Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Thái Nguyên

Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7

Ngày 27 tháng 7 là ngày lễ lớn của dân tộc ta. Hằng năm vào ngày này, người dân trên khắp đất nước Việt Nam kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, đổi máu xương cho nền độc lập, tự do, phồn vinh hôm nay. Và nơi khởi nguồn ngày Thương binh - Liệt sĩ 27 tháng 7 nhân văn, thiêng liêng đó, Khu di tích lịch sử Quốc gia 27 tháng 7 nằm ở tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nằm trong quy hoạch tổng thể của thị trấn Hùng Sơn đã được công nhận là đô thị loại IV từ năm 2019, Khu di tích 27 tháng 7 có cảnh quan đẹp vì mới được tu bổ và tôn tạo khang trang. Bước qua cổng Khu di tích, nhiều người cảm nhận, khung cảnh nơi đây như công viên, cây cảnh mát xanh, các loại hoa đua nhau khoe sắc, hồ nước rộng cá tung tăng bơi lội... Sân hành lễ rộng, rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Giữa khuôn viên rộng mát của Khu di tích lịch sử đặt tảng đá vân mây trắng hình trụ, ghi: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp Nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta”. Ngược dòng lịch sử, thời điểm 1946 - 1947, giữa bộn bề công việc và bối cảnh cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp đang rất cam go, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian, quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác đền ơn đáp nghĩa. Bác đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh” để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh. Thực hiện Chỉ thị của Người, hội nghị gồm đại biểu các cơ quan Trung ương và một số địa phương đã họp và thống nhất chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Chiều 27/7/1947, cuộc mít tinh khoảng 300 người tham gia gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị Quân đội quốc gia và chính quyền địa phương tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn). Tại đây, ông Lê Tất Đắc, đại diện Cục Chính trị Quân đội quốc gia đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư Người viết: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh… tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng lại là 1.127 đồng đồng”. Như vậy, Bác Hồ không chỉ đồng ý lấy ngày 27 tháng 7 mà còn là vị Chủ tịch nước - người công dân đầu tiên cùng các thành viên Chính phủ tỏ lòng hiếu nghĩa với thương binh. Ngày 16/12/1947, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh “Quy định về chế độ hưu, bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây được coi là văn bản đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Ngày 27/7/1997 - Kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu di tích lịch sử 27 tháng 7 và dựng Bia kỷ niệm. Đồng thời công nhận Khu di tích là “Di tích lịch sử cấp Quốc gia”. Huyện Đại Từ đã thành lập Ban quản lý di tích để chăm nom, phục vụ khách tham quan; trùng tu, tôn tạo các hạng mục. Đây là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa to lớn, là “địa chỉ đỏ” đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh thăm quan, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ. Đồng thời là điểm kết nối với tuyến thăm quan Khu du lịch hồ Núi Cốc và các khu di tích trong huyện Đại Từ với các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Tân Trào (Tuyên Quang). Di tích lịch sử ngày 27 tháng 7 - nơi cội nguồn tri ân là điểm tựa, niềm tin, động lực để huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên, cùng cả nước khơi dậy niềm tự hào dân tộc, vững bước phát triển, xứng đáng với công lao, sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh, hy sinh xương máu vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên

Thái Nguyên 1490 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử văn hóa Đền Trình và sự tích Sông Tiên

Di tích lịch sử văn hóa Đền Trình và sự tích Tiên giáng trần. Đền Trình thuộc thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương nằm cách thành phố Thái Nguyên 14 km. Nơi đây thờ Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh. Nằm ẩn mình bên dòng Sông Tiên thơ mộng là ngôi Đền Trình vừa cổ kính, linh thiêng, với cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Ngôi đền chẳng biết được xây dựng từ khi nào, nhưng theo các tư liệu về Dương Tự Minh, có thể nó hình thành trong khoảng thế kỷ 12 và gắn với Sự tích Tiên giáng trần. Người ta kể rằng Sông Tiên xưa sâu và rộng hơn bây giờ, nằm án ngữ con đường độc đạo lên vùng biên ải phía bắc nước Đại Việt, khách bộ hành qua đây gặp nước lớn thường bị nước lũ cuốn chết rất nhiều, nên dân trong vùng gọi dòng sông này là Giang Ma, nghĩa là sông ma quỷ. Một buổi sáng đẹp trời, người ta thấy một ông già dáng hình cân đối, mắt sáng râu bạc phủ kín ngực, mũ mão cân đai cung kiếm chỉnh tề cưỡi ngựa trắng lội xuống dòng Giang Ma. Có người nói đó là Phò mã Dương Tự Minh thủ lĩnh phủ Phú Lương dưới ba triều vua nhà Lý: Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông ( 1128-1138) và Lý Anh Tông (1138-1175). Dương Tự Minh hai lần được phong làm phò mã, được nhà Lý phong sắc “Uy viễn đông tỉnh cao sơn quảng độ tri thần”; “Cao Sơn Quý Minh”. Sau khi làm tròn bổn phận với dân với nước, người đã bơi xuống sông tắm rửa rồi lặng lẽ cùng ngựa trắng bay về cõi Tiên trên trời. Kể từ đó dòng sông chảy hiền hòa hơn, hai bên sông bốn mùa lúa ngô xanh tốt, dòng sông Giang Ma không còn được nhắc tới nữa, mà được gọi bằng cái tên mới là Giang Tiên, nghĩa là sông Tiên, sông có Tiên xuống tắm. Người dân đã lập đền thờ tại bến Giang Tiên và đặt tên cho ngôi đền là Đền Trình, bởi mỗi lần quan binh đến ngôi Đền thờ chính của Dương Tự Minh đặt tại Điểm Sơn (Núi Đuổm), đều phải dừng chân tại Đền Trình sửa soạn mũ mão cân đai, tấu trình “Cao Sơn Quý Minh”, chính vì vậy ngôi đền càng tôn nghiêm, cung kính. Di tích đền Trình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Ngôi đền được nhân dân nhiều đời bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đến nay đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho du khách thập phương khi trẩy hội đền Đuổm. Nguồn: Sở văn hoá thể thao du lịch tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên 1461 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu di tích Núi Văn - Núi Võ

Di tích lịch sử Quốc gia Núi Văn – Núi Võ nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, thuộc địa phận hai xã Văn Yên và Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi đây gắn liền với tên tuổi và quê hương vị danh tướng Lưu Nhân Chú nổi danh về tài hoa và tinh thần dũng cảm dưới cờ đại nghĩa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo thế kỷ XV. Đây cũng chính là nơi Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung và em rể Phạm Cuống đã chiêu mộ người tài, tập hợp những người yêu nước, xây dựng quân đội ra sức luyện tập binh mã chuẩn bị đánh giặc cứu nước. Lưu Nhân Chú đã lập được nhiều chiến công hiển hách và được nhà vua trọng thưởng. Tương truyền các hang sâu thẳm trong lòng Núi Văn – Núi Võ là nơi các Tướng lĩnh trọng Bộ tham mưu quân khởi nghĩa tụ họp để bàn việc lớn, từ đó đưa ra những quyết định thắng lợi trong mọi trận đánh chống lại quân xâm lược phương Bắc. Di tích lịch sử Núi Văn – Núi Võ là nơi thờ Tướng quốc Tể tướng Lưu Nhân Chú với tổng diện tích khuôn viên khoảng 2,5ha, gồm hai điểm chính và nhiều địa điểm phụ: Núi Văn thuộc địa phận xã Ký Phú, Núi Võ thuộc địa phẫn xã Văn Yên. Các điểm khác gồm: Núi Quần Ngựa, hồ Tắm Ngựa, núi Cắm Cờ, núi Đá Mài và đồi Xem. Để xứng tầm với vị thế của người hùng Lưu Nhân Chú, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng đền thờ ông dưới chân núi Võ với diện tích 57,622m2 với các hạng mục chính: Đền thờ chính, sân lễ hội, nhà tả vu, hữu vu, nhà khách, vườn hoa, cổng, đường vào ... Cuối năm 2009 công trình được khánh thành. Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại di tích vẫn diễn ra lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh vị anh hùng Lưu Nhân Chú. Pho tượng Lưu Nhân Chú cao 1,85m, nặng 1500kg đã được hoàn thành đúc đồng ngày 20 tháng chạp năm Giáp Ngọ (2/8/2015) Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia năm 1981 tại Quyết định số 10-VHTT/QĐ ngày 09/02/1981. Nguồn: Sở văn hoá thể thao du lịch tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên 1929 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thịnh Đán

Chùa Đán nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 5km về phía Tây, thuộc địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán, ẩn mình dưới những tán cây xanh mát, trước mặt là dòng kênh dẫn nước từ Hồ Núi Cốc về phía nam của thành phố. Trụ trì chùa cho hay: Chùa Đán trước đây là một ngôi chùa cổ kính, ẩn mình dưới tán rừng thông, được nhân dân trong vùng cùng hỉ xả tâm đức, quyên góp gỗ, gạch, ngói để xây dựng. Công trình lớn nhất là nhà Tam Bảo, gồm 5 gian rộng rãi. Bên trong nhà được bày thờ nhiều tượng Phật phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Vì đất nước có chiến tranh, các vị sư trụ trì và nhân dân trong vùng đã tham gia chấp hành thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dỡ bỏ chùa. Đến năm 1993, nhân dân trong vùng đã cùng nhau phát tâm công đức, đóng góp dựng lại một ngôi chùa tạm ngay trên nền đất của chùa cũ, gồm 3 gian nhà cột tre, mái lợp ngói làm nơi sinh hoạt tâm linh. Đến năm 2002, các tăng ni, phật tử và người dân trong vùng tự nguyện góp của, góp công để xây dựng lại chùa theo lối kiến trúc cổ phương Đông. Đến nay ngôi chùa đã được xây dựng bề thế, song luôn toát lên vẻ thâm nghiêm, che chở đức tin cho tăng ni, phật tử tu tập nghe giảng giáo lý và tu học đạo pháp. Chùa gồm một số hạng mục công trình: Nhà Tam Bảo với từng cột đá, mái vút cong cổ kính. Trước sân có Đức Phật tổ ngồi thiền; sau nhà Tam bảo là nhà thờ Tổ, bên trái là cung mẫu, liền kề sân chùa phía bên phải là ngôi nhà sàn tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc. Không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà chùa Đán còn là một di tích gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước cũng như của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Lịch sử ghi lại: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh làm chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do. Ngày 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) sang giải phóng thị xã Thái Nguyên. Khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn chùa Đán làm “đại bản doanh”, tập kết quân, dân, và làm “trụ sở” chỉ huy tiến đánh Nhật đang co cụm trong trung tâm thị xã. Tại đây, ngày 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ chỉ huy bàn và thông qua kế hoạch tác chiến đánh Nhật trong tỉnh lị Thái Nguyên. Tối 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp, gồm những cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. 24 giờ cùng ngày, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chi đội Quân Giải phóng xuất phát từ chùa Đán tiến vào tỉnh lị Thái Nguyên, cùng quân dân trong tỉnh lị bao vây quân Nhật, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Được biết, tháng 8-1998, Trong một lần về thăm Thái Nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại Chùa Đán. Đại tướng trò chuyện với người dân trong vùng thân thiện. Đại tướng nói: “Lúc trước, khi bộ đội ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng. Ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn giỏi như mong muốn của Bác Hồ”. Hôm ấy, Đại tướng đã trồng bên góc trái sân chùa một cây đa tri ân. Với những ý nghĩa lịch sử đó, Chùa Đán đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2011. Hiện nay, chùa không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử và người dân thực hành tín ngưỡng mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho các hệ hôm nay và mai sau. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên 1471 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Cầu Muối | Đình Cầu Muối

Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối tọa lạc tại trung tâm xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình). Theo sử sách ghi chép lại, đình, đền, chùa Cầu Muối được xây dựng vào khoảng 300 năm trước, dưới thời Hậu Lê. Cụm di tích nằm thế tựa sơn, bao quanh là rừng xanh tươi tốt, tạo nên nét cổ kính, linh thiêng. Nằm ở khu vực trung tâm của Cụm di tích là đình Cầu Muối. Đình là nơi thờ Thành Hoàng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một danh tướng thời nhà Lý. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đình để thờ cúng và tôn ông là Thành Hoàng làng. Trong quần thể của Cụm di tích còn có chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh và đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong đó, đền Công Đồng tương truyền là nơi rất linh ứng và thiêng liêng. Tục truyền rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng, suy tôn là mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ, đề cao giá trị hạnh phúc, tự do và độc lập. Không chỉ có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối còn là một di tích cách mạng quan trọng, đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, đình, chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương. Ngoài ra, Cụm di tích còn là nơi cất giấu lương thực của huyện Phú Bình vào năm 1951; nơi đóng quân của Đại đoàn 308 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Sư đoàn 304 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét, đặc trưng, Cụm di tich Đình - đền - chùa Cầu Muối đã trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, du lịch tâm linh nổi tiếng. Hàng năm, dân làng Cầu Muối và đông đảo du khách thập phương về đây thắp hương nhằm tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh, Thành Hoàng làng; đồng thời ước nguyện năm mới mạnh khỏe, bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, các giá trị văn hóa, lịch sử của Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng vào dịp đầu Xuân, thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, chiếm bái, hòa mình vào không khí linh thiêng, cổ kính và in đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương. Nguồn: Báo Thái Nguyên

Thái Nguyên 1346 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Phù Liễn

Nằm trên địa bàn tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên có một ngôi cổ tự với tuổi đời lên đến hàng trăm năm - chùa Phù Liễn. Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại Thái Nguyên, gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta. Chùa Phù Liễn có diện tích khoảng 7000m2, đứng giữa quả đồi tháng đãng, nhiều cây xanh, thơ mộng và trữ tình. Ngôi chùa này có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, mang nhiều giá trị về tâm linh, văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chùa Phù Liễn (Phù Chân Thiền Tự) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Nhà Lý, trên một quả đồi thấp gần bờ sông Cầu ở khu vực đông bắc xã Phù Liễn, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ khi xưa. Năm 1896, thực dân Pháp chiếm đóng và xây dinh công sứ tại quả đồi này nên chùa phải chuyển về vị trí khác, nay là phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng, chùa Phù Liễn còn là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Là ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời, Phù Chân Thiền Tự đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đây là thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, dẫn đến các hoạt động đấu tranh, chống quân xâm lược của nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ, những nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn đã lựa chọn chùa Phù Liễn làm nơi ẩn náu, tránh khỏi sự truy đuổi của quân Pháp. Vào năm 1946, Chùa Phù Liễn vinh dự là nơi diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước ta, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đấu tranh giành lấy độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chùa Phù Liễn là một địa điểm tâm nổi tiếng tại Thái Nguyên. Tại chùa có rất nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát,... được chạm khắc tinh xảo cùng nhiều di vật quý giá, có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Chùa là nơi sinh hoạt tâm linh không chỉ của bà con Thái Nguyên mà của nhiều du khách từ khắp nơi, đến để lễ bái, dâng nhang và cầu nguyện. Chùa Phù Liễn được xây dựng theo lối kiến trúc Phật giáo truyền thống của Việt Nam, gồm các hạng mục: Nhà Tam Bảo, Tượng Phật Quan âm Linh Diệu, Điện Mẫu, Nhà Thờ Tổ, Vườn Tháp Cổ. Mỗi một khu vực thờ tự được xây dựng chỉn chu, bao quanh bởi cây cối, hoa kiểng tươi mát, tạo nên một không gian bình yên, tĩnh lặng đúng chất của một chốn tâm linh, thiền định. Đặc biệt, các chi tiết kiến trúc của chùa Phù Liễn đều toát lên được nét hoài cổ, công phu, tinh xảo trong từng đường nét. Từ cây cột, mái chùa, các bậc tâm cấp cho đến đèn lồng trang trí đều mang một vẻ đẹp ấn tượng, thể hiện rõ nét đặc trưng của chùa chiềng miền Bắc. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa Và Truyền Thông Thành Phố Thái Nguyên

Thái Nguyên 1451 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái

Khu di tích lịch sử Quốc gia - nơi tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trong trận bom dải thảm của đế quốc Mỹ đêm Noel năm 1972 thuộc địa bàn phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) có khuôn viên rộng 4,75 ha, bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm; không gian trưng bày tài liệu hiện vật; khu nhà đón tiếp; hệ thống cây xanh, thảm hoa trang trí, trụ đá huyền thoại, cổng tam quan, nghi môn - tứ trụ, hồ nước soi bóng các công trình phụ trợ. Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của di tích trong việc giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương, Ban Quản lý Khu di tích đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá; tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế; phối hợp tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm, kết nạp đoàn viên, đảng viên; hoạt động tri ân, tặng quà cho cựu TNXP và thân nhân gia đình các liệt sĩ… Theo đánh giá, lượng du khách đến tham quan và tri ân tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái ngày càng đông. Nơi đây dần trở thành “địa chỉ đỏ” quan trọng của tỉnh Thái Nguyên cũng như của cả nước để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nguồn: thainguyen.gov.vn

Thái Nguyên 1528 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hang (TP. Thái Nguyên)

Chùa Hang nằm ở trung tâm thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 3 km về phía bắc, bên trái quốc lộ 1B, hướng Thái Nguyên đi Lạng Sơn. Chùa có nhiều đặc thù của miền sơn cước, nên đã được chọn đưa vào tuyển tập 100 ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu xuất bản lần đầu năm 2011. Theo tương truyền, đây là ngôi chùa cổ có từ thế kỷ XI và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1999. Chùa Hang, có tên chữ “Kim Sơn Tự”, còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”. Di tích thắng cảnh Chùa Hang có ba ngọn núi đá lớn, độc lập trên vùng đất bằng phẳng…Ngọn núi đứng giữa có tên là “Huyền Vũ” cao to vững trãi, hai bên là hai ngọn “Thanh Long – Bạch Hổ” vươn cao uy nghi, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa chừng 1000m có diện tích chân núi chừng 2,7ha. Tương truyền "Chùa Hang " có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), được coi là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chuyện rằng: vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan chuyện đêm qua nằm mộng, được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật. Có lẽ "Kim Sơn Tự" ra đời từ đây, nhưng nhân dân thường gọi nôm là Chùa Hang vì chùa ở trong hang. Qua Tam quan, vào chùa, hai bên trái phải có hai tượng Hộ pháp Khuyến thiện - Trừng ác, cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi. Càng vào sâu, hang rộng dần, trên vòm hang nhũ đá tưởng như "Mây già quyện đá quái chơi vơi", nhiều cột đá lớn sừng sững chống lên vòm hang như những trụ chống trời. Quanh vách hang nhiều nhũ đá nhô ra thành các bệ thờ và nhiều hình thù kỳ lạ hấp dẫn. Hang có nhiều ngóc ngách, có đường lên trời, đường xuống âm phủ, có cửa thông trước sau, nên không khí trong chùa rất trong lành, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, khói hương luôn toả mờ làm cho chùa càng trở nên thâm u kì bí. Chùa Hang- Kim sơn tự với huyền thoại “Động tiên lữ” một bức trang thủy mạc đã say đắm bao tâm hồn của nhiểu danh dân, sĩ phu thuộc hàng “tao nhân mặc khách” từ đời Lê sơ đến Hậu nguyễn, hiện còn nhiều văn bia thơ phú bằng chữ hán khắc trên vách hang, ca ngợi cảnh đẹp thiên tạo vô song khi đến vãng cảnh nơi đây. Theo qui hoạch, chùa Hang sẽ được xây dựng và trùng tu chia làm 5 khu, đó là khu bảo tồn gồm toàn bộ hang động, núi đá với tổng diện tích 2,7ha; khu trục chính đạo tâm linh, bao gồm 8 công trình là Chính điện Tam Bảo, nhà thờ tổ, giảng đường Hoằng pháp, Bảo tháp, lầu chuông, lầu trống, tam quan nội, tam quan ngoại; phía bên phải của chùa là khu thiền viện chuyên tu; trung tâm từ thiện xã hội; khu sân bãi để phục vụ lễ hội. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hoá. Với tất cả những giá trị lịch sử vốn có ở nơi đây cùng tâm nguyện của sư trụ trì và toàn thể nhân dân, trong 3 năm qua đã có nhiều tăng ni phật tử, đơn vị, doanh nghiệp góp công, góp của để xây dựng chùa. Cả một quần thể kiến trúc chùa được sơn bao thuỷ bọc. Toàn bộ phía sau chùa là những dãy núi, phía trước chùa là dòng sông Cầu uốn lượn bao quanh. Các công trình chính điện tam bảo, cửa tam quan, lầu chuông, lầu trống đã và đang xây dựng hoàn thành sẽ sớm viên thành sở nguyện, góp phần gìn giữ một di sản văn hoá tâm linh, nâng tầm giá trị di tích tạo nên một danh lam thắng cảnh đẹp như bức tranh sơn thuỷ, thơ mộng chốn bồng lai. Với những giá trị to lớn của di tích thắng cảnh đẹp từ ngàn xưa, sau khi được trùng tu và mở rộng “Chùa Hang- Kim Sơn Tự” sẽ trở thành một trung tâm phật giáo lớn của tỉnh Thái Nguyên và là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa Và Truyền Thông Thành Phố Thái Nguyên

Thái Nguyên 1640 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật