Di tích lịch sử

Việt nam

lăng Dinh Hương

Lăng Dinh Hương xây dựng từ năm 1727 ( thế kỷ thứ XVIII) trong lăng lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu. Ông sinh năm 1688 ở tại địa phương. Năm 1730 triều đại Lê Duy Phường ông được cử làm dịch quân thị hầu, thị đội, rồi làm thái giám. Dưới triều đại Lê Y Tông ông được cử hai lần đi sứ phương Bắc vào năm 1735 và 1739. Sang năm 1740 triều đại Lê Hiển Tông, ông cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương. Ông mất mùng 9 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1749), thọ 61 tuổi. Năm 1754 vua phong ông là Phúc thần trung cẩn đại vương. Đặc biệt lăng được chính Quận công xây dựng tại quê nhà khi còn sống. Lăng Dinh Hương tọa lạc trên một quả đồi hình tròn, rộng khoảng một ha, có tường đá ong (vừa được đầu tư tôn tạo) bao quanh. Bố cục mặt bằng kiến trúc khu lăng gồm ba phần chính: Phần mộ táng ở giữa, phần thờ tự ở bên trái, phần bia ở bên phải. Khu lăng mộ bằng đá khoảng 100 mét vuông xây đá ong hình vuông, phía trước khu mộ có hai quan hầu dắt ngựa đứng chầu đối diện nhau. Cặp tượng quan hầu dắt ngựa được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên phải có mặt to, hàm rộng. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên trái có râu dài, mặt nhỏ. Toàn bộ hình khối tượng được chạm khắc công phu làm toát lên vẻ đạo mạo, phi phàm. Đến với Lăng Dinh Hương du khách sẽ được chiêm ngưỡng khu thờ tự cũng được xây vuông như phần mộ táng, tường vây bằng đá ong, phía trước xây bậc tam cấp, trên đặt sập đá, ngai thờ, hai bên có tượng hầu bê tráp và đôi nghê nằm phủ phục. Bên dưới ngai thờ là nhang án, bàn đá, đôi nghê ngồi chầu đầu vào nhau qua đường thần đạo. Xa xa là đôi voi quỳ phủ phục chầu về. Phía bên phải khu mộ là nhà bia chỗ 4 cửa cuốn vòm, trong đặt bia đá ghi công trạng người được thờ. Dòng lạc khoản khắc ghi cho biết bia được tạo vào năm 1729. Nhìn tổng quan, chất liệu tạo dựng công trình kiến trúc nghệ thuật lăng Dinh Hương chủ yếu bằng đá xanh, được đục đẽo, tỉa tinh xảo với các hoạ tiết mây lửa, cụm xoắn ốc nổi cao, các dải hoa văn kỷ hà lồng móc vào nhau đăng đối. Độc đáo hơn cả ở công trình kiến trúc này là nghệ thuật chạm khắc tượng tròn theo lối tả thực với khuynh hướng tự nhiên hoá. Tượng người và thú vật tại lăng làm bằng đá xanh, được chạm khắc rất sống động. Tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và được tỉa công phu. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, được chạm khắc đá công phu với tài nghệ điêu luyện. Quần thể lăng mộ là công trình điêu khắc nghệ thuật đá tiêu biểu hạng nhất ở tỉnh Bắc Giang. Các cổ vật trong lăng được giữ gìn tương đối nguyên Du khách về thăm Lăng Dinh Hương sẽ bị cuốn hút bởi nghệ thuật điêu khắc đá của các nghệ nhân xưa. Điểm nổi bật, độc đáo của lăng Dinh Hương là các bức tượng đồ sộ, to hơn hẳn ở các lăng mộ khác, được chạm khắc tinh tế. Theo thống kê, ở Bắc Giang đã phát hiện và công nhận 46 công trình kiến trúc đá cổ, chủ yếu là lăng đá. Hệ thống lăng đá là minh chứng của một nền nghệ thuật điêu khắc lăng mộ phát triển đến đỉnh cao và giữ vị trí quan trọng trong nền kiến trúc, điêu khắc đá cổ trong các lăng tẩm Việt Nam. Đây thực sự là những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc cổ, với những nét tinh xảo được thể hiện trong từng đường nét trên các bức tượng. Những hiện vật, tượng đá cũng góp phần tăng thêm giá trị lịch sử, giá trị văn hoá nghệ thuật của các lăng đá cổ. Lăng đá Dinh Hương là nơi tôn vinh truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng người hay linh thú cùng đồ thờ, cũng như trang trí kiến trúc phong phú, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử văn hoá và nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, lăng Dinh Hương đã và đang hấp dẫn du khách tới tham quan. NGUỒN DU LỊCH BẮC GIANG

Bắc Giang 95 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Đình Phù Lão

Đình Phù Lão ở làng Phù Lão, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Mặc dù qua bao năm tháng chiến tranh giặc giã, nắng mưa tàn phá, sự xuống cấp bởi thời gian qua nhiều lần tu bổ, đình Phù Lão vẫn giữ nguyên được cho mình những nét cơ bản của ngôi đình cổ Việt Nam, nhất là về mảng kiến trúc nghệ thuật. Đình Phù Lão được khởi dựng vào năm 1688, thời Vua Lê Chính Hòa thứ 15. Đình Phù Lão được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 1.500m2 ở ngay đầu làng, nhìn về phía Đông Nam thờ Đức Cao Sơn - Quý Minh là các danh tướng thời Hùng Vương có công dẹp giặc giữ nước, đây là các danh tướng được nhiều nơi ở khu vực phía Đông Bắc Bắc Bộ lập đền thờ tôn vinh người có công với làng với nước. Các ngài được nhiều triều đại sắc phong thượng đẳng thần, được xếp vào bậc Phúc thần trừ gian, diệt ác bảo vệ cho dân lành. Đồng thời đình còn thờ Đào tướng công và Quý Thị phu nhân là người địa phương đỗ đạt làm quan, bỏ tiền cung tiến xây đình công đức cho làng. Đình Phù Lão tọa lạc trên một dải đất cao, thoáng, đẹp ở phía đầu làng, lưng đình xây ra phía ngoài, mặt đình quay về phía xóm làng, ẩn mình dưới bóng đa xanh mát, soi mình xuống bến nước trong veo. Trước cửa đình có một ao rộng hình nửa bầu dục, sân đình rộng, bằng phẳng. Nhà tiền tế mới được xây dựng gồm ba gian nhỏ, phía sân sau tiền tế có một tấm bia bốn mặt, dựng năm Chính Hòa thứ 15 (1694), do tiến sĩ họ Hoàng soạn, nói về công lao đóng góp xây đình của bà Đào Thị Hiền. Đình có bốn tàu mái cao, rộng, mái được lợp bằng ngói mũi bài. Tòa đại đình gồm bảy gian, dài 23m, rộng 12m, với 8 vì kèo 6 hàng cột, 48 cột. Các vì kèo kết cấu theo lối chồng rường giá chiêng, kết hợp kẻ moi ở bốn góc. Bốn cột giữa có bốn bức cốn chạy dài gần cả gian tạo nên bốn mảng trang trí lớn. Bốn mặt đình còn dấu vết lát ván và có cửa bức bàn bao quanh; các gian đều có sàn. Trừ cột, rui và hoành, các cấu kiện kiến trúc gỗ khác như đầu dư, cốn, ván nong, kẻ, đấu trụ... đều được chạm trổ nhiều hình phản ánh các mặt sinh hoạt làng xã. Với những giá trị kiến trúc - nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo riêng có ấy, từ năm 1982 đình Phù Lão được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, sau 2 lần được trùng tu chống xuống cấp, mới đây nhất là năm 2011, đến nay nhà nước, các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức xã hội, đặc biệt là tín đồ phật tử khắp nơi đã công đức xây dựng di tích ngày thêm tố hảo, nhằm lưu giữ các giá trị văn hoá đặc sắc của cha ông cho con cháu muôn đời sau. NGUỒN Tạp chí điện tử Thế giới Di sản

Bắc Giang 104 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Nghè trận – dấu ấn thời Lê

Di tích Nghè trận tọa lạc trên một gò đồi, cách trung tâm thị trấn Kép ( huyện Lạng Giang) khoảng 1,2 km về phía Đông Nam. Cách trung tâm TP. Bắc Giang khoảng 20 km về phía Đông Bắc. Với tổng diện tích là 1.143,2 m2, Nghè Trận là công trình di tích lịch sử văn hóa của nhân dân và địa phương Làng Kép, xã Cần Dinh, tổng Cần Dinh, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Nay thuộc thôn Kép 11, Kép 12, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang. Hiện nay Nghè Trận có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh với 03 gian tiền tế nối liền 02 gian hậu cung. Cụ Nguyễn Quang Thổ, 84 tuổi, ở thôn Kép 11, xã Hương Sơn - Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Nghè Trận cho biết, theo tương truyền xưa, Nghè Trận thờ tướng hai bà Trưng. Khi trận đánh Cần Trạm diễn ra ác liệt, rất nhiều nghĩa quân, tướng sĩ đã tử trận tại khu vực này, nhân dân lập ban thờ các vong linh các nghĩa quân, tướng sĩ từ đó có tên gọi “ Nghè Trận”. Hiện nay, các di vật, hiện vật còn lại được bảo tồn trong di tích như: kiệu thánh thời Lê ( thế kỷ 18); bát hương gốm Phù Lãng ( thế kỷ 19); 02 pho tượng cổ thời Nguyễn ( thế kỷ 20). Các vật dụng ngai thờ, tượng thờ, bát hương, chuông đồng, lọ hoa và các đồ thờ tự khác chứng minh cho thấy Nghè trận được xây dựng hình thành từ thế kỷ 18. Nằm trong quần thể di tích thành Cần Trạm ( thị trấn Kép, huyện Lạng Giang) gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhân dân ta ở đầu thế kỷ 15. Nghè Trận là công trình lịch sử văn hóa, tín ngưỡng cổ, lâu đời ( thế kỷ 18) có ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng đối với nhân dân và địa phương trong vùng. Trong kháng chiến chống thực dân pháp giai đoạn năm 1946-1947, giặc Pháp bắn phá khu vực làng Kép, Nghè Trận cũng bị tàn phá hư hỏng, nhân dân địa phương nhiều lần góp của, góp công tu sửa và tôn tạo. Công trình trải qua thời gian sử dụng nhiều thế kỷ bị xuống cấp, nhân dân và Chính quyền địa phương các cấp nhiều lần đóng góp công sức, tiền của đầu tư tôn tạo và sửa chữa. Các mốc thời điểm chính vào năm 1991, 2006, đầu tư sửa một số hạng mục và dựng lại 02 gian Tòa hậu cung, năm 2019, xây dựng mới 03 gian Tòa tiền tế to đẹp, khang trang. Năm 2009, Nghè Trận được UBND tỉnh Bắc Giang Quyết định xếp hạng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ( Quyết định số 1587/QĐ-UBND ngày 17/9/2009). Góp phần nâng cao ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của nhân dân trong vùng và phục vụ du khách tới nghiên cứu, tham quan du lịch ngày một phát triển. NGUỒN Trung tâm thông tin & xúc tiến du lịch Bắc Giang

Bắc Giang 104 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Quát

Đền Quát là nơi thờ danh tướng Yết Kiêu, Đệ nhất đô soái thủy quân đức Thánh Trần triều. Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), người thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu. Ông là một danh tướng nhà Trần, tài đức song toàn. Ông là tùy tướng, một trong hai tướng cầm cờ tiết chế của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có biệt tài bơi lặn, nhiều lần đục thủng thuyền giặc Nguyên Mông làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử, người có công lớn giúp nhà Trần 3 lần đại phá quân Nguyên ở thế kỷ XIII. Ông được vua Trần phong tặng “Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu”. Sau khi ông mất, Vua Trần đã ban sắc phong cho dân làng Hạ Bì lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng làng. Yết Kiêu còn được lập miếu, đền thờ ở nhiều nơi, nhưng lớn nhất vẫn là đền Quát. Khu đền Quát đã tồn tại hơn 700 năm, đến thế kỷ XVII-XVIII, đền được tôn tạo khang trang và được tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn với khuôn viên rộng 2.700 m2. Khu di tích đền Quát được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia vào ngày 28/1/1989. Năm 2017, tỉnh Hải Dương hoàn thành việc tôn tạo, tu sửa ngôi đền này. Ngôi đền đã được tu bổ theo 3 giai đoạn với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng từ sự đóng góp của du khách và nhân dân địa phương. Lễ hội Đền Quát diễn ra vào mùa Xuân (từ ngày 10 đến ngày 20 tháng Giêng), mùa Thu (từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8 âm lịch). Vào dịp này, nhân dân địa phương và khách thập phương trở về vùng sông nước Hạ Bì làm lễ tạ Thành Hoàng Yết Kiêu. Ngày 1 tháng 10, huyện Gia Lộc, Hải Dương đã tổ chức đón nhận Bằng ghi danh Lễ hội đền Quát là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tổ chức khai hội truyền thống mùa Thu đền Quát. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 115 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Ngọc Lộ - Linh My Tự

Ngôi chùa có tên chữ là Linh My tự, thuộc thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. Chùa khởi dựng năm nào chưa rõ, quy mô lớn với đầy đủ các hạng mục: Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, tam quan. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa bị tàn phá, rồi được trùng tu nhiều lần vào các năm 1781, 1797, 1817, 1826, 1908, 1912. Ngôi chùa hiện nay có bố cục kiểu chữ 工 Công gồm 13 gian, mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Chùa hiện lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có 11 tấm bia, 25 pho tượng. Hằng năm, chùa mở trọng hội vào ngày 17 tháng 7 âm lịch . Chùa được xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định Quyết Định 04/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thể Thao - ngày 19/1/2001. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 91 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Từ Hạ

Đền Từ Hạ nằm ở thôn Phúc Giới (xã Thanh Bính cũ) nay là xã Thanh Quang. Đền thờ ba vị Thành hoàng làng: Đặng Chân, Trịnh Thị Khang và Đặng Trí, có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X. Không chỉ mang những giá trị văn hóa tâm linh, đền còn là nơi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ chọn làm căn cứ sinh hoạt, hội họp, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống thực dân Pháp trong giai đoạn 1946 - 1954. Tại đây, vào tháng 11 năm 1951, lãnh đạo Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Hải Dương đã họp bàn kế hoạch với bộ đội chủ lực, quyết định đánh bốt Xuân Nẻo và Ô Mễ (Tứ Kỳ), mở ra cục diện mới đối với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hải Dương. Hiện nay, đền Từ Hạ còn lưu giữ khá nhiều cổ vật và đồ thờ tự thời Lê và thời Nguyễn, tiêu biểu như 8 đạo sắc phong thời Nguyễn vào các năm 1887, 1889, 1909, 1911 và năm 1924; ba pho tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu và Thánh Tử sơn son thếp vàng, 2 bức cuốn thư trang trí hoa lá cách điệu, 1 nghê đá thời Lê, 2 tấm bia thời Nguyễn… Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, đền Từ Hạ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 113 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu ATK2 Hoàng Vân

Khu ATK Hoàng Vân thuộc huyện Hiệp hòa tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 35km về phía Tây. Đây là một trong những cơ sở cách mạng trung kiên, nơi hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng trước cách mạng tháng 8 năm 1945, là nơi diễn ra hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Trung ương Đảng vào tháng 4/1945 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang cách mạng giành chính quyền tháng 8/1945. Tại đây bạn sẽ được giới thiệu tổng quan về cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa của Đảng, thăm một số di tích lịch sử cách mạng của ATK: nơi mở lớp huấn luyện chính trị cách mạng của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa, nơi diễn ra Hội nghị quân sự cách mạng của Trung ương Đảng, thăm Đình Vân Xuyên ở “xóm Đỏ”, nơi gắn với nhiều sự kiện cách mạng ở địa phương, thăm đền và núi Y Sơn thuộc xã Hoà Sơn, tham quan và nghe giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, các di vật quý của đền, thắp hương cầu may, cầu lộc, cầu tài tại Đền. NGUỒN: SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 103 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Văn chỉ làng Thổ Hà

Văn chỉ làng Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ XVII (theo tấm bia còn lưu giữ thì được xây dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5, năm 1680) thờ Khổng Tử, Tứ Phối, 72 vị tiên hiền…, nơi đây được coi là cái nôi của nền học thức Thổ Hà. Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, nhất là vào mùa thi cử, các sĩ tử đều đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính. Đặc biệt, làng Thổ Hà không có ruộng, chỉ có đất thổ cư với diện tích 20ha, dân số gần 3.800 người. Với điều kiện tự nhiên, xã hội như thế nên ngay từ thuở lập làng người dân ở đây đã chọn cho mình một nghề thích hợp để khai thác được nhiều lợi thế. Nghề được chọn chính là nghề gốm. Chính nghề gốm đã làm nên một Thổ Hà sầm uất và danh tiếng. Làng là trung tâm gốm quan trọng nhất của đồng bằng Bắc Bộ trong suốt mấy trăm năm, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Gốm Thổ Hà xưa không dùng men, cái thứ đất dẻo kỳ diệu ấy được nung cho đến tự chảy men ra, bám trên bề mặt đồ gốm một màu nâu óng, mượt như nhung, mát lịm. Làng chỉ làm đồ gốm gia dụng, những chum vại, tiểu sành, chĩnh chõ nổi tiếng một thời. Bề mặt đồ gốm tím sẫm, đanh lại, gõ kêu như đánh vào thép nguội. Những mảnh gốm xưa còn sót lại trên các bức tường vẫn nguyên hình vẹn trạng, chính thế mà hồn gốm như còn đọng mãi. Cùng với nghề gốm, nghề tráng bánh đa nem, tráng mỳ, bánh đa và cả nấu rượu, làm bánh kẹo, dịch vụ cũng đã phát triển ở Thổ Hà nên làng thường được gọi là "làng đa nghề". Các nghề này đã tạo nên một diện mạo mới cho làng, qua đó mới thấy sức lao động cần cù, sáng tạo không bờ bến của nhân dân nơi đây. Là một làng nghề truyền thống trù phú trong suốt mấy trăm năm nên nơi đây cũng có sự giao thoa nhiều nét văn hoá đặc sắc của các vùng miền trong cả nước. Trong đó, đặc sắc nhất là các lễ hội với nhiều hoạt động văn hoá truyền thống như: hát tuồng cổ, hát quan họ, chơi cờ tướng, chọi gà, bóng bàn… Vẻ đẹp cổ kính với những khu kiến trúc cổ, làng cổ, văn hoá đặc sắc cùng với những nghề truyền thống in đậm hồn quê Thổ Hà đã và đang là một địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 101 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Đình Lỗ Hạnh

Đình Lỗ Hạnh Đình Lỗ Hạnh là ngôi đình chung của 5 làng: Chằm, Chúng, Khoát, Chùa và Hạnh, nên còn có tên gọi là đình Cả. Đình được xây dựng vào năm Sùng Khang thứ 11 (1576), thờ Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Tiên Chúa - 2 vị thần có công với nước, với dân thời vua Hùng. Đình Lỗ Hạnh mang giá trị văn hóa đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo và độc đáo các đề tài rồng, phượng, hươu, hoa lá, cảnh sinh hoạt của con người. Hiện đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: hai bức tranh sơn mài “Bát tiên” ở gian giữa trước cửa hậu cung, đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17, tượng Phương Dung Tiên Chúa cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương..., đặc biệt là bức chạm tiên gảy đàn đáy - một minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở Việt Nam. Ban đầu, đình Lỗ Hạnh chỉ có một tòa đại đình hình chữ “nhất”. Qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1694, 1850 và 1910, đình được xây thêm hậu cung và hai dãy tả vu, hữu vu. Nền tòa đại đình dài 23,5m, rộng 12,3m, chiều cao từ xà nóc xuống là 6,6m, từ diềm mái xuống là 2,1m; bao gồm 5 gian, 2 chái với 8 vì kèo, 4 hàng cột chính và 2 hàng cột hiên đỡ dưới các bẩy. Các vì kèo có kết cấu không giống nhau, các vì gian giữa đều theo lối “chồng rường giá chiêng”, các vì gian bên làm theo lối “kẻ truyền giá chiêng”. Ngày 24/12/1982, đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử. NGUỒN: KHÁM PHÁ DU LỊCH VIỆT NAM TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 103 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Đình Lôi Động

Di tích lịch sử văn hóa Đình Lôi Động xã Tân An huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được Bộ Văn hóa Thể thao nay là Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch công nhận cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa năm 1994. là nơi thờ 3 vị danh nhân Danh tướng Yết Kiêu, Người anh hùng nông dân kiệt xuất Nguyễn Hữu Cầu thế kỷ thứ 18 và tiến sỹ Nguyễn Như Ngu. Hàng năm vào ngày 12, ngày 13 tháng 3 âm lịch. Uỷ ban nhân dân xã Tân An, Ban quản lý di tích, cán bộ và nhân dân trong xã tổ chức Lễ dâng hương để tưởng nhớ công lao của 3 vị danh nhân đã có công với nước với dân và khơi dậy giá trị văn hoá truyền thống của quê hương Tân An. Cổng thông tin điện tử xã Tân An, huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 119 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

THÀNH NHÀ MẠC

Thành nhà Mạc đắp bằng đất từ cuối thế kỷ XVI chạy từ Nam lên Bắc từ núi Bảo Đài qua núi Ải (Đông Phú) ven theo mạn bắc núi chạy vào khu Trại Mít (Tiên Nha) rồi ăn vào sông Lục Nam, qua bờ bên Đông, chạy vào đất làng Vườn, làng Hố Nước, vào khu vực đền Hàn Lâm (Nghĩa Phương), rồi dừng lại ở chân núi Mang thuộc dãy Huyền Đinh - Yên Tử. Thành nhà Mạc chạy cắt ngang thung lũng sông Lục Nam chừng 18km, là một di tích về tài năng quân sự thời cổ. Thời Lê Trung Hưng để lại ở Bắc Giang nhiều công trình kiến trúc cổ là đình, chùa, tiêu biểu như đình Thổ Hà, đình Hương Câu, đình Đông Lâm, đình Sàn, đình Thân, đình Đan Hội, đình Hà Mỹ, đình Bảo Sơn, đình Gai, đình Trung Đồng…, chùa Tè, Trung An, làng Non, Khám Lạng, chùa Trắng (Đông Phú) làng Vườn (Cương Sơn), làng Húi (Đan Hội)…, hệ thống lăng đá cổ Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên. Thời Tây Sơn ở Lục Nam còn ngôi đình Rìa (Đông Phú) có niên đại tạo dựng: Hoàng Triều Bảo Hưng nhị niên tạo (tức niên hiệu Bảo Hưng năm thứ 2 -1802). Thời cận đại ghi dấu đậm nét tại các di tích trong hệ thống di tích liên quan tới cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Bắc Giang có Trung tâm huấn luyện quân Mai Sưu, địa điểm bắn rơi máy bay Mỹ xã Dương Hưu, xã Nghĩa Phương. NGUỒN: SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 112 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Đình Rừng Cấm

Đình Rừng Cấm thuộc thôn Phe xã Vân Sơn là nơi thờ phụng anh hùng thời nhà Tống thế kỷ XI – tức Phò mã Thân Cảnh Phúc lấy công chúa Thiên Thành con Vua Lý Thánh Tông và là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày vùng Vân Sơn. Đình rừng cấm nằm tọa lạc trên khu đất có địa thế đẹp, nằm giữa cánh đồng, có cây cổ thụ tỏa bóng mát, phía trước Đình là suối Chặng Nàm dẫn nước chảy uốn lượn bao quanh; Đình rừng cấm hiện nay có Tòa tiền đình 3 gian, hậu cung 1 gian nhìn về hướng Đông, trong đình còn bảo lưu được 4 chân tảng bằng đá và 1 hòn đá âm dương có giá trị rất lớn trong nghiên cứu khoa học và tìm hiểu lịch sử di tích của địa phương. Hàng năm, nhân dân mở hội vào ngày 11/3 âm lịch với nghi thức tế, dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Thành Hoàng Làng đã có công với dân với nước. Với các giá trị lịch sử, văn hóa, ngày 7/12/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định số 2499/QĐ - UBND xếp hạng Đình Rừng Cấm là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2021. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và Phòng VHTT huyện đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Khu di tích Đình Rừng Cấm cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vân Sơn. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN SƠN ĐỘNG

Bắc Giang 90 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích Đình, Chùa lãn Tranh

Đình, chùa Lãn Tranh trước kia thuộc xã Lãn Tranh, tổng Tuy Lộc Sơn, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Nay đình, chùa Lãn Tranh thuộc 3 thôn (Lãn Tranh 1, Lãn Tranh 2, Lãn Tranh 3), xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Lãn Tranh đồng thời là xã Lãn Tranh thuộc tổng Tuy Lộc Sơn, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang gồm 3 làng: làng Giữa, làng Dưới, làng Trên. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cấp tổng bị loại bỏ. Năm 1957 thành lập huyện Tân Yên, địa danh này thuộc xã Hòa Bình. Năm 1973 đổi tên là xã Liên Chung. Căn cứ hiện trạng di tích, các nguồn tài liệu hiện vật, đồ thờ tự có trong di tích cho thấy đình Lãn Tranh được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVIII). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1946 nhân dân đã công đức một số đồ thờ tự bằng đồng và bằng gỗ cho cách mạng nên ngôi đình không còn được nguyên vẹn như xưa. Đến nay nhân dân làng Lãn Tranh đã trùng tu lại ngôi đình bằng số nguyên vật liệu và hiện vật cũ. Đình, chùa được bố trí theo kiểu “Tiền thần hậu Phật” (đình trước chùa sau). Khu di tích mang vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc đời Lê Trung Hưng có giá trị lịch sử, văn hóa. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình, chùa Lãn Tranh còn là nơi phát triển lực lượng tự vệ, bảo vệ cán bộ cách mạng, cất giữ lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình, chùa là nơi trại giam Kế về sơ tán. Căn cứ vào thực trạng di tích, vào các nguồn tư liệu và hiện vật như hoành phi, câu đối, văn cúng, văn tế, đồ thờ tự… có trong di tích và sự thờ phụng thành kính của nhân dân làng Lãn Tranh cho biết, đình Lãn Tranh thờ thần Cao Sơn, Quý Minh. Đình tọa lạc trên một gò đất hình con rùa ở rìa làng, trong một không gian yên tĩnh, nhìn ra hướng nam ghé đông. Phía trước đình là cánh đồng rộng bên trái là dòng sông Thương uốn lượn. Xung quanh 3 mặt là khu dân cư sinh sống đông đúc, tạo cho cảnh quan vừa yên tĩnh nhưng lại ấm áp tình làng xóm, thôn quê. Đi qua đường làng ta rẽ vào bãi đất rộng và vào sân đình. Sân đình hình vuông rộng rãi. Phía bên phải đình là sân bóng rộng, trước đây chính là ao cửa đình. Đình Lãn Tranh có bố cục mặt bằng theo hình chữ Nhị, gồm: tòa tiền tế và tòa hậu cung. Đi qua sân đình vào tòa tiền tế. Tòa này có bờ nóc đắp thẳng, bên trên có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu hồi được xây theo kiểu tay ngai tam sơn giật cấp. Phía trước cạnh hồi của tòa tiền tế là hai cột đồng trụ có ghi hai câu đối. Tòa tiền tế có 5 gian 2 dĩ, cửa pa nô. Kích thước của mỗi gian rộng 2,5m, hai đầu dĩ rộng 0,5m. Chiều cao từ mặt nền đến nóc đình là 4,25m. Tòa này có 5 gian 6 vì và 5 hàng chân cột. Cột cái cao 3,55m, cột quân cao 2,7m, cột hiên cao 2,15m. Kết cấu kiến trúc của tòa tiền tế theo lối kẻ truyền, giá chiêng. Tòa hậu cung có gian 2 vì, giữa còn hai vì hồi gác tường xây bít đốc và 3 hàng chân cột bằng 6 cây cột. Mỗi gian có chiều rộng là 2,4m, chiều cao từ mặt đất nền đến nóc hậu cung là 3,50m. Khoảng cách giữa hai cột cái là 1,5m. Nghệ thuật điêu khắc đình Lãn Tranh được thể hiện tập trung ở các cấu kiện kiến trúc. Đó là hệ thống chân cột, kết cấu kiến trúc, tường, đấu kê, đầu dư, kẻ bẩy… Trên các đầu dư ở mỗi cột đều được khắc biểu tượng vân xoắn uốn lượn đẹp mắt, thể hiện ước muốn của người dân Việt Nam muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, để đời sống được ấm no. Đặc biệt trong đình có những hệ thống chân cột to khỏe, vững chắc, các đấu kê, con đường đều được ăn khớp vào nhau vừa tạo ra dáng vẻ chắc khỏe, thanh thoát, đĩnh đạc. Điều đó khẳng định được tài năng sáng tạo của các nghệ nhân xưa, để có một công trình kiến trúc to đẹp, hoành tráng cho chúng ta ngày hôm nay. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CẢNH THỤY - HUYỆN YÊN DŨNG - TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 99 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Đền Ngọc Hoa

Đền Ngọc Hoa nằm giữa Trung tâm thôn Văn Tảo, xã Thanh An, đền ngự trên một thế đất đẹp, cổng quay hướng nam, lưng tựa vào thế chảy của dòng sông Rạng. Năm Khải Định thứ 9 có ghi: Sắc chỉ cho xã Văn Tảo phụng sự, phong cho Ngọc Hoa là bậc tôn thần chính trực, dịu dàng, giúp nước che chở cho dân, cho phép dân bản phụng sự thần. Đến tháng 2 năm 1994 đền được Bộ văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia. Để tưởng nhớ người con gái tuyệt sắc giai nhân Ngọc Hoa có tình yêu chung thủy với chồng là Phạm Tải. Hằng năm vào các ngày từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 2 âm lịch, địa phương đều tổ chức Lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm những giá trị văn hóa tâm linh độc đáo. Đền Ngọc Hoa ngự tại thôn Văn Tảo đã mấy trăm năm. Lúc đầu chỉ là ngôi miếu thờ, sau nhân dân thập phương góp công của cải tạo nâng cấp dần. Được sự giúp đỡ của ngành văn hóa - thông tin và công sức của nhân dân xã Thanh An và cả những người con quê hương xa xứ, đến nay, ngôi đền đã trở thành một khu di tích có tầm cỡ đẹp bậc nhất ở khu vực. Đền có diện tích 3.640m2. Phía ngoài là một công viên rộng gần 1.000m2 với nhiều cây đại thụ làm nên một quang cảnh bề thế thoáng đẹp. Khu hồ của đền có diện tích 3.490m2 tạo nên một không gian tĩnh lặng êm đềm. Đền có quần thể nhiều ngôi nhà kiến trúc đẹp, có sân thượng, có tả vu, hữu vu và hậu cung. Ngoài một số bia khắc chữ Hán dựng ở cổng đền và quanh khu vườn, trong khuôn viên còn tồn tại một số ngôi mộ chưa được xác định tính danh. Vào năm 1980, người ta đã khai quật một ngôi mộ cổ, phát hiện hài cốt một người con gái quấn nhiều lớp vải. Bấy giờ bảo tàng chưa xác định nguồn gốc hài cốt. Gian ngoài đền Ngọc Hoa có kiến trúc đẹp, mái cong lượn, cột dựng trên các phiến đá. Phần hậu cung như một cái am lớn, 2 cửa lách ra vào chỉ cao chừng đầu người. Tượng Ngọc Hoa đặt giữa bàn thờ trên cao. Bức tượng không lớn, cao chừng 60 phân nhưng được tạc khá tinh xảo: khuôn mặt tròn, mắt sáng, mũi cao, đôi má ửng hồng toát lên vẻ long lanh, đoan trang mà thanh thoát của một mỹ nữ nơi thôn dã. Theo người coi đền thì bức tượng đã có từ lâu lắm, không ai nhớ rõ nguồn gốc. Đền Ngọc Hoa và hội đền Ngọc Hoa với nghi lễ linh thiêng sùng kính, một tính ngưỡng tôn vinh giá trị truyền thống, ghi nhận công lao của tướng công Trần Công đã có công đánh giặc giữ nước; đồng thời đề cao giá trị đạo đức thủy chung tiết hạnh cần được tôn tạo, giữ gìn. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 115 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Cả

Chùa Cả ở xã Tân An (Thanh Hà) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý. Chùa Cả có tên chữ là Đại Từ Khâm Thiên tự. Theo sử sách, chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, trùng tu lại với quy mô rộng từ năm 1881. Chùa Cả thờ vua Lý Nhân Tông. Tương truyền vua Lý Nhân Tông từng đóng đồn nơi đây để đi đánh giặc. Chùa còn thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà nhân dân ở đây tôn là Thánh. Do đó, chùa Cả có hai chức năng vừa là đền, vừa là chùa. Chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền đường dài 21 m, rộng 7,5 m và 3 gian hậu cung dài 10,9 m, rộng 8,5 m. Điểm khác biệt của chùa Cả là tòa tiền tế có kiến trúc như ở đền, các góc đao cao vút, các bức phù điêu hình rồng được bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa chạm khắc tinh xảo... Hằng năm cứ vào ngày 30 tháng 10 và 1 tháng 11 âm lịch, xã Tân An lại tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông và vua Lý Nhân Tông, cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất thuận lợi, cuộc sống của người dân ngày càng sung túc. Vào những ngày này, nhiều người xa quê hương cũng về hội chùa. Từ khi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đến nay, ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này do người dân nơi đây và du khách thập phương công đức, đóng góp. Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công để tu sửa, xây dựng các hạng mục công trình trong khuôn viên chùa. Đến nay, khu di tích đã khang trang hơn nhưng vẫn giữ được hồn cốt linh thiêng, cổ kính. Chùa hiện có thêm tòa tam quan, phục hồi một số pho tượng, đồ thờ tự. Trong sân chùa đặt nhiều cây cảnh, hoa, tạo không gian tĩnh lặng, trong lành, hấp dẫn du khách. Chùa Cả còn lưu giữ nhiều cổ vật quý. Người có công gây dựng, phục hồi lại một số hạng mục của ngôi chùa là sư thầy Thích Quảng Nghiêm, hiện là trụ trì chùa. Chùa trước đó chưa có người chính thức trụ trì mà giao cho địa phương quản lý. Năm 2012, thầy Thích Quảng Nghiêm về tiếp quản chùa, trong khuôn viên còn nhiều chỗ bị bỏ hoang. Sau khi tiếp quản, sư thầy Quảng Nghiêm đã phân loại từng cổ vật và gìn giữ cẩn thận. Ngôi chùa còn giữ được tượng Phật A Di Đà cao gần 2,7 m (không kể bệ và đài sen). Đây là một trong những pho tượng gỗ cổ lớn của cả nước. Tượng được tạo dựng dưới thời Nguyễn, ghép liền nhau bởi những mảnh gỗ mà nhìn qua khó có thể nhận biết chỗ ghép nối. Tượng Phật với tư thế ngồi tọa thiền trên đài sen. Tuy có từ lâu đời nhưng nước sơn và chất liệu gỗ mít vẫn còn bền bỉ theo thời gian, chưa có dấu hiệu bị mục. Nơi đây còn lưu giữ 1 tháp đá cao 5 tầng ngay trước tiền đường. Hai tầng trên của tháp đá uốn đầu hình mai luyện, bốn góc uốn cong hình đầu long, trên đỉnh tháp có hình đài hoa đặt trên những cánh hoa sen đang nở. Đây cũng là tháp đá cổ quý hiếm mà ít chùa có được. Theo người già trong làng, chính tháp đá là nơi đặt xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều tháp lăng mộ của các trụ trì qua nhiều đời, được chạm khắc với những đường nét cầu kỳ. Chùa còn có 5 tấm bia đá quý có giá trị, niên đại từ năm 1874-1933 ghi lại dấu tích từng thời kỳ lịch sử bằng tiếng Hán. Bên giếng chùa có đôi cá sấu đá từ thế kỷ 17 do nghệ nhân xưa chạm khắc, đường nét tinh tế. Chùa còn lưu giữ 11 sắc phong từ thời Lê, thời Nguyễn và 1 chiếc chuông đồng cao 1,2 m, đường kính miệng 56 cm. Trên chuông có chạm khắc những bài vịnh ca ngợi cảnh đẹp của chùa và người công đức đúc chuông. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 110 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Du lịch Khuôn Thần

Rừng Khuôn Thần có diện tích khoảng 800 ha, trong đó có 300 ha rừng tự nhiên và 500 ha là rừng trồng, rừng tái sinh và đồng cỏ. Hồ Khuôn Thần rộng 240 ha, được bao bọc bởi những rừng thông, tràm, keo tai tượng tươi tốt quanh năm. Lòng hồ có 5 đảo nhỏ là những vùng đồi bát úp nổi lên giữa làn nước xanh, các đảo đều được trồng thông có tuổi từ 15 – 20 năm. Khuôn Thần còn nổi tiếng với những trang trại vườn cây ăn quả ngút ngàn tầm mắt, với đền Từ Mã thờ danh tướng đời Trần đã được Nhà nước xếp hạng di tích và nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số như: Sán Chí, Cao Lan, Nùng, Tày… Đến Khuôn Thần, du khách sẽ có cơ hội khám phá “lá phổi xanh của miền Lục Ngạn” với 5 đảo thông xanh tốt quanh năm, đồng thời du thuyền trên mặt hồ, ngắm cảnh trời mây non nước. Đặc biệt, vào mùa mưa, du khách có thể quan sát nước chảy từ đỉnh đập Khuôn Thần đổ ào ào xuống thung lũng ven hồ. Du khách đến Khuôn Thần không chỉ được dạo chơi trên hồ bằng thuyền mà còn được ghé thăm các trang trại vườn cây ăn trái xanh tươi rộng ngút ngàn tầm mắt. Đây cũng là cư trú, nuôi dưỡng và bảo tồn những giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: người Sán Chí, Cao Lan, Tày, Nùng… Tới đây, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức hương vị ngọt ngào của những đặc sản: mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ, vải thiều, hồng, na… của đồng bào các dân tộc như Kinh, Cao Lan, Tày, Sán Chỉ, Nùng. Đặc biệt phải kể đến là món cá. Ai đã từng thưởng thúc món cá bống nướng trên bếp than của đồng bào dân tộc nơi đây thì không thể nào quên. Nếu những ai thích cảnh hoang dã chốn “thần tiên” thì có thể ghé thăm các đảo nổi là những vùng đồi bát úp nổi lên giữa lòng hồ. Không gian tĩnh lặng, bình yên, trữ tình rất hợp cho những câu chuyện tâm tình trên thảm cỏ xanh… dưới những hàng thông vi vu trong gió mát. Những khi cảm thấy mệt mỏi bạn có thể thấy ngay những cánh võng đu đưa dưới những gốc cây trong vườn nhãn. Bạn có thể vừa nằm võng, vừa thưởng thức hương vị ngọt đậm đà của những chùm vải thiều chín mọng. Không những thế, đến đây du khách còn được tham quan đền Từ Mã thờ danh tướng đời Trần đã được Nhà nước xếp hạng Di tích. Đặc biệt, nếu qua đêm ở đây vào những dịp nông nhàn, du khách sẽ có cơ hội tham dự các buổi sinh hoạt văn hoá truyền thống với những điệu hát soong hao, si, lượn... làm say đắm lòng người của đồng bào dân tộc ít người sinh sống quanh khu vực hồ. Vui thú nhất là chẳng phải đến tận Đà Lạt mới có thể nghe tiếng thông reo rì rào, mà còn được khám phá sự kỳ thú của thiên nhiên hoang dã với những con đường mòn vắt qua các sườn núi, khe suối trong vắt quanh co, uốn khúc. Khuôn Thần hiện có nét đẹp hoang sơ rất gần với thiên nhiên tạo một sức hút lớn đối với mọi du khách. Tuy nơi đây chưa xuất hiện những khách sạn sang trọng, những nhà hàng, nhà nghỉ với đầy đủ tiện nghi… nhưng du khách sẽ có cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng. Vào những ngày Xuân, Hè du khách đến đây có thể được vơi đi những suy tư, phiền muộn. Thong thả đi dạo hồ, đắm mình vào bầu không gian mênh mông của mặt nước hồ xanh biếc, in bóng mây trời và và ngắm cảnh chiều hoàng hôn có bầy trẻ đuổi từng đàn trâu về, thật quyến rũ và lãng mạn. Vào những buổi Thu, Đông du khách có thể thả mình bên những chiếc cần câu, thư giãn bồng bềnh trên lòng hồ, đầm ấm bên những bếp lửa, cùng thưởng thức những vật phẩm mà mình thu hoạch được từ tự nhiên và ngắm mặt nước tĩnh lặng, cảm nhận sự khoan khoái những đợt gió heo may lùa thổi… Hồ Khuôn Thần cũng là nơi rất thích hợp để xây dựng những trung tâm nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí với các loại hình mới, như: chèo thuyền, leo núi, đi bộ dạo quanh hồ và vào thăm các làng bản của đồng bào dân tộc… Sau cuộc du ngoạn đầy kỳ thú và mệt mỏi, du khách có thể thư giãn bồng bềnh trên những con thuyền mộc lướt trên mặt nước lăn tăn sóng, hòa mình cùng thiên nhiên, lắng nghe chim hót, nhìn những khóm hoa rừng khoe sắc, được nghe những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm. Và khi đó, du khách sẽ cảm thấy thú vị, lâng lâng như lạc vào cõi hư vô, huyền ảo nơi sơn trang rộng lớn… NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 123 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử

Đến với Bắc Giang, một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua đó là Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử. Đây là điểm đến cuối cùng trong hành trình Tour du lịch tâm linh theo con đường bộ hành hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các đồ đệ qua những điểm chùa, tháp dọc sườn tây dãy núi Yên Tử. Khu Du lịch Tâm linh - Sinh thái Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang, cách TP Hà Nội khoảng 140km về hướng Đông Bắc. Từ Hà Nội, quý khách di chuyển theo tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đến nút giao TP Bắc Giang thì rẽ phải vào tỉnh lộ 293 - đường Tây Yên Tử (hay còn gọi là đường tâm linh), đi theo biển báo chỉ dẫn khoảng 70km là đến Khu Du lịch. Khi nói tới Tây Yên Tử phải nói tới dòng thiền Trúc Lâm. Thiền phái Trúc Lâm là dòng thiền mang triết lý thuần Việt, do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Thiền phái Trúc Lâm là linh hồn của hệ thống non thiêng Yên Tử, nó trở thành niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt. Hành hương về Tây Yên Tử, du khách vừa được chiêm bái thắng tích tôn giáo nổi tiếng và cảm nhận vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của vùng đất Bắc Giang. Núi Yên tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng đông bắc Việt Nam, sườn đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn tây thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Hiện tại khu vực Tây Yên tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử-văn hóa liên quan đến tôn giáo, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là vào thời Lý-Trần. Với hệ thống các chùa tháp, di tích lịch sử-văn hóa và sự kỳ vĩ của núi rừng trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo nên một Yên Tử đầy tiềm năng. Cùng với Đông Yên Tử của Quảng Ninh, Tây Yên Tử Bắc Giang được phối hợp, kết nối thành quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát huy các di sản văn hóa mà cha ông ta để lại. Khu du lịch Tây Yên Tử được khởi công xây dựng năm 2014 và đưa vào khai thác giai đoạn I năm 2019. Khu du lịch được ưu ái nằm bên khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tửvới hàng nghìn hecta rừng nguyên sinh cùng nhiều loài động vật hoang dã. Đây chính là lợi thế trong việc mang đến cho du khách cả nước những trải nghiệm khác biệt trong suốt quá trình tham quan, hành hương về vùng đất Phật. Quy hoạch tổng thể của KDL được chia thành 02 phân khu chức năng: phân khu tham quan sinh thái – tâm linh và phân khu nghỉ dưỡng sinh thái – giải trí. Phân khu tham quan sinh thái – tâm linh gồm các hạng mục chính như: quảng trường trung tâm, vườn ngũ hành, đồi vô cực – hệ thống 10 bức tượng tái hiện hành trình cuộc đời Phật hoàng, tuyến cáp treo, chùa Hạ và chùa Thượng. Ngoài ra, ở phân khu này còn có một số công trình dịch vụ khác như bãi đỗ xe, hồ điều hòa, nhà hàng ven suối… NGUỒN SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 116 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Động Thiên Thai- Đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm

Động Thiên Thai- Đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm Động Thiên Thai cách thành phố Bắc Giang khoảng 35km về phía Tây Bắc, trước năm 1945 thuộc xã Đồng Kỳ, tổng Hương Vỹ, phủ Yên Thế, nay thuộc xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Đây là một khu đồn điền lớn thuộc xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ ngày nay. Thất diệu đồn điền được bố trí tựa như 7 ngôi sao sáng của chòm sao Bắc Đẩu, gồm bảy khu (hay bảy trại), gồm: trại nhất, trại nhì, trại ba, trại tư, trại năm, trại sáu và khu Động Thiên Thai. Thiên Thai là nơi tiên thánh ở hay cõi tiên. Kỳ Đồng đặt ra tên gọi này nhằm đánh lạc hướng bè lũ thực dân, làm chúng nhầm tưởng ông đến đây chỉ để vui thú nhàn du với ảo ảnh linh dị thần bí, nhưng thực ra Thiên Thai là trung tâm và các trại quây quần quanh vùng, đồng thời có sự liên hệ chặt chẽ với nghĩa quân Yên Thế. Bảy trại này sắp xếp dọc 2 bên đường từ Đồng Kỳ đi Đồng Vương. Từ đây tới Phồn Xương- đại bản doanh của Đề Thám chừng 4 km. Động Thiên Thai xưa vốn chỉ là khu nhà tranh nhỏ bé được Kỳ Đồng xây dựng lên. Sau đó chính nhân dân lại biến nó thành đền thờ phụng Kỳ Đồng (sau khi ông mất). Đền ngoảnh hướng Nam, nằm ở Trại Nhất phía trước có đường liên xã, kề cạnh là đường tỉnh lộ 398 và tuyến đường sắt nối ngã tư Kép (huyện Lạng Giang) với tỉnh Thái Nguyên. Phía sau đền là dòng sông Sỏi chảy dọc theo hướng Tây Nam về Bố Hạ. Đền có bố cục theo kiểu chữ đinh (J), gồm toà tiền đường 5 gian và hậu cung 2 gian. Kết cấu khung chịu lực bằng gỗ, kiểu dáng kiến trúc khung mái đơn giản kiểu kẻ truyền, trụ giá chiêng được bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn cầu kỳ, phía trước hậu đường đắp nổi ba chữ Thiên Thai động, nền đền lát gạch vuông truyền thống, mái lợp ngói mũi. Cửa đền được xây cuốn hình vòm gồm 3 cửa, cửa giữa cao và to hơn cửa hai bên, cánh cửa được đóng bằng gỗ, kiểu bức bàn. Trong đền được bài trí tượng thờ và nhiều đồ thờ tự khác. Hằng năm, vào ngày 24/2 (âm lịch), nhân dân trong vùng và cán bộ xã Hồng Kỳ lại tưng bừng mở hội, dâng hương và tổ chức các hoạt động văn hóa để tưởng nhớ đến công trạng của ông. Với ý nghĩa lịch sử như trên, động Thiên Thai là một trong 23 điểm di tích thuộc Hệ thống di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. NGUỒN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 130 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Bạch Hào

Chùa Hào Xá hay Chùa Hào (gọi theo Hán-Việt là Bạch Hào cổ thiền tự) , ở làng Hào Xá, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; được xây dựng từ thời nhà Lý. Là ngôi chùa có phong cảnh sông nước hữu tình, mang nhiều nét độc đáo của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993 và năm 2015; lễ hội chùa Hào Xá là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Làng Hào Xá, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà nằm trên một giải đất hẹp ven sông Cửa Chùa - một nhánh của sông Hương. Thế đất của làng như hình con chim phượng hoàng xòe cánh. Chùa Hào Xá tọa lạc trên đầu chim có chùm lông màu trắng nên có tên chữ là Bạch Hào tự tức chùa Bạch Hào. Dân địa phương gọi tắt là chùa Hào Theo ngọc phả, chùa được xây dựng năm 1011 vào thời vua Lý Thái Tổ. Lúc đầu nhân dân trong vùng đã dựng chùa mang tên chùa Hào với quy mô ba gian chủ yếu bằng tranh tre lợp lá gồi, lá cọ để thờ Phật. Về sau, qua các triều đại, chùa được xây dựng lại và mở rộng thêm quy mô, thờ Phật, vua Trần Nhân Tông, thành hoàng làng và các vị sư trụ trì Theo ngọc phả và các tài liệu liên quan, vào thời nhà Trần, ở trang Hạ Hào (thời Hậu Lê, trang Hạ Hào đổi thành làng Hào Xá, thuộc xã Hương Đại, tổng Bình Hà, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách; từ năm 1956, Hào Xá là một làng của xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà) có vợ chồng ông Nguyễn Danh Doãn và bà Phạm Thị Phương sinh được hai người con trai đặt tên là Nguyễn Danh Nguyên và Nguyễn Danh Quang. Hai anh em Nguyên và Quang học rất giỏi, tinh thông võ nghệ. Lớn lên, hai anh em kết thân với Lý Đình Khuê là bạn học và người cùng làng. Khi đi thi, cả ba người đều đỗ cao và được vua phong làm học sĩ, chuyên chăm lo việc giáo huấn trong cung. Khi giặc Nguyên Mông đem quân sang xâm lược nước ta, ba ông theo vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đi đánh giặc ở Phả Lại, Vạn Kiếp. Giặc tan, nhà vua hết lời ca ngợi, bia đá còn ghi lời vua nói: "Từ ngày nước nhà xảy ra chiến sự Tam Công ngày đêm miệt mài tu thân luyện chí tìm phương kế cứu nước, cứu dân" Ngày 6 tháng 1 năm 1293, Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông du ngoạn đầu xuân và truyền giảng kinh sách bằng đường thủy. Đến trang Hạ Hào, ba cư sĩ tổ chức cùng dân làng mở hội đua thuyền để tiếp đón vị đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm. Thấy phong cảnh sông nước hữu tình, Thượng hoàng hạ lệnh cho dựng lại chùa, mở rộng quy mô và đổi lại tên là chùa Bạch Hào, làm hoành phi câu đối, lập bệ thờ bằng đá hình tòa sen để thờ Phật và giao cho 3 ông ở lại tu tại chùa. Ít năm sau, ba vị cư sĩ được Đức Điều Ngự triệu về Yên Tử tu luyện rồi lần lượt "hoá" tại đây. Ghi nhớ công lao giúp dân giúp nước của ba ông, vua nhà Trần đã ban vàng bạc cho dân làng Hạ Hào lập miếu thờ và sắc phong làm thành hoàng, khắc vào đại tự "Tướng Hào tỏa sáng". Nguyễn Danh Quang được sắc phong là Phả Lại cư sĩ, Nguyễn Danh Nguyên là Phả Hộ cư sĩ, Lý Đình Khuê là Phả Tế cư sĩ. Ba vị cư sĩ được thờ tại chùa, được tôn là ba vị sư tổ đầu tiên của chùa. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 4 - 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng Hòa mở lễ, hội (đua thuyền...) cho đến ngày nay. Vào những năm 1540, thời nhà Mạc, tăng phó Trần Như Thừa đã quyên góp tiền của công đức xây dựng lại chùa gồm 60 gian lớn nhỏ theo kiểu nội công ngoại quốc. Sau này do mai một bởi thời gian thiên nhiên, bão lũ cũng như các cuộc chiến tranh thời Lê, thời Mạc, thời Nguyễn chùa cũng được tu sửa nhưng kiến trúc cổ không còn được giữ lại bao nhiêu. Hoà thượng Thích Gia Huệ trụ trì tại chùa từ năm 1954 cho đến khi viên tịch... Vào những năm cuối thập kỉ 90, đầu những năm 2000 các Tăng Ni, chư tôn Thiền đức trụ tại chùa, các tín đồ Phật tử và nhân dân đã tôn tạo chùa; tháp chuông và ngôi Tam bảo của chùa lần lượt được xây dựng khang trang. Trải qua thời gian, nhiều cuộc chiến tranh, đến nay các nét độc đáo, vật cổ giữ lại quá ít. Ngôi chùa hiện nay, bao gồm Tiền đường 5 gian, Hậu cung 2 gian, Nhà tổ 3 gian; tiền đường, được xây dựng theo kiểu chồng rường đấu sen; các vì kèo đều có chạm khắc hoa lá, trúc hoá long. Vào cuối thế kỷ 19, nghĩa quân Bãi Sậy lấy chùa Hào làm cơ sở trú quân. Trong chiến tranh Việt - Pháp, chùa Hào là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Bình Hà (trước đó là tổng Bình Hà); nơi chứng kiến lễ ra mắt của Mặt trận Việt Minh huyện Thanh Hà; cơ sở hoạt động của cán bộ một số xã lân cận và nhiều chiến sĩ cách mạng; nơi đứng chân của một số cơ quan huyện, nơi đặt trạm giao liên giữa huyện với khu Hà Đông và thực hiện tiêu thổ kháng chiến với tháp chuông phải dỡ bỏ. Sư trụ trì của chùa là Ngô Văn Nhẫn kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những đảng viên đầu tiên của làng Hào. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 119 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Minh Khánh

Chùa Minh Khánh (chùa Hương Đại, chùa Hương) tọa lạc ở làng Bình Hà thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; thuộc hệ phái Bắc tông, thờ Phật và đức vua Trần Nhân Tông; là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1990. Chùa Minh Khánh được xây dựng vào thời Lý - Trần, được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 16, 17, 18, 19. Năm 1992, sư trụ trì Thích Đàm tổ chức đại trùng tu ngôi chùa và xây tam quan. Hiện nay, chùa Minh Khánh có khuôn viên rộng hơn 1ha, bên trong còn bảo toàn được hệ thống tượng Phật, vườn tháp cổ và các di vật quý: lưu giữ trên 200 cổ vật như tượng, tháp, bia, cột đá, giếng nước...; 13 đạo phong của các triều Lê, Nguyễn (Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định...) và nghị định xếp hạng di tích của Toàn quyền Đông Dương năm 1925. Ở chánh điện, chùa còn lưu giữ 9 viên ngọc Xá lợi tương truyền là của Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông và tháp lưu huyết của Ngài. Lễ hội chùa Minh Khánh kéo dài 3 ngày liền, chính hội tổ chức vào ngày 1/11 Âm lịch hàng năm, kỷ niệm ngày đức vua Trần Nhân Tông viên tịch trên núi Yên Tử. Phần lễ có lễ rước sắc, rước mâm ngũ quả, lễ mộc dục và lễ tế. Phần hội gồm các trò chơi: cờ người, múa rối nước, chèo, thi mâm ngũ quả, thi làm bánh dầy…. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 115 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

CHÙA PHÚC TẰNG

Chùa Phúc Tằng còn còn có tên tự là Sùng Quang tự, thuộc thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa tọa lạc trên một mảnh đất rộng gần 5000m2, ngoảnh mặt về hướng Nam ghé Tây, một hướng đẹp mang nhiều ý nghĩa tốt lành theo giáo lý nhà Phật. Đây là ngôi cổ tự được nhân dân địa phương xây dựng với quy mô bề thế mang tính chuẩn mực của nghệ thuật kiến trúc chùa tháp theo tông phái Đại thừa ở miền Bắc Việt Nam. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống và tín ngưỡng của Tăng Tiến từ xưa đến nay. Di tích chùa Phúc Tằng là một công trình tín ngưỡng cổ được xây dựng từ lâu đời. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý, năm Canh Ngọ (1630). Chúa Thanh Vương Trịnh Tráng đứng đầu hưng công trùng tu chùa cổ khang trang đẹp đẽ với quy mô lớn. Các thời Lê, Nguyễn, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Theo tấm bia đá hiện còn được lưu giữ lại tại chùa được biết, chùa Phúc Tằng được tạo dựng vào triều vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long thứ 3 (năm 1631), trong bia có đoạn viết: “Phúc Long đẳng xã có chùa Sùng Quang là nơi cổ tích danh lam, phía trước có dãy núi lớn chu tước hình thể đẹp đẽ, phía sau huyền vũ có núi xanh xanh uốn lượn. Tả thanh long dẫn dòng nước đăng khoa như dải hoa bạc bao quanh. Hữu bạch hổ dãy núi xanh như hình giá bút ngọc chầu về, ở giữa mở ra một khu đất Phật cao sáng, thiêng liêng, là nơi quốc dân thường đến cầu khẩn từ lâu rất linh thiêng ứng nghiệm…”. Với tổng diện tích gần 5000m2, kiến trúc ngôi chùa gồm: sân chùa, toà tiền đường và thượng điện. Cổng chùa xây bằng gạch. Nét độc đáo của kiến trúc chùa Phúc Tằng là được thiết kế theo kiểu chồng diêm, một kiểu kiến trúc cổ hiếm thấy. Toà tiền đường chùa Phúc Tằng được dựng gồm 5 gian 2 chái, kết cấu hai tầng theo kiểu chồng diêm, phía trước là cửa bức bàn chấn song. Hệ thống chịu lực bằng gỗ lim với 8 hàng chân cột, kết cấu kiến trúc theo lối chồng diêm, trụ giá chiêng, tiền kẻ hậu bẩy. Các cấu kiện được tạo bằng gỗ tứ thiết chắc khỏe, bào trơn, đóng bén, soi gờ, kẽ chỉ. Trên các con chồng ở vì nóc, vì nách đều chạm nổi hình hoa văn lá cúc lật, vân xoắn vân mây. Giữa các vì được liên kết với nhau bởi hệ thống xà thượng, xà trung và hạ cùng hệ thống hoành, rui mè. Trong tòa tiền đường dựng một tấm bia đặt trên mình con rồng bằng đá. Bia có niên hiệu: Hoàng triều Đức long tam niên. Thượng điện của chùa Phúc Tằng được xây sát ngay phía sau vuông góc với toà tiền đường, tạo ra bình đồ kiến trúc kiểu chuôi vồ - hình chữ đinh (J), bên trong thượng điện các đồ thờ tự và hệ thống tượng Phật được bài trí dàn trải trên các bục (bệ) được xây bằng gạch chỉ phủ vữa, quét vôi trắng và hệ thống bệ tượng làm bằng gỗ được tạo tác rất công phu… Về nghệ thuật chạm khắc của chùa Phúc Tằng được thể hiện khá rõ nét và tinh tế tại ba bức chạm trang trí ở vì kèo tại thượng điện. Bức thứ nhất được tạo tại vì giữa có chạm khắc hình tiên cưỡi rồng ẩn, hiện trong mây xen lẫn những hoạ tiết chim muông, hoa lá cách điệu. Bức chạm thứ hai trang trí bên phảI toà thượng điện, được tạo rất đẹp và tinh tế với những hình thú như: hoạ tiết hình chim và hình hoa sen cách điệu…đây là những đề tài trang trí rất sống động, thể hiện sự tinh xảo, mang tính chất đời thường. Bức chạm khắc bên trái cũng được chạm khắc rất đẹp và hoàn hảo với các đề tài trang trí: hình hổ, chim muông, dơi, cá và hoa lá cách điệu…hình cá tạo theo kiểu đề tài “lý ngư vọng nguyệt”, hổ tạo tư thế rình mồi, chim đang ấp trứng, dơi đang ngủ…Toàn bộ ba bức chạm khắc này đều là các tác phẩm nghệ thật rất độc đáo, tinh tế và mang tính thẩm mỹ cao. Trải qua thời gian, do sự tác động của điều kiện tự nhiên cùng diễn biến thăng trầm của lịch sử, chùa Phúc Tằng cũng bị mai một và tàn phá nhiều hạng mục, không còn được nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu như: 01 tấm bia đá tạo vào triều vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long thứ 3 (năm 1631), 01 tấm bia tạo vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (năm 1737), 03 bức chạm gỗ tinh tế và hệ thống tượng thờ, đồ thờ... Với những giá trị tiêu biểu và độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, năm 2003, chùa Phúc Tằng đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích Kiến trúc - nghệ thuật. Năm 2011, chùa được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích cấp Quốc gia. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ VIỆT YÊN TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 102 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Cụm di tích Lý Cốt

Cụm di tích đình, chùa, nghè Lý Cốt, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân 4 thôn Luông, Trám, Lý Cốt, Đài Sơn. Trong đó, đình Lý Cốt tọa lạc trên đồi cao, hướng ra xứ đồng Vắng là nơi thờ thần Cao Sơn, Quý Minh đại vương và Đức thánh Tam Giang; nghè thờ Nàng Giã đại thần (nữ tướng thời Hai Bà Trưng), các triều đại Lê - Nguyễn sắc phong cho bà là “đại thần” nên có tên ghép là Nàng Giã đại thần. Theo một số tài liệu, đình Lý Cốt được khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII). Trước đây đình rất bề thế, gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, hai tòa dải vũ, đao cong, mái lượn, toàn bộ kiến trúc bằng gỗ lim nhưng do thời gian nên bị đổ nát, qua nhiều lần trùng tu nhân dân đã phục dựng lại vững chắc như hiện nay với 3 gian, 2 chái và 1 hậu cung, kết cấu kiến trúc kiểu chữ đinh (J), cửa thượng song hạ bản, tại đây còn lưu giữ bài vị, ngai thờ, hậu bành và một số di vật cổ thời Lê- Nguyễn. Đặc biệt, nhân dân trong vùng còn lưu truyền huyền thoại rằng: Nàng Giã tên thật là Dương Thị Giã, người làng Chuông (Nhã Nam). Vào thời Hai Bà Trưng chống quân Hán (năm 40 sau Công nguyên), Nàng Giã tập hợp lực lượng những người yêu nước trong vùng đứng lên chống giặc, gìn giữ mảnh đất quê hương. Rồi từ đây đoàn quân của bà tiến về Mê Linh nhập vào hàng ngũ của nghĩa quân Hai Bà Trưng, bà được phong làm nữ tướng và lập nhiều chiến công hiển hách. Có thời gian bà Giã cho quân về vùng núi Đót (xã Yên Lý) chờ thời cơ thuận lợi tiến công quân giặc, nghĩa quân phải nếm mật nằm gai, ăn đồ lạnh như¬ cơm nắm, cơm lam, nhân dân không ra đồng để chờ lệnh đánh giặc. Núi Đót nằm ở cực Tây Bắc của huyện Tân Yên, có độ cao 121,8 m, là điểm cao nhất trong huyện và cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên. Trong một trận quyết chiến ác liệt, vì lực lượng yếu nên bị thất thủ, dù thương tích đầy người nhưng bà vẫn một mình một ngựa phá vòng vây của giặc để về nhà, đến núi Đót bên cạnh giếng Hà (làng Lý Cốt, xã Phúc Sơn ngày nay) thì trẫm mình tuẫn tiết, khu vực này hiện vẫn còn phần mộ của bà. Để tưởng nhớ công lao Nàng Giã, nhân dân trong vùng đã lập nghè thờ và lấy ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch (ngày giỗ của bà) làm lệ làng, vào ngày này, người dân 4 thôn trên có tục “cấm lửa” và “cấm đồng” theo đó không ai ra đồng, không ai đốt lửa mà chỉ ăn cỗ nguội, cơm nắm, bánh dày tế thần nấu từ hôm trước. Dân gian có câu: Trám, Luông, Lý Cốt, Phẩm, Giàng Tháng Tư, mồng tám giỗ Nàng Giã tiên Được biết, đình làng Chuông (Nhã Nam, Tân Yên) cũng thờ Nàng Giã Đại Thần. Vì vậy, từ xa xưa Lý Cốt - Nhã Nam đã kết ước nhận nhau làm anh em, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, gian khó, đời nối đời con cháu đều tuân theo lệ cổ. Dân trong vùng thường nói “Đình Lý Cốt, Cột Nhã Nam” để khẳng định về sự gắn bó, đoàn kết giữa hai làng. Hội lệ đình Lý Cốt vào 14 tháng Giêng và mùng 8 tháng Tư âm lịch, ngày này sẽ tổ chức rước, tế lễ trang nghiêm, đặc biệt đồ cúng, rước phải có thịt gà đen, xôi đen, tàn lọng cũng màu đen. Vào ngày này, người dân trong vùng có tục "cấm lửa" và "cấm đồng". Bắt đầu từ ngày mồng 7, công việc chuẩn bị cho ngày giỗ Nàng Giã phải xong hết, đến ngày 8 không ai được ra đồng làm việc, không nhà nào được nấu nướng, mọi gia đình đều làm lễ thắp hương tưởng niệm. Cùng đó là các trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, chọi gà, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, hát quan họ...thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến dự. Với những giá trị văn hóa và ý nghĩa đó, năm 2004, cụm di tích Đình, chùa, nghè Lý Cốt và phần mộ Nàng Giã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Năm 2005, đình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư tu sửa, tôn tạo thêm phần khang trang, tố hảo. Liên quan đến tín ngưỡng thờ Nàng Giã đại thần còn có đình làng Chuông thuộc thị trấn Nhã Nam. Truyền thuyết khác cho rằng, bà Dương Thị Giã quê ở làng Chuông, Nhã Nam nhưng đã anh dũng hy sinh ở núi Đót nên hai nơi đều dựng đình, nghè tôn thờ bà. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 110 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

ĐỀN THỜ TIẾN SĨ THÂN NHÂN TRUNG

Yên Ninh là một làng cổ còn có tên gọi Nôm là Nếnh xưa thuộc tổng Dật Ninh, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc; về sau tổng Dật Ninh được chuyển sang huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà. Ngày nay, Yên Ninh thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, làng cổ Yên Ninh được cả nước biết đến là "làng Tiến sĩ". Với truyền thống hiếu học, khoa bảng vốn có, cùng ý chí quyết tâm luyện rèn kinh sử xưa tại làng Yên Ninh đã giúp cho ngôi làng lập lên một thành tích khoa cử nổi danh trong cả nước. Đó là vào khoảng thế kỷ XV- XVII, khi cả tỉnh Bắc Giang có 5 quan Tế tửu, Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám thì riêng làng Yên Ninh đã có 4 người (Thân Nhân Trung, Nguyễn Lễ Kính, Đỗ Văn Quýnh, Hoàng Công Phụ). Trong đó, người mở đầu khai khoa là Tiến sĩ Thân Nhân Trung đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu năm 1469. Tiếp đến là Tiến sĩ Nguyễn Lễ Kính đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi năm 1475. Tiến sĩ Ngô Cảnh Vân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu năm 1481. Tiến sĩ Thân Nhân Vũ (con trai Thân Nhân Trung) đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu năm 1481. Tiến sĩ Thân Cảnh Vân (cháu Thân Nhân Trung) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập Đệ Tam danh (Thám hoa) khoa Đinh Mùi năm 1487. Tiến sĩ Thân Nhân Tín (con trai Thân Nhân Trung) đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất năm 1490. Tiến sĩ Đỗ Văn Quýnh đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn năm 1520. Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu 1541. Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập đỗ Đệ nhị Đồng giáp Tiến sĩ năm 1553. Tiến sĩ Hoàng Công Phụ đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi năm 1619. Công trình đền thờ Tiến sĩ tọa lạc tại thôn Yên Ninh, nơi đây xưa là cánh đồng lúa quanh năm xanh tốt, nằm giữa 2 dòng sông lớn là Nguyệt Đức (tức sông Cầu) và Nhật Đức (tức sông Thương), bên cạnh đó các ngọn núi phía Tây hình vòng cung tạo thành “Hàm Rồng phun tản vân” (tức phun châu) về phía Yên Ninh. Chính vì vậy, thôn Yên Ninh được coi là vị trí "tụ thủy" nên được người xưa khéo so sánh ví von như chiếc nghiên mực. Đó cũng là lý do để luận giải về sự hưng thịnh, vẻ vang kéo dài gần hai thế kỷ trong sự nghiệp khoa cử của làng quê Yên Ninh từ xưa đến nay. Hiện nay, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung được xây dựng trên một thế đất phong thủy đẹp, thoáng đãng, mặt nhìn về hướng Nam, xung quanh là khu dân cư trù mật, phía sau là đình Yên Ninh và phía trước cách khoảng 500m là con đường cao tốc chạy qua. Toàn bộ khuôn viên đền rộng chừng 19.183,5m2. Nhìn tổng thể, đền có quy mô lớn bề thế, được sắp xếp bài trí trong một bố cục cân đối, hài hòa gồm các hạng mục công trình: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Nhà bia, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại. Nhìn từ xa, nghi môn ngoại, được xây theo lối kiến trúc tường thành cổ gồm 2 tầng với 3 cửa cuốn vòm cân xứng và 2 cửa phụ 2 bên. Tầng 1 liên kết với nhau bởi các cột trụ biểu, 4 cột trụ biểu chính giữa trên đỉnh đắp trang trí hình tứ phượng chung thân, phía dưới trang trí hoa văn, thân cột trụ biểu chạm khắc chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp ngôi đền. Bốn cột trụ biểu hai bên trên đỉnh đắp trang trí hai con nghê đang trong tư thế chầu vào trong. Phần tầng 2 chính giữa nghi môn là gác lâu được mô phỏng theo kiểu kiến trúc giống Khuê Văn Các ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Gác lâu được thiết kế theo lối chồng diêm, 2 tầng, 8 mái đao cong, bốn bên tường hồi gác là 4 cửa sổ tròn, biểu tượng của hình mặt trời. Qua Nghi môn ngoại là đến hồ nước được xây dựng gọn gàng, xung quanh hồ được kè chắc chắn với lan can đá tạo tác hình con tiện nối với nhau bởi các cột trụ lửng. Tiếp đến là hạng mục Nghi môn nội. Nghi môn nội tạo bởi 3 gian kết cấu theo lối chồng diêm, 2 tầng. Mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ dải xây gạch, ngoài phủ vữa. Ngăn cách giữa tầng mái trên và tầng mái dưới là phần cổ diêm chấn song hình con tiện bằng gỗ. Chính giữa treo biển đề chữ Hán "Thân tướng công từ". Tường hồi hai bên trái, phải nghi môn được xây theo lối tường hồi tay ngai, tường xây gạch phủ vữa quét vôi, hai hồi phía trước, sau để thoáng. Cửa được làm theo kiểu thượng song hạ bản. Các vì liên kết theo kiểu thức vì con chồng đấu kê trụ giá chiêng. Các cấu kiện đều được làm bằng gỗ lim. Hai bên cửa nghi môn đặt hai tượng trong tư thế đứng hầu bằng chất liệu đá. Tiếp đến là hạng mục nhà bia gồm 2 nhà bia đặt 2 bên trái, phải của đền cân xứng nhau. Nhà bia tạo bởi 1 gian 4 cột gỗ chắc khoẻ nâng đỡ lấy bộ khung mái tạo sự vững chắc và thanh thoát. Giữa đặt bia đá ghi về công trạng tiến sĩ Thân Nhân Trung. Đến phần sân, chính giữa sân tạo bức bức bình phong với ý nghĩa là biểu trưng của phong thủy, là lá chắn để đảm bảo cho sự bình yên của ngôi đền. Bức bình phong được làm bằng chất liệu đá xanh, tạo tác trang trí theo hình cuốn thư. Phía trên cùng của bình phong trang trí hoa văn kỷ hà, xung quanh là hình vân mây mềm mại và phía trung tâm của bức bình phong là hình hổ ngồi chầu. Hậu cung gồm 1 gian 2 chái. Hậu cung được ngăn cách với tòa Thiêu hương bởi hệ thống cửa thượng song hạ bản, trên hệ thống cửa trang trí các đề tài tứ quý, tứ linh. Các vì liên kết với nhau theo kiểu thức con chồng, đấu kê, trụ giá chiêng. Tất cả các bức cốn, đầu dư, kẻ, bẩy... đều được trang trí bằng những mảng chạm lộng, chạm kênh bong, chạm nổi kết hợp với sự điêu luyện, tinh tế. Các đề tài trang trí rất phong phú như: tứ linh, tứ quý, kỷ hà... đường nét chạm khắc đẹp, khối hình to, tròn mập. Bên trong Hậu cung là nơi đặt tượng thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, cùng bài vị của Thân Phụ và Thân Mẫu Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Trong những năm qua, để động viên khích lệ tinh thần hiếu học, dòng họ Thân cũng như các dòng họ khoa bảng khác tại tổ dân phố Yên Ninh đã phát động phong trào đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, hằng năm trao thưởng cho con em có nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện tại đền; một số trường học trên địa bàn thị trấn cũng đến dâng hương tưởng niệm và tổ chức lễ vinh danh học sinh giỏi tại đền; một số du khách trong và ngoài tỉnh cũng đã bước đầu đến thăm quan tìm hiểu về ngôi đền và Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Cùng với các di tích trong vùng như đền thờ Tiến sĩ, Nghè Nếnh, Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã trở thành địa điểm giáo dục truyền thống văn hóa về tinh thần hiếu học cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em hiểu và trân quý những giá trị di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. Với những giá trị to lớn, gắn với danh nhân tiêu biểu của quốc gia dân tộc, ngày 09/6/2022, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 1150/QĐ-UBND). NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 104 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Đồng Neo

Chùa Đồng Neo tọa lạc trên địa bàn thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Được xây dựng vào năm 1699, niên đại của chùa có hơn 300 tuổi. Đây là ngôi chùa cổ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa vào ngày 31/12/1997. Chùa được xây dựng theo kiến trúc : “Nội công ngoại quốc", nhà côn sơn đương tiện, lối kiến trúc cổ, hoa văn tinh xảo và độc đáo là kiến trúc đặc trưng của thời Hậu Lê. Ngôi Tam Bảo được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh có 7 gian tiền đường và 3 gian hậu điện. Vật liệu để dựng chùa là tường gạch Bát tràng cổ và cột chống, mái bằng gỗ. Tại 4 góc mái là bốn mái đao cong vút chạm trổ đầu rồng. Mái chùa được dựng với kiến trúc đặc trưng thời Hậu Lê đó là theo dạn thức bộ vì kiểu “chồng rường" và “thượng rường hạ bẩy". Hệ thống chịu lực gồm 2 hàng cột gỗ lim, đường kính 0,40m, đều được kê trên chân tảng đá. Lối kiến trúc truyền thống rường - bẩy đã tạo ra nhiều khoảng không gian nền cho nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian ở tất cả các chi tiết: đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng... thể hiện các đề tài trang trí : Rồng - phượng trong phong cách nghệ thuật hóa thân : các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc, đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn nơi thánh thần ngự tọa - một đặc điểm của tư duy kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ : tự nhiên và cuộc sống luôn là đề tài chủ đạo cho mọi sáng tác nghệ thuật, nhất là nghệ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tín ngưỡng. Trong ngôi Tam Bảo còn lưu giữ thờ tượng Phật vô cùng quý giá có từ thời Hậu Lê. Cách bài trí tượng thờ đặc trưng của các chùa miền bắc và sự kết hợp quan điểm Tam giáo đồng nguyên gồm 3 pho Tam Thế, tam Thánh Tây Phương, tượng Đức Bản Sư niêm hoa vi tiếu, tượng Di Lặc, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào Bắc Đẩu, tòa Cửu Long. Các đồ thờ trong chùa đều bằng gỗ và chạm khắc tinh xảo. Trong chùa có các hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo như : đại tự “Hiển ứng linh", đại tự “Tuệ nhật viên dung"… có từ thời Nguyễn. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ được hơn 100 bản khắc bằng gỗ mít gồm kinh Lăng Nghiêm và kinh Viên Giác. Sau chùa là 3 gian nhà Tổ, mới được trùng tu. Trước đây, vào thời kháng chiến chống Pháp nhà Tổ được kiến trúc theo hình chữ Nhị, nhưng đã được tháo dỡ 7 gian tiền đường để phục vụ kháng chiến. Hiện nay, trong nhà Tổ còn thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư vị Tổ sư từng trụ trì tại chùa, đều là tượng cổ, điêu khắc độc đáo. Ngoài ra chùa còn nhiều cổ vật quý giá được lưu giữ qua nhiều thế hệ như : Thống đá đựng nước thời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 23 tức năm Nhâm Ngọ (1702). Thống đá cổ này do một gia đình họ Nguyễn làm quan trong triều Lê về tiến cúng. Chùa có chuông cổ ngày ngày vào lúc sớm chiều , chiêu mộ đều ngân vang, nhưng ít người được biết đến chuông được đúc từ thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 21 tức năm 1700. Hơn 300 năm nay, tiếng chuông chùa luôn gắn bó với dân làng cũng như những người con sống xa quê. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ các bia đá cổ : - Bia đá Đồng Neo tháp, 4 mặt khắc chữ có từ năm 1679. - Bia đá Linh ứng tự năm 1895. - Bia đá Hậu Phật ký năm Duy Tân thứ năm (1911) - Phía trước tháp chuông có một cây hương đài bằng đá cao 1,2m, có 4 cạnh rộng 0,18m có dòng chữ ghi : Lê triều Chính Hòa, nhị thập niên, Kỷ Mão phi việt cát nhật (nghĩa là năm 20 niên hiệu Chính Hòa 1699). Ngoài những bảo vật bằng đá, bằng đồng, chùa còn có vườn tháp cổ như các tháp - Tháp Minh Quang được xây bằng gạch 3 tầng, bia tháp ghi : Tự Đức thập nhất niên- năm Tự Đức thứ nhất (1864), là tháp thờ Hòa Thượng Thích Chiếu Khuông. - Tháp Thiên quan bảo tháp bằng gạch 3 tầng xây dựng thời vua Minh Mệnh 1827. - Tháp Phả Đồng Minh được xây dựng từ thời Nguyễn thờ 3 vị sư : Phổ Chiêu, Phổ Hiếu, Phổ Nghiêm. - Tháp có giá trị nhất là Tịnh Minh tháp bằng đá 3 tầng được xây dựng năm Tân Dậu, đây là tháp thờ Hòa thượng Thích Tường Tường. Trên tháp có đôi câu đối : Huân lao tịnh nghiệp thiết lâm đài, Lật ngật kình dương thành chế để" Hoà thượng Thích Chiếu Khuông sinh năm Mậu Tuất (1778) vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 39, người quê Siêu Loại - phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh.) Thân mẫu là Nguyễn Thị Đàm ở làng Đông. Đến triều Cảnh Thịnh năm thứ 3 (1796), Hoà thượng cùng 18 người vào chùa Khánh Quang thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Lâm Tế đàng ngoài làm lễ thế phát xuất gia. Hoà thượng là cháu đời thứ 9 của Thiền sư Chuyết Chuyết. Hoà thượng là người thông minh, dĩnh ngộ không khác gì một tỵ Tổ, chay tịnh làm theo các điều răn dạy của Phật Tổ. Đến niên hiệu Bảo Hưng năm thứ nhất (1801), Hoà thượng đã thụ giới cụ túc. Sau đó, Hoà thượng về chùa Đồng Neo trụ trì. Hoà thượng đã tiến hành sửa chữa thượng điện, làm mới tượng Phật, làm nhà để chúng Tăng ở. Đến thời vua Tự Đức, Hoà thượng làm lại nhà Tổ, tạc tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma (vẫn còn thờ tại nhà Tổ ngày nay). Năm Giáp Tý - 1865, Hoà thượng lúc này đã 87 tuổi đời, 64 năm tuổi hạ công đức tu hành đã viên mãn. Nhằm ngày 15 tháng 2, Hoà thượng ngồi trên đàn trà tỳ, chúng Tăng vĩnh biệt Hoà thượng với lòng tôn kính vô biên. Hoà thượng đã thâu thần thị tịch nhập Niết Bàn. Đồ chúng đã cung nghinh xá lợi Hoà thượng nhập phù đồ. Hàng năm, nhân dân Phật tử chùa Đồng Neo tưởng nhớ công đức của Giác linh Hoà thượng đối với Đạo pháp- Dân tộc đã tổ chức Lễ tưởng niệm để tri ân, báo ân đối với bậc Tổ sư cao Tăng đắc đạo. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Tiền Tiến , thành phố Hải Dương.

Hải Dương 124 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Động Ngọ

Là một ngôi chùa cổ tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (trước thuộc huyện Thanh Hà), thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chùa Động Ngọ là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương. Niêm đại chùa có hơn 1000 năm tuổi, trong chùa có nhiều cây cổ thụ có khoảng 600 đến 700 tuổi. Quốc sư Khuông Việt đã xây dựng chùa này vào năm 971 theo chiếu lệnh của vua Đinh Tiên Hoàng. Hiện nay chùa mang nhiều dấu ấn kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, thuộc hệ phái Bắc tông, là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Trước năm 1947, chùa có quy mô lớn. Nay nhỏ lại, bố cục vuông vắn, hình chữ quốc, mỗi mặt 5 gian. Đặc biệt là tòa Cửu phẩm vuông, hai tầng 8 mái, với 4 cột suốt, 12 cột con đỡ, 4 mái dưới, mái tầng trên đỡ thêm bởi 4 cột con. Chùa Động Ngọ còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo bằng đá mới được xây dựng gần đây. Từ cuối thế kỷ XX, đại đức Thích Thanh Thắng, khi về trụ trì tại đây, đã đi khắp các vùng Bắc Bộ kiếm tìm những cối đá, trục đá, cầu đá, quả trục lăn lúa mang về chùa rồi sắp đặt thành các công trình đặc sắc. Nổi bật là bờ tường với chấn song trục đá; hai chiếc giếng tròn được trang trí bằng rất nhiều trục đá, cối đá trước sân chùa; cây cầu đá dài gần 3m; hành lang, lối đi bằng cối đá đủ các kích cỡ. Đặc biệt là tấm bản đồ Việt Nam dài 30m, rộng 10m được xếp bằng khoảng 300 cối đá trong khuôn viên chùa. Chùa có 07 tấm bia cổ hai mặt khắc hai bài ký với hai niên đại sớm gồm: Lý Thái Bình (Lý Thánh Tông, 1054 – 1058, niên hiệu Long Thụy Thái Bình) và Đại Chính nguyên niên (Mạc Thái Tông, 1530). Ngoài ra có một bát hương năm Hoằng Định thứ 19 (1619). Tấm bia “Kiến khai Cửu Phẩm Liên Hoa bi ký" có niên đại năm Chính Hòa thứ 13 (1692) (đời vua Lê Hy Tông), xác nhận niên đại của kiến trúc hiện thời, bia ghi. Cây Cửu Phẩm Liên Hoa hơn 320 năm tuổi là tác phẩm nghệ thuật giá trị và lâu đời nhất tại chùa hiện nay. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận tòa Cửu Phẩm Liên Hoa này là bảo vật quốc gia. Hiện nay tại Việt Nam chỉ tồn tại đúng ba tòa tháp Cửu phẩm liên hoa cổ bằng gỗ, hai tháp còn lại đặt tại chùa Giám (Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Cây Cửu Phẩm Liên Hoa đặt ở giữa lòng nội thất tòa (nhà) Cửu phẩm, cao 5m30, mặt cắt 6 cạnh đều, 8 tầng dưới, mỗi tầng cao đều 54 cm, tầng trên cùng cao 98 cm. 9 tầng, 6 mặt, mỗi mặt gắn 3 pho tượng nhỏ, tổng số tượng là 162 pho, năm 1989 còn 146 pho. Ba tượng nhỏ mỗi mặt gồm Phật A Di Đà ở giữa, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiển Bồ Tát. Các tượng có kích cỡ bằng bắp tay được tạo tác bằng gỗ, thếp vàng rất tinh xảo. Nhìn tổng thể, tòa cửu phẩm là một kiến trúc đặc sắc về thế giới Phật pháp vô biên, huyền diệu, tầng tầng lớp lớp. Cây Cửu Phẩm Liên Hoa được đặt trên những chiếc chân cột đá hình hoa sen. Trước đây đài cửu phẩm có thể quay tròn quanh trục. Qua thời gian, đến nay đài cửu phẩm không còn quay được nữa. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Tiền Tiến , thành phố Hải Dương.

Hải Dương 128 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật