Điểm du lịch

Vườn cây trái Vĩnh Kim

Là một trong những vựa trái cây lớn nhất khu vực Nam Bộ, tại Tiền Giang có rất nhiều vườn trái cây nổi tiếng khác nhau như vườn trái cây bên trong khu du lịch Cù lao Thới Sơn, Cồn Lân Tiền Giang. Trong đó, Vườn trái cây Vĩnh Kim nằm tại huyện Châu Thành vẫn là cái tên nổi tiếng nhất và thu hút đông đảo người ghé đến tham quan mỗi ngày. Nơi đây có không gian tươi mát, rộng rãi và thoáng gió nên cực kỳ thích hợp để bạn thỏa thích ngắm cảnh, thư giãn cũng như thưởng thức nhiều loại trái cây thơm ngon, hấp dẫn. Mùa hè tới cũng là lúc Vườn trái cây Vĩnh Kim đón một lượng lớn người đến tham quan bởi đây cũng là lúc trái cây vào mùa thu hoạch. Nằm cách Sài Gòn chừng 70km, nếu di chuyển đến Vườn trái cây Vĩnh Kim bằng xe máy, bạn sẽ mất gần 2 tiếng để đến nơi. Tùy vào từng phương tiện bạn lựa chọn mà quãng đường có thể sẽ ngắn hơn hoặc dài hơn 2 tiếng. Sau khi đặt chân đến Tiền Giang, bạn có thể hỏi người dân địa phương để được hướng dẫn di chuyển đến đúng nơi mà không lo bị lạc. Dưới đây chính là hướng dẫn Đường đi vườn trái cây Vĩnh Kim mà bạn nên lưu lại trước khi lên đường. Khoác lên mình vẻ đẹp bình dị, dân dã, Vườn trái cây Vĩnh Kim chính là điểm đến lý tưởng dành riêng cho những ai đang kiếm tìm một nơi bình yên, không xô bồ để nghỉ ngơi. Khí hậu miền Tây khá nắng nóng nhưng bù lại khoảng không xanh bên trong Vườn trái cây Vĩnh Kim đã xoa dịu bớt nắng gắt bên ngoài, tạo nên một nơi vô cùng mát mẻ để bạn thoải mái nghỉ ngơi, thư giãn. Tại Vườn trái cây Vĩnh Kim trồng rất nhiều loại trái cây khác nhau như Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng, bưởi, nhãn...Mỗi loại trái cây đến mùa thu hoạch đều tỏa hương thơm ngát khiến bất cứ ai đã đặt chân đến đây đều không thể kiềm lòng được. Đến với Vườn trái cây Vĩnh Kim, bạn sẽ được "chiêu đãi" bằng một bữa tiệc trái cây thịnh soạn, thơm ngon và vô cùng hấp dẫn.

Tiền Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

264 lượt xem

Miệt vườn cái Bè

Miệt vườn Cái Bè là một khu vực trồng cây ăn trái rộng rãi nằm theo bờ sông Tiền và thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi với đất đai màu mỡ, khí hậu thích hợp cho các loại cây ăn trái phát triển mà vườn lúc nào cũng sum suê trĩu cành. - Địa chỉ: Đường Trưng Nữ Vương, Khu 2, Cái Bè, Tiền Giang Trên diện tích đất rộng khoảng 1500ha ven bờ Bắc sông Tiền có nhiều loại cây ăn trái được trồng với đủ chủng loại khác nhau. Đặc biệt các loại cây ăn trái tại đây còn ra trái quanh năm, hình thức trái căng tròn và mọng nước cực hấp dẫn. Hương vị ngon ngọt của trái cây đều nhờ vào chất lượng đất phù sa màu mỡ bồi đắp cho sông Tiền hằng năm. Bởi nhận thấy xu hướng đi khám phá vườn trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long đang ngày một nở rộ, người dân địa phương đã cho ra đời các tour tham quan kết hợp thưởng thức trái cây ngay vườn. Chắc họ cũng không ngờ rằng số người hưởng ứng lại đông đảo đến thế. Nhiều khách tham quan còn thích thú đến check-in ngay Miệt vườn Cái Bè để làm phong phú thêm cho album của mình. Nếu bạn là người mới lần đầu đến Miệt vườn Cái Bè thì có lẽ sẽ rất bỡ ngỡ không biết nên bắt đầu đi từ đâu. Thực chất miệt vườn nay là khu vực trồng cây ăn trái rộng lớn phía bờ Bắc sông Tiền và cách huyện Cái Bè khoảng 5km, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 130km. Nếu xuất phát từ TP.HCM bạn có thể di chuyển theo phương án sau đây. Đầu tiên chúng ta sẽ di chuyển theo hướng quốc lộ 1A, sau đó chạy thẳng đường QL1A băng qua Long An, Mỹ Tho, Cai Lậy thì sẽ đến huyện Cái Bè. Sau khi đến trung tâm huyện bạn nên hỏi thăm người dân địa phương đường đi ngắn nhất để đến Miệt vườn Cái Bè. Để đi hết quãng đường này thường chúng ta phải tốn khoảng 3 – 4 tiếng chạy bằng xe máy. Theo kinh nghiệm được nhiều người chia sẻ lại thì để đỡ mệt chúng ta nên ghé Mỹ Tho nghỉ ngơi, ăn uống hẵng tiếp tục hành trình đi Tiền Giang. Tuy nhiên tốt nhất là bạn hãy chọn lộ trình di chuyển trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, sau đó tiếp tục đi theo hướng DT878 ra QL1A. Lộ trình này chúng ta chỉ phải di chuyển khoảng 110km. Miệt vườn Cái Bè sở hữu diện tích lớn và chiếm 1/3 diện tích cây ăn quả của cả tỉnh. Miệt vườn được các con kênh rạch, dòng sông bao bọc tạo nên một không gian vô cùng nên thơ. Có thể nói điểm đặc sắc nhất của nơi đây chính là ở những loại hoa quả đa dạng, đủ màu sắc sai trĩu cành. Khi ghé thăm phần đông mọi người sẽ có cảm giác như đang lạc giữa vườn địa đàng. Vườn có những loại đặc sản Tiền Giang mang đậm dấu ấn miền Tây như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Cái Mơn, cam sành, cam mật các loại… Nếu đã thưởng thức rồi bạn sẽ nhận thức được điểm khác biệt giữa trái cây miệt vườn tại đây so với những nơi khác. Sau khi đã thỏa thích ngắm nhìn cây trái sai trĩu cành thì mọi người có thể tự tay hái cây trái ngay tại vườn. Đặc biệt nếu mua trái cây ngay vườn mang về thì giá thành cũng vô cùng rẻ hơn so với thành phố nữa đấy. Tới Miệt vườn Cái Bè bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên mang đậm nét đặc trưng của miền quê sông nước, nơi mà ta được hòa mình vào không gian thiên nhiên, nếp sinh hoạt ở miền sông nước đặc trưng. Đó là cuộc sống mang đậm chất mộc mạc, giản dị với người dân hiền lành và chất phác, xóa nhòa đi những bộn bề tấp nập trong cuộc sống thành thị. Tại Miệt vườn Cái Bè có một khu vực để các gia đình hay đoàn khách tham quan thưởng thức ẩm thực. Ở đây chúng ta sẽ được nhâm nhi nhiều món đặc sắc khác nhau như cá lóc rút xương, cá tai tượng chiên xù… mang hương vị đặc trưng của khu vực. Giá đồ ăn ở đây thì được đánh giá là hợp lý, thậm chí là khá rẻ và không chặt chém. Các loại cây trái ở Miệt vườn Cái Bè thì xuất hiện quanh năm nên lúc nào chúng ta cũng có thể thưởng thức. Tuy nhiên thời gian lý tưởng nhất để ghé thăm chính là vào khoảng tháng 6 – tháng 8. Đây cũng là khoảng mùa thu hoạch trái cây nên cả khu vực sẽ sực mùi thơm thoang thoảng của trái cây chín vô cùng quyến rũ. Có thể nói đến với Miệt vườn Cái Bè chúng ta sẽ được hòa mình vào không khí thu hoạch trái cây sôi động và càng thêm yêu mến sự chân thành, chất phác của con người miền Tây nói riêng và Tiền Giang nói chung.

