Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Hà Nội

Đình Hạ Thái

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong số 15 di tích của cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia trong đợt 1/2017. Bộ VHTTDL vừa có quyết định số 824/QĐ- BVHTTDL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hạ Thái, xã Duyên Hải, Thường Tín, Hà Nội là di tích quốc gia. Đình Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín mang đậm nét kiến trúc của đồng bằng Bắc bộ với cây đa, bến nước, sân đình. Đây là nơi thờ hai vị thành hoàng làng là quan võ thời Lê Bùi Sĩ Lương và bà Đinh Thị Trạch (hay còn gọi là bà Lạy) người đã hy sinh tính mạng của mình để cho dân làng thoát nạn cống nạp người. Thần phả ghi lại rằng: trước đây vùng đất này hoang vu, cây cối um tùm và dân cư thưa thớt. Lúc đó trong rừng có một con hổ dữ, dân làng gọi là hổ lang thường tìm về bắt người và gia súc ăn thịt. Không thể thu phục được con hổ đã thành tinh này nên hàng năm dân làng đành phải cống nạp cho hổ một người vào ngày 10/11. Trong làng có bà Lạy, một người đàn bà không chồng, không con, thấu hiểu nỗi đau và mất mát của dân làng, bà đã tự nguyện dâng mình cho hổ với mong muốn việc cống nạp này sẽ chấm dứt. Lời khấn cầu nguyện của bà trước trời đất có vẻ linh thiêng và ứng nghiệm, bởi kể từ ngày 10/11 năm đó khi hổ đến vồ bà Lạy và đưa đi mất, người dân không còn thấy hổ quay lại quấy phá nữa. Để tưởng nhớ công ơn của bà, người dân đã xây miếu thờ, sau này bà được tôn làm thành hoàng làng và miếu đó trở thành đình làng Hạ Thái và lấy ngày 10/11 hàng năm là ngày hội làng truyền thống. Đình làng Hạ Thái còn liên quan đến quan võ thời Lê Bùi Sĩ Lương (1544-1597), ông làm đến chức Thái sư kiêm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Là người thông minh văn võ song toàn, ông có công lớn trong phò Lê, diệt Mạc. Khi đến Hạ Thái, nhận thấy vùng đất nơi này có thế rồng chầu hổ phục, ông đã chọn Hạ Thái để lập gia trang và dạy dân lập nghiệp, vì vậy sau khi mất, ông cũng được tôn là Thành hoàng làng. Lễ hội làng Hạ Thái diễn ra từ ngày 9 đến 11/11 âm lịch hàng năm và thu hút được đông đảo du khách thập phương về tham dự. Nguồn Sở văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội.

Hà Nội 480 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

ĐÌNH HẠ, ĐÌNH THƯỢNG

Đình Hạ, đình Thượng thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, thần phả và các đạo sắc phong còn lưu lại thì hai đình thờ Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử của người Việt) cùng hai phu nhân là công chúa Tiên Dung và nàng Hồng Vân. Sau khi công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử làm chồng, hai người đã học được phép tiên trị bệnh cứu người và cùng dân làng cải tạo, mở mang đất đai, trồng trọt, chăn nuôi lập nên xóm làng trù phú. Vua Hùng nghe tin, cả giận sai quân lính bắt về triều đình để trị tội. Biết tin đó, Chử Đồng Tử và Tiên Dung hóa phép bay về trời, mang theo nàng Hồng Vân của đất Tự Nhiên. Nhân dân biết ơn lập đền thờ. Đình Thượng và đình Hạ là hai công trình kiến trúc nằm song song, có niên đại tương đồng nhau, được khởi dựng vào thời Hậu Lê; tôn tạo, tu sửa làm Hậu cung vào cuối triều Nguyễn. Có điểm khác nhau là Đại bái đình Thượng không có tích “Rồng mẫu tử” mà có tích “Độc long”. Đình Thượng có 69 đạo sắc phong nhiều hơn đình Hạ 03 sắc phong. Lễ hội của làng Tự Nhiên diễn ra vào ngày mồng 1 tháng 4 (âm lịch). Vào ngày này, dân làng tổ chức lễ rước Long Ngư bao gồm 07 cỗ kiệu của ba đình: Đình Thượng, đình Hạ, đình Thủy tộc để tái hiện lại thiên tình sử mấy ngàn năm về trước của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Hai ngôi đình đều được xếp hạng di tích cấp Quốc gia: Đình Hạ xếp hạng năm 1988, đình Thượng xếp hạng năm 2002. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thường Tín , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 400 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Đình, Đền, Chùa Đào Xá.

Đến với làng Đào Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, du khách sẽ được chiêm bái những nét cổ kính, độc đáo của cụm di tích đình, chùa với những nét tinh xảo, độc đáo trong kiến trúc, được hòa mình vào không gian xanh, sạch, đẹp của làng quê yên bình với con người tài hoa, thân thiện, hiếu khách… Xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, nổi tiếng bởi có làng thêu Đào Xá với những sản phẩm có chất lượng nghệ thuật tinh xảo. Nơi đây còn là điểm đến của nhiều du khách xa gần bởi một tổng thể kiến trúc liên hoàn đặc sắc là đình Đông, đình Tây, chùa Đào Xá. Cả 3 di tích này đều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 2000. Đào Xá sở hữu nét đặc biệt mà ít có địa phương nào có được đó là trong một làng lại có tới 2 ngôi đình liền kề nhau. Hai ngôi đình được phân biệt theo cách gọi mộc mạc, dân dã: Đình Đông và đình Tây. Đình Tây Đào Xá vốn là đền thờ Chử Đồng Tử (một trong Tứ bất tử của người Việt) và Tiên Dung công chúa. Tương truyền, Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong một lần đi ngang qua làng Đào Xá thấy phong cảnh hữu tình bèn dừng lại nghỉ chân. Để tưởng nhớ Đức thánh và Công chúa, người dân đã lập đền thờ. Đền được xây dựng thời Chính Hòa nguyên niên (1680-1705), đời vua Lê Hy Tông, có kiến trúc theo kiểu chữ “nhị”. Sau này, đền trở thành đình làng. Trước đại bái đình Tây có đôi sấu đá – linh vật phổ biến thời Lý – Trần, còn nguyên vẹn. Đại bái có 5 bậc lên, mái lợp ngói vảy cá, trên đắp nổi hình lưỡng long tranh châu, hai bên hồi có mái. Khoảng cách nối giữa đại bái và thượng điện khoảng 1m, hai bên cổng đắp hình tờ thánh chiếu đang mở ra. Hai bên vách đại bái có hai tấm bia đá chìm ghi lại sự kiện trùng tu đình. Đại bái có 2 bức đại tự chữ Hán “Nhạc độc chung linh” và “Thượng đẳng linh từ” ca ngợi công đức của đức thánh Chử Đồng Tử. Hệ thống cột gỗ được đặt trên các bệ đá, các đầu bảy được điêu khắc hình rồng tinh xảo cùng các linh vật được điêu khắc rời đặt trên hệ thống xà. Đình Đông Đào Xá trước là đền Lá Cọ, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX theo kiểu kiến trúc liên hoàn hình chữ “tam”. Ba nếp nhà cao dần từ ngoài vào trong, nhà tiền tế có 4 hàng cột gỗ đặt trên trụ đá kiểu thắt cổ bồng, bên trái là một con chó đá nằm quay đầu ra ngoài. Ngôi đền thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661), quê gốc ở làng Quất Động (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín). Nhờ giá trị tâm linh to lớn, đền được chuyển thành đình và được gọi là đình Đông để phân biệt với đình Tây thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Đình Đông có quy mô nhỏ hơn đình Tây. Đình Đông Đào Xá là nơi tổ chức lễ giỗ tổ nghề thêu Lê Công Hành vào ngày 12 tháng Sáu (âm lịch) hằng năm. Nằm giữa hai ngôi đình là chùa Đào Xá (Vân La tự), có quy mô nhỏ, với 36 pho tượng được bài trí theo từng lớp từ bái đường đến thượng điện. Trước sân chùa có cây hương chạm chữ Hán: “Vĩnh Khánh nguyên niên tuế tại Ất Dậu ngũ nguyệt cốc nhật” (dựng năm 1729, thời vua Lê Duy Phường). Đào Xá là một trong số ít làng còn giữ được kiến trúc tâm linh liên hoàn đình – đền – chùa và hệ thống sân, cổng, ao cùng cây cổ thụ. Tam quan là cổng chung cho cả quần thể được điêu khắc chi tiết. Trải qua thời gian, tam quan mang vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm. Mỗi cổng đều có 2 tầng, gác chuông, lầu khánh. Cổng chính đề 4 chữ Hán “Nhật chiếu nguyệt lâm”, hướng về phía tây nam, cao 15m, trước mặt là sân rộng tạo vẻ uy nghi, bề thế khi nhìn từ phía xa. Lễ hội làng Đào Xá tổ chức vào ngày 12 tháng Hai (âm lịch), cứ 5 năm lại tổ chức lễ tắm Thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa bằng nước lấy ở đầm Dạ Trạch (tỉnh Hưng Yên). Với những giá trị lịch sử to lớn, năm 2000, di tích đình Đông, đình Tây và chùa Đào Xá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Năm 2009, làng Đào Xá được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Làng nghề truyền thống. Đào Xá được nhiều du khách xa gần chọn làm điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh. Đến với Đào Xá, du khách sẽ được chiêm bái những nét cổ kính, độc đáo của cụm di tích đình chùa với những nét tinh xảo, độc đáo trong kiến trúc, được hòa mình vào không gian xanh, sạch, đẹp của làng quê còn giữ được những nét đặc trưng của nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Không những thế, nếu có thời gian, du khách sẽ có thêm những trải nghiệm tuyệt vời tại làng nghề thêu Đào Xá để hiểu thêm về vùng đất, con người nơi này. Nguồn Sở văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội.

