Di tích lịch sử

Quảng Nam

Địa đạo Phú An - Phú Xuân

Địa đạo Phú An - Phú Xuân được thi công từ năm 1965 đến năm 1966, giữa lúc giặc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam nước ta, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Kẻ thù xúc tác dân vào khu dồn, hòng cô lập, chia cách quân - dân ta. Với chiều dài 850 mét, nối liền hai thôn Phú An, Phú Xuân thuộc xã Đại Thắng, nằm ngay nách đồn bót Mỹ - ngụy nhưng lại được 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia bao bọc ba phía, vừa có những lũy tre làng che chở. Dưới sự chỉ đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà và quyết tâm của quân dân vùng B Đại Lộc, hằng đêm, những bà mẹ, người cha, các cháu thiếu nhi, những chiến sĩ du kích... luôn phiên nhau vừa canh chừng máy bay, trọng pháo của kẻ thù, vừa len lỏi vào từng ngách hầm đào bới, bê gánh những sọt đất để hình thành địa đạo: Địa đạo Phú An - Phú Xuân mang một tầm vóc chiến lược: là một trong những căn cứ tiền phương của Đặc khu ủy Quảng Đà. Nơi đây liên tiếp tiếp nhận các nguồn cán bộ và quân chủ lực từ hậu phương lớn bổ sung cho chiến trường; nơi làm việc và hội họp của Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu ủy khu V, của Mặt trận 44 từ những năm 1965 đến năm 1972. Đây còn là nơi trú chân an toàn của các đồng chí: Võ Chí Công - nguyên Bí thư Khu ủy khu V, Đại tướng Chu Huy Mân - nguyên Phó Bí thư- Tư lệnh Quân khu V, Đại tướng Đoàn Khuê - nguyên Phó Chính ủy khu V, Trung tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà, Cố Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương - nguyên Thường vụ Đặc khu ủy - Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Mặt trận 44 cùng nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh khác đã từng chiến đấu, công tác tại chiến trường Quảng Đà cũng có mặt trên mảnh đất Phú An. Đồng chí Phạm Đức Nam nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng, Chủ tịch Hội đồng tiền phương tỉnh Quảng Đà lúc bấy giờ có nhận xét: Địa đạo Phú An - Phú Xuân là "công lao đóng góp to lớn của nhân dân Đại Thắng đối với sự nghiệp cả tỉnh. Bây giờ nhớ lại còn cảm kích biết ơn đồng bào, du kích, Đảng bộ, những người còn sống, những người ngã xuống với mảnh đất Anh hùng này" . Địa đạo Phú An - Phú Xuân còn là nơi bám trụ đánh địch của du kích, cán bộ xã, thôn; là nơi đặt sở chỉ huy tiền phương trong các trận bộ đội ta tấn công quân thù ở các căn cứ An Hoà, Đức Dục. Với tầm vóc công trình và những chiến tích để lại, Địa đạo Phú An - Phú Xuân mãi mãi tồn tại như một chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân Đại Lộc. Đất nước đã bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển. Việc tôn tạo những di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau nhớ đến những chiến công, sự hy sinh của cha anh cũng là điều cần thiết. Nhớ đến quá khứ, ta càng làm đẹp hơn cho cuộc sống hôm nay. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Nhân Dân Huyện Đại Lộc

Quảng Nam 615 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phước Lâm

Chùa Phước Lâm ở Xã Thanh Hà, phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Theo lịch sử Phật giáo Đàng Trong, chùa Phước Lâm do Thiền sư Thiệt Dinh - Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm, (1712 - 1796) thành lập vào giữa thế kỷ 18. Chùa đã nhiều lần trùng tu vào các năm 1822, 1864, 1891, 1909, 1965… Trong đó có một văn bia ghi lại quá trình trùng tu chùa. Năm Duy Tân thứ 4, chùa Phước Lâm được vinh danh với Biển vàng sắc tứ, một niềm vinh dự chỉ dành cho những ngôi chùa tư có đóng góp lớn về đức tin và phúc lợi cộng đồng. Công trình có kiến trúc độc đáo. Khuôn viên của công trình theo hình chữ Môn với 3 khu vực chính là: cổng, sân và chính điện. 1. Cổng tam quan Có 2 cổng phụ ở 2 bên ở phía Đông- phía Tây và 1 cổng chính ở giữa đều được xây bằng gạch. Phía trên của cổng chính có đề “Phước Lâm Tự” 2. Sân chùa Sân chùa rợp bóng cây xanh cổ thụ, cây cảnh và trụ cột cờ. Bao quanh sân là những tấm bình phong, khu nhà Đông (nơi tiếp khách và nơi ở của chú tiểu) và khu nhà Tây (nơi thờ tự) 3. Chính điện Đây là một ngôi nhà có 3 gian chính và 2 gian phụ được lợp mái âm dương, nóc nhà kiểu hình thuyền đắp nổi con rồng, phụng, lân uốn lượn. Chính điện là khu vực đặt các bức tượng thờ Phật, tượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng thờ Đại Thế Chí Bồ Tát và bàn thờ Giám Trai, Tứ Thiên Vương 4. Nhà thờ tổ Nhà thờ tổ là công trình mới được xây dựng năm 1965 ở ngay phía sau chính điện. Đây là khu vực thờ tự người đã khai sơn ra chùa Phước Lâm và các vị trụ trì đã mất. Hiện nay, chùa Phước Lâm lưu giữ rất nhiều những cổ vật có giá trị, điển hình như: những mộc bản cổ được chạm trổ tinh tế, bộ bát sứ cổ, chuông đồng, khánh đồng, lư hương, hoành gỗ, liễn đối, bát sứ men ngọc, kinh Phật khắc gỗ….… Sau hơn 200 năm tồn tại, công trình nhuốm màu rêu phong của thời gian nhưng giá trị của chùa Phước Lâm để lại vẫn còn mãi. Chùa Phước Lâm được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Nguồn: Bảo tàng Quảng Nam

Quảng Nam 1107 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hội quán Quảng Đông

Hội quán Quảng Đông có địa chỉ tại số 176 đường Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hội quán Quảng Đông được biết đến như một di tích lịch sử quan trọng của phố cổ Hội An. Với lối kiến trúc mang phong cách của người Hoa. Hội quán Quảng Đông được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18. Thời điểm từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, Hội An là một trong những thương cảng chính của nước ta, không những vậy, còn được rất nhiều người Hoa đến định cư, buôn bán làm ăn. Một hội thương nhân Quảng Đông Trung Quốc, khi sang đây đã quyết định xây dựng hội quán vào năm 1885, nơi đây trở thành một nơi tín ngưỡng và là nơi tập trung họp mặt hội đồng hương, thường xuyên giúp đỡ nhau trong làm ăn cũng như các nhu cầu cuộc sống khác. Hội quán Quảng Đông ở Hội An còn có tên gọi khác là hội quán Quảng Triệu. Ban đầu thờ Đức Khổng Tử và Thiên Hậu Thánh Mẫu, sau năm 1911 được chuyển sang thờ Tiền Hiền và Quan Công. Với kiến trúc được xây dựng độc đáo theo hình chữ quốc, từ những chất liệu gỗ và đá, hội quán là một công trình khép kín với cổng tam quan, có sân vườn rộng trang trí nhiều cây cảnh, vào giữa là phương đình, hai bên nhà Đông Tây, chính điện và sân sau,… khá giống với những hội quán khác ở Hội An. • Cổng tam quan:. Có 3 bức tranh lớn của 3 vị quan nổi tiếng thời Tam Quốc đó là Lưu Bị, Trương Phi và Quan Công. • Nhà tiền điện:. Với quy mô lớn, nơi đây gồm các bức tường bằng đá được trạm trổ tinh xảo, kì công. Phần mái với nhiều tầng, được tạo dáng cao vút xen kẽ với các hình chạm nổi mang điển tích xưa. • Khuôn viên của Hội Quán:. Gồm sân vườn rộng, với nhiều cây cảnh được chăm sóc, uốn tỉa công phu. Khoảng giữa sân có hồ nước lớn, phía trong là hình tượng rồng đang uốn lượn được chạm khắc dựa trên điển tích. “lý ngư hóa long”. • Chính điện:. Với không gian rộng lớn, đặc trưng là các trụ cột đỡ cỡ đại được chia làm 3 gian: gian chính giữa thờ Quan Công, hai bên còn lại thờ Phước Đức Chánh Thần và Thái Bạch tinh quân. • Tả vu, hữu vu:. Để nối tiền điện với chính điện, 2 bên còn có tả vu, hữu vu được thiết kế đơn giản. • Nơi đón tiếp khách:. Nằm bên phải của chính điện, cũng là nơi bàn bạc các hội nghị quan trọng. • Khu hậu viên: Khu hậu viên của hội quán rất rộng rãi với nhiều cây xanh. Điểm nhấn là đài phun nước hình rồng được chạm khắc tinh xảo cùng bức tranh quan Vân Trường cỡ lớn. Hiện nay, Hội quán Quảng Đông còn giữ được các di vật cổ có giá trị cao như bốn bức hoành phi lớn, cặp đôn sứ men ngọc của Trung Quốc, lư trầm bằng đồng cao tới 1,6 mét… Đặc biệt nhất trong số đó là bức Quan Công phi ngựa để bảo vệ phu nhân của Lưu Bị được treo trang trọng trên bức tường đá tại hội quán. Theo như nghe thuyết minh Hội quán Quảng Đông thì bức tranh này gắn với một điển tích có thật trong lịch sử Trung Quốc. Vào tháng giêng âm lịch hàng năm, tại hội quán sẽ tổ chức lễ hội Nguyên Tiêu để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, kinh doanh thuận lợi và gặp gỡ đồng hương. Thêm vào đó, ngày 24 tháng 6 âm lịch cũng diễn ra lễ hội vía Quan Công rất lớn để bày tỏ lòng thành kính đến vị tướng tài ba. Nguồn: Báo du lịch Quảng Nam

Quảng Nam 1028 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Chúc Thánh

Chùa Chúc Thánh thuộc khu 7, phường Tân An, Hội An, Quảng Nam. Đây là nơi ra đời trường phái Thiền Chúc Thánh thuộc Thiền Lâm Tế. Với bộ sưu tập tượng Phật đa dạng và kiến trúc cổ độc đáo. Trong số các ngôi chùa nổi tiếng ở Hội An, chùa Chúc Thánh là ngôi đền linh thiêng và lâu đời bậc nhất vùng xứ Quảng. Được xây dựng từ thế kỷ XVII bởi Thiền sư Minh Hải. Ngôi chùa Chúc Thánh được xây dựng theo phong cách kiến trúc chữ tam. Đây là sự hòa quyện giữa nét trang trí, điêu khắc tiêu biểu của văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Đây cũng là kiểu kiến trúc phổ biến và phổ quát nhất trong các ngôi chùa tại Việt Nam. Phần cổng tam quan với mái ngói cổ kính và hình ảnh 2 con kỳ lân kính nghiêm, cùng với hình ảnh 3 đóa hoa sen nở rộ, tất cả tạo nên không gian trang nghiêm và thiêng liêng theo đạo Phật. Khuôn viên chùa, đặc biệt nhất chính là khu tháp cổ gồm 16 ngôi mộ. Đây là nơi lưu trữ những hài cốt của sư tổ Minh Hải và nhiều vị thánh khác của môn phái. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa có nhiều bức tượng thần và phật được điêu khắc vô cùng tinh xảo và sống động, tạo nên những trải nghiệm độc đáo khi tham quan. Khu vực chính được xây dựng ở giữa khuôn viên, với hệ thống kèo cột mạnh mẽ. Mái chùa lợp bằng ngói âm dương uốn cong, mềm mại, trên chóp đỉnh mái là một cặp rồng quay mặt vào nhau đang rướn mình đến mặt trời chính giữa. Phía sau 2 con rồng là 2 con phụng đang bay ra mà ngoảnh đầu nhìn lại. Tiếp xuống hiên mái chùa trang trí những hoa văn, chạm trổ những hình ảnh Đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến nhập diệt và góc cuối cùng của mái hiên là 2 con kỳ lân đang đứng quay mặt ra phía trước. Bên trong, ở gian chính giữa có đặt tượng Tam thế ở trên cùng, bàn dưới đặt tượng Đức Phật Di Lặc, hai bên là A Nan, Ca Diếp, tượng Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, tượng 18 vị La Hán. Hai bên là tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện cao 1 mét 75. Hơn nữa, bên trong Chánh điện còn có hệ thống trống lớn nhỏ, đại hồng chung và tiểu hồng chung cùng với rất nhiều bức hoành phi câu đối. Bên cạnh Chính điện là Tiền đường có đặt 4 tấm bia lớn ghi lại những lần trùng tu của chùa, đề tên các chùa và đạo hữu đã đóng góp xây dựng chùa. Trong cùng là khu Hậu tẩm, Đông phương tượng, Tây phương tượng và Tổ đường. Phía sau Chính điện là Hậu tẩm thờ Đức Địa Tạng, Phổ Liên Hoa và Ái Sở Thân. Hai bên là Đông phương tượng – nơi ở của Tăng chúng và Tây phương tượng thờ hương linh. Đi qua một khoảng sân lộ thiên có đặt rất nhiều cây cảnh quý sẽ đến Tổ đường. Nhà Tổ được xây dựng khá đơn giản là nơi đặt long vị của những vị tổ sư, trụ trì của chùa qua các thế hệ. Hệ thống long vị, bài vị cũng được chạm trổ hết sức tinh xảo, công phu thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa. Nguồn: Tổng hợp báo du lịch Quảng Nam

Quảng Nam 1049 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Miếu Quan Công

Miếu Quan Công (địa chỉ - số 24 đường Trần Phú) còn được gọi là Chùa Ông, tên chữ là Trừng Hán Cung, do người Minh Hương định cư tại Hội An và người Việt cùng phối hợp xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17. Miếu thờ vị tướng tài ba Quan Vân Trường (Quan Vũ hay Quan Công), là nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Tam Quốc rất được kính phục. Ông là một trong “Trung Hoa thập Thánh” và “Tam Quốc tứ tuyệt”, trở thành hình mẫu và là biểu tượng của Nghĩa - Tín - Trung - Dũng, và được tôn vinh như bậc Thánh đế. Việc thờ phụng Quan Công nhằm kính ngưỡng, ca tụng lòng nghĩa khí và tiết trung liệt, để người đời noi gương sáng. Quan Công là một danh tướng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã có nhiều công lao to lớn, phò Hán, dẹp Ngô, diệt Ngụy. Vì Hội An từng là đô thị - thương cảng, nơi thường xuyên diễn ra các việc hợp đồng buôn bán của các thương nhân Trung Quốc nên miếu Quan Công được lập nên theo nhu cầu tín ngưỡng của họ. Kiến trúc Miếu Quan Công gồm bốn tòa nhà, một tiền đình, hai tả-hữu vu và một chính điện rộng. Bốn tòa nhà xây theo kiểu chữ khẩu, cấu trúc theo kiểu chồng tránh, có ngói lợp và nóc độc đáo, được trang trí họa tiết hình rồng công phu. Chính điện đặt pho tượng Quan Công, mặc thanh bào thêu rồng nổi kim tuyến, nét mặt oai nghiêm tươi sáng, đôi mắt xuất thần nhìn về phía trước. Chính điện còn có 2 pho tượng: Châu Thương, người nô tì dũng cảm, trung thành của Quan Công và tượng Quan Bình nghĩa tử; cùng 2 con ngựa có chiều cao bằng ngựa thật, bên tả là con ngựa trắng, bên hữu ngựa xích thố - ngựa chiến mà Quan Công rất quý. Những pho tượng này được tạo tác tinh xảo thể hiện sự điêu luyện của người thợ tạo hình năm xưa. Ngoài ra, trong Miếu Quan Công còn rất nhiều biển liễu, hoành phi, sắc phong, bia đá và những hiện vật cổ. Đặc biệt, Miếu còn lưu giữ bài thơ đề vịnh và bài ngụ ngôn cổ phong do Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm (thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du) sáng tác vào năm 1775, lúc phụng chức tả tướng quân Bình Nam vào đóng quân ở Hội An; cùng 2 bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử nhưng tất cả đều vẹn nguyên tươi màu nét chữ. Đó còn là một di tích lịch sử hiếm thấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay, lưu dấu thời phân tranh Trịnh - Nguyễn ở xứ Đàng Trong từ thế kỷ 18. Miếu Quan Công đã được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ngày 29 tháng 11 năm 1991. Nguồn: Báo du lịch Quảng Nam

Quảng Nam 1170 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hội Quán Phước Kiến

Hội quán Phước Kiến hay Phúc Kiến Hội An có địa chỉ tại số 46 Trần Phú, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam. Hội quán Phước Kiến Hội An được xây dựng từ năm 1690 do những người đến từ Phúc Kiến (Trung Quốc) di chuyển đến Hội An sinh sống và tạo dựng. Trước kia Hội quán được dựng hoàn toàn bằng gỗ và sau đó vào năm 1757 mới được xây lại bằng gạch và mái ngói như hiện nay. Hội quán Phước Kiến Hội An là nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông, nước, tiền của, con cái, các vị tổ tiên và là nơi hội họp giúp đỡ lẫn nhau của các đồng hương đến từ Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất và đông nhất. Hội quán Phước Kiến đông nhất là vào các ngày lễ tết, ngày rằm. Vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), Vía Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch),… hằng năm thì tại Hội quán sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động lễ hội. Hội quán được xây dựng theo kiểu chữ Tam, lần lượt là cổng, sân, tiểu cảnh và 2 dãy nhà Đông Tây, chính điện, sân sau, hậu điện. Hội quán Phước Kiến được thiết kế, xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Hoa. Phần cổng Tam Quan mang đậm vết tích của thời gian, được lợp ngói âm dương với mái cong vút. Phía trên được điểm tô bằng những con rồng uốn lượn, biểu tượng cho sự uy quyền và trang trọng. Với khuôn viên khá rộng, bày trí nhiều chậu cây cảnh cùng hòn non bộ, nổi bật với hình tượng cá chép hóa rồng. Khu tiền sảnh cũng có những vòng hương để bạn cầu chúc sức khỏe và tài lộc cho gia đình. Tại khu tiền đình còn có một bộ bàn đá dùng để làm nơi hội họp, bàn bạc làm ăn của các thương dân Phúc Kiến. Trong nhà chính là nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo vệ sông nước, tiền của, con cái, các vị tổ tiên. Hội quán hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, gồm có: chuông đồng, tượng thờ, trống đồng, lư hương cùng 14 bức hoành phi tinh xảo… Do đó, nơi đây không chỉ mang ý nghĩa về lịch sử mà còn có giá trị to lớn về mặt văn hóa. Phía bên phải chính điện còn được trưng bày mô hình chiếc thuyền của các thương nhân gặp nạn. Thuyền này trước đây dùng để đi biển và có niên đại từ năm 1875 với nhiều chi tiết đặc trưng. Hội quán Phước Kiến là địa điểm được người dân tôn thờ và rất linh thiêng, bên cạnh đó Hội quán còn gây ấn tượng mạnh bởi nét kiến trúc Trung Hoa độc đáo, đặc sắc. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Năm 1990, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Tổng hợp Báo du lịch Quảng Nam

Quảng Nam 1072 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Cầu

Chùa Cầu Hội An nằm tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Minh Khai, phố cổ Hội An. Chùa Cầu được xây dựng bắt ngang qua một nhánh nhỏ của con sông Thu Bồn, là cầu nối giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, những tuyến đường chính của phố cổ Hội An. Thành phần chính của Chùa Cầu gồm 2 phần là phần chùa và phần cầu. Ngôi chùa có diện tích khoảng 60m2 và được xây dựng để thờ vị tướng Bắc Đế Trấn Võ. Phần cầu có diện tích là 75m2, dài khoảng 18m. Có cả một truyền thuyết về Chùa Cầu lý giải tại sao lại chia thành hai phần như vậy. Vào thế kỷ 17, các thương nhân người Nhật Bản đã góp tiền lại để dựng lên một cây cầu biểu tượng cho hình ảnh của một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu (quái vật thường quẫy đuôi tạo nên những trận động đất) để có thể chế ngự nó, giữ cho cuộc sống bình yên. Sau một thời gian, ở sườn cầu phía bắc được dựng thêm phần chùa, nên cây cầu mới được gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cầu là “Lai Viễn Kiều”, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Đặc biệt, vào năm 1990 Chùa Cầu được nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia và hình ảnh của nó được khắc họa trên tờ tiền polymer 20.000 đồng hiện hành của Việt Nam. Không gian Chùa trên Cầu chiếm một phần khá nhỏ, những du khách lần đầu ghé đến có thể sẽ bất ngờ vì chúng ta vẫn hay gọi là Chùa Cầu nhưng lại không thờ bất kì một vị Phật nào. Ngôi Chùa nằm một góc nhỏ trên cầu, với phần cửa được xây dựng theo lối kiến trúc văn hóa Trung Quốc và chạm trổ nhiều họa tiết tinh xảo. Chính giữa chùa là bức tượng vị tướng Bắc Đế Trấn Võ được làm bằng gỗ, với mong muốn cầu bình an và yên bình cho cư dân xung quanh đây. Chùa Cầu Hội An được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi bạn có thể nghe người ta gọi là cầu Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng được 3 luồng văn hóa Trung Quốc - Nhật Bản - Việt Nam được hòa trộn khéo léo để tạo nên Chùa Cầu. Phần mái được lắp đặt kiểu âm dương là đặc trưng chung của những khu nhà cổ tại Hội An. Ngay ở cửa là 2 bức tượng linh thú là tượng khỉ và tượng chó với ý nghĩa đứng chắn và ngăn cản những quái thú tấn công và xâm nhập Chùa Cầu. Những bức tượng này được làm từ gỗ mít với những đường điêu khắc tinh xảo và cực kỳ sống động, trước mỗi con là một bát lư hương. Phần trụ và cột bên trong cầu được chạm khắc cực kì chi tiết và tinh xảo, thể hiện rõ thẩm mỹ và tín ngưỡng tôn thờ của người dân phố cổ khi xưa. Nhờ vậy đến đây bạn có thể cảm nhận được sự sầm uất, nhộn nhịp ngày xưa cũng như sự tôn thờ những tín ngưỡng các vị thần, niềm tin mãnh liệt về sức mạnh của những vị thần có thể bảo bọc và che chở những họ vượt qua được khó khăn hoặc tà ma. Ngày 17 tháng 2 năm 1990, chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia. Nguồn: Báo du lịch Quảng Nam

Quảng Nam 1081 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng mộ Đoàn Quý Phi (Lăng Vĩnh Diên)

Lăng mộ Đoàn Quý Phi tọa lạc tại làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hiếu Chiêu Hoàng hậu, hay còn gọi Đoàn Quý phi là Chánh phi của chúa Nguyễn Phúc Lan, và là mẹ của chúa Nguyễn Phúc Tần. Bà nổi danh ở xứ Đàng Trong với biệt hiệu Bà chúa Tằm Tang; đương thời là một Quốc mẫu nổi tiếng nhân hậu, giúp dân chúng phát triển ngành nghề về ươm tơ, dệt lụa. Đoàn quý phi tên huý là Ngọc, sinh năm 1601 tại thôn Điện Châu, châu Đông Yên, huyện Duy Xuyên. Nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên và xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Sau khi Chúa Sãi băng hà năm 1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng. Chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định dời phủ chúa từ làng Phước Yên (Quảng Điền) về làng Kim Long (Phú Xuân). Đoàn Thị Ngọc được phong Đoàn Quý Phi và cha bà, ông Đoàn Công Nhạn được phong là Thạch Quận công. Tuy sống trong phủ chúa nhưng Đoàn Quý Phi không quên nghề xưa, hết lòng khuyến khích việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ươm tơ, nhờ thế nghề tằm tang của xứ Đàng Trong phát triển rực rỡ, không chỉ những làng quê dọc hai bên sông Thu Bồn ở Quảng Nam quê bà mà cả ở kinh đô Phú Xuân. Hội An đã trở thành một thương cảng phát triển, mở cửa giao lưu với bên ngoài, trong đó đường bát, lâm thổ sản và nhất là tơ lụa trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Sau này dân xứ Đàng Trong nhớ ơn nên tôn bà là Bà Chúa Tằm Tang. Về cuối đời, không rõ năm nào, Đoàn Quý Phi rời Phủ Chúa ở Kim Long, Phú Xuân quay trở về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam cùng với con cháu, bà con trên quê hương mình. Đoàn phu nhân đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nhân dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhờ vậy mà nghề Tằm tang ở Đàng Trong được mở mang, phát triển. Đoàn Quý phi sinh hạ được ba công tử, trong đó các công tử Nguyễn Phúc Võ và Nguyễn Phúc Quỳnh đều mất sớm, công tử Nguyễn Phúc Tần là con trai thứ hai, trở thành Thế tử, tức Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế. Còn công chúa út, theo hồi cố của các trưởng lão tộc Đoàn ở làng Chiêm sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thường được gọi là Nguyễn Phúc Ngọc Dung và có dị tật bẩm sinh, đã hạ giá với Chưởng Cơ tên là Minh và cũng đã mất sớm. Khi con là Thái Tông hoàng đế Phúc Tần lên ngôi Chúa, bà được tôn làm Quốc Thái phu nhân. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã mai táng mẫu hậu tại Gò Cốc Hùng ở tổng Mông Lĩnh, cách Lăng mộ của Hoàng Hậu Mạc Thị Giai, hậu của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chừng nửa cây số và cách không xa mộ của Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho xây Lăng Vĩnh Diên ; Chúa cũng cấp năm mẫu đất tự đường tại làng Phú Trang lấy hoa lợi dùng vào việc chăm sóc, tu bổ cho Lăng mộ và Nhà thờ. Trận lụt lớn của Sài Thị Giang xảy ra vào năm Canh Thìn 1680 thời Lê Hy Tông, tức năm Thái Tông Nguyễn Phúc Tần thứ 32, gây xoáy lở ngay giữa làng Đông Yên, cắt đôi làng Đông Yên thành hai phần là Đông Yên Tây và Đông Yên Đông và sau trận đại hồng thủy này nhà thờ Đức Bà đã bị hủy hoại. Năm 1744, chúa Nguyễn Thế Tông lên ngôi, truy thụy cho Thần Tông hoàng đế Nguyễn Phúc Lan, và bà cũng được truy thụy thành Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ phi. Năm Gia Long thứ 5 (1806), Thế Tổ Cao hoàng đế đã truy tôn bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫu Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu hoàng hậu, phối thờ cùng Thần Tông hoàng đế Nguyễn Phúc Lan ở Thái Miếu tại Phú Xuân, án thứ 1 bên phải. Hằng năm cứ đến ngày 24 tháng 3 âm lịch, nhân dân quanh vùng và tộc họ thường làm lễ dâng hương để tưởng niệm Bà. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam 1157 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Phật viện Đồng Dương

Di tích lịch sử khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương (Khu phế tích Phật viện Đồng Dương) nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phật viện Đồng Dương chỉ thật sự được biết đến khi các nhà khoa học người Pháp công bố các kết quả nghiên cứu và khai quật. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, với tên gọi mới là Indrapura. Theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay. Kinh đô nằm gọn trong cánh đồng Đồng Dương rộng khoảng 2 km2 (theo kiến giải của những nhà nghiên cứu Pháp thì Đồng Dương có nghĩa là cánh đồng thiêng. Tiếng "Dương" là biến âm của tiếng "Yan"- trời, linh thiêng trong ngôn ngữ Chăm). Đó là một thung lũng hình chữ nhật ba mặt Đông, Nam, Tây được đồi núi cao bao bọc. Phía Bắc là dòng Ly Ly, cửa ngõ thông thương với bên ngoài được bố trí rất kín đáo. Bia ký còn ghi lại sự sùng đạo của nhà vua, cho biết vào năm 875 “Do lòng tin vào Phật Giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay “đô thị giải phóng” (moksapura), nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapada). Nhà vua nhấn mạnh đến những kẻ nào phạm tội ác phải chịu đày đọa xuống địa ngục. Sau khi xây dựng xong, vua cũng đã cúng dường nhiều ruộng đất, tiền bạc, nô lệ và nhiều thứ khác cho Lokesvara. Nhà vua dặn: Sau khi băng hà, được đổi danh hiệu là Paramabuddhaloka. Tất cả những sự kiện trên đã chứng minh là vua Indravarman II đã đồng nhất với Phật dưới dạng Bồ Tát. Đạo Phật Chămpa trong thời này theo Đại thừa. Tháng 9/1996, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy, ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Chămpa tại làng Đồng Dương không nhiều. Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng 40 - 50cm, có nơi chỉ dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô. Có thể nói Đồng Dương chỉ thuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Chămpa, còn kinh thành Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn, nằm ngoài khu Phật viện Đồng Dương. Phật viện là một quần thể kiến trúc lớn nằm gọn trong bức tường thành hình chữ nhật gọi là thành ngoại, cạnh dài chạy theo hướng chính Đông - Tây kích thước khoảng 155m nhân 326m. Vết tích nền móng còn lại cho thấy đây là một bức tường thành khá lớn và cao. Thành ngoại chứa 3 cụm kiến trúc đồng trục Đông - Tây và 3 hồ nhân tạo lớn. Có 2 hồ ở góc Đông Bắc và một ở góc Đông Nam. Ngày nay một cái đã bị san lấp làm ruộng. Ngoài ra, góc Đông Nam của thành ngoại còn có vết tích kiến trúc của một tòa nhà dài. Thành ngoại có hai cửa Đông và Tây. Hiện tại vết tích cổng rất mờ nhạt. Bên trong Thành ngoại có Thành nội. Thành nội bao lấy đền thờ trung tâm trong đó có tháp chính. Thành nội còn có một tháp đặc biệt gọi là Tháp Giếng- nằm phía góc Tây Nam của Thành nội, ngày nay đã bị vùi lấp. + Khu đền thờ chính: nằm trong một khu vực hình chữ nhật. + Nhóm phía Đông: chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tu viện Phật giáo (Vihara). + Nhóm giữa: chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. + Nhóm phía Tây: gồm các đền thờ chính và các tháp phụ xung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Chăm; Trong quá trình phát hiện và khai quật Khu phế tích Phật viện Đồng Dương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị như: tượng thần Hộ pháp bằng đá, tượng Phật bằng đá, nhóm tượng Siva bằng đá, tượng Phật bằng đồng (bảo vật quốc gia - lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), tượng nữ thần bằng đồng,… Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương trưng bày tại Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đã hình thành một phong cách nghệ thuật nổi tiếng từ giữa thế kỷ IX, đến cuối thế kỷ IX, được gọi là phong cách Đồng Dương. Đồng Dương là khu di tích Phật giáo hết sức độc đáo của vương quốc Chăm, không chỉ có giá trị tiêu biểu của Việt Nam mà còn là di tích Phật giáo hiếm có trên thế giới thời kỳ cổ, trung đại. Thông qua những cổ vật còn lại, đã phản ánh thời đại cực thịnh của một vương quyền, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc Chăm lên hàng tột đỉnh. Dưới góc độ tôn giáo, Đồng Dương đóng góp đặc sắc vào nghệ thuật Phật giáo của nhân loại, mẫu mực trong cách phô diễn, trong ý nghĩa tượng thờ, phù điêu, bố cục và cũng thuộc loại hiếm hoi trong số di tích Phật giáo cổ xưa còn lại tới ngày nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 22/12/2016. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Quảng Nam 1133 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Thánh địa Mỹ Sơn

Khu di tích Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là một quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam. Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ IV, đến thế kỷ XIII. Ngày 29/4/1979 Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Mỹ Sơn là Di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng đông-phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng tây hoặc cả hai hướng đông-tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên. Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Đáng tiếc công trình lớn nhất là tháp A1 cao 24m, có 6 tháp phụ chung quanh, tháp này được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Chămpa đã bị bom Mỹ đánh đổ vào cuối năm 1969. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva-Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần-vua và tổ tiên hoàng tộc. Sau bao nhiêu năm thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngày nay Thánh địa Mỹ Sơn vẫn còn là một di tích có giá trị văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của nhân loại, nó kết tinh của trí tuệ, tài hoa của nhiều thế hệ. Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới vào ngày 1/12/1999. Điểm nổi bật dễ nhận thấy ở đây là những kiến trúc Chăm pa cổ dường như vẫn còn nguyên vẹn như tượng thần Siva, bia đá, các linh vật cùng hệ thống đền tháp xưa. Sau khi đã đi hết các khu vực tham quan ở đây cũng như được nghe giới thiệu về thánh địa Mỹ Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm nét văn hóa của người Chăm pa cổ qua những chương trình biểu diễn nghệ thuật như thổi kèn, múa. Những vũ điệu Siva đầy uyển chuyển, cuốn hút sẽ để lại những ấn tượng thật khó phai. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam 1063 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Phố cổ Hội An

Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) lần đầu tiên trao giải “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”, khẳng định sức hút của Di sản văn hóa thế giới UNESCO. Được hình thành và phát triển từ thế kỷ 16, Hội An - đô thị cổ nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, từng là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực. Giai đoạn từ thế kỷ 16, đây là nơi tập trung hàng hóa của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha… Chính vì vậy, Hội An được coi là điểm hội tụ và giao thoa của những nền văn hóa Đông - Tây. Đến nay, Hội An đã trở thành điểm đến nổi tiếng không thể thiếu trong hành trình khám phá dải đất miền Trung. Đô thị cổ Hội An nổi tiếng với lối kiến trúc điển hình về thương cảng truyền thống của khu vực Đông Nam Á và đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng chảy thời gian phủ lên phố Hội một vẻ đẹp bình yên và trầm mặc. Trái ngược với đô thị hiện đại, Hội An gây ấn tượng với du khách bằng những ngôi nhà lợp mái rêu phong, bức tường sơn vàng cổ kính và những chiếc đèn lồng làm nên thương hiệu Hội An. Tháng 11/2019 tới đây, Phố cổ Hội An sẽ tròn 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nơi đây sở hữu một hệ thống gồm 1.360 di tích, trong đó có 1.068 ngôi nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 ngôi mộ cổ loại đặc biệt và 1 cây cầu cổ. Với lối kiến trúc độc đáo, mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Vì vậy ngoài việc bố trí ngôi nhà thành nhiều gian thì phần sân trời của ngôi nhà được lát đá và trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một không gian thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng. Một nét đặc trưng trong kiến trúc ở Hội An là những con phố được xây dựng theo hình bàn cờ, uốn lượn theo ven sông và ôm ấp những ngôi nhà. Ở mỗi góc nhỏ bình yên ấy, du khách dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với nhiều món ẩm thực nổi tiếng như cao lầu, mì Quảng, bánh mì, cơm gà… hay những cửa hàng bày bán các đồ dùng thủ công mỹ nghệ. Tất cả như phản ánh cuộc sống sinh hoạt giản dị, chậm rãi và hồn hậu của người dân nơi đây. Dạo bước tại Hội An, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm tuổi (như Chùa Cầu, Chùa Phước Lâm, Chùa Vạn Đức…), chiêm ngưỡng các công trình Hội quán của người Hoa với lối kiến trúc cầu kỳ, sặc sỡ, hòa mình vào không khí lễ hội nhộn nhịp với các trò chơi dân gian như hát bài chòi, hò khoan, đấu cờ tướng… Vào ngày 4/12/1999, khu di tích phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến năm 2009, phố cổ Hội An được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Quảng Nam, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Giải thưởng “Điểm đến Thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” là lời khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Di sản Văn hóa thế giới Hội An, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Hội An nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung đến đông đảo du khách quốc tế. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Quảng Nam 1136 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật