Điểm du lịch

Rừng nguyên sinh Bình Châu

Rừng Quốc gia Bình Châu là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150 km về phía Đông Nam. Rừng quốc gia có diện tích rộng lớn, với quy mô khoảng 11.000 ha, bao gồm cả diện tích đất và diện tích biển. Với cảnh quan tự nhiên hoang sơ, rừng quốc gia này là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và muốn tìm hiểu về hệ sinh thái đa dạng miền nhiệt đới. Rừng Quốc gia Bình Châu nổi tiếng với động vật và thực vật phong phú. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm và thực vật đặc biệt, bao gồm các loài linh trưởng, hươu, khỉ và nhiều loại cây cỏ quý hiếm. Điều này tạo nên một môi trường sống đa dạng và hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và du khách yêu thiên nhiên. Với vị trí thuận lợi và quy mô ấn tượng, đây là một điểm đến du lịch tự nhiên ấn tượng, nơi du khách có thể tham gia vào đa dạng các hoạt động như đi bộ, trekking, đạp xe, thám hiểm rừng và thả mình vào vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên. Rừng Quốc gia Bình Châu thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan bởi không khí trong lành, êm dịu cùng sự đa dạng các loài động vật. Với một hệ sinh thái phong phú, rừng Quốc gia là nơi sống của hàng trăm loài động vật và thực vật đa dạng. Du khách có cơ hội khám phá các loài chim hiếm, nhìn thấy nhiều loài linh trưởng sinh sống nơi đây cũng như tìm hiểu sự đa dạng của các loài côn trùng. Rừng cũng là môi trường sống của nhiều loài thực vật quý hiếm và cây cỏ độc đáo, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Không chỉ có sự đa dạng sinh học, rừng Quốc gia Bình Châu còn mang đến một không gian thanh bình. Khi bước vào với rừng, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, tiếng chim hót và tiếng nước chảy róc rách từ các suối và sông nhỏ. Điều này tạo nên một không gian lý tưởng để bạn thả mình vào sự thanh bình, xanh mát của thiên nhiên và tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Việc khám phá rừng Quốc gia Bình Châu mang đến cho du khách một trải nghiệm thú vị và bổ ích về đa dạng sinh học và vẻ đẹp thiên nhiên. Đây là nơi để kết nối với tự nhiên, tận hưởng những khung cảnh tuyệt đẹp và tìm hiểu về giá trị bảo tồn môi trường. Hãy sẵn sàng để đắm mình trong sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên tại khu rừng đặc biệt này. Du khách có thể tham khảo một số thời điểm tham quan phù hợp và thuận tiện nhất cho chuyến đi đến khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng này: Mùa xuân (tháng 2 - tháng 4): Đây là thời điểm mà cây cỏ rừng bắt đầu mọc xanh tươi, hoa đua nhau nở rộ tạo nên cảnh quan sống động, mê hoặc lòng người. Nhiệt độ trong khoảng từ 20°C - 30°C, mát mẻ và thoáng đãng, là mùa lý tưởng để khám phá rừng quốc gia. Mùa hè (tháng 5 - tháng 8): Mùa hè tại rừng Quốc gia Bình Châu khá nóng và có thể có mưa. Tuy nhiên, những cơn mưa làm tăng sự tươi mát và tạo ra khung cảnh rừng rậm bí ẩn. Đây cũng là thời điểm phù hợp để tham gia các hoạt động bơi lội và tắm mát. Mùa thu (tháng 9 - tháng 11): Mùa thu mang đến không khí se lạnh và mát mẻ hơn, là thời điểm tuyệt vời để tham quan rừng quốc gia. Cây cối chuyển sang màu vàng rực rỡ, tạo nên khung cảnh thơ mộng và lãng mạn. Lựa chọn thời điểm tham quan phụ thuộc vào sở thích cá nhân nhưng du khách nên theo dõi thời tiết và điều kiện khí hậu trước khi lên kế hoạch để có trải nghiệm tốt nhất.

Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ tháng 1 đến tháng 12

290 lượt xem

Bạch Dinh

Bạch Dinh được gọi theo tên tiếng Pháp là Villa Blanche nghĩa là biệt thự trắng, nằm bên sườn núi lớn của thành phố Vũng Tàu tại địa chỉ số 4 đường Trần Phú, P.1, TP. Vũng Tàu. Mặt trước hướng ra biển, lưng tựa vào núi tạo cho Bạch Dinh một thế vững chắc. Bạch Dinh là tòa nhà 3 tầng, cao 19m, dài 25m, toàn bộ ngôi nhà được quét vôi trắng, cửa mái vòm, mái lợp ngói. Khi đến tham quan biệt thự, du khách có thể thấy được kiến trúc Pháp từ hình dáng đến cách bày trí với những mảng viền trang trí rất nghệ thuật. Bạch Dinh được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902, từng dùng là nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907 đến năm 1916. Có 2 lối lên Bạch Dinh. Nếu bạn đi xe hơi thì có 1 đường uốn quanh chạy dưới rừng cây gá tỵ dẫn lên tới tiền sảnh. Còn 1 đường đi bộ qua 146 bậc tam cấp cổ xưa, kín đáo nằm giữa hai hàng sứ cao niên. Bạch Đình mang đậm hơi thở của Pháp, đến đây bạn có thể thấy được đặc trưng của kiến trúc Pháp. Tầng hầm của biệt thự dùng để nấu ăn, tầng trệt dùng làm nơi để tiếp khách. Tầng trệt còn bài trí những hiện vật cổ xưa dùng để trang trí nội thất như: Song bình Bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ Hoàng Gia ghi niên đại Khải định năm 1921, cặp ngà voi Châu Phi dài 170cm, bộ tam đa ngũ thái Phúc – Lộc – Thọ. Vì mang đậm kiến trúc Pháp lên tầng lầu có rất nhiều cửa sổ, mỗi cửa sổ có một view khác nhau, nhìn ra cảnh vật xung quanh thật thích thú, đứng từ đây gió thổi qua cửa sổ mát lạnh. Tầng lầu thoáng đạt thích hợp là nơi dành để nghỉ ngơi. Nguyên liệu để trang trí Bạch Dinh chủ yếu là sứ men. Khi đi xung quanh du khách sẽ thấy trên từng mảng tường là những gương mặt phụ nữ châu Âu xinh đẹp, đôi chim công xòe cánh phô những chấm bạc lấp lánh, đôi cá chép uốn lượn như muốn hóa rồng…Từng chi tiết sắc sảo tôn lên vẻ đẹp của Bạch Dinh. Đặc biệt du khách không khỏi ngạc nhiên với 8 bức tượng bán thân bằng sứ men, mang phong cách của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại bao quanh 3 mặt tường của dinh thự. Lúc bình minh hay chiều tà, ánh nắng chiếu vào khiến bức tượng càng thêm lấp lánh, tráng lệ diệu kì. Bạch Dinh không chỉ thu hút du khách bởi kiến trúc mà còn thu hút bởi khung cảnh thơ mộng nơi đây. Khi đặt chân đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng như đang lạc vào tòa lâu đài cổ kính giữa rừng đầy kì bí. Vào mùa mưa, rừng bao quanh Bạch Dinh xanh ngút ngàn, từng cành lá giá tỵ xòe ô che kín lối đi. Vào mùa lá rụng đâu đâu ở đây cũng bắt gặp hoa sứ, nguyên cả con đường lên Bạch Dinh cũng ngập tràn sắc đỏ, trắng, hồng rực cả đường đi và cả khu vườn. Với vị trí đắc địa, từ Bạch Dinh có thể nhìn ra Bãi Trước, có thể nhìn bao quát ra cảnh biển, du khách có thể cảm nhận hơi thở của thành phố Vũng Tàu. Hiện nay Bạch Dinh được dùng làm bảo tàng trưng bày bộ sưu tập gốm sứ quý hiếm thời Khang Hy vớt được từ các tàu cổ đâm tại khu vực Hòn Cau – Côn Đảo, súng thần công cùng nhiều hiện vật có giá trị khác.

Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ tháng 1 đến tháng 12

256 lượt xem

Thích Ca Phật Đài

Thích Ca Phật Đài nằm trên một khuôn viên rộng 28ha ở sườn phía Bắc của Núi Lớn, tại địa chỉ 608 Trần Phú, Phường 5, Vũng Tàu. Nơi đây là một điểm tham quan du lịch tín ngưỡng nổi tiếng ở thành phố biển Vũng Tàu. Quần thể Thích Ca Phật Đài có thể tạm chia ra các khu vực: Những ngôi chùa và Khu vườn tượng Phật tích. Thiền Lâm tự là ngôi chùa chính, nằm ngay phía cổng lớn của khuôn viên, hướng đường Trần Phú. Từ đường Trần Phú đi lên sườn núi, khuôn viên được chia làm 3 cấp khu vực. Tam quan và khu vườn hoa ở cấp bậc thấp nhất, cấp thứ hai gồm một số công trình phụ trợ, cấp thứ ba trên cao nhất gồm Thiền Lâm tự và khu vườn tượng Phật tích. Qua khỏi Tam quan là một dãy bậc thang dẫn lên khu mặt bằng cấp 2 trên sườn đồi, sau một khoảnh sân nhỏ tiếp tục tới dãy bậc thang khá dốc dẫn thẳng lên chính điện Thiền Lâm tự - vị trí thấp nhất của mặt bằng cấp 3. Thiền Lâm tự là một ngôi chùa khá đơn sơ được xây dựng từ khoảng năm 1957, do một viên công chức người Việt trong chính quyền thực dân Pháp dựng nên để tu hành sau khi về hưu. Ngoài Thiền Lâm tự, trong khuôn viên Thích Ca Phật Đài còn có một số ngôi chùa khác nữa, là chùa Hộ Pháp và chùa Hoa Sơn, đều nằm khu vực phía sau Tháp thờ Xá lợi và tượng Đức Phận nhập Niết bàn. Chùa Hộ Pháp vốn được xây dựng từ năm 1970, ban đầu mang tên Tịnh thất Thiện Huệ, đến năm 1972 được đổi thành Thiền đường Hộ Pháp. Còn ngôi chùa mới được hoàn thành vào năm 2004 ở vị trí kề bên của Thiền đường Hộ Pháp. Nằm khá gần với chùa Hộ Pháp là ngôi chùa nhỏ xinh xắn Hoa Sơn, nhưng ở một vị trí cao hơn trên sườn núi, đi từ khu vực phía trước tượng Đức Phật nhập Niết bàn, lên một dãy bậc thang vài chục bậc mới tới cổng chùa Hoa Sơn Chùa Hoa Sơn được cố Hòa thượng Thích Huệ Chơn (1943 – 2019) khai mở từ năm 1969 – ban đầu chỉ là một am tranh đơn sơ – để tu tập, rồi dần về sau được xây dựng lên như hiện nay, cơ bản vẫn là một ngôi chùa nhỏ, đơn giản mà trang nhã. Phần rất quan trọng của quần thể Thích Ca Phật Đài là khu vườn tượng Phật tích, tái hiện lại các điểm nhấn chính trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Từ Thiền Lâm tự, qua một dãy bậc thang để đi lên khu quần thể vườn tượng Phật tích. Tượng Bồ Tát đản sinh được đặt tại mặt bằng cùng cấp với chính điện Thiền Lâm tự, ngay cạnh lối bậc thang dẫn lên các cụm tượng phía trên. Tượng được thể hiện dưới hình tượng cậu bé đang chỉ một tay lên trời. Cụm tượng về giai đoạn cuộc dời tiếp theo của Đức Phật là cụm Bồ Tát xuất gia, được bố trí trên một sườn dốc cao bên trái con đường bậc thang dẫn từ Thiền Lâm tự lên, bên phải con đường này, dối diện với cụm tượng Bồ Tát xuất gia, là cụm tượng Voi, khỉ dâng hoa quả. Cụm tượng Bồ Tát xuất gia thể hiện hình ảnh Đức Phật xuất gia, dưới hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa đang xuống tóc, bên cạnh là người hầu và chú ngựa bạch Kiền Trắc. Công trình quan trọng nhất của cả quần thể: Thích Ca Phật Đài – được dùng làm tên gọi cho cả quần thể kiến trúc này – thể hiện thời điểm Bồ Tát thành đạo. Ngược thời gian trở lại thời điểm những năm 1940 của thế kỷ trước, một vị sư người Sri Lanka là Hòa thượng Narada Maha Thera trong một lần sang thuyết pháp ở Vũng Tàu đã gặp và quen với một vị công chức người Việt (về sau chính là người dựng chùa Thiền Lâm tự để tu tập). Đến năm 1960 ông lại trở lại Vũng Tàu và thường lưu lại chùa Thiền Lâm. Ông đã trồng tại đây một cây Bồ đề, được mang từ cố đô Anuradhapura của Sri Lanka (cây này được chiết ra từ cây gốc ở Bồ Đề đạo tràng – được cho là nơi Đức Phật giác ngộ), đồng thời ông nêu ra ý tưởng xây dựng ở đây một bảo tháp để thờ Xá lợi Phật. Ý tưởng xây dựng Tháp thờ Xá lợi của Hòa thượng Narada đưa ra liền được các Phật tử hưởng ứng, bên cạnh đó họ còn đề xuất xây dựng thêm Thích Ca Phật Đài – còn được gọi là tượng Kim thân Phật Tổ – và nhiều Phật tử đã chung tay đóng góp tài chính để xây dựng tượng này. Bệ tượng có mặt bằng hình bát giác, cao 5.6 mét. Tượng Phật ngồi trên tòa sen cao 6 mét, được hoàn thành năm 1962 và trong thân tượng đặt 3 viên ngọc Xá lợi của Đức Phật. Cụm tượng Đức Phật chuyển Pháp luân được đặt trong ngôi nhà bát giác, bài trí tượng Đức Phật chuyển Pháp luân ngồi trên tòa sen, năm anh em Kiều-Trần-Như ngồi nghe thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển. Tôn giả Kiều-Trần-Như là vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật chứng quả A-la-hán, thành viên đầu tiên của Tăng đoàn. Ông cùng các anh em của mình – được gọi là “năm anh em Kiều-Trần-Như” – là những người được Đức Phật thuyết pháp đầu tiên trong sự kiện chuyển Pháp luân của Phật giáo. Vườn Lộc Uyển là một trong số các địa điểm linh thiêng của Phật giáo tại thành phố Sarnath, bang Uttar Prades, Ấn Độ - nơi được cho là Đức Phật Thích Ca đã giảng bài pháp đầu tiên (Kinh chuyển Pháp luân) cho những đệ tử đầu tiên (anh em Tôn giả Kiều-Trần-Như). Cụm tượng Voi và khỉ dâng hoa quả được đặt ở khu vực giữa cụm Bồ Tát xuất gia và cụm Đức Phật chuyển Pháp luân, cụm tượng này kể lại sự tích một con voi trắng và một con khỉ trắng vốn đều là chúa đàn của mình, về già không còn được đàn coi trọng nên chán nản tách ra tìm vào rừng sâu ẩn lánh, tình cờ gặp Đức Phật tu thiền, được Ngài cảm hóa mà vui mừng hoan hỉ tình nguyện phục vụ Đức Phật. Tượng Đức Phật nhập Niết bàn được đặt ở vị trí cao nhất trong khu vườn tượng Phật tích. Từ khu vực các cụm tượng Đức Phật chuyển Pháp luân, Voi và khỉ dâng hoa quả gần đó, phải vượt qua một số bậc thang mới lên tới khu vực đặt tượng Đức Phật nhập Niết bàn. Từ phía sân trước của cụm tượng này có lối nhỏ dẫn lên chùa Hoa Sơn đã nói ở phần trước. Tượng Đức Phật nằm quay về hướng Tây, dài hơn 12 mét, cao 2.4 mét, xung quanh bệ tượng bài trí tượng 9 vị Tỳ-kheo đứng chắp tay. Cụm kiến trúc cuối cùng trong khu vườn Phật tích là ngôi Tháp thờ Xá lợi Phật, đã được nhắc đến, khi Hòa thượng Narada đưa ra ý tưởng xây dựng từ năm 1960. Sau một thời gian vận động quyên góp, ngày 4/6/1961 diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên để xây tháp; lễ khởi công xây dựng chính thức được tiến hành vào ngày 20/7/1961. Công trình được hoàn thiện việc xây dựng vào ngày 30/1/1962, và lễ khánh thành được tiến hành hơn 1 năm sau đó, ngày 10/3/1963.

Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ tháng 1 đến tháng 12

272 lượt xem

Hải Đăng Vũng Tàu

Ngọn hải đăng Vũng Tàu thuộc đỉnh núi Tao Phùng (phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), mở cửa từ 7h30 - 17h00 mỗi ngày (tùy thuộc vào thời điểm). Đây là địa điểm tham quan mà nhiều người truyền tai nhau nhất định phải ghé thăm khi du lịch Vũng Tàu Việt Nam có 79 ngọn hải đăng trải dài khắp đất nước, nhưng hải đăng Vũng Tàu là ngọn hải đăng cổ nhất. Ngọn hải đăng Vũng Tàu là một công trình kiến trúc thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được xây dựng bởi người Pháp vào năm 1883 với mục đích đáp ứng nhu cầu vận tải biển của các tàu buôn nước ngoài và quân đội Pháp. Ngọn hải đăng Vũng Tàu có diện tích hơn 3400m2 bao gồm nhiều khu vực như nhà quản đăng, tháp hải quan, hầm chứa,...Cột hải đăng Vũng Tàu có tông màu trắng, được thiết kế theo kiểu hình trụ có độ cao khoảng 18m, đường kiến khoảng 3km. Cột hải đăng được trang bị đèn bật sáng vào mỗi đêm, có thể chiếu sáng với khoảng cách lên đến 63km. Hiện nay, ngọn hải đăng Vũng Tàu vẫn còn hoạt động để hỗ trợ tàu thuyền lưu thông trên biển. Để lên được đỉnh ngọn hải đăng Vũng Tàu, bạn cần đi qua một đường hầm kiên cố, sau đó chinh phục cầu thang xoắn ốc với 55 bậc thang. Bên trong ngọn hải đăng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một nét kiến trúc hoài cổ, mang đậm phong cách phương Tây. Đứng trên đỉnh ngọn hải đăng, bạn sẽ được tận hưởng những đợt gió mát rượi từ biển hướng về. Nếu bạn chọn Vũng Tàu là điểm nghỉ dưỡng sau những giờ làm việc áp lực, thì nhớ lên đỉnh ngọn hải đăng nhé, những ngọn gió nơi đây chắc chắn sẽ làm tinh thần của bạn thư thái vô cùng. Không chỉ là hóng mát, vị trí đắt giá này còn giúp bạn ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Vũng Tàu xinh đẹp. Nếu bạn có nhiều thời gian, hãy đi tham quan xung quanh hải đăng Vũng Tàu bạn sẽ phát hiện một bể chứa nước rất lớn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân nơi đây và vườn hoa sứ hàng chục năm tuổi thi nhau đua nở rực rỡ cả một góc hải đăng Vũng Tàu. Ngọn hải đăng Vũng Tàu cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 15km (tương đương với 30 phút lái xe). Nếu bạn đi xe máy, đường đi đến ngọn hải đăng sau đây là con đường phổ biến nhất, bạn có thể tham khảo: Từ trung tâm thành phố Vũng Tàu, bạn đi đường Ba Mươi Tháng Tư, rồi rẽ vào đường Phạm Hồng Thái. Tới cuối đường Phạm Hồng Thái, rẽ trái để vào đường Lê Lợi. Bạn tiếp tục chạy tiếp đến ngã ba, rồi rẽ phải để vào đường Hoàng Diệu. Bạn đi hết đường Hoàng Diệu rồi rẽ trái sẽ thấy được công viên Bãi Trước. Từ công viên Bãi Trước bạn hướng thẳng vào đường Hạ Long. Bạn gặp bến tàu cánh ngầm Vũng Tàu, di chuyển thêm vài chục mét nữa đến Du Thuyền Dương Đông thì rẽ trái Bạn đi thêm 240m nữa thì rẽ phải là thấy được ngọn Hải Đăng Vũng Tàu Trước khi lên được ngọn hải đăng, bạn phải lái xe một vòng Núi Nhỏ mới vào được, khung cảnh ở đây được nhiều du khách khen ngợi hết lời vì quá xinh đẹp. Đoạn đường uốn lượn sát viền núi, xung quanh là những hành cây xanh mát tỏa rợp bóng cả một góc đường. Bạn có thể lái xe chậm để tận hưởng không khí yên bình của cảnh vật nơi đây hoặc chụp vài bộ ảnh lưu lại cảnh đẹp nơi đây.

Bà Rịa - Vũng Tàu

Tháng 11 đến tháng 4 hằng năm

289 lượt xem

Địa đạo Long Phước

Di tích địa đạo Long Phước cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 7 km. Đây là công trình sáng tạo, một chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hình thành ngay trong vùng địch tạm chiếm, địa đạo Long Phước khởi nguồn từ việc người dân đào hầm tránh bom đạn và sự càn quét khủng bố của địch. Phong trào toàn dân đào hầm bí mật sau đó được cán bộ xã Long Phước phát động. Đầu năm 1946, Long Phước có hơn 300m địa đạo luồn sâu dưới lòng đất 3 – 5m. Từ hệ thống địa đạo, du kích và nhân dân Long Phước liên tiếp bẻ gãy nhiều trận càn, trong đó có trận càn lớn vào tháng 10 năm 1949, đảm bảo an toàn cho khu căn cứ Xuyên Phước Cơ, căn cứ kháng chiến của tỉnh, đồng thời là đầu mối giao liên giữa trung ương và Đông Nam Bộ. Đến thời kỳ chống Mỹ, địa đạo Long Phước mở rộng đến hầu hết các ấp trong xã. Quân dân Long Phước lấy địa đạo làm bàn đạp tấn công địch. Đế quốc Mỹ đã phải dùng máy bay rải bom, đạn pháo cày xới, xe tăng, xe ủi cùng hàng ngàn bộ binh đánh địa đạo. Sau đó, hệ thống địa đạo được mở rộng sâu hơn, dài hơn. Địa đạo có hầm bí mật dự trữ lương thực, vũ khí; có nơi cứu chữa thương binh; có các công sự chiến đấu theo thế liên hoàn ở cả 5 ấp thuộc xã Long Phước. Đường hầm dưới địa đạo lan tỏa theo hình xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng địa đạo cao hơn 1,5m và rộng hơn 0,7m, người bên trong đi lại, vận động dễ dàng. Sau ngày giải phóng, địa đạo Long Phước được phục dựng, cải tạo trở thành điểm tham quan của du khách, nơi học tập của thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh của cha ông trên mảnh đất Long Phước. Di tích lịch sử cách mạng địa đạo Long Phước được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1990. Di tích này là niềm tự hào, là bản anh hùng ca của người dân Long Phước và toàn thành phố Bà Rịa. Do đó, dự án đầu tư, tôn tạo địa đạo Long Phước được phê duyệt năm 2017. Theo đó, phía bên trên mặt đất sẽ xây nhà truyền thống 3 tầng theo phong cách đình chùa, mái ngói, tường ốp gạch không nung và ốp gạch trang trí. Xây mới nhà ban quản lý di tích với diện tích 115 mét vuông. Xây mới 4 nhà dân thời chiến kiểu nhà chữ Đinh mỗi căn có diện tích hơn 100 mét vuông. Bên dưới lòng đất thực hiện tu bổ hơn 700m đường hầm theo phương pháp gia cố thành hầm xi măng, đắp đất sét. Ngoài ra, nhiều hạng mục phụ trợ khác cũng được xây dựng thêm. Hiện nay du khách có thể trực tiếp trải nghiệm di chuyển trong lòng địa đạo để thấy được sự mưu trí cũng như những khó khăn gian khổ trong thời chiến. Ngoài việc thu hút khách du lịch, di tích này cũng rất thích hợp với các chuyến khám phá tìm hiểu về lịch sử của các chuyên gia, các bạn sinh viên và du lịch về nguồn của đoàn thanh niên.

Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ tháng 1 đến tháng 12

261 lượt xem

Hòn Bà

Hòn Bà tại Vũng Tàu là một ốc đảo nhỏ giữa biển với diện tích khoảng 5000m2, nơi đây có vị trí khá gần với đất liền nên được rất nhiều du khách ghé thăm. Đây là địa điểm du lịch tâm linh rất hấp dẫn, trên đảo có ngôi Miếu Bà nổi tiếng linh thiêng. Ngoài ra, du khách khi đến đây còn được chiêm ngưỡng con đường rẽ biển siêu đẹp nối liền hòn Bà và bờ biển nữa đấy. Về vị trí thì hòn Bà tọa lạc tại khu vực Bãi Sau của thành phố Vũng Tàu, nằm cách Mũi Nghinh Phong và chân Núi Nhỏ chỉ khoảng 200m. Nếu muốn nhìn thấy toàn cảnh hòn Bà thì bạn có thể thử lên vai tượng Chúa Kito nha, từ đây sẽ nhìn được bao quát toàn bộ khung cảnh của hòn đảo này. Để thuận tiện cho việc khám phá văn hóa tín ngưỡng tại hòn Bà và du lịch Vũng Tàu thì bạn nên đi vào các dịp lễ cúng như tháng Giêng, tháng 4, 7, 10 Âm lịch mỗi năm. Với những du khách muốn kết hợp tham quan Vũng Tàu luôn thì giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 sẽ là tốt nhất, lúc này trời mưa ít, nắng nhẹ nên cực kỳ lý tưởng cho việc du ngoạn. Còn giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4, Vũng Tàu sẽ có thời tiết khá nóng. Miếu hòn Bà Vũng Tàu chắc chắn là địa danh đầu tiên mà nhiều du khách sẽ muốn ghé qua. Tên gọi Miếu Bà ra đời từ cuối thế kỷ thứ XVIII, miếu được xây dựng để thờ cúng Thuỷ Long Thần nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa để ngư dân an tâm đi đánh bắt. Bà trong từ Miếu Bà là ý chỉ Thuỷ Long Thần là một vị thần nữ. Để Miếu Bà được khang trang như hôm nay, người dân làng Thắng Tam đã rất nhiều lần quyên góp tiền để trùng tu lại miếu. Miếu Bà cũng gắn với một sự tích cực kỳ linh thiêng, vào năm 1939 có một sĩ quan người Pháp là Archinard đã ra lệnh nổ 3 phát đại pháo vào miếu Bà, thế 3 phát thì chỉ trúng một phát. Chỉ vài ngày sau, tên sĩ quan này đã mất mạng tại miếu do sử dụng súng bất cẩn. Chính điều này làm cho quân Pháp cảm thấy miếu Bà rất linh thiêng và không còn dám phá hoại nữa. Ngoài việc du lịch tâm linh tại hòn Bà Vũng Tàu , bạn sẽ còn cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tại đây. Tại đây có nguồn không khí trong lành nên thảm thực vật rất phát triển với màu xanh của cây dương, dừa, cau và hoa sứ. Nơi này cũng là một trong số ít những địa danh không bị tác động bởi bàn tay con người, cảnh vật vẫn còn vẹn nguyên nét hoang sơ tự nhiên nên rất phù hợp để khám phá. Khi đến thăm hòn bà, bạn cần lưu ý những điều sau. Đầu tiên cần di chuyển cẩn thận, do trên đường đi có rất nhiều đá sắc nhọn và các mảnh hàu vỡ. Nên cẩn thận vì mặt đá khá trơn trượt, nhớ mang giày để bảo vệ chân được tốt hơn nha. Khi di chuyển chắc chắn sẽ có nhiều du khách khác đi cùng, bạn nên cẩn thận việc xô đẩy, chen lấn. Do nơi đây là địa điểm tâm linh nên bạn nhớ chọn trang phục kín đáo khi tham quan. Con đường biển đến hòn Bà Vũng Tàu thường xuất hiện từ 16 giờ đến 18 giờ nên bạn nhớ chuẩn bị sẵn nước uống và đồ ăn nhẹ. Cuối cùng, Không nên xả rác xuống biển hay tại địa điểm tham quan để chung tay bảo vệ môi trường biển.

Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ tháng 5 đến tháng 10

271 lượt xem

Côn Đảo

Côn Đảo - nơi được bình chọn là một trong những hòn đảo đẹp nhất Châu Á, một trong những bãi biển vắng đẹp nhất thế giới - hiện đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Thiên nhiên nguyên sơ, những câu chuyện tâm linh bí ẩn, một lịch sử cách mạng hào hùng…thôi thúc bao bước chân du khách đến với nơi đây. Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi cách Tp. Vũng Tàu 97 hải lý. Vì nằm giữa biển nên du khách đến với Côn Đảo sẽ có cơ hội khám phá các bãi biển và vịnh biển đẹp. Một số bãi biển và vịnh biển nổi tiếng ở Côn Đảo như: Bãi Đầm Trầu, Bãi Biển An Hải, Bãi Lò Vôi, Vịnh Đầm Tre, Vịnh Côn Sơn,... Côn Đảo gắn liền với lịch sử cách mạng kiên cường, hào hùng và bi thương của dân tộc ta. Du khách chưa biết Côn Đảo có gì chơi có thể ghé thăm những di tích, địa danh và chứng tích lịch sử như: Dinh Chúa Đảo, Bảo tàng Côn Đảo, Cầu Tàu Lịch sử 914, nhà tù Côn Đảo,.. Hải sản Côn Đảo bạn nên tìm thưởng thức là ốc vú nàng, ốc nón, ốc tai tượng, ốc bàn tay, tôm hùm đỏ, tôm mũ ni, cá mú đỏ, mực một nắng... và các loại cá biển. Đặc sản mang về được bày bán nhiều ở chợ Côn Đảo, gồm các loại hải sản tươi sống, sấy khô và hàng lưu niệm. Du khách chuộng nhất mứt hạt bàng và rượu sâm đất. Vị sâm Côn Đảo ngọt nhẹ, hăng hắc thơm khá giống sâm Hàn Quốc. Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu, tiềm gà, hầm vịt bồi bổ...

Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ tháng 3 đến tháng 9

257 lượt xem