Tiền Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

263 lượt xem

Cù Lao Thới Sơn

Nằm trong cụm cồn tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) thì Cù Lao Thới Sơn còn được gọi là cồn Thới Sơn hay cồn Lân. Đây là điểm du lịch miệt vườn Hấp Dẫn toạ lạc tại TP Mỹ Tho, với phong cảnh sông nước hữu tình và nhiều loại trái cây thơm ngọt sẽ níu chân du khách đến với Cồn Lân. Cồn Thới Sơn là cồn lớn nhất trong số 4 cồn trên sông Mỹ Tho (là một đoạn của sông Tiền) có diện tích khoảng 1.200 hecta với nhiều mương rạch chằng chịt. Tuy cùng nằm trên một khúc sông, nhưng cồn Rồng (còn gọi là cù lao Tân Long hay cồn Long) và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; trong khi cồn Quy và cồn Phụng (cồn nhỏ nhất) thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Dân cư ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn quả (nhiều nhất là cây nhãn và Sapôchê), nuôi ong, đánh bắt và nuôi thủy sản. Đến với Cồn Thới Sơn, bạn sẽ được trải nghiệm hình thức du lịch đặc trưng của miền sông nước, đó là đi xuống đò xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi tản bộ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê, và ngồi nghỉ trong những nhà vườn uống trà mật ong và nghe đàn ca tài tử. Điểm đặc biệt hấp dẫn là bạn có thể đi xe ngựa dạo quanh các vườn cây ăn trái. Một tour đi xe ngựa sẽ chở được khoảng 4 người và đưa bạn đến các địa điểm tham quan như: các làng nghề truyền thống, các vườn trái cây,… Đến đây, ngoài việc tham quan và trải nghiệm các dịch vụ du lịch ở Cồn thì bạn còn được thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây như bánh xèo, cá lóc chiên xù/nướng trui cuốn bánh tráng,…

Tiền Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

241 lượt xem

Chùa Vĩnh Tràng

Nếu ai đã một lần đặt chân tới Tiền Giang thưởng thức hương vị sông nước miệt vườn của cù lao Thới Sơn, ngắm khu bảo tồn thiên nhiên ở trại rắn Đồng Tâm nhưng chưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp kết hợp nét kiến trúc châu Âu lẫn châu Á của chùa Vĩnh Tràng thì chưa thể gọi là chuyến đi trọn vẹn. Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa thờ phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1984. Chùa bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỉ 19 bởi ông bà Bùi Công Đạt. Năm 1894, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Chính vì vậy, người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng. Năm 1907, Hòa thượng Trà Chánh Hậu cho sửa chữa phần chánh điện, pha trộn cả nét kiến trúc Á - Âu. Năm 1930, Hòa thượng Minh Đằng cho trùng tu toàn diện để chùa có diện mạo như ngày hôm nay. Là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Nam bộ, điểm nhấn của chùa Vĩnh Tràng là cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ. Từ màu sắc của các loại sành sứ, những nghệ nhân xưa đã khéo léo xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ. Các bức thủ quyển mềm mại ghi những câu Phật hiệu bằng nét chữ điêu luyện: Trấn tịnh sơn môn, Quảng đại nguyện môn, Tịnh độ huyền môn… Gồm có bốn hạng mục nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu), ngôi chùa có diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc. Riêng mặt trước của tiền đường thì được xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa Âu – Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Đi vào bên trong ta sẽ thấy một màu vàng óng ánh được thếp trên các hình chạm, trên các tượng phật. Đáng chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong ngôi chính điện, đó là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu "thượng thu hạ cách". Nhìn từ xa du khách sẽ có cảm tưởng chùa như một ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Châu Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong, với bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú cùng hoa văn thời phục hưng, vòm cửa kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật. Bên trong chánh điện và nhà tổ lại mang đậm nét kiến trúc Việt Nam, các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc rất khéo léo và tinh xảo với những hình ảnh vui tươi và sống động. Không gian bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Chẳng hạn như giữa lòng cột cái là bộ bao lam bát tiên kỵ thú. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 1907 - 1908 do những nghệ nhân tại địa phương thực hiện. So với các bộ bao lam xung quanh, bộ này có niên đại sớm hơn, nhưng đạt trình độ mỹ thuật cao hơn. Đây là một bức phù điêu hiếm có của những năm đầu thế kỷ 20, chứng tỏ nghệ thuật tạo hình ở Nam bộ phát triển khá sớm. Bốn cột cái của chùa Vĩnh Tràng đều treo long trụ. Đôi phía ngoài chạm tứ linh do bà Lê Thị Ngởi ở Ba Tri (Bến Tre) hiến cúng vào năm 1909. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng. Có thể nói toàn bộ cái đẹp của chùa Vĩnh Tràng đều tập trung vào nghệ thuật tạo hình, trong đó phần tượng chiếm đa số. Đặc biệt, tại chùa còn có Bộ tượng mười tám vị La Hán không thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương. 18 bức tượng này nằm ở hai bên tường chánh điện, được tạc từ gỗ mít, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m. Các vị La Hán đều cưỡi thú, trên tay cầm bửu bối. Lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam bộ, nhưng lại thành công trong việc mô tả cảm xúc đặc trưng của từng vị La Hán, chứng tỏ ngoài tay nghề, tác giả còn khá am tường giáo lý nhà Phật. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường xác định những pho tượng đẹp nhất của chùa này là do thầy trò nghệ nhân Tài Công Nguyên thực hiện khoảng đầu thế kỷ 20. To nhất là tượng Di Đà do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp khuyến thiện trừng ác… Tất cả thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Xung quanh chùa là những vườn cây cảnh trồng nhiều loại hoa thơm cỏ lạ, những hồ nước thơm ngát hương sen và những cây cổ thụ che trùm bóng mát, tạo nên sự hài hòa tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên với không gian kiến trúc, khiến chùa thêm cổ kính, thâm nghiêm. Nổi bật giữa hoa viên là pho tượng phật Di Đà cao 24m (bệ 6m, tượng 18m). Tượng màu trắng, diễn tả Phật đang đứng trông nom chúng sinh các cõi. Tượng Phật được nhiều người địa phương cho là biểu tượng của ngôi chùa hiện nay. Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km, Vĩnh Tràng được xem là ngôi chùa cổ danh tiếng và là một công trình kiến trúc đặc sắc. Có thể nói rằng vẻ đẹp của chùa tập trung ở nghệ thuật tạo hình và cũng chính là sự phản ánh lịch sử mỹ thuật của mảnh đất Tiền Giang. Ngày nay, chùa đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của những du khách trong nước cũng như nước ngoài khi có dịp đến tham quan thành phố Mỹ Tho. Hơn thế nữa còn là nơi nghiên cứu tìm hiểu của nhiều người khi đến tham quan ngôi chùa ấn tượng này.

Tiền Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

246 lượt xem

Chợ nổi cái Bè

Khu chợ nổi là nơi tiếp giáp của ba tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, một trong ba chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, cùng chợ nổi Cái Răng, Ngã Bảy nên chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,… Du khách có thể đến chợ nổi bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô cá nhân, xe khách… nhưng thú vị nhất vẫn là đi bằng xe máy. Du lịch chợ nổi Cái Bè bằng xe máy sẽ là một trải nghiệm mới mẻ, mang đến cho du khách nhiều kỷ niệm khó quên. Đoạn đường dài gần đến 80km, bạn có thể di chuyển theo hướng đi đường Kinh Dương Vương ra Quốc lộ 1A rồi qua Võ Văn Kiệt. Tiếp đến, bạn rẽ vào tỉnh lộ 875 tìm đường đến Trưng Nữ Vương, sau đó chạy thêm một đoạn nữa là sẽ gặp chợ nổi Cái Bè. Ở đây, nếu bạn muốn tận mắt thấy các hoạt động đông đúc, tấp nập xuồng ghe và xem các hình thức buôn bán dưới nước, bạn nên đi từ vào lúc sáng sớm, bình mình vừa hé rạng. Buổi sáng là lúc chợ nhộn nhịp, buôn bán nhiều nhất và tập trung nhiều loại nông phẩm. Bạn nên chú ý giờ tan chợ là vào lúc 8h để tránh trường hợp đến muộn. Với những ai thích khoảng lặng và yên bình nên tham quan chợ nổi vào buổi chiều, xem nét sinh hoạt của những con người trên ghe thuyền, một trong những đặc trưng của Tây Nam Bộ. Buổi chiều, bạn nên đi khoảng từ 16h, khi trời bớt nắng. Bạn sẽ có những phút giây ngắm hoàng hôn trên sông nước. Hoàng hôn cũng là lúc cả khu chợ nổi lên đèn, mang chút thơ mộng và trầm buồn. Đây được xem là lúc đẹp nhất, lung linh nhất của vùng chợ nổi này. Chợ nổi tại tỉnh Tiền Giang là nơi ghe tàu đến trao đổi hàng hóa. Nơi đây vẫn giữ được nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa của chợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nổi bật là trạm trung chuyển trái cây và sản vật đi mọi miền. Mỗi thuyền đều được treo sào để người mua dễ nhận biết và không phải rao mời. Để có thể thăm quan một vòng khu chợ nổi này, bạn có thể thuê thuyền đi chợ nổi Cái Bè khoảng từ 10 đến 15 chỗ ngồi, giá tầm khoảng từ 500.000 – 800.000 đồng. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm thú vị ở đây thì có thể thuê chiếc xuồng ba lá đậm chất miền Tây, với giá rẻ hơn từ 150.000 – 200.000 đồng cho 3 – 5 người ngồi. Nếu bạn có nhu cầu mua vé trọn gói để có thể tham quan khu chợ nổi, các làng truyền thống, vườn trái cây và đàn ca tài tử,… Với nhiều hàng hóa đa dạng, chợ nổi Cái Bè nổi tiếng với các loại trái cây chuyên canh như bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè,…và có lượng trái cây nhiều nhất ở Tiền Giang và là nơi các tỉnh khác đến đây để mua hàng như Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau,… Ngày nay, do nhu cầu của người dân, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang không chỉ buôn bán trái cây hay các loại nông phẩm, mà còn cả các món ăn. Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ: bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, bún giò, cà phê, trà đà… Du khách đến đi sẽ có dịp trải nghiệm những phút giây thư thái giữa bốn bề sông nước, nhâm nhi tách cà phê. Khoảng từ 13-16h, khi nước ròng, những bãi cù lao nổi lên, những người ở nhiều cù lao lân cận, đặc biệt là những người trong vùng, kéo đi tắm bùn. Hàng trăm ghe thuyền chạy ngược xuôi náo nhiệt cả khúc sông. Chợ nổi Cái Bè là một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Bởi vậy, nếu có dịp đến Tiền Giang thì đừng bỏ qua cơ hội để trải nghiệm những điều thú vị tại vùng quê này.

Tiền Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

237 lượt xem