Điểm du lịch

Cực Tây A Pa Chải

A Pa Chải thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách thành phố Điện Biên Phủ 250 km, là điểm cực tây của Tổ quốc, nơi có cột mốc phân chia ranh giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Đây được gọi là mốc ngã ba biên giới nằm trên đỉnh núi Khoang La San, có độ cao 1.864m so với mực nước biển, hàng năm đón khá nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ ở mọi miền Tổ quốc đến tham quan, chinh phục. Trước đây, A Pa Chải được coi là mốc khó chinh phục vì đường lên cột mốc khó khăn, phải vượt qua ba quả đồi cỏ tranh cao lút đầu người, băng qua rừng, lội suối, leo núi cao mất bốn đến năm tiếng từ đồn biên phòng mới lên tới nơi. Giờ đã khác. Năm 2018, tỉnh Điện Biên hoàn thiện xong con đường bê tông men theo các vách núi và xây bậc tam cấp, du khách chinh phục cột mốc dễ dàng hơn dù rằng vẫn phải đi bộ vài cây số đường bê tông nhỏ, dốc và leo 500 bậc thang để lên tới cột mốc. Cột mốc ngã ba biên giới đặt trên đỉnh núi có hình tam giác, có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng quốc ngữ riêng và quốc huy ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Từ điểm cao của cực Tây Tổ quốc, nhìn ra xa là một không gian bao la, núi rừng hùng vĩ, trùng điệp. Cột mốc ba cạnh phân chia ranh giới ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc lung linh dưới nắng. Niềm xúc động và tự hào dân tộc trào dâng.

Điện Biên

Từ tháng 1 đến tháng 12

272 lượt xem

Hồ Pá Khoang

Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Pá Khoang, TP. Ðiện Biên Phủ; cách quốc lộ 279 khoảng 8km và cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ gần 20km về hướng Ðông Bắc. Theo ngôn ngữ của người dân tộc Thái, Pá Khoang có nghĩa là “rừng trúc”. Ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang cho biết: Trước kia quanh hồ trúc mọc nhiều vô kể, người Thái nơi đây có câu nói vui rằng “ngửa mặt lên thấy trời, cúi mặt xuống thấy trúc”. Người dân địa phương thường sử dụng cây trúc để làm cần câu cá và một số vật dụng sinh hoạt. Ngoài việc đảm bảo tưới tiêu cho 5.000ha cánh đồng Mường Thanh với 2 vụ lúa, hồ Pá Khoang còn điều hòa khí hậu, hạn chế những tác hại của mưa lũ, tích trữ nước cho hai công trình thủy điện Thác Bay và Nà Lơi. Với lợi thế đa dạng thảm thực vật, rừng quanh hồ phong phú các loại thú; nhiều loài thực vật, động vật nổi và dưới lòng hồ. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tuyến đường vào hồ Pá Khoang đã được trải nhựa. Cũng vào thời điểm này đã khai trương 4 nhà nghỉ vừa sang trọng lẫn dân dã với gần 100 phòng; các bản văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú cũng được triển khai với tổng diện tích trên 1.000ha. Ðể đến hồ Pá Khoang, du khách có thể di chuyển từ quốc lộ 279 theo quốc lộ 279b vào địa bàn xã Mường Phăng. Hoặc có thể theo tuyến đường bộ phía đông nam của TP. Ðiện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng. Hai tuyến đường này đều dẫn du khách qua những con đường quanh co, uốn lượn ven hồ, thỉnh thoảng lại hiện ra sau tán rừng mặt hồ Pá Khoang trong xanh... Tham quan hồ Pá Khoang, du khách có thể bơi thuyền trên những gợn sóng lăn tăn, len lỏi vào tận cùng ngóc ngách của các đảo, khám phá điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Du khách cũng có thể đi bộ xuyên rừng thưởng ngoạn cảnh quan và ghé thăm các bản của người dân tộc Thái. Người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách; du khách sẽ được mời tham dự những buổi giao lưu văn nghệ, thưởng thức nghệ thuật và các món ẩm thực, như: xôi, cơm lam, cá nướng, thịt hun khói... Vào mùa đông, sương mờ bảng lảng phủ khắp mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mặc huyền ảo. Mùa hè đến, mặt hồ trong xanh, hiền hòa soi bóng núi non, mây trời và rừng cây xanh thẫm. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu chung của quy hoạch là đến năm 2020 phát triển Khu Du lịch Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch Quốc gia; đến năm 2030 thực sự trở thành Khu Du lịch Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiên đại; là điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Ðiện Biên.

Điện Biên

Từ tháng 1 đến tháng 12

263 lượt xem

Đèo Pha Đin

Pha Đin tiếng Thái gọi là “Phạ Đin”, trong đó “Phạ” là trời, Đin là “đất”. Tên của con đèo này có nghĩa là nơi giao thoa giữa đất và trời - cái tên đủ để giúp người ta hình dung về sự xa xôi, hiểm trở ở đây. Đèo Pha Đin cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km. Đây được xem là ranh giới giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Pha Đin tọa lạc trên độ cao 1000m so với mực nước biển, với tổng chiều dài khoảng 32km. Điểm khởi đầu của đèo cách TP Sơn La 66km, còn điểm cuối cách TP Điện Biên Phủ khoảng 84km. Pha Đin cùng với Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng làm nên tứ đại đỉnh đèo huyền thoại của vùng cao Tây Bắc. Du khách phương xa muốn chinh phục đại đỉnh đèo này cần đến Hà Nội bằng xe khách, tàu hỏa hay tốt nhất là đặt vé máy bay đi Hà Nội. Từ sân bay Nội Bài, du khách có thể đặt xe đưa đón sân bay trên Traveloka để vào trung tâm thành phố. Từ Hà Nội, để đến Sơn La - điểm khởi đầu của đèo Pha Đin bằng xe khách giường nằm, limousine hay phượt bằng xe máy. Con đèo này nằm trên quốc lộ 6, nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Phượt thủ xuất phát từ Hà Nội sẽ di chuyển theo tuyến quốc lộ 6 qua cao nguyên Mộc Châu – Yên Châu – Mai Sơn – Thuận Châu là tới điểm khởi đầu của đèo Pha Đin. Còn nếu xuất phát từ TP Điện Biên Phủ, bạn sẽ đi theo quốc lộ 279 hướng đi huyện Tuần Giáo là tới. Mỗi mùa, đèo Pha Đin lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Nhưng mùa đẹp nhất ở Pha Đin là mùa xuân và mùa hạ. Mùa xuân là mùa hoa rừng khoe sắc. Nào là hoa đào hồng ứng, hoa mận trắng tinh, hoa ban rợp trời. Tháng 3 là mùa hoa ban nở rộ - loài hoa đặc trưng của tỉnh Điện Biên cũng là mùa được các phượt thủ đánh giá là đẹp nhất. Mùa hè ở các tỉnh đồng bằng nóng cháy da nhưng khí hậu ở Pha Đin mát mẻ, dễ chịu. Mùa đông kèm theo mưa phùn thời tiết lạnh giá và đường đi nguy hiểm hơn không phải mùa lý tưởng để chinh phục Pha Đin. Ngoài ra, từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa mưa ở Điện Biên. Trước khi bắt đầu hành trình bạn nên theo dõi sát diễn biến thời tiết. Bởi khu vực Pha Đin là núi đất đỏ chứ không phải núi đá vôi. Khi có mưa nhiều dễ xảy ra sạt lở cực nguy hiểm. Hầu hết du khách và phượt thủ đến đây để thỏa mãn máu phiêu lưu. Cung đường đèo hiểm trở và thiên nhiên hùng vĩ nơi đây như có sức thôi miên kỳ lạ. Từ xa nhìn lại, cung đường đèo chạy dài uốn lượn như sợi dây thừng lơ lửng giữa núi đồi. Địa thế nơi đây vô cùng hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Điểm cao nhất của đèo Pha Đin cao 1.648m so với mực nước biển. Độ dốc của đèo từ 10% đến 19%. Cung đường đèo ngoằn ngoèo với 125 khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z nguy hiểm với bán kính đường cong dưới 15m. Đi từ điểm khởi đầu lên đến đỉnh đèo, từng bức tranh thiên nhiên từ từ mở ra, vừa hùng vĩ, ngoạn mục lại vừa thơ mộng. Dưới chân đèo lác đác bản làng. Lưng chừng đèo mây mờ giăng phủ. Từ dốc đèo nhìn xuống là thung lũng Mường Quài trải rộng mênh mông. Đến gần phía đỉnh đèo chỉ có bầu trời thăm thẳm và rừng núi hùng vĩ, bao la. Khi chinh phục Pha Đin, bạn đừng quên dừng chân ngắm cảnh tại thung lũng Ẳng Nưa hay check in tại Pha Đin Pass - một khu du lịch 50ha do hợp tác xã Pha Đin xây dựng. Sức sống hiện diện khắp cung đèo Pha Đin. Trên cung đường chinh phục, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những phiên chợ vùng cao khi đi qua địa phận xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La hay xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Người dân họp chợ để mua bán nông sản, dược liệu, sản vật núi rừng. Du khách cũng có thể dừng chân để mua một ít mang về làm quà. Điều khiến đèo Pha Đin trở nên đặc biệt hơn so với 3 đại đỉnh đèo Tây Bắc còn lại chính là việc con đèo này gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng năm châu, chấn động địa cầu. Trong kháng chiến chống Pháp, Pha Đin là tuyến đường bộ tiếp vận và vận chuyển pháo lên Điện Biên Phủ và đã trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm của 8.000 thanh niên xung phong. Để chặn đứng tuyến tiếp vận này, quân đội Pháp đã cho máy bay oanh tạc ròng rã 48 ngày đêm đường số 6. Trong đó, đèo Pha Đin và một trong 2 nơi hứng chịu nhiều mưa bom bão đạn nhất. Giờ đây, đèo Pha Đin đã được công nhận Di tích Quốc gia, là minh chứng cho lịch sử của dân tộc.

Điện Biên

Từ tháng 1 đến tháng 12

286 lượt xem

Cầu Hang Tôm

Cầu Hang Tôm cũ trước đây từng nổi tiếng là cầu dây văng đẹp nhất Tây Bắc, nối liền Mường Lay (Điện Biên) và Phong Thổ, Sìn Hồ của Lai Châu. Sở dĩ cầu có tên Hang Tôm là do khúc sông này xưa kia có quá nhiều tôm. Cách cầu chừng 50m có một “mó” nước rất mát, tôm từ sông Đà lũ lượt lên đó đẻ trứng, cả một khúc sông dày đặc tôm là tôm. Ngày ngày bà con thay nhau lên đó bắt về ăn. Nhưng người dân quanh khu vực này có tục lệ bất thành văn, mỗi nhà chỉ được bắt chừng một tiếng đồng hồ rồi nhà khác tiếp tục. Cuối những năm 1960, cầu Hang Tôm bắt đầu được tiến hành xây dựng. Ngày đó, chuyên gia và công nhân Trung Quốc cũng qua giúp ta làm cầu. Tuy nhiên, đến năm 1968, Trung Quốc xảy ra cách mạng văn hóa, chuyên gia và công nhân của họ rút hết về nước. Rất may khi đó hạng mục được coi là khó nhất là cáp treo đã được kéo xong, chỉ còn lại các công đoạn hoàn thiện. Nhưng cũng phải mãi đến năm 1973, cầu Hang Tôm mới được khánh thành. Ngày đó thật sự là ngày hội lớn của hàng vạn đồng bào Tây Bắc. Hàng ngàn người từ khắp nơi cơm đùm, cơm nắm, đi bộ vài ngày đường đổ về để tận mắt được nhìn, được một lần đi qua cây cầu mơ ước. Hang Tôm như một điểm nhấn cho vùng Tây Bắc. Cũng bởi vẻ đẹp hoành tráng và hoang sơ của cầu Hang Tôm nên những năm sau này, dân du lịch,Tây cũng như ta, đã đổ về đây, nhất là từ khi xuất hiện phong trào du lịch bụi. Tháng 11/2012 thủy điện Sơn La tích nước, toàn bộ Thị xã Mường Lay cũ trong đó bao gồm cả cây cầu Hang Tôm đã chìm sâu dưới lòng hồ Sông Đà, chấm dứt 40 năm hoạt động của cây cầu lịch sử. Ngay gần vị trí cầu Hang Tôm cũ, một cây cầu mới được dựng lên để thay thế nhiệm vụ, cao hơn cây cầu cũ 70m.

Điện Biên

Từ tháng 1 đến tháng 12

264 lượt xem

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ

Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gồm 45 di tích thành phần. Đây là một không gian lịch sử và cũng là sản phẩm du lịch nổi bật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhở người Việt Nam về ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Những ngày tháng 5 lịch sử này, nhiều đoàn khách đổ về thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019). Đã có rất nhiều đổi thay trên vùng đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa, với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân dân ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ nay là một trong số hơn 100 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Những di tích này đã để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Điện Biên. Nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, đêm 6/5/1954, quân ta đã đào một đường hầm, đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg và cho điểm hỏa. Đến sáng 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi hoàn toàn. Đồi A1 nay là điểm tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế với các hầm, hào, lô cốt, xe tăng được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tại đây, khách du lịch có thể trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, nghe cựu chiến binh kể chuyện... Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là căn hầm với các phòng làm việc, nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Một di tích khác không thể không nhắc tới cùng những bản hùng ca về người chiến sĩ Điện Biên đó là di tích Đường kéo pháo. Tuyến đường huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Chỉ bằng sức người cùng những dụng cụ thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần anh dũng quả cảm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa. Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31/1 đến 15/5/1954. Trong những ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”. Trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, một công trình tuy ra đời trong thời bình nhưng có vai trò hết sức quan trọng, đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được hoàn thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có hình dáng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội ta năm xưa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm 2 khu trưng bày: Bên ngoài gồm 112 hiện vật là các loại vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng, bên trong trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu. Bảo tàng đã góp phần phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên.

Điện Biên

Từ tháng 1 đến tháng 12

272 lượt xem