Điểm du lịch

Chùa Tiên Châu

Chùa Tiên Châu còn được gọi với tên khác là Chùa Di Đà. Đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất thuộc tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, Chùa Tiên Châu đã thành lập hơn 300 năm và trở thành Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp Quốc gia từ rất lâu. Ngôi chùa sở hữu vẻ đẹp cổ kính, độc đáo nên thu hút rất nhiều người đến tham quan cũng như khám phá. MIA.vn tin rằng, đây chắc chắn là một trong những ngôi chùa Vĩnh Long mang vẻ đẹp ấn tượng, nguy nga nhất mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Vĩnh Long du lịch. Vĩnh Long là tỉnh thành cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Tỉnh thành này có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển, đồng thời cơ sở hạ tầng cực kỳ tốt nên bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trong số các phương tiện di chuyển đến Vĩnh Long, các bạn sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể đi bằng xe máy, lái ô tô hoặc mua vé xe khách. Dựa vào kinh nghiệm của một số bạn, từ Sài Gòn đến Vĩnh Long thường sẽ mất khoảng 3 tiếng để di chuyển. Giá vé xe khách chỉ dao động từ 100.000 VNĐ/lượt đến 120.000 VNĐ/lượt nên cực kỳ phù hợp cho những ai muốn di chuyển nhanh, thoải mái và an toàn. Tuy nhiên, nếu muốn đi bằng xe máy tự túc, các bạn có thể tham khảo lộ trình sau đây: Từ Sài Gòn, các bạn về trung tâm thành phố Vĩnh Long theo Quốc lộ 1A. Để đến được Chùa Tiên Châu thuộc cù lao An Bình, các bạn cần qua phà ở sông Tiền. Chỉ tốn khoảng 15 phút di chuyển bằng đường sông là các bạn đã đặt chân đến cù lao. Sau đó, các bạn hỏi thăm người dân để tìm đến địa chỉ của Chùa Tiên Châu. Theo truyền thuyết dân gian mà những bậc lão làng sống ở khu vực tả ngạn sông Cổ Chiên kể lại, Chùa Tiên Châu được xây dựng vào khoảng năm 1750 cuối thế kỷ thứ 18. Ngày trước, vị hòa thượng Giác Nguyên khi đi tu hành đến vùng đất cù lao An Bình này đã cảm nhận được khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây. Do đó, ông đã lập một cái am nhỏ bằng tre để thờ Phật Di Đà giáo chủ cõi Tây phương cực lạc gọi là Tiên Châu Di Đà. Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một sự tích liên quan đến Chùa Tiên Châu. Vào những đêm trăng thanh gió mát, tiên nữ thường xuống đây tắm sông, nô đùa. Do đó, bãi sông này được đặt tên là bãi Tiên hoặc bãi Bích Trân. Còn am đặt tại cạnh bờ sông lấy tên là Tiên Châu. Khác với Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long uy nghi, tráng lệ, Chùa Tiên Châu sẽ khiến mọi người ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp vô cùng cổ kính. Chùa Tiên Châu được xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa với 4 nóc là tiền đường, trung đường, chính điện và hậu tổ được sắp xếp thành hình chữ tam. Theo đó, khu vực chính điện, hậu tổ và hậu liêu nói liền nhau tạo nhiều khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát. Chùa Tiên Châu có thiết kế mang đậm nét văn hóa chạm trổ chùa chiền vào thế kỷ 18. Nét chạm khắc này được thể hiện rõ nét nhất bởi 96 cột gỗ tròn dùng để chống đỡ cả ngôi chùa. Các nét chạm trỗ tại đây vô cùng tinh tế và sắc sảo thu hút đông đảo các tín đồ của Phật giáo ghé đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, Chùa Tiên Châu sở hữu vẻ đẹp tinh tế, hài hòa khi được xây dựng theo kiến trúc vừa cổ điển, vừa hiện đại. Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa chưa một lần thay đổi vẻ đẹp đặc trưng cổ kính vốn có của mình. Bước vào khuôn viên của chùa Tiên Châu, bạn sẽ bắt gặp một tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen. Phật Bà đang cầm trên tay bình nước cam lộ tưới nhuần ơn phước cho chúng sinh. Góc bên trai của khuôn viên là tượng Phật Thích Ca tĩnh tọa dưới sự che chở của chín con rồng và gốc bồ đề râm mát. Còn bên phải là tượng Phật Di Lặc đang nở một nụ cười viên mãn, an lạc. Bên trong nội điện của Chùa Tiên Châu được trang hoàng vô cùng đẹp và lộng lẫy. Ở giữa tứ trụ là khánh thờ, phía trong có pho tượng Phật A Di Đà lớn được làm bằng chất liệu đất sét. Không những thế, hai bên khánh thờ còn treo các câu đối sơn mài có ý nghĩa cực kỳ lớn. Còn rất nhiều hiện vật có giá trị được lưu giữ trong ngôi chùa như: bộ bao lam chạm Thập Bát La Hán, liễn đối chạm khắc tinh tế từ thế kỷ 19, tranh khắc gỗ... Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi chùa vẫn sừng sững, hiên ngang với vẻ đẹp bất chấp vượt thời gian. Điều này dường như được xem là một minh chứng cho sự sống bất diệt của lịch sử. Bất kỳ ai lần đầu đến đây cũng đều cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính cũng như dòng chảy vô cùng thiêng liêng tại ngôi chùa này.

Vĩnh Long

Từ tháng 1 đến tháng 12

248 lượt xem

Cù Lao An Bình

Cù lao An Bình, gồm 4 xã: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Với địa hình là những cồn đất được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và Hàm Luông đã trở thành một điểm du lịch Vĩnh Long hấp dẫn, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về một vùng sông nước đậm chất Tây Nam Bộ. Đến Cù Lao An Bình, du khách được người dân chèo ghe tam bản len lõi qua những con rạch ngắm cảnh sông nước hữu tình hai bên bờ. Những cơn gió mát lộng cùng điệu hò trên mũi thuyền sẽ mang lại cho bạn những ấn tượng khó quên. Hay đạp xe trên những con đường làng rợp bóng cây, hít thở khí trời miệt vườn yên bình, êm ả. Tham quan những vườn chôm chôm chín đỏ hay vườn nhãn, vườn cam, vườn quýt sai trĩu quả đậm nét đặc trưng của loại hình du lịch Miền Tây miệt vườn. Ghé thăm các nhà vườn, du khách tha hồ thưởng thức trái cây mùa nào thức ấy, gần như quanh năm. Các vườn trái cây đặc sản như: Vườn chôm chôm ông Chín Hoán, vườn chôm chôm ông Chín Cần, vườn nhãn tiêu ông Tám Hổ, và vô số các vườn trái cây khác. Du khách không chỉ được thưởng thức nhiều loại trái cây ngon mà du khách còn được trải nghiệm nhiều điều thú vị như thăm nhà cổ, thăm những làng nghề đậm chất văn hóa sông nước; được trải nghiệm tát mương bắt cá, làm vườn, câu cá, chế biến món ăn, làm bánh dân gian, nghe hát bội… Một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Cù Lao An Bình là Chùa Tiên Châu nằm trên bãi Tiên tả ngạn sông Cổ Chiên. Chùa được hình thành từ những năm 1740 – 1750, là một ngôi chùa cổ không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long mà còn nổi tiếng cả vùng Miền Tây Nam Bộ gắn liền với truyền thuyết về bãi tắm của tiên nữ. Nhà cổ Cai Cường được biết đến như một công trình kiến trúc mang dáng dấp châu Âu pha lẫn nét Á Đông cổ xưa. Tọa lạc ở tại xã Bình Hòa Phước, nằm bên bờ rạch Cái Muối tấp nập thuyền ghe, đây là nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Nét hấp dẫn nhất của ngôi nhà là bộ bao lam bằng gỗ kết dính cả ba gian nhà, trên khắc chạm tinh tế hình long, phụng, chim muông, cây cối…tất cả đều sơn son thếp vàng rất bắt mắt. Ghé thăm khu du lịch Vinh Sang, du khách sẽ được tham quan vườn cảnh chim thú, cưỡi đà điểu chạy tung tăng trên bãi cát, câu cá sấu, tập đi cầu khỉ, chơi xe trượt cỏ, đi xe đạp dạo quanh đường làng, chèo xuồng bên những dòng kênh, giăng lưới, chài cá hoặc be bờ tát mương bắt cá… Cù lao An Bình còn có làng nghề truyền thống như Làng mai vàng Phước Định. Đây là một làng nghề truyền thống, chuyên trồng mai vàng làm hoa kiểng, đến đây du khách sẽ được thưởng lãm những gốc mai cổ thụ hàng trăm năm tuổi và tận hưởng không gian của ngôi làng màu vàng của hoa mai rực nở trong mùa tết nguyên đán. Thiên nhiên đã ban cho cù lao An Bình cây lành trái ngọt bốn mùa và người dân xứ cù lao đã sáng tạo, tận dụng sông rạch, vườn cây ăn trái làm điểm tham quan du lịch, homestay. Sau một ngày dạo chơi, du khách có thể nghỉ tối tại những nhà vườn theo loại hình du lịch homestay, cùng ăn ở và sinh hoạt với người dân địa phương. Được thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền sông nước như cá tai tượng chiên xù, chả giò chiên giòn, cá lóc nướng trui, bánh xèo, rượu trái cây…. thơm nồng đượm vị miệt vườn sông nước miền quê và nghe hát bội, đờn ca tài tử. Vườn cảnh bonsai của ông Sáu Giáo (ấp Bình Thuận, xã Hòa Ninh), nhà sàn ông Mười Đẩy cất bằng gỗ nằm trên rạch Ninh Hòa, hay ngôi nhà xưa ông Hai Hoàng có lối kiến trúc kiểu Pháp. Đây đều là những địa điểm nghỉ ngơi của du khách có nhu cầu nghỉ qua đêm.

Vĩnh Long

Từ tháng 1 đến tháng 12

285 lượt xem

Văn Thánh Miếu

Đến Vĩnh Long, thành phố bên bờ sông Cổ Chiên thơ mộng, du khách sẽ được tham quan rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Một trong số đó là Văn Thánh Miếu là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nơi đây được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, lưu giữ biết bao câu chuyện quý giá về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa. Văn Thánh miếu Vĩnh Long đặt tại làng Long Hồ, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long, phía Đông Nam thành Vĩnh Long nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long. Đi du lịch Vĩnh Long muốn ghé thăm Văn Thánh Miếu, từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, bạn theo đường Trần Phú chạy ven dòng sông Long Hồ, chỉ một đoạn ngắn khoảng 2km là đến nơi. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ. Hai Văn Thánh Miếu khác nằm ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đất Gia Định xưa. Công trình được khởi công năm 1864 và hoàn thành năm 1866 do Đốc học Nguyễn Thông khởi xướng, thờ Khổng Tử và các học trò của Ngài. Tuy trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là một tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước. Khi Văn Thánh Miếu được xây dựng hoàn tất. Hội Văn Thánh miếu ra đời đảm trách quản lý, thờ phượng. Triều đình Huế hướng dẫn điển lễ tế tự và cấp 20 miếu phu trông nom Văn Thánh Miếu. Nơi đây trở thành trung tâm văn hoá của khu vực miền Tây Nam kỳ. Các sĩ phu, tao nhân mặc khách qui tụ về đây đàm đạo thơ phú, luận bàn thế sự. Năm 1867, khi chiếm xong Vĩnh Long thực dân Pháp phá hoại các công trình văn hoá của nhà Nguyễn để lại và có ý định huỷ hoại Văn Thánh Miếu. Thực hiện di huấn của cụ Phan Thanh Giản, ông bá hộ Trương Ngọc Lang (tức bá hộ Nọn) tìm nhiều biện pháp để bảo vệ Văn Thánh Miếu – di sản văn hoá của vùng đất Vĩnh Long. Sau khi chiếm Vĩnh Long, bọn thực dân Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng Dinh tham biện (tỉnh trưởng) định phá Văn Thánh miếu. Lúc đó ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (người Minh Hương) được đồng bào đề cử đứng ra tranh thủ với quân viễn chinh giữ lại công trình văn hóa này. Rồi từ đó đến nay, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được tu bổ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994, 2006 và năm 2007. Trải qua bao thời gian biến cố lịch sử, công trình đã trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản, và đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Cổng tam quan uy nghi hướng ra dòng sông tĩnh lặng, được xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái, tuy đơn giản nhưng mỹ thuật, trên hai trụ có chạm đôi liễn thanh tao. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng sao cao vút có cùng niên đại với ngôi Thánh Miếu. Hai hàng cây cao thẳng tắp tạo cho khuôn viên vườn cảnh và khu di tích một bề sâu và không khí uy nghi trầm mặc lạ lùng. Trên con đường đó, giữa hoa lá đan xen, khách có thể chiêm ngưỡng ba tấm bia đá đã phôi pha với thời gian. Trước cổng là tấm bia ghi văn tài của cụ Phan Thanh Giản, mặt trước nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức Thánh Nhân và triều đình, mặt sau dương danh những người có công. Tổng cộng trong văn miếu có ba tấm bia mang giá trị ghi dấu các thời kỳ lịch sử gắn với Văn Miếu. Ngoài bia Phan Thanh Giản còn có bia ghi việc trùng tu miếu năm 1903, bia ghi công bà Trương Thị Loan (con gái ông Trương Ngọc Lang) đã có công hiến đất làm hoa lợi hương hỏa. Khổng Thánh Miếu trước kia đơn sơ, cột cây mái ngói trên nền đất, năm 1903 mới được thay bằng cột gỗ căm xe, lót gạch tàu, lợp ngói đại và ngói ống. Miếu thờ Đức Khổng Tử có nhiều cặp liễn đối và hoành phi mang giá trị lịch sử văn hoá và cho thấy lòng hiếu học của dân chúng Nam kỳ. Chính điện làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Tượng đức Khổng Tử được đặt thờ ở giữa, hai bên là bốn vị cao đồ. Ngoài ra, bàn thờ bên tả hữu còn thờ cúng 12 vị học sĩ cao đồ khác. Bên ngoài hai ngôi miếu nhỏ (Tả vu, Hữu vu) được xây dựng làm nơi tưởng nhớ đến 72 vị học trò danh tiếng của Khổng Tử. Văn Xương Các nằm ngay bên phải lối vào khu di tích, hai bên có hai khẩu thần công. Những khẩu súng cổ này từ năm 1921 đã được đặt tại cầu tàu (trước viện Bảo tàng Vĩnh Long hiện nay). Năm 1937 mới mang tới Văn Thánh Miếu và năm 1960 được đặt uy nghi trên bệ xây. Văn Xương Các xây theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Trên gác là nơi cất sách và thờ Văn Xương Đế Quân, một vị tinh quân chủ quản việc thi cử học hành. Tầng dưới, gian giữa là nơi văn nhân thi ngồi đàm đạo, phía sau là khám thờ chạm trổ tinh vi, trong đặt hai bài vị, có câu đối ca tụng hai sĩ tử đứng đầu đất Gia Định là Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản. Hàng năm tại điện Đại Thành có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan Thanh Giãn vào các ngày 4 và 5 tháng Bảy âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng Mười âm lịch. Vào dịp diễn ra lễ hội, Văn Thánh Miếu đón đông đảo du khách thập phương về tham dự.

Vĩnh Long

Từ tháng 1 đến tháng 12

262 lượt xem

Khu du lịch Vinh Sang

Khu du lịch Vinh Sang là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Vĩnh Long, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến với khu du lịch Vinh Sang, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về mảnh đất và con người vùng sông nước Miền Tây. Khu du lịch Vinh Sang nằm ở đầu cù lao An Bình, dọc theo bờ sông Cổ Chiên, đối diện cầu Mỹ Thuận, thuộc tổ 14, ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Khi du lịch Vĩnh Long, muốn tới khu du lịch Vinh Sang, bạn sẽ cần đi qua bến phà An Bình sau đó theo biển chỉ dẫn đi thêm 3km là tới. Từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đi khoảng 35 km theo hướng đường Cao tốc Sài Gòn – Tiền Giang, hết cao tốc du khách rẽ phải về hướng cầu Mỹ Thuận, đi thêm khoảng 60 km nữa du khách sẽ tới cầu Mỹ Thuận nổi tiếng, đây là cây cầu dây văng đầu tiên ở Miền Tây, bắc qua sông Tiền nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Vừa xuống dốc cầu Mỹ Thuận du khách rẽ trái về hướng đi Vĩnh Long, đến ngã 3 đầu tiên tiếp tục rẽ trái ra bờ sông đi đến bến tàu Vinh Sang. Từ đây du khách sẽ đi tàu qua cù lao An Bình để đến khu du lịch Vinh Sang. Với diện tích khoảng 2,2 ha, Vĩnh Sang là một khu vườn thiên nhiên rộng lớn có hệ thống kênh rạch liên thông nhau với đa dạng các loại cây ăn trái, không gian đặc trưng của miệt vườn sông nước miền Tây Nam bộ. Đây còn là nơi bảo tồn nhiều loài chim, thú quý hiếm và là một khu vui chơi giải trí hấp dẫn với hàng loạt các trò chơi dân gian và hiện đại. Đến khu du lịch Vinh Sang, du khách được tận hưởng cảm giác thoải mái, không khí trong lành ở một vùng quê, có dịp khám phá cuộc sống miệt vườn Nam Bộ. Điểm thu hút du khách nhất đó chính là được tham quan miệt vườn trong khu du lịch Vinh Sang. Có rất nhiều loại cây ăn trái trong vườn như chôm chôm, dâu, xoài,.. và khách mua vé vào vườn có thể được ăn thoải mái no nê. Ở khu du lịch Vinh Sang có rất nhiều trò chơi phù hợp với nhiều lứa tuổi. Đối với những bạn thích cảm giác mạnh thì có thể chơi trò câu cá sấu, cưỡi đà điểu, trượt cỏ. Còn nếu muốn tham gia các trò chơi đồng quê thì có thể lựa chọn các trò như: tát ao bắt cá, bóng nước, đua thuyền thúng bắt vịt, chèo xuồng ba lá, đi dây, cầu khỉ, cầu xe đạp …vv… Trong đó trải nghiệm hóa thân thành những người nông dân Nam Bộ đích thực thống với chương trình mò cua bắt ốc trong rang phục bà ba đen và chiếc khăn rằn truyền thống được nhiều người yêu thích nhất. Du khách sẽ được trở về tuổi thơ và nhớ những ngày xưa thân thương cùng nhau tham gia chương trình mò cua bắt ốc, được tự tay dùng những cây móc cua thọt sâu vào trong hang và lôi ra những chú cua khỏe mạnh đang giơ hai càng lên giống như đang chiến đấu với kẻ thù. Sau khi bắt hết cua và ốc lên, du khách được tự tay chế biến thành món cua ốc luộc sả trong nồi đất, chấm với muối ớt chanh cay nồng, cùng uống thêm rượu nếp Vinh Sang chắc chắn sẽ làm lưu luyến quý du khách gần xa. Đặc biệt, Khu Du Lịch Vinh Sang còn có một đàn Đà điểu Châu Phi với hơn 60 con trưởng thành. Đây là loài chim to lớn nhất thế giới được nuôi dưỡng và phát triển ngay giữa đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Giữa thiên nhiên tươi mát của miền Tây Nam Bộ du khách được thoả thích hóa thân thành những chú “Hugo cưỡi đà điểu ” chạy tung tăng trên bãi cát. Đây là một dịch vụ được các bạn trẻ rất ưa chuộng. Ngoài những trò vui chơi giải trí, khu du lịch Vinh Sang còn mang đến những nét đặc trưng rất riêng của vùng sông nước Nam Bộ. Bằng tàu du lịch, bạn có thể vào sâu trong các con rạch nhỏ, tham quan những làng nghề truyền thống nổi tiếng của miệt vườn Nam Bộ nằm ven sông; thưởng ngoạn nghề làm kẹo dừa truyền thống, nghề nấu rượu nếp của người dân cù lao An Bình; thăm thú vườn chim với hơn 12 loài, gần 1.000 con cư ngụ trong một ao nước rộng 0,5ha. Nhà hàng Vinh Sang nằm ở trong Khu Du Lịch với hệ thống gồm 3 nhà hàng lớn nhỏ và các tum ăn uống dọc theo sông Cổ Chiên chuyên nấu các món ăn dân dã của người miền tây sông nước: như cá nướng trui, lẩu mắm, vịt nướng, lẩu vịt nấu chao, lẩu cua đồng…. Trong đó phải kể đến những món ăn vô cùng lạ, ngon miệng được chế biến từ thịt cá sấu và thịt đà điểu, đặc biệt là lẩu gà nòi chanh quế được xếp vào danh sách 99 món ngon Việt Nam. Sau khi vui chơi và ăn uống xong du khách sẽ được xem hát bội – đây là một loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam, thường diễn những tuồng tích xưa mang tính kinh điển, trang phục diễn phong phú về màu sắc, kiểu dáng được quy định riêng cho từng nhân vật, kết hợp âm nhạc và vũ điệu đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn cho người xem, có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ hay sự khác biệt về văn hóa. Lần đầu tiên tại Miền Tây bộ môn nghệ thuật truyền thống này đang được tỉnh Vĩnh Long nổ lực phục hưng, bảo tồn và quảng bá đến với du khách trong nước và quốc tế.

Vĩnh Long

Tháng 11 đến tháng 4

247 lượt xem