Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng của nước ta, có quy mô bề thế với phong cảnh sơn thủy hữu tình thu hút khách du lịch đến tham quan hàng năm. Khu di tích bao gồm các di tích lịch sử gắn liền với chiến công lừng lẫy 3 lần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên lừng lẫy của quân dân nhà Trần ở thế kỷ XIII và cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Khu di tích Côn Sơn nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân cùng với núi non, chùa tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử. Chùa Côn Sơn (tục gọi là chùa Hun) tọa lạc dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là Thiên Tư Phúc Tự nghĩa là chùa được trời ban cho phúc lành. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm bên cạnh chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Trải qua những biến thiên của lịch sử, Chùa Côn Sơn ngày nay bị thu nhỏ lại so với kiến trúc thời Lê, bao gồm các công trình như Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Ghé vãn cảnh chùa Côn Sơn, ngoài các công trình kiến trúc đặc sắc, du khách sẽ còn có cơ hội tìm hiểu về giếng Ngọc. Giếng Ngọc tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân, trên đường lên Bàn Cờ Tiên, phía sau là Đăng Minh bảo tháp – nơi đặt xá lị Huyền Quang tôn giả. Nằm ở vị trí cao hơn mái ngói chùa Côn Sơn nhưng mùa nào giếng Ngọc cũng luôn đầy nước. Người xưa quan niệm rằng giếng Ngọc là huyệt mạch của núi Côn Sơn và chính là mắt của Kỳ Lân. Đây không chỉ là nguồn nước quý của di tích mà còn là một điểm tham quan mang nhiều giá trị tâm linh. Từ giếng Ngọc, bạn men theo các bậc đá leo lên đỉnh Côn Sơn có đặt Bàn Cờ Tiên – nơi Nguyễn Trãi cũng các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ. Từ đỉnh Côn Sơn, một vùng núi non hùng vĩ thu gọn lại trong tầm mắt người lữ hành. Năm 1330, Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang mở rộng chùa, lập ra Cửu phẩm Liên Hoa. Năm 2017, công trình này đã được tôn tạo thành công tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong cảnh quan thanh tịnh, linh thiêng của chốn Côn Sơn. Tòa Cửu phẩm Liên Hoa gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, gỗ vàng tâm, đá xanh Thanh Hóa, ngói mũi hài phục chế và hàng nghìn viên gạch Bát Tràng. Với kết cấu 3 tầng, 12 mái, cả công trình tựa như một bông sen thanh thoát với 3 lớp cánh hoa mãn khai. Còn tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa hình bát giác 9 tầng cao 10.3 m với những chi tiết chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Tất cả tạo nên một công trình nghệ thuật sáng tạo độc đáo của Phật giáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Điểm nổi bật trong khu di tích danh thắng Côn Sơn đó là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi có tên chữ là “Ức Trai linh từ”. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tựa lưng vào Tổ Sơn tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Đền bao gồm các công trình như đền Chính, Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại, cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan,… mang đậm phong cách kiến trúc thời hậu Lê. Quanh đền là dòng suối Côn Sơn ngày đêm chảy rì rầm như tiếng đàn cầm vang vọng giữa núi rừng xanh ngắt đã đi vào thơ ca, sử sách. Đặc biệt, ở Hậu cung của đền Chính có đặt bức tượng đồng Nguyễn Trãi cao 1.4m, nặng 600kg và tượng song thân phụ mẫu của ngài. Đền thờ Nguyễn Trãi chính là nơi lưu giữ tâm hồn, cốt cách, tài đức lớn lao của vị Danh nhân văn hóa thế giới này. Đền Kiếp Bạc cách khu di tích Côn Sơn khoảng 5km là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là do đền tọa lạc trên một thung lũng giao giữa hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đền Kiếp Bạc có địa thế vô cùng thuận lợi nhìn ra con sông Thương, sau lưng là núi Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào là nơi tụ khí để gây dựng cơ nghiệp. Đền bao gồm các công trình Tam quan, giếng Ngọc, các tòa điện thờ Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, công chúa Thiên Thành – phu nhân Hưng Đạo Vương và hai con gái Nhị vị Vương cô. Hiện đền có lưu giữ 7 pho tượng đồng mang giá trị văn hóa, tâm linh lớn.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1233 lượt xem
Đến với vùng đất Hải Dương, ngoài thăm quan các danh lam thắng cảnh, thưởng thức các sản vật địa phương thì du khách chắc chắn khó lòng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm các làng nghề truyền thống đặc biệt là điểm đến mang nét đẹp văn hóa Bắc Bộ đặc trưng như làng rối nước Thanh Hải. Nơi đây là cái nôi của bộ môn nghệ thuật múa rối của Việt Nam với tuổi đời hàng trăm năm, Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các thế hệ của làng Thanh Hải vẫn đang miệt mài đam mê và giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật tuyệt vời này. Làng rối nước Thanh Hải hay còn gọi là phường rối nước Thanh Hải nằm ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương, địa danh này được coi là nơi khởi nguồn của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam này. Theo các bậc cao niên thì làng rối nước Thanh Hải đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm từ thời nhà Lý. Hầu hết các nghệ nhân của làng rối nước này đều xuất thân từ nông dân, quanh năm quen với việc đồng áng, chân lấm tay bùn. Thế nhưng với tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật truyền thống cho cha ông để lại, họ vẫn thường xuyên tập luyện và biểu diễn dù vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo hằng ngày. Điểm độc đáo ở làng rối nước Thanh Hải đó chính là những tích trò biểu diễn đều do các trưởng phường hoặc các phường viên nghĩ ra, đa số là nội dung về tình yêu quê hương đất nước, những hoạt động đời thường, nét văn hóa, phong tục truyền thống, tập quán thờ thần thánh, răn dạy người ta biết sống theo điều hay lẽ phải. Hiện tại ở làng rối nước Thanh Hải có câu lạc bộ hoạt động với 36 người, trong đó có nhiều người thường xuyên đi biểu diễn rối nước ở các tỉnh/ thành trong cả nước. Rối nước Thanh Hải thậm chí đã xuất hiện ở nhiều sự kiện, cuộc thi lớn như liên hoan múa rối tại Huế liên hoan múa rối tại Hà Nội, Festival tuần Văn hóa Huế, lễ hội đền Hùng, các lễ hội lớn nhỏ ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong đó ở nhiều cuộc thi, phường rối làng Thanh Hải đã đạt được giải thưởng lớn. Cũng như những làng quê khác ở Bắc Bộ, làng rối nước Thanh Hải cũng mang vẻ yên bình với vẻ đẹp của mái đình, bến nước. Đến đây điều đầu tiên du khách sẽ được tận hưởng đó chính là khung cảnh tuyệt đẹp, đậm chất quê nơi mang đến cảm giác yên bình, thư thái. Đặc biệt vẻ đẹp của làng quê này trở nên nổi bật hơn với nghệ thuật rối nước truyền thống. Thăm quan làng Thanh Hải, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống tứ danh này. Các nghệ nhân cho biết, khâu quan trọng đầu tiên trong nghệ thuật rối nước ở làng Thanh Hải chính là chế tác được các con trò sao cho có thể quay người và quay cổ một cách uyển chuyển. Con trò được làm từ gỗ sung và được đục, đẽo với những đường nét cách điệu theo từng nhân vật rồi đánh bóng, vẽ, sơn… Con rối thường sẽ có hai phần là phần thân nổi trên mặt nước và phần đế là nơi lắp máy điều khiển chìm dưới nước. Khi trình diễn các nghệ nhân sẽ nắn và điều khiển hoạt động của rối cho khớp với nhạc, lời ca, trống… Ghé thăm làng rối nước Thanh Hải bạn cũng đừng quên chiêm ngưỡng thủy đình, đây là nơi được dựng giữa ao, tượng trưng cho mái đình của nông thôn Việt. Nếu đến làng vào đúng các dịp lễ hội, cuối năm hoặc đầu năm du khách sẽ được thưởng thức những màn trình diễn rối nước đỉnh cao của các nghệ nhân trong làng. Được tận mắt thưởng thức những màn trình diễn độc đáo, bạn mới thấy hết được nét tài hoa của các nghệ nhân và cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật này. Sau khi ghé thăm làng rối nước Thanh Hải bạn cũng đừng quên ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng khác cũng nằm trong khu vực huyện Thanh Hà như chùa Bạch Hào, chùa Động Ngọ, Khu du lịch sinh thái sông Hương để có hành trình vi vu thật trọn vẹn.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1429 lượt xem
Động Kính Chủ nằm ở sườn dãy núi đá vôi có tên Dương Nham, Bổ Đà hoặc Xuyến Châu. Đó là dãy núi nằm trên bờ sông Kinh Thầy, duyên dáng soi bóng mình xuống dòng nước. Cửa động quay hướng Nam đón gió mùa hè mát rượi. Đứng ở đây, du khách có thể nhìn thấy núi chợ Trời và Tháp Bút- hai ngọn cao nhất của dãy núi đồ sộ này; thấy cả đỉnh An Phụ nơi có đền thờ Trần Liễu và chùa Cao; thấy ruộng đồng, làng xóm và xa xa là thị trấn Kinh Môn sầm uất. Nhưng khi vào trong động, du khách còn ngỡ ngàng trước bàn tay đẽo gọt khéo léo của tạo hóa để tạo ra hai vòm hang hình quả chuông, cao hun hút. Sâu vào trong là dòng suối nước trong vắt và mát lạnh. Suối chảy tới đâu chưa ai biết. Vòm động từng là nơi sinh sống của bày dơi quạ hàng mấy ngàn con, cứ chập tối là đập cánh vù vù, túa ra khỏi hang đi kiếm ăn. Đây cũng là nơi sơ tán của nhà máy đóng tàu Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong động có chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông. Một nhánh của động cửa quay hướng Tây, nằm thấp hơn, dẫn du khách vào với cung thờ Mẫu Tam Phủ. Nét độc đáo nhất ở Động Kính Chủ là Bảo vật quốc gia- hệ thống bia ma nhai. Tất cả bia ở đây được khắc ngay vào vách đá với 54 tấm bia, là số bia có nhiều nhất trong các hang động ở Việt Nam. Có bia ở thấp. Có bia ở cao. Lại có bia chót vót trên vòm động. Các văn bia này đến nay nét chữ vẫn còn nguyên vẹn vì không bị mưa nắng bào mòn. Hơn 50 văn bia nói trên có niên đại chính xác từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX. Tác giả của những văn bia cũng thật đa dạng: từ nhà Vua đến quan Đại Thần; từ quan Phủ, quan huyện đến du sĩ, giáo học cho đến chức dịch địa phương. Nội dung bia rất phong phú: bia ghi việc trùng tu chùa Dương Nham ở trong động. Bia ghi việc xây tam quan, tạc tượng đá, bắc cầu vào cổng chùa, bia ghi tên các vị đỗ đạt của cả huyện từ đời Trần đến đầu thế kỷ 17. Đặc biệt là có gần 20 bia khắc thơ. Có bài thơ hoàn chỉnh. Có bài thơ là bài minh cho văn bia. Về ký tự thì các văn bia này nhiều bia chữ Hán. Một số bia chữ Nôm, một số là chữ quốc ngữ. Tất cả đều do bàn tay tài hoa của người thợ đá sở tại (thôn Dương Nham) chạm khắc. Những nét chữ rất nhỏ, mềm mại, sắc cạnh; Những họa tiết trang trí như rồng uốn, hoa leo, chim đậu cùng các đường triện phức tạp và tinh xảo khiến ta ngạc nhiên và vô cùng thán phục. Các bài thơ khắc trên vách đá trong động hầu hết là thơ vịnh cảnh và bày tỏ cảm xúc của mình với đất nước, với quê hương. Ngay vách đá cửa động là tấm bia khắc bút của vị quan Đại Thần đời Trần: Phạm Sư Mạnh. Cụ quê ngay xã Hiệp Thạch cùng tổng Dương Nham. Nhân chuyến đi duyệt quân các lộ, cụ đã chọn Động Kính Chủ làm nơi ở và đọc sách. Cảm xúc trước cảnh đẹp của quê hương, cụ đã làm bài thơ ngũ ngôn, có 18 câu. Chính tay cụ viết lên vách đá rồi cho thợ đục theo nét bút. Giọng thơ hào sảng gợi lại không khí hào hùng của một thời ông cha ta đánh giặc trên sông Bạch Đằng: Bạch Đằng sóng cuồn cuộn/ Tưởng tượng thuyền vua Ngô/.../ Mặt bể ngàn chiến hạm/ Cửa non vạn bóng cờ Vào trong động, nhìn lên đỉnh động là bài thơ của vua Lê Thánh Tông, một vị minh vương giỏi cả văn lẫn võ, người đã minh oan cho Nguyễn Trãi, Người sáng lập Hội Tao đàn. Bài thơ gồm 22 câu theo thể thất ngôn, không chỉ ca ngợi sông núi Kính chủ Ngoảnh nhìn tám hướng mênh mông thế/ Trời xanh bất tận núi muôn nơi mà còn bộc lộ tư tưởng thiền, tâm thiền mang đầy tính nhân văn của Người. Những người yêu thơ văn không thể không say sưa với mấy bài thơ vừa khắc chữ Hán, chữ Nôm, vừa khắc ngữ Quốc ngữ. Hay những bài thơ xuất hiện đầu thế kỷ XX (trước Cách mạng tháng Tám) của Du sĩ Trần Hữu Đáp, Trần Quốc Trinh, của ông quan thượng thư đã hưu trí Nguyễn Văn Đào. Ở những bài thơ này, bên những câu thơ ca ngợi cảnh đẹp Kính chủ: Dương Nham một thú yên hà/ Ấy là Làng Uyển hay là Bồng Lai khiến du khách đứng trước Tranh Lục động, cảnh ngàn thu đều có cảm giác Bụi trần cũng sạch, phúc tu cũng dầy (thơ Trần Hữu Đáp), ta còn gặp những câu thơ ẩn ý sâu xa chứa đựng nỗi niềm về thời cuộc mà vì lí do nào đó không tiện nói ra: Kính Chủ là đây hỏi chủ đâu? là câu thơ mở đầu. Câu thứ tám, kết bài Cảnh vẫn bền nguyên, dạ khác nhau. Đặt bài thơ vào năm 1935- năm ra đời của bài thơ ta có thể hiểu được phần nào những điều Trần Quốc Trinh muốn gửi gắm. Sang bài thơ của cụ Nguyễn Văn Đào, quan Thượng Thư đã về hưu ta cũng gặp những câu thơ đầy ám ảnh Tang thương mấy mặt vòng trần thế/ Sinh sự làm chi hỡi hóa công. Bài thơ cụ làm trước Cách mạng tháng Tám 6 năm. Đất nước lúc ấy như thế nào? Dân tình lúc ấy ra sao? Trả lời hai câu hỏi trên là ta hiểu cụ muốn nói gì. Với hơn 20 bài thơ khắc trên đá và nhiều dấu tích lịch sử, nhiều di tích, cảnh quan đẹp, quần thể di tích An Phụ- Kính Chủ- Nhẫm Dương có thể nói là điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay việc kết nối điểm du lịch này với các điểm đến khác của tỉnh Hải Dương và các tỉnh/ thành lân cận chưa hiệu quả. Có lẽ, muốn di tích này thu hút được nhiều khách du lịch, ngành Du lịch tỉnh Hải Dương và huyện Kinh Môn cần tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn gắn với Động Kính Chủ và cụm di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời có những bài thuyết minh đặc sắc cho điểm đến; đẩy mạnh việc quảng bá văn hoá, xúc tiến du lịch huyện Kinh Môn.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1228 lượt xem
Là mảnh đất gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, Côn Sơn đã hội tụ được các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo và thắng cảnh như Côn Sơn. Chùa Côn Sơn thuộc xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là một di tích lịch sử văn hoá và danh thắng nổi tiếng đất nước, được trùng tu xây dựng tôn tạo năm 1304. Ngay từ thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Đây là một vùng núi đất và sỏi kết, cao xấp xỉ 200m, rộng trên 1km2 với phong cảnh u tịch, điển hình là rừng thông mã vĩ. Từ cảnh quan tự nhiên đã được tôn tạo thành thắng cảnh. Đến với Côn Sơn du khách có thể thưởng ngoạn nhiều giờ, với nhiều di tích khác nhau, trong quần thể di tích Côn Sơn, Quý khách có thể thăm: Chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc, Thạch bàn, Am Bạch Vân (có sự tích Bàn cờ tiên), Đền thờ Nguyễn Trãi, rừng thông bạt ngàn. Chùa Côn Sơn ngụ dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun. Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Kiến trúc chùa được xây theo kiểu chữ công bao gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện, nhà thờ Tổ. Thượng điện là nối là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Đán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sân chùa có 4 nhà bia. Sân chùa có cây đại 600 tuổi, 4 nhà bia, đặc biệt là bia "Thanh Hư động" có từ thời Long Khánh (1373-1377) với nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia hình lục lăng. Tọa lạc bên sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp là Giếng Ngọc. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa. Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 600 bậc đá là đến đỉnh núi Côn Sơn (cao 200m). Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay Bàn Cờ Tiên có dựng nhà bia theo kiểu Vọng Lâu đình, hai tầng cổ các tám mái. Đứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm "chiếu thảm" nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước. Tại đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối… Hàng năm, lễ hội chùa Côn Sơn được cộng đồng cư dân phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương cùng với Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, từ ngày 15 đến ngày 22.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1334 lượt xem
Đảo Cò Chi Lăng Nam là một khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Hải Dương. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên rộng mở, thoáng đãng, bình yên đậm chất nông thôn Bắc Bộ. Đến với Đảo cò Chi Lăng Nam du khách sẽ được ngồi thuyền thưởng ngoạn cảnh sắc cực kỳ ấn tượng. Một hòn đảo nhỏ nằm giữa mặt hồ mênh mông nước. Từng đàn cò trắng bay rợp trời ríu rít gọi nhau về tổ. Hồ nước rộng thênh thang xanh mát, trên đảo cò đậu san sát trên cây nhìn như những bông hoa trắng nổi bật trên cụm cây xanh tốt. Tất cả tạo nên một không gian vô cùng tuyệt vời để mỗi du khách sau khi thưởng ngoạn sẽ cảm thấy thêm quý, thêm yêu cuộc sống tươi đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Đảo cò Chi Lăng Nam trực thuộc thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Khu du lịch sinh thái Đảo cò cách thành phố Hải Dương tầm 30 km, cách thủ đô Hà Nội hơn 60 km về phía Nam. Người dân trong vùng các thế hệ truyền lại rằng vùng hồ An Dương ngày xưa từng là cánh đồng chiêm trũng ở giữa có một gò đất nổi lên cao. Vào khoảng thế kỉ XV một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Luộc nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Quanh gò đất cao giữa cánh đồng trũng xuất hiện những xoáy nước khổng lồ rồi tạo thành một hồ nước lớn. Đất lành chim đậu dần dần hòn đảo trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm, hàng nghìn con cò. Nhận thấy đây là cảnh quan thiên nhiên "độc nhất vô nhị" chính quyền địa phương và nhân dân huyện Chi Lăng Nam đã quyết định đề xuất xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên. Từ đây Đảo cò Chi Lăng Nam ra đời và dần trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Có tổng diện tích là 31,673 ha Khu sinh thái Đảo cò Chi Lăng Nam có hệ sinh thái động thực vật vô cùng đa dạng với hơn 170 loài ở cả trên đảo và dưới lòng hồ. Đảo cò là nơi trú ngụ của rất nhiều loài cò, vạc, chim nước quý. Các loài vạc như vạc lưng xanh, vạc xám, vạc sao...Các loài chim nước như iệc xám, chim bói cá, chim trả, cú mèo, cuốc, bồng chanh...Và đặc biệt không thể kể đến cơ man các loại cò như cò ghềnh, cò trắng, cò bợ, cò lửa, có diệc, cò ruồi. Hiện nay ở Đảo cò Chi Lăng Nam thường có khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc sinh sống. Đảo là nơi trú ngụ của họ nhà cò vạc còn dưới hồ An Dương sâu và rộng lại là nơi sinh sống của rất nhiều loại cá quý như cá vược, cá chạch, cá bơn, cá nheo, cá chép, cá quả...hay các loại ba ba, rùa, tôm, cua...
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1247 lượt xem
Cách thành phố Hải Dương khoảng 40km về phía Đông Bắc, có một ngôi đền thiêng thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt nhưng chưa được nhiều người biết tới. Quần thể di tích Đền Cao An Phụ, tục được gọi là Đền Cao, nằm ở xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là điểm đến tâm linh và văn hóa đầy hấp dẫn. Đền có tên tự là “An Phụ Sơn Từ”, tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ với chiều dài 17 km, cao 246m. Phía Đông Bắc nhìn về dãy Yên Tử sừng sững, phía Tây Bắc là Động Kính Chủ được mệnh danh là “Nam Thiên đệ lục động” có dòng sông Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi, phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông. Nơi đây phong thủy hữu tình, là một cảnh đẹp đáng du ngoạn. Trần Liễu sinh năm Kiến Gia thứ nhất (1211) là anh ruột của Trần Cảnh - vị vua đầu tiên triều Trần. Năm 1237 triều đình cắt đất An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hưng, An Bang cho Trần Liễu làm thái ấp và lấy tên đất phong vương cho ông là: An Sinh Vương Trần Liễu. Ông cùng phu nhân Thiên Đạo Quốc Mẫu đã góp phần tạo nên thiên tài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người con trung hiếu, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn có công lao to lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. An Sinh Vương Trần Liễu mất vào mồng 1 tháng 4 năm 1251. Sau khi ông mất, người dân lập đền thờ trên đỉnh núi An Phụ, từ đó ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội đền cao An Phụ, nhân dân khắp nơi về làm lễ dâng hương tri ân công đức. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tiền tế, trung từ và hậu cung. Hậu cung có thờ tượng Trần Liễu và 2 cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô là 2 con gái của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nổi tiếng linh thiêng. Tại Quần thể di tích An Phụ còn có chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là Chùa Cao, được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, dưới triều Trần. Trước chùa có 2 cây đại trên 700 năm tuổi như một nhân chứng lịch sử chứng kiến những biến thiên trên đỉnh núi này. Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, ngôi chùa đã bị tàn phá nặng nề và được trùng tu nhiều lần. Ngày nay, chùa Tường Vân cùng với nhà mẫu, lầu cô và một số hạng mục khác tại An Phụ đã được tôn tạo khang trang. Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Đền Cao An Phụ đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Ngày 22/12/2016, khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương của huyện Kinh Môn đã được nhà nước xếp hạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt, là di tích thứ 2 của Hải Dương được công nhận sau Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1420 lượt xem
Đền Kiếp Bạc cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 70km về phía Đông Bắc, thuộc quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc. Nơi đây lưu giữ rất nhiều hiện vật, công trình, câu chuyện liên quan đến cuộc kháng chiến nhà Trần chống quân Mông Nguyên vào thế kỷ XIII và cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV. Hành trình tham quan đền Kiếp Bạc nói riêng và Côn Sơn - Kiếp Bạc nói chung sẽ là chuyến đi về nguồn vô cùng ý nghĩa. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp những vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, lắng nghe những câu chuyện gắn liền với hành trình hàng ngàn năm bảo vệ dân tộc đầy gian nan. Ngoài ra, đền Kiếp Bạc còn là nơi lưu giữ và trưng bày rất nhiều những món cổ vật quan trọng của đất nước liên quan đến cuộc đời Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Vì vậy, Chính phủ đã công nhận Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là Di tích Quốc gia đặc biệt, mở cửa đón khách đến tham quan để hiểu hơn văn hóa, lịch sử nước nhà. Từ trung tâm thủ đô Hà Nội đến Kiếp Bạc khoảng 70km nên di chuyển bằng phương tiện tự lái được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đi xe máy hoặc ô tô thì sẽ mất khoảng 2 giờ chi chuyển thẳng theo hướng Quốc lộ 1A. Khi đến thành phố Bắc Ninh thì bạn tra cứu thêm GoogleMap để tới đền Kiếp Bạc. Nếu không tự tin với tay lái, muốn chọn phương thức di chuyển an toàn hơn thì bạn có thể cân nhắc mua vé xe khách. Bạn nên mua vé từ bến Mỹ Đình về Quảng Ninh, nói với tài xế cho xuống tại ngã 3 Sao Đỏ, Chí Linh, cách khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc khoảng 5km. Sau đó, bạn bắt xe ôm hoặc taxi để đến đây. Còn với các bạn từ miền Trung và miền Nam thì có thể cân nhắc chọn bay ra Hà Nội du lịch Thủ đô, sau đó dành thêm một ngày thuê xe máy lên khám phá quần thể di tích nổi tiếng này. Đền Kiếp Bạc là công trình toạ lạc tại vị trí trung tâm của thung lũng Kiếp Bạc. Xung quanh đền là cánh rừng rộng lớn, không gian rất yên tĩnh, tịch mịch. Công trình này được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, trải qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc truyền thống cùng những dấu vết rõ nét của thời gian. Đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, khuôn viên rộng đến 13.5 km2. Nơi đây đang lưu giữ 7 pho tượng được đúc bằng đồng là tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai người con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào và Bắc Đẩu. Ngoài ra, khuôn viên đền còn bao gồm nhiều hạng mục công trình đặc biệt như đường thần đạo, trạm hạ mã, tả hữu canh gác… Bên trong các gian điện thờ được trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo, đúng chất kiến trúc đền chùa xưa. Đi dạo một vòng khuôn viên đền, bạn sẽ cảm thấy rất thư thái, thoải mái vì không gian ở đây cực kỳ trong lành, mát mẻ, yên tĩnh. Người dân tại Chí Linh, Hải Dương rất tôn thờ và biết ơn công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc. Vì vậy, đền vẫn luôn được hương khói đầy đủ trong suốt hơn 7 thế kỷ từ khi được xây dựng. Ngày nay, có nhiều khách phương xa đổ về đền để thờ cúng, chiêm bái với mong muốn cầu nguyện những điều bình an và may mắn. Lễ hội đền Kiếp Bạc thường được tổ chức vào ngày 15 đến 20 tháng Tám âm lịch hàng năm, là ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội này để tưởng nhớ ngày mất của người anh hùng dân tộc, sự biết ơn đối với những đóng góp của ông trong hành trình bảo vệ đất nước, ba lần đánh đuổi quân Mông Nguyên. Lễ hội được tổ chức cực kỳ long trọng, theo chuẩn nghi lễ xưa. Trong 5 ngày lễ hội sẽ diễn ra các nghi thức như Lễ rước cỗ tiến Thánh, Lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, Lễ cầu an, Lễ ban ấn của Đức Thánh Trần. Phần hội sẽ có hội hoa đăng và các trò chơi dân gian (kéo co, đua thuyền…) để phục du khách gần xa ghé đến.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1224 lượt xem