Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Việt nam

Chùa Trấn Quốc

Nằm trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, chùa Trần Quốc nay thuộc quận Tây Hồ. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (năm 541-547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi “Khai Quốc” (nghĩa là mở nước). Dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần đến chùa cùng các vị cao tăng đàm đạo. Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434-1442), nhà vua đổi tên chùa là chùa An Quốc. Hàng năm, nước sông Hồng lên to xói mòn làm lở bãi sông. Cho nên, năm 1615 đời vua Lê Kính Tông, dân làng Yên Phụ dời chùa vào gò đất Kim Ngưu (Cá vàng), nơi vào đời Lý và đời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua. Khoảng thế kỷ thứ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau gọi chệch ra thành Cổ Ngư, nay là đường Thanh Niên) nên mới có đường nối đê với đảo Cá vàng. Đến đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1681-1705), chùa được đổi tên là Trấn Quốc. Bức hoành phi đề chữ “Trấn Quốc Tự” treo tại gian đại bái hiện nay được làm từ thời đó. Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được người dân quen gọi đến tận ngày nay. Do nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa là sự tiếp biến phong cách kiến trúc của các thời kỳ như: Trong các năm 1624, 1628 và 1639 (thời Chúa Trịnh), chùa được trùng tu, mở rộng; Trải qua thời Tây Sơn, chùa bị rơi vào cảnh hoang phế, khi đó cư dân địa phương đã xin được tu sửa lại chùa. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long 14. Năm 2010, tu bổ để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2010. Giống như hầu hết những ngôi chùa khác ở nước ta, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện theo hình chữ Công. Tiền đường hướng về phía Tây, hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815. Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (thế kỉ 18). Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: "Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp". Chùa Trấn Quốc đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962. Nguồn: Sở Du lịch thành phố Hà Nội

Hà Nội 1356 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc gồm ngôi chùa và toà đài giữa hồ, vốn có tên là chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Đài này từ lâu quen gọi là chùa Một Cột. Chùa xưa nằm ở phía Tây thành Thăng Long, thuộc thôn Ngọc Thanh, Ngọc Hà, nay là địa điểm phía sau Lăng Bác. Chùa được dựng trên một hồ hình vuông, giữa hồ có một cột đá, cao chừng hai trượng, chu vi chín thước, đầu trụ đặt một toà chùa ngói nhỏ, hình như một đoá hoa sen dưới nước mọc lên vì thế chùa có tên là chùa Nhất Trụ hay chùa Một Cột. Chùa được xây dựng từ năm 1049, tức năm đầu niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo vua Thái Tông nhà Lý. Tục truyền khi ấy vua Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con trai nên thường đến cầu tự ở các chùa. Một đêm vua nằm chiêm bao thấy đức phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía Tây thành, tay bế một bé trai đưa cho nhà vua. Sau đó quả nhiên nhà vua sinh con trai. Thấy ứng nghiệm, vua liền sai lập chùa để thờ phật Quan Âm. Khi chùa làm xong vua triệu tập toàn bộ các tăng ni phật tử ở kinh thành đứng chầu xung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày đêm và lập thêm một ngôi chùa lớn bên cạnh để thờ phật, gọi là chùa Diên Hựu. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa lại chùa, dựng lên một cây tháp bằng đá trắng trước chùa Diên Hựu gọi là tháp Bạch Tuynh. Tháp cao 13 trượng. Từ tháp vào chùa Một Cột đi bằng một hành lang cầu vồng. Mỗi tháng hai ngày Rằm, mồng Một, nhà vua cùng các hậu, phi, cung tần và cận thần tới chùa lễ phật. Đặc biệt cứ đến ngày 8 tháng Tư âm lịch hàng năm là ngày Phật sinh, nhà vua lại ngự ra chùa trước một đêm, giữ mình chay tịnh để làm lễ tắm phật ngày hôm sau. Ngày này rất đông các tăng ni phật tử và nhân dân các nơi tới dự, làm nên ngày hội lớn ở kinh đô. Trong ngày này, tại chùa có lễ phóng sinh. Lễ phóng sinh bắt đầu ngay sau lễ tắm phật, nhà vua đứng trên đài cao, tay cầm một con chim thả cho bay đi, sau đó đến các tăng ni và các thiện nam tín nữ đua nhau mỗi người thả một con, bóng chim bay rợp trời. Sử cũ chép vào năm Long phù thứ tám (1108), nhà vua cho xuất kho một vạn hai ngàn cân đồng để đúc một quả chuông lớn gọi là Giác thế chung (chuông thức tỉnh người đời), để treo ở chùa Diên Hựu. Lại xây một toà Phương đình bằng đá xanh cao tám trượng, trên nóc đình đóng những gióng sắt to để treo chuông. Nhưng chuông đúc xong đánh lại không kêu nên đành bỏ ngoài ruộng. Lâu ngày bị lãng quên, chuông thành tổ của rùa, vì thế chuông có tên Quy điền. Năm 1922 trường Viễn đông Bác cổ có sửa chữa lại chùa và giữ đúng theo kiến trúc cũ. Đêm 11-9-1954, bọn tay sai thực dân Pháp trước khi giao trả Thủ đô cho Chính phủ và nhân dân ta đã cố tình đặt mìn phá hoại chùa. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Chính phủ đã cho chiếu theo đồ dạng cũ, sửa chữa lại. Tháng 4-1955, chùa Một Cột được dựng hoàn nguyên như cũ. Cho đến năm 1958, nhân dịp Hồ Chủ Tịch đi thăm Ấn Độ, nhân dân Ấn Độ đã kính tặng người cây Bồ đề của đất Phật và đã được trồng tại sân chùa. Chùa Một Cột được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quận Ba Đình

Hà Nội 1646 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình, chùa Đại Lan

Cụm di tích Đình, chùa Đại Lan ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Đình Đại Lan, nằm ở sát bên trái tòa tam bảo của ngôi chùa làng, có kiến trúc hình chữ “Đinh” gồm 3 gian tiền đình và 2 gian hậu cung. Tòa Đại bái đình Đại Lan được chia làm 3 gian 2 dĩ với 4 mái đao cong, bờ nóc đắp lưỡng long chầu hổ phù đội mặt trời cách điệu, hai đầu bờ nóc là hai con rồng ngậm bờ nóc, các mái đao được đắp đầu rồng cong hướng vào đình. Vào bên trong các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu thượng giá chiêng rường nách, hạ cốn, bẩy hiên, bẩy hậu trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Trang trí trên kiến trúc tại đình Đại Lan chủ yếu tập trung vào các đầu dư, cốn chạm rồng, tứ linh, tứ quý là các đề tài quen thuộc trong kiến trúc tín ngưỡng dân gian truyền thống. Đình Đại Lan thờ 4 vị Thành hoàng làng (3 vị thời Hùng Vương là Linh Hồ, Minh Châu và Chà Lục có công dẹp giặc và Nguyễn Như Đổ, 1 đại thần nhà Lê, làm quan tới chức Thượng thư, ba lần đi sứ Trung Quốc). Đình Đại Lan hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị gồm 11 đạo sắc phong của triều Lê, Nguyễn, cuốn thư, cửa võng, long ngai, bài vị, hương án, án văn, nhất là bốn bộ kiệu được làm từ thế kỷ XVII-XVIII. Đáng chú ý là hoành phi lớn dạng cuốn thư, bên dưới là cửa võng chạy suốt gian nhà, đây là hai di vật được trang trí bằng kỹ thuật chạm thủng, sơn son thếp vàng. Rồng chầu mặt trời, rồng cuốn thủy, long mã tranh châu…..được trang trí ở diềm bức hoành phi. Phần trên cửa võng là đôi rồng lớn chầu mặt hổ phù, hai bên trang trí các hình rồng phun nước, phượng, long mã…bên dưới hai hiện vật này là một phương án gỗ được trang trí tỉ mỉ bằng kỹ thuật chạm nổi các hình rồng lá cách điệu chầu hổ phù, chính giữa là rồng, phượng, hướng về hình mặt trời ở giữa…Chính điện có bức hoành phi làm theo dạng cuốn thư treo trên một cửa võng được đục chạm tinh xảo. Các mảng trang trí ở đó đều thể hiện những đề tài chạm khắc truyền thống: lưỡng long triều nhật, rồng cuốn thủy, long mã tranh châu, phượng múa… Phía dưới là một hương án với những mảng điêu khắc kín xung quanh diềm. Hai gian bên có treo hoành phi trên lối vào cung cấm. Trong hậu cung còn có một khám lớn đặt các long ngai và bài vị của 4 vị Thành hoàng làng. Hội làng Đại Lan diễn ra vào ba ngày mồng 6, mồng 7 (chính hội) và mồng 8 tháng Giêng. Trong ngày hội hằng năm không thể thiếu môn đánh gậy để tưởng nhớ công lao các vị thần, đồng thời cũng để rèn sức, rèn trí giữ yên xóm làng. Chùa Đại Lan Chùa Đại Lan (Phổ Huệ Tự), vốn là nghè của làng Đại Lan, xã Duyên Hà. Bởi trước đây, chùa đã nhiều lần di chuyển và lần gần đây nhất vào năm 1959 khi sông Hồng đổi dòng, đất chùa bị sụt nên dân làng đã chuyển tượng Phật và đồ thờ vào nghè để thờ, từ đó nghè đã được chuyển thành chùa. Xưa kia công trình nghè có quy mô kiến trúc lớn với kết cấu “tiền Nhất hậu Đinh”. Tiền đường gồm năm gian và ba gian Thượng điện. Chùa xây tường gạch bao quanh, tường hồi bít đốc, cuối bờ chảy xây tay ngai giật cấp, hai mái lợp ngói ri, chính giữa bờ nóc đắp bức cuốn thư, bên trong đắp nổi chữ Hán ghi tên chữ của chùa, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng lá ngậm bờ nóc, hai tường hồi được xây tường lửng nối với hai cột trụ, đỉnh trụ đắp tứ phượng chụm đuôi vào nhau, xuống dưới là ô lồng đèn bên trong đắp nổi tứ linh (long, ly, quy, phượng), thân trụ được đắp các gờ nổi bên trong viết các đôi chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và lòng từ bi hỷ xả, bác ái của đạo Phật. Vào bên trong, bộ vì đỡ mái tòa Tiền đường được làm theo kiểu: Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn, kẻ hiên, bẩy hậu trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Trang trí trên kiến trúc nhà Tiền đường được tập trung trên các đầu dư, con rường, kẻ và các bức cốn với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, tứ linh, tứ quý, hoa cúc, bát bửu của đạo Nho…Đáng lưu ý nhất là hai bức cốn nách ở hai bên hồi thể hiện rồng mây bằng kỹ thuật chạm lộng. Rồng mây thể hiện quan niệm truyền thống của Nho giáo long vân khánh hội, Vân tòng long, phong tòng hổ là hình tượng cho sự gặp gỡ vua tôi. Sự có mặt của hai bức cốn trang trí long vân là rất phù hợp trong một kiến trúc nghè thờ các vị khoa bảng trước đây. Hậu cung chùa Đại Lan được xây các bệ cao dần từ ngoài vào trong, trên bệ có đặt các pho tượng. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với tượng A Di Đà ngồi giữa, hai bên là tượng Quan Thế Âm và tượng Đại Thế Chí. Lớp tiếp theo là tượng Di Đà Tiếp Dẫn, hai bên là tượng Thị Giả. Lớp thứ tư gồm cá tượng Quan Âm Chuẩn Đề, hai bên là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ. Ngoài cùng là tượng Ngọc Hoàng và Phạm Thiên, Đế Thích, rồi đén tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh. Hai bên hồi Thượng điện có các tượng Quan Âm Tọa Sơn, Thổ Địa, Giám Trai, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Ngoài nhà Tiền đường là hai ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng và tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác. Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Đại Lan còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị: Cửa võng, hương án, bát hương thời Lê; 1 đôi lọ sứ thời Thanh, 2 quả chuông, 4 bức hoành phi và 2 đôi câu đối. Năm 1989, cụm di tích đình, chùa Đại Lan được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội

Hà Nội 2022 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hoàng Xá

Đình Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ XVII, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trong đợt đầu tiên vào năm 1962. Đình Hoàng Xá thờ đức Thành hoàng Quý Minh, theo huyền sử nước ta là một trong 3 vị Thánh của núi Tản Viên (Ba Vì) sống vào cuối thời vua Hùng. Tên đình được lấy theo tên làng Hoàng Xá trước thuộc xã Liên Bạt, sau mới sáp nhập vào thị trấn Vân Đình. Cuối thời Lê, làng Hoàng Xá thuộc xã Hoa Đình, tổng Phương Đình, huyện Sơn Minh, trấn Sơn Nam Thượng. Đình được dựng vào ngày tốt tháng 5 Giáp Tuất niên đại Chính Hòa thứ 15 thời Lê Trung Hưng (1694). Việc xây cất và trang trí kéo dài trên 40 năm đến thời Lê Vĩnh Hựu (1735-1740) mới hoàn thành. Lúc đầu đình chỉ có một tòa nhà theo hình chữ “Nhất”. 166 năm sau, dân làng Hoàng Xá cho tiến hành sửa chữa nhỏ và xây cất thêm Trung cung, Hậu cung theo kiểu kiến trúc hình chữ “Công”. Trên cột hiên đầu phía bắc sau đình vẫn còn một dòng chữ Hán ghi rõ “Tự Đức thập tam niên thập nhất nguyệt, nhật, bản thôn tu trợ đình sở” (năm Canh Thân 1860). Trong đình hiện đang lưu giữ những mảng chạm khắc đạt đỉnh cao nhất của nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Đình Hoàng Xá tọa lạc trên một khu đất rộng giữa làng, gọi là thế đất “Tả kỳ hữu kiếm” (bên trái có cờ, bên phải có kiếm). Mặt đình nhìn về hướng tây - tây bắc. Nghi môn được thiết kế theo kiểu trụ biểu. Đầu trụ có hình lồng đèn, phía trên đắp đôi lân chầu nhau. Lòng thân trụ có ghi các câu đối. Sát với trụ biểu là hai lối đi kiểu cổng vòm với hai tầng mái, đao cong, đắp ngói ống. Năm 1995 dân làng xây thêm ở 2 bên sân đình 2 nhà giải vũ gồm 4 gian tường hồi bít đốc. Tòa Đại bái xây trên nền hình chữ nhật rộng 200m2, gồm 3 gian lớn và 2 chái, không đều nhau. Gian giữa là nơi hành lễ, các gian bên trước lát gỗ làm nơi sinh hoạt cộng đồng, nay xây 4 bệ lát gạch. Bộ khung gỗ được làm vững chắc trên các hàng cột to, tròn. Cột cái của hai bộ vì giữa có chu vi 1,85m, cột quân có chu vi 1,25m. Bốn bộ vì chính được làm theo hai thức khác nhau. Hai bộ kết cấu theo kiểu “Thượng rường hạ bẩy”, hai bộ chính bên lại có kết cấu theo kiểu “Thượng chồng rường hạ kẻ”. Đỡ phần trên hai mái hồi là hệ thống chồng rường đặt trên thanh xà ngang to. Xà có một đầu ăn mộng qua thân cột cái với hai vì bên, đầu kia đặt trên cột quân phía gian hồi. Tòa Hậu cung gồm 1 gian 2 dĩ, xây trên nền hình vuông, có 4 lá mái và các góc đao cong. Giữa bốn cột cái đặt một sập lớn, bên trên là cỗ khám thờ hình khối hộp vuông được sơn son thếp vàng, trong khám có long ngai bài vị của Thành hoàng Quý Minh. Nằm vuông góc nối liền Hậu cung với Đại bái là tòa nhà Trung cung gồm 3 gian xây dọc, tạo thành 3 tầng cửa võng. Trong đình Hoàng Xá có các tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật được thể hiện trên các thân bẩy, kẻ, ván bưng, các bức cốn, chồng rường, các đầu dư… Nhiều nhất là các bức chạm rồng với đề tài Độc Long, Long Vân, Long Ổ, Long Ly... Bốn con kìm được chạm thành những hình rồng có đầu thon, đuôi dài ẩn phía sau cột cái, mặt ngựa với trán dô, mũi hếch, miệng cười, râu, bờm đua ra sau như những đao mác dài che kín phần cổ, hai chân choãi ra vững chắc. Trên khắp bộ khung của đình, hình rồng được tạo ở các tư thế khác nhau theo phong cách chạm lọng, chạm bong nhiều lớp của nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Đan xen với rồng là các bức chạm với nhiều đề tài sinh hoạt của người và thú như cảnh các tiên nữ múa hát, nhạc công đánh trống, hát cửa đình, chèo thuyền, đấu vật, chọi gà… cảnh voi đi cày, ngựa hoặc cảnh cưỡi voi cưỡi ngựa, táng mả hàm rồng… Ngoài chạm khắc, trong đình Hoàng Xá hiện còn giữ được một khám thờ lớn với ngai vị, bàn thờ và các sắc phong từ thời vua Quang Trung đến Khải Định, rồi kiệu rồng, bát bửu, cùng hoành phi, câu đối. Trong 3 gian chính của tòa Đại bái, ở giữa hai xà dọc thượng có ba bức hoành phi lớn. Gian giữa là bức “Sơn anh hải tú” (chữ “tú” rất đẹp với lớp thếp vàng bị bong dần theo năm tháng), gian phải đề “Ích thi vô phương”, gian trái là “Cực hữu qui hội”. Trung cung có 3 tầng cửa võng long chầu phượng vũ. Phía trước là bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế” (hiện nay bức này và cửa võng không còn). Qua cửa võng là bức hoành phi “Thân tích vô cương” cùng với đôi câu đối “Hoàng Xá xuân hùng đoan hữu cực/ Phương Đình nhật lệ điện hành quy”. Trong Hậu cung, trước khám thờ Thành hoàng là bức hoành phi “Hiển linh từ”, bên phải khám có lá cờ “Khâm ban thượng đẳng”. Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội

Hà Nội 1831 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Pháp Vân

Chùa Pháp Vân tọa lạc trên địa bàn thôn Văn Giáp (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Theo văn bia cổ thời Lê, chùa có tên là Bồ Đà Tự, còn theo sách "Đại Nam nhất thống chí", chùa có tên là Pháp Vân. Đây là một trong những ngôi chùa theo tín ngưỡng Tứ pháp, thờ các vị thần vân, vũ, lôi, điện (mây, mưa, sấm, chớp). Chùa Pháp Vân được thiết kế kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm gác chuông, tiền đường, hậu cung. Từ cổng chùa đi vào là sân rộng lát gạch Bát Tràng, trên có bia đá “Pháp Vân Tự bi ký” dựng năm 1616. Nội dung trên tấm bia nói về việc sửa chùa, tu tạo hậu đường và hành lang do bản tự tăng đạo duệ Nguyễn Tiềm đứng ra cùng Nhân dân địa phương và một số quan lại, đô đốc, quận công và các phu nhân quê quán ở các nơi trong và ngoài vùng đóng góp sửa chùa. Cạnh đó là hai rồng đá tạc theo phong cách nghệ thuật thời hậu Lê. Tiếp đến là tòa đại bái. Hạng mục kiến trúc này dài 21m rộng 9m, phía trên treo chuông đồng nên cũng có người gọi là gác chuông. Về kiến trúc được làm theo kiểu hai tầng tám mái. Kết cấu bên trong theo hình thức 4 hàng chân gỗ. Từ 16 cột cái có xà nách đua ra 16 cột quân, các xà nách đồng thời là giá đỡ tạo thành một hành lang cao ngang phần cổ diêm, rộng 0,5m, lát ván có thể đi lại. Gác chuông treo một quả chuông cao 1,9m, đường kính 1,05m. Đây là quả chuông lớn nhất vùng, được đúc năm 1954. Ở các góc có đầu đao đắp nổi hình rồng. Qua tòa đại bái là tiền đường gồm 3 gian. Tòa tiền đường được nối với thượng điện bởi hệ thống “ống muống” tạo thành kiến thức chữ công cho tổng thể ngôi chùa. Thượng điện gồm 3 gian, trên bệ thờ gian chính giữa có một khám gỗ lớn. Khám làm có mái theo kiểu mui thuyền, xung quanh có 3 tấm che được làm công phu, sơn mài, khảm trai với đề tài trang trí “long vân tụ hội”, bên trong khám đặt tượng Pháp Vân bằng gỗ cao 1,3m, mô phỏng hình dáng một phụ nữ ngồi trong tư thế “tĩnh tọa” hai chân xếp bằng, hướng bàn tay về phía trước. Tượng đặt ngồi trên ngai, bên ngoài phủ áo gấm. Nét mặt trang nghiêm, phúc hậu. Bức tượng (cả mặt và thân tượng) có nước sơn cánh gián được thực hiện theo phương pháp cổ truyền của làng Văn Giáp. Theo các cụ cao tuổi, để có mầu sơn này, nghệ nhân đã pha sơn ta theo tỷ lệ: Ba phần sơn sống, một phần nhựa sống, gia giảm phèn đen, đun sôi rồi sơn phủ lên tượng nhiều lớp theo kỹ thuật của thợ lành nghề. Chùa Pháp Vân hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý: Cuốn sách “Nam Thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục” có niên đại năm Canh Tý, đời vua Thành Thái (năm 1900), gồm 8 lá bạc kích thước 13cm x 22,5cm. Tên sách được dát chữ bằng vàng mười. Hai tờ bìa được làm bằng đồng chạm nổi hình độc long; Đôi khổng tước bằng gỗ sơn son thếp vàng, cao 2,20m tạc liền với chân, thân và mỏ khoằm. Họa tiết lông vũ trên cổ chim được cách điệu như râu rồng. 2 cỗ kiệu long đình được chạm tinh xảo, sơn son thếp vàng. Đây là những di vật của thế kỷ XVIII.. Lễ hội chùa Pháp Vân được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch với nghi lễ rước kiệu thu hút đông đảo du khách gần xa. Năm 1991, chùa Pháp Vân đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội

Hà Nội 1511 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 12/5/2012. Khuê Văn Các tại Văn Miếu Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này đã cho thấy, Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại. Trong những năm qua, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo nhiều điều kiện để trở thành một di tích, địa chỉ thu hút, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Quần thể kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, đến nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng, nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học. Cũng tại đây, vào mỗi dịp Tết nguyên đán hay trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử thường đến xin chữ đầu xuân của các ông đồ và cầu may trong thi cử, học hành. Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội

Hà Nội 891 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu di tích Núi Văn - Núi Võ

Di tích lịch sử Quốc gia Núi Văn – Núi Võ nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, thuộc địa phận hai xã Văn Yên và Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi đây gắn liền với tên tuổi và quê hương vị danh tướng Lưu Nhân Chú nổi danh về tài hoa và tinh thần dũng cảm dưới cờ đại nghĩa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo thế kỷ XV. Đây cũng chính là nơi Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung và em rể Phạm Cuống đã chiêu mộ người tài, tập hợp những người yêu nước, xây dựng quân đội ra sức luyện tập binh mã chuẩn bị đánh giặc cứu nước. Lưu Nhân Chú đã lập được nhiều chiến công hiển hách và được nhà vua trọng thưởng. Tương truyền các hang sâu thẳm trong lòng Núi Văn – Núi Võ là nơi các Tướng lĩnh trọng Bộ tham mưu quân khởi nghĩa tụ họp để bàn việc lớn, từ đó đưa ra những quyết định thắng lợi trong mọi trận đánh chống lại quân xâm lược phương Bắc. Di tích lịch sử Núi Văn – Núi Võ là nơi thờ Tướng quốc Tể tướng Lưu Nhân Chú với tổng diện tích khuôn viên khoảng 2,5ha, gồm hai điểm chính và nhiều địa điểm phụ: Núi Văn thuộc địa phận xã Ký Phú, Núi Võ thuộc địa phẫn xã Văn Yên. Các điểm khác gồm: Núi Quần Ngựa, hồ Tắm Ngựa, núi Cắm Cờ, núi Đá Mài và đồi Xem. Để xứng tầm với vị thế của người hùng Lưu Nhân Chú, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng đền thờ ông dưới chân núi Võ với diện tích 57,622m2 với các hạng mục chính: Đền thờ chính, sân lễ hội, nhà tả vu, hữu vu, nhà khách, vườn hoa, cổng, đường vào ... Cuối năm 2009 công trình được khánh thành. Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại di tích vẫn diễn ra lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh vị anh hùng Lưu Nhân Chú. Pho tượng Lưu Nhân Chú cao 1,85m, nặng 1500kg đã được hoàn thành đúc đồng ngày 20 tháng chạp năm Giáp Ngọ (2/8/2015) Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia năm 1981 tại Quyết định số 10-VHTT/QĐ ngày 09/02/1981. Nguồn: Sở văn hoá thể thao du lịch tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên 1953 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thịnh Đán

Chùa Đán nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 5km về phía Tây, thuộc địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán, ẩn mình dưới những tán cây xanh mát, trước mặt là dòng kênh dẫn nước từ Hồ Núi Cốc về phía nam của thành phố. Trụ trì chùa cho hay: Chùa Đán trước đây là một ngôi chùa cổ kính, ẩn mình dưới tán rừng thông, được nhân dân trong vùng cùng hỉ xả tâm đức, quyên góp gỗ, gạch, ngói để xây dựng. Công trình lớn nhất là nhà Tam Bảo, gồm 5 gian rộng rãi. Bên trong nhà được bày thờ nhiều tượng Phật phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Vì đất nước có chiến tranh, các vị sư trụ trì và nhân dân trong vùng đã tham gia chấp hành thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dỡ bỏ chùa. Đến năm 1993, nhân dân trong vùng đã cùng nhau phát tâm công đức, đóng góp dựng lại một ngôi chùa tạm ngay trên nền đất của chùa cũ, gồm 3 gian nhà cột tre, mái lợp ngói làm nơi sinh hoạt tâm linh. Đến năm 2002, các tăng ni, phật tử và người dân trong vùng tự nguyện góp của, góp công để xây dựng lại chùa theo lối kiến trúc cổ phương Đông. Đến nay ngôi chùa đã được xây dựng bề thế, song luôn toát lên vẻ thâm nghiêm, che chở đức tin cho tăng ni, phật tử tu tập nghe giảng giáo lý và tu học đạo pháp. Chùa gồm một số hạng mục công trình: Nhà Tam Bảo với từng cột đá, mái vút cong cổ kính. Trước sân có Đức Phật tổ ngồi thiền; sau nhà Tam bảo là nhà thờ Tổ, bên trái là cung mẫu, liền kề sân chùa phía bên phải là ngôi nhà sàn tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc. Không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà chùa Đán còn là một di tích gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước cũng như của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Lịch sử ghi lại: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh làm chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do. Ngày 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) sang giải phóng thị xã Thái Nguyên. Khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn chùa Đán làm “đại bản doanh”, tập kết quân, dân, và làm “trụ sở” chỉ huy tiến đánh Nhật đang co cụm trong trung tâm thị xã. Tại đây, ngày 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ chỉ huy bàn và thông qua kế hoạch tác chiến đánh Nhật trong tỉnh lị Thái Nguyên. Tối 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp, gồm những cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. 24 giờ cùng ngày, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chi đội Quân Giải phóng xuất phát từ chùa Đán tiến vào tỉnh lị Thái Nguyên, cùng quân dân trong tỉnh lị bao vây quân Nhật, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Được biết, tháng 8-1998, Trong một lần về thăm Thái Nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại Chùa Đán. Đại tướng trò chuyện với người dân trong vùng thân thiện. Đại tướng nói: “Lúc trước, khi bộ đội ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng. Ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn giỏi như mong muốn của Bác Hồ”. Hôm ấy, Đại tướng đã trồng bên góc trái sân chùa một cây đa tri ân. Với những ý nghĩa lịch sử đó, Chùa Đán đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2011. Hiện nay, chùa không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử và người dân thực hành tín ngưỡng mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho các hệ hôm nay và mai sau. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên 1583 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đồng Nhân

Đền Đồng Nhân xưa (tên gọi khác là đền Hai Bà Trưng) tọa lạc tại số 12 phố Hương Viên (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là một trong những ngôi đền thiêng thờ bà Trưng Trắc, Trưng Nhị. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đền Đồng Nhân cùng với đình, chùa là quần thể di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2020). Hai bà quê ở Phong Châu, Mê Linh. Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Lúc bấy giờ Thái thú nhà Hán là Tô Định tàn bạo, giết hại Thi Sách, là chồng của bà Trưng Trắc. Hai bà phất cờ nổi dậy và được dân chúng ở các nơi cùng hưởng ứng đánh đuổi quân Tô Định lấy được 65 thành trì ở Lĩnh Nam, tự xưng làm vua. Về sau, nhà Hán sai tướng là Mã Viện sang đàn áp, hai bà chống không nổi phải rút về giữ đất Cẩm Khê, sau cùng lên núi Thường Sơn và tự vẫn. Một thuyết khác nói rằng Hai Bà cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn, sau đó khi thiêng hóa thành hai tảng đá trắng trôi trên sông Hồng về bến bãi Đồng Nhân, đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng thấy vậy, bèn lấy vải đỏ rước tượng bà và lập đền thờ Hai Bà ở ngay bãi Đồng Nhân ven sông. Theo sử liệu, đền Hai Bà Trưng được xây dựng vào đời vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142), tại khu vực bãi sông của làng Đồng Nhân. Sau đó, do vùng đất này bị xói lở nên dân làng đã di dời ngôi đền tới thôn Hương Viên (vị trí ngày nay). Đền là trung tâm của quần thể di tích: Chùa Viên Minh, đình thờ thần Cao Sơn Đại vương, Quốc vương Thiên tử, thần Đô Hồ Đại vương và các vị thủy thần có công phù trợ cho cư dân sống ở ven sông. Đền được xây trên khuôn viên rộng 4.000m2, theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Trước cổng có một hồ bán nguyệt. Qua một con đường là tới khoảng sân rộng cùng nghi môn gồm 4 trụ. Bên trái là tấm bia lớn cưỡi lưng rùa, bên phải là phương đình kiểu hai tầng tám mái. Đi vào trong là nhà tiền tế 7 gian với tượng hai con voi bằng gỗ sơn đen, được gắn đôi ngà thật. Đây là 2 voi tượng trưng cho voi của Hai Bà cầm quân ra trận. Nhà tiền tế nối với hậu cung bằng tòa thiêu hương, bên trong đặt ngai thờ và bức khảm hình Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Gian hậu cung đặt tượng Hai Bà được đặt trên bệ đá cao khoảng 1m. Tượng bằng đất luyện, tư thế ngồi. Bà Trưng Trắc mặc áo vàng, bà Trưng Nhị mặc áo đỏ, đầu đội mũ phù dung, tượng to hơn người thật, tay giơ cao trước mặt như đang hiệu triệu quần chúng. Hai bên là tượng các nữ tướng đã theo Hai Bà khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, rửa nhục nước, trả thù chồng: Tướng Lê Chân, Hòa Hoàng, Thiên Nga, Nguyễn Đào Nương, Phùng Thị Chính và Bát nạn Công chúa Phạm Thị Côn. Tòa bái đường được đặt ngai thờ và 1 tấm khảm thể hiện hình ảnh Hai Bà cưỡi voi đánh giặc. Trong đền Đồng Nhân hiện còn giữ được nhiều đồ tế khí sơn son thếp vàng có giá trị như : Bát bửu, hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đền Đồng Nhân còn có tấm bia “Trưng Vương sự tích bi ký” đặt ở sân trước bái đường, do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 với nội dung ca ngợi Hai Bà là bậc “Nam bang tiết liệt”. Để tri ân công ơn của Hai Bà, hàng năm, người dân nơi đây tổ chức lễ hội đền Đồng Nhân từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Hai. Mồng 6 là chính hội với nét đặc sắc là chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian. Đúng 12h trưa là lễ rước cỗ ông chủ và tế hội đồng của 4 xã kết chạ cùng thờ Hai Bà Trưng gồm làng Phụng Công (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) và làng Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Lễ hội ở đền Đồng Nhân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những anh hùng dân tộc, những người có công với nước với dân. Có nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà Trưng: Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Phụng Công (Hưng Yên), ở Mê Linh (huyện Mê Linh)… và có tới hơn bốn trăm nơi thờ các vị tướng của Hai Bà nhưng đền Đồng Nhân vẫn là điểm đến của nhiều du khách gần xa. Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội

Hà Nội 1424 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đình Hạ Hiệp

Đình Hạ Hiệp thuộc xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, thờ Thành hoàng là Tướng quân Hoàng Đạo. Căn cứ vào phong cách nghệ thuật trên kiến trúc, cùng những đạo sắc phong thần, có thể xác định đình Hạ Hiệp có niên đại từ thời Lê trở về trước (khoảng đầu Thế kỉ XVII trở về trước). Theo các tài liệu nghiên cứu gần đây, Đại đình được dựng từ những năm 30 của thế kỉ XVII, Hậu cung được dựng vào nửa cuối thế kỉ XVII, tu sửa và mở rộng ở thế kỉ XIX; tiền tế dựng năm 1856 và hai Nghi môn được dựng ở đầu thế kỉ XX. Qua quá trình tồn tại, tới các năm Cảnh Hưng 12 (1751), Cảnh Hưng 20 (1759), Cảnh Hưng 32 (1771) nhân dân trong làng lại cùng nhau quyên tiền tu sửa đình. Sự việc được ghi lại trong tấm bia “Tại đình bi” hiện dựng bên trái Đại đình (niên đại của tấm bia là Cảnh Hưng 32 (1771). Năm 1816, đình tiếp tục được tu bổ, làm thêm hai bể nước bằng đá, một số hòm sớ, đồ thờ tự khác... Những năm gần đây (1996, 2004, 2005), đình tiếp tục được nhà nước và nhân dân quan tâm tu bổ, gìn giữ. Về mặt kiến trúc, đình làng Hạ Hiệp gồm nhiều hạng mục công trình, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 3.000m2. Ngoài hai cổng trước, sau, hồ nước, sân... kiến trúc chính hiện nay của đình làng Hạ Hiệp gồm 3 phần: Tiền tế, Đại đình, Hậu cung, tạo nên một mặt bằng công trình chính có dạng tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh. Mặt bằng tổng thể kiến trúc đình Hạ Hiệp gồm các hạng mục: Đình làng Hạ Hiệp có hai Nghi môn: nghi môn thứ nhất nằm phía trước tòa Tiền tế, trên trục thần đạo và hiện chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng bởi đường qua lại từ phía này đã bị bịt kín… Nghi môn thứ hai nằm phía bên trái Đại đình, sát đường liên thôn. Kích thước các cột trụ ở Nghi môn này nhỏ hơn ở Nghi môn thứ nhất. Tiền tế là một tòa nhà hình chữ nhật gồm ba gian hai chái, hai tầng tám mái kiểu chồng diêm, được dựng trên một cấp nền cao hơn mặt sân phía trước 0.17m. Nền nhà được lát gạch bát màu đỏ, theo mạch chữ công. Bộ khung gỗ của Tiền tế đình làng Hạ Hiệp được dựng trên 4 hàng chân cột đều có thiết diện vuông: 2 hàng cột cái (bằng gỗ) và 2 hàng cột quân (bằng đá). Đại đình gồm ba gian hai chái nhưng mỗi chái có kích thước lớn gần như một gian. Toàn bộ công trình này được dựng trên một cấp nền hình chữ, bó vỉa xung quanh là những viên đá xẻ. Đình xưa vốn có sàn. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại thì sàn đình đã bị dỡ trong khoảng từ năm 1968 đến 1970. Bộ khung Đại đình được dựng trên 6 hàng cột gỗ lim. Hậu cung, nơi đặt bài vị thờ Thành hoàng gồm 2 gian, dựng vuông góc với tòa ngoài, có hai lớp mái trước, sau, xây kiểu tường hồi bít đốc và được dựng vuông góc với Đại đình tại vị trí gian giữa. Hậu cung gồm 3 bộ vì nóc. Bộ vì nóc ngoài cùng được đỡ bởi một câu đầu kê trên hai đầu cột quân bên phải và bên trái vì gian giữa Đại đình. Bộ vì nóc thứ hai Hậu cung được làm kiểu ván mê. Hai bộ vì nóc phía ngoài và phía trong lại được làm kiểu biến thể giá chiêng, chồng rường con nhị. Liên kết ở vì nách Hậu cung là kiểu dùng kẻ. Là cung cấm, chốn thâm nghiêm nên Hậu cung đình làng Hạ Hiệp được xây tường bao kín đáo, theo kiểu thức tường hồi bít đốc tay ngai. Không kể thượng lương và tàu mái, mỗi mái Hậu cung còn có 08 hoành. Trang trí trên kiến trúc đình Hạ Hiệp: tập trung bên ngoài, trên hệ mái tại Nghi môn, chủ yếu là những con vật thần thoại, ước lệ như: rồng, lân, phượng, voi, ngựa, các hoa văn chữ Triện. Hạ Hiệp là một trong số ít ngôi đình niên đại khởi dựng từ nửa đầu thế kỉ XVII còn bảo tồn được nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc. Các mảng trang trí chạm khắc có niên đại trải dài từ Thế kỉ XVII đến đầu Thế kỉ XX vô cùng sống động, hài hòa, đã tạo nên những đặc trưng riêng. Với hàng trăm mảng điêu khắc, trang trí thuộc giai đoạn Hậu Lê, Nguyễn đã chứng tỏ sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân đương thời. Những mảng chạm khắc trang trí ở đình làng Hạ Hiệp đã thể hiện tính dân gian sâu sắc với nhiều đề tài phong phú. Những kiệu, hòm sớ, sắc phong, bia đá, bể cảnh... đã tạo nên một bộ sưu tập các đồ thờ tự độc đáo, có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa. Những hiện vật được coi như độc bản đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng dân làng Hạ Hiệp mà còn cho thấy sức sống bền vững của di tích qua gần 4 thế kỉ tồn tại. Đặc biệt, đình làng Hạ Hiệp còn giữ được 2 bể cảnh bằng đá có kiểu dáng tương tự nhau. Trên thân bể chạm nổi các hình long cuốn thủy, hoa sen, sóng nước... Đáng chú ý trên thân mỗi bể này còn ghi rõ niên đại tạo dựng là năm Gia Long 15 (1816). Đây là hai hiện vật khá độc đáo, lại được ghi niên đại cụ thể, rất hiếm gặp trong các di tích cùng loại. Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hạ Hiệp đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2020. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hà Nội 1524 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Cầu Muối | Đình Cầu Muối

Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối tọa lạc tại trung tâm xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình). Theo sử sách ghi chép lại, đình, đền, chùa Cầu Muối được xây dựng vào khoảng 300 năm trước, dưới thời Hậu Lê. Cụm di tích nằm thế tựa sơn, bao quanh là rừng xanh tươi tốt, tạo nên nét cổ kính, linh thiêng. Nằm ở khu vực trung tâm của Cụm di tích là đình Cầu Muối. Đình là nơi thờ Thành Hoàng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một danh tướng thời nhà Lý. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đình để thờ cúng và tôn ông là Thành Hoàng làng. Trong quần thể của Cụm di tích còn có chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh và đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong đó, đền Công Đồng tương truyền là nơi rất linh ứng và thiêng liêng. Tục truyền rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng, suy tôn là mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ, đề cao giá trị hạnh phúc, tự do và độc lập. Không chỉ có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối còn là một di tích cách mạng quan trọng, đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, đình, chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương. Ngoài ra, Cụm di tích còn là nơi cất giấu lương thực của huyện Phú Bình vào năm 1951; nơi đóng quân của Đại đoàn 308 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Sư đoàn 304 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét, đặc trưng, Cụm di tich Đình - đền - chùa Cầu Muối đã trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, du lịch tâm linh nổi tiếng. Hàng năm, dân làng Cầu Muối và đông đảo du khách thập phương về đây thắp hương nhằm tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh, Thành Hoàng làng; đồng thời ước nguyện năm mới mạnh khỏe, bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, các giá trị văn hóa, lịch sử của Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng vào dịp đầu Xuân, thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, chiếm bái, hòa mình vào không khí linh thiêng, cổ kính và in đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương. Nguồn: Báo Thái Nguyên

Thái Nguyên 1455 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Phù Liễn

Nằm trên địa bàn tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên có một ngôi cổ tự với tuổi đời lên đến hàng trăm năm - chùa Phù Liễn. Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại Thái Nguyên, gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta. Chùa Phù Liễn có diện tích khoảng 7000m2, đứng giữa quả đồi tháng đãng, nhiều cây xanh, thơ mộng và trữ tình. Ngôi chùa này có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, mang nhiều giá trị về tâm linh, văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chùa Phù Liễn (Phù Chân Thiền Tự) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Nhà Lý, trên một quả đồi thấp gần bờ sông Cầu ở khu vực đông bắc xã Phù Liễn, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ khi xưa. Năm 1896, thực dân Pháp chiếm đóng và xây dinh công sứ tại quả đồi này nên chùa phải chuyển về vị trí khác, nay là phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng, chùa Phù Liễn còn là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Là ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời, Phù Chân Thiền Tự đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đây là thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, dẫn đến các hoạt động đấu tranh, chống quân xâm lược của nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ, những nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn đã lựa chọn chùa Phù Liễn làm nơi ẩn náu, tránh khỏi sự truy đuổi của quân Pháp. Vào năm 1946, Chùa Phù Liễn vinh dự là nơi diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước ta, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đấu tranh giành lấy độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chùa Phù Liễn là một địa điểm tâm nổi tiếng tại Thái Nguyên. Tại chùa có rất nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát,... được chạm khắc tinh xảo cùng nhiều di vật quý giá, có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Chùa là nơi sinh hoạt tâm linh không chỉ của bà con Thái Nguyên mà của nhiều du khách từ khắp nơi, đến để lễ bái, dâng nhang và cầu nguyện. Chùa Phù Liễn được xây dựng theo lối kiến trúc Phật giáo truyền thống của Việt Nam, gồm các hạng mục: Nhà Tam Bảo, Tượng Phật Quan âm Linh Diệu, Điện Mẫu, Nhà Thờ Tổ, Vườn Tháp Cổ. Mỗi một khu vực thờ tự được xây dựng chỉn chu, bao quanh bởi cây cối, hoa kiểng tươi mát, tạo nên một không gian bình yên, tĩnh lặng đúng chất của một chốn tâm linh, thiền định. Đặc biệt, các chi tiết kiến trúc của chùa Phù Liễn đều toát lên được nét hoài cổ, công phu, tinh xảo trong từng đường nét. Từ cây cột, mái chùa, các bậc tâm cấp cho đến đèn lồng trang trí đều mang một vẻ đẹp ấn tượng, thể hiện rõ nét đặc trưng của chùa chiềng miền Bắc. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa Và Truyền Thông Thành Phố Thái Nguyên

Thái Nguyên 1472 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái

Khu di tích lịch sử Quốc gia - nơi tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trong trận bom dải thảm của đế quốc Mỹ đêm Noel năm 1972 thuộc địa bàn phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) có khuôn viên rộng 4,75 ha, bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm; không gian trưng bày tài liệu hiện vật; khu nhà đón tiếp; hệ thống cây xanh, thảm hoa trang trí, trụ đá huyền thoại, cổng tam quan, nghi môn - tứ trụ, hồ nước soi bóng các công trình phụ trợ. Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của di tích trong việc giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương, Ban Quản lý Khu di tích đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá; tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế; phối hợp tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm, kết nạp đoàn viên, đảng viên; hoạt động tri ân, tặng quà cho cựu TNXP và thân nhân gia đình các liệt sĩ… Theo đánh giá, lượng du khách đến tham quan và tri ân tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái ngày càng đông. Nơi đây dần trở thành “địa chỉ đỏ” quan trọng của tỉnh Thái Nguyên cũng như của cả nước để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nguồn: thainguyen.gov.vn

Thái Nguyên 1634 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hang (TP. Thái Nguyên)

Chùa Hang nằm ở trung tâm thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 3 km về phía bắc, bên trái quốc lộ 1B, hướng Thái Nguyên đi Lạng Sơn. Chùa có nhiều đặc thù của miền sơn cước, nên đã được chọn đưa vào tuyển tập 100 ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu xuất bản lần đầu năm 2011. Theo tương truyền, đây là ngôi chùa cổ có từ thế kỷ XI và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1999. Chùa Hang, có tên chữ “Kim Sơn Tự”, còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”. Di tích thắng cảnh Chùa Hang có ba ngọn núi đá lớn, độc lập trên vùng đất bằng phẳng…Ngọn núi đứng giữa có tên là “Huyền Vũ” cao to vững trãi, hai bên là hai ngọn “Thanh Long – Bạch Hổ” vươn cao uy nghi, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa chừng 1000m có diện tích chân núi chừng 2,7ha. Tương truyền "Chùa Hang " có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), được coi là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chuyện rằng: vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan chuyện đêm qua nằm mộng, được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật. Có lẽ "Kim Sơn Tự" ra đời từ đây, nhưng nhân dân thường gọi nôm là Chùa Hang vì chùa ở trong hang. Qua Tam quan, vào chùa, hai bên trái phải có hai tượng Hộ pháp Khuyến thiện - Trừng ác, cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi. Càng vào sâu, hang rộng dần, trên vòm hang nhũ đá tưởng như "Mây già quyện đá quái chơi vơi", nhiều cột đá lớn sừng sững chống lên vòm hang như những trụ chống trời. Quanh vách hang nhiều nhũ đá nhô ra thành các bệ thờ và nhiều hình thù kỳ lạ hấp dẫn. Hang có nhiều ngóc ngách, có đường lên trời, đường xuống âm phủ, có cửa thông trước sau, nên không khí trong chùa rất trong lành, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, khói hương luôn toả mờ làm cho chùa càng trở nên thâm u kì bí. Chùa Hang- Kim sơn tự với huyền thoại “Động tiên lữ” một bức trang thủy mạc đã say đắm bao tâm hồn của nhiểu danh dân, sĩ phu thuộc hàng “tao nhân mặc khách” từ đời Lê sơ đến Hậu nguyễn, hiện còn nhiều văn bia thơ phú bằng chữ hán khắc trên vách hang, ca ngợi cảnh đẹp thiên tạo vô song khi đến vãng cảnh nơi đây. Theo qui hoạch, chùa Hang sẽ được xây dựng và trùng tu chia làm 5 khu, đó là khu bảo tồn gồm toàn bộ hang động, núi đá với tổng diện tích 2,7ha; khu trục chính đạo tâm linh, bao gồm 8 công trình là Chính điện Tam Bảo, nhà thờ tổ, giảng đường Hoằng pháp, Bảo tháp, lầu chuông, lầu trống, tam quan nội, tam quan ngoại; phía bên phải của chùa là khu thiền viện chuyên tu; trung tâm từ thiện xã hội; khu sân bãi để phục vụ lễ hội. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hoá. Với tất cả những giá trị lịch sử vốn có ở nơi đây cùng tâm nguyện của sư trụ trì và toàn thể nhân dân, trong 3 năm qua đã có nhiều tăng ni phật tử, đơn vị, doanh nghiệp góp công, góp của để xây dựng chùa. Cả một quần thể kiến trúc chùa được sơn bao thuỷ bọc. Toàn bộ phía sau chùa là những dãy núi, phía trước chùa là dòng sông Cầu uốn lượn bao quanh. Các công trình chính điện tam bảo, cửa tam quan, lầu chuông, lầu trống đã và đang xây dựng hoàn thành sẽ sớm viên thành sở nguyện, góp phần gìn giữ một di sản văn hoá tâm linh, nâng tầm giá trị di tích tạo nên một danh lam thắng cảnh đẹp như bức tranh sơn thuỷ, thơ mộng chốn bồng lai. Với những giá trị to lớn của di tích thắng cảnh đẹp từ ngàn xưa, sau khi được trùng tu và mở rộng “Chùa Hang- Kim Sơn Tự” sẽ trở thành một trung tâm phật giáo lớn của tỉnh Thái Nguyên và là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa Và Truyền Thông Thành Phố Thái Nguyên

Thái Nguyên 1786 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hoàng Thành Thăng Long

Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với diện tích quy hoạch bảo tồn vùng lõi là 18,395 ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Lý. Năm 1010, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh đô mới là Thăng Long và xây dựng nơi đây thành một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất của đất nước. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng, thành Thăng Long luôn giữ vị trí “Quốc đô”, là nơi ở và làm việc của Vua và Hoàng tộc. Khu vực này cũng còn là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng của đất nước. Sau khi nhà Nguyễn định đô ở Huế (1802), vai trò kinh đô của Thăng Long mới bị giải thể… Từ sau năm 1954, khu vực thành Thăng Long trở thành trụ sở làm việc của Bộ Quốc phòng. Chính tại khu vực này, nhiều quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước đã được ra đời, góp phần tạo ra những thắng lợi lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng…, nhưng đến nay vẫn còn lưu giữ được một số di tích lịch sử và khảo cổ học, tiêu biểu như: Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội): xây dựng vào năm 1812, dưới thời vua Gia Long, cao 33,4m, gồm ba tầng: đế, thân cột và vọng canh. Đoan môn: là cửa thành phía Nam, xây theo kiểu vòm cuốn. Đoan môn được bố cục theo chiều ngang, gồm cửa chính giữa dành riêng cho vua, hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, dành cho các quan và hoàng tộc. Điện Kính thiên: nằm ở vị trí trung tâm của hoàng thành (thời Lê Sơ), được xây dựng năm 1428, ngay trên nền cũ của điện Càn Nguyên thời Lý (sau đổi tên là điện Thiên An). Năm 1886, điện này đã bị thực dân Pháp phá để xây dựng Sở Chỉ huy Pháo binh quân đội Pháp. Hiện nay, chỉ còn lại dấu tích của nền móng của điện Kính thiên. Đặc biệt, khu vực này còn lưu giữ được hai bậc thềm rồng bằng đá, có niên đại thế kỷ XV. Hậu lâu (Lầu Công chúa): xây dựng năm 1821, được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống các Vua nhà Nguyễn khi xa giá ra Bắc. Cuối thế kỷ XIX, Hậu lâu bị hư hỏng nặng, thực dân Pháp đã cho cải tạo, xây dựng lại như hiện nay. Chính Bắc môn (Cửa Bắc): là cổng thành phía Bắc, được xây dựng năm 1805, gồm hai tầng, tám mái, với đầu đao cong, theo kiểu truyền thống. Tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn: năm 1805, nhà Nguyễn đã cho xây dựng tường bao từ cửa Đoan môn quanh nội điện, làm hành cung để vua làm việc và nghỉ ngơi mỗi khi Bắc tuần. Hiện nay, trong khu thành cổ còn 8 cổng thành cùng với hệ thống tường bao xung quanh hành cung bằng gạch vồ. Di tích nhà và hầm D67: được xây dựng vào năm 1967, trong khu A. Đây là nơi Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã đưa ra nhiều quyết định mang tính lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch năm 1972, Cuộc tổng tiến công năm 1975 và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh… Những công trình kiến trúc Pháp: được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX theo kiểu Vauban, bao gồm tòa nhà Sở Chỉ huy Pháo binh Quân đội Pháp; một tòa nhà 2 tầng, xây dựng năm 1897, nay dùng làm trụ sở của Cục Tác chiến; hai tòa nhà một tầng, xây dựng năm 1897. Phía Đông của tòa nhà Cục Tác chiến có một nhà khách, xây dựng năm 1930. Cây xanh trong khu di tích: được trồng với mật độ dày, đa dạng về chủng loại, đã góp phần tạo ra môi trường trong lành và cảnh quan hài hòa cho khu di tích. Di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: nằm cách nền điện Kính Thiên khoảng 100m về phía Tây, có diện tích 4,530ha, bắt đầu khai quật từ tháng 12 năm 2002, được phân định làm 4 khu (A, B, C, D). Khi tiến hành khai quật tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ thuộc Hoàng thành Thăng Long cùng nhiều hiện vật có giá trị, như vật liệu trang trí kiến trúc bằng đất nung, cột gỗ, đồ gốm sứ của các triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài, như các loại đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản… Thành cổ Thăng Long - Hà Nội là di tích lịch sử và khảo cổ tiêu biểu, là bằng chứng vật chất phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới trong một quá trình lịch sử lâu dài, thể hiện qua rất nhiều hiện vật lịch sử, công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị mang bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt ngày 12/8/2009. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hà Nội 2190 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đền Voi Phục Hà Nội

Đền được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) ở góc phía tây nam thành Thăng Long cũ thuộc địa phận làng Thủ Lệ nay là công viên Thủ Lệ. Thờ hoàng tử Linh Lang, con của vua Lý Thái Tông, và bà phi thứ 9 Dương Thị Quang, nhưng tương truyền vốn là con của Long Quân, tên gọi là Hoàng Châu, thác sinh, là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống. Sau khi mất, được người dân Thủ Lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Thần đã nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, và nhà Lê trong cuộc phục hưng. Vì trước cửa đền có đắp hai con voi quỳ gối nên quen gọi là đền Voi Phục và vì đền ở phía tây kinh thành nên còn gọi là trấn Tây hoặc trấn Đoài (Đoài, theo bát quái thuộc phương Tây). Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền còn được gọi là Đền Voi Phục Thủ Lệ để phân biệt với Đền Voi Phục Thụy Khuê tại số 251 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Trước đây, đền nằm trong hệ Tứ Trấn, "giữ" phía Tây kinh thành. Nơi đây vốn là đất lắm hồ ao, lầy lội, là một trong Thập tam trại có từ thời Lý. Đương thời, thuộc tổng nội, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Tương truyền, đền Voi Phục được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (năm 1065) đời vua Lý Thánh Tông trên một khu gò cao thuộc vùng đất của trại Thủ Lệ -một trong 13 làng trại ở phía tây kinh thành Thăng Long. Mở đầu cho đền, hiện nay là cổng tứ trụ, như những trục vũ trụ đem sinh khí từ tầng trên truyền xuống trần gian (đây là sản phẩm của thế kỷ XIX - XX), hai bên cổng có bia hạ mã và đôi voi chầu phục (hiện mới được xây thêm nghi môn tứ trụ nữa, ở sát với đường lớn). Cũng chính vì điều này mà đền mang tên Voi Phục. Mới

Hà Nội 1880 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật