Điểm du lịch

Hồ Bán Nguyệt - Hưng Yên

Hồ Bán Nguyệt vẫn được xem như trái tim vàng của Hưng Yên. Đây là thắng cảnh mà người dân Hưng Yên nào cũng biết tới. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên nằm ở trung tâm phố Hiến, nằm giáp đường Bạch Đằng, phía Đông nằm cạnh Bãi Sậy, phía Tây Nam là đê sông Hồng. Từ trung tâm thành phố chỉ cần đi khoảng 1km là tới đây. Du lịch Hưng Yên, ghé thăm hồ Bán Nguyệt, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên yên ả, thanh bình. Tới đây, bạn được hít hà bầu không khí trong trẻo, dường như mọi mệt mỏi, u buồn đều tan biến, chỉ còn những khoảnh khắc yên bình đúng nghĩa của nó. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên không chỉ mang vẻ đẹp thơ mộng mà còn nằm ngay tại vùng đất linh thiêng, nơi có nhiều đình, miếu, đền, chùa. Trong đó có hai địa điểm tâm linh nổi tiếng nằm ngay tại ven hồ được nhiều du khách ghé thăm là đền Trần và đền Mẫu. Đây là hai địa danh mang nhiều dấu ấn lịch sử, nằm in bóng bên mặt hồ Bán Nguyệt tĩnh lặng. Đúng như cái tên gọi, nhiều người đã có thể hình dung được hình dáng của mặt hồ Bán Nguyệt Hưng Yên. Nơi đây giống như một vầng trăng khuyết ấn tượng. Vẻ đẹp của hồ được hiện lên vừa dân dã mà lại cực sống động trong từng lời hát, câu thơ, trong những tác phẩm nghệ thuật. Đến với hồ Bán Nguyệt, bạn sẽ được thỏa thích tận hưởng bầu không khí bình yên, trong lành rồi đọng trong tâm hồn biết bao cảm xúc khó quên. Hồ Bán Nguyệt chứa trong mình dòng nước lững lờ trôi, không gian yên ả, tĩnh lặng tạo nên khung cảnh nhẹ nhàng, nên thơ. Ban đầu, hồ là một đoạn của sông Hồng sót lại sau khi đổi dòng. Người dân nơi đây ví hồ như mảnh gương của Hằng Nga rớt xuống. Hồ dù không thông với bất cứ đâu nhưng nước trong hồ luôn đầy ắp, trong veo. Một bên là đê sông Hồng cùng với thảm cỏ xanh mướt, một bên là phố phường nhộn nhịp. Nếu bạn đang muốn tìm về một không gian yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên xanh mát ở Hưng Yên thì hồ Bán Nguyệt chính là địa điểm khó có thể bỏ qua. Bao quanh hồ Bán Nguyệt là rất nhiều cây xanh, cây nào cũng vươn mình ra rủ bóng xuống mặt hồ phẳng lặng. Mỗi khi có có gió thoảng qua, các hàng cây đung đưa tạo cho người ta cảm giác mộc mạc, yên bình biết bao. Giữa hồ là cột cờ cao 10m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, đây được xem là điểm nhấn đặc biệt giữa mặt hồ yên bình. Tham quan hồ Bán Nguyệt, du khách có thể nghỉ ngơi tại các ghế đá, vừa ngắm cảnh, vừa tận hưởng gió mát. Dạo quanh bờ hồ, bạn sẽ được nghe tiếng nước chảy nhè nhẹ, thả hồn vào làn gió đưa, cảnh tượng như một bản nhạc trữ tình. Trong cái nhịp sống hối hả, vội vã của cuộc sống hiện đại thì tới nơi đây, thời gian như được lắng đọng, tâm hồn như nhẹ nhõm hơn. Hồ Bán Nguyệt là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội thường niên của thành phố Hưng Yên. Vào năm 1905, tổng đốc Lê Hoan tổ chức cuộc thi vịnh Kiều tại ngay hồ với sự góp mặt của Nguyễn Khuyến và Chu Mạnh Trinh.Đến thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây đắp con đường nhỏ từ cửa đền Mẫu sang điếm canh, chia đôi hồ để triển khai các hoạt động chèo thuyền giải trí. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, con đường này bị phá bỏ để trả lại vẻ đẹp nguyên sơ cho hồ.

Hưng Yên

Từ tháng 1 đến tháng 12

238 lượt xem

Làng Nôm

Làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Năm tháng trôi qua, làng Nôm vẫn là mảnh đất được người dân Hưng Yên trân trọng, gìn giữ. Trước cuộc sống nhộn nhịp, xô bồ, thật khó có nơi nào mà người ta cảm thấy yên bình đến vậy. Những nét đẹp kiến trúc, văn hóa và con người vẫn vẹn nguyên sau hơn 2oo năm biến động. Chính bởi vẻ đẹp “bền vững” đó, du lịch làng Nôm Hưng Yên cũng được nhiều người quan tâm tới. Dời xa phố thị, tới một làng quê nhỏ, bạn sẽ thấy vừa quen và lạ. Quen như ở chính ngôi nhà mình, lạ bởi một miền đất mới. Ở làng Nôm, vẻ đẹp truyền thông dung dị như cây đa, giếng nước, mái đình vẫn được gìn giữ. Qua cánh cổng làng rêu phong, khung cảnh bên trong làng mang đặc trưng của làng quê cổ Việt Nam. Các khu nhà nhỏ nhắn đều nhuốm màu thời gian, hoạt động thường nhật của người dân diễn ra bình lặng, yên ả. Cảm giác vô cùng thoải mái, thư thả. Du lịch Hưng Yên sẽ không trọn vẹn nếu du khách chưa ghé tới làng Nôm. Ngoài việc thưởng thức các món đặc sản Hưng Yên, tới làng Nôm còn là cơ hội cho du khách tìm hiểu về văn hóa con người nơi đây. Qua các kiến trúc và các điểm đến thú vị. Bước qua cánh cổng làng, chợ Nôm là địa điểm mà bạn có được trải nghiệm về chợ quê Việt Nam hoàn hảo nhất. Chợ Nôm trước đây là khu chợ sầm uất nhất vùng Văn Lâm. Khu chợ giản dị, không bê tông cốt thép như các chợ trung tâm thành phố. Một địa điểm hấp dẫn khách tại làng Nôm đó là chùa Nôm. Ngôi chùa còn có tên khác là Linh thông cổ tự. Theo nhiều tài liệu chữ Hán, chùa được xây dựng trên một đồi thông lớn, thời Hậu Lê. Tuy nhiên, qua phân tích các bức tượng đất nung trong chùa, thì nhiều nhà khảo cổ cho rằng ngôi chùa tồn tại khoảng ngàn năm rồi. Chùa Nôm có kiến trúc Á Đông đậm nét, điển hình của chùa cổ Việt Nam. Trong chùa lưu giữ hơn 100 pho tượng đất nung, điêu khắc tinh xảo. Ngôi chùa rất linh thiêng và được người dân làng Nôm trân quý. Những ngôi nhà ở làng Nôm cũng là nơi nhiều du khách tới khám phá. Nhiều ngôi nhà có tuổi đời 200 năm, kiến trúc độc đáo. Nền văn hóa Kinh Bắc chân thực và sống động qua từng nếp nhà.

Hưng Yên

Từ tháng 1 đến tháng 12

238 lượt xem

Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch

Đền được xây dựng trên một khu đất cao, bằng phẳng, hình chữ nhật với diện tích 18.720m². Mặt đền quay hướng chính tây, nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên (làng Ngự Dội, xã Tứ Dân) – nơi mà công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 18, gặp Chử Đồng Tử và hai người nên duyên vợ chồng. Đền được chia thành ba khu. Khu ngoài có diện tích 7.200m², không có tường bao, kiến trúc duy nhất là nhà bia 2 tầng, 8 mái cong, với cửa trổ ra 4 hướng. Trong nhà bia có bia đá với nội dung nói về thời điểm trùng tu đền Đa Hòa và cuộc nhân duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Từ đây, theo con đường lát gạch rộng 6m với hai bên đường là hàng cây gạo cổ thụ tỏa bóng râm mát, sẽ đến cổng chính. Qua cổng chính là vào khu giữa. Khu này có diện tích 3.400m², có tường thấp bao quanh, trồng đan xen nhiều cây xanh và được chia thành hai khu: khu bên phải có lầu chuông, bên trong có quả chuông đồng cao 1,5m; khu bên trái có gác khánh, bên trong có khánh đá với chiều ngang là 1,2m; ngăn cách giữa hai khu này là con đường lát gạch dẫn từ cổng chính đến ngọ môn với ba cửa ra, vào, phía trên treo bức đại tự với bốn chữ sơn son thiếp vàng “Bồng lai cung khuyết “. Bước qua ngọ môn là vào khu trong. Với diện tích 11.520m², kiến trúc kiểu cung đình thời Nguyễn nhưng có sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, khu trong gồm: sân đại, nhà đại tế, sân chầu, tòa thiêu hương, cung đệ nhị, cung đệ tam và hậu cung. Nối liền các cung là thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo… Trong hậu cung có 3 khám thờ: Đức Thánh Chử Đồng Tử (ở giữa), Hoàng hậu Tiên Dung công chúa (bên trái), thứ phi Hồng Vân – Tây Sa (bên phải). Tổng thể công trình kiến trúc trong khu này gồm 18 ngôi nhà mái ngói cong hình 18 thuyền rồng cách điệu. Đây là kiến trúc đặc biệt nhằm tái hiện hoạt cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang giăng buồm du ngoạn trên bến sông thuở nào. Ngoài kiến trúc độc đáo, đền Ða Hoà còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm, điển hình như: 3 cỗ ngai thờ bằng gỗ có niên đại vào cuối thế kỉ 17 và 18. Đây được coi là những cỗ ngai cổ nhất còn tìm thấy ở nước ta hiện nay; đôi lọ Bách thọ bằng gốm (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào được khắc trên thành lọ)… Rời đền Đa Hòa, du khách sẽ đến đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch), nơi gắn liền với truyền thuyết về đầm Dạ Trạch. Tương truyền, tại vị trí Chử Đồng Tử và hai người vợ là công chúa Tiên Dung và Hồng Vân “hóa” về trời vào đêm 17/11 âm lịch, đã sụt xuống thành một đầm lớn, đầm Dạ Trạch (đầm được hình thành chỉ sau một đêm). Cho là thần linh ứng, người dân địa phương đã lập đền thờ 3 vị trong khu vực đầm Dạ Trạch và đặt tên là đền Dạ Trạch hay còn gọi là đền Hóa. Đền Dạ Trạch đã được trùng tu nhiều lần, tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả lần trùng tu vào năm 1890 với kiểu chữ Công (工), mặt hướng chính đông, ra hồ bán nguyệt, mái khắc nhiều hình long, phượng rất đẹp, gồm ba gian. Trong đó, hậu cung là gian được thiết kế đẹp nhất với mái vòm cuốn tam cấp, gợi cho du khách cảm giác như đứng trong khoang thuyền. Từ ngoài vào, bên phải, đầu tiên là ban thờ thổ công miếu đình, tượng quan võ, rồi đến ban thờ các vị thân sinh của Đức thánh Chử Đồng Tử; bên trái là ban thờ Bế ngư thuyền quan (tượng một con cá chép bằng gỗ sơn son thếp vàng óng ánh), kế đến là ban thờ Triệu Việt Vương (548 – 571). Ở chính giữa hậu cung là 3 khám thờ: Đức Thánh Chử Đồng Tử (ở giữa), Hoàng hậu Tiên Dung công chúa (bên trái), thứ phi Hồng Vân (bên phải). Tại đây còn đặt tượng thờ hai con ngựa, một tượng đỏ, một tượng trắng. Tương truyền, đó là hai con ngựa mà Đức Thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân đã cưỡi để đi chữa bệnh cho dân. Ngoài kiến trúc chính, trong khu vực đền còn có lầu chuông, bên trong đặt một chuông Dạ Trạch từ chung (chuông đền Dạ Trạch) được đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902), dài 1,5m, rộng 0,8m; hai dãy nhà chín gian, trước kia, đây là nơi để chín chiếc kiệu; hai bia đá dựng đối diện nhau (một bia đã vỡ), được dựng năm Gia Long thứ 17 (1819), cao 1,6m, rộng 0,8m, dày 0,17m; một hồ bán nguyệt; nhiều hoành phi, câu đối ghi lại sự tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa; đặc biệt là hình ảnh chiếc nón và cây gậy – hai vật mà Đức Thánh Chử Đồng Tử đã dùng để cứu nhân độ thế. Đền Dạ Trạch đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989. Để ghi nhớ công ơn của Đức Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội Chử Đồng Tử. Đây là 1 trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước với các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn. Độc đáo nhất là lễ rước nước với sự tham gia của 10 con thuyền nối đuôi nhau ra sông Hồng lấy nước về lễ Thánh tại đền Đa Hòa và Dạ Trạch. Hoạt động này được tổ chức theo đúng phong tục xưa, diễn ra trong suốt hai tiếng đồng hồ. Trong quá trình các thuyền di chuyển, còn biểu diễn múa rồng trên thuyền.

Hưng Yên

Từ tháng 1 đến tháng 12

240 lượt xem

Đền Chử Đồng Tử

Nhắc đến Hưng Yên là nhắc đến một mảnh đất với rất nhiều địa điểm cho du khách có thể tham quan du lịch. Du lịch Hưng Yên nổi tiếng với các loại hình du lịch như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Một số những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng có thể kể đến như làng Nôm, phố Nối, vườn hoa cúc chi, đền Trần,…Đặc biệt không thể không kể đến địa điểm tâm linh nổi tiếng ở mảnh đất này đó là đền thờ Chử Đồng Tử. Đền được xây dựng trên một khu đất cao hình chữ nhật, và có lịch sử khá lâu đời. Đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về tình yêu và đồng thơi gắn với những chiến công lừng lẫy của dân tộc ta như cuộc chiến của Quang Phục chống lại quân Lương; Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi chống quân Minh; nhiều phong trào khởi nghĩa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,… Đền gồm 2 khu là đền Dạ Trạch và đền Đa Hòa, hai khu đền này cách nhau không quá xa và đều nằm ở huyện Khoái Châu. Tổng diện tích của đền là 18 720 m vuông, bao gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ khác nhau. Hai ngôi đền này đều đã được nhà nước chứng nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Ngôi đền thu hút các du khách không chỉ bởi vẻ bề ngoài cổ kính rêu phong mà những pho tượng cũng là một trong những nét nổi bật đáng chú ý tại đền. Tiêu biểu là pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở hậu cung, tượng được đúc bằng đồng, được sơn màu, kẻ mắt rất tinh xảo, và hiện nay thì có ba pho tượng như thế được đặt tại cung Đệ Tam. Du khách có thể lựa chọn đến đây từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, để không chỉ có thể vãn cảnh ngôi đền mà còn có thể tham gia vào lễ hội Chử Đồng Tử. Lễ hội này được tổ chức nhằm ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của đức thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đã có công chữa bệnh giúp dân. Lễ hội hết sức độc đáo với nhiều hoạt động đa dạng khác nhau như rước kiệu, múa rồng, hát ca trù, những trò chơi dân gian đặc sắc,…

Hưng Yên

Tháng 3 đến tháng 4

244 lượt xem

Văn Miếu Xích Đằng

Nằm giáp con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, thuộc thành phố Hưng Yên, văn miếu Xích Đằng hay còn gọi là văn miếu Hưng Yên, là một di tích quan trọng trong quần thể cụm di tích Phố Hiến. Văn miếu được xây dựng vào năm 1832, trải qua gần 400 năm tồn tại và ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng, văn miếu đã trở thành một biểu tượng về truyền thống hiếu học của người dân mảnh đất “Nhất kinh kì, nhì Phố Hiến”. Dù nằm trong khu dân cư, nhưng đi ngay trên cầu Yên Lệnh, thuộc quốc lộ 38 nối Hà Nam với Hưng Yên có thể quan sát được văn miếu Xích Đằng từ hai cây gạo đã có hàng trăm năm tuổi được trồng trước cổng. Nằm trên đường dẫn vào còn có tượng hai con nghê đá lớn được tạc từ thế kỷ XVIII. Tam quan hay còn gọi là cổng nghi môn là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam. Được dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương. Thay vì lầu trống như ở các văn miếu Quốc tử giám, văn miếu Mao Điền, ở văn miếu Xích Đằng lầu trống được thay vào bằng lầu chuông. Tiếng chuông và tiếng khánh vang lên chính là lúc báo hiệu giờ thi đã bắt đầu và kết thúc, đồng thời nó cũng là tiếng cầu thỉnh tỏ lòng biết ơn, tri ân với những bậc hiền nho trong mỗi dịp lễ hội. Hai chiếc chuông và khánh của văn miếu cũng là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ XVIII. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu. Hai dãy này hiện nay được dùng để trưng bày các hình ảnh và hiện vật liên quan đến giáo dục của tỉnh Hưng Yên. Văn miếu Xích Đằng kết cấu theo kiểu chữ Tam: gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”, mặt chính quay về hướng Nam. Bên trong khu nội tự tỏa sáng với hệ thống các đại tự, cấu đối, cửa võng và một hệ thống các trụ, kèo được sơn son thếp vàng phủ kim hoàn toàn. Hiện vật quý giá nhất trong văn miếu còn lưu giữ được đến ngày nay đó chính là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa, trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình.

Hưng Yên

Từ tháng 1 đến tháng 12

237 lượt xem