay về hướng Bắc, với kết cấu kiểu chữ Hồi mang ý nghĩa là sự hội tụ của các dòng nước. Đó cũng là lý giải cho tên chữ của chùa: Vạn Linh Khánh (Sự linh thiêng, tốt lành). Chùa Nam Thọ gồm các công trình chính: Tam quan, Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Nhà Khách ; đã nhiều lần được trùng tu, dấu ấn thời Lê không còn nữa. Nhưng tại đây vẫn còn lưu giữ được một hệ thống tượng gồm 53 pho tượng cổ. Đáng chú ý nhất là 4 pho tượng Thích Ca sơ sinh, 2 pho tượng Quan Âm Tống tử và 2 pho tượng Tam thế nhỏ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vì thế, nơi đây là một “bảo tàng điêu khắc cổ” thu nhỏ của vùng Đông Bắc Việt Nam. Một nét đặc biệt nữa của chùa Nam Thọ mà ít có di tích nào có được, đó là rừng cây cổ thụ phía sau chùa. Không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, chùa Nam Thọ còn là một di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước của nhân dân ta. Vào năm 1905, Phan Bội Châu trên đường đi Trung Quốc để sang gặp gỡ các nhà cách mạng Nhật Bản, Trung Quốc đề nghị họ hỗ trợ cho phong trào Đông Du. Trong một lần bị giặc truy đuổi, ông đã ẩn náu tại chùa Nam Thọ và được nhân dân cưu mang, giúp đỡ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, chùa là nơi tích trữ lương thực, nuôi giấu cán bộ cơ sở, cất giấu tài liệu cách mạng và là nơi tiễn đưa hàng ngàn con em địa phương lên đường tham gia kháng chiến. Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích chùa Nam Thọ với tổng mức vốn đầu tư huy động xã hội hóa trên 12 tỷ đồng. Nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu tổ quốc, chùa Nam Thọ cũng như các công trình kiến trúc nghệ thuật và văn hóa khác của thành phố Móng Cái là “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khắc ghi dấu ấn lịch sử và mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam tại vùng biên cương của Tổ quốc. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 374 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG KHU MỎ MẠO KHÊ

Di tích lịch sử cách mạng khu mỏ gồm 03 điểm: + Địa điểm thứ nhất: Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại khu mỏ (Khu Dân Chủ) + Địa điểm thứ Hai: Xưởng cơ khí - mỏ Mạo Khê, là nơi các thành viên hội thanh niên cách mạng đồng chí Hội – Do Đ/c Hoàng Quốc Việt ( Tức Hạng Bá Cang ) đứng đầu, đã tiến hành chủ chương vô sản hóa- Đây là chủ trương tuyên truyền, rèn luyện và truyền bá tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào gia cấp công nhân vùng mỏ, tạo điều kiện hình thành những tổ chức cao hơn của công nhân mỏ Mạo khê sau này. + Địa chỉ thứ Ba: Chùa Non Đông : Là cơ sở bí mật của tổ chức Đông dương cộng sản những năm 1929 – 1930. 3 địa điểm của Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê là nơi ghi dấu ấn hoạt động của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Cừ và cũng là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh. Trong đó, chùa Non Đông được sử sách ghi lại có từ năm Trùng Hưng 1285; nhà máy cơ khí hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc. Trải qua thời gian, các địa điểm này đều đã bị hư hại, chỉ còn là phế tích. Năm 2015, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Quảng Ninh đã khởi công dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê. Hiện nay, di tích lịch sử Mỏ than Mạo Khê là một trong 14 điểm du lịch trên địa bàn TX Đông Triều. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 3013/QD-BVHTTDL ngày 30/8/2019 về việc xếp hạng di tích quốc gia cho Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê (phường Mạo Khê, TX Đông Triều). Nguồn Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 509 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Đồn Cao Đông Triều

Đồn Cao Đông Triều nằm trọn trên quả đồi có độ cao 61m, tổng diện tích trên 145.000 m2. Đây là căn cứ do thực dân Pháp xây dựng để đặt trung tâm chỉ huy của chế độ thực dân Pháp đối với Đông Triều nói riêng trong thời kì đô hộ của chế độ thực dân Pháp Cùng với Đình Hổ Lao và chùa Bắc Mã, Đồn Cao là một trong những địa danh đã gắn liền với sự hình thành và ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo- Chiến khu Đông Triều. Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồn Cao Đông Triều nằm trọn trên quả đồi có độ cao 61m, tổng diện tích trên 145.000 m2. Đây là căn cứ do thực dân Pháp xây dựng để đặt trung tâm chỉ huy của chế độ thực dân Pháp đối với Đông Triều nói riêng trong thời kì đô hộ của chế độ thực dân Pháp. Nơi đây cũng đã đi vào lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều. Di tích Đồn Cao Đông Triều là vị trí cao nhất của Trung tâm phường Đông Triều. Đồn Cao nằm án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Chí Linh, Hải Dương đi Uông Bí Quảng Ninh, từ Kinh Môn, Hải Dương qua phà Triều sang Đông Triều. Từ Đồn Cao Đông Triều có thể quan sát, phát hiện từ xa các mục tiêu từ phía Bắc xuống phía Nam và từ phía Đông sang Tây của thị xã. Vì vậy, sau khi xâm lược Việt Nam, năm 1896 thực dân Pháp đã tổ chức cho xây dựng một trại lính ở đây để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược và khai thác vơ vét tài nguyên khoáng sản tại Đông Triều. Năm 1945, nhân dân ta giành chính quyền, đồn Cao Đông Triều thuộc quyền quản lý của chính quyền cách mạng. Sáng mùng 8/6/1945, Đồn Cao Đông Triều đã bị nghĩa quân Đệ tứ chiến khu dưới sự chỉ huy của trung tướng Nguyễn Bình đánh chiếm, mở đầu cho cao trào cách mạng tháng Tám trong toàn vùng. Nghĩa quân xuất phát từ chùa Bắc Mã, sau khi đánh chiếm Đồn Cao Đông Triều đã tập kết tại đình Hổ Lao. Tại đây, thay mặt Trung ương, trung tướng Nguyễn Bình đã tuyên bố thành lập chiến khu kháng chiến Trần Hưng Đạo hay còn gọi là Đệ tứ chiến khu. Năm 1947, thực dân Pháp liên tiếp mở những trận đánh lớn chiếm lại Đông Triều. Lần này, chúng chiếm đến đâu cho xây dựng củng cố ngay hệ thống đồn bốt tháp canh đến đó, nhằm chiếm giữ lâu dài và khống chế lực lượng ta đánh trả từ xa. Đến ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đồn Cao thuộc quyền kiểm soát của ta. Trải qua thời gian dài, hiện nay các công trình thuộc di tích Đồn Cao Đông Triều đã bị phá hủy khá nhiều, chỉ còn lại một phần trong số các công trình như nhà ở của quan Ba, nhà ở của lính khố xanh và nhà biệt giam tra tấn tù Cộng sản, trận địa pháo, hệ thống lô cốt, hầm ngầm… Những dấu tích ở đây vẫn là những chứng tích quan trọng đánh dấu một thời kỳ lịch sử không thể quên của toàn dân tộc nói chung, của đảng bộ và nhân dân Đông Triều nói riêng. Ngày 24/5/2017, di tích Đồn Cao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch ra quyết định số xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trong tương lai, Đồn Cao sẽ được tu bổ, phục hồi. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 425 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Lê Chân (đền An Biên)

Đền thờ nữ tướng Lê Chân (đền An Biên) toạ lạc bên sườn núi Vẻn thuộc làng Vẻn cổ, thôn An Biên, xã Thuỷ An, thị xã Đông Triều. Đây chính là nơi nữ tướng Lê Chân sinh ra và lớn lên những năm tháng tuổi thơ cùng cha mẹ. Khi bà qua đời, nhân dân ghi nhớ công lao to lớn của bà đã xây dựng ngôi đền ngay trên quê hương để thờ bà Lê Chân, một nữ tướng xinh đẹp, tài giỏi đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống ách đô hộ phương Bắc dưới thời Hai Bà Trưng. Từ dũng tướng đánh giặc, nữ tướng Lê Chân trở thành Thánh Mẫu trong cảm quan tín ngưỡng dân gian, là hiện tượng văn hóa đặc biệt. Khi Lê Chân qua đời, đền thờ Bà được lập ở nhiều nơi của các tỉnh như Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội… Năm 2006, đền An Biên đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và năm 2017, được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2018 nhân kỷ niệm ngày thắng trận của Nữ tướng Lê Chân (15/8 âm lịch), TX Đông Triều đã tổ chức lễ động thổ, khởi công hạng mục đền chính. Sau gần 3 năm triển khai thi công tu bổ và tôn tạo di tích, đầu năm 2021, đã hoàn thành đền chính, nghi môn và sân đền khang trang như ngày nay. Lễ hội diễn ra trong 03 ngày, từ 16- 18/3 hàng năm. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 367 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Đình chùa Hổ Lao

Đình làng- Chùa làng Hổ Lao xưa kia thuộc xã Hổ Lao, huyện Đông Triều, tổng Mễ Sơn, phủ Kinh Môn (nay là thôn Hổ lao, xã Tân Việt, thị xã Đông Triều) đã có từ lâu đời. Đình và chùa tọa lạc trên một gò đất tương đối bằng phẳng ngay đầu thôn Hổ Lao. Theo thuật phong thủy thì gò đất đó có hình con Hổ, đình và chùa được xây dựng trên đầu con vật này theo hướng Đông- Nam, phía trước có cánh đồng lúa xanh tốt, xa xa có dòng sông Đạm, phía sau có dãy núi thuộc vòng cung Đông Triều. Quả thật là một nơi linh địa. Theo các cụ già ở địa phương cho biết trước kia đình Hổ Lao có kiến trúc hình chữ Nhị, bái đường có năm gian, hai trái, hậu cung có ba gian hai trái, đình làng lợp ngói vẩy Rồng, cột xà đều bằng gỗ lim, sân chùa phong quang, sạch, đẹp, vườn chùa có nhiều cây cổ thụ xanh tốt quanh năm tạo nên vẻ thanh bình, cổ kính. Trải qua bao thăng trầm lịch sử thiên tai, giặc dã nên đình và chùa làng Hổ Lao đã bị đổ nát, bia ký bị phá hủy, đến đời Nguyễn được trùng tu lại. Hiện nay còn sáu bia đá được tạc dựng vào các năm: Tự Đức thứ 17 (1864), Thành Thái thứ 16 (1904), năm Bảo Đại thứ nhất (1926), Bảo Đại thứ 7 (1932), Bảo Đại thứ 14 (1939) và năm Bảo đại nguyên niên. Căn cứ vào các văn bia thì vào năm 1864 có ông lý trưởng làng là Nguyễn Văn Năng và vợ là Nguyễn Thị Tham đã xuất tiền cho dân tu sửa đình và hiến cho làng 18 mẫu ruộng luân phiên canh tác chi vào việc cúng giỗ, tế lễ. Đến đời Thành Thái (1889 -1907) do bị hỏa hoạn, giặc giã nên đình làng lại bị đổ nát, dân tình ly tán, ruộng đất hoang phế. Đến đời vua Duy Tân có ông lý trưởng làng là Mạc Văn Cửu hết lòng chăm lo cho dân đã cùng chánh hội Thái Trọng Lương hội họp dân làng bàn việc sửa đình. Lại được ông chủ thầu đất sét trắng giúp đỡ tiền của nên dân làng xây dựng được thêm chùa và tạc Cửu Long Thánh Tượng để thờ trong chùa. Ông lý trưởng Mạc Văn Cửu là người hết lòng vì dân làng, nhiều năm lao tâm, khổ tứ “tìm đất chiêu mộ dân, khai hoang đồng đất, dân yên, tục tốt, họp dân định lệ, mọi thứ đều đổi mới; bỏ của cải tài trợ không tiếc, phong hóa dân ta thực từ bấy giờ” (bia thời Từ Đức). Từ đó đến sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đình, chùa làng Hổ Lao trở thành trung tâm văn hóa của làng, xã. Khi phong trào Việt Minh ở Đông Triều phát triển mạnh thì nơi đây đã trở thành một căn cứ hoạt động của nghĩa quân cách mạng, nhiều sự kiện chính trị quan trọng đã diễn ra ở đây. Chiều ngày 20/4/1945 đội võ trang tuyên truyền đầu tiên của Mặt trận Việt Minh ở Đông Triều được thành lập, sáng ngày 1/5/1945 đội làm lễ ra mắt trước miếu Thổ thần nhà ông Mạc Văn Niết ở làng Hổ Lao. Đội được nhân dân làng Hổ Lao nuôi dưỡng, hai ông Mạc Văn Niết và Mạc Văn Quễ phụ trách hậu cần cho đội. Giữa tháng 5/1945 lực lượng vũ trang tập trung của huyện Đông Triều được thành lập và thường xuyên tập luyện tại sân đình Hổ Lao, tổ chức các cuộc họp tuyên truyền, truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Lực lượng vũ trang non trẻ này đã lớn mạnh nhanh chóng là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang cùng nhân dân đồng loạt nổi dậy đánh chiếm 4 đồn: Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch ngày 8/6/1945 và đã giành thắng lợi vang dội. Chiều ngày 8/6/1945 trong không khí nghĩa quân ăn mừng chiến thắng tại đình làng Hổ Lao, ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã họp quyết định thành lập Uỷ Ban Quân Sự Cách Mạng gồm các đồng chí Nguyễn Bình, Hải Thanh, Trần Cung và một số ủy viên khác do Nguyễn Bình đứng đầu. Sáng ngày 9/6/1945 trong cuộc mít tinh tại sân đình làng Hổ Lao, Trần Cung thay mặt ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố thành lập chiến khu cách mạng mang tên ĐỆ TỨ CHIẾN KHU, lực lượng võ trang chiến khu mang tên “DU KÍCH CÁCH MẠNG QUÂN”, công bố danh sách UBQSCM. Nguyễn Bình đại diện UBQSCM tuyên đọc “bảy điều kỷ luật của du kích cách mạng quân”. Hổ Lao đã trở thành trung tâm căn cứ quân sự của chiến khu. Từ nơi đây Nguyễn Bình và ban lãn đạo chiến khu đã chỉ huy các đơn vị mở rộng phạm vi hoạt động giành được nhiều chiến công vang dội ở Uông Bí, Quảng Yên, và vùng Đông Bắc Tổ Quốc. Đệ tứ chiến khu (chiến khu Đông Triều- chiến khu Trần Hưng Đạo)) đã trở thành một căn cứ chống Nhật oanh liệt trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, cổ vũ nhân dân vùng Đông Bắc đứng lên chống Nhật, cùng với cả nước tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 giành thắng lợi. Năm 1947 thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Đông Triều chúng ra sức phá hủy các căn cứ cách mạng trong đó có làng Hổ Lao. Đình, chùa làng Hổ Lao cũng bị tàn phá.trở thành phế tích. Năm 1993 nhân dân trong làng đã góp tiền của xây dựng lại hậu cung ngôi chùa cũ làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Năm 1997 trên nền ngôi đình cũ xã Tân Việt đã xây dựng một nhà bia tưởng niệm nơi thành lập ĐỆ TỨ CHIẾN KHU và ghi công những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tổ Quốc. Do có nhiều công lao đóng góp xây dựng, nuôi dưỡng và bảo vệ nghĩa quân cách mạng nhân dân làng Hổ Lao đã được nhà nước tặng bằng CÓ CÔNG VỚI NƯỚC. Ngày 12/7/2001 Bộ Văn Hóa Thông Tin đã ra quyết định công nhận Đình – Chùa làng Hổ Lao là Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia. Ngày 12/12/2007 Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch và các ngành có liên quan của tỉnh, huyện và địa phương đã làm lễ khởi công trùng tu tôn tạo lại đình, chùa Hổ Lao và xây dựng một số công trình phù trợ với tổng kinh phí dự toán gần 16 tỷ đồng. Các tín đồ phật tử, khách thập phương công đức được trên 2 tỷ đồng. Những đóng góp của nhân dân làng Hổ lao nói riêng, của nhân dân xã Tân Việt nói chung đã góp phần vào chiến công của nhân dân Đông Triều được nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.”Ngày 28/5/2010 nhà nước đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tân Việt vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Giờ đây, cùng với ngày kỷ niệm 8/6- ngày thành lập Chiến khu ĐôngTriều, hằng năm nhân dân xã Tân Việt còn có thêm một ngày hội lớn: Lễ hội đình, chùa Hổ Lao được tổ chức vào ngày đầu xuân mới (15 tháng giêng). Nằm liền kề với Đền Sinh và khu lăng mộ nhà Trần (di tích Quốc gia đặc biệt) và với những giá trị Lịch sử- Văn hóa Quốc gia … đình, chùa Hổ Lao sẽ là một địa chỉ du lịch hấp dẫn góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; phát triển kinh tế, văn hóa , xã hội du lịch của địa phương và thị xã Đông Triều. Nguồn Cổng thông tin điện tử thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 459 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Mỹ Cụ (Sùng Khánh Tự).

Chùa Mỹ Cụ, tên chữ là Sùng Khánh Tự. Chùa được xây dựng ở làng Mỹ Cụ nên lấy tên làng đặt cho chùa. Tên làng được xuất phát từ truyền thuyết: “Tương truyền xưa vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử đi tu, dân làm cỗ ngon dâng vua, nên đặt tên là Mỹ Cụ” còn tên Sùng Khánh Tự mang ý nghĩa đề cao phật pháp vô biên, khánh có nghĩa là tốt lành. Chùa Mỹ Cụ tọa lạc bên sườn núi Chè (ngọn núi mang hình con rùa), thuộc thôn Mỹ Cụ, phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Vào thời Trần Phật giáo bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sau khi vua Trần Nhân Tông đi tu ở Yên Tử và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm qua đời, Pháp Loa dưới sự dìu dắt của vua Trần Nhân Tông đã được truyền Pháp y và lên làm vị tổ thứ 2 của phái thiền Trúc Lâm. Dưới thời Pháp Loa, giáo lý Trúc Lâm có sức quyến rũ mạnh mẽ tín đồ đạo Phật. Từ Yên Tử, giáo lý Trúc Lâm phát triển ra khắp vùng Đông - Bắc. Thời kỳ này có 800 ngôi chùa lớn nhỏ được dựng lên. Chùa Mỹ Cụ cũng được xây dựng vào thời kỳ này. Khởi dựng chùa có quy mô và kết cấu kiến trúc kiểu chữ đinh. Đến thời sau này chùa được mở rộng ra khá khang trang, bao gồm chùa chính, nhà tổ, nhà tăng, tạo thành một kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo được ghi lại ở văn bia đặt ở sân chùa. Nhưng cuối thời Nguyễn, ngôi chùa đã bị tàn phá, chỉ còn lại chùa chính kiến trúc kiểu chữ đinh (T) với kết cấu vì kèo và điêu khắc còn giữ được khá nguyên trạng và hệ thống tượng pháp có giá trị nghệ thuật cao, như tượng: A Di Đà, tượng Thích Ca Mầu Ni, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Ca Diếp, tượng Anan... Các pho tượng gỗ có liên đại từ thời Tây Sơn và thời Nguyễn vẫn được lưu giữ khá tốt. Hệ thống tượng pháp được tạc tỉ mỉ và khéo léo, mỗi pho tượng mang một hình dáng, biểu hiện nội tâm khác nhau. Các nét chạm trổ mềm mại nhưng khỏe khoắn và dứt khoát. Màu sắc, hoa văn trang trí trên từng pho tượng đều mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó chùa Mỹ Cụ còn có những mảng chạm ở các vì kèo, đầu dư, kẻ, bảy... thể hiện sự khéo léo và cầu kỳ của những người thợ có tâm tạo dựng và trùng tu chốn phật đài. Cổng thông tin điện tử Thị Xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 417 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trung tâm chiến khu Đông Triều (chùa Bắc Mã)

Trung tâm căn cứ này được đặt ở chùa Bắc Mã còn có tên chữ là Phúc Chí Tự nghĩa là chùa hướng tới cái phúc. Chiến khu Đông Triều là tên gọi theo địa danh, nơi căn cứ chính nằm ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chiến khu Đông Triều còn gọi là chiến khu Trần Hưng Đạo (đây là cách đặt tên của Trung ương Đảng). Di tích lịch sử cách mạng, văn hoá chiến khu Đông Triều là căn cứ lãnh đạo cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp. Trung tâm căn cứ này được đặt ở chùa Bắc Mã còn có tên chữ là Phúc Chí Tự nghĩa là chùa hướng tới cái phúc. Chiến khu Đông Triều là tên gọi theo địa danh, nơi căn cứ chính nằm ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chiến khu Đông Triều còn gọi là chiến khu Trần Hưng Đạo (đây là cách đặt tên của Trung ương Đảng). Để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang trong cả nước, ngay từ ngày 15/4/1945 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị quân sự cách mạng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), Hội nghị đã quyết định thành lập bảy chiến khu trong cả nước đó là: chiến khu Lê Lợi, chiến khu Hoàng Hoa Thám, chiến khu Quang Trung, chiến khu Trần Hưng Đạo, chiến khu Phan Đình Phùng, chiến khu Trưng Trắc, chiến khu Nguyễn Tri Phương. Thực hiện quyết định của Hội nghị quân sự Bắc kỳ, xứ ủy Bắc kỳ đã đề ra chủ trương xây dựng chiến khu Trần Hưng Đạo ở vùng Đông Bắc. Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, các ngôi chùa ở Đông Triều đã đóng một vai trò khá quan trọng, chùa Bắc Mã là ngôi chùa có vai trò nhất trong việc hình thành căn cứ chiến khu Trần Hưng Đạo, là nơi sư cụ Võ Giác Thuyên thường xuyên tiếp đón các vị sư cách mạng đó là những cán bộ cách mạng mang danh nhà sư để dễ bề hoạt động (trước tháng tám năm 1945 chùa Bắc Mã là một ngôi chùa lớn, có uy tín trong vùng và lại nằm ở nơi có truyền thống cách mạng, đó là những điều kiện thuận lợi để xây dựng căn cứ). Chùa Bắc Mã là một tổng thể không gian kiến trúc quy mô được xây dựng trong một khuôn viên có diện tích tới ba mẫu đất. Theo các văn bia, văn tự Hán còn lưu giữ cho thấy lịch sử chùa Bắc Mã trên dưới sáu trăm năm và đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo vào thời Lê, thời Nguyễn. Đặc biệt vào năm Bảo Đại Nguyên niên 1926 chùa được xây lại quy mô hơn, thành một ngôi chùa rộng lớn, đẹp, thiêng liêng. Ruộng đất của nhà chùa có tới 20 mẫu với ba con trâu cày và hai lực điền giúp việc. Đến nay chùa Bắc Mã không còn giữ được nguyên vẹn như trước, kết cấu khung kiến trúc đã bị đổ nát hoàn toàn nhưng một số hiện vật vẫn còn giữ lại được. Nghệ thuật chạm khắc trên đá ở chùa Bắc Mã được thể hiện khá tinh xảo ở các hiện vật còn lại (bia đá, con rồng, tháp…) Nó kết hợp được một cách khéo léo nghệ thuật của các thời kỳ trần, Hậu Lê, Nguyễn. Chạm khắc đá thể hiện nét điêu khắc thời Trần qua tượng con rồng được đặt ở bậc lên xuống, còn lại. Bố cục rồng gọn, đường nét rất sinh động khoẻ khoắn, thân có hình tròn lẳn, mập mạp, múp dần về phía sau đuôi, uốn khúc nhẹ. Điêu khắc đá thời Hậu Lê được thể hiện rõ ở các bia đá với hình hai con rồng chầu mặt nhật, các nét chạm khắc mạch lạc, hai bên khung dọc theo thân bia là hoa lá mềm mại, cách điệu biểu hiện điêu khắc thời Lê Địa điểm lịch sử trung tâm chiến khu Đông Triều đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử Cấp Quốc gia theo Quyết định số 2379/QĐ-BT, ngày 05/9/1994. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 416 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức

Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức nằm ở phía Tây Nam xã Yên Đức, phía Đông Nam thị xã Đông Triều, phía Tây tỉnh Quảng Ninh; cách thành phố Hạ Long khoảng 60km và cách thủ đô Hà Nội 100km. Cụm đi tích này được hợp thành bởi 5 di tích: Núi Canh, núi Đống Thóc, núi Thung, núi Con Chuột, núi Con Mèo. Tất cả như hội tụ về đây tạo thành một vùng non nước hữu tình, mỗi di tích đều mang một giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa riêng, không chỉ có giá trị thắng cảnh tuyệt đẹp mà gắn liền với mỗi di tích là một truyền thuyết dân gian có liên hệ khăng khít mật thiết với nhau như không thể tách rời. 1. Di tích núi Canh: Do các ngọn núi của làng Yên Khánh và làng Đồn Sơn tạo thành giống như hình cái cày, tạo thành bức tường thành trấn ải cửa ngõ Đông Bắc của xã. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đứng trên đỉnh núi Canh có thể bao quát toàn bộ các khu vực xung quanh, các trạm canh gác trên núi được xây dựng nên núi Canh còn có nghĩa là Canh gác. Tại núi Canh, từ xa xưa Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang lần thứ 2 ( 1285). Thời kỳ chống giặc phương Bắc Yên Đức cũng gắn liền với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp núi Canh đã từng là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Yên Thế, là kho dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Cũng từ chiến dịch này các ngõ ngách, hang động trên núi Canh được khơi thông với những tên tuổi sống mãi với non nước như: Hang gốc Bòng, hang gốc Gạo, hang Luồn ... Hang 73 ở phía Tây núi - nơi ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp đã giết và hun chết 106 người, trong đó có 73 chiến sỹ, cán bộ, đồng bào ta chung một mộ. Mỗi hang đều gắn liền với những chiến công hiển hách, đã đi vào lịch sử với những chiến thắng vĩ đại trong lòng nhân dân Yên Đức. 2. Di tích núi Đống Thóc: Nằm trong lòng quần thể núi Yên Đức, một bên là núi Thung, một bên là núi Con Mèo. Núi có hình thù giống như một đống thóc vừa to vừa đầy. Với cư dân nông nghiệp nó là biểu tượng cho sự phồn thịnh, no đủ, sung túc, sự trù phú của làng quê Việt Nam. 3. Di tích núi Con Chuột: Nằm cuối cùng về phía Nam trong cụm di tích trên bãi nổi giữa ngã ba sông đá Bạch, sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, hình thù giống như một con chuột đang rình phá thóc, nhưng bị núi Con Mèo ngăn chặn. Trong truyền thuyết núi Con Chuột biều tượng của thế lực gian tà trên cả nghĩa rộng, nghĩa hẹp. Phá hoại thành quả của con người. 4. Di tích núi Con Mèo: Còn có tên là Ngọa Miêu Sơn, có hình thể giống như con mèo đang nằm rình chuột, chặn chuột để bảo vệ đống thóc, bảo vệ thành quả của con người. Và nó cũng là biểu tượng bảo vệ cho sự an bình thịnh vượng sự trường tồn của non sông đất nước. Đây cũng là địa điểm chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (1285). Di tích được liệt vào một trong những danh sơn của vùng Đông Bắc. trong vòm hang có một số bài thơ chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc Ngữ, trong đó có bài thơ Nôm nổi tiếng mang dòng chữ " Nhân tộn Hoàng đế ngự đề. niên hiệu trùng tu bát niên xuân". Tuy nhiên hiện nay chỉ còn duy nhất vòm hang núi, thân đầu con mèo đã bị tàn phá. 5. Di tích núi Thung: Nằm về phía Tây của quần thể di tích. Thung có nghĩa là cối giã gạo, dưới chân núi là tường đá bao quanh. Xưa kia ở phía Đông ngọn núi có ngôi chùa Cảnh Huống được trùng tu lớn nhất vào năm 1694, nhưng vào năm 1980 - 1982 chùa bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại bài thơ khắc vào đá và một tấm bia tạc ở khe đá núi Thung, đến năm 1994 - 1995 chùa được khôi phục lại. Phía Đông núi còn lại một ngôi tháp cao ba tầng, phía Nam còn lại một cổng được gọi là cổng Thung, hai tầng xây bằng gạch đỏ. phía Nam chân núi có Chùa Một mái, có một phiến đá rộng tạo thành một cửa hang nhân dân lập ban thờ, phía ngoài xây tường mở rộng trước cửa, bên trong còn có một số pho tượng, đặc biệt chú ý là còn duy nhất một cuốn thư sơn son thếp vàng với 4 chữ Hán nổi: Thị ứng xương kỳ; bên trái chùa Một mái là đền thờ 8 vị thủy tổ có công khai dân lập làng được sửa lại năm 1987, bên phải chùa là một giếng nước ngọt, có bài thơ viết bằng chữ Hán khắc vào vách núi kể về sự kiện năm hạn hán đào cái giếng này, bài thơ khắc niên hiệu: Khải Định tam niên tam nguyệt, cạnh giếng nước là lầu bình thơ được xây dựng vào thế kỷ XIX trên một tảng đá nổi về phía Tây Nam núi, kiến trúc cửa vòm 4 cửa thông, trong có hai bài thơ viết bằng mực tàu trong cuốn thư trên vách lầu. Di tích núi Thung ngoài ý nghĩa là một danh thắng, tên tuổi gắn với tiềm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước mà còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử văn hóa, lưu giữ nhiều văn bia chữ Hán trải qua quá trình dựng và giữ nước. Với những giá trị về lịch sử, cách mạng, văn hóa và danh thắng cụm di tích Yên Đức đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - thắng cảnh cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 265 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà

Di tích lịch sử Quốc gia Miếu Ông và Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, nằm đối diện hai bên bờ sông Ba Chẽ, soi bóng xuống dòng nước trong xanh, sơn thuỷ hữu tình, cách cầu Ba Chẽ khoảng gần 1km. Hằng năm cứ đến ngày 01/3 Âm lịch, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ tổ chức Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà. Di tích Miếu Ông - Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, cách cầu Ba Chẽ gần 1 km. Miếu Ông là nơi thờ Thành hoàng làng: Thần Tam Trĩ và những anh hùng dân tộc. Theo các tài liệu nghiên cứu được lưu giữ, miếu Ông thờ Đức thánh Phù Trần tả tướng quân Lê Bá Đức, người có công lớn trong việc cùng quân và dân nhà Trần đánh giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Vào tháng 02/1285, trong cuộc hành quân chiến lược để tạo thế và lực chống quân Nguyên - Mông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã đi qua sông Ba Chẽ. Đi cùng hộ giá có tướng quân Lê Bá Đức, ông không chỉ là người cầm quân giỏi, mà còn có những quyết sách đúng đắn. Nhận định được sức mạnh của quân giặc, tả tướng quân đã cho người cùng hộ giá vua và Thái Thượng Hoàng rời thuyền đi bộ đến Thủy Chú để tiếp tục hành trình vào Thanh Hóa. Trong một lần đánh nhau giáp lá cà với quân giặc, tướng quân Lê Bá Đức đã hy sinh. Cảm phục trước tấm lòng hy sinh vì nước, vì dân, nhân dân địa phương đã xây một ngôi miếu để thờ ông và phong là thần hoàng của làng. Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh nên năm 2013 di tích Miếu Ông - Miếu Bà được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, đến tháng 10/2020 được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngay bên cạnh dòng sông Ba Chẽ, đối diện với Miếu Ông đó là Miếu Bà. Đây là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn (tức Bà chúa của rừng xanh). Theo truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (con gái Vua Hùng thứ 18). Bà đã có công dạy người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc để chữa bệnh… Tháng 7/2014, được sự quan tâm của Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí và sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, toàn bộ công trình xây dựng Miếu Bà đã hoàn thành và mở cửa phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân các dân tộc trong huyện và du khách gần xa. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 330 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ nằm ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Đây được đánh giá là ngôi đình khá đồ sộ ở địa đầu đất nước và hoàn toàn mang dấu ấn nền văn hoá Việt. Theo hồ sơ khoa học xếp hạng của di tích, Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê ( năm 1461), quá trình hình thành và tồn tại của đình Trà Cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ ngày nay. Theo truyền thuyết, vào thời Hậu Lê (năm 1461), người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (Thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (Thuộc vùng biển Trà Cổ - Móng Cái hiện nay). Trong một lần sóng to gió lớn, mười hai gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi sự vất vả, sáu gia đình đã tìm cách để quay về quê cũ. Sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng một vùng quê mới. Thế rồi, ngày ngày họ cùng nhau khai phá đất mới, vừa đánh cá, vừa khai hoang. Ban đầu chỉ là 06 ngôi nhà đơn sơ và dần dần đã trở thành một xóm làng trù phú. Và như nhiều làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đình Trà Cổ đã được nhân dân góp công, góp của xây dựng. Sau khi xây dựng đình, nhân dân địa phương đã trở về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình (Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch). Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công đã có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa. Trải qua những tác động của thời gian, đến nay đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2012. Ngôi đình hiện nay, được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích hơn 1000 m2, quay theo hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 05 gian 02 trái bái đường và 03 gian hậu cung với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá… Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn đương thời. Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, tại đình Trà Cổ hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 03 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy… Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi” (Cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 ông đám chăm sóc, nuôi lớn). Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 335 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích thương cảng Vân Đồn

Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương. Để bảo vệ an ninh quốc gia, triều đình quy định, tàu thuyền nước ngoài, dù xa hay gần, đã vào cảng đều phải neo ở Vân Đồn, không được tiến sâu vào nội địa. Người nước ngoài chỉ được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của nhà nước. Nhà Lý (1009-1225) đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương tại Vân Đồn phát triển. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản biển… Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc. Chỉ nhà nước đảm trách hoạt động ngoại thương, tư nhân không được tham gia. Đến thời nhà Trần (1225-1400), thị trường hương liệu thế giới sôi động, sự phát minh ra con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập đã đẩy nhịp độ buôn bán quốc tế phát triển mạnh hơn. Buôn bán ở thương cảng Vân Đồn tấp nập, mở rộng với nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu. Việc trấn giữ, quản lý ngoại thương vùng Vân Đồn được vua Trần giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Nổi bật trong số đó là Nhân huệ vương Trần Khánh Dư. Lúc này Vân Đồn được bảo vệ chặt chẽ. Rào gỗ được dựng lên quanh những nơi buôn bán và bãi biển xung yếu của đảo. Trần Khánh Dư còn ngăn chặn quân Trung Quốc trà trộn vào bằng cách cho quân trang Vân Đồn đội nón Ma Lôi, loại nón được sản xuất từ hương Ma Lôi, Hồng Lộ (nay là Hải Dương) để dễ dàng nhận ra quân Đại Việt. Vì phần lớn người Vân Đồn làm nghề buôn nên cách ăn mặc đều giống người phương Bắc. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”. Không chỉ mở rộng về địa giới hành chính, Vân Đồn từ trang được nâng lên thành một trấn, lập vào thời Trần Dụ Tông (1345), thuộc lộ Hải Đông, sau đổi là lộ An Bang. Triều Trần đặt quan cai quản Vân Đồn như một trọng trấn gồm có quan Trấn (võ tướng nắm giữ), quan Lộ (văn quan nắm giữ) và quan Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển), đặt ở đây một đội quân riêng gọi là quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra bảo bảo vệ vùng biển Đông Bắc, kiểm soát an ninh hoạt động ngoại thương. Ngoài việc buôn bán, các vua Trần còn cho xây dựng nhiều chùa tháp với quy mô lớn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, Bảo Tháp… ở xã Thắng Lợi để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cư dân và khách buôn nước ngoài sùng bái đạo Phật. Nhà Lê sơ (1428-1527) sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương. Triều đình quy định rất rõ hoạt động ở thương cảng Vân Đồn trong bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là luật Hồng Đức). Theo đó, các quan ty tự ý ra Vân Đồn đều bị xử tội đồ hay lưu; người tố cáo việc ấy được hưởng một tư (điều 612). Điều 615 luật Hồng Đức chỉ rõ: “Người ở trang Vân Đồn chở hàng hóa lên kinh thành bán và khi trở về không có giấy phép của An Phủ ty và giấy khám đạc của Đề Bạc ty thì bị biếm một tư, phạt 100 quan tiền; thưởng người tố cáo một phần ba số tiền phạt. Nếu tự ý đem hàng hóa đến bán ở các nơi làng xã ngoài kinh thành thì xử biếm ba tư, phạt 200 quan tiền. An Phủ ty, Đề Bạc ty vô tình không biết thì xử biếm một tư; cố ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức”. Thuyền bè ngoại quốc muốn đến trang Vân Đồn buôn bán, muốn đậu lại lâu đều phải làm giấy trình An Phủ ty, nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại thì bị phạt tiền 200 quan. Do việc kiểm soát ngặt, hoạt động thương mại ở Vân Đồn sút kém hơn thời Lý, Trần nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng dưới thời Lê. Đến thời nhà Mạc (1527-1677), với chính sách mở cửa về thương mại, hoạt động ngoại thương tại thương cảng Vân Đồn lại hưng thịnh. Nhà Mạc còn cho xây dựng chùa ở Vụng huyện, xã Thắng Lợi, xây thành lũy ở Cẩm Phả, Hoành Bồ để phòng thủ đất nước. Thời Lê trung hưng (1533-1789), hoạt động giao thương ở Vân Đồn vẫn được phát triển. Ngoài việc buôn bán, nhà Lê còn quan tâm xây dựng đình làng để làm nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho cư dân biển đảo như đình Cái Làng, đình Cống Cái, xã Quan Lạn. Cuối thế kỷ 17, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) mở cửa cho thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh… được vào sâu trong nội địa buôn bán. Thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại. Hoạt động ngoại thương vẫn diễn ra, nhưng không còn sầm uất. Bước sang đầu thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn, thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động. Cư dân trên một số bến cổ di chuyển đi nơi khác, kho tàng bến bãi dần bị hỏng. Các bến thuyền thương mại chuyển thành bến phục vụ nhu cầu đánh cá, trao đổi lâm, hải sản đến các nơi khác trong nước của nhân dân địa phương. Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của khu thương cảng Vân Đồn xưa không còn. Hiện nay, trong lòng đất trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ vỡ hay nguyên vẹn, nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ trong suốt 7 thế kỷ. Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, không chỉ hoạt động đơn tuyến với chỉ một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau. Trung tâm của thương cảng có phạm vi 200km2, ở vùng vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Vùng Cống Đông - Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) là trung tâm một thời của thương cảng Vân Đồn. Suốt gần 7 thế kỷ, thương cảng Vân Đồn đông đúc tàu buôn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản... Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc. Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của thương cảng Vân Đồn xưa không còn. Hiện trong lòng đất, trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ, nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ. Với những giá trị lịch sử, thương cảng Vân Đồn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử ngày 29/10/2003. Ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 329 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử – văn hóa của huyện Yên Định được xếp hạng cấp Quốc gia (2001), cách TP. Thanh Hóa 40 km về phía Tây Bắc. Cùng với các di tích: Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn, Núi Đọ, Núi Nưa…, đền Đồng Cổ là điểm du lịch tâm linh và về nguồn, tạo thành quần thể di tích lịch sử – văn hóa Nổi tiếng của xứ Thanh có bề dày truyền thống từ lâu đời. Du khách từ TP. Thanh Hóa, ngược Rừng Thông, qua cầu Vạn Hà (sông Chu), đến thị trấn Quán Lào, đi chừng 12 cây số lên xã Yên Thọ là đến với đền Đồng Cổ ở thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, nơi vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có những huyền thoại gắn với nhiều giai đoạn trong lịch sử đất nước. Hiếm có một di tích nào ở xứ Thanh có lịch sử lâu đời gắn liền với những huyền thoại và nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước như Đền Ðồng Cổ. Thuở xưa, với vị trí đắc địa nằm bên bờ hữu sông Mã, Đền Đồng Cổ đã trở thành điểm dừng chân của nhiều tao nhân mặc khách trên đường thiên lý. Ngày nay, danh tiếng của ngôi đền vẫn còn âm vang như mùa xuân vĩnh cửu của dân tộc thu hút du khách xa gần tìm về với cội nguồn. Cách thành phố Thanh Hoá 40km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 47 đến xã Yên Thọ (Yên Định) là du khách đã đến với Đền Đồng Cổ huyền thoại và hữu tình; cùng với di tích Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn,… đã tạo thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa có bề dày truyền thống lâu đời của xứ Thanh. Tương truyền, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần nơi đây báo mộng. Quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên linh thiêng. Lịch sử ngôi đền ở Thượng Điện đã ghi: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh (1630), miếu được xây dựng khang trang, to đẹp hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ rất hiển linh, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp Vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp Vua Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp Vua Lê - Chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước…”. Vốn là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đại vua chúa nước ta nên trong đền còn lưu giữ rất nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại. Các vương triều Trần, Lê, Trịnh - Nguyễn vẫn duy trì các nghi thức quốc lễ tại đền Đồng Cổ ở Yên Định (Thanh Hóa) và phường Bưởi (Hà Nội). Theo những người cao tuổi trong làng Đan Nê, đền Đồng Cổ từng có 38 gian, bề thế tựa lưng vào Tam Thái Sơn (hay còn gọi là dãy núi Đổng), bao quanh đền là rừng cây nguyên sinh rậm rạp, nhiều cây to, có nhiều chim, thú. Qua biết bao thăng trầm biến đổi, nay chỉ còn những ngọn núi đá với cây mọc tái sinh tầng thấp. Đền có Nghi môn gồm 3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15 (thời Lê), được ghép bằng những khối đá vuông vức, cuốn thành vòm tò vò. Theo những bậc đá lên đến ngôi miếu cổ trên núi Xuân, du khách có thể thu vào tầm mắt phong cảnh của dòng sông Mã giữa đôi bờ bạt ngàn những ruộng ngô xanh mướt, xa xa phía bên kia sông là Thành Nhà Hồ cổ kính, trường tồn cùng thời gian. Trước đền, hồ Bán Nguyệt như một tấm gương soi mây trời lồng bóng núi. Thời kháng chiến chống Pháp, hang động Ích Minh trong lòng ngọn núi Tam Thái Sơn là xưởng sản xuất vũ khí của quân đội ta, trong hang còn ghi dấu vỏ bom và những vũ khí tự tạo. Khi quân Pháp phát hiện ra chúng đã cho máy bay ném bom phá đền Đồng Cổ. Ngôi đền chỉ còn lại nền móng, hai tấm bia, miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân, và chiếc cổng Nghi môn nằm ở phía tây ngôi đền. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhà máy điện cũng sơ tán về đây, sản xuất điện phục vụ kháng chiến ngay trong lòng hang Nội ở ngọn núi bên trái ngôi đền. Năm 2010, với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc Di tích đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa) được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây thực sự là Di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt với người dân Việt Nam, nó thể hiện rõ tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam, phát huy những giá trị tiếp nối truyền thống thượng võ của dân tộc ta. Đây cũng là điểm tham quan, thưởng ngoạn và thắp hương cầu nguyện của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp xuân về. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 397 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Nguyễn Phục

Nghè Mỹ Lộc là tên mà dân gian thường gọi thay vì tên quản lý nhà nước Đền thờ Nguyễn Phục - để định danh về tâm linh, tín ngưỡng của người làng mình. Theo Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến được đóng quyển gần 20 trang bằng chữ Hán, lập ngày 24 tháng 2 năm Thiệu Trị 7, tức năm 1847 (dưới triều Nguyễn) cách nay 176 năm, thì nghè làng Mỹ Lộc thờ Đông Hải Linh ứng Huệ trạch Hoằng Hiệp Quảng nhuận (tức Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục). Theo đó, dân làng Mỹ Lộc đã rước chân hương từ nhà thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (nay thuộc phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) về lập nghè thờ Thần hoàng làng. Còn trong sách “Lịch sử Đảng bộ xã Định Tiến” (NXB Thông tin) lại ghi cụ thể rằng thời điểm đó, ở Lỗ Thôn (nay là thôn Mỹ Lộc) có cụ Mai Văn Y làm quan dưới triều vua Lê Ý tông, niên hiệu Vĩnh Hựu được sắc phong: Phấn lực tướng quân, sau là Minh Vũ tướng quân xin rước chân hương đức Thám hoa Nguyễn Phục - sắc Đông Hải - thượng đẳng thần về lập Thành hoàng làng. Nguyễn Phục quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông thi đỗ Hoàng giáp tiến sĩ niên hiệu Thái Hòa (1443-1453) thời vua Lê Nhân tông. Ông đã làm quan đến chức Hàn lâm phi viện tướng quân, kiêm chức sư phụ dạy học cho các Thần vương, Hoàng tử trong triều. Năm 1467, ông được bổ nhiệm chức tham chính sứ, xứ Thanh Hoa. Ông đã có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Chiêm Thành và trấn an cửa biển. Có lần, khi vua Lê Thánh tông đem quân đi đánh dẹp Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô chỉ huy sứ đốc vận chuyển quân nhu. Một lần đi tiếp tế quân lương, thuyền vận lương gặp bão lớn ở cửa Lạch Trào, ông quyết định chờ tan bão mới xuất quân vì thế lương bị chậm vài ngày. Quân luật khép ông vào tội “Bất tuân quân lệnh”, xử chém vào ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (1470) và táng tại địa phận phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn ngày nay. Sau khi ông mất, xét công lao của ông đã đóng góp cho đất nước, vua Lê Thánh tông đã truy tặng sắc phong và cho dựng rất nhiều đền để thờ ông. Các triều đại sau như đời Lê Hiến tông, Lê Dụ tông đều sắc phong Nguyễn Phục hàng Thượng đẳng phúc thần. Một con người khoa bảng, một người dám chịu tội trước hành động của mình, đồng thời là người thương dân, thương quân... tấm lòng ấy khiến Nhân dân khắp nơi nể phục, trong đó có dân làng Mỹ Lộc. Việc rước ngài về thờ cũng bởi mong muốn giáo dục cháu con giữ được đức, tài, để xây dựng làng, xã tốt hơn. Đó là lý do mà đền thờ Nguyễn Phục có mặt trên đất Mỹ Lộc. Đền thờ Nguyễn Phục đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 1999. Đền thờ Nguyễn Phục chính là một phần đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân thôn Mỹ Lộc (Định Tiến). Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 363 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền thờ Hoàng Minh Tự (Đền Đệ Tam)

Đền Hoàng Minh Tự Sầm Sơn nằm tại địa bàn phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Lịch sử của đền có tên thường gọi như “Hoàng Minh Tự” tên này là được đặt tên theo nhân vật, còn được đặt theo vị trí địa lý còn có tên gọi là đền Hạ hay còn gọi là đền đệ Tam (Sở dĩ gọi tên đền Hạ vì đền nằm ở chân núi Trường Lệ). Phía chân núi có đền Trung (thờ Tô Hiến Thành) đỉnh núi có đền Thượng hay còn gọi là đền Độc Cước. Về nhân vật Hoàng Minh Tự, thần họ Hoàng úy là người Bách Việt từ Nam Hoàng Hà (Trung Quốc) đến Việt Nam rồi ở lại một xã thuộc huyện Hậu Lộc Thanh Hóa. Khoảng năm Long Khánh đời nhà Trần(1373 - 1377) có giặc Chiêm thành đến xâm lấn. Vua nhà Trần thân chinh đi đánh giặc, ông đứng giữa đường đón và xin theo đi đánh giặc. Vua bèn sai ông làm đốc vận quân lương. Ông hoàn thành nhiệm vụ tốt và được vua Trần phong trước “Minh Tự”. Vì vậy nhân dân quen gọi ông là “Hoàng Minh Tự”. Khi ông mất triều đình sai dân lập đền thờ ở Thanh Hóa, theo thông kê của sách có (06) nơi thờ là: Xã Uy Hồ thôn đồng Lạc, thôn Xuân Lôi (Nay là xã Xuân Kỳ - Lộc Tân – Hậu Lộc;) thôn trường Lệ, xã Du Vịnh; Sơn thôn huyên Quảng Xương, đại danh Sơn thôn chính là đền Hoàng Minh Tự mà chúng ta đang thờ phụng đến nay đã hơn 700 năm – Là nơi thờ chính (Làng núi chính là phường Trường Sơn, hiện nay). Đền “Hoàng MinhTự” có kiến trúc kiểu chuôi vồ. Có ba thành phần chính là tiền đường, trung đường, hậu cung. Đây là kiểu kiến trúc đền sớm nhất của nước ta trong đền hiên vật cổ của đền không còn nhiều. Chỉ còn một số hiện vật như hương án, long ngai, đại tự (bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi chữ hán”Tối linh từ” tức là đền rất thiêng). Có bốn đạo sắc phong,một cỗ kiệu song loan,một bộ áo chầu.Những hiện vật này được bảo quản tốt (Đang lưu giữ và bảo quản tại đền Độc Cước chờ ngày rước về đền Hạ . Căn cứ vào dòng chữ ghi trên thương lương ,tiền đường .Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm bảo đại thứ ba 1928 đến nay (đã tròn 80 năm).Toàn bộ kết cấu cột, xà dọc và bộ vì kèo đền làm bằng vật liệu xi măng cốt thép, làm theo kiểu vuông thành chữ nhật. Các bộ phận như kẻ, đấu, dường đố đều có trang trí họa tiết hoa văn hình mây lá. Hai bức tượng Võ quan đắp bằng vôi mật ( Do công ty tư vấn và thiết kế công trình văn hóa Bộ văn hóa – thông tin, kiểm tra và thống kê tháng 10 năm 2002). Thần “Hoàng Minh Tự” là vị thần mà các nhà nghiên cứu cho biết Thanh Hóa có 06 nơi thờ. Song phường Trường Sơn chúng ta tự hào có đền Hoàng Minh Tự là đền chính, thần “Hoàng Minh Tự” là biểu tượng hoàn hảo của tinh thần đoàn kết cộng đồng, sự lao động cần cù sáng tạo, chống lại các thế lực xấu xa, vì cuộc sống bình yên của nhân dân .vv… mà hậu sinh chúng ta đời nào cũng phải học tập. Thần Hoàng Minh Tự là hình tượng cao đẹp, không mang danh lợi, vì cuộc sống bình yên của nhân dân .vv… mà mỗi chúng ta, ai ai cũng cần học tập noi theo, xin thắp một nén hương, trầm mặc dâng lên đấng thần linh, tổ tiên mà tự nhủ với lòng mình: Hãy rũ bỏ những gì xấu xa, khuất tắt mà làm nhiều việc thiện, làm nhiều việc tốt đẹp góp phần mình xây dựng, điểm tô cho cuộc sống này, cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 358 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một ngôi chùa cổ có từ trước thời Lý và được xếp hạng di tích quốc gia; chùa thuộc địa phận thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chùa cũng là nơi thờ đại tướng Trần Hưng Đạo. Xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc xưa kia là trị sở của quận Cửu Chân gần 400 năm (suốt thời Lý, Trần). Thái úy Lý Thường Kiệt đã từng ở đây 19 năm. Cuốn từ điển di tích văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học &Xã hội (trang 582) ghi về chùa như sau: "Chùa có từ lâu, trước đời Lý. Vua Lý Nhân Tông đi tuần phương nam, xa giá dừng ở trị sở châu Ái (Thanh Hoá) rồi trở về... để báo ơn vua, chúc quốc vận trường tồn, Thông phán Chu Công (người được vua nhà Lý cử trấn giữ, cai quản Thanh Hóa) bàn giao cho huyện lệnh là Lê Chiếu dựng lại ngôi chùa cổ đã đổ nát. Dân bản huyện góp lương, góp sức, san gò, lấp trũng, thợ mộc, thợ nề, gắng sức trong 2 năm dựng xong chùa vào cuối năm mậu tuất (Hội Tường Đại Khánh 9) (1118). Quy mô kiến trúc to lớn, xây dựng chạm trổ công phu…. Qua các triều đại tiếp theo, Chùa là thiền viên có danh tiếng ở Ái Châu. Do biến động của lịch sử, chùa bị đổ nát. Năm 1952 toà tiền đường đã bị bom Pháp làm sập; tấm bia thời Lý bị sứt trán…Sau đó, chùa được các nhà sư và nhân dân quanh vùng sửa chữa lại với quy mô nhỏ, diện tích chùa bị thu hẹp. Sau này, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã được Bộ Văn hoá đưa vào danh sách Di tích quốc gia Việt Nam ngày 13/3/1990. Chùa được tu bổ lớn từ năm 1997: gác chuông, trung đường, toà tiền đường tôn tạo hoàn thành năm 2001 có kiến trúc đẹp gồm tám mái, với các cột xà, cửa… toàn bằng gỗ lim, nhà tổ cũng được tu bổ năm 2005, cầu đá năm 2007… Bộ Văn hoá thông tin đã đồng ý cho ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phê duyệt dự án tổng thể tôn tạo chùa chính và khuôn viên chùa. Đến nay (2010), phần tôn tạo cơ bản đã hoàn thành. Ngoài ra, cùng với sự đóng góp của phật tử khắp nơi, nhà chùa còn cải tạo được hồ sen trước chùa và xây cây cầu vòm bắc qua hồ sen dẫn vào chùa, tạo nên vẻ đẹp cổ kính vốn có của các ngôi chùa cổ. Hiện nay chùa còn nhiều hiện vật quý của thời Lý mà các di tích cùng thời không có. Cụ thể là: hàng rồng lớn chạm trên đá là những phần còn lại của cây tháp lớn, những đầu rồng và phượng bằng gốm rất lớn mang tư cách những con vật vũ trụ. Trên tam bảo còn để lại 3 bệ đá hoa sen tương tự bệ đá ở chùa Thầy Hà Nội, nhưng các bệ đá này đã được làm kĩ hơn ở các làn sóng dưới chân. Trong chùa còn nhiều tượng gỗ rất quý, đặc biệt là 3 pho tượng quan âm bằng gỗ được tạc vào khoảng giữa thế kỷ 17. Những đồ thờ trong chùa như bàn, ngai, khám, ỷ đã có suốt trong các thế kỷ 17, 18, 19. Chuông của chùa được đúc vào năm Gia Long thứ 11 (1812). Ngay sau khi bước qua cây cầu đá dẫn vào chùa, du khách sẽ thấy hai tượng Hộ pháp uy nghi ngay trước cổng chùa. Bước qua cổng là đến khuôn viên chính của Chùa. Bên phải là tiền đường phụ dành cho các gia chủ làm lễ. Bên trái là dãy nhà ở dành cho tăng ni trong chùa. Tiền đường chính ở giữa khá lớn và hầu hết các hoạt động tế lễ đều diễn ra ở đây. Bước qua bậc cửa, du khách sẽ thấy hiện ngay trước mặt là rất nhiều pho tượng lớn uy nghi trải dài mãi tận sâu bên trong. Ngay bên trái sảnh đường là kệ thờ các thân nhân phật tử quá cố được gửi vào chùa. Du khách có thể đi sâu vào bên trong khám phá tài năng của các nghệ nhân hoặc chứng kiến quang cảnh của các buổi cầu siêu. Chùa tổ chức lễ hội hàng năm từ ngày 8-10/2 âm lịch thu hút không những bà con phật tử nhiều nơi mà còn cả vị đại biểu của tỉnh và huyện cũng như khách thập phương về dự. Vào mùng một tết Nguyên đán, nhân dân trong huyện đi lễ rất đông. Nguồn Cổng thông tin điển tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 352 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Khải Nam

Chùa Khải Nam trước năm 1945 nằm trên địa bàn Làng Cá Lập, xã Lương Niệm, Tổng Giạc Thượng (vào đầu thế kỷ 19 đổi thành tổng Cung Thượng), Phủ Tĩnh Gia, Trấn Thanh Hoa. Nay là xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Chùa Khải Nam có nhiều tên gọi khác nhau. Trước kia chùa có tên gọi là Chùa ải hay Chùa Giạc. Chùa ải là tên nôm do đọc chệch âm từ chữ Khải, chữ hán tự mà ra, còn tên Chùa Giạc là tên gọi theo địa danh hành chính. Đến cuối thế kỷ 19 thì Chùa Khải Nam mới có tên gọi chính thức bằng chữ hán. Tên Chùa Khải Nam hiểu theo nghĩa thông thường là: Mở rộng lòng từ bi, đón nhận cứu khổ mọi chúng sinh trên Nước Nam. Đã phần nào đã nói lên tư tưởng Phật phái thời Nhà Trần. Chùa Khải Nam xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê, trước cửa Tam quan có Chợ Chùa với nhiều cây cổ thụ cao to, sầm uất. Tam quan chùa với gác chuông như một hoa sen vuon lên giữa biển lúa xanh rờn, đuợc vun bón bởi phù sa sông Mã bồi đắp. Đây là cụng trình kiến trúc nghệ thuật đậm vẻ kiến trúc của thế kỷ 17. Với nhiều phù điêu, đường nét hoa văn tinh sảo, hài hoà. Tượng Phật trong chùa đều mang giá trị nghệ thuật rất cao, cách thể hiện giáng mẫu, điêu khắc khi tạo hình, hợp với tính truyền thống của người Việt, truyền thống Phật giáo. Các tượng đều được trạm khắc rất kỹ, chau chuốt mềm mại. Khuôn mặt tượng mang dáng vẻ đôn hậu, gần gũi, mắt nhìn xuống trong sự soi rọi nội tâm và mỉm cười cứu độ. Biểu hiện tính nhân đạo rất cao. Hiện nay Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hoá còn đang lưu giữ được một số phù điêu hoa văn bằng gỗ rất đẹp của chùa Khải Nam. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các cây cổ thụ, Tam quan, Nhà Tả vu, Tường rào đã được tháo dỡ để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Đến năm Đinh Tỵ (1977) do có sự sai lầm về quan điểm giữa truyền thống văn hoá dân tộc với mê tín dị đoan. Chùa Khải Nam đã bị tháo dỡ và hư hỏng, may thay còn rất nhiều số đồ thờ cổ quý giá như Bát hương, Lư hương, Hạc đồng... vẫn còn được địa phương và Phật tử bảo quản, lưu giữ lại. Trên nền Chùa cũ, nay là Trường Tiểu học còn một cây Sanh già gần 300 tuổi hình thù cổ quái rất đẹp. Theo đánh giá của các chuyên gia Sinh vật cảnh trong nước thì cây si có giá trị gần Một Tỷ Đồng. Đây là cổ vật của toàn dân nên đang được địa phương chăm sóc giữ gìn chu đáo. Vào cuối những năm thập kỷ 80, thiên niên kỷ thứ 2. Theo nguyện vọng của nhân dân và các Phật tử. Các Cụ Ngũ hiệu Làng Cá Lập đã kêu gọi nhân dân, Phật tử trong Làng và thập phương phát tâm công đức xây dựng tạm một gian nhà gần 20m2 ngay sát Đền thờ Làng Cá Lập (Di tích LSVH cấp Quốc gia) để thờ Phật. Đến năm Giáp Tuất (1994) do nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, Nhân dân Làng Cá Lập lại đóng góp tu bổ, cơi nới rộng ngôi chùa, tô tạc thêm tượng Phật như hiện nay. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 381 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ An Dương Vương

Đền thờ An Dương Vương thuộc địa phận làng Bình Hòa, xã Quảng Châu nằm ở vị trí địa lý thuận lợi về giao thông thủy bộ, có Quốc lộ 47 chạy qua, cùng với con sông Đơ, một nhánh sông bắt nguồn từ sông Lạch Trào chạy qua trước làng về phía Nam, dãy núi Trường Lệ như bức bình phong. Xưa kia làng Bình Hòa thuộc xã Bình An, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ngày nay Bình Hòa chia làm 4 thôn: Châu Bình, Châu An, Châu Thành, Châu Chính. Theo truyền thuyết, sau khi An Dương Vương chém Mỵ Châu và nhảy xuống biển tự vẫn có đánh rơi một chiếc đai vàng vào cánh đồng trước đền bây giờ. Để tưởng nhớ đến công lao dựng nước của An Dương Vương, làng Bình Hòa đã lập đền thờ An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu. Sau này, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngôi đền không còn nữa. Năm 1993, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã trùng tu lại đền với các hạng mục: Thượng cung, Trung điện, Tiền đường, Đền thờ công chúa Mỵ Châu, đền thờ Mẫu, đền thờ Bác Hồ...với tổng diện tích gần 4000m2. Năm 1997, đền thờ An Dưong Vương và công chúa Mỵ Châu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 380 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật