Điểm du lịch

Hậu Giang

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tọa lạc tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cách thành phố Vị Thanh khoảng 40km. Với tổng diện tích trên 2.800ha trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh, không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của đồng bằng Sông Cửu Long, Lung Ngọc Hoàng còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo nhất cả nước hiện nay. Theo tiếng địa phương, “lung” là vùng đất trũng lầy hoang dã. Lung Ngọc Hoàng diễn giải nôm na là “Vùng đất trũng ngập nước của ông Trời”. Dân gian tương truyền, ngày xưa nơi đây có nhiều đàn voi (tượng) di chuyển, kiếm ăn từ nơi này sang nơi khác, những bầy voi đi làm lún đất, sụt lở, tạo thành những lung, vũng, mương, bàu, lạch. Lâu lâu Ngọc Hoàng hạ giới xuống trần du ngoạn tại đây nên dần dần lung này có tên Lung Ngọc Hoàng! Lung Ngọc Hoàng là vùng đất ngập nước mang đầy vẻ hoang sơ, huyền bí, tồn tại từ rất lâu đời. Ngày xưa, nơi đây được mệnh danh là “vùng đất chết”, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao ngút ngàn. Đi lạc vào vùng này, khó có thể tìm được lối ra, do địa hình mênh mông và dây leo chằng chịt, hoang sơ, vắng vẻ. Theo sách “Địa chí Cần Thơ” (2003), khoảng trên 120 năm về trước, đã có người đến khai khẩn Lung Ngọc Hoàng. Trước năm 1945, có nhiều địa chủ đã thuê người vỡ đất làm ruộng và khai thác cá. Về sau, do chiến tranh, Lung Ngọc Hoàng hoang hóa, rồi trở thành căn cứ cách mạng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trước kia khu vực này được giao cho Lâm trường Phương Ninh đầu tư trồng cây tràm, khai thác nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường. Đến năm 2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được chính thức thành lập trở thành điểm đến nổi bật nhất của du lịch Hậu Giang. Nơi đây được biết đến là vùng ngập nước và là nơi trú ngụ, sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, với hàng trăm ngàn cây tràm nối tiếp nhau vươn cao gần chục mét. Các nhà nghiên cứu cho biết khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới phát hiện. Lung Ngọc Hoàng là khu sinh học đa dạng với nhiều hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước khác nhau. Đó là các loài dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân tràm, lau, sậy, bòng bong… Những loài trên cạn cũng khá nhiều như trâm sắn, ngái lông, mua, gừa…vv. Lung Ngọc Hoàng cũng quy tụ nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang…Với hệ thống lung trũng phong phú và hoang sơ kết hợp với rừng tràm được bảo vệ nghiêm ngặt, Lung Ngọc Hoàng là nơi thích hợp cho các loài lưỡng cư, cá tôm về sinh sống nhiều vô kể. Nơi đây từng được ví như cái rốn cá của khu vực phía tây sông Hậu. Để tham quan khám phá rừng tràm, bạn phải mua vé thuê những chiếc tắc ráng (còn gọi là vỏ lãi). Bước vào Lung Ngọc Hoàng du khách có cảm giác như lạc vào một vùng trời cổ tích, thanh bình và đượm chất hoang vu như Lung Sen, Lung Trăn, Lung Chuối Nước. Về Lung Ngọc Hoàng, bạn sẽ có dịp đi xuồng len lỏi trong rừng tràm rợp mát, xem tận mắt những gốc tràm to lớn, xòe bộ rễ như chiếc đầm độc đáo…. Du khách sẽ gặp những cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy le le, cò trắng chập chờn tung cánh. Càng vô sâu khung cảnh càng trở nên hoang dã và thơ mộng.Thú vị hơn, bạn có thể đi câu và được hướng dẫn kéo vó, đặt lờ, lộp bắt cá… đúng chất nông dân. Từ tháp quan sát cao 21m đặt giữa trung tâm lung Ngọc Hoàng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng tràm chạy ngút ngàn, những dòng kênh lượn quanh… mang đến cảm giác sảng khoái khi được đắm mình giữa bốn bề thiên nhiên xanh mát, trong lành. Bạn có thể tới khu vực nhà hàng với các chòi lá nhỏ để thưởng thức những món ăn ngon hấp dẫn như: cá lóc nướng trui, lươn um, vịt trời gác bếp, cá thác lác rút xương đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang.. Một bữa ăn mang đậm hương vị miền Tây và rất dân dã giữa khung cảnh thơ mộng của khu rừng này, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với du khách.

Hậu Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

1127 lượt xem

Khu văn hóa lịch sử Long Mỹ

Từ trung tâm thị trấn Long Mỹ theo đường liên xã qua Thuận Hưng, Xà Phiên sẽ đến xã Lương Tâm là nơi di tích đền thờ Bác Hồ. Di tích được xây dựng trên vùng đất phía Bắc nơi ngã tư của hai con kinh Long Mỹ II và Năm Căn giao nhau; cách thị trấn Long Mỹ 21 km; nằm cách thị xã Vị Thanh khoảng 28km, cách TP Cần Thơ 78 km về phía Tây Nam. Long Mỹ là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Hậu Giang và khu Tây Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến với Long Mỹ, du khách sẽ được ghé thăm khu đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm do Đảng bộ và quân dân Long Mỹ lập nên từ năm 1969 khi Bác mất. Đền thờ nay đã được trùng tu khang trang hơn với nhiều hàng rào, đền chính, trên một khu đất rộng 1 ha. Hàng năm vào ngày 19/5 và 2/9 đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, tưởng niệm. Ngoài ra Long Mỹ còn có khu “di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn ngụy”, tại xã Vĩnh Viễn, đây là công trình giúp khách tham quan tìm về quá khứ oanh liệt của cha ông ngày trước. Trong khu di tích còn có rất nhiều khu chơi, giải trí đang ngày càng hoàn thiện để thu hút nhiều du khách đến đây hơn nữa. Đến với Long Mỹ, ngoài việc tham quan các khu di tích, khách du lịch còn được ngắm nhìn những chú cò cùng những loài chim độc đáo đặc trưng của miền sông nước miền Nam. Đây là khu vườn cò độc đáo nhất của tỉnh Hậu Giang với hàng chục ngàn con cò các loại cùng hàng chục loài chim…một nơi còn nguyên nét nguyên sơ vốn có. Bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình thanh thản lạ thường khi nhắm mắt lại, lắng nghe bản hòa tấu của những loại chim hoang dã……Tại đây, khách tham quan còn được thưởng thức trái cây mới hái tại vườn, ngắm nhìn ánh nắng chiều le lói qua những tán cây cùng từng đàn chim sải cánh bay về tổ….Thật đúng là một nơi yên bình cách xa những ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố đầy những lo toan, bộn bề.

Hậu Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

1089 lượt xem

Chợ nổi Ngã Bảy

Chợ nổi là một nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước, nhắc đến chợ nổi miền Tây thì không thể không nhắc đến chợ nổi Ngã Bảy – Phùng Hiệp. Hình ảnh quen thuộc với du khách là những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, cây bẹo cao cao để giới thiệu sản phẩm được bán để người mua dễ chọn lựa. Không chỉ là nét văn hóa độc đáo, là “hồn sông nước”, chợ nổi Ngã Bảy còn lưu dấu bước chân tiền nhân, thể hiện tập quán văn hóa thương hồ của ông cha đã gần một thế kỷ trên vùng đất phù sa màu mỡ. Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp nức tiếng một thời, bởi bề dày lịch sử hơn trăm năm và không khí mua bán nhộn nhịp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi Ngã Bảy hình thành vào khoảng năm 1915, sau 10 năm đào kênh xáng ở đây. Chợ nằm ngay nơi giao nhau của 7 tuyến sông: Cái Côn, Mang Cá, Búng Tàu, Sóc Trăng, Xẻo Môn, Lái Hiếu, Xẻo Vong. Nhiều làng nghề đã hình thành dọc tuyến sông như đóng ghe, đan cần xé, trồng rẫy… Với chợ nổi Ngã Bảy, việc tụ họp tại 7 nhánh sông đã trở thành một nét riêng khó hòa lẫn và sẽ là điều bí ẩn thu hút những ai thích du lịch Miền Tây khám phá, bởi mỗi nhánh sông có một làng nghề đặc trưng không giống nhau… Nơi đây cũng đã đi vào thơ, nhạc càng làm say đắm lòng người. Ở Nam bộ có nhiều chợ nổi nhưng không chợ nào “nổi” bằng chợ Ngã Bảy về quy mô, sự sung túc cũng như cái danh, cái thế của nó. Ngày trước, vùng tâm chợ Ngã Bảy có trên 1.000 ghe tàu lớn nhỏ; dịp cao điểm tết có khi đến hơn 3.000 chiếc; đò ngang cũng hàng trăm chiếc. Đêm xuống đèn dầu, đèn bình giăng giăng bập bềnh theo sóng nước suốt canh thâu như hội hoa đăng, thật kỳ thú.. Chợ nổi Ngã Bảy thường nhóm vào tờ mờ sáng hằng ngày. Từ 5 đến 8 giờ sáng là cao điểm cho việc mua bán nông sản tươi. Từ đó đến chiều và tối, chợ vẫn tiếp tục hoạt động. Hàng hóa ở chợ nổi vô cùng đa dạng, nhất là trái cây. Theo từng mùa, nhìn vào cảnh xuồng ghe tấp nập, đầy ắp trái cây, du khách sẽ biết được đang là vụ chính của loại trái cây nào. Một điểm tạo nên dấu ấn khó quên là khi mặt trời lên, cũng là lúc những ghe chở hàng tỏa đi nhiều hướng. Du khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của những món ăn dân dã, được bày bán trên những chiếc xuồng nhỏ: Cháo lòng, bún, hủ tiếu… nóng hổi hay nhâm nhi ly cà phê sóng sánh, nghe kể chuyện ”Tình Anh Bán Chiếu” vô cùng thú vị. Từ buổi sớm tinh mơ, khi bầu trời còn giăng một màn sương mỏng, hàng trăm chiếc thuyền của bà con rộn ràng kéo về đây như trẩy hội. Ta có thể bắt gặp rất nhiều màu sắc, âm thanh khác nhau tạo nên một không khí nhộn nhịp, tươi vui… Màu đỏ tươi của chôm chôm, màu vàng ươm của những trái xoài cùng vị thơm ngọt của sầu riêng… những loại trái cây tươi ngon được hái trong ngày cho kịp buổi chợ sớm. Nhìn trên cao, cả khúc sông giống như một dải lụa lung linh đầy màu sắc. Tất cả đều là những đặc sản trái cây miền Tây Nam Bộ thơm ngon với giá rất phải chăng. Đặc biệt, ở đây không cần quảng cáo hay rao bán, mỗi thuyền đều có một cây dài treo những món hàng mà mình bán lên, như một “bản hiệu sống”, người mua không phải mất công tìm kiếm. Ngoài ra, chợ còn có những ghe nhỏ bán thức ăn len lỏi qua các thuyền lớn một cách điêu luyện. Năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) được di dời đến vị trí trên kênh Ba Ngàn thuộc xã Đại Thành, cách vị trí cũ khoảng 3 km do chợ quá sầm uất, nhiều phương tiện neo đậu gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm… Từ khi được dời về kênh Ba Ngàn chợ không còn nhộn nhịp và dần chìm vào quên lãng vì sự thưa thớt ghe xuồng, không đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Hình ảnh tấp nập mua bán “trên bến dưới thuyền” ngày nào, giờ chỉ còn lưu lại trong ký ức của người dân nơi đây. Để cứu chợ nổi Ngã Bảy, phát triển du lịch Hậu Giang sông nước miệt vườn, năm 2015 tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hệ thống đường giao thông, bến tàu khách du lịch, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ di dời chợ nổi Ngã Bảy về vị trí cũ trở thành một điểm nhấn du lịch, không phải của riêng Ngã Bảy, mà cả của tỉnh Hậu Giang.

Hậu Giang

Từ tháng 1 đến tháng 12

1043 lượt xem