Di tích lịch sử

Đền Đồng Nhân

Đền Đồng Nhân xưa (tên gọi khác là đền Hai Bà Trưng) tọa lạc tại số 12 phố Hương Viên (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là một trong những ngôi đền thiêng thờ bà Trưng Trắc, Trưng Nhị. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đền Đồng Nhân cùng với đình, chùa là quần thể di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2020). Hai bà quê ở Phong Châu, Mê Linh. Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Lúc bấy giờ Thái thú nhà Hán là Tô Định tàn bạo, giết hại Thi Sách, là chồng của bà Trưng Trắc. Hai bà phất cờ nổi dậy và được dân chúng ở các nơi cùng hưởng ứng đánh đuổi quân Tô Định lấy được 65 thành trì ở Lĩnh Nam, tự xưng làm vua. Về sau, nhà Hán sai tướng là Mã Viện sang đàn áp, hai bà chống không nổi phải rút về giữ đất Cẩm Khê, sau cùng lên núi Thường Sơn và tự vẫn. Một thuyết khác nói rằng Hai Bà cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn, sau đó khi thiêng hóa thành hai tảng đá trắng trôi trên sông Hồng về bến bãi Đồng Nhân, đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng thấy vậy, bèn lấy vải đỏ rước tượng bà và lập đền thờ Hai Bà ở ngay bãi Đồng Nhân ven sông. Theo sử liệu, đền Hai Bà Trưng được xây dựng vào đời vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142), tại khu vực bãi sông của làng Đồng Nhân. Sau đó, do vùng đất này bị xói lở nên dân làng đã di dời ngôi đền tới thôn Hương Viên (vị trí ngày nay). Đền là trung tâm của quần thể di tích: Chùa Viên Minh, đình thờ thần Cao Sơn Đại vương, Quốc vương Thiên tử, thần Đô Hồ Đại vương và các vị thủy thần có công phù trợ cho cư dân sống ở ven sông. Đền được xây trên khuôn viên rộng 4.000m2, theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Trước cổng có một hồ bán nguyệt. Qua một con đường là tới khoảng sân rộng cùng nghi môn gồm 4 trụ. Bên trái là tấm bia lớn cưỡi lưng rùa, bên phải là phương đình kiểu hai tầng tám mái. Đi vào trong là nhà tiền tế 7 gian với tượng hai con voi bằng gỗ sơn đen, được gắn đôi ngà thật. Đây là 2 voi tượng trưng cho voi của Hai Bà cầm quân ra trận. Nhà tiền tế nối với hậu cung bằng tòa thiêu hương, bên trong đặt ngai thờ và bức khảm hình Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Gian hậu cung đặt tượng Hai Bà được đặt trên bệ đá cao khoảng 1m. Tượng bằng đất luyện, tư thế ngồi. Bà Trưng Trắc mặc áo vàng, bà Trưng Nhị mặc áo đỏ, đầu đội mũ phù dung, tượng to hơn người thật, tay giơ cao trước mặt như đang hiệu triệu quần chúng. Hai bên là tượng các nữ tướng đã theo Hai Bà khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, rửa nhục nước, trả thù chồng: Tướng Lê Chân, Hòa Hoàng, Thiên Nga, Nguyễn Đào Nương, Phùng Thị Chính và Bát nạn Công chúa Phạm Thị Côn. Tòa bái đường được đặt ngai thờ và 1 tấm khảm thể hiện hình ảnh Hai Bà cưỡi voi đánh giặc. Trong đền Đồng Nhân hiện còn giữ được nhiều đồ tế khí sơn son thếp vàng có giá trị như : Bát bửu, hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đền Đồng Nhân còn có tấm bia “Trưng Vương sự tích bi ký” đặt ở sân trước bái đường, do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 với nội dung ca ngợi Hai Bà là bậc “Nam bang tiết liệt”. Để tri ân công ơn của Hai Bà, hàng năm, người dân nơi đây tổ chức lễ hội đền Đồng Nhân từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Hai. Mồng 6 là chính hội với nét đặc sắc là chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian. Đúng 12h trưa là lễ rước cỗ ông chủ và tế hội đồng của 4 xã kết chạ cùng thờ Hai Bà Trưng gồm làng Phụng Công (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) và làng Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Lễ hội ở đền Đồng Nhân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những anh hùng dân tộc, những người có công với nước với dân. Có nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà Trưng: Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Phụng Công (Hưng Yên), ở Mê Linh (huyện Mê Linh)… và có tới hơn bốn trăm nơi thờ các vị tướng của Hai Bà nhưng đền Đồng Nhân vẫn là điểm đến của nhiều du khách gần xa. Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội

Hà Nội 877 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đình Hạ Hiệp

Đình Hạ Hiệp thuộc xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, thờ Thành hoàng là Tướng quân Hoàng Đạo. Căn cứ vào phong cách nghệ thuật trên kiến trúc, cùng những đạo sắc phong thần, có thể xác định đình Hạ Hiệp có niên đại từ thời Lê trở về trước (khoảng đầu Thế kỉ XVII trở về trước). Theo các tài liệu nghiên cứu gần đây, Đại đình được dựng từ những năm 30 của thế kỉ XVII, Hậu cung được dựng vào nửa cuối thế kỉ XVII, tu sửa và mở rộng ở thế kỉ XIX; tiền tế dựng năm 1856 và hai Nghi môn được dựng ở đầu thế kỉ XX. Qua quá trình tồn tại, tới các năm Cảnh Hưng 12 (1751), Cảnh Hưng 20 (1759), Cảnh Hưng 32 (1771) nhân dân trong làng lại cùng nhau quyên tiền tu sửa đình. Sự việc được ghi lại trong tấm bia “Tại đình bi” hiện dựng bên trái Đại đình (niên đại của tấm bia là Cảnh Hưng 32 (1771). Năm 1816, đình tiếp tục được tu bổ, làm thêm hai bể nước bằng đá, một số hòm sớ, đồ thờ tự khác... Những năm gần đây (1996, 2004, 2005), đình tiếp tục được nhà nước và nhân dân quan tâm tu bổ, gìn giữ. Về mặt kiến trúc, đình làng Hạ Hiệp gồm nhiều hạng mục công trình, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 3.000m2. Ngoài hai cổng trước, sau, hồ nước, sân... kiến trúc chính hiện nay của đình làng Hạ Hiệp gồm 3 phần: Tiền tế, Đại đình, Hậu cung, tạo nên một mặt bằng công trình chính có dạng tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh. Mặt bằng tổng thể kiến trúc đình Hạ Hiệp gồm các hạng mục: Đình làng Hạ Hiệp có hai Nghi môn: nghi môn thứ nhất nằm phía trước tòa Tiền tế, trên trục thần đạo và hiện chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng bởi đường qua lại từ phía này đã bị bịt kín… Nghi môn thứ hai nằm phía bên trái Đại đình, sát đường liên thôn. Kích thước các cột trụ ở Nghi môn này nhỏ hơn ở Nghi môn thứ nhất. Tiền tế là một tòa nhà hình chữ nhật gồm ba gian hai chái, hai tầng tám mái kiểu chồng diêm, được dựng trên một cấp nền cao hơn mặt sân phía trước 0.17m. Nền nhà được lát gạch bát màu đỏ, theo mạch chữ công. Bộ khung gỗ của Tiền tế đình làng Hạ Hiệp được dựng trên 4 hàng chân cột đều có thiết diện vuông: 2 hàng cột cái (bằng gỗ) và 2 hàng cột quân (bằng đá). Đại đình gồm ba gian hai chái nhưng mỗi chái có kích thước lớn gần như một gian. Toàn bộ công trình này được dựng trên một cấp nền hình chữ, bó vỉa xung quanh là những viên đá xẻ. Đình xưa vốn có sàn. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại thì sàn đình đã bị dỡ trong khoảng từ năm 1968 đến 1970. Bộ khung Đại đình được dựng trên 6 hàng cột gỗ lim. Hậu cung, nơi đặt bài vị thờ Thành hoàng gồm 2 gian, dựng vuông góc với tòa ngoài, có hai lớp mái trước, sau, xây kiểu tường hồi bít đốc và được dựng vuông góc với Đại đình tại vị trí gian giữa. Hậu cung gồm 3 bộ vì nóc. Bộ vì nóc ngoài cùng được đỡ bởi một câu đầu kê trên hai đầu cột quân bên phải và bên trái vì gian giữa Đại đình. Bộ vì nóc thứ hai Hậu cung được làm kiểu ván mê. Hai bộ vì nóc phía ngoài và phía trong lại được làm kiểu biến thể giá chiêng, chồng rường con nhị. Liên kết ở vì nách Hậu cung là kiểu dùng kẻ. Là cung cấm, chốn thâm nghiêm nên Hậu cung đình làng Hạ Hiệp được xây tường bao kín đáo, theo kiểu thức tường hồi bít đốc tay ngai. Không kể thượng lương và tàu mái, mỗi mái Hậu cung còn có 08 hoành. Trang trí trên kiến trúc đình Hạ Hiệp: tập trung bên ngoài, trên hệ mái tại Nghi môn, chủ yếu là những con vật thần thoại, ước lệ như: rồng, lân, phượng, voi, ngựa, các hoa văn chữ Triện. Hạ Hiệp là một trong số ít ngôi đình niên đại khởi dựng từ nửa đầu thế kỉ XVII còn bảo tồn được nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc. Các mảng trang trí chạm khắc có niên đại trải dài từ Thế kỉ XVII đến đầu Thế kỉ XX vô cùng sống động, hài hòa, đã tạo nên những đặc trưng riêng. Với hàng trăm mảng điêu khắc, trang trí thuộc giai đoạn Hậu Lê, Nguyễn đã chứng tỏ sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân đương thời. Những mảng chạm khắc trang trí ở đình làng Hạ Hiệp đã thể hiện tính dân gian sâu sắc với nhiều đề tài phong phú. Những kiệu, hòm sớ, sắc phong, bia đá, bể cảnh... đã tạo nên một bộ sưu tập các đồ thờ tự độc đáo, có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa. Những hiện vật được coi như độc bản đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng dân làng Hạ Hiệp mà còn cho thấy sức sống bền vững của di tích qua gần 4 thế kỉ tồn tại. Đặc biệt, đình làng Hạ Hiệp còn giữ được 2 bể cảnh bằng đá có kiểu dáng tương tự nhau. Trên thân bể chạm nổi các hình long cuốn thủy, hoa sen, sóng nước... Đáng chú ý trên thân mỗi bể này còn ghi rõ niên đại tạo dựng là năm Gia Long 15 (1816). Đây là hai hiện vật khá độc đáo, lại được ghi niên đại cụ thể, rất hiếm gặp trong các di tích cùng loại. Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hạ Hiệp đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2020. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hà Nội 950 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Cầu Muối | Đình Cầu Muối

Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối tọa lạc tại trung tâm xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình). Theo sử sách ghi chép lại, đình, đền, chùa Cầu Muối được xây dựng vào khoảng 300 năm trước, dưới thời Hậu Lê. Cụm di tích nằm thế tựa sơn, bao quanh là rừng xanh tươi tốt, tạo nên nét cổ kính, linh thiêng. Nằm ở khu vực trung tâm của Cụm di tích là đình Cầu Muối. Đình là nơi thờ Thành Hoàng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một danh tướng thời nhà Lý. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đình để thờ cúng và tôn ông là Thành Hoàng làng. Trong quần thể của Cụm di tích còn có chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh và đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong đó, đền Công Đồng tương truyền là nơi rất linh ứng và thiêng liêng. Tục truyền rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng, suy tôn là mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ, đề cao giá trị hạnh phúc, tự do và độc lập. Không chỉ có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối còn là một di tích cách mạng quan trọng, đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, đình, chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương. Ngoài ra, Cụm di tích còn là nơi cất giấu lương thực của huyện Phú Bình vào năm 1951; nơi đóng quân của Đại đoàn 308 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Sư đoàn 304 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét, đặc trưng, Cụm di tich Đình - đền - chùa Cầu Muối đã trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, du lịch tâm linh nổi tiếng. Hàng năm, dân làng Cầu Muối và đông đảo du khách thập phương về đây thắp hương nhằm tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh, Thành Hoàng làng; đồng thời ước nguyện năm mới mạnh khỏe, bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, các giá trị văn hóa, lịch sử của Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng vào dịp đầu Xuân, thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, chiếm bái, hòa mình vào không khí linh thiêng, cổ kính và in đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương. Nguồn: Báo Thái Nguyên

Thái Nguyên 779 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Phù Liễn

Nằm trên địa bàn tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên có một ngôi cổ tự với tuổi đời lên đến hàng trăm năm - chùa Phù Liễn. Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại Thái Nguyên, gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta. Chùa Phù Liễn có diện tích khoảng 7000m2, đứng giữa quả đồi tháng đãng, nhiều cây xanh, thơ mộng và trữ tình. Ngôi chùa này có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, mang nhiều giá trị về tâm linh, văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chùa Phù Liễn (Phù Chân Thiền Tự) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Nhà Lý, trên một quả đồi thấp gần bờ sông Cầu ở khu vực đông bắc xã Phù Liễn, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ khi xưa. Năm 1896, thực dân Pháp chiếm đóng và xây dinh công sứ tại quả đồi này nên chùa phải chuyển về vị trí khác, nay là phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng, chùa Phù Liễn còn là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Là ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời, Phù Chân Thiền Tự đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đây là thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, dẫn đến các hoạt động đấu tranh, chống quân xâm lược của nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ, những nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn đã lựa chọn chùa Phù Liễn làm nơi ẩn náu, tránh khỏi sự truy đuổi của quân Pháp. Vào năm 1946, Chùa Phù Liễn vinh dự là nơi diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước ta, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đấu tranh giành lấy độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chùa Phù Liễn là một địa điểm tâm nổi tiếng tại Thái Nguyên. Tại chùa có rất nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát,... được chạm khắc tinh xảo cùng nhiều di vật quý giá, có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Chùa là nơi sinh hoạt tâm linh không chỉ của bà con Thái Nguyên mà của nhiều du khách từ khắp nơi, đến để lễ bái, dâng nhang và cầu nguyện. Chùa Phù Liễn được xây dựng theo lối kiến trúc Phật giáo truyền thống của Việt Nam, gồm các hạng mục: Nhà Tam Bảo, Tượng Phật Quan âm Linh Diệu, Điện Mẫu, Nhà Thờ Tổ, Vườn Tháp Cổ. Mỗi một khu vực thờ tự được xây dựng chỉn chu, bao quanh bởi cây cối, hoa kiểng tươi mát, tạo nên một không gian bình yên, tĩnh lặng đúng chất của một chốn tâm linh, thiền định. Đặc biệt, các chi tiết kiến trúc của chùa Phù Liễn đều toát lên được nét hoài cổ, công phu, tinh xảo trong từng đường nét. Từ cây cột, mái chùa, các bậc tâm cấp cho đến đèn lồng trang trí đều mang một vẻ đẹp ấn tượng, thể hiện rõ nét đặc trưng của chùa chiềng miền Bắc. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa Và Truyền Thông Thành Phố Thái Nguyên

Thái Nguyên 801 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái

Khu di tích lịch sử Quốc gia - nơi tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trong trận bom dải thảm của đế quốc Mỹ đêm Noel năm 1972 thuộc địa bàn phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) có khuôn viên rộng 4,75 ha, bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm; không gian trưng bày tài liệu hiện vật; khu nhà đón tiếp; hệ thống cây xanh, thảm hoa trang trí, trụ đá huyền thoại, cổng tam quan, nghi môn - tứ trụ, hồ nước soi bóng các công trình phụ trợ. Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của di tích trong việc giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương, Ban Quản lý Khu di tích đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá; tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế; phối hợp tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm, kết nạp đoàn viên, đảng viên; hoạt động tri ân, tặng quà cho cựu TNXP và thân nhân gia đình các liệt sĩ… Theo đánh giá, lượng du khách đến tham quan và tri ân tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái ngày càng đông. Nơi đây dần trở thành “địa chỉ đỏ” quan trọng của tỉnh Thái Nguyên cũng như của cả nước để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nguồn: thainguyen.gov.vn

Thái Nguyên 855 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hang (TP. Thái Nguyên)

Chùa Hang nằm ở trung tâm thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 3 km về phía bắc, bên trái quốc lộ 1B, hướng Thái Nguyên đi Lạng Sơn. Chùa có nhiều đặc thù của miền sơn cước, nên đã được chọn đưa vào tuyển tập 100 ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu xuất bản lần đầu năm 2011. Theo tương truyền, đây là ngôi chùa cổ có từ thế kỷ XI và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1999. Chùa Hang, có tên chữ “Kim Sơn Tự”, còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”. Di tích thắng cảnh Chùa Hang có ba ngọn núi đá lớn, độc lập trên vùng đất bằng phẳng…Ngọn núi đứng giữa có tên là “Huyền Vũ” cao to vững trãi, hai bên là hai ngọn “Thanh Long – Bạch Hổ” vươn cao uy nghi, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa chừng 1000m có diện tích chân núi chừng 2,7ha. Tương truyền "Chùa Hang " có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), được coi là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chuyện rằng: vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan chuyện đêm qua nằm mộng, được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật. Có lẽ "Kim Sơn Tự" ra đời từ đây, nhưng nhân dân thường gọi nôm là Chùa Hang vì chùa ở trong hang. Qua Tam quan, vào chùa, hai bên trái phải có hai tượng Hộ pháp Khuyến thiện - Trừng ác, cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi. Càng vào sâu, hang rộng dần, trên vòm hang nhũ đá tưởng như "Mây già quyện đá quái chơi vơi", nhiều cột đá lớn sừng sững chống lên vòm hang như những trụ chống trời. Quanh vách hang nhiều nhũ đá nhô ra thành các bệ thờ và nhiều hình thù kỳ lạ hấp dẫn. Hang có nhiều ngóc ngách, có đường lên trời, đường xuống âm phủ, có cửa thông trước sau, nên không khí trong chùa rất trong lành, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, khói hương luôn toả mờ làm cho chùa càng trở nên thâm u kì bí. Chùa Hang- Kim sơn tự với huyền thoại “Động tiên lữ” một bức trang thủy mạc đã say đắm bao tâm hồn của nhiểu danh dân, sĩ phu thuộc hàng “tao nhân mặc khách” từ đời Lê sơ đến Hậu nguyễn, hiện còn nhiều văn bia thơ phú bằng chữ hán khắc trên vách hang, ca ngợi cảnh đẹp thiên tạo vô song khi đến vãng cảnh nơi đây. Theo qui hoạch, chùa Hang sẽ được xây dựng và trùng tu chia làm 5 khu, đó là khu bảo tồn gồm toàn bộ hang động, núi đá với tổng diện tích 2,7ha; khu trục chính đạo tâm linh, bao gồm 8 công trình là Chính điện Tam Bảo, nhà thờ tổ, giảng đường Hoằng pháp, Bảo tháp, lầu chuông, lầu trống, tam quan nội, tam quan ngoại; phía bên phải của chùa là khu thiền viện chuyên tu; trung tâm từ thiện xã hội; khu sân bãi để phục vụ lễ hội. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hoá. Với tất cả những giá trị lịch sử vốn có ở nơi đây cùng tâm nguyện của sư trụ trì và toàn thể nhân dân, trong 3 năm qua đã có nhiều tăng ni phật tử, đơn vị, doanh nghiệp góp công, góp của để xây dựng chùa. Cả một quần thể kiến trúc chùa được sơn bao thuỷ bọc. Toàn bộ phía sau chùa là những dãy núi, phía trước chùa là dòng sông Cầu uốn lượn bao quanh. Các công trình chính điện tam bảo, cửa tam quan, lầu chuông, lầu trống đã và đang xây dựng hoàn thành sẽ sớm viên thành sở nguyện, góp phần gìn giữ một di sản văn hoá tâm linh, nâng tầm giá trị di tích tạo nên một danh lam thắng cảnh đẹp như bức tranh sơn thuỷ, thơ mộng chốn bồng lai. Với những giá trị to lớn của di tích thắng cảnh đẹp từ ngàn xưa, sau khi được trùng tu và mở rộng “Chùa Hang- Kim Sơn Tự” sẽ trở thành một trung tâm phật giáo lớn của tỉnh Thái Nguyên và là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa Và Truyền Thông Thành Phố Thái Nguyên

Thái Nguyên 889 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hoàng Thành Thăng Long

Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với diện tích quy hoạch bảo tồn vùng lõi là 18,395 ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Lý. Năm 1010, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh đô mới là Thăng Long và xây dựng nơi đây thành một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất của đất nước. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng, thành Thăng Long luôn giữ vị trí “Quốc đô”, là nơi ở và làm việc của Vua và Hoàng tộc. Khu vực này cũng còn là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng của đất nước. Sau khi nhà Nguyễn định đô ở Huế (1802), vai trò kinh đô của Thăng Long mới bị giải thể… Từ sau năm 1954, khu vực thành Thăng Long trở thành trụ sở làm việc của Bộ Quốc phòng. Chính tại khu vực này, nhiều quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước đã được ra đời, góp phần tạo ra những thắng lợi lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng…, nhưng đến nay vẫn còn lưu giữ được một số di tích lịch sử và khảo cổ học, tiêu biểu như: Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội): xây dựng vào năm 1812, dưới thời vua Gia Long, cao 33,4m, gồm ba tầng: đế, thân cột và vọng canh. Đoan môn: là cửa thành phía Nam, xây theo kiểu vòm cuốn. Đoan môn được bố cục theo chiều ngang, gồm cửa chính giữa dành riêng cho vua, hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, dành cho các quan và hoàng tộc. Điện Kính thiên: nằm ở vị trí trung tâm của hoàng thành (thời Lê Sơ), được xây dựng năm 1428, ngay trên nền cũ của điện Càn Nguyên thời Lý (sau đổi tên là điện Thiên An). Năm 1886, điện này đã bị thực dân Pháp phá để xây dựng Sở Chỉ huy Pháo binh quân đội Pháp. Hiện nay, chỉ còn lại dấu tích của nền móng của điện Kính thiên. Đặc biệt, khu vực này còn lưu giữ được hai bậc thềm rồng bằng đá, có niên đại thế kỷ XV. Hậu lâu (Lầu Công chúa): xây dựng năm 1821, được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống các Vua nhà Nguyễn khi xa giá ra Bắc. Cuối thế kỷ XIX, Hậu lâu bị hư hỏng nặng, thực dân Pháp đã cho cải tạo, xây dựng lại như hiện nay. Chính Bắc môn (Cửa Bắc): là cổng thành phía Bắc, được xây dựng năm 1805, gồm hai tầng, tám mái, với đầu đao cong, theo kiểu truyền thống. Tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn: năm 1805, nhà Nguyễn đã cho xây dựng tường bao từ cửa Đoan môn quanh nội điện, làm hành cung để vua làm việc và nghỉ ngơi mỗi khi Bắc tuần. Hiện nay, trong khu thành cổ còn 8 cổng thành cùng với hệ thống tường bao xung quanh hành cung bằng gạch vồ. Di tích nhà và hầm D67: được xây dựng vào năm 1967, trong khu A. Đây là nơi Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã đưa ra nhiều quyết định mang tính lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch năm 1972, Cuộc tổng tiến công năm 1975 và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh… Những công trình kiến trúc Pháp: được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX theo kiểu Vauban, bao gồm tòa nhà Sở Chỉ huy Pháo binh Quân đội Pháp; một tòa nhà 2 tầng, xây dựng năm 1897, nay dùng làm trụ sở của Cục Tác chiến; hai tòa nhà một tầng, xây dựng năm 1897. Phía Đông của tòa nhà Cục Tác chiến có một nhà khách, xây dựng năm 1930. Cây xanh trong khu di tích: được trồng với mật độ dày, đa dạng về chủng loại, đã góp phần tạo ra môi trường trong lành và cảnh quan hài hòa cho khu di tích. Di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: nằm cách nền điện Kính Thiên khoảng 100m về phía Tây, có diện tích 4,530ha, bắt đầu khai quật từ tháng 12 năm 2002, được phân định làm 4 khu (A, B, C, D). Khi tiến hành khai quật tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ thuộc Hoàng thành Thăng Long cùng nhiều hiện vật có giá trị, như vật liệu trang trí kiến trúc bằng đất nung, cột gỗ, đồ gốm sứ của các triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài, như các loại đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản… Thành cổ Thăng Long - Hà Nội là di tích lịch sử và khảo cổ tiêu biểu, là bằng chứng vật chất phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới trong một quá trình lịch sử lâu dài, thể hiện qua rất nhiều hiện vật lịch sử, công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị mang bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt ngày 12/8/2009. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hà Nội 1459 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đền Voi Phục Hà Nội

Đền được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) ở góc phía tây nam thành Thăng Long cũ thuộc địa phận làng Thủ Lệ nay là công viên Thủ Lệ. Thờ hoàng tử Linh Lang, con của vua Lý Thái Tông, và bà phi thứ 9 Dương Thị Quang, nhưng tương truyền vốn là con của Long Quân, tên gọi là Hoàng Châu, thác sinh, là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống. Sau khi mất, được người dân Thủ Lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Thần đã nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, và nhà Lê trong cuộc phục hưng. Vì trước cửa đền có đắp hai con voi quỳ gối nên quen gọi là đền Voi Phục và vì đền ở phía tây kinh thành nên còn gọi là trấn Tây hoặc trấn Đoài (Đoài, theo bát quái thuộc phương Tây). Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền còn được gọi là Đền Voi Phục Thủ Lệ để phân biệt với Đền Voi Phục Thụy Khuê tại số 251 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Trước đây, đền nằm trong hệ Tứ Trấn, "giữ" phía Tây kinh thành. Nơi đây vốn là đất lắm hồ ao, lầy lội, là một trong Thập tam trại có từ thời Lý. Đương thời, thuộc tổng nội, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Tương truyền, đền Voi Phục được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (năm 1065) đời vua Lý Thánh Tông trên một khu gò cao thuộc vùng đất của trại Thủ Lệ -một trong 13 làng trại ở phía tây kinh thành Thăng Long. Mở đầu cho đền, hiện nay là cổng tứ trụ, như những trục vũ trụ đem sinh khí từ tầng trên truyền xuống trần gian (đây là sản phẩm của thế kỷ XIX - XX), hai bên cổng có bia hạ mã và đôi voi chầu phục (hiện mới được xây thêm nghi môn tứ trụ nữa, ở sát với đường lớn). Cũng chính vì điều này mà đền mang tên Voi Phục. Mới

Hà Nội 1248 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật