Điểm du lịch

Đồng Tháp

Làng hoa kiểng Sa Đéc

Không chỉ sở hữu những di tích lịch sử, văn hóa giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo, Đồng Tháp còn để lại ấn tượng khó phai nhạt cho tín đồ du lịch với làng hoa Sa Đéc. Hình thành từ cuối thế kỷ 19, nép mình thơ mộng bên dòng sông Tiền, nơi đây ban đầu được biết đến với tên gọi là làng hoa Tân Quy Đông - một làng nghề truyền thống hơn trăm năm tuổi. Vào lúc bấy giờ, tại khu vực này chỉ có vài hộ dân trồng hoa để trang trí dịp Tết. Dần dần thấy hoa hợp đất, nở đẹp, số hộ trồng hoa tăng lên. Công việc hằng năm trở thành ngành nghề chính tại phường Tân Quy Đông. Làng hoa về sau lan rộng ra các vùng khác như rạch Sa Nhiên, phường An Hòa, xã Tân Khánh Đông, v.v. Đến nay, tổng diện tích đã lên đến 500 ha với hơn 2.300 hộ trồng và 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, biến nơi đây thành một trong những vựa hoa lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam. Dù đến vào thời điểm nào trong năm, bạn cũng có thể ngắm hoa và chụp ảnh thỏa thích. Tuy nhiên, các bạn gần xa thường chọn đi chợ hoa Sa Đéc vào mùa xuân. Vì khi này tiết trời vừa mát mẻ, trong lành, các chậu hoa kiểng hòa cùng sắc xuân dường như cũng tràn đầy sức sống. Nếu ở xa muốn ghé thăm làng hoa, bạn cần lưu ý đến tham quan, mua sắm trước ngày 23 tháng Chạp (hay tháng 12 Âm lịch). Bởi vì sau ngày này, các nhà vườn hầu như đều chuyển hoa đi các tỉnh, thành khác để bán. Đến đây vào tháng Chạp, bạn sẽ có cơ hội tham gia lễ hội hoa xuân được tổ chức hằng năm tại công viên Sa Đéc. Lễ hội có nhiều chương trình thú vị như hội chợ, trưng bày và triển lãm sinh vật cảnh, liên hoan dân vũ, hội thi áo bà ba, hội thi ẩm thực từ các loài hoa, cuộc thi chọi gà nghệ thuật, biểu diễn đường phố, v.v. Tuy chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất tùy theo lịch trình của địa phương nhưng sự kiện này có rất nhiều hoạt động đặc sắc để bạn khám phá về nghề trồng hoa và cả những nét đẹp văn hóa đặc sắc của Sa Đéc. Khi đến Làng hoa Sa Đéc bạn cần lưu ý những điểm sau. Đường hoa Sa Đéc dài đến 3km với nhiều vườn cây trải dài nằm san sát nhau. Do đó, để khám phá trọn vẹn nơi đây, bạn nên chuẩn bị một đôi giày đi bộ. Nếu có ý định chụp hình Tết tại làng hoa Sa Đéc Đồng Tháp, đừng quên mặc áo dài và mang theo máy ảnh trong balo. Nắng miền Tây vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều khá gắt, vậy nên hãy chuẩn bị dù, nón và kem chống nắng nếu lên kế hoạch vui chơi cả ngày tại làng hoa. Trong quá trình tham quan, bạn chú ý không bứt hoa, bẻ cành hay gây ảnh hưởng đến các chậu cây kiểng. Vì mua ngay tại nơi trồng, không chịu thêm phí vận chuyển nên giá hoa ở đây khá rẻ, thích hợp để mua về trang trí nhà cửa hoặc làm quà du lịch cho người thân.

Đồng Tháp

Từ tháng 1 đến tháng 12

1139 lượt xem

Chùa Phước Kiển

Trong số rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở tỉnh Đồng Tháp có kiến trúc cổ kính, khung cảnh đẹp mắt thì chùa Phước Kiển không phải là chùa đẹp nhưng vẫn được đông đảo du khách và Phật tử viếng thăm vì sở hữu một hồ sen rất đặc biệt. Nhắc đến hoa sen, người ta thường liên tưởng đến vẻ đẹp thanh cao, tinh tế mà mỏng manh. Nhưng hoa sen trong ngôi chùa Phước Kiển ở Đồng Tháp lại nổi tiếng bởi kích thước khổng lồ, có thể “cõng” người mà chỉ làm khẽ xao động mặt nước. Nếu đã có dịp du lịch Đồng Tháp, đừng bỏ qua cơ hội được ngắm loại lá sen vua này nhé. Để đến chùa, bạn đi theo tuyến quốc lộ 80, qua chợ Nha Mân thì rẽ trái, đi đường ven sông, hỏi người dân về cây cầu gỗ để đến chùa Lá Sen hoặc chùa Phước Kiển. Chùa Phước Kiển nằm ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, được thành lập trước thời vua Thiệu Trị. Theo sư trụ trì Thích Huệ Từ thì trước đây ngôi chùa rất lớn, uy nghiêm, sở hữu không gian khoáng đãng, thanh tịnh, mát mẻ, Phước Kiển Tự còn từng là cơ sở hoạt động cách mạng. Tuy nhiên không may là vào năm 1966, bom đạn chiến tranh đã làm sập hoàn toàn ngôi chùa. Sau năm 1975, chùa được xây lại với kiến trúc đơn giản không cầu kỳ bao gồm: cổng vào, tháp thờ Phật Quan Âm và chính điện. Những hố bom được các sư thầy trong chùa dùng làm hồ sen. Vừa khỏa lấp được vết tích của chiến tranh vừa có chỗ để khách du lịch tham quan. Trong ao sen có một loài sen kỳ lạ và hiếm thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước Đông Nam Á. Ao sen ở chùa Phước Kiển có hình vuông tượng trưng cho đất, lá sen có hình tròn tượng trưng cho trời. Lá sen khổng lồ, to như những cái nia, vành cong gần cả tấc tay, nom rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc chắn bạn sẽ hồ nghi rằng, đây chỉ là lá sen làm bằng nhựa hoặc bên dưới lá có sắt thép chống đỡ. Được biết, loài sen này xuất hiện trong ao của nhà chùa từ năm 1992 và tồn tại cho đến bây giờ. Không ai biết tên gọi chính xác của chúng nên người ta thường gọi bằng nhiều tên khác nhau. Có người gọi là sen vua, có khi gọi là súng nia, cây nong tầm,…chính vì có loài sen lạ nên người dân thường gọi chùa bằng cái tên dân dã “Chùa Sen Vua” hay “Chùa Lá Sen”…, Tìm hiểu thì loại sen này có nguồn gốc từ vùng Amazon, tên khoa học là Victoria regia. Sen lá to, dày và có nhiều gai. Chính đặc điểm này giúp cho cây thích ứng với môi trường sống, tránh sự tấn công của các loài động vật dưới nước. Lá sen vua đặc biệt ở một điểm là có thể co rút theo mùa. Vào mùa khô lá chỉ tầm khoảng 1 mét nhưng vào mùa nước nổi lá to với đường kính từ 3 đến 4 mét. Phần mép lá cao hơn mặt nước khoảng từ 3 đến 5cm, hình dáng của chúng tựa như chiếc nón quai của những cô gái làng quan họ. Vào mùa con nước nhảy bờ, lá sen to có thể dễ dàng chứa được một người trọng lượng 70 – 80 cân mà chỉ làm chao nhẹ mặt nước. Còn vào mùa khô, lá sen chỉ to khoảng 1 – 1,5m. Có người ví phiến sen khổng lồ như chiếc nón quai thao của các cô gái miền Bắc. Mặt trên của lá nhẵn bóng màu xanh nhạt, còn mặt dưới nhiều gai và có nhiều gân lớn, được chia nhỏ thành các ô vuông có màu đỏ nhạt khi còn non và thẫm dần khi lá già. Mùa nước nổi tháng 9 – 10 chính là lúc thích hợp nhất để bạn đi ngắm “sen vua”. Bởi lúc đó, lá sen ra nhiều, to, dày dặn, bao phủ kín mặt ao. Vì lá sen rất giòn, dễ bị rách nên nếu muốn đứng lên, trước tiên bạn phải đặt một cái mâm thiếc mỏng lên trên, sau đó bước chậm rãi vào đúng tâm.Du khách tham quan hồ sen miễn phí, nhưng để ngồi lên lá sen chụp ảnh thì có người dân sống gần đó làm dịch vụ, bắc ván gỗ đưa bạn lên lá, rồi chụp ảnh. Chen lẫn vô vàn lá sen khổng lồ trên mặt nước là những bông sen trắng tinh khôi hé nở, điểm xuyến đâu đó là một vài bông sen màu hồng sẫm đang dần úa tàn. Hoa sen nở trong 3 ngày và mỗi ngày nở 2 lần, chuyển màu liên tục. Hoa nở lần đầu vào khoảng 6 giờ tối, tỏa hương thơm ngát đến 12 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 3 giờ hoa lại nở, đến khoảng 4 – 5 giờ chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm. Không chỉ nổi tiếng với loài sen đặc biệt này, chùa Phước Kiển còn hấp dẫn du khách với câu chuyện còn lưu lại về rùa thần và hạc thần. Năm 1948 có người mang đến tặng chùa một con rùa. Con rùa này suốt ngày cứ quanh quẩn bên vị sư hằng ngày nghe tụng kinh niệm phật. Đến năm 1966, chiến tranh tàn phá khiến cho chùa tan hoang, rùa bị bắt mất nhưng sau đó tự bò về chùa. Đến năm 1999, trong chùa xuất hiện một con hạc và nó rất hay đậu trên lưng rùa nhưng sau đó, có ý kiến bắt chim hạc về khu bảo tồn. Từ đó về sau, người ta không thấy chim hạc xuất hiện nữa, chim hạc bay đi, rùa cũng qua đời. Sư trụ trì ướp xác rùa và đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa.

Đồng Tháp

Tháng 9 đến tháng 10

1134 lượt xem

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Những ai yêu thích sự hoài cổ, muốn sống lại thời kỳ thịnh vượng, phú quý của một gia đình sang bậc nhất ở Sa Đéc lúc bấy giờ thì ngôi nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê chắc chắn là một địa điểm lý tưởng. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là ngôi nhà cổ có kiến trúc kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây độc đáo bậc nhất vùng Nam Bộ. Đây là nơi sinh sống của ông Huỳnh Thủy Lê, nhân vật nam chính trong cuốn tiểu thuyết “Người tình”. Ngôi nhà trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi cuốn tự truyện của nữ văn sĩ Marguerite Duras được chuyển thể thành bộ phim cùng tên (L’Amant) năm 1991. Mọi thứ ở đây dường như đã bị thời gian ngưng đọng, nhuộm cả một sắc màu cổ kính, trầm mặc nhưng vẫn toát lên nét sang trọng, tinh tế. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, ngay trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nằm bên bờ sông Tiền thơ mộng. Ngôi nhà này được mọi người biết với tên gọi là Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, mang tên người cố chủ, ông Huỳnh Thuỷ Lê, một người Việt gốc Hoa giàu có vào những năm đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê), một thương gia người Hoa (Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc. Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, rộng 258 m2 với nguyên vật liệu chính là gỗ quý, và mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương. Đến năm 1917, chủ nhân lại cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, trông bề ngoài là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, nhưng vào bên trong, lại thấy một lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa. Mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước, trong khi vòm cửa lại thiết kế cong theo kiểu La Mã, chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muông của thế kỷ 17. Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ…, tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông được thấy qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào… Mặt ngoài ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa. Nhiều loại vật liệu xây nhà như gạch, kính được nhập từ Pháp. Gạch lát nền nhà kích thước 30x40cm được nhập từ Pháp năm 1917, mặt sau viên gạch ghi rõ nơi và năm sản xuất.Đặc biệt, nền gạch ở giữa nhà trũng xuống vì ông Huỳnh Cẩm Thuận quan niệm “nước chảy về chỗ trũng”, tiền bạc sẽ đổ về nhà ông. Gian giữa nhà là ban thờ Quan Công, tín ngưỡng truyền thống thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống của gia chủ. Các bao lam, thành vọng bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, chạm khắc cầu kỳ thể hiện sự quyền quý của những gia đình giàu có ngày xưa. Kiến trúc trong nhà cũng được bày trí theo lối phong thuỷ tứ linh, nhưng là Long – Lân – Bức – Phụng chứ không phải Long – Lân – Quy – Phụng như truyền thống. Hình tượng con dơi thay thế cho con rùa trong tứ linh được xem là ví dụ biểu trưng về quá trình giao lưu văn hóa của người Hoa khi đến vùng sông nước miền Tây. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, ngôi nhà vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn và trở thành biểu tượng cho một nền kiến trúc độc đáo hàng trăm năm trước. Du khách muốn ngủ lại có thể đặt phòng trước. Mỗi phòng ở được 2 người và có phục vụ bữa sáng kèm bữa trưa. Ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến từ khi tiểu thuyết L’Amant của nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras được đạo diễn Jean – Jacques Annaud dựng thành phim Người Tình với diễn xuất của tài tử Lương Gia Huy và nữ diễn viên Jane March . Những tình tiết trong phim đã từng lấy không ít nước mắt của nhiều người khi xem. Huỳnh Thủy Lê là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này và nữ văn sĩ người Pháp này cũng chính là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê. Hai người tình cờ gặp gỡ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, khi nàng vừa mới chưa đầy 16 tuổi và chàng đã 32 tuổi. Họ đã có một mối tình thật đẹp với nhau. Tuy vậy, họ lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của ông Huỳnh Cẩm Thuận. Khi cha biết chuyện, ông Lê đã quỳ lạy xin cha cho mình sống với người con gái mà ông cảm nhận một tình yêu mãnh liệt mà có thể chỉ đến một lần trong đời. Song vì sự khác biệt văn hóa Đông – Tây và không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, người cha đã không thuận tình cho hai người đến với nhau. Mối tình chỉ kéo dài 18 tháng. Ngày Marguerite lên tàu về Pháp, từ mạn tàu nàng thấy thấp thoáng từ xa chiếc xe hơi sang trọng màu đen quen thuộc của người tình Trung Hoa lặng lẽ đến tiễn biệt. Không lâu sau đó, chàng vâng lời cha lấy cô vợ trẻ cũng người Trung Hoa môn đăng hộ đối. Nhiều năm sau, sau biết bao nhiêu dâu bể cuộc đời, chàng có dịp đến Paris cùng vợ. Chàng gọi điện cho nàng ngỏ ý chỉ để nghe giọng nàng nói. “Rồi chàng nói với nàng rằng cũng giống như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng cho được, không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết” (trích tiểu thuyết Người Tình). Sau khi ông Huỳnh Thủy Lê mất, các con của ông đều định cư ở nước ngoài. Ngôi nhà của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê được Nhà nước trưng dụng, làm trụ sở Đội Cảnh sát kinh tế Công an thị xã Sa Đéc. Đến năm 2007, ngành du lịch Đồng Tháp đã chính thức “mở cửa” khai thác ngôi nhà cổ, phục vụ cho khách tham quan trong và ngoài nước. Năm 2008, nhà cổ đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh, và đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2009.

Đồng Tháp

Từ tháng 1 đến tháng 12

1131 lượt xem

Khu sinh thái Đồng Sen Tháp Mười

Nhắc tới Đồng Tháp là người ta nhớ ngay đến câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”. Những bông sen hồng cùng nhụy vàng, đài hoa nhô cao cùng lá xanh mươn mướt tọa nên một khung cảnh bình yên đến lạ. Trong các đồng sen ở Đồng Tháp thì nổi bật nhất là Đồng Sen Tháp Mười ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đến với Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười ngắm sen thưởng thức đặc sản miền Tây sông nước là một trải nghiệm tuyệt vời thú vị cho du khách. Đồng sen Tháp Mười, cách thành phố Cao Lãnh chừng 35 km, cách TP HCM khoảng 150 km. Đường đến nơi đây cũng rất thuận tiện, không có nhiều phương tiện đông đúc thường thấy ở các khu du lịch. Nếu đi từ tp HCM đến đây bạn có thể theo hướng về thị trấn An Mỹ, qua cầu Mỹ An rẽ trái là đến. Với diện tích gần 20ha, không có xe cộ đông đúc, khói bụi, không có sự chen lấn, ồn ào thường thấy tại các địa điểm du lịch, đồng sen Tháp Mười yên bình, gần gũi đến lạ kỳ! Với diện tích rộng lớn nên khi đến đồng sen Tháp Mười du khách sẽ có được những khoảng không gian riêng tư mà không phải chen lấn hay tranh giành để có thể ngắm sen. Những cánh đồng sen xanh mát xen lẫn những đóa sen hồng lay nhẹ theo cơn gió làm say lòng du khách. Du lịch Đồng Tháp mùa nào cũng đẹp, không khí trong lành. Tuy nhiên, Đồng Sen Tháp Mười đẹp nhất vào mùa hè, khi sen nở rộ, bông này chen lấy bông kia vươn lên đón nắng. Sen Đồng Tháp Mười bắt đầu nở buổi sáng. Hoa sen lúc đầu có sắc trắng, đến giữa trưa thì chuyển sang hồng. Đến khoảng 15 giờ chiều, sen chuyển màu hồng đậm, rồi chuyển sang đỏ khi mặt trời lặn. Qua ngày sau, sen tiếp tục nở và chuyển màu theo chu kỳ như vậy trong 3 ngày rồi chuyển sang màu tím thẫm và tàn. Cứ hoa này tàn thì hoa khác lại mọc lên và đua nhau nở rộ, điều này chỉ sen Tháp Mười mới có. Du khách cũng có thể dạo cảnh ngắm sen, hít thở mùi hương của sen hồng… hay có thể hóa thân thành những cô thôn nữ, những chàng trai miệt vườn khi về với đồng sen, khu du lịch còn có dịch vụ cho thuê trang phục áo bà ba, áo dài… lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên cánh sen cùng bạn bè, người thân. Đây cũng là địa điểm lý tưởng cho những cặp đôi lựa chọn chụp ảnh cưới. Khách đến thăm có thể đi xuồng di chuyển sâu vào bên trong, vừa ngắm cảnh đồng quê, vừa cảm nhận sự gần gũi, yên bình từ thiên nhiên. Hít căng lồng ngực không khí trong lành, mát mẻ của buổi sớm, khẽ chạm vào từng chiếc lá, từng bông hoa, đưa tay khoát nhẹ dòng nước mát lành. Chiếc xuồng trôi chầm chậm đưa bạn vào trong, vừa đi bạn vừa có thể ngắm phong cảnh cảnh hai bên ven sông và trải nghiệm một ngày làm nông dân “thứ thiệt” khi tự mình chống xuồng hái sen, câu cá. Để tạo không gian dừng chân, nghỉ ngơi cho du khách, người ta xây những chòi lá và tại những chòi lá này, mọi người có thể thưởng thức các món đặc sản địa phương, trong đó tất nhiên không thể thiếu sự góp mặt của sen. Nào cá lóc nướng cuốn lá sen non, nào gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen… Đặc biệt, đến đồng sen vào mùa lũ, du khách còn được ăn cá linh, bông điên điển, chuột đồng nướng, chuột rô ti…Tất cả đều được chế biến theo một phương pháp rất riêng của những người dân nơi đây nên mang một hương vị rất riêng không phải nơi đâu cũng có được. Món ăn đặc biệt ở đây phải kể đến món cá lóc nướng lá sen và ăn kèm với lá sen non. Lá sen non là loại rau sạch, trồng ở môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm. Đặc điểm nhận biết là lá sen vừa nhô lên mặt nước, hai mép lá cuốn tròn vào giữa. Cá lóc nướng cùng lá sen đã già vì nó dày nướng cá lâu bị cháy lá, người ta thường cuộn nhiều lớp lá sen khi nướng. Cá lóc nướng xong ăn kèm với rau sống, bún và nước mắm me. Vẫn là dĩa rau sống, chuối chác, khế chua nhưng điều đặc biệt là món này có lá sen non để cuốn chung với cá. Lá sen non có vị nhẫn nhẫn cuốn lại cùng cá lóc nướng, bún, chuối, khế chấm vào nước mắm me, hương vị vỡ òa trong miệng tạo vị ngon khác lạ mang đậm chất miền Đồng Tháp Mười.

Đồng Tháp

Từ tháng 1 đến tháng 12

1129 lượt xem

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Khu du lịch Gáo Giồng là nơi lý tưởng để bạn thực hiện chuyến tham quan ngắm cảnh, tận hưởng cuộc sống miệt vườn ở miền Tây. Đây là một trong số ít những khu sinh thái vẫn lưu giữ được gần như trọn vẹn nét đặc trưng hoang sơ của vùng đất Nam Bộ và được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm tại ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chỉ cách trung tâm thành phố Cao Lãnh khoảng 17 km. Từ thành phố Cao Lãnh, bạn theo tuyến đường hướng đến xã Tân Nghĩa, rồi đi tiếp đến xã Gáo Giồng, sẽ thấy bảng chỉ dẫn vào khu du lịch Gáo Giồng. Trước đây, Gáo Giồng là mảnh đất hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng nề, chỉ có một số loài động thực vật sinh sống. Song nhờ quá trình đầu tư và cải tạo, Gáo Giồng năm nào đã phát triển trở thành điểm đến nghỉ dưỡng quen thuộc của du khách thập phương. Cảnh vật ở đây còn nhiều hoang sơ và yên ắng, rất thích hợp để du khách hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành. Thời gian du lịch Gáo Giồng lý tưởng nhất là từ tháng 9-11 lúc Miền Tây vào mùa nước nổi. Vào mùa nước nổi nước phủ ngập cánh đồng biến Gáo Giồng trở thành một ốc đảo giữa trời nước mênh mông. Nổi lên màu vàng của hoa điên điển, màu tím của hoa súng hòa lẫn sắc hồng của những cánh sen, màu xanh mướt của rừng tràm. Trên các cánh đồng đàn cò trắng bong cần mẫn kiếm mồi tạo nên một cảnh đẹp ngoạn mục. Các lung sen – nơi quy tụ hàng nghìn con trích mồng đỏ về đây vui múa, nhộn nhịp suốt ngày. Trên bãi ăn của trích, hàng nghìn con dạn dĩ, mồng đỏ ối trên bộ lông xanh lam ung dung nhổ những cọng năn tươi non, đôi khi chúng cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu đẹp mắt. Muốn vào tham quan vườn chim, du khách có thể đi trên những chiếc xuồng nhỏ xuôi dòng kênh xanh mát với những cô thôn nữ trong tà áo bà ba đậm chất Nam bộ hoặc những chiếc xe đạp đi dạo quanh cánh đồng năng. Nhưng khách du lịch thường thích tham quan bằng đường thủy hơn để có thể luồn lách qua các kênh rạch ngắm cảnh, tận hưởng cảm giác lênh đênh trên con nước, len lỏi qua từng cánh rừng tràm, lắng nghe tiếng chim hót như đón mời… Những ai đã từng đến khu du lịch Gáo Giồng đều có cảm giác choáng ngợp khi được lạc vào xứ sở của loài chim. Đây là nơi sinh sống của 15 loài chim cùng hàng trăm các loại thủy sản. Các chú chim tạo dáng uyển chuyển, sải cánh lên rồi lại đáp xuống một cách lanh lẹ du khách phải nhanh tay bấm máy chụp lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp đó. Không những vậy, Gáo Giồng còn được bao phủ bởi một màu xanh bạt ngàn của hàng ngàn hecta rừng với đủ các loài cây đặc trưng của vùng ngập nước như: tràm, gáo, điên điển, lau sậy, lúa trời v.v.. Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi được tận mắt chứng kiến những loài chim quý như trích đồng mỏ, le le, cồng cộc, vịt trời, diệc… sống và làm tổ. Nhiều hơn hết vẫn là đàn cò trắng hàng chục nghìn con khiến rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười. Lúc bình minh hay hoàng hôn, rừng tràm Gáo Giồng sống động, nhộn nhịp hẳn lên với tiếng chim gọi đàn và từng đàn cò trắng bốp từ bốn phương trở về tổ. Sau những giờ phút bơi xuồng bạn có thể leo lên đài quan sát cao 18 m để ngắm toàn cảnh xung quanh và được chiêm ngưỡng một màu xanh bạt ngàn của rừng tràm, lúa, năng…Dan rộng đôi tay, hít thở không khí trong lành, và bạn sẽ cảm thấy như đang ôm trọn một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp vào lòng, cảm giác yên bình khó tả. Ở Gáo Giồng còn có rất nhiều trò chơi dân gian giúp khách du lịch Đồng Tháp có thể hiểu thêm về một phần đời sống văn hóa phương Nam. Nếu đến đây theo đoàn hoặc nhóm bạn, đừng bỏ lỡ cơ hội ‘chơi hết mình, cười thả ga’ với các trò chơi. Với những người thích sự yên tĩnh thì có thể lựa chọn thú vui câu cá tao nhã để vừa có được thành quả lại an nhiên tận hưởng bầu không khí tuyệt vời nơi đây. Đến thăm khu du lịch sinh thái Gáo Giông, bạn đừng quên đến khu ẩm thực để thưởng thức tất cả các món ăn đặc sản miền Tây. Tiêu biểu có món lá sâu nhái chấm với mắm me, chuột nướng, cá linh nấu canh chua điên điển, cá lóc nướng với đọt sen, rau mát, mắm kho chấm với rau dừa, ốc lác hấp tiêu, bánh xèo … Đặc biệt món cơm được gói lá sen nấu thơm ngon đậm đà mùi vị của đầm sen. Ngồi giữa đầm dùng bữa trưa là một trải nghiệm thú vị cực kì, đồ ăn ngon, gió mát, mùi hương sen thoang thoảng thật không gì bằng. Các món ăn sẽ trở nên đậm đà hơn đôi chút bởi ly rượu nếp pha mật ong tràm. Nếu có dịp du lịch Đồng Tháp, đừng bỏ qua chuyến tham quan nghỉ ngơi tại khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, “ốc đảo xanh” này sẽ cho bạn những trải nghiệm đặc trưng của miền nam bộ sông nước, những con xuôi nước sẽ đưa bạn tham quan len lỏi trong rừng tràm, thư thái với tiếng chim kêu hay những món ăn miệt vườn tuyệt hảo sẽ là những điều bạn khó lòng quên về khu du lịch tuyệt vời này.

Đồng Tháp

Từ tháng 1 đến tháng 12

1162 lượt xem

Khu di tích Xẻo Quýt

Đồng Tháp có khá nhiều di tích lịch sử mà Xẻo Quýt là một trong những điểm du lịch về nguồn ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong lòng du khách. Khu di tích Xẻo Quýt với diện tích khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp. Khu di tích lịch sử kết hợp khu sinh thái Xẻo Quýt sẽ mang đến cho du khách cảm giác như lạc vào rừng nguyên sinh với khung cảnh tự nhiên hoang dã. Tham quan khu du lịch Xẻo Quýt vào mùa khô, bạn sẽ len lỏi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo dài hơn 1,5km dưới tán tràm mát rượi để vào sâu ben trong căn cứ. Mùa nước lên, trên chiếc xuồng ba lá, những cô du kích áo bà ba, khăn rằn, nón tai bèo đưa du khách luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông. Nếu đi vào mùa sen nở, bạn sẽ được nhìn ngắm một bức tranh thiên nhiên đẹp mắt mang đặc trưng của xứ Đồng Tháp Mười. Xẻo Quýt là căn cứ Cách Mạng (từ năm 1960-1975) của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt hành trình cuộc kháng chiến, Xẻo Quýt đã phải hứng chịu rất nhiều trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Nhưng với tinh thần dân tộc, lòng dũng cảm, chịu đựng hiểm nguy và tài trí thao lược, quân và dân Đồng Tháp đã xoay chuyển tình thế, khắc phục khó khăn, mang chiến thắng về cho quê hương, đất nước. Được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1992, Xẻo Quýt là điểm du lịch về nguồn chứa đựng muôn điều thú vị của tự nhiên hoang sơ và là nơi lưu giữ vết tích của thời kì đấu tranh gian khổ của quân dân Đồng Tháp. Sau khi tham quan, vui chơi thỏa thích, khu ẩm thực và nhà hàng Xẻo Quýt mang đậm chất quê sẽ là điểm dừng chân lý tưởng để bạn thưởng thức các món đặc sản trứ danh xứ này, như: Cá lóc nướng sen, chuột đồng nướng, lươn đồng nấu chua, ếch nướng mọi, lẩu cá linh… Còn gì thú vị hơn khi vừa dùng cơm vừa thưởng thức và giao lưu đờn ca tài tử, rồi tự do khám phá tham quan rừng tràm nguyên sinh, câu cá giải trí, hoặc mắc võng nằm nghĩ dưới tán rừng tràm xanh mượt… Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, Xẻo Quýt còn giữ được nét hoang sơ và khung cảnh thôn quê bình dị. Xẻo Quýt thực sự là điểm dừng chân rất đặc biệt và phù hợp với những ai muốn tạm xa khỏi cuộc sống hiện đại vô vàn áp lực đầy bận rộn và căng thẳng tìm đến một nơi yên tĩnh, dân dã. Đồng thời với vai trò là điểm đến văn hóa lịch sử, Xẻo Quýt còn là nơi kết nối những thời đại đã đi qua, làm tăng lòng tự hào và tình yêu đối với quê hương, đất nước.

Đồng Tháp

Từ tháng 1 đến tháng 12

1133 lượt xem

Vườn Quốc Gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim là vùng đất nằm trong địa phận của 7 xã (Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Hiệp), thị trấn Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông. Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích hơn 7500 ha là mô hình thu nhỏ đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, với hệ sinh thái đa đạng, nơi du khách khám phá những nét đặc trưng của miền Tây sông nước. Vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng” này là nơi phát triển của thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài khác nhau. Hệ động vật ở đây nổi bật với hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm 1 phần 4 tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Và đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, lớn nhất trong họ Hạc – một tài sản thiên thiên vô giá của vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp. Hệ cá ở vườn quốc gia Tràm Chim cũng không kém phần phong phú, vừa đóng vai trò cân bằng sinh thái vừa là nguồn thức ăn cho các loài chim. Trong đó có một số loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam như: cá Còm, cá Mang hổ, cá Ngựa nam, cá Duồng bay, cá Ét mọi, cá Hô… Vườn quốc gia Tràm Chim nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160km và đường đi cũng khá dễ đi. Từ Sài Gòn, bạn chỉ cần chạy thẳng theo cao tốc Trung Lương – Tân An – Tân Thanh. Khi đến ngã ba Mỹ An – Mộc Hóa thì các bạn rẽ vào Trường Xuân và chạy xe một đoạn nữa là sẽ đến thị trấn Tràm Chim. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy nhiều biển chỉ dẫn đến vườn quốc gia Tràm Chim. Các bạn cứ chạy theo các biển chỉ dân này là sẽ đến nơi. Nằm cách xa trung tâm thành phố Cao Lãnh khoảng 35 km, thế nhưng đường đi đến vườn quốc gia Tràm Chim lại khá dễ dàng. Bạn có thể tham khảo cung đường di chuyển gợi ý sau. Bắt đầu tại trung tâm thành phố Cao Lãnh (công viên thiếu nhi Tp Cao Lãnh đường 30 tháng 4) – bạn đi theo quốc lộ 30 (QL30) đến ngã tư gần với trung tâm y tế huyện Thanh Bình – tiếp tục bạn rẽ phải một mạch đến Tràm Chim theo bảng chỉ dẫn đường. Từ huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp, các bạn chạy thẳng qua cầu Tràm Chim rồi đi tiếp khoảng 800m là đến ngay trung tâm bảo tồn Vườn Quốc Gia Tràm Chim. Nhớ nhìn bên phía tay trái nhé. Thời điểm Du lịch Tràm Chim hợp lý vào Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (khoảng tháng 9 – 12 dương lịch) là mùa du lịch vườn quốc gia Tràm Chim. Khung cảnh ngập nước, xanh tốt, điểm xuyến sắc hồng của hoa sen, hoa súng bừng nở. Nguồn sản vật trở nên dồi dào và các loài chim như tụ họp về đây dự tiệc. Vào khoảng thời gian này củng mùa chim sinh sản. Đền đây, du khách có dịp tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh sôi, nảy nở của những loài chim quả là một điều thú vị. Hàng nghìn con chim đua nhau mớm mồi (tiêu biểu là điêng điểng và cồng cộc), thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và nâng tính giáo dục môi trường lên hàng đầu cho du khách gần xa, đồng thời có dịp lưu giữ mãi hình ảnh đẹp về nơi đất lành chim đậu. Mùa này cũng là dịp để bạn tham giá các hoạt động thú vị như: Chèo xuồng ba lá trải nghiệm cuộc sống vùng ngập nước, bạn sẽ được tự tay thực hiện những công việc sinh kế của cư dân vùng lũ như giăng lưới, đặt lợp, đặt trúm, hay thử tài với câu cá Tràm Chim Tam Nông … đặc biệt còn có thú vui đi săn chuột đồng, một món đặc sản của xứ này. Đặc biệt du khách được tham gia thu hoạch lúa trời hay còn gọi là lúa ma, một loài lúa rất đặc biệt vì vào mùa nước nổi, các loài thực vật thân cỏ khác sẽ bị nước nhấn chìm, chỉ riêng lúa trời là sinh sôi phát triển, nước dâng đến đâu, lúa vươn lên tới đó. Đây sẽ là hồi ức về cuộc sống xa xưa của cư dân Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch (khoảng tháng 1 – 6 dương lịch) là mùa ngắm vũ điệu của sếu đầu đỏ ở vườn quốc gia Tràm Chim. Bởi khác với nhiều loài chim trong vùng, sếu đầu đỏ chỉ kiếm ăn trên mặt đất nên vào mùa nước nổi ở Ðồng Tháp Mười thì chúng phải đi kiếm ăn nơi khác. Vì vậy, chỉ có thể ngắm sếu đầu đỏ vào mùa khô, dễ trông thấy nhất là từ tháng 2 – 5 dương lịch hàng năm. Bạn sẽ có dịp ngồi trên xuồng (tắc ráng) len lỏi dọc theo những dòng kênh xanh mát, ngắm nhìn đủ loài chim bay lượn tìm mồi, cất tiếng gọi bầy huyên náo cả không gian. Từng đàn chim cả trăm con sải cánh tạo nên một cảnh tượng thanh bình quyến rũ. Xuồng theo dòng rẽ nước, đưa bạn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh đồng sen hồng, sen trắng, lúa trời, năng kim… vươn mình trong nắng. Vài con chim trích, mào đỏ tươi, lông xanh thẫm, đuôi vanh vảnh, cứ thoát ẩn, thoát hiện trong lùm cỏ năng như đang chơi trốn tìm cùng du khách. Chiếc đò chèo qua một dòng kênh nhỏ, len lỏi chạy xuyên qua những tán tràm. Xen giữa những cánh rừng tràm, một trảng cỏ năng xanh mênh mông rập rờn theo gió. Cảm giác hòa mình với thiên nhiên thật tuyệt. Khi đến đài vọng cảnh, xuồng sẽ dừng hẳn để bạn leo lên tầng cao, thỏa thích ngắm nhìn toàn cảnh một màu xanh bát ngát của vườn quốc gia Tràm Chim, thả hồn theo những cơn gió nhẹ mơn man, cảm nhận sự gần gũi với thiên nhiên và thấy lòng bình yên đến lạ. Một điều rất thú vị nữa ở Tràm Chim đó là ngắm hoàng hồn. Mặt trời như một quả cầu tráng ánh bạc với những vầng hào quang đủ màu rực rỡ bao quanh từ từ chìm xuống phía đường chân trời. Cả một vùng sông nước chợt hồng lên, rạng rỡ. Ráng chiều hắt lên mặt nước những mảng màu loang lổ bởi sự pha trộn màu đa sắc, huyền ảo: vàng tươi, hồng cam, trắng sáng… thật sự là một tuyệt tác của thiên nhiên. Sau hành trình khám phá vườn quốc gia Tràm Chim, bạn sẽ có dịp ngồi trên gian nhà lá thoáng mát giữa rừng hay các bè nổi, thưởng thức các món ngon dân dã mang hương vị đồng quê như: cá lóc nướng trui, cá kho bông súng, ốc hấp tiêu, lẩu cua đồng, lươn um xả, chả cá chiên giòn, khô cá lóc, cá trèn, cá chạnh nướng. Nếu các bạn có dịp đến đây đúng vào mùa sen nở thì còn có cơ hội được thưởng thức rất nhiều những món ăn hấp dẫn được chế biến từ sen.

Đồng Tháp

Tháng 9 đến tháng 12

1113 lượt xem