Hà Nội 445 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hà Hồi

Hà Hồi là xã ở phía đông bắc huyện Thường Tín. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Hà Hồi thuộc tổng Hà Hồi, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Nhắc đến xã Hà Hồi phải nói đến ngôi đình cổ nằm trong trung tâm xã - đình Hà Hồi, là một trong 6 ngôi đình cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ còn tồn tại đến ngày nay. Đình được xây dựng cách đây khoảng hơn 400 năm vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI. Theo các nhà khảo cổ học, thì ngôi đình được xây dựng vào năm 1578, đời Mạc Mậu Hợp, thờ Đức thánh Cao Sơn là Thành hoàng của làng. Do có nhiều công lao với dân với nước, ngài Cao Sơn Đại vương đã được các triều đại phong tặng 24 sắc phong còn lưu giữ đến ngày nay, sắc phong cao nhất là Thượng đẳng tối linh thần. Theo dòng lịch sử, ngôi đình đã trải qua nhiều triều đại, sự thăng trầm của thời gian và chiến tranh, đình được tu bổ nhiều lần, song vẫn giữ nguyên được những giá trị nghệ thuật, kiến trúc tinh hoa của các nghệ nhân xưa. Đình Hà Hồi được xây dựng bố cục theo hình chữ Tam, hướng Nam chếch Đông, trước mặt là một thủy đình khá lớn. Tòa đại đình gồm 3 hạng mục lớn, nằm song song liền kề, gồm: Đại bái, Trung cung và Hậu cung. Mái đình được thiết kế theo kiểu hình thuyền lợp ngói mũi, các vì kèo được thiết kế theo hệ thống chồng giường, tạo nên sự vững chắc bề thế cho ngôi đình, phần nền được lát đá nguyên khối, tạo không gian thoáng mát. Đình còn lưu giữ bảo tồn được các mảng kiến trúc chạm trổ, điêu khắc nghệ thuật, thể hiện ở các bức cốn như: Tứ linh (Long, lân, quy, phượng), chuột ngó đầu gậm lá sen, các đầu dư, đầu bẩy chạm khắc rồng hết sức mềm mại và tinh vi. Bức hoành phi ở Trung cung phiên âm hán việt là: “Hộ quốc tí dân” (dịch nghĩa: Phù giúp đất nước, che chở muôn dân). Bên cạnh là đôi câu đối. Phiên âm Hán việt như sau: “Nãi văn nãi vũ, thần công hà hải hộ khang dân, Tối tú tối linh, thánh đức thường lưu phù quốc thái.” Dịch nghĩa: “Là văn là võ, công lao của thần như biển hồ ngầm giúp dân chúng yên ổn, Xuất chúng uy linh, đức của thánh lưu truyền phù trì vận nước thái bình”. Ngoài gian Đại bái có bức hoành phi chính giữa đề 04 chữ là “Sơn anh hà tú” (Tạm dịch nghĩa là: Núi sông anh linh tối tú). Ngoài ra đình còn lưu giữ được nhiều câu đối, hoành phi, cửa võng…và các hạng mục kiến trúc theo phong cách truyền thống bắc bộ, đặc biệt là hai pho tượng phỗng đá Xiêm Thành ngay trước cửa Hậu cung. Phía ngoài sân, trước thềm đại bái, hai đầu hồi có hai tượng chó đá, chính giữa có hai bệ đá chạm khắc rồng tinh tế, tỉ mỉ bằng đá Lam Sơn (Thanh Hóa). Hai dãy nhà hai bên (tả mạc – hữu mạc) hơi lùi xuống so với tòa Đình chính. Nhìn tổng thể từ ngoài vào cổng đình Hà Hồi có tới 5 cửa hay còn gọi là (ngũ môn), khác với những ngôi đình khác, cổng được xây dựng thiết kế theo hình vòng cung, ôm lấy ngôi đình, ba cửa chính giữa có dáng dấp của một tam quan, cửa chính cao tới 15m, tầng dưới được xây thành những khối vuông, cửa dạng cuốn vòm, mái kiểu chồng diêm lợp ngói ri. Hai bên cửa phụ được xây dựng nhỏ hơn, theo kiểu một tầng, nối với tường chạy bao quanh diện tích vào đến nhà Tả mạc - hữu mạc. Qua khỏi Ngũ môn nối với khoảng sân hẹp bắc qua thủy đình là chiếc cầu gạch có 5 nhịp, thành cầu được trang trí những viên gạch có màu men xanh ngọc. Có thể nói, Đình Hà Hồi là công trình kiến trúc nghệ thuật, toàn bộ không gian là tổng hòa của tri thức, ở đó mang hồn cốt kiến trúc dân tộc, ẩn chứa trong mình cả một hệ thống văn hóa – lịch sử. Với những giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử, Đình Hà Hồi như một báu vật lịch sử mà tiền nhân để lại cho hậu thế. Ngày 23/12/1985, Đình Hà Hồi đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thường Tín , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 406 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tổng La Phù

Đình Tổng La Phù là ngôi đình của tứ dân La Uyên, Phúc Trại, Thọ Ngãi, Mai Hồng (xã Tân Minh) và Mai Sao (xã Nguyễn Trãi), tổng La Phù, huyện Thượng Phúc xưa (nay thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội), xây dựng nên cách đây gần năm thế kỷ. Đình vẫn được gọi theo tên tổng là đình La Phù. Đình tọa lạc trên một mảnh đất vìa làng thôn La Uyên, phía trước đình là dòng sông Nhuệ Giang, con đường giao thương thủy quan trọng của đất nước, nối kinh đô Thăng Long về miền Sơn Nam Thượng trước kia. Đây cũng là một trong số ít ỏi những ngôi đình tổng cổ xưa nhất không chỉ của Hà Nội, mà của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo như cuốn ngọc phả và những tư liệu dã sử trong dân gian cho biết, đình Là thơ 3 vị thần là đức thánh cả Minh Lang đại vương, đức An Lang đại vương và đức Xạ Thần đại vương. Tam vị đại vương là những vị anh hùng, có công với dân với nước, hiển linh được nhân dân tôn vinh. Đức thánh cả Minh Lang đại vương chính là tướng quân Nguyễn Phúc, một cựu thần thời hậu Lê. Ông vốn là người xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân của xứ Đông (nay thuộc Hải Dương), đỗ tiến sĩ Hoàng giáp khoa Quý Dậu, năm Thái Hòa 11 (1453) triều Lê Nhân Tông. Cuộc đời làm quan, ông từng giữ chức Hàn lâm đại học sĩ, kiêm chức chức Thái phó, thầy dạy Lê Thánh Tông lúc nhỏ tuổi. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, sai Nguyễn Phúc chỉ huy việc vận chuyển quân lương. Trên đường biển vận chuyển gặp gió bão, quân lương vào chậm một ngày nên bị tử phạt theo quân luật. Do có quân lương nên nhà vua mới đánh thắng quân Chiêm Thành. Khi trở về luận công ban thưởng, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Phúc và phong cho ông là Minh lang Đại vương, hộ quốc cứu dân, bảo quốc công thần, đồng thời, sắc chỉ cho 72 nơi thờ phụng. Nguyên xưa đình chỉ có một ngôi nhà Đại bái, công trình kiến trúc nghệ thuật xây dựng từ thời Mạc, cấu trúc mặt bằng hình chữ nhật dài 24m30m, rộng 9m30, hiên rộng 1m30, bốn mái đình rộng, xòe thấp. Các tàu mái bốn phía chạy uốn hình mạn thuyền, giao nhau tạo các góc đao uốn cong lượn lên trời. Tàu đao gỗ chạm cánh hoa. Bờ nóc, bờ dải mái đình đắp bờ đinh. Các lá mái đình lớp ngói mũi hài. Vào thời Nguyễn đời vua Bảo Đại 11 (1936) xây thêm hậu cung 3 gian là một ngôi nhà ở phía sau nằm song song với Đại bái. Đến năm 1948, giặc Pháp đốt phá hậu cung, khi hòa bình thống nhất đất nước nhân dân đóng góp xây dựng lại. Đặc biệt, về nghệ thuật điêu khắc thời Lê – Mạc trên kiến trúc hai bộ vì gian giữa phía sau giáp hậu cung, một bộ rường cốn có mảng điêu khắc nghệ thuật đúc chạm lộng một con rồng tạo nên khối hình ô van, con rồng hình yên ngựa, đấu đầu vào giữa thân lộ ra đôi mắt lồi, mũi tròn, miệng loe, tai dơi, từ đầu rồng phát ra hai phía những tia mác mảnh. Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên gỗ của thời Mạc khá sinh động. Trên bộ vì hạ rường cốn thứ hai phía sau giáp hậu cung được chạm rồng thời Mạc ở trên đấu, trên thân đầu rường và mảng cốn. Con rồng ở đây nguyên hình thể khối hình yên ngựa tai lớn, mắt lồi, đuôi bút lông. Mặt rồng ở giữa đặt trên lưng yên ngựa, miệng rộng, mũi dẹt và trán nhô cao. Những gì còn sót lại ở đình La Phù, tuy không nhiều nhưng cũng đã góp phần cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu mỹ thuật. Thời Mạc đình là một trong 5 ngôi đình mang dấu ấn của đình cổ xưa nhất. Phía tiếp sau là hậu cung, ngôi nhà 3 gian nằm phía sau và chạy song song với Đại bái được xây tường hồi bít đốc, hai mái chảy, lợp ngói ri bờ nóc chữ đinh, kìm đấu hình chữ nhật, kiến trúc gỗ của những bộ vì làm theo hình thức quá giang kèo cầu và có hệ thống trần vòm của mái cua. Hiện, đình Là còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm như thần phả, 38 đạo sắc phong, đạo sớm nhất đời vua Lê Vĩnh Thịnh (1705); một kiệu bát cống chạm đầu rồng, miệng ngậm ngọc, mũi to tròn, bờm tóc lưới mác bay về phía sau phong cách nghệ thuật thời Lê; 5 tấm ván thưng chạm rồng yên ngựa thời Mạc; 2 rùa đá nghệ thuật điêu khắc thời Lê; 3 bộ hoành phi câu đối; 3 cỗ ngai chạm khác đầu rồng thời Nguyễn… Mỗi năm đình Là mở hai lần hội, xuân thu nhị kỳ. Trong đó hội chính là vào ngày 12 tháng 8 âm lịch. Hội lệ hàng năm vẫn diễn ra bình thường, nhưng hội chính thì 2 năm mới tổ chức một lần và 3 ngày 11, 12, 13 tháng 8 âm lịch. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật, đình Là đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 2003. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thường Tín , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 404 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Nguyễn Trãi .

Nhà thờ Nguyễn Trãi thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nguyễn Trãi (1380 - 1442), người anh hùng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, là danh nhân văn hoá thế giới, đã được Tổ chức-giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận năm 1980. Nhà thờ Nguyễn Trãi được xây dựng ở thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Ở Côn Sơn (Hải Dương) và các nơi khác cũng có đền thờ danh nhân - anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Cổng làng Nhị Khê đắp nổi bốn chữ Hán lớn: “Như kiến đại tân” (như thấy người khách lớn). Đó là tấm lòng của cổ nhân quý khách đến làng. Cổng này còn có tên gọi là “Cổng Quốc” - tương truyền gọi như vậy là để tưởng nhớ vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi. Qua Cổng Quốc một đoạn đường ngắn là tới khu vực nhà thờ Nguyễn Trãi có tượng đài Nguyễn Trãi, nhà thờ, nhà trưng bày “Thân thế sự nghiệp Nguyễn Trãi”, thư viện Nhị Khê. Từ đó đến nay nhà thờ đã đón tiếp hàng triệu lượt khách đến tham quan chiêm ngưỡng và mọi người cùng có cảm tình với một tác phẩm có nội dung tốt, đã khắc họa chân dung Nguyễn Trãi - con người văn võ toàn tài. Qua khu tượng đài là đến nhà thờ. Phía trước nhà thờ có hồ bán nguyệt. Nhà thờ có hệ thống cột trụ, tường bao, cổng pháo... được đắp vẽ công phu theo kiểu đình làng. Qua một sân gạch nhỏ là tới Đại bái, nhà thờ Nguyễn Trãi được xây dựng bằng gỗ tứ thiết, đầu hồi bít đốc, trên lợp ngói ri cổ. Nhà thờ mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn - kết quả của những tu bổ ở thế kỷ XIX. Nghệ thuật kiến trúc thiên về bền chắc, bào trơn, đóng bén. Nét nổi bật ở tòa Đại bái là các bức đại tự, hoành phi và câu đối đều được sơn son thếp vàng hoặc thếp bạc phủ hoàn kim thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với bậc công thần, đại thi hào Nguyễn Trãi. Đó là các hoành phi: Khai quốc nguyên huân, Bình Ngô khai quốc, Bình dị cận dân.. Trên ban thờ Nguyễn Trãi ở Hậu cung có bức tranh chân dung Nguyễn Trãi, hòm sắc phong của các triều Lê và Nguyễn. Đặc biệt có một biển để trang trọng lời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 5 (1464) “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (tấm lòng Nguyễn Trãi sáng đẹp như sao khuê). Đó là lời minh oan của nhà vua đối với Nguyễn Trãi. Đến thăm nhà thờ Nguyễn Trãi, khách sẽ được giới thiệu “Trại Ổi”, “Ao Huệ” nói về thân phụ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh đã mở trường dạy học. Sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Trãi in đậm lên mảnh đất Nhị Khê. Nhà thờ Nguyễn Trãi đã được tu sửa nhiều lần. Nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín đã đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo lại toàn bộ khu tưởng niệm Nguyễn Trãi. Nhà thờ Nguyễn Trãi đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh nhân năm 1964. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thường Tín , thành phố Hà Nội .

Hà Nội 545 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Đậu

Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) được công nhận hai kỷ lục quốc gia: Là nơi có tượng nhục thân đầu tiên ở Việt Nam và sở hữu cuốn sách ghi lịch sử chùa bằng đồng có nhiều trang và cổ xưa nhất Việt Nam. Tọa lạc trên một gò đất cao giữa cánh đồng làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội), Chùa Đậu - Đệ nhất danh lam cổ tự - trong hơn 1.800 năm qua vẫn luôn trầm mặc dưới bóng những hàng cây xanh mát, xung quanh là các hồ nước bao bọc và dòng sông Nhuệ hiền hòa chảy phía sau. Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo Tự hoặc Pháp Vũ Tự, dân gian thường gọi là chùa Vua, chùa Bà, hay chùa Đậu, mỗi tên gọi đều gắn với một huyền tích. Theo cuốn sách cổ bằng đồng hiện vẫn đang được lưu ở Chùa Đậu, chùa được khởi công xây dựng từ thời Sỹ Nhiếp vào thế kỷ thứ III sau Công nguyên, cùng thời điểm xuất hiện sự tích về Phật mẫu Man Nương và hệ thờ Phật Tứ Pháp (bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Ban đầu, chùa có tên là Thành Đạo Tự, sau khi chùa rước Đại thánh Bồ tát Pháp Vũ (vị nữ thần cai quản mưa) về thờ thì được gọi là Pháp Vũ Tự. Thời phong kiến, ngôi chùa chủ yếu dành cho các vị vua đến lễ Phật, còn người dân chỉ được vào lễ bái khi có lễ hội nên dân gian gọi là Chùa Vua. Chùa thờ Bồ tát Pháp Vũ hiện thân là nữ nên người dân cũng gọi là chùa Bà. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, các bậc chí sỹ cầu nghiệp lớn ở đây đều thi đậu khoa bảng, công thành danh toại; người làm nông cầu mùa màng bội thu cũng được như ý nguyện nên dân gian gọi tên khác là Chùa Đậu. Dưới thời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa bị xuống cấp, sau đó được trùng tu lại, uy nghiêm và khang trang hơn. Sau đó, Vua ban sắc phong chùa là “An Nam đệ nhất danh lam” tức "Danh lam số một của nước Nam." Phật tử và nhân dân quanh vùng coi là đất Phật bởi sự linh ứng mà chùa mang lại. Chùa Đậu không chỉ có địa thế tuyệt đẹp như đang ngự trên bông hoa sen đang nở, mà còn là một quần thể kiến trúc nguy nga mang những nét nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của các vương triều Lý-Trần-Lê-Nguyễn. Đặc biệt, chùa nổi tiếng với nhục thân Bồ tát của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh. Đây là hai trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong chặng đường tu tập Phật giáo của các bậc thiền sư trong nước và trên thế giới. Với bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Chùa Đậu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A từ năm 1964. Hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2016; Chùa Đậu cũng được xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thường Tín , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 510 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Bà Kiệu

Đền Bà Kiệu tọa lạc tại số 59 Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo sử sách, đền Bà Kiệu có tên chữ là “Thiên Tiên điện” hay “Huyền Chân Từ”, trước đây thuộc thôn Tả Vọng, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Giữa thế kỷ XIX, đền thuộc thôn Hà Thanh, phường Đông Các, huyện Thọ Xương. Đầu thế kỷ XX, đền thuộc phố Bờ Hồ (Rue du Lac), tọa lạc theo hướng Nam, đối diện đền Ngọc Sơn. Đền thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh Công chúa, Đệ nhị Ngọc Nữ và Đệ tam Ngọc Nữ (Quỳnh Hoa và Quế Hoa). Theo Thăng Long cổ tích khảo thì đền xây vào thời nhà Lê triều Vĩnh Tộ (1619-1628), đến triều Cảnh Hưng thì mở rộng thêm. Vào thời Tây Sơn triều Cảnh Thịnh đền đúc quả chuông lớn. Triều vua Tự Đức ngôi đền được tu sửa lần nữa. Đền Bà Kiệu xưa kia khá khang trang trong một khuôn viên đẹp và rộng rãi. Năm 1891, do thực dân Pháp xây đường vòng quanh Hồ Gươm nên khu đền bị tách làm hai phần: Tam quan nằm sát ven hồ Gươm gồm ba gian xây gạch kiểu “tường hồi bít đốc”, mái lợp ngói ta với các bộ vì kiểu chồng rường đỡ mái, thân các con rường chạm nổi hoa văn thực vật, vân mây; Kiến trúc chính gồm đại bái, phương đình và hậu cung được xấp theo dạng chữ “công”. Nhà đại bái gồm ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, mái nhỏ đều như gợn sóng . Bộ mái gần gũi với phong cách kiến trúc của cố đô Huế. Bờ nóc có dạng bờ đình, bên trên gắn hình cá hoá rồng bằng gốm hoặc men xanh đang nhìn vào bình nước thiêng ở giữa. Bộ khung được làm khá vững chắc với 8 cột trụ bằng gỗ lim, chu vi cột cái 115cm, cột quân 105cm. Các cột hiên nhỏ hơn được làm bằng đá trắng, hình hộp chữ nhật mỗi cạnh rộng 25cm. Nhà Tiền tế có 4 tượng cá chép hóa rồng đặt trên xà và dưới điểm của hai mái sau, trước. Các tường dẹt, được thể hiện khá sinh động, chau chuốt và đem lại hiệu quả đáng kể cho kiến trúc đến. Liền sau tiền tế là một kiến trúc nhỏ dựng trên bốn chân cột lớn kiểu phương đình, hai tầng bốn mái. Bốn mái chạm mảng hoa văn truyền thống phổ biến theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn. Hậu cung là nơi tọa lạc của các vị thần được thờ với một nếp nhà ngang xây gạch kiểu “tường hồi bít đốc”. Các nữ thần được tọa lạc trong một khám thờ lớn, chạm khắc cầu kỳ. Lớp trên gồm ba pho trong tòa Thánh Mẫu. Lớp dưới có các tượng Công chúa Liễu Hạnh và hai tiên nữ Quỳnh Hoa, Quế Hoa. Ngoài khám thờ còn có bốn tượng nhỏ (hai tượng cô, hai tượng cậu). Hai bên có hai khám thờ nhỏ, bên phải đặt tượng chầu thủ đền, bên trái là Bà Chúa Thượng Ngàn. Hai bên là nơi thờ những vị thần phổ biến trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Đền Bà Kiệu hiện còn giữ được bộ sưu tập di vật văn hoá lịch sử gồm nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau trải dài qua ba triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Trong đó phải kể đến bốn tấm bia đá dựng năm Cảnh Thịnh 8 (1800), Tự Đức 19 (1866) cùng hệ thống 27 đạo sắc từ triều Lê, Tây Sơn đến Nguyễn phong thần cho Bà Chúa Liễu và hai vị tiên nữ. Di tích đền Bà Kiệu đã được Bộ văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 2/5/1994. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 466 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Vũ Thạch

