Điểm du lịch

Khu du lịch sinh thái Thác Lăn

hác Lăn nằm cách trục quốc lộ số 2 km rất thuận tiện cho du khách đến vãn cảnh, thư giãn sau cuộc hành trình khám phá bí ẩn của động Tiên. Từ km 57 tuyến đường Tuyên Quang - Hà Giang rẽ trái về thác lăn, du khách có dịp đi qua những dãy nhà sàn sinh sắn lúc ẩn lúc hiện nằm xên kẽ vời những cánh rừng nguyên sinh, nơi đuôi của thác nước đi qua là những vườn cam vàng óng ả. Càng đi sâu vào chân thác sự hùng vĩ của thiên nhiên làm cho người ta có cảm nhận như lác vào một thế giới cổ tích. Thiên nhiên khéo ban tặng cho con người những gì tinh túy của trời đất - thác nước như một giải lụa trắng vắt qua 9 bậc đá tượng trưng cho 9 cung bậc của tình yêu thế nên người dân ở đây gọi Thác lăn là thác 9 tầng hay thác tình Yêu. Đến thác Tình yêu mọi mệt nhọc tan biến hết thay vào đó là một cảm giác thư thái dễ chịu. Dưới làn nước trong xanh là những chú cá khuy mình tròn thân dài như một cô thiêu nữ thẹn thùng nằm ẩn mình trong các kẽ đá rêu phong, trên cao là những nhánh lan rừng nằm rủ mình xuống mặt nước. Cá Khuy là giống cá cực kỳ quý hiếm mà người dân ở đây gọi là giống cá thần. Khi ánh bình minh buổi sáng lấp ló trên đỉnh thác các loại cá khuy, Cá Bảm, tôm càng, cua đá bơi lội tung tăng đùa rỡn với con người và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ bí ẩn. Có thể nói rằng đến thác Lăn để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoang sơ của thiên nhiên ban tặng. Đến lập nghiệp ở chân thác tình Yêu trên 20 năm cho đến hôm nay ông Nguyễn văn Tiếp - Một nông dân ở thôn 3 Thống Nhất mới thấm thía hết những giá trị mà thác Lăn đem lại cho con người thác lăn vừa là cảnh đẹp tự nhiên , vừa là nguồn cung cấp nước tưới cho đồng ruộng và trong tương lai nếu biết khai thác sử dụng hợp lý thác Lăn còn là nguồn cung cấp thủy điện quý giá phục vụ cho cuộc sống của con người. Thác Lăn là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn được huyện Hàm Yên đưa vào chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010, vấn đề quan trọng ở đây là đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương xã yên Phú phú phải làm tốt hơn nữa trong công tác bảo quản giữ gìn như tích cực bảo vệ rừng đầu nguồn giữ trong lành môi trường sinh thái để thác Lăn giữ nguyen vẻ hoang sơ mà thiên nhiên đã ban tặng.

Tuyên Quang

Từ tháng 1 đến tháng 12

294 lượt xem

Vườn Hoa Lê Hồng Thái

Trong nắng sớm, những vườn lê đơm hoa trắng tinh khôi ở xã Hồng Thái (Na Hang) đẹp tựa dải pha lê khổng lồ làm nao lòng du khách. Tiết xuân ấm áp cũng là dịp vườn lê bung nở hoa rộ nhất, đẹp nhất. Dù thời tiết mờ ảo bởi sương giăng dầy đặc hay trong xanh nắng vàng, được lẫn mình vào những vườn lê tuyệt đẹp ở Hồng Thái đều cho ta cảm giác tuyệt diệu chẳng muốn rời xa. Xưa, cây mận mọc hoang dã trong rừng, quả không to, màu sắc không bắt mắt nhưng ngon bởi vị chua dôn dốt, vỏ giòn và ngọt đậm. Gái Thượng Lâm duyên dáng, dịu dàng, chịu thương chịu khó. Vẻ đẹp thiên phú của người con gái Tày và đôi tay cán bông xe sợi, dệt vải, thêu thổ cẩm đã làm nên nét đẹp văn hóa ngàn đời nay của đồng bào nơi đây. Thật ngạc nhiên, hai vùng đất cách nhau cả trăm cây số, mà câu ca vẫn đưa con người và thiên nhiên đến gần nhau. Câu ca khiến đồng bào thêm tự hào, yêu quý thiên nhiên, con người miền núi xứ Tuyên. Mận và lê đã có từ xa xưa trên đất Hồng Thái, một miền đất nhiều mây trắng, lắm núi cao và lạnh hơn các vùng khác của Tuyên Quang đến vài độ. Cư dân sinh sống trên những triền núi cao, canh tác trên ruộng bậc thang chủ yếu là người Dao Tiền. Ngoài ra còn có đồng bào Mông, Tày. Sức lao động sáng tạo, cần mẫn từ đời này nối tiếp đời khác của họ đã tạc nên bức tranh quê hương miền sơn cước. Bấy lâu nay, quả mận và lê chỉ là thứ ăn chơi, đãi khách, biếu người thân, bạn bè. Rất ít khi là sản phẩm hàng hóa. Cây sống khiêm nhường trên nương đồi hay dốc núi. Xuân về, mỗi cây một dáng vẻ, dâng hiến cho đời mùa hoa trắng muốt, tinh khôi. Hình như chỉ khi cây diện áo mới, người ta mới giật mình nghĩ đến cây, đến vòng quay của tạo hóa. Hơn chục năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, lê và mận đã trở thành điểm sáng của vùng đất này. Nhất là khi Ruộng bậc thang Hồng Thái được công nhận là Danh thắng Quốc gia, cây lê đã được bà con chú tâm phát triển, chăm sóc. Những rừng lê vài ha đất tới cả trăm cây được chăm chút, tỉa cành, đầu tư hệ thống tưới nước. Cả một con đường hoa lê, dài tới 6 km, ngót 1.000 cây từ bản Khau Tràng đi thôn Nà Mụ. Mới ngày nào lê được bà con bứng trồng dọc theo con đường bê tông uốn lượn, nay lê đã trổ hoa trắng cả góc trời. Những thân cây, cành lê mốc trắng, xù xì từng mảng địa y cộng sinh, đã nứt ra những chùm nụ bé xinh. Chúng xúm xít, chen chúc bên nhau, lóng lánh tựa chùm xà tích bạc của các thiếu nữ Dao. Muôn hạt mưa li ti, đậu hờ trên cánh mỏng. Mây và sương như dải khăn voan cũng tìm đến đây trú ngụ. Bầu trời trắng đục xà xuống thấp hơn. Chúng mang hơi nước cho cây. Dưới gốc cây, cỏ vừa kịp non xanh. Sắc trắng của hoa, màu xanh của cỏ, dường như chúng đang chạy đua với mùa Xuân. Không ít du khách bất chợt thốt lên câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 là thời tiết đang rộ hoa. Từng cành hoa, chen nối nhau tựa cây cầu màu trắng vắt vẻo giữa không trung. Trên những thảm hoa, những chú ong mê mải kiếm mật, đã vô tình thụ phấn, kết trái cho cây. Khi người làm vườn quét vôi cho từng gốc cây, cây lê lúc này nhìn giống như cô gái Dao chân quấn xà cạp trắng, vừa bước lên từ cánh ruộng Khau Tràng. Đây đó, bên gốc cây lê là những mảng đá mốc meo, rêu mọc xung quanh. Đá đứng, nằm quây quần quanh gốc. Lạ thay, thứ cứng rắn, khô khốc lại hòa quyện cùng với hoa lê tinh khiết, trong ngần. Lang thang quanh bản, chúng ta sẽ gặp những mái ngói âm dương. Nhà người Dao rộng rãi, ấm áp như tấm lòng mình. Những ngôi nhà gần gụi, ở lưng núi, trên độ cao thấp khác nhau, tụ lại thành bản. Đồng bào dùng chung một nguồn nước. Mạch nước từ núi cao, quanh năm tuôn chảy, róc rách về bản, rồi chia đến mọi nhà. Nước tưới mát cho cây vườn, đồng ruộng. Hoa lê thắp sáng trên mái ngói thâm trầm, hay mái ngói làm ngời lên sắc hoa lê?. Trang phục của người Dao Tiền cũng vậy, giữa màu chàm tối, nổi lên điểm sáng của hàng khuy bạc. Thời gian trôi đi, trái lê âm thầm lớn lên, cho đến khi được thu hoạch, lại khiêm tốn trong màu nâu giản dị. Bạn có thể ngược dốc núi để khám phá những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Tuổi cây có đến cả trăm năm. Muốn thu hoạch chè, người dân phải trèo lên cây, vin cành, hái búp. Lớp vỏ ngoài thân cây mốc trắng. Có cây một vòng tay ôm không xuể. Thời tiết lạnh giá, cây chè phải mặc thêm lớp áo ấm, đó là lớp địa y loang lổ. Chè vượt qua sương lạnh, gió rét, để quanh năm cho búp.

Tuyên Quang

Tháng 2 đến tháng 3

258 lượt xem

Thác Mơ

Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, thác Mơ Tuyên Quang có ba tầng thác trùng điệp đẹp tựa chốn bồng lai. Cảnh quan kỳ vĩ kết hợp với cảnh sắc núi rừng xung quanh rất thích hợp cho những ai yêu thích sự phiêu lưu pha chút mạo hiểm. Thác Mơ là một địa danh thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang tầm 100km. Nhiều người còn gọi nơi đây với cái tên khác là thác Pác Ban do vị trí nằm trên núi Pác Ban. Thác nước chảy thành nhiều tầng tung nước trắng toát vẽ nên một khung cảnh hết sức hùng vĩ giữa đại ngàn rừng cây. Được biết khởi nguồn của suối Mơ ở Tuyên Quang được bắt đầu từ một dãy núi có độ cao lớn, độ che phủ tốt, lưu vực lớn chảy đến hạ lưu thì đổ xuống thành thác. Nếu quan sát bằng giác quan bình thường thì nước ở đây rất trong, không màu, không vị cũng không có mùi. Bởi thế mà người dân bản địa đã dùng nước là thác Mơ Tuyên Quang để sinh hoạt và đánh giá là chất lượng của nước rất tốt, ổn định. Cho dù vào mùa mưa thì nước vẫn không đục. Về sau này, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh nên một số hộ gia đình cùng các công ty đã dùng nguồn nước sạch này để nuôi cá với chất lượng thơm ngon, năng suất tốt. Những người dân Tuyên Quang thường kể cho nhau nghe về một truyền thuyết thú vị về thác Mơ Tuyên Quang. Trước đây, ngọn thác này được đặt tên theo một thiếu phụ có nhan sắc kinh diễm nhất vùng và rất thủy chung, đó chính là cô Mơ. Chuyện kể lại rằng, ngay xưa ở dưới núi Pắc Ban chính là ngôi nhà sinh sống của vợ chồng nàng Mơ. Hàng ngày hai vợ chồng sống hạnh phúc với nhau bằng nghề hái thuốc. Nàng Mơ nổi tiếng với sắc vóc xinh đẹp, tính tình dịu dàng, làn da trắng bóc như hoa ban, đôi mắt trong veo như nước hồ, đôi môi hồng hào như hoa gạo. Có một hôm, người chồng đi hái thuốc trên núi mà mãi chẳng thấy trở về nhà, cô Mơ ở nhà thấp thỏm, nhớ thương chồng nên nàng quyết định đi lên đỉnh Pắc Ban để tìm chàng. Nàng cứ mải miết đi nhưng kỳ lạ là khi gần đến đỉnh thì bầu trời tối sầm lại khiến nàng phải dừng chân lại nghỉ ngơi. Khi tỉnh giấc thì đỉnh núi dường như cao hơn ngày hôm qua. Đi mãi cho đến một ngày đêm tối bao trùm khắp cả đỉnh núi mà nàng cứ tiếp tục đi. Bóng tối đã làm ngã xuống ở triền núi và thành một dòng thác. Từ xa đi tới du khách sẽ nghe được rõ tiếng nước đổ ào ào. Càng tiến lại gần thì không khí lạnh lan tỏa. Khi đến được thác bạn dường như đang được lạc vào một khung cảnh tiên giới. Thác nằm ẩn mình dưới chân núi, ngay dưới đó có một hồ nước trong xanh. Từ đây bạn sẽ ngồi xuống để tới thác. Ngồi trên con xuồng nhỏ, du khách có cơ hội được thả hồn mình thư giãn và ngắm cảnh sắc thiên nhiên mây, núi, cây, rừng "ôm ấp" nhau. Nếu nhìn từ dưới lên thì thác Mơ Tuyên Quang tung bọt trắng xóa giống hệt một chiếc bậc thang bắc cao lên trời. Thác được chia thành 3 tầng: Thác đầu tiên nước đổ rất mạnh, các con nước đua nhau quật dữ dội vào các khối đá nằm ngang tung bọt trắng xóa. Thác thứ hai chảy nhẹ nhàng, êm dịu hơn, từng dòng chảy rí rách luồn qua các kẽ đá. Ở trên những khối đá cao có nhiều lớp rêu xanh bao phủ. Ngay dưới chân thác sở hữu một hồ nước nhỏ trong xanh, người dân ở đây truyền tai nhau rằng đây chính là nước mắt nhớ thương chồng của nàng Mơ. Thác thứ 3 là nơi cao nhất của thác Mơ Tuyên Quang với các dòng nước khổng lồ chảy mạnh ngay dưới chân thác. Không khí ở đây lạnh hơn do hơi đá và hơi nước tạo nên sự kích thích, sảng khoái cho những vị khách ưa mạo hiểm.

Tuyên Quang

Tháng 4 đến tháng 10

261 lượt xem

Suối khoáng Mỹ Lâm

Suối khoáng Mỹ Lâm nằm tại xã Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và cách trung tâm thành phố Tuyên Quang khoảng 25km. Suối khoáng mỹ lâm phú lâm yên sơn Tuyên Quang được ví như một viên ngọc quý giữa rừng núi đầy hoang sơ, nơi mà bạn có thể tìm thấy sự yên bình và thanh tịnh trong từng cơn gió thoảng qua, từng cánh chim hót líu lo, từng con cá bơi lội trong suối. Khoáng nóng mỹ lâm có nguồn nước chứa nhiều khoáng chất và vi lượng có lợi cho sức khỏe. Nước khoáng Mỹ Lâm có tính axit yếu, pH dao động từ 6,5 đến 7,2, chứa nhiều loại khoáng chất như canxi, magiê, sắt, kẽm và mangan. Nước suối khoáng Mỹ Lâm được cho là có tác dụng điều trị bệnh về xương khớp. Người bị các vấn đau lưng, đau khớp, viêm khớp được thuyên giảm, giúp tăng cường sức khỏe và giảm stress. Ngoài ra, khi đến với suối khoáng Mỹ Lâm, bạn còn được tham gia vào các hoạt động giải trí và thể thao. Bao gồm: bơi lội, đánh bóng, cắm trại, câu cá, leo núi, đi bộ đường dài và những trò chơi dân gian. Đây là cơ hội để bạn tận hưởng những phút giây thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên và đắm chìm trong không gian yên tĩnh. Suối khoáng Mỹ Lâm được biết đến từ thế kỷ XIX, khi các nhà thám hiểm Pháp khám phá và ghi nhận về tài nguyên khoáng chất của khu vực này. Trong những năm 1920, nước khoáng Mỹ Lâm đã được sử dụng để điều trị các bệnh lý của người dân địa phương. Trong những năm 1960, nước khoáng Mỹ Lâm đã được khai thác và sản xuất đại trà, và trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Điều này đã giúp tăng cường sức khỏe cho những người dân sử dụng và cũng giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế cho khu vực này.

Tuyên Quang

Từ tháng 1 đến tháng 12

269 lượt xem

Đền Hạ

Đền Hạ Tuyên Quang là một công trình lâu đời, có kiến trúc đẹp với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo, tọa lạc giữa không gian u tịch, lưng tựa núi, mặt hướng ra dòng sông Lô lịch sử. Đền Hạ Tuyên Quang thờ ai : Mẫu Thượng ngàn, là nàng Phương Dung công chúa, con gái của vua Hùng. Tên gọi của Đền : Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đền có các tên gọi khác nhau như: vào đời Lý gọi là đền Tam Kỳ, đời Trần có tên là đền Hiệp Thuận. Các thời này, Đền thuộc thôn Hiệp Thuận, xã Ỷ La. Đến thời hậu Lê mới có tên là Đền Hạ như ngày nay, và giữ tên chữ là “Hiệp Thuận linh từ”. Sự tích Đền Hạ Tuyên Quang : Tương truyền, hai công chúa được nhà vua cử đi thị sát phong tục tập quán ở địa phương, đến bến Tam Cờ thì dừng chân, đêm xuống gặp một cơn giông tố, hai công chúa đã bay về trời. Mỗi khi có mưa to gió lớn, dân làng đến cầu nguyện và thấy linh nghiệm, từ đó lập nên đền thờ này. Các mốc lịch sử Đền Hạ Tuyên Quang : Đền được xây dựng năm 1738. Đền trải qua đợt trùng tu lớn vào năm 1878. Đến năm 1991, đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Và năm 1994, Đền tiếp tục được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ. Đền có kiến trúc theo lối nội công ngoại quốc, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Trước sân chầu là hệ thống cổng phụ gồm bốn trụ, trên mỗi đỉnh trụ là một con phượng đắp nổi. Cạnh sân chầu là hai miếu còn gọi là Lầu Cô. Tiếp đến là Lầu Tế, thờ Đệ nhị Thượng ngàn, sau là Tam phủ thờ Đệ nhất Thượng ngàn, gian chính bố trí hình chữ tam gồm ba cung. Trong cung, trên bệ thờ đặt một bộ đỉnh, cạnh bệ thờ treo chuông, khánh... Nghệ thuật kiến trúc cổ nổi bật của đền là chạm khắc gỗ công phu. Các cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xếp đều được chạm trổ tinh xảo, với đề tài là tứ linh và tứ quý. Trên thân cột chạm hình Long Giáng thủy cung. Đặc biệt những hình cây, hoa trên cửa võng mềm mại như tranh vẽ. - Giá trị nghệ thuật của các tượng thờ trong Đền cũng rất đáng chú ý. Nét mặt các pho tượng toát lên vẻ thanh tao mà uy nghiêm. Các tư thế của tay, các nếp khăn áo, các hình trang trí trên đồ thờ đều được bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện rất sinh động. Trong Đền còn giữ được nhiều bảo vật lâu đời có giá trị nghệ thuật cao, nổi bật là quả chuông đồng, khánh cỡ lớn được đúc vào thời Lê, 3 pho tượng cổ cùng 20 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn. Nội dung các sắc phong vừa mang dấu ấn lịch sử vừa mang tính chất văn chương, ca ngợi phẩm chất cao quý và sự linh thiêng của các nương thần, phù trợ cho dân cho nước.

Tuyên Quang

Từ tháng 1 đến tháng 12

267 lượt xem

Núi Pắc Tạ

Núi Pắc Tạ là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang, núi Pắc Tạ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, du khách sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh. Núi Pắc Tạ còn có tên là núi “Xa Tạ” gắn liền với truyền thuyết từ xa xưa để lại. Xưa kia, tại một khu rừng rậm có rất nhiều loài thú dữ, trong đó voi là loài vật có sức khỏe nhưng lại khó thuần, dân bản tìm đủ mọi cách để thuần dưỡng voi dùng làm sức kéo chuyên chở hàng hóa. Năm đó, có giặc ngoại xâm vào xâm chiếm, bà con địa phương tập trung tất cả binh lực dồn cho cuộc chiến đấu giữ nước, trong đó có đàn voi đã được thuần dưỡng. Thế nhưng, trong đàn voi có một con voi đực to khỏe nhất đàn, không ai thuần dưỡng được. Bao nhiêu tướng lĩnh giỏi phải chịu bó tay trước con voi hung dữ. Trong bản có một người quản voi dũng cảm xin đảm nhận công việc này. Ngày đầu tiên, ông cho già trẻ, trai gái trong bản dùng đất đá chặn tất cả những dòng suối, khe lạch xung quanh vùng rừng voi sinh sống. Ba ngày sau voi đực khát nước, lúc này ông mới đổ rượu vào hõm đá cho voi uống thay nước. Năm ngày, rồi mười ngày, voi uống rượu thay nước, lâu dần thành quen với rượu và người quản tượng. Ông đã thuần dưỡng được chú voi đực hung dữ, có thể đặt bành lên lưng điều khiển voi làm theo mệnh lệnh. Từ đó người dân trong bản gọi là “voi rượu”. Đến ngày xuất trận “voi rượu” hùng dũng xông ra trận tiền phá tan đội hình quân giặc. Chiến thắng trở về, “voi rượu” được nhà vua phong làm “Voi Quận công” và mở yến tiệc linh đình chiêu đãi tướng sỹ. “Voi rượu” hút hết nậm rượu này đến nậm rượu khác. Say quá “voi rượu” tắt thở. Nhưng kỳ lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững uy nghiêm, dáng vẻ hùng dũng như lúc xung trận. Đêm ấy trời mưa tầm tã, gió rít ào ào như bày tỏ niềm tiếc thương của dân bản đối với “voi rượu”. Sáng hôm sau người ta thấy cả voi và nậm rượu đã hóa đá, khối đá ấy mỗi ngày một lớn dần lên thành ngọn núi Pắc Tạ ngày nay. Vượt qua trở ngại về đường giao thông, du khách hãy một lần đến với huyện vùng cao Na Rang, Tuyên Quang, đến thăm núi Pác Tạ để khám phá vẻ đẹp đầy huyền bí, để thưởng thức trọn vẹn kiệt tác của tự nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Tuyên Quang

Từ tháng 1 đến tháng 12

272 lượt xem