Đình, đền Vũ Thạch có địa chỉ ở số 13 phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đình, đền và chùa Vũ Thạch đã may mắn thoát khỏi sự phá huỷ vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 khi thực dân cho dỡ bỏ làng cũ để xây nhiều công sở và phố Tây. Thời Pháp thuộc, cụm di tích đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần qua các năm: Tự Đức thứ 35 (1882), Thành Thái thứ 3 (1891) và Khải Định thứ 9 (1924). Đình Vũ Thạch là một trong những nơi thờ Khỏa Ba Sơn, vị tướng của Hai Bà Trưng. Theo các tư liệu còn lại, ông được Hai Bà cho lĩnh 500 quân tới ấp Hoa Động (nay thuộc xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội) lập một đồn giả để lừa quân Hán, nhờ đó mà đánh bại được thái thú Tô Định. Sau khi lên ngôi, Hai Bà Trưng cử Khỏa Ba Sơn trở về đóng đồn tại ấp Hoa Động, song ông đã hoá ngay giữa buổi tiệc khao thưởng dân làng. Nơi thờ chính của ông hiện ở làng Xuân Đỗ, xã Cự Khối. Tại đây có cuốn Thánh tích ngọc phả ghi rất rõ về gốc tích và công trạng của ông, trong sách ghi niên đại “tháng trọng thu niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6” (tức năm 1740). Để tưởng nhớ công ơn vị thần này, dân làng Vũ Thạch mở hội đình vào ngày 10 tháng 2 và 15 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Trong những ngày này bao giờ cũng có một đoàn của làng Xuân Đỗ (Hạ) đến cùng tham gia. Lễ hội có rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống như hát ca trù, hát văn, biểu diễn võ dân tộc. Ngôi đình Vũ Thạch từng là nơi đặt hòm phiếu bầu Quốc hội khoá 1 (6-1-1946) và là nơi đóng quân Tự vệ thành Hà Nội trong 60 ngày kháng chiến cuối năm 1946 đầu năm 1947. Năm 1995, phường Tràng Tiền đã tiến hành dựng Bia tưởng niệm 77 anh hùng liệt sỹ là công dân của phường. Trải qua mấy trăm năm, đình Vũ Thạch đã được trùng tu nhiều lần. Khoảng sân trước đại đình có lẽ đã bị thu nhỏ diện tích khi người Pháp bắt đầu mở rộng phố xá. Phía sau và hai bên đình cũng bị dân lấn chiếm một phần đất. Dáng vẻ hiện nay cho thấy ngôi đình mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn. Đình quay về hướng tây, cổng tam quan và bức tường dài xây giáp liền với hè phố Bà Triệu phủ bóng cây xanh. Nhà đại bái rộng 5 gian, kết cấu với thượng điện thành hình chuôi vồ, bên trong bài trí trang nghiêm theo lối truyền thống. Trong đình Vũ Thạch hiện có pho tượng thánh Khỏa Ba Sơn cùng 30 ngai thờ sơn son thiếp vàng, trong đó 5 ngai lớn được chạm trổ rất công phu. Đình cũng giữ được cỗ kiệu bát cống và bốn đôi lọ lộc bình men trắng vẽ lam có niên hiệu đời Thanh. Hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án đều được trang trí đẹp đẽ, các đồ tế khí thể hiện trình độ chế tác rất cao. Đặc biệt nơi đây hiện còn lưu 5 sắc phong của các vị vua nhà Nguyễn mang niên hiệu khác nhau rải rác suốt thế kỷ 19: Gia Long (năm 1802), Tự Đức (1852 và 1879), Đồng Khánh (1886), Thành Thái (1889). Những sắc phong này đều thể hiện sự kính trọng đối với danh tướng Khỏa Ba Sơn. Đình Vũ Thạch và đền Mẫu liền kề cùng với chùa Vũ Thạch (trong ngõ 13b Bà Triệu) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là một cụm di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1986. Cổng thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 513 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ là một ngôi chùa ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đây, địa phận này thuộc thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương. Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ 15, năm 1942 được xây dựng lại và năm 1980 trở thành trụ sở trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sách “La thành cổ tích vịnh” do tiến sĩ Trần Bá Lãm soạn năm 1787 viết rằng: vào khoảng đời vua Trần Dụ Tông (1341—1369) triều đình cho dựng một tòa sứ quán để tiếp sứ thần các nước láng giềng Chiêm Thành, Vạn Tượng và Ai Lao. Triều ta vẫn theo nề nếp ấy. Từ đời Lê trung hưng về sau sứ thần có đến cống nạp phương và nghỉ ngơi ở đây … cho xây ngôi chùa thờ Phật để trấn yểm từ đó mới được bình an vô sự. Nhân thế gọi tên chùa Quán Sứ. Năm 1942 sư Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt cho chùa xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng, với nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tinh hoa từ các ngôi chùa lớn của miền Bắc. Mặt bằng các công trình tuân theo truyền thống “nội Công ngoại Quốc”. Tam quan chùa có ba tầng mái, ở giữa là lầu chuông. Một nét rất mới là ở đây tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Đi qua cổng tam quan rồi qua sân trước, du khách bước tiếp lên 11 bậc thềm mới tới chính điện. Toà Tam bảo xây cao đặt ở trên tầng hai, tầng dưới là để cách ẩm. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều có kích thước khá lớn và thếp vàng lộng lẫy. Phía trong cùng, thờ tượng ba vị Phật Tam Thế trên bậc cao nhất. Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có các tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ tượng Phật Thích-ca, hai bên là các tượng tôn giả A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đặt giữa các tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương. Gian bên phải chính điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông. Bốn mặt xung quanh chùa Quán Sứ là những hàng hiên thoáng mát có các cột vuông chống đỡ. Hai dãy hành lang dài cách Tam bảo một khoảng sân đủ hút gió. Hương hoa đại thoang thoảng khắp nơi. Chùa Quán Sứ mới đây lại được trùng tu và nâng cấp, chủ yếu ở khu vực giữa và phía sau. Các tòa nhà chính và nhà phụ đều xây cao và rộng rãi, tường vẫn được quét vôi vàng như trước kia. Toà hậu đường gồm có 3 tầng, tầng giữa nối với chính điện qua một cầu thang lộ thiên. Chùa Quán Sứ có cả hội trường, giảng đường và thư viện Phật giáo. Chùa đủ chỗ để đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam). Chùa cũng là nơi đặt văn phòng Hội đồng trị sự, văn phòng Hội đồng chứng minh và phòng khách quốc tế. Hiện nay các vị hòa thượng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các vị thượng tọa, đại đức, tăng ni của văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều làm việc ở chùa Quán Sứ. Các hội nghị Phật giáo ở cấp quốc tế và quốc gia cũng thường được tổ chức tại đây. Trong các dịp lễ lạt và cả ngày thường, chùa cũng có rất đông Phật tử và du khách đến thăm viếng. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 503 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Huyền Thiên Quán

Chùa Huyền Thiên Quán vốn là một quán của Đạo giáo, rồi chuyển thành chùa từ cuối thời Lê, hiện nay ở số 54 phố Hàng Khoai. Tương truyền quán Huyền Thiên được lập từ thời Lý và sớm nổi tiếng là một trong “Thăng Long Tứ quán” của đạo Lão (ba quán kia gồm: Đế Thích quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên; Chân Vũ quán, tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh; Đồng Thiên quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành). Cuối thời Lê, đạo Lão suy tàn, quán chuyển thành chùa. Công trình được tu bổ, sửa chữa nhiều lần và định hình kiến trúc từ cuối thời Nguyễn trên địa phận thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Tại đây có hai dịp lễ lớn vào ngày 3/3 và 9/9 âm lịch hàng năm. Quán Huyền Thiên vốn là nơi thờ Huyền Thiên Thượng Đế, vị thần trấn phương Bắc được thờ ở đền Quán Thánh. Tục thờ này xuất hiện ở nước ta từ thời Bắc thuộc. Trong quán có một pho tượng của Ngài bằng gỗ trầm. Khi đạo Lão suy, đạo Phật thịnh, dân trong thôn đưa tượng Phật vào thờ chung, từ đó cũng quen gọi là chùa Quán Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên. Văn bia “Trùng sáng Huyền Thiên bi minh” niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 ghi rõ “…Đây thuộc về phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, Phụng Thiên … tên là Huyền Thiên cổ quán… Phía đông gối vào sông Nhị Hà trắng xoá, phía tây nhìn sang non Tản xanh lơ, phía nam có cầu (Hà Kiều) phía bắc có chùa Hồng Phúc, thật là thắng tích …. Quán có từ thời Lê năm Thiệu Bình thứ 7 (1439)”. Bia còn cho biết hồi đó (tức năm 1628) nơi đây đã có 13 gian thờ Phật, thờ Mẫu và thờ thần Huyền Thiên. Tấm bia dựng năm Cảnh Trị thứ 6 (1668) đời vua Lê Huyền Tông ghi: quán được tô tượng, trùng tu tam quan, gác chuông, hành lang, thiêu hương, thượng điện, tương Tự như kiểu các ngôi chùa lớn thời Trần-Lê. Lại được “đúc chuông mới và san khắc sách Thánh đạo giáo kinh khoa, cả thảy 4 quyển lưu tại bản quán”. Việc trùng tu với quy mô lớn lần này là do chính chúa Trịnh ban Lệnh chỉ, nên có các cung tần trong phủ chúa cùng quan lại trong triều đóng góp công đức. Năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) thời Tây Sơn chùa lại được trùng tu và đúc chuông. Thời Nguyễn chùa cất thêm 7 gian nhà hậu vào năm Tự Đức thứ 21 (1868). Đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp lấp hồ và mở rộng phố xá, chùa bị thu hẹp. Năm Bảo Đại thứ 5 (1930) phần lớn công trình của chùa được xây dựng lại và định hình như hiện nay. Những ngày kháng chiến đầu năm 1947, chùa bị tàn phá, tượng thần Huyền Thiên bị cháy. Năm 1948 dân sở tại cùng khách thập phương quyên góp khôi phục chùa theo bố cục cũ kiểu “nội Công, ngoại Quốc”. Từ ngoài vào bao gồm cổng nghi môn, gác chuông, qua sân đến hai nhà bia, hai giếng cổ và nhà bái đường 7 gian xây kiểu vọng lâu 2 tầng 8 mái, nơi thờ thần Huyền Thiên. Thiêu hương chạy dọc như thượng điện, nối với 2 gian nhà ngang phía sau. Áp vào hai đầu hồi là hai dãy hành lang, nay dùng làm nhà khách. Năm 2014 chùa lại được trùng tu sau nhiều năm bị lấn chiếm và xuống cấp. Hai bên sân trước nhà bái đường có 2 bia đá lớn được đặt trong nhà bia. Tấm bia cổ mang niên hiệu Cảnh Trị thứ 6 (1668) bị vỡ nứt bề mặt, nhiều chữ không còn. May bản rập đã được Học viện Viễn đông Bác cổ cho in trước năm 1945, hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia cho biết quy mô kiến trúc của ngôi chùa quán thời đó cùng nhiều thông tin khác. Ngoài ra còn có 40 tấm bia to nhỏ khác nhau khắc chữ Hán Nôm được ốp lên tường dọc theo hai bên tòa bái đường và chính điện. Có một bài minh cho quả chuông nặng 500kg, cao 1m60, đúc năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) treo ở gác chuông sau cổng. Cũng như các minh văn thời Tây Sơn khác, dòng niên đại Cảnh Thịnh ở đây bị đục bỏ vào thời Nguyễn. Lại có mấy chục văn bia quốc ngữ, chủ yếu khắc sau năm 1954. Trong chùa hiện cũng lưu giữ được các hệ thống tượng Phật giáo, tượng Thánh, tượng Mẫu, tượng đạo Lão cùng các đồ tế khí và trang trí đẹp đẽ. Điện Phật ở sau bái đường được thiết đặt trang nghiêm với nhiều pho tượng gỗ có giá trị nghệ thuật như tượng các vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền và tượng hai vị Hộ pháp cao 3m, v.v… Điện Mẫu ở trong hậu cung được bài trí đầy đủ theo đúng khuôn phép tín ngưỡng dân gian. Chùa Quán Huyền Thiên được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2008. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 544 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Bà Đá

Chùa Bà Đá nguyên là chốn tổ của Thiền Phái Lâm Tế, một trong hai Thiền Phái lớn của Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam. Chùa Bà Đá (Linh Quang tự) tọa lạc tại số 3 phố Nhà Thờ, Phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách khu vực Hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 100m. Nơi đây khi trước thuộc thôn Tiên Thị, phường Báo Thiên, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Chùa Bà Đá là một trong bốn ngôi chùa Bà cổ kính bậc nhất Thủ đô cùng với chùa Bà Đanh, chùa Bà Nành và chùa Bà Ngô. Chùa Bà Đá nguyên là chốn tổ của Thiền Phái Lâm Tế, một trong hai Thiền phái lớn của Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam. Chùa cũng gắn với nhiều chứng tích của hai cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Bà Đá là cơ sở đi lại của cán bộ Việt Minh. Sau ngày thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (5/1958), chùa Bà Đá là trụ sở Ban liên lạc Phật giáo Hà Nội. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (11/1981), chùa trở thành Trụ sở Thành hội Phật giáo Hà Nội. Từ năm 1992 tại chùa Bà Đá khai giảng lớp Trung cấp Phật học Hà Nội khóa đầu tiên (1989 – 1992). Cuối đời Lê Trịnh (1767 - 1782), khi người dân đào đất chung quanh vườn chùa để lấy đất đắp thành Thăng Long đã tìm thấy pho tượng đá. Người ta cho rằng đây là tượng của Phật bà nên rước vào thờ phụng trong chùa, từ đấy mới gọi là chùa Bà Đá. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, trong cuộc binh đao, ngọn lửa vô tình đã làm cho chùa Bà Đá hóa tro tàn. Chùa bị cháy chỉ còn một nền đất không, cỏ mọc rêu phong. Bấy giờ quan trên bắt dân làm cỏ vườn hoang ấy để sửa sang lại cảnh điêu tàn. Dân làng lại làm nên một ngôi chùa toàn bằng tranh tre để tỏ lòng kính Phật để có chỗ lễ bái. Năm Quý Sửu (1793), sư tổ Khoan Giai trụ trì chùa, dần dần dựng lên một ngôi chùa ba gian lợp ngói. Năm Tân Tỵ (1821), tổ Giác Vượng kế đăng, được thập phương công đức, bèn lập nên một ngôi chùa rộng lớn hơn, lại làm thêm mấy dãy hành lang và tăng phòng khách xá. Tiếp đấy là tổ Phổ Sĩ lên kế đăng… Từ đây trở đi, chùa Bà Đá hồi phục lại cái vẻ danh lam thắng tích như xưa. Chùa ngày nay có quy mô tương đối lớn với 5 gian tiền đường, 4 gian thượng điện và khu nhà thờ Tổ, thờ Mẫu nằm gọn trong một khuôn viên khép kín. Chùa không có tam quan như các chùa khác, lối vào là một ngõ hẹp sâu khoảng 9 mét. Mặt chùa hướng về phía Bắc. Kiến trúc độc đáo nhất của ngôi chùa này chính là mái hiên thấp được đỡ bằng bốn chiếc cột đá có kích thước khiêm nhường, tương xứng. Trên cột có các họa tiết chạm khắc rất tinh xảo và mềm mại, miêu tả cảnh bốn mùa và tứ quý. Trong chùa có nhiều tượng gỗ sơn son thiếp vàng, trên cao có tượng Tam thế, dưới là tượng Di Đà tam tôn. Sau đó là tượng Đức Phật Thích Ca niêm hoa, có tượng hai ngài Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền ở hai bên. Hàng dưới là Toà Cửu Long, các tượng đều có kích thước lớn hơn so với chùa khác, những pho tượng ở đây mang dáng vẻ riêng rất đẹp và cổ kính. Đặc biệt, nhà Bái đường không có Tượng Hộ Pháp như ở các chùa khác, nhưng có nhiều bia hậu gắn ở tường hai bên. Chùa cũng còn lưu giữ được một số hiện vật quý như hai quả chuông đồng đúc vào năm 1873 - 1881; khánh đồng đúc năm 1842. Chùa Bà Đá đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 498 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Cầu Đông

Chùa Cầu Đông (Đông Môn tự) tọa lạc tại số 38B phố Hàng Đường (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), xưa thuộc đất làng Đông Hoa Môn, thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. Tương truyền, chùa được khởi dựng vào thời Lý và đã trải qua nhiều lần trùng tu từ thế kỷ XVII - XIX. Sở dĩ chùa có tên Cầu Đông là bởi nhiều thế kỷ trước, gần khu vực này có một cây cầu bằng đá bắc qua sông Tô Lịch nối Hà Khẩu với các con phố và cửa phía đông của thành Thăng Long. Đồng thời, gần đó cũng có một khu chợ tên là chợ Cầu Đông. Vì thế, chùa được đặt tên là Cầu Đông. Chùa Cầu Đông xưa có khuôn viên rộng rãi. Trong tấm văn bia “Đông Môn tự” khắc năm Dương Hòa thứ 5 (1639) có đoạn miêu tả như sau: “Chùa Đông Môn đẹp như cảnh tiên, dải sông Nhị phô bày trước mắt...”. Đến thế kỷ XIX, khuôn viên chùa bị thu hẹp do thực dân Pháp lấp sông, mở đường; chùa được xây dựng lại theo phong cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn. Tam quan chùa khá đồ sộ, gồm 2 tầng 8 mái, bên trên là gác chuông. Tòa tam bảo được thiết kế theo hình chữ “Công”, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian ống muống nối với thượng điện thờ Phật rộng 3 gian. Phía sau là sân rồi đến nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà tăng. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có đình Đức Môn - nơi thờ vị tướng Ngô Văn Long thời Văn Lang, và một đài tưởng niệm liệt sĩ. Trong chùa Cầu Đông hiện còn nhiều di vật có giá trị: Quả chuông đồng - “Đông Môn tự chung” đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) thời Tây Sơn; 60 pho tượng tròn, trong đó có 3 pho tượng Tam thế được tạo tác vào thế kỷ XVIII, cùng nhiều mảng chạm trang trí có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, trong hậu cung có 2 pho tượng thờ là tượng Thái sư Trần Thủ Độ và phu nhân Trần Thị Dung - người được phong là Linh Từ Quốc mẫu. Họ là những người có công lớn với triều Trần, và bà Trần Thị Dung là người đã đứng ra tu sửa chùa Cầu Đông. Hai pho tượng được chạm khắc trong tư thế tọa sen, thể hiện thái độ quy Phật. Chùa Cầu Đông là nơi duy nhất tại Hà Nội thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Bên cạnh những giá trị về văn hóa - lịch sử, chùa Cầu Đông còn là một di tích cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là nơi che giấu cán bộ Việt Minh. Hiện nay, dưới ban thờ Mẫu của chùa vẫn còn dấu tích cửa hầm bí mật. Với những giá trị đó, năm 1989, chùa Cầu Đông và đình Đức Môn đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 447 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Vạn Phúc ( Đình Tổng )

Đình Vạn Phúc (còn gọi là đình Tổng, đình Vạn Bảo) tọa lạc trên khu đất cao trong ngõ 194 phố Đội Cấn, quận Ba Đình. Đình được xây dựng từ thế kỷ thứ XI, là nơi thờ tự Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần. Trại Vạn Bảo sau đổi là trại Vạn Phúc, có đình hàng tổng của khu Thập tam trại. Cụm di tích Vạn Phúc gồm đình Vạn Phúc, miếu Trắng và chùa Bát Tháp. Đình có nguồn gốc xa xưa từ thời xây dựng kinh đô Thăng Long (thời Lý). Khu vực này có ngôi đền thờ Linh Lang Đại Vương, theo truyền thuyết, người là Hoàng Chân, con thứ tư của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1073), là người có công chống giặc Tống xâm lược gìn giữ kinh thành Thăng Long. Đình Vạn Phúc cũng là nơi đóng quân của ngài. Ngoài ra đình còn là nơi thờ Mẫu Thiên Tiên Lý Huệ Tông. Linh Lang Đại Vương có tên là Hoàng Chân, con trai thứ tư của Vua Lý Thánh Tông. Năm 1075, đất nước có nạn ngoại xâm, Linh Lang xin nhà vua cùng Hoàng tử Chiêu Văn chỉ huy Hạm thuyền vượt qua biển Vĩnh An, tiến công, đập tan các đồn bốt giặc, phối hợp cùng các đạo quân của tướng Tôn Đản đánh chiếm cơ sở chiến lược, tập trung lương thảo của giặc Tống xâm lược. Quân ta đại thắng, nhà Vua mở Đại yến, muốn nhường ngôi cho Hoàng tử nhưng ngài từ chối. Đất nước thanh bình được một thời gian, đến cuối năm 1076 giặc Tống lại đưa quân sang xâm lược nước ta, một lần nữa Hoàng tử lại cùng Hoàng tử Chiêu Văn chỉ huy Hạm thuyền từ Vạn Xuân ngược dòng Kháo Túc, bất ngờ tập kích vào phòng tuyến phía Đông của giặc Tống bên bờ bắc sông Như Nguyệt, đánh đuổi giặc Tống khỏi biên cương của Tổ Quốc. Tại dòng sông này Hoàng tử đã anh dũng hy sinh (mùng 10 tháng 02 Đinh Tỵ – 1077). Xét công trạng của hoàng tử nhà Vua ban phong Mỹ tự, cho phép 269 làng trại trong cả nước xây đền miếu thờ cùng sắc phong Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần. Lễ hội chính của đình vào ngày 09/2 Âm lịch kỷ niệm ngày hóa của Đức Thánh, còn lại các ngày 12/9 Âm lịch ngày Đại yến khao quân, ngày 13/12 Âm lịch là ngày sinh của Đức Thánh. Tại đình còn lưu giữ chiếc trống lớn bậc nhất ở Hà Nội, mỗi mặt trống phải căng cả cỗ da của con trâu mộng và để mỗi khi đánh trống, toàn dân “Thập tam trại” đều nghe thấy. Đến năm 1986, đình Vạn Phúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia và là Di tích lịch sử – văn hóa vào năm 1992. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 514 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Ngọc Hà

Đình Ngọc Hà ở ngõ 158 Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình; đình được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê trung hưng, thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế. Ngọc Hà là tên của một trong Thập tam trại thời Lý; ngày nay bao gồm phần đất trước kia của ba ngôi làng cổ: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, nổi tiếng với nghề trồng hoa và làm thuốc nam. Chưa rõ ngôi đình Ngọc Hà được xây dựng chính xác vào năm nào nhưng dòng lạc khoản ở một câu đối tại nhà tiền tế cho biết ngày 16 - 10 - 1898, là ngày hoàn thành của đợt trùng tu dưới thời vua Đồng Khánh. Đình đã bị huỷ hoại trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, đến năm 1952 đã được dân làng xây dựng lại. Bên trong đình có ban thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế – vị thánh đã phò trợ vua nhà Lý đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Hội làng được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng, chung với làng Hữu Tiệp. Hai làng rước bài vị của thần đến núi Sưa để tế chung. Ngôi đình vốn nằm trên một cù lao giữa hồ nước, cổng nghi môn quay về phía nam, gồm 4 trụ biểu và 2 cổng phụ 2 tầng 8 mái giả. Sân trước đình có hai cây cổ thụ, ở giữa là bức bình phong với đôi voi đá chầu vào. Xa hơn có một ao vuông nhỏ rồi mới đến hồ nước. Hai bên tả hữu sân trong cổng nghi môn giáp với hai nhà giải vũ 3 gian đối diện nhau, chính giữa là bậc thềm dẫn lên toà tiền tế rộng 3 gian 2 chái. Cấu trúc tiền tế làm theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” và “thượng rường, hạ kẻ”. Tại đây có các hoành phi, câu đối, hương án v.v. thếp vàng rực rỡ. Tòa phương đình nằm sau tiền tế, mái làm kiểu chồng diêm 3 tầng, trên đỉnh đắp hình bầu rượu. Bốn góc phương đình có 4 cột đỡ được trang trí hình rồng cuốn, bên trong đặt cỗ kiệu bát cống chạm khắc hình rồng theo phong cách cuối Lê, đầu Nguyễn. Tòa hậu cung gồm 3 gian, gian giữa đặt ngai thờ, bài vị và đồ tế khí là những cổ vật quý báu tạo tác vào thế kỷ 19. Ngày 15-02-1992, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 416 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Giảng Võ

Đình Giảng Võ thờ bà Lý Thị Châu Nương. Theo ngọc phả lưu giữ ở Đình, Bà là người Võ trại (Giảng Võ). Năm 16 tuổi, Bà đã tinh thông võ nghệ, trí dũng song toàn. Chồng bà là tướng quân Trần Thái Bảo - Đốc bộ Châu Hoan (nay là tỉnh Nghệ An). Trong cuộc chiến đấu chống giặc Nguyên Mông lần thứ ba, bị địch bao vây, Ông đã dẫn quân xông ra phá vòng vây, Bà giả trai chỉ huy binh lính giữ thành, bảo vệ kho tàng trong hơn một tháng. Sau đó, quan Thái Bảo chiêu mộ thêm quân sĩ, tiến về thành giải vây. Bà xuất quân cùng đánh, quân Nguyên thua phải rút chạy. Vua Trần Nhân Tông hay tin khen ngợi tài trí của Châu Nương và phong Bà là Khố nương Công chúa Quản trưởng Quốc khố Đại Phu nhân. Sau chiến công đó, Ông được phong chức Tiền quân Dực thánh chỉ huy đạo quân bảo vệ nhà vua và kinh thành Thăng long. Bà được nắm toàn quyền thu phát binh lương của Quốc khố kiêm cai quản phủ Phụng Thiên. Trong một trận chiến đấu ác liệt, Bà đã anh dũng hy sinh năm 1287. Vua Trần phong cho Bà là " Anh linh Hiển ứng Khố nương Công chúa Chủ Khố Đại vương Phu nhân Thánh Mẫu" và lệnh cho làng Giảng Võ lập đền thờ Bà. Để tỏ lòng kính phục người con gái anh hùng, Bà đã được tôn thờ làm Thành hoàng làng Giảng Võ nên Đền thờ Bà được gọi là Đình thờ, nhân dân quen gọi là Đình thờ Bà Chúa Kho (ngoài Giảng Võ là nơi thờ chính theo lệnh nhà Vua, nhiều làng ở Châu Hoan cũng lập Đền thờ Bà). Đình thờ Bà nằm ở giữa làng Giảng Võ xưa (nay là ngõ 612, đường La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội), toạ lạc trên khu đất rộng gần 2.000 m2. Mặc dù bị chiến tranh và thời gian tàn phá, được trùng tu, xây dựng lại, Đình vẫn giữ được kiến trúc khá đẹp và cổ kính. Phía trước là miếu thờ Cô Đệ Nhật và Cô Đệ Nhị, hai người hầu của Bà. Chính giữa là nhà Phương Đình, phía trong là toà Đại Đình, nơi thờ Bài vị và Long ngai Bà. Di tích cổ nhất của Đình là 2 nhà Tả mạc và Hữu mạc nằm hai bên nhà Phương Đình. Đây là nhà có kiến trúc cổ độc đáo, kết cấu vì kèo quá giang, đầu hồi bịt đốc với các cây trụ đỡ mái. Đỉnh trụ là 2 con nghê quay mặt vào nhau. Ngoài ra, trong khuôn viên Đình còn có 4 con nghê đá, 2 tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng để kê cột đình. Trên nóc Đình có bức đại tự ghi 4 chữ " Lý Trần phương danh"(tiếng thơm 2 họ Lý Trần). Trong Đình có bức đại tự "Nữ trung anh kiệt" (anh hùng hào kiệt trong giới nữ) và đôi câu đối ca ngợi Bà: Tài chính túc sung quân, môn nội mệnh văn Thiên tử chiếu. Âm mưu năng thoái lỗ, quốc trung danh chấn nữ thần cơ. Dịch : Của cải đủ nuôi quân, khắp chốn nghe tin Vua xuống chiếu. Mưu hay lui giặc dữ, nước nhà nức tiếng gái tài cao. Trước sân đình là những cây đa cổ thụ soi bóng trên làn nước trong xanh làm tôn thêm vẻ uy nghiêm, cổ kính của Đình. Ngày 20/07/1994, Đình Giảng Võ được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Đình Giảng Võ thờ Bà Chúa kho là ngôi đình thiêng của đất Hà thành. Hàng năm, Đình tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày sinh (12/02 âm lịch) và ngày hoá (20/07 âm lịch) của Bà. Ngoài ra, vào ngày 23/12 âm lịch, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, UBND phường Giảng Võ và Nhà hát Tuồng Trung ương phối hợp tổ chức rước bài vị và bát hương của Bà để cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội được tổ chức trang trọng, đậm đà bản sắc dân tộc, không có tệ nạn mê tín dị đoan, thu hút rất đông nhân dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội .

Hà Nội 531 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình - Đền Liễu Giai

Khu Di tích lịch sử Đình - Đền Liễu Giai thuộc phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Đền thờ Thánh Mẫu và Ngọc Nương công chúa. Theo thần tích còn lưu ở đền, tại làng Phan Sơn, huyện Bằng Châu, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, có một gia đình họ Lý húy là Nghi, vợ họ Hoàng, có truyền thống văn hóa ba bốn đời đều có người làm quan. Lý Nghi làm quan bộ Lễ thời vua Trần Nhân Tông. Một hôm trời nóng, bà ra hồ Bạch Nhạn tắm. Bỗng dưng sóng gợn, hiện lên một con rắn trắng bơi đến rồi quấn chặt mình bà. Năm sau, đúng giờ Thìn ngày 21 tháng 3 Giáp Thìn, bà sinh ra một bé gái, đặt tên là Ngọc Nương, càng lớn càng xinh, đức độ hiền hòa thông minh hơn người. Năm 18 tuổi, Ngọc Nương đi thuyền ngắm trăng vào đêm 17 tháng 8 Âm lịch, đến địa phận trại Liễu Giai thì gặp cơn dông. Lúc đó xuất hiện một con rắn dài khoảng 10 trượng đến đón Ngọc Nương về Thủy Quốc. Bố mẹ vô cùng thương xót, xây đền thờ Ngọc Nương trên mảnh đất long chầu hổ phục cạnh hồ Bạch Nhạn, sau gọi là hồ Đống Nước. Đời Trần Anh Tông, quân giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Ngọc Nương đã âm phù giúp vua đánh thắng quân giặc một trận lớn. Vua bèn ban cho dân làng 100 quan tiền tu bổ sửa chữa đền thờ và sắc phong cho nữ sĩ: “Vạn cổ huyết thực, Dư quốc đông vô viết vi, Nữ bạch hổ trang, Thủy tinh tôn linh công chúa, Hộ nhị đệ nhất tử”. Sang các triều vua Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Minh Mịnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định đều có Sắc phong: Thủy Tinh công chúa Thượng đẳng phúc thẩm. Đền Liễu Giai quay hướng Tây Nam. Sau nhiều lần tu sửa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “Công”, có lầu Cô, lầu Cậu, ở giữa là đền thờ Thánh Mẫu, bên hữu có lầu Mẫu Cửu Trùng Thiên. Trong thời kỳ chống Pháp năm 1946, thực dân nghi có các chiến sĩ cách mạng ẩn náu nên đã nã súng cối tàn phá, gây sập cháy. Lễ hội kỷ niệm Ngày hóa Đức Thánh mẫu Ngọc Nương Công Chúa vào ngày 17 tháng 8 âm lịch, ngày 12 tháng Giêng là Lễ hội kỷ niệm ngày hóa của thành hoàng Hoàng Phúc Trung. Đền – Đình Liễu Giai đã được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận và xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc quốc gia ngày 27/12/1990. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội .

Hà Nội 443 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Núi Sưa

Đền Núi Sưa tọa lạc trên đỉnh Núi Sưa thuộc khu vực phía Tây kinh thành Thăng Long của vùng đất Thập Tam Trại, nay thuộc công viên Bách Thảo, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Đền thờ Huyền Thiên Hắc Đế - vị thần có công phò trợ Lý Thánh Tông đánh giặc Chiêm Thành, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Đền được xây dựng vào thế kỷ XIX. Theo thần tích làng Hữu Tiệp, trước thời Lý, ở khu núi Sưa huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên thuộc thành Thăng Long có một nhà hào trưởng nổi tiếng tên là Lý Phục, lấy vợ là Hoàng Thị Đức người bản khu. Vợ chồng gia sản giàu có, bản tính khoan hòa, tu nhân tích đức, hay cưu mang những người nghèo khó, bần hàn. Phàm những việc làm phúc cứu người không có việc gì không gắng sức làm. Chỉ có một điều vợ chồng đã ngoại tam tuần mà vẫn chưa có con, liền đến chùa Một Cột cúng cầu ngày đêm đèn hương không dứt. Một hôm, trong chùa tối om, bỗng thấy trên điện có tia hào quang chiếu sáng rực rỡ ở một góc, hình tựa bó đuốc. Vợ chồng mộng thấy một vị quan nhân râu tóc bạc trắng tay bế một đứa bé trai trao cho ông bà nói rằng đứa trẻ này là con thứ ba của Ngọc Hoàng, vì mắc tội đánh vỡ chén ngọc trên thiên đình nên phải giáng sinh xuống trần thế. Nay thấy nhà vợ chồng phúc dày, Hoàng Thiên đã soi xét cho đầu thai vào làm con của các ngươi. Nói đoạn vợ chồng ôm lấy đứa bé, thấy vị quan nhân bay lên trời đi mất. Lúc ông bà tỉnh dậy biết đó là giấc mộng tốt lành. Được ba hôm bà vợ biết mình có thai, từ đó ăn uống chay tịnh. Ngày 19 tháng Giêng năm Bính Dần, bà sinh một đứa bé mặt mũi khôi ngô giống y trong mộng, nước da ngăm đen tướng mạo phi thường. Cậu bé có nước da bánh mật, năm lên ba, gia đình làm lễ đặt tên là Hắc Công, cũng trong năm ấy không may bà mẹ qua đời. Hắc Công năm lên tám chẳng may trèo cây trượt ngã và hóa vào ngày 21 tháng 11. Dân làng thương xót những người chết trẻ bèn lập miếu thờ trên núi, dân lễ bái đông vì cầu sao ứng vậy. Khi Vua Lý Thánh Tông dẫn quân đi dẹp giặc Chiêm ở biên giới phương Nam, đêm nằm mộng thấy có cậu bé nước da đen xin đến phò Vua cứu nước. Khi vào trận Vua thấy có đám mây đen bao phủ bầu trời, che kín mắt quân thù. Trận đại thắng góp phần giữ yên nước Đại Việt. Vua cho là giấc mộng ứng với giấc mơ gặp thiên sứ, bèn ban cho trang Hán Xuân 100 quan tiền, xây lại miếu trên núi Sưa, phong cho vị thần là Huyền Thiên Hắc Đế là Thượng đẳng phúc thần, các nơi trong vùng hương khói thờ tự. Lễ hội Núi Sưa được tổ chức hàng năm vào ngày sinh của ngài - 19/1 âm lịch. Năm 2015, Đền Núi Sưa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 471 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Ngũ Xã

Chùa Ngũ Xã tên chữ là Thần Quang tự hay Phúc Long tự nằm ở phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội được dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ 18. Sau trận hỏa hoạn năm 1949, chùa được xây dựng lại, hoàn thành năm 1952. Chùa là nơi thờ Phật và ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Chùa Ngũ Xá gồm 2 toà nhà liền kề hình “chữ Nhị” thông với nhà tả vu giáp đài tưởng niệm liệt sĩ và lưng đình Ngũ Xã. Tiền đường ở tầng trên gồm 5 gian, gian giữa là chính điện thờ Tam bảo, hai gian hành lang dẫn vào toà thiêu hương và hậu cung có cặp tượng Hộ pháp đứng trấn, 2 gian ngoài thờ Thánh Tăng và thờ Đức Ông. Tầng trên của nhà này có 3 gian thờ, gian giữa thờ các Thánh Mẫu, gian bên trái thờ Quan Tam thánh, gian bên phải thờ sư Tổ. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, chính điện có pho tượng Phật A Di Đà khổng lồ, một công trình nổi tiếng về nhiều mặt. Điều đặc biệt là lượng đồng dùng để đúc tượng được lấy từ các pho tượng tôn vinh chế độ thuộc địa do chính phủ Bảo hộ dựng ở các vườn hoa trong thành phố Hà Nội. Đó là tượng toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay), tượng Nữ thần Tự Do ở vườn hoa Cửa Nam và tượng Canh nông ở vườn hoa Robin (vườn hoa Lê Nin ngày nay). Pho tượng phật A Di Đà hiện đặt tại chùa là bức tượng Phật làm bằng đồng lâu đời nhất Việt Nam hiện còn được lưu giữ và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận năm 2010. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một hương án phụ thờ Quán thế âm Bồ tát và 16 bia đá dựng từ năm 1919 đến năm 1947. Ngày 11-5-1993, chùa Ngũ Xã cùng đình Ngũ Xã đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia của Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 400 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Kim Mã ( Chùa Kim Sơn)

Chùa Kim Sơn còn gọi là chùa Tàu Mã, hay Kim Mã, được xây từ thời Tây Sơn, địa chỉ số 73 phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Vào thời Lý, vùng Kim Mã là pháp trường, nơi này trở thành nghĩa địa, người trong thôn Kim Mã lập ra một am nhỏ để thờ cúng. Cuối thời Lê – Trịnh, khi Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh năm 1789, hàng vạn thi hài binh lính Tây Sơn chết trong trận hạ thành Đông Đô cũng được an táng tại đây; am được trùng tu và mang tên đàn Vạn Linh. Đời vua Tự Đức nhà Nguyễn, năm 1881 nhân dân làng Kim Mã đã góp công sức sửa sang am và gọi là chùa Tàu Mã. Trong chính điện đã dựng các tượng Phật và chuyển đặt bài vị thờ Vạn Linh sang hai bên. Năm 1898 chùa mới đổi tên chữ là Kim Sơn Tự. Năm 1932 dân làng xây lại và mở rộng chùa, tách riêng rẽ ba tòa nhà Tam Bảo, đền thờ Mẫu và đàn tế Vạn Linh. Thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội, do cần quy hoạch lại thành phố nên năm 1952 các hài cốt trong nghĩa địa Kim Mã phải chuyển lên nghĩa trang Yên Kỳ (Sơn Tây). Năm 1972, chùa Linh Sơn ở phố Nguyễn Trường Tộ bị bom Mỹ tàn phá, toàn bộ 6 pho tượng Phật phải chuyển sang đặt ở đàn Vạn Linh và được thờ cho đến bây giờ. Năm 2011, nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ quân Tây Sơn được xây dựng cạnh đàn Vạn Linh mé bên trái sân chùa, lưng dựa vào bức tường dài dọc phố Kim Mã. Bia và chân bia do các nghệ nhân tỉnh Bình Định thực hiện trên một phiến đá đỏ liền khối lấy từ núi non của huyện Tây Sơn. Chùa được xây dựng theo phong cách “nội công ngoại quốc” và mang đậm nét nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Ngũ môn quan cách chùa Kim Sơn khoảng 50m được xây dựng vào năm 1953. Khu vực điện thờ chùa Kim Sơn bao gồm ba nhà ba gian xây cạnh nhau. Chính giữa là tòa Tam bảo thờ Phật, bên phải là Vạn Linh đàn, bên trái là đền thờ Mẫu. Bên trong Tam Bảo có nhiều hoành phi, câu đối và bia đá. Bức đại tự “Kim Sơn Cổ Sát” treo trước chính điện. Trong điện có 21 pho tượng Phật xếp làm 4 tầng, bên trên là 4 cửa võng chạm trổ rất cầu kỳ. Ngoài ra, tại Tam bảo có pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối đúc liền, được coi là một tuyệt tác nghệ thuật Phật giáo cao 77cm và nặng trên 30kg. Tượng được thể hiện ở tư thế đứng thẳng với tay ấn “vô ủy” trên một cái bệ hình hộp gần vuông, đúc liền khối với tượng. Mặt trước chân bệ có khắc chìm một dòng chữ kiểu Sanskrit. Chùa Kim Sơn có một bề dày lịch sử quan trọng trong lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, góp phần đáng kể vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long. Năm 1985, chùa Kim Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hàng năm, cứ vào mùng 5 tháng giêng âm lịch, tức ngày giỗ trận Đống Đa, chùa lập đàn chay cúng tế vong linh các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 618 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hòe Nhai ( Hồng Phúc Tự)

Chùa Hòe Nhai (hay còn gọi là chùa Hồng Phúc) tọa lạc tại số 19 Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa lớn nhất kinh đô Thăng Long xưa, tương truyền có từ đời nhà Lý. Theo văn bia năm Chính Hòa thứ 24 (năm 1703), vốn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, nhưng chùa Hồng Phúc đã bị chiến tranh tàn phá, mãi đến cuối thế kỷ XVII, có bà bảo mẫu của vua Lê Hy Tông quê ở phường này đứng ra xây dựng lại, rồi mời Hòa thượng Thủy Nguyệt - Vị tổ thứ nhất của phái Tào động đến trụ trì. Chùa được coi là chốn Tổ đình của Phật giáo miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung kể từ thế kỷ XVII. Chùa có diện tích khoảng 3.000m2, cửa nhìn ra hướng Tây, ngoài cùng là Tam quan kiểu hoa biểu bốn trụ, đây là điển hình của kiến trúc thời Nguyễn. Trong sân chùa có hai tháp cao 3 tầng tưởng niệm các nhà sư đã viên tịch và chếch về góc trái trước chùa có tháp Ấn Quang mới xây năm 1963 để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn nhằm tố cáo tội ác của chế độ Mỹ - Ngụy đàn áp Phật giáo. Ngôi chùa là nơi xuất thân của hai vị Quốc sư, năm vị Tăng thống và Pháp chủ. Chùa ghi dấu của đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại nhà Tổ của chùa đã diễn ra cuộc họp của các tăng ni Phật tử thủ đô để cử một đoàn đại biểu đến yết kiến chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi thành lập Hội Phật giáo cứu quốc và Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Pháp chủ Hội Phật giáo Việt Nam cũng từng trụ trì tại chùa này. Ngoài ra, chùa còn nổi tiếng với nhiều tượng cổ, trong đó có pho tượng "vua cõng phật" độc nhất vô nhị về cả kiến trúc và lịch sử tạo tác. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của bức tượng bắt nguồn từ thời vua Lê Hy Tông (1663 - 1716), vị vua thứ 10 của nhà Lê trung hưng. Năm 1678, vua thi hành chính sách chống Phật giáo rất hà khắc, khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh. Thiền sư Chân Dung Tông Diễn, Tổ thứ hai của thiền phái Tào Động Việt Nam, thấy vậy đã dâng lên vua một chiếc hộp nói là ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại. Tương truyền sau khi đọc xong, nhà vua chợt bừng tỉnh, lập tức cho mời nhà sư vào triều để cúi mình tạ lỗi, thu hồi lại sắc lệnh cấm Phật giáo. Có lẽ xuất phát từ câu chuyện trên mà người đời sau tạc nên bức tượng một vị quốc vương trong tư thế phủ phục, để Phật ngồi trên lưng, đặt ở chùa. Đây là pho tượng độc nhất vô nhị trong các tác phẩm điêu khắc của Phật giáo. Chùa Hoè Nhai được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 21/1/1989. Chùa là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, vào các dịp đầu xuân năm mới, chuyên trì kinh Dược Sư, cầu bình an tới chúng sinh, ngày lễ Phật Đản, ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân, tại chùa có tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo trang trọng, linh thiêng thu hút hàng nghìn lượt khách đến lễ Phật, thăm quan và chiêm ngưỡng. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Ba Đình , thành phố Hà Nội .

Hà Nội 548 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Châu Long

Chùa Châu Long tên gọi là Châu Long Tự, ở thế kỷ XIX chùa thuộc thôn Châu Long tổng An Thành - Huyện Vĩnh Thận - Phủ Hoài Đức. Nay Thuộc phố Châu Long, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội. (Địa chỉ mới số 112 phố Trấn Vũ - Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội). Chùa Châu Long là cơ sở kiến trúc Phật giáo toạ lạc trên vùng đất cổ, gắn bó mật thiết với lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Thăng Long. Chùa nằm trên gò đất cao trông ra hồ Trúc Bạch. Chùa có hình chữ Đinh, phía trước là tiền đường, sau là hậu cung. Trong chùa có tám cửa võng được chạm trổ tinh vi hình long, ly, quy, phượng, hoa, lá, vân mây... cũng như nhiều hoành phi, câu đối và tượng Phật. Chùa hiện có 5 gian tiền đường, 3 gian chuôi vồ, 8 bộ cửa võng chạm trổ thếp vàng, bộ tượng thờ gồm 23 pho tượng, bộ khám thờ, hoành phi, câu đối, chuông đồng đều có giá trị mỹ thuật cao. Đặc biệt hai tượng Văn Thù cưỡi sư tử xanh, tượng Phổ Hiền cưỡi voi trắng đều là những tượng đồng hiếm thấy. Ngoài ra chùa còn có tượng Thế Tôn cao hơn 3m, cốt phủ đất nện, tượng Di Lặc bằng đồng, 10 pho tượng Diêm Vương mang nét tạo tác đẹp. Bên trong chùa còn có 1 quả chuông đồng được chuyển từ chùa Vĩnh Phúc tới. Ngoài toà tam bảo thờ Phật, chùa còn có điện thờ Mẫu gồm 3 pho tượng Tam Phủ, 3 tượng Quan Hoàng, tượng Bà Chúa Thượng Ngàn, 1 tượng Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma và 1 tượng Phật bà Quan Âm. Ngoài ra, còn có nhà Tổ, nhà bếp, nhà tăng... Chùa được trùng tu sửa chữa nhiều lần. ở thời Nguyễn, chùa đã trùng tu lớn vào năm Mậu Thìn (1808) đời vua Gia Long; Năm Tân Sửu đời vua Thành Thái (1901) và năm Nhâm Thân đời vua Bảo Đại (1932) nhưng đến nay chùa vẫn giữ được nét cổ kính, lưu giữ được nhiều tượng cũng như đồ thờ và đồ trang trí có giá trị nghệ thuật cao như di vật kiến trúc điêu khắc đẹp gồm các trụ biểu, hệ thống cửa võng chạm thủng hình tứ linh “Long, Ly, Quy, Phượng “hoa điểu, văn mây hình học …riêng pho tượng Thích ca sơ sinh là một sáng tạo khá độc đáo. Tượng Đức Thế Tôn cũng là pho tượng cao hiếm thấy trong hệ thống tượng cùng loại ở các chùa nước ta .Chùa Châu Long như là một bảo tàng mỹ thuật cổ ở kinh thành Thăng Long phản ánh tài hoa của người nghệ nhân trong lịch sử. Chùa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Nghệ thuật Kiến trúc ngày 05/02/1994. Hiện nay Thượng tọa Thích Thanh Phúc - ủy viên hội đồng trị sự TW GHPGVN – phó ban Trị sự THPG Hà Nội đương kim Trụ trì . Nguồn Cổng thông tin điện tử phường Trúc Bách , quận Ba Đình , Hà Nội.

Hà Nội 439 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Vô Vi

Vô Vi là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 968. Tuy có lịch sử tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng chùa Vô Vi được ít người biết đến, xung quanh ngôi chùa thường vắng lặng, thanh tịnh. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km, chùa Vô Vi nằm trên ngọn núi đá cao khoảng 300 m, bao quanh là cây cối và hồ nước. Xung quanh ngôi chùa được bao bọc bởi hàng chục cây hoa đại, cao to, sần sùi, tỏa bóng che khuất cả ngôi chùa nhỏ. Vào mùa hoa đại nở, mùi hoa vương vấn như dẫn người bước vào chốn tiêu dao lạc thú, không gian tĩnh mịch tựa hư không. Tương truyền, Vô Vi là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 968. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi Trạo (980-1004) có tên là Phúc Trù tự. Đến thời nhà Trần, chùa được xây ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại tên như thời Đinh là Vô Vi tự. Chùa Vô Vi gắn liền với vị tướng Trần Văn Tăng, người xuất gia từ nhỏ. Sau khi chiến đấu dẹp thù trong giặc ngoài, ông lên núi Vô Vi dựng chùa ở ẩn. Là người thấm nhuần tư tưởng đạo Lão, ông đặt tên chùa là Vô Vi với tinh thần được biểu hiện trong bài thơ "Trùng phỏng Vô Vi tự" do chính ông sáng tác và khắc trên đá. Bước qua vòm cổng đề ba chữ Hán "Vô Vi tự", con đường nhỏ với những bậc thang xếp bằng đá tảng đưa du khách đến tiền đường, nhà mẫu, rồi chính điện. Chỉ khoảng vài trăm bậc nhưng lối lên Vô Vi tự không quá dễ dàng, càng lên cao càng hẹp và dốc hơn. Không giống những ngôi chùa quy mô hoành tráng thường thấy, Vô Vi tự rộng hơn 10m2, thiết kế không tuân theo quy luật thông thường hình chữ Đinh hay Nội công ngoại quốc, mà chỉ khiêm tốn với một gian duy nhất, mái lợp ngói mũi hài cùng các cột, xà nhỏ bằng gỗ và đá đơn giản. Trong chùa chỉ có ban Tam bảo với tượng Phật, thánh. Hai bên là hai vị Hộ pháp uy nghiêm. Phía bên hông của nhà thờ tổ là một lối đi nhỏ cheo leo, men theo núi. Không gian phía sau mở ra một căn lầu nhỏ được thiết kế mái cong, gạch ngói, nhiều cột trụ, giống như một nơi thiền tịnh của các vị sư. Ngay bên cạnh là núi Vô Vi với lầu Nghênh Phong ở trên đỉnh, nơi đây còn treo một quả chuông nhỏ được đúc từ năm 1814. Sát bên hông chùa là lối đi nhỏ chỉ vừa một người qua, dẫn tới lầu Nghênh Phong. Từ trên nhìn xuống, các lớp mái khéo léo xen kẽ nhau như sợi dây liên kết giữa chùa Vô Vi và lầu gác này bao thế kỷ qua. Điểm đặc biệt của lầu Nghênh Phong là trên chóp mái có hình tượng âm dương Lạc Việt bên trong vòng bát quái. Hình tượng này được vẽ trên hai nửa viên gạch hồng ghép lại để từ điểm trung tâm này, các xà, cột, kèo theo đó tỏa xuống theo quy luật kiến trúc nghiêm khắc. Hình tượng âm dương Lạc Việt là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người Việt, một họa tiết nhỏ nhưng đủ sức khẳng định về tính dân tộc, sự độc lập của văn hóa Việt, không thể trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa khác. Từ lầu Nghênh Phong, muốn lên tới đỉnh cao nhất của ngọn núi Vô Vi, du khách phải leo khoảng hai chục bậc đá dựng đứng, chui qua kẽ đá hẹp để lên tới đỉnh. Xung quanh núi Vô Vi là khung cảnh làng quê yên bình. Giữa thinh không, tiếng chuông chùa bỗng ngân lên khiến lòng người trùng lại và ngẫm về triết lý "vô vi" mà vị đạo sĩ đã đặt tên cho ngôi chùa. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Chương Mỹ , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 474 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Trầm

Chùa Trầm tọa lạc trên núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng năm 1515 của thế kỷ 16. Chùa Trầm cũng vinh dự được đón Bác Hồ 3 lần về thăm. Quần thể di tích chùa Trầm là nơi cách đây hơn 77 năm về trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với câu nói đã trở thành lời thiêng sông núi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hơn ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, di tích lịch sử hang Trầm vẫn được bảo vệ và gìn giữ nguyên vẹn. Nơi đây đã ba lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có hai lần Bác ra lời kêu gọi kháng chiến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Lời kêu toàn quốc kháng chiến năm 1946, để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, trong đó nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là liên tục giữ sóng quốc gia, nhằm chuyển tải đầy đủ và kịp thời các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước tại thời điểm đó đến với nhân dân, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chọn hang Trầm là nơi làm việc từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947. Tại hang Trầm, ngày 19/12/1946, qua làn sáng Đài Tiếng nói Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với câu nói bất hủ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói ấy đã ngân vang đến mọi miền tổ quốc và đi vào tâm thức của hơn 30 triệu người dân Việt Nam (lúc đó) như một lời hiệu triệu. Ngay sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, ngày 20/12/1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ những tiếng súng đầu tiên tấn công thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Cũng tại đây, vào thời khắc Giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài qua Đài Tiếng nói Việt Nam Tại cửa hang Trầm hiện vẫn còn cột phát sóng ghi dấu thời kỳ hoạt động của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là mốc lịch sử quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1966, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào thời điểm khó khăn ác liệt nhất, ngày 3/7/1966, một lần nữa hang Trầm lại được đón Bác về viết Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chuẩn bị cho Hội nghị chính trị đặc biệt của Trung ương Đảng với tuyên ngôn bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trong thời gian làm việc tại đây, trên vách đá của hang Trầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những câu đối bằng chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp của núi Trầm. Bác căn dặn cấp ủy, chính quyền địa phương làm những công trình phúc lợi để phục vụ đời sống của nhân dân cũng như phục vụ cho công cuộc kháng chiến lâu dài. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, năm 1962 quần thể di tích chùa Trầm, trong đó có hang Trầm đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa Trầm và hang Trầm ngày nay được đông đảo người dân trong cả nước lựa chọn là điểm du xuân đầu năm mới bởi ngoài yếu tố tâm linh thì nơi đây còn mang giá trị rất lớn của lịch sử trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Chương Mỹ , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 536 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Trăm Gian( Chùa Quảng Nghiêm)

Chùa Trăm Gian hay còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Quảng Nghiêm hay chùa Tiên Lữ, được xếp vào một trong “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”. Đây là một ngôi chùa cổ kính có từ thời nhà Lý, chùa tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 50m, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa Trăm Gian được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1185, dưới thời vua Lý Cao Tông, gắn liền với truyền thuyết về đức Thánh Bối. Do tác động của thời gian, ngôi chùa đã được trải qua nhiều lần trùng tu và mang dáng vẻ như ngày nay. Chùa có tất cả 104 gian, được chia thành 3 cụm kiến trúc chính, có lẽ vì thế mà chùa mang cho mình cái tên Trăm Gian. Ngôi chùa Trăm Gian gắn liền với truyền thuyết về đức Thánh Bối. Tương truyền rằng, vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có người phụ nữ mộng thai thấy Đức Phật rồi sinh ra một cậu con trai. Bố mẹ mất khi tuổi còn nhỏ, cậu con trai vào tu tại chùa Đại Bi trong làng. Trong quá trình học đạo tại chùa trên núi, cậu đã tinh tường nhiều phép linh thông. Sau khi được vua Trần sắc phong làm Hòa Thượng tại kinh đô, ngài xin vua về làng dựng lên ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, ngài ngồi vào một cái khảm gỗ siêu thoát. Sau 100 ngày, đệ tử mở khảm gỗ ra thì thấy mùi thơm ngào ngạt cả một vùng. Thấy vậy, dân làng và đệ tử đã cho xây tháp để thờ phụng đức Thánh Bối. Hiện nay, chùa Trăm Gian được coi là một trong bốn chùa nổi tiếng và linh thiêng nhất xứ Đoài, bên cạnh chùa Thầy, chùa Trầm và chùa Tây Phương. Theo tấm bia Quảng Nghiêm tự bi ký dựng năm Hoằng Định 4 (năm 1603), thì ngôi chùa này đẹp nhất phủ Quốc Oai. Những thập niên gần đây, ngôi chùa liên tục được tu bổ, tôn tạo nhưng về cơ bản vẫn theo lối cũ. Vì những giá trị nổi bật về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc nên năm 1962 chùa Trăm Gian đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Chương Mỹ , thành phố Hà Nội.

Hà Nội 507